PHI VỤ BẮC PHẠT và ANH HÙNG PHẠM PHÚ QUỐC!


Phạm Phú Quốc sinh ngày 29.8 năm 1935, gốc làng Đông Bàn, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là cháu gọi ông Phạm Phú Thứ là cố nội, một đại thần triều nhà Nguyễn và là con của ông Phạm Phú Phò, một phú thương thành công ở Đà Nẳng trong thập niên 1930-1940.

Thưở nhỏ, Phạm Phú Quốc học tại trường Chasseloup-Laubat (bây giờ là trường Lê Quý Đôn). Thời gian còn là học sinh, ông rất đam mê về máy bay, bao nhiêu tiền mẹ ông cho để ăn quà, Quốc đều dành để gởi mua tận bên Pháp các sách kỹ thuật dạy cách chế tạo các loại máy bay nhỏ (tạp chí Mécanique populaire) lắp ráp đem ra thực dụng trên bầu trời thuộc Tân Sơn Nhất bây giờ.

Sau khi thi tốt nghiệp trung học, gia đình định cho Quốc sang Pháp để tiếp tục con đường học vấn, nhưng Quốc cũng vì quá ham thích máy bay nên xin gia đình được đầu quân vào binh chủng không quân.



Phạm Phú quốc gia nhập không quân ngày 15-6-1954. Được gửi đi thụ huấn tại các trường đào tạo phi công của Pháp. Anlnat, Marrakech, trường phi công khu trục Bordeaux và tốt nghiệp trở về phục vụ tại phi đoàn Khu Trục Biên Hòa vào năm 1956.

Xuất thân từ khóa phi công khu trục đầu tiên của Không Quân Việt Nam trung tá Phạm Phú Quốc đã lái những khu trục cơ F8-F cũng là những khu trục cơ đầu tiên của KQVN. Sau đó được gửi đi tu nghiệp xuyên huấn trên khu trục cơ A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ và khóa Air Ground Operation School tại Okinawa.

             
khu trục cơ A-1 Skyraider VNCH


Trung tá Phạm-Phú-Quốc đã liên tiếp đảm nhiệm những chức vụ :

- Trưởng Phòng Hành Quân năm 1960
- Chỉ huy trưởng phi đoàn 516 năm 1964
- Tư Lệnh Không Đoàn 23

Suốt 10 năm cánh bằng ngang dọc trung tá Quốc đã nhận :
* 2 Anh Dũng BộI Tinh vớI Ngôi Sao Đồng
* 5 Anh Dũng BộI Tinh vớI Ngôi Sao Bạc
* 1 Anh Dũng BộI Tinh vớI Ngôi Sao Vàng
* 1 Anh Dũng BộI Tinh vớI Ngành Dương Liễu
* Phi Dũng BộI Tinh vớI Cánh Chim Vàng
* Đệ Nhị Không Lực Huy Chương
* Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương vớI Ngành Dương Liễu
* VớI 12 lần được tuyên dương công trạng và nhiều lần khen thưởng

OANH TẠC DINH ĐỘC LẬP 

Trong Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, chắc ai cũng đều biết tới tên anh Phạm Phú Quốc. Anh bắt đầu nổi tiếng không chỉ sau khi anh tử trận trong một phi vụ Bắc Phạt vào năm 1965, hay nhờ bản nhạc mà nhạc sĩ Phạm Duy đã biến anh thành "Người Hùng Mang Tên Quốc" mà chính là qua vụ anh đã tham gia vào cuộc oanh tạc Dinh Độc Lập trong năm 1962. Từ đó đến nay, không biết có ai đã viết về vụ oanh tạc này hay chưa, tuy đó là một sự kiện liên quan mật thiết đến quân sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, nếu không nói là nó có tầm quan trọng không ít đối với lịch sử cả nước Việt Nam Cộng Hòa. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn trình bày trong sự hiểu biết của chúng tôi để lưu lại mai sau những dữ kiện có thật.

Nếu bạn đọc tìm hiểu về anh Phạm Phú Quốc qua cuốn Quân Sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa (mà chúng tôi có đánh máy lại kèm theo phần tài liệu tham khảo dưới đây) thì bạn sẽ thấy trình bày về phi vụ cuối cùng của anh trong năm 1965, một vài dòng tiểu sử, và phần lớn nói về việc cải táng cho anh Quốc từ vùng anh bị tử trận ở Hà Tĩnh đến nơi an nghỉ vĩnh viễn tại quê nhà ở Hội An tỉnh Quảng Nam

Dinh độc lập bi ném bom ngày 27.2.1962


Hai chiến khu trục cơ của Trung Uý phạm Phú Quốc và Thiếu úy Nguyễn văn Cự trong ngày 27.2.1962


Chiếc khu trục cơ của Trung Uý Phạm Quốc được vớt lên trên sông Sài Gòn


Trung uý Phạm Phú Quốc với Quốc Trưởng Phan Khắc Sữu 1964

Vào năm 1962, Trung Úy Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Trưởng Phòng Hành Quân của Phi Đoàn 514 đồn trú tại Biên Hòa trong Căn Cứ 2 Trợ Lực Không Quân (CC2TLKQ).
Phi Đoàn 514 là đơn vị biệt lập, ngang hàng với một tiểu đoàn, có quân số vào khoảng 400 người, với trang bị theo bản cấp số quân dụng là 25 phi cơ khu trục. Lúc đó, Phi Đoàn 514 sử dụng phi cơ A-1H Skyraider. Đơn vị có tất cả ba phòng sở. Phòng Hành Quân lo việc huấn luyện và hành quân sử dụng hoa tiêu khu trục hiện hữu vào khoảng 25 người, nếu tính tỷ lệ trên số phi cơ hiện hữa thì ta có 1/1, nghĩa là một người bay một phi cơ. Đó là một tỷ lệ quá kém chỉ áp dụng trong thời bình. Vì cả KQVN chỉ có 2 phi đoàn trong năm 1962, một ở Nha Trang là Phi Đoàn 516 thành lập trong năm 1962, và một ở Biên Hòa thành lập từ năm 1956, nên công tác không chỉ xuất phát từ hậu cứ nơi đồn trú mà còn phải biệt phái nhiều nơi khác nhau như ở Sóc Trăng để tham dự Chiến Dịch Bình Tây, ở Đà Nẵng trong các cuộc hành quân Lam Sơn, tại Nha Trang hay Pleiku (khi PĐ516 chưa được thành lập) để tăng cường yểm trợ cho Vùng 2 Chiến Thuật. Công tác huấn luyện chuyển tiếp đơn vị từ các hoa tiêu các ngành khác trên phi cơ A-1H như từ C-47, T-28, T-33 hay O-1A. Việc huấn luyện chuyển tiếp cho các hoa tiêu này cần đến phi cơ T-6 rút từ Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang về, nâng cấp số phi cơ thêm 9 chiếc T-6 nữa. Thời đó, mọi người đều trẻ trong nghề, trẻ trong chức vụ chỉ huy, nhưng trách nhiệm thật tình khó mà lường được.

Ngoài Phòng Hành Quân còn có hai Phòng biệt lập nữa với trọng trách thật to lớn, đó là Phòng Hành Chánh và Phòng Vật Liệu.

Phòng Hành Chánh chỉ lo việc quản lý hồ sơ nhân viên trực thuộc.

Phòng Vật Liệu với hai Ban Bảo Trì và Tiếp Liệu đảm trách bảo trì cấp phi đoàn. Chính Phòng Vật Liệu cũng như Phòng Hành Quân thiếu rất nhiều chuyên viên khả năng và kinh nghiệm cần thiết để bảo đảm cho sự an toàn hoạt động của đơn vị. Và phần lớn, họ đều là hạ sĩ quan binh sĩ, với đồng lương thấp kém, lại thêm thay phiên nhau biệt phái hoạt động ngoài đơn vị. Tình huống một cảnh hai quê đã làm cho sức khỏe và tinh thần phục vụ của mọi nhân viên đều sa sút khi cuộc chiến tiếp diễn liên tục và càng lúc càng gây go. Đành rằng nhiệm vụ của cấp chỉ huy là phải biết nâng cao tinh thần chiến đấu của thuộc hạ, nhưng yếu tố chính căn bản là thiếu người và tiện nghi để có thể hoạt động hiệu quả.


Phi Đoàn 514 đồn trú trong CC2TLKQ. CC2TLKQ là đơn vị yểm trợ về tiếp vận nhưng cũng là cấp chỉ huy lãnh thổ của phi đoàn. Lúc đó, tại Biên Hòa có hai đơn vị Không Quân đồn trú là Công Xưởng Không Quân và Phi Đoàn 514.

Căn cứ có trách nhiệm yểm trợ về mọi mặt tiếp vận và phòng thủ đơn vị, như nhà cửa, lương bổng, xăng nhớt, bom đạn, xe cộ, truyền tin, bệnh xá, chùa chiền...và nhất là về an ninh lãnh thổ.

Hoạt động hành quân của Phi Đoàn 514 được đặt dưới sự điều động tổng quát của một cấp chỉ huy hành quân là Trung Tâm Hành Quân Không Quân (TTHQKQ).

TTHQKQ đặt tại Tân Sơn Nhứt, trong đó có phần việc phối hợp với Không Quân Hoa Kỳ là TACC, chữ tắt của "Tactical Air Control Center". TTHQKQ có quyền chỉ huy hành quân trực tiếp đến mọi đơn vị chiến đấu Không Quân, bao gồm cả đơn vị kiểm báo (radar) để hướng dẫn, điều khiển, và kiểm soát mọi phi cơ đang bay trong không phận Việt Nam Cộng Hòa dù thi hành phần nhiệm nào của Không Quân chúng ta như Tìm Cứu, Phòng Không, Không Trợ, hay xuất ra khỏi không phận để chiến đấu trên những vùng ngoài lãnh thổ. Điều này quan trọng đến vụ thả bom Dinh Độc Lập mà chúng tôi đề cập đến sau này.

Tóm lại, vụ thả bom Dinh Độc Lập trong năm 1962 do Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử thực hiện có liên quan đến hai đơn vị Không Quân khác, đó là TTHQKQ và CC2TLKQ. Sau đây, chúng tôi xin trình bày diễn tiến của ngày hôm ấy, và các hệ quả tai hại của nó.

Trong chức vụ Trưởng Phòng Hành Quân của Phi Đoàn 514, anh Quốc chăm lo về huấn luyện đơn vị cho hoa tiêu, đặt hoa tiêu trong tình trạng túc trực hành quân, và thi hành lệnh hành quân từ TTHQKQ. Nói cách khác, trong chức vụ này, anh Quốc toàn quyền sắp xếp các phi vụ huấn luyện và hành quân hằng ngày.

Anh NVC thuyên chuyển từ Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang (TTHLKQ) về Phi Đoàn 514. Anh NVC đã là một hoa tiêu giỏi làm huấn luyện viên dạy khóa sinh học lái trên các phi cơ O-1A hoặc T-6 tại TTHLKQ. Do đó, chỉ huấn luyện xuyên huấn trên A-1H trong thời gian một tháng, anh được xác định hành quân trên A-1H với tư cách phi tuần viên, nghĩa là người có thể bay hành quân theo một người khác hướng dẫn trong các phi vụ không trợ hỏa lực. Trong thời gian ngắn ngủi là một tháng, chính anh Quốc đã chăm sóc huấn luyện cho anh NVC, và chỉ có anh Quốc huấn luyện cho anh NVC mà thôi. Như vậy, hai người có thể bay rất ăn ý với nhau sau thời gian huấn luyện. Anh Quốc là một hoa tiêu khu trục giỏi, tức nhiên chỉ bảo cho anh NVC cũng cặn kẽ và chu đáo hơn bất cứ ai khác.

Anh NVC đã tham gia hành quân với anh Quốc một vài chuyến trước khi việc dội bom Dinh Độc Lập xảy ra. Ngày hôm đó, anh Quốc dẫn anh NVC trong một phi vụ không trợ hỏa lực cho Vùng 4 Chiến Thuật, xuất phát từ hậu cứ Biên Hòa từ sáng sớm, nghĩa là đợt túc trực đầu tiên phải thi hành phi vụ theo trong lệnh bay. Phi cơ trang bị bom nổ, bom xăng đặc "Napalm", có thể có hỏa tiển, và đầy đạn đại bác 20 mm nạp trên 4 khẩu của từng phi cơ. Chúng tôi không biết rõ số bom đạn mang theo trong phi vụ này cho từng phi cơ, nhưng hai phi cơ thường được trang bị như nhau. Có thể có các cở bom nổ như 500lbs, 250lbs hay 100lbs. Có thể có cả hỏa tiển không địa loại thường chứ không cần loại xuyên phá, vì đây là trang bị tổng quát dành cho mọi cuộc hành quân không trợ hỏa lực cho các cuộc hành quân trong hai vùng, V3CT và V4CT, tùy số bom đạn tồn kho có những gì, nhưng chắc chắn có bom xăng đặc Napalm và bom nổ 500lbs vì hai loại bom này đã được thả trên Dinh Độc Lập.


Trung tá Phạm-Phú-Quốc là : Hoa tiêu khu trục trẻ tuổi, gan dạ thường tình nguyện thi hành mọi phi vụ tác chiến. Được nổi danh ngày 6-6-1959 trong cuộc không kích vào vùng Tân Phú tỉnh Kiến Phong, đã khéo léo điều khiển phi tuần càn quét toán loạn quân và gây thiệt hại nặng nề cho đối phương. Ngày 28-3-1961, trong cuộc hành quân tại rừng Cao Lãnh đã oanh kích các mục tiêu của địch một cách hiệu quả giúp cho quân bạn tiêu diệt hoàn toàn các cứ điểm của địch quân.

Đầu năm 1965, cộng quân đã gia tăng áp lực trên khắp các 4 vùng chiến thuật thuộc lảnh thổ VNCH, tình hình quân sự trở nên sôi động. Cộng sản Bắc việt đưa nhiều sư đoàn chính qui xâm nhập Quân Khu 2 và Quân Khu 1. Ngày 1-2-65, chúng tấn công căn cứ Pleiku phá hủy một số trực thăng của Hoa Kỳ, và đặt chất nổ phá hoại Câu Lạc Bộ (CLB) Hạ-sĩ quan Mỹ ở Qui Nhơn, đồng thời pháo kích doanh trại quân đội Hoa Kỳ và VNCH ở Phước Tường gần căn cứ KQ Đà Nẵng.

KHÔNG QUÂN VNCH TRẢ ĐỦA:

Để trả đũa và cảnh cáo CS Bắc Việt, Hoa Kỳ cho nới rộng mục tiêu oanh tạc miền Bắc từ vĩ tuyến 17 cho đến vĩ tuyến 19. Từng đoàn khu trục F-100 và F-105 liên tục oanh tạc những vị trí địch từ Vĩnh Linh tới Đồng Hới, Hà Tĩnh. Không Quân VNCH cũng khởi sự tham gia những phi vụ Bắc phạt từ tháng 2-1965. 

PHI VỤ BẮC PHẠT NGÀY 19.4.1965:
Oanh tạc Hà Tĩnh.

Phi vụ này được chỉ huy và hướng dẫn bởi Trung Tá Phạm Phú Quốc, Tư Lệnh Không Đoàn 23 CT Biên Hòa với 6 phi tuần A1H và A1G.

Mục tiêu: kho đạn và kho tiếp liệu của quân Bắc Việt ở tỉnh Hà Tĩnh. Các phi tuần của KQ/VNCH (18 phi cơ) cất cánh lúc 1 PM, danh hiệu là "Tiger Red". Danh hiệu của Trung Tá Quốc là "Tiger Red 1". Panama đã hướng dẫn Tiger Red tới mục tiêu oanh tạc và trở về gần như an toàn, mặc dù gặp phải hỏa lực phòng không địch bắn lên dữ dội. Khi các phi tuần bay trở về đến gần đảo HÒN CỌP (Tiger island), một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi phía bắc DMZ lối 5 miles, thì bỗng thấy Tiger Red-1 báo cáo thấy có súng dưới đất bắn lên. Một lát sau, Panama nghe Tiger Red 2 báo cáo: "Tiger Red-1 bị bắn rớt rồi và đã crashed xuống đất gần bãi biển!" Khoảng 3 PM, Tr/úy Hoạt ASOC 1 gọi Panama cho biết: "Lệnh của Ch/Tướng Tư Lệnh KQ là bằng mọi cách phải rescue Tr/Tá Quốc cho bằng được!"

Các Pilot trở về sau phi vụ bắc phạt 1965

Tổng kết những phi vụ Bắc Phạt của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta đã tổn thất: 7 phi cơ A1H và A1G bị bắn hạ và 7 anh hùng phi công đã anh dũng đền nợ nước:

Trung Tá Phạm Phú Quốc, Trung Úy Vũ Khắc Huề, Trung Úy Nguyễn Tấn Sĩ, Trung Úy Nguyễn Hữu Chẩn, Thiếu Úy Nguyễn Đình Quý, Thiếu Úy Nguyễn Thế Tế, Thiếu Úy Nguyễn Quốc Đạt (bị bắt làm tù binh sau khi nhảy dù). 

Ngày 19-4-1965 trung tá Phạm Phú quốc gãy cánh, cách thị xã Vinh về phía đông nam 10km. Lúc đó là 15 giờ 04 phút. Trung Tá Phạm Phú Quốc và một số đồng đội anh đã ra đi để lại sự thương mên của các đồng đội và hàng ngũ không quân VNCH.

                                  Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc (Hương Lan)


CUỘC CẢI TÁNG TRUNG TÁ PHẠM PHÚ QUỐC:

(Truy tìm hài cốt cố đại tá Phạm Phú quốc)

Chuyện về một đại tá quân đội chính quy Bắc Việt giúp đỡ việc tìm hài cốt của một đại tá KQVNCH. 

Sau khi cuộc chiến kết thúc việc tìm hài cốt của đại tá Phạm Phú Quốc đã được sự giúp đỡ của đại tá Phạm Quế Dương, một sĩ quan phòng không của quân đội Bắc Việt đồng thời là một sử gia, theo chính quyền huyện Thanh Hà tỉnh Hà Tĩnh được biết xác phi công Phạm Phú Quốc đã được chôn cất bới dân chúng với quan tài chu đáo với bia ghi “ mộ ông Phạm Phú Quốc” bởi tiếng tăm của ông đã ra tới miền Bắc khi họ biết ông là một trong hai phi công (người thứ hai là phi công Nguyễn Văn Cử ) ném bom Dinh Độc Lập trong cuộc đảo chánh nền đệ Nhất Cộng Hòa bất thành vào năm 1962 và đã bị giam tù cho đến khi cuộc đảo chánh thành công một năm sau đó.1963 .Tuy được chôn cất cẩn thận nhưng vì một thời gian dài không người trông nom nên đã mất dấu tích . Đại tá Phạm Quế Dương đã giới thiệu cho gia đình PPQ một người chuyên tìm hài cốt thất lạc: Ông Đỗ Bá Hiệp nổi tiếng có khả năng ngoại cảm ( Telepathy ) đã cùng gia đình về vùng Cồn Cỏ,Hà Tĩnh để tìm di hài phi công Phạm Phú Quốc.


Chiều 28-11-1998 hài cốt phi công Phạm Phú Quốc được đưa về quê quán, chùa Phước Lâm, thị trấn Hội An tỉnh Quảng Nam . . . mộ anh Phạm Phú Quốc đã được xây cất nghiêm trang với bia đá khắc hình và tên tuổi Anh cùng những hàng chữ đầy nghĩa tình với người đã khuất.

Nhân mùa quân lực 19.6.2013, người viết xin dâng một nén hương lòng dâng lên Đại Tá Phạm Phú Quốc để tưởng nhớ công đức của ông và các đồng đội đã hy sinh trong phi vụ bắc phạt ngày 19.4.1965.

Tổ Quốc đời đời ghi ơn các anh. 

Người lính già Trịnh Khánh Tuấn (30.5.2013)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét