Powered By Blogger
BÁO LỀ PHẢI ĐƯA TIN VỀ NHỮNG NỔ LỰC CỦA VNCH
 TRONG VIỆC KHAI THÁC CÁC GIẾNG DẦU
TTO (Nhiều kỳ từ 4/2018-7/2019) 
Chỉ với 6 mũi khoan đầu tiên mà đã tìm thấy hai giếng dầu có khả năng thương mại, một giếng có dấu vết là sự thành công rất lớn. Tỉ lệ thành công này cao hơn cả tỉ lệ trung bình của ngành dầu khí thế giới.

Ngay sau khi trúng thầu, các trùm dầu hỏa thế giới Pecten, Mobil, Esso, Sunningdale, Marathon lập tức bắt tay khảo sát địa vật lý. Họ cho tàu khảo sát tổng cộng 46.960km tuyến trong các lô đã trúng thầu trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam trước 1975. 

Khi Sài Gòn đẩy mạnh nỗ lực khai thác dầu hỏa, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa vào đầu tháng 1-1974. Lo ngại hải quân Trung Quốc tiếp tục tiến xuống Trường Sa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cử các tàu chiến mạnh nhất của mình về phòng thủ Trường Sa. 

Và ngay sau lớp chiến hạm phòng vệ này là các công ty dầu hỏa quốc tế đang tìm kiếm dầu khí.
Những mũi khoan đầu tiên

Nửa cuối năm 1974, Pecten tiến hành khoan 4 giếng Hồng-1X, Dừa-1X, Dừa-2X, Mía-1X bằng giàn khoan Ocean Prospecter nửa chìm (semi - submersible). Do dông bão trên Biển Đông, giữa tháng 8-1974, ống khoan mới bắt đầu được hạ xuống biển. 

Báo chí Sài Gòn bám sát sự kiện này, viết nhầm giếng Hồng-1X, lô 08, thành Hồng 9 do suy diễn từ chữ số La Mã, trong khi chính xác thì 1 là số thứ tự giếng thứ nhất, còn X viết tắt từ Exploration có nghĩa thăm dò.

Cái tên Hồng 9 báo chí đặt vừa đẹp vừa may mắn, nhưng ở độ sâu 1.609m, mũi khoan của Pecten chỉ thu được ít dầu tàn dư, không đạt trữ lượng khai thác thương mại. Pecten sau đó cho biết đây là giếng khô, không có dầu công nghiệp, giàn khoan sẽ chuyển sang vị trí khác.

Riêng giếng Dừa-1X sang ngày 2-9-1974 mới được Pecten bắt đầu khoan với kế hoạch độ sâu cuối cùng khoảng 4.500m. Công việc ban đầu khá thuận lợi. Sau 3 ngày, tức ngày 5-9, mũi khoan xuống độ sâu 1.200m, ngày 19-9 xuống 3.000m. Đến ngày 10-10, mũi khoan xuống sâu tới 4.000m, chỉ còn cách đích 500m. Pecten thử vỉa thu được kết quả 2.200 thùng dầu thô/ngày và 480.000m3 khí. 

Trong khi Pecten tạm trám giếng này lại, chờ tính toán khai thác, báo chí Sài Gòn giật tin nóng: Giếng Dừa 9 (thật ra là Dừa-1X) tìm thấy mỏ dầu có trữ lượng 1 tỉ thùng đủ để khai thác hơn 30 năm. Ngày 6-11-1974, giàn khoan của Pecten đến giếng Mía-1X ở lô 06. Mũi khoan đã đạt độ sâu 3.600m và tìm thấy dấu vết dầu, nhưng Pecten đã trám lại mà không thử vỉa...

Mũi khoan thứ 4 và cũng là mũi khoan cuối cùng của Pecten được thực hiện tại giếng Dừa-2X, vị trí chỉ cách giếng Dừa-1X gần 2 km - nơi đã tìm thấy 2.200 thùng dầu một ngày. Kế hoạch chi tiết của Pecten gửi về Ủy ban Quốc gia dầu hỏa VNCH khá lạc quan: sẽ khoan đến độ sâu 4.300m để thẩm lượng, chuẩn bị khai thác dầu thương mại. 
Tuy nhiên, đến giữa tháng 4-1975, mũi khoan vẫn chưa hoàn thành thì Pecten phải nhổ neo di dời giàn khoan trước tình hình chiến sự ngày càng áp sát Sài Gòn. Chính phủ VNCH sụp đổ cũng có nghĩa là hợp đồng ký kết với Pecten không còn hiệu lực nữa.

Trong khi đó, ngày 20-1-1975, mũi khoan của Mobil xuống đến độ sâu 2.000m của giếng Bạch Hổ-1X trong lô 04, bể Mekong. Ngày 11-2-1975, Mobil thử vỉa ở độ sâu 3.000m, thu được 430 thùng dầu một ngày và 5.600m3 khí đồng hành. Bảy ngày sau, họ lại thử vỉa lần thứ hai và tiếp tục thu được 2.400 thùng dầu và 25.000m3 khí đồng hành. 

Kết quả này được liên doanh Mobil - Kaiyo đánh giá rất triển vọng. Họ chuẩn bị các tiến trình để đi đến giai đoạn khai thác dầu khí thương mại, như khoan thêm mũi thử nghiệm kích thước mỏ, trữ lượng. Mobil dự kiến chỉ cần ba năm, tức khoảng năm 1977, họ sẽ khai thác được dầu thương mại tại mỏ này.
Niềm vui dở dang

Tin vui được gửi nhanh về Sài Gòn. Việt Tấn Xã tường thuật: "Hôm nay, 15 giờ, thứ hai, ngày 24-2-1975, tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã rời Sài Gòn đi quan sát giếng dầu Bạch Hổ-1X khoan cách Sài Gòn chừng 200 cây số về hướng đông nam trên thềm lục địa Việt Nam... 

Cùng tham dự với tổng thống hôm nay có thủ tướng chính phủ Trần Thiện Khiêm, ông tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng, ông tổng cuộc trưởng Dầu hỏa và khoáng sản Trần Văn Khởi và ông tổng giám đốc Mobil Vietnam Peter Gelpke".

Sau kết quả thăm dò tốt đẹp ở giếng Bạch Hổ-1X, Mobil cho dời tàu khoan Glomar IV đến khoan giếng Đại Hùng-1X ở lô số 03. Kế hoạch của Mobil thông báo với Sài Gòn là sẽ khoan đến độ sâu gần 4.000m, thời gian khoan dự kiến tối đa 2,5 tháng. Tuy nhiên, cũng như mũi khoan ở giếng Dừa-2X phải dừng giữa chừng vì hồi kết chiến cuộc, mũi khoan ở Đại Hùng-1X này chỉ xuống được độ sâu 1.819m thì dở dang. 

Mobil phải đình chỉ tất cả công việc trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam giữa tình hình nóng bỏng một tuần trước ngày 30-4-1975. Glomar nhổ neo, thu ống khoan, di chuyển về cảng Singapore. Các công ty khác như Esso, Sunningdale chưa kịp khoan giếng nào và đỡ chịu thiệt hại hơn Mobil và Pecten quá nhanh chân đi trước.
Bước ngoặt lịch sử đã làm sụp đổ chính phủ VNCH ở miền Nam Việt Nam, kết thúc "giấc mơ dầu hỏa sẽ thay đồng tiền viện trợ Mỹ, để bảo vệ và phát triển miền Nam". Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn ngủi, ngành dầu hỏa Sài Gòn cũng làm được rất nhiều việc. Đặc biệt là chỉ nửa năm trước ngày 30-4-1975, sáu giếng khoan đã được thực hiện để thăm dò dầu hỏa trên thềm lục địa miền Nam. 

Trong đó, giếng Bạch Hổ-1X đã tìm thấy dòng dầu thương mại và được chuẩn bị kế hoạch khai thác quy mô công nghiệp vào năm 1977. Giếng Dừa-1X cũng phát hiện dòng dầu có khả năng thương mại. Giếng Hồng-1X thì có dấu vết dầu.

Bạch Hổ, mỏ dầu chủ lực quyết định thành - bại của ngành dầu khí Việt Nam, được tìm thấy từ trước 30-4-1975.

Khi chiến tranh Việt Nam gần đến hồi kết, các công ty dầu quốc tế rút lui. Bạch Hổ nằm yên dưới đáy biển suốt hơn một thập niên cho đến ngày được bùng lên để khai thác.

Đạo luật dầu hỏa tham khảo Iran

Thập niên 1960, nhiều quốc gia trong khu vực đã khai thác được dầu thương mại để làm giàu. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu rất hiểu điều này.

Kinh tế VNCH thời chiến chưa có gì ngoài một nền nông nghiệp lỗ chỗ lỗ bom, pháo và nông dân luôn nhấp nhỏm chạy nạn chiến sự.

Nhưng nhìn ra Biển Đông, Việt Nam có thềm lục địa rộng lớn, nhiều người biết chắc chắn nơi ấy có tài nguyên dầu khí...

Đạo luật 011

Tuy nhiên, để khởi động được nền công nghiệp dầu khí dù chỉ là bước đầu thăm dò, phải có cơ sở pháp lý. Một đạo luật dầu hỏa là không thể thiếu. Có nó mới có thể đàm phán được với các công ty dầu quốc tế, nhất là các công ty Mỹ.

Đặc biệt, đạo luật này vô cùng cần thiết để VNCH bảo vệ được quyền lợi của mình và xây dựng nền hạ tầng nhân - vật lực phục vụ cho ngành dầu khí.

Một số đạo luật dầu hỏa của các nước được nghiên cứu, nhưng cuối cùng chính quyền Sài Gòn chọn đạo luật của Iran để tham khảo xây dựng đạo luật cho riêng mình. Bởi Iran có nền công nghiệp dầu hỏa rất lớn, nhưng lại khởi đầu phụ thuộc vào phương Tây với nhiều kinh nghiệm mà miền Nam Việt Nam có thể học hỏi.

Các chuyên gia Hồ Mạnh Trung, Võ Anh Tuấn thuộc Nha Tài nguyên thiên nhiên, Bộ Kinh tế VNCH, được giao chủ trì soạn thảo bộ luật mới mẻ này. Nền tảng đạo luật là hợp đồng đặc nhượng.

Một nguyên tắc cơ bản mà những nước có tiềm năng dầu hỏa phải áp dụng khi phụ thuộc vào các công ty quốc tế có tiềm năng tài chính, khoa học và kỹ thuật để khai thác được.

Nguyên tắc hợp đồng đặc nhượng đó là các công ty dầu khí quốc tế phải trả cho VNCH hai khoản thuế chính: nhượng tô 12,5% (tiền thuê đất) và thuế lợi tức 45-55% số lượng dầu sản xuất.

Đạo luật cho phép thời gian các công ty tìm kiếm dầu khí là 5 năm, có thể gia hạn thêm 5 năm; riêng thời gian sản xuất là 30 năm, có thể gia hạn thêm 10 năm...

Lần đầu tiên soạn thảo và chưa từng có trải nghiệm để chỉnh sửa nhưng đạo luật dầu hỏa VNCH được giới chuyên môn đánh giá khá chặt chẽ, chú trọng quyền lợi quốc gia. Toàn bộ đạo luật gồm 6 chương với 66 điều.

Nội dung là những quy định cụ thể, chi tiết về việc thăm dò, khai thác dầu hỏa trên thềm lục địa và trên lãnh thổ VNCH từ vĩ tuyến 17 trở vào. Quyền đặc nhượng cho các công ty dầu hỏa do thủ tướng Chính phủ VNCH quyết định.

Theo đó, các công ty quốc tế xin được cấp quyền đặc nhượng bắt buộc phải đóng trước 500 USD (hoặc 137.000 đồng tiền Sài Gòn). Số tiền nhỏ ban đầu này được gọi là tiền đăng ký chữ ký.

Sau khi hợp đồng đặc nhượng được ký kết và tiến hành thăm dò, khai thác, họ còn phải đóng thêm các khoản tiền lớn bất khả hoàn cho Chính phủ VNCH.

Đạo luật quy định cụ thể diện tích đặc nhượng tìm kiếm dầu hỏa được chia thành từng nhượng địa, mà sau này thường gọi là lô. Mỗi nhượng địa không quá 20.000km2. Mỗi công ty không được cấp quá 5 nhượng địa, tức không quá 100.000km2.

Quy định này để có nhiều công ty tham gia, cạnh tranh với nhau cũng như tránh dẫn đến tình trạng chính phủ và ngành dầu hỏa quốc gia phải phụ thuộc quá nhiều vào sự độc quyền của một công ty quốc tế.

Thời hạn quyền đặc nhượng tìm kiếm có thể biến động tùy theo từng trường hợp đàm phán hợp đồng, nhưng kéo dài trong khoảng 5-15 năm.

Đặc biệt, riêng quyền đặc nhượng khai thác dầu hỏa Chính phủ VNCH xét cấp cho mỗi nhượng địa không quá 5.000km2 trong thời hạn không dài hơn 40 năm.

Thành lập Ủy ban quốc gia dầu hỏa

Sau một thời gian dài nghiên cứu, soạn thảo và lấy ý kiến, ngày 1-12-1970, ông Thiệu ký ban hành đạo luật dầu hỏa VNCH số 011/70.

Tháng 6-1971, tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc công bố sẽ cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu mỏ tại thềm lục địa với thể thức đấu thầu.

Toàn bộ vùng này nằm trong thềm lục địa miền Nam Việt Nam, được chia thành 61 nhượng địa, tức 61 lô. Trong đó 60 nhượng địa có diện tích tương đối bằng nhau, riêng nhượng địa thứ 61 rộng hơn với tổng diện tích khoảng 300.000km2.

Chính phủ VNCH sử dụng kết quả đo đạc địa vật lý lần thứ hai, năm 1970, của Công ty Ray Geophycical Madrel trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam để làm cơ sở cho các công ty đấu thầu...

Tính từ thời điểm soạn thảo đạo luật dầu hỏa, chiến tranh ngày càng leo thang khốc liệt, nhưng các bước tiến nỗ lực thăm dò, khai thác dầu hỏa của VNCH được đánh giá là rất nhanh chóng. Ngay khi đạo luật dầu hỏa có hiệu lực, Ủy ban quốc gia dầu hỏa VNCH cũng được thành lập.

Ngày 7-1-1971, chỉ một tháng sau khi đạo luật được phê chuẩn, thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký sắc lệnh số 003-SL/KT thành lập Ủy ban quốc gia dầu hỏa. Chủ tịch ủy ban này cũng chính là tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc.

Đến tháng 6-1974, Chính phủ VNCH tiếp tục thành lập Tổng cuộc Dầu hỏa và khoáng sản để đẩy nhanh tiến độ khai thác, thăm dò dầu hỏa. Trụ trở tổng cuộc đặt tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi là văn phòng cũ của Nha Tài nguyên thiên nhiên.

Tổng cuộc có năm phòng trực thuộc để làm việc, gồm Cuộc dầu hỏa, Nha kế hoạch huấn luyện, Cuộc khoáng sản, Trung tâm nghiên cứu địa chất, Nha hành chánh và kế toán. Trong đó, kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách Cuộc dầu hỏa, kỹ sư phụ dầu khí Phí Lê Sơn đảm nhiệm Nha kế hoạch huấn luyện.

Từ năm 1967, Cơ quan Hải dương học Mỹ khảo sát toàn bộ thềm lục địa Việt Nam. Tiếp đó, Alping Geophysical Corporation cũng triển khai nghiên cứu...

Khảo sát dưới đáy biển

Năm 1968. Vài chiếc máy bay của không quân Mỹ lặng lẽ làm nhiệm vụ bí mật. Chúng không mang bom và bay ngược ra Biển Đông. Phi hành đoàn cũng khá đặc biệt. Họ mặc đồ dân sự, mang theo các máy chụp ảnh và thiết bị chuyên dụng để đo từ hàng không.

Đó là phi đội "địa vật lý" hàng không (Airborne Geophysics). Đây là nhiệm vụ bí mật. Chính quyền Sài Gòn không công bố. Thi thoảng họ mới hé chút thông tin cho báo chí để phục vụ mục đích chính trị.
Cùng trong năm 1968, bên cạnh không quân Mỹ, các công ty khảo sát hải dương của Anh cũng tham gia khảo sát biển Nam Việt Nam. Sang năm 1969, Naval Oceanographic Office đã thực hiện khảo sát vùng vịnh Thái Lan và Biển Đông với chiều dài hơn 16.000km mạng lưới tuyến. 

Ray Geophysical Mandrel cũng gấp rút đo địa vật lý hơn 3.480km tuyến ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam.

Đặc biệt, sang năm 1970, lúc đạo luật dầu hỏa VNCH chuẩn bị được ban hành, Mandrel lại tiếp tục thực hiện đợt khảo sát lần thứ hai với quy mô lớn hơn trước. Bản đồ khảo sát dọc theo bờ biển miền Nam Việt Nam và phía Nam Biển Đông.

Lần này Mandrel áp dụng các kỹ thuật khảo sát địa vật lý hiện đại nhất lúc bấy giờ là địa chấn, từ và trọng lực. Hơn 8.400km tuyến đã được khảo sát. 

Đợt này ngân khố Chính phủ Sài Gòn không phải tốn đồng nào. Một nhóm công ty dầu hỏa của Mỹ, Anh đã bỏ tiền thuê Mandrel khảo sát. 

Lý do chính để những nhà tài phiệt dầu hỏa chịu chi là do họ tiếp cận được các kết quả khảo sát sơ bộ từ năm 1968 của không quân Mỹ và các công ty hải dương Anh.

Khảo sát đã dẫn đến kết quả đánh giá sơ bộ có một tầng trầm tích dày 3-4km với kiến tạo khá thuận lợi cho khả năng chứa dầu.

Sau đợt khảo sát thứ hai vào năm 1970 của Mandrel và một số công ty khác, kết luận về tầng trầm tích dày hơn 2km dưới thềm lục địa Nam Việt Nam gần như là chắc chắn. 

Các số liệu khảo sát địa vật lý đã chỉ dẫn ba bồn trầm tích có thể chứa dầu là Sài Gòn - Brunei (sau này gọi là bể Nam Côn Sơn), Mekong (bể Cửu Long), vịnh Thái Lan (bể Malay - Thổ Chu).

Đến thời điểm này, chính quyền Sài Gòn đã nhìn thấy rõ ràng dấu hiệu lạc quan của ngành dầu hỏa mà mình vừa khởi động chưa được bao lâu.

Họ hi vọng nếu tiến hành khai thác sớm, nền kinh tế miền Nam Việt Nam sẽ rẽ sang một bước ngoặt mới và chắc chắn không còn phải quá phụ thuộc vào túi tiền viện trợ Mỹ.

Mỏ dầu Bạch Hổ: Tìm bể dầu dưới thềm lục địa - Ảnh 2.
Bản đồ các bể trầm tích có thể chứa dầu ở Biển Đông - Ảnh: TĐDKVN

Những cuộc "đi đêm" của Conoco

Từ năm 1970, các số liệu khảo sát bắt đầu được công khai. Chính quyền Sài Gòn muốn cho cả thế giới thấy "tiềm năng giàu có" của VNCH và mời gọi các công ty quốc tế vào đầu tư thăm dò, khai thác. 

Conoco, công ty dầu hỏa của Mỹ, nhanh chóng đến sớm. Họ có những buổi làm việc con thoi với các quan chức chính quyền Sài Gòn.

Conoco muốn được giao những lô đặc nhượng lớn ngoài thềm lục địa miền Nam Việt Nam để có thể thăm dò, khai thác tối ưu trong lâu dài. 

Đồng thời, họ cũng "cảnh báo" Sài Gòn không nên tin tưởng và giao nhượng địa cho các trùm dầu hỏa thế giới như Shell, Esso. Các công ty khổng lồ này đang bận rộn với các quốc gia Trung Đông và nhiều khu vực khác. Họ có thể chỉ "xí chỗ" để đó. Sài Gòn sẽ chỉ dài cổ đợi mà chẳng được gì. 

Đặc biệt, họ cũng "khuyên" Sài Gòn không nên quá quan tâm đến khoản tiền "hoa hồng chữ ký" khi mời thầu, mà phải buộc các nhà thầu nhanh chóng thăm dò, khai thác.

Cuối cùng, Conoco nói rõ là muốn được giao một lô lớn từ 10.000km2 hoặc hơn nữa. Việc này chỉ nên thương lượng riêng giữa Conoco và Chính phủ Sài Gòn, không cần qua đấu thầu cạnh tranh với các công ty khác.

Các nhà lãnh đạo chính quyền Sài Gòn hoãn binh, không vội lắc hay gật trước đề nghị của Conoco. Trong khi đó, họ đẩy nhanh tiến độ thực hiện một cuộc chào thầu lớn ra công ty dầu hỏa quốc tế. Các thể thức hợp tác khai thác quốc tế trong OPEC được nghiên cứu kỹ.

Trong đó có thể thức hợp đồng phân chia sản phẩm như Iran, Indonesia đã thực thi; hợp đồng dịch vụ Iran, Venezuela; hợp đồng điều hành như Algeria. 

Trong các hợp đồng phân chia sản phẩm và dịch vụ, công ty dầu hỏa quốc tế có trách nhiệm khai thác dầu và được chia tỉ lệ dầu sản xuất với nước chủ nhà như 40/60, 25/75.

Nhưng điều mà chính quyền Sài Gòn lưu tâm là kinh nghiệm một số quốc gia khởi đầu ngành công nghiệp dầu hỏa khi hợp tác với công ty quốc tế. Họ học hỏi đủ kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật để tự lập việc thăm dò, khai thác dầu của riêng mình.

Sài Gòn nhìn xa đến tương lai này. Họ không muốn bị các ông trùm dầu hỏa o ép và tài nguyên quốc gia chảy vào túi tiền nhà tài phiệt. 

Mặc dù đạo luật dầu hỏa của VNCH không quy định phải đấu thầu, nhưng các chuyên gia tư vấn người Anh đã khuyên nên đấu thầu công khai để đảm bảo được quyền lợi quốc gia một cách tốt nhất.

HOA HỒNG BAN ĐẦU TRONG VIỆC KHAI THÁC DẦU TRONG THỀM LỊC ĐỊA VNCH

Mùa hè năm 1971 rất nóng. Nhiệt độ ở Sài Gòn hơn 35 độ C. Tiến độ gọi thầu thăm dò, khai thác dầu hỏa được yêu cầu phải đẩy nhanh.

Tháng 2-1974, VNCH công bố đợt gọi thầu khai thác dầu khí thứ hai trên thềm lục địa. Lần này có 33 lô với diện tích mỗi lô khoảng 4.000km2
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, giám đốc Cuộc Dầu hỏa thuộc Tổng cuộc Dầu hỏa và khoáng sản Sài Gòn, kể: "Cả sáu người của văn phòng cùng nhau chia sẻ mọi công việc cần phải làm, dịch bản hợp đồng đặc nhượng gốc tiếng Anh sang tiếng Việt. 

Để kịp trình Ủy ban Quốc gia dầu hỏa cứu xét cho việc chuẩn bị đấu thầu, cả nhóm cùng nhau thức hôm thức khuya, nhất là trong giai đoạn thực hiện in roneo hai bản hợp đồng đặc nhượng mẫu bằng tiếng Anh và tiếng Việt...".

Cuộc gọi thầu đầu tiên

Chứng nhân tìm dầu hỏa thời ấy kể tiếp: "Chúng tôi đánh máy, chữa lỗi từng trang stencil đến mờ mắt, quay roneo trên giấy trắng cỡ 21x33cm, in bìa, đục lỗ, đóng thành tập.

Các hợp đồng đặc nhượng mẫu này cùng các văn kiện khác sẽ được trao cho các công ty tham khảo trước khi dự thầu. Toàn bộ các văn bản này đã được văn phòng hoàn tất trong sáu tháng và được Ủy ban Quốc gia dầu hỏa chấp nhận".

Ngày 15-8-1971, 18 công ty dầu hỏa nộp bản trả lời, với ba công ty trong nước và 15 công ty quốc tế.

Ủy ban Quốc gia dầu hỏa trực tiếp xét duyệt tất cả hồ sơ. Cả ba công ty quốc nội đều không đạt yêu cầu. Các công ty nước ngoài được cẩn thận xem xét từng yếu tố như kinh nghiệm, chuyên môn, tình hình tài chính...

Ngày 24-3-1973, Bộ Kinh tế một lần nữa thông báo cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm và khai thác dầu. Tổng cộng 19 hồ sơ công ty quốc tế lại gửi tới, như vậy tính chung cả hai đợt đã có 37 hồ sơ.

Tuy nhiên, 10 hồ sơ đã bị Ủy ban Quốc gia dầu hỏa loại vì không đạt yêu cầu. Các công ty dầu hỏa của 27 hồ sơ còn lại được Bộ Kinh tế VNCH mời tham dự một phiên họp giải đáp thắc mắc ở Sài Gòn vào tháng 5-1973.

Ủy ban Quốc gia dầu hỏa cũng thông báo hạn chót nhận hồ sơ dự thầu chính thức là ngày 2-7-1973.

Ngày lịch sử khó quên được ông Nguyễn Văn Vĩnh nhớ lại: "Chờ mãi rồi ngày 2-7-1973 cũng đến. Mọi người vui vẻ chờ đón các công ty dầu quốc tế nhưng suốt buổi sáng không một ai đến nộp hồ sơ.

Buổi chiều cũng vậy. Không biết họ có thay đổi ý định không? Có sự kiện chính trị, quân sự gì quan trọng đang xảy ra không?".

Thế rồi vào lúc 4h chiều, một chiếc ôtô lạ chạy vào cổng. Vị luật sư đại diện của Esso bước ra.

Sau vài lời chào hỏi xã giao, ông ta trao cho ông Khởi, giám đốc tổng cuộc, một phong bì dán kín, dày cộm. Ông Khởi ký ngay trên lằn dán phía sau bao thư rồi mời ông ấy cùng ký.

Ngay sau đó tôi niêm phong, đảm bảo rằng hồ sơ của họ được tuyệt đối giữ kín cho đến khi mở ra cùng một lúc trước sự hiện diện của tất cả công ty và đại diện của họ vào sáng ngày mai...".

Esso, công ty dầu hỏa lớn hàng đầu thế giới, tham gia ngay đợt đấu thầu khai thác dầu khí ở miền Nam Việt Nam - Ảnh tư liệu

Sự tham gia của các ông trùm dầu hỏa

Sáng 3-7-1973 tại phòng khánh tiết Bộ Kinh tế, Ủy ban Quốc gia dầu hỏa mở niêm phong 18 bao thư...
Theo tiêu chí thắng thầu đã đề ra từ đầu, Esso thắng một lô với hoa hồng chữ ký 5 triệu USD. Mobil Oil với 2,5 triệu USD trúng hai lô gần Vũng Tàu và Phan Thiết. Shell Oil với 9 triệu USD trúng ba lô.

Sunningdale (Canada) gặp may chọn hai lô phía nam Mũi Cà Mau không ai cạnh tranh và thắng thầu dù số hoa hồng chữ ký thấp hơn rất nhiều so với các công ty kia. Tổng cộng tám lô này đã mang lại số hoa hồng chữ ký 16,6 triệu USD.

Số tiền này sẽ được các công ty chuyển cho VNCH trong vòng 30 ngày sau khi chính thức hợp đồng và nhận được sắc lệnh cấp quyền đặc nhượng.

Hơn một tháng sau đó, ngày 21-8-1973, buổi lễ ký hợp đồng đầu tiên được Chính phủ VNCH tổ chức ký kết với ba công ty dầu hỏa Esso, Mobil Oil và Sunningdale.

Ông Phạm Kim Ngọc, tổng trưởng Bộ Kinh tế kiêm chủ tịch Ủy ban Quốc gia dầu hỏa, đại diện cho chính phủ, ký kết với ba công ty. Khoảng một tuần sau, Shell cũng chính thức ký hợp đồng.

Lý do hoãn lại của Shell vì cần thời gian đàm phán liên doanh Công ty Cities Cervice để tăng tiềm lực tài chính. Liên doanh này có tên mới là Pecten Vietnam. Hợp đồng ký kết khá chặt chẽ và VNCH bảo đảm được các quyền lợi của mình.

Theo đó, công ty ký hợp đồng phải nộp cho Chính phủ VNCH một tín dụng thư bất khả hoàn của một ngân hàng quốc tế lớn với số tiền cam kết sử dụng thăm dò, khoan dầu. Tín dụng thư của Pecten là 20 triệu USD, Mobil 15 triệu USD, Esso 12 triệu USD.
Tháng 2-1974, VNCH công bố đợt gọi thầu khai thác dầu khí thứ hai trên thềm lục địa. Lần này có 33 lô với diện tích mỗi lô khoảng 4.000km2.

Chính phủ Sài Gòn gửi 50 hồ sơ mời thầu đến các công ty dầu hỏa. Điều kiện hợp đồng khắt khe hơn lần trước.

Nước chủ nhà giữ quyền chủ động hoàn toàn như có quyền điều chỉnh các mức thuế suất, quyền thay đổi các điều khoản hợp đồng, quyền thay đổi mức tham gia hợp tác đầu tư của Việt Nam.

Sau đó, 34 công ty được xác nhận đủ điều kiện đấu thầu. Nhiều nhất là Mỹ với 22 công ty, kế đến Canada năm công ty...

Các công ty lớn đã liên kết lại với nhau thành 10 liên doanh và chín liên doanh đã trúng thầu đợt thứ hai. Trong đó, liên doanh Pecten và Broken Hill trúng một lô, Mobil và Kaiyo Oil (Nhật) trúng hai lô...

Liên doanh trúng nhiều số lô nhất là Canadian Oil and Gas và Conzinc Rio Tinto (Úc) với bốn lô gồm 16.000km2 nhưng sau đã bỏ cuộc.

Tổng số tiền hoa hồng chữ ký mà Chính phủ VNCH nhận được trong đợt này là 29,1 triệu USD.

Nguồn từ Tuổi trẻ Online được đăng nhiều kỳ:
1.https://tuoitre.vn/mo-dau-bach-ho-tim-be-dau-duoi-them-luc-dia-20180428104352142.htm
2.https://tuoitre.vn/mo-dau-bach-ho-nhung-mui-khoan-gap-dau-20180430112144479.htm?fbclid=IwAR3_SkhXoEk9-bjaPohPKmxiH8jaUcOaVgZmif55Sw86qH9CTCqnXxWoWOc
3.https://tuoitre.vn/mo-dau-bach-ho-nhung-goi-thau-trieu-do-20180429120245208.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét