CÔ GIANG
(kỷ niệm ngày tang Yên Bái 17.6.1930-17.6.2014)
                                        

( Cô Giang)


Tình chồng, nợ đảng, gánh giang san!
Thác xuống tuyền đài hận chửa tan.
Xương trắng nêu cao gương hiếu nghĩa,
Máu hồng in thắm chữ trung can.
Ngàn năm tồ quốc ơn ghi mãi,
Một thác tình chung nghĩa trả toàn
Thành bại mặc ai người nghị luận,
Muôn ngàn năm để tiếng Cô Giang.
(không rõ tên)


                                                                       

 Cô Giang (1906–1930), tên gọi phổ biến của bà Nguyễn Thị Giang, là một nhà cách mạng người Việt chống thực dân Pháp và là hôn thê của Nguyễn Thái Học - lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bà là con thứ hai trong một gia đình gồm bảy người con cả trai và gái, vốn quê ở môt làng dệt thuộc tỉnh Hà Đông, vì thân phụ tham gia phong trào văn thân nên phải dời lên buôn bán tại số 2 phố Thọ Xương, thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

Sau khi học xong lớp nhất, Cô Giang cùng chị ruột là Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc) được nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu (tức Xứ Nhu) dìu dắt rồi kết nạp vào tổ chức Việt Nam Dân Quốc.


                                      

Ngày 25 tháng 12 năm 1927, nhóm trí thức trẻ trong Nam Đồng thư xã đứng ra thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau đó, đảng này sáp nhập với Việt Nam Dân Quốc vì họ có cùng mục tiêu là “đánh đuổi người Pháp ra khỏi nước Nam, giành nước Nam lại cho người Nam”.

 Nhờ việc sáp nhập này, Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Thái Học có dịp làm quen với Cô Giang. Hợp lòng nhau, vào một buổi chiều từ Phú Thọ về xuôi, hai người ghé vào Đền Hùng, sau khi hội đàm với các đồng chí của mình, cả hai vào đền thờ Tổ để cùng thề hẹn... Theo một Ủy viên trong Việt Nam Quốc Dân Đảng là nhà văn Nhượng Tống, thì trong buổi ấy, Cô Giang đã cố xin Nguyễn Thái Học giao cho một khẩu súng lục, và hứa rằng “nếu Học chẳng may chết vì nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!” 

Trong VNQDĐ Cô Giang được cử giữ chức:
- Tổng Thư Ký.
- Tuyên truyền & Liên lạc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái..
- Tham gia thành lập và tổ chức Binh đoàn Yên Bái.
- Trong ban chỉ huy mặt trận tỉnh Bắc Ninh trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa trên toàn miền Bắc năm 1930. Khi cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái ngày 10.2.1930 thất bại, ngày 17 tháng 6 năm 1930 Cô Giang từ Hà Nội lên Yên Bái đến tận pháp trường chứng kiến cái chết của đảng trưởng và 12 đồng chí.


                                                                  
                                                                                  
            ( ảnh 13 đảng viên VNQDĐ bị Pháp hành hình ngày 17.6.1930 tại Yên Báy)

Lặng lẽ về phòng trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh đề ngày 17 tháng 6 năm 1930. Xong xuôi cô ra chợ mua vuông vải trắng thắt ngang đầu và đáp chuyến xe lửa về Vĩnh Yên, quê Nguyễn Thái Học, ngay buổi chiều tối hôm đó.

Tờ mờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 1930, cô về làng Thổ Tang lạy tạ bố mẹ chồng, tháo chiếc đồng hồ có khắc chữ "G" tặng cho Nguyễn Văn Lâm, em trai Nguyễn Thái Học và từ giả mọi người. Trên đường đi ra, cô ghé quán trà bên gốc cây đề, thuộc Xóm Mới, xã Đông Vệ giáp quốc lộ số 2, cách làng Thổ Tang ước chừng một cây số.

Sau khi uống bát nước trà xanh, từ biệt bà chủ quán, cô đến đứng dưới gốc cây đề, mắt nhìn về hướng làng Thổ Tang và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng cô ở đền Hùng Vương ngày nào.
Hôm ấy là ngày 18 tháng 6 năm 1930, nhằm ngày 22 tháng 5 năm Canh Ngọ.
Tên tuổi của Nguyễn Thị Giang đã được ghi trong lịch sử Việt Nam. Tên của bà được dùng đặt tên một trường Trung hoc phổ thông ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra tên bà cũng được đặt cho một số con đường ở một số thành phố của Việt Nam. (Viết theo sử liệu VNQDĐ).
                                               
Vo Thilinh
14.6.2014

                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét