CHỢ NỔI NGÀY TẾT, SẮC XUÂN TRÊN SÔNG NƯỚC

Với mạng lưới sông rạch chẳng chịt (kéo dài trên 54.000 km) Miền Tây có những con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi, có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông. Cũng chính vì thế, nơi đây đã sản sinh ra một nét văn hoá đặc trưng miền sông nước, đó là chợ nổi.
Chợ nổi, nét sinh hoạt văn hóa độc đáo đậm chất sông nước chỉ có ở ĐBSCL. Những ngày này, tấp nập ghe tàu về các chợ thu gom hoa quả, hàng nông sản đưa về Sài Gòn và các tỉnh lân cận tiêu thụ. Các ghe tàu này cũng mang những mặt hàng: quần áo may sẵn, vải vóc, bánh kẹo,… bán cho người dân miệt sông nước.


Chợ nổi ngày xuân còn tăng nhiều hơn những ghe tàu cung cấp các dịch vụ ăn uống, cà phê… cho khách thương hồ. Khoảng 15 đến 29 tháng Chạp là những ngày “nổi bật” nhất của chợ nổi ngày tết. Bởi lúc này là cao điểm mua sắm của người dân miệt sông nước. Mỗi ngày, chợ đón hàng ngàn lượt tàu bè từ khắp nơi đến mua bán. Những hàng hóa thiết yếu trong ngày Tết, như: dưa hấu, bánh mứt, hoa kiểng… góp trên những ghe xuồng ở chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Phong Điền (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang)...tạo nên một bức tranh xuân khổng lồ trên sông.


Chợ nổi thường tập trung thương lái khắp các tỉnh miền Tây tụ họp về đây. Họ mua hàng từ các nhà vườn khắp các tỉnh rồi sinh sống và buôn bán từ ngày này qua ngày khác trên ghe thuyền tại chợ. Đó là lý do mà chợ nổi  buôn bán nhiều mặt hàng đa dạng không khác gì những chợ trên bờ. Các ghe thuyền bán bánh, cơm, hủ tiếu, phở, các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày …đều được bày bán đầy đủ. Chính vì vậy mà càng ngày chợ càng phát triển đa dạng và sầm uất hơn.

ĐBSCL chằng chịt sông ngòi kênh rạch, vùng đất được mệnh danh "Đất chín rồng" với ghe thuyền ngày đêm xuôi ngược trên sông. Sông nước là đặc thù của vùng đất miền Tây, có sông ngòi, kênh rạch, có phương tiện vận tải thủy, có người sinh hoạt mua bán trao đổi hàng hóa, tập trung lại nhộn nhịp mua bán trên sông gọi là chợ nổi. Chợ nổi Cái Răng là hình ảnh thu nhỏ về đời sống mảnh đất sông nước miền Tây nên nó là điểm du lịch lí thú cho du khách trong nước và đặc biệt là du khách nước ngoài.

Chợ nổi họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mờ sương, gió mát lạnh và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải khởi hành thật sớm, bởi khi mặt trời lên cao, nắng bắt đầu gắt là lúc chợ vãn khách và ghe xuồng đi lại thưa thớt dần.

Điểm độc đáo của chợ nổi so với các chợ trên cạn là buôn bán được thực hiện bằng hình thức “beo hàng”. Người bán thường cắm những cây sào ở trước ghe thuyền của mình và treo tượng trưng lên đó những mặt hàng mà mình đang bán. Hình thức “beo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào, vồn vã nhưng đủ gây được sự chú ý. Với cách tiếp thị này, người mua chỉ cần đứng từ xa nhìn đã có thể thấy được mặt hàng mình cần mua nằm ở “cửa hàng” nào.Ngày nay, ngoài hình thức “beo hàng” truyền thống, người bán còn biết cách quảng bá cho hàng hóa của mình theo những phương pháp hiện đại hơn như sử dụng bảng hiệu, băng rôn, hộp đèn…Mặc dù nhóm họp trên sông nhưng chợ nổi gần như không thiếu bất cứ một mặt hàng nào.

Điều đáng ngạc nhiên là chỉ với khoảng sông rộng 1 km2, hàng trăm ghe xuồng len lỏi tạo nên một khung cảnh vô cùng tấp nập. Những chiếc ghe chen chúc vào nhau và khéo léo luồn lách qua hàng chục chiếc ghe khác, nhưng kỳ lạ thay, gần như chẳng bao giờ có tai nạn xảy ra.

Sức hút của chợ nổi đối với du khách chính là giữ gìn, phát huy được nét đặc trưng vùng sông nước và sự tươi ngon của hàng hóa nơi đây. Không chỉ giữ gìn được nét đẹp văn hóa vùng sông nước, ngày nay chợ nổi như một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là người nước ngoài thích khám phá và trải nghiệm. Chợ nổi miền Tây thu hút khá đông du khách đến tham quan, theo thống kê, chỉ tính riêng tại chợ nổi Cái Răng đã có khoảng 300 – 500 khách mỗi ngày và tăng gần gấp đôi vào những ngày giáTết.
Hầu hết các tỉnh miền Tây đều có hình thức họp chợ này với cách thức tương tự nhau, nhưng đa dạng về chủng loại hàng hóa nhất phải kể đến 4 chợ chính: chợ Cái Răng (Cần Thơ), chợ Cái Bè (Tiền Giang), chợ Phụng Hiệp (Hậu Giang) và chợ nổi Long Xuyên.
Chợ nổi Cái Răng

Văn hóa bẹo hàng nơi chợ nổi 



Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng chợ nổi miền tây vẫn mang nét nông thôn bình dị hấp dẫn, từ những câu chào hỏi thân thương đậm chất Nam Bộ, những điệu hát ngẫu hứng trên sông, tới những món ăn theo những chiếc xuồng bán hàng rong luồn lách theo các mạn ghe, tàu để bán cho người đi chợ. Nếu lỡ chưa tới chợ nổi sắm Tết, thì từ khoảng mồng hai trở đi, du khách có thể theo xuồng, ghe đi chơi chợ, rồi tiếp tục hành trình khám phá phong tục ngày Tết thú vị của người dân nơi miệt ĐBSCL..

Võ Thị Linh sưu tầm 21/1/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét