ĐI TÌM XUẤT XỨ CỦA CHIẾC
ÁO DÀI VN
Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi một phần mây
hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay ?
Nguyên Sa
('Tương Tư')
hay áo lụa Hà đông
Chiếc áo dài với phần trên ôm sát tấm thân thon thả của phụ nữ để hai tà bay lửng lơ cuốn quít theo làn gió trông thật thơ mộng, thật trữ tình đã là nguồn cảm hứng cho biết bao tâm hồn nghệ sĩ, phong phú hóa kho tàng thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam như cố thi sĩ Nguyên Sa đã ngất ngây gửi hồn trong hai tà áo người tình:
Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi một phần mây
hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay ?
Nguyên Sa
('Tương Tư')
hay áo lụa Hà đông
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng ...
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng ...
.......
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
Còn Nguyễn Tất Nhiên đã hãnh diện đề cao nét trang nhã, đài các của tà áo dài Việt Nam đáng là đại diện cho sắc phục phương đông.
Tháng giêng em áo dài trang nhã
Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam
Đài các chân ngà ai bước khẽ
Quyện theo tà lụa cả phương đông
Nguyễn Tất Nhiên
('Tháng Giêng, Chim')
Khoảng trời xanh với những mộng mơ lãng mạn ươm kín sách vở học trò cùng tà áo dài trắng trinh nguyên đã được biết bao tâm hồn thi nhân chở chuyên tâm sự như nhà thơ Luân Hoán đã một thời vướng mắc suy tư, để rồi dù dòng đời trôi chảy ông vẫn không quên những gì đã xảy ra nơi sân trường mắt biếc:
em có nhớ trong sân trường bữa ấy
giờ ra chơi em phơi nắng chiều đông
gió bấc khô làm đôi má se hồng
cùng chúng bạn em ngồi quanh gốc phượng
tà áo trắng xoè như đôi cánh lượn
trải dịu dàng trên cỏ mượt mà xanh
Luân Hoán
('Trong Sân Trường Bữa Ấy)
Và Bảo Cường cũng cùng một hoài niệm như Luân Hoán đã chắt chiu trong lòng bao kỷ niệm xa xưa của thời áo trắng:
Ngày xưa áo lụa tung bay
Tóc em theo gió vờn mây cuối trời
Trường Tiền áo trắng tinh khôi
Em nghiêng nón... giấu nụ cười làm duyên
Bảo Cường('Áo trắng ngày xưa)
Thường khi nói đến tà áo trắng rất nhiều người nghĩ đến mái trường thân yêu, đến phấn bảng học trò, đến tiếng ve gọi hè sang, đến hàng phượng vĩ với những bông hoa trĩu nặng thắm đỏ sân trường. Và màu đồng phục cho nhiều trường trung học nữ ở Việt Nam thường là màu trắng. Nhưng cũng có một số ít trường chọn màu xanh. Và màu tím cũng được chiếu cố. Điển hình là trường Gia Long đã một thời mang tên là 'Trường Nữ Sinh Áo Tím' từ ngày thành lập vào năm 1915 cho đến 1952. Đến năm 1953, đồng phục áo dài tím được thay thế bằng chiếc áo trắng với phù hiệu của trường - đóa mai vàng - khâu lên trên áo.
Những thi sĩ này đã gợi lại hình ảnh một nét văn hoá về y phục của người phụ nữ VN rất đẹp và thướt tha của chiếc áo dài.
Áo dài Việt Nam được tìm thấy trong từ điển tiếng Anh là “aodai”. Từ "Áo dài" (ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài. Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ nhưng hiện nay thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là trang phục nữ. Áo dài thường được mặc vào các dịp lễ hội, trình diễn; hoặc tại những môi trường đòi hỏi sự trang trọng, lịch sự; hoặc là đồng phục nữ sinh tại một số trường trung học hay đại học; hoặc đại diện cho trang phục quốc gia trong môi trường giao lưu văn hoá quốc tế
Cho dù trải qua bao nhiêu ngàn năm với bao nhiêu biến thể, nét duy nhất còn nhận ra được trang phục truyền thống của người Việt không bị lai tạp với các nền văn hóa khác chính là hai tà áo dài. Có nhiều người cho rằng áo dài Việt là một bản khác của sườn xám của phụ nữ Trung Hoa,đó là một quan niệm sai lầm, vì chiếc sườn xám xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1920), còn tà áo dài Việt đã có từ rất lâu, trước khi chiếc sườn xám có mặt ở Trung Hoa. Điều đó chứng tỏ áo dài là một nét văn hóa hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam, chỉ người Việt mới có loại y phục này.
Hinh vẽ Áo dài theo thời gian
Có nhiều tài liệu cho rằng áo dài có vào thời kỳ đồ đồng của VN, chúng ta thử xét xem điều này có thuyết phục không?? Hình ảnh trên mặt trống này, người ta thấy được một loại y phục của người Việt cổ-đó là hình ảnh phôi thai về chiếc áo dài của người Lạc Việt vào thời văn minh đồng thau. Nền văn minh trống Đông Sơn xuất hiện trong giai đoạn sớm, niên đại tk 6 - 1 tr. CN, tức cách nay trên dưới 2500 năm, nhiều trống đồng mà hoa văn rất phong phú như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn…
Các hoa văn trên mặt trống đồng VN có hình váy 2 vạc của người Việt cổ
Trang phục Việt cổ thể hiện trên kiếm đồng Đông Sơn.
Hình người trong hoa văn trên mặt trống đồng: Người có thể đang mặc váy dài, có hai vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa, có người tay cầm rìu, có người thổi kèn, có người cầm giáo, cán giáo có trang trí lông chim. Hoặc có thể người đang quay mặt về phía nhà cầu mùa, xõa tóc, mặc váy hay có đôi trai gái đang cầm chày giã vào một chiếc cối, đầu chày có trang trí lông chim. Theo nhà sử học Đào Duy Anh từ thời Văn Lang, trên trống đồng Ngọc Lũ của tổ tiên ta đã khắc trên mặt trống hình người phụ nữ trong trang phục áo có 2 tà áo dài. Qua các thời kỳ lịch sử, đến thế kỷ 18 áo xẻ tà của người phụ nữ là kiểu áo tứ thân, sau được chúa Nguyễn Vũ Vương chiếu dụ cách tân cho ra đời chiếc áo dài có 2 tà cho cả đàn bà và đàn ông để thuận tiện hơn trong lao động, trong lễ phục.
Những hoa văn trên mặt trống đồng có thể chứng minh được người Việt chúng ta đã có những cái váy dài, tức chiếc áo dài đơn giản của người Việt cổ, cách đây trên dưới 2500 năm. Nếu căn cứ vào các hình ảnh ghi lại trên mặt trống đồng VN, thì giả thuyết về hai bà Trưng mặc áo dài vào năm 40-43 sau CN là có luận cứ thuyết phục. Truyền thuyết kể lại rằng khi cưỡi voi xông trận, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng.
Truyền thuyết về Hai Bà Trưng mặc áo hai tà, theo một số nhà nghiên cứu chiếc áo dài đầu tiên là áo Giao Lãnh. Áo gồm bốn thân, mặc phủ ngoài yếm lót; nhưng khi mặc, hai thân trước để giao nhau chứ không buộc lại, với thêm một thắt lưng mầu buông thả. Vì chiếc áo này tương tự áo tứ thân về dáng hình cho nên có người cho rằng hai loại áo này là một. Vậy ta hãy xét kỹ về chiếc áo tứ thân xem sao, vì đây là chiếc áo đã tồn tại cả mấy nghìn năm, mặc cho bao thăng trầm của lịch sử.
Do tôn kính hai bà, phụ nữ Việt xưa tránh mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân. Đàn ông khi mặc lên thì trang trọng, đàn bà thì được tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ coi đó là quốc phục riêng của người Việt Nam.
Ảnh mang tính minh họa về y phục áo dài của hai bà Trưng
Theo thời gian, trong khoảng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, để có dáng dấp trang trọng và mang vẻ quyền quý hơn, phụ nữ nơi thành thị đã biến tấu kiểu áo ngũ thân từ chiếc áo dài tứ thân nhằm thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị xã hội của người phụ nữ. Giống như một quy luật, trang phục cũng đi liền với diễn biến của lịch sử, chiếc áo dài ngũ thân vẫn không thể là điểm dừng của trang phục truyền thống Việt Nam.
Áo dài tứ thân
Trong sách "Relation de la Nouvelle Mission des Péres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine", xuất bản tại Lille năm 1631, giáo sĩ Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt ở đầu thế kỷ 17: "Người ta mặc năm sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu... Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những dải dài. Khi đi lại, các dải này quyện vào nhau trông đẹp mắt…”
Có lẽ giáo sĩ Borri đã hiểu lầm về số lớp áo được người Việt xưa mặc mỗi khi ra ngoài. Thật ra mấy lớp áo bên ngoài bị cắt thành các dải dài bên dưới thắt lưng mà giáo sĩ Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen, hoặc có nơi gọi là quầy bơi chèo, mà người xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Xiêm này có ba hoặc bốn lớp dải lụa may chồng lên nhau. Lớp dải trong cùng dài nhất, rồi các lớp bên ngoài ngắn dần. Bức tượng Ngọc Nữ tạc từ thế kỷ 17 ở chùa Dâu, Bắc Ninh, là minh chứng rõ nhất cho cả áo dài, các giải cánh sen, lẫn cách vấn khăn mà giáo sĩ Borri đã mục diện từ bốn thế kỷ trước đây.
Áo dài của tượng Ngọc Nữ
Năm 1819, cách ăn mặc của người dân vẫn giống như giáo sĩ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó với quần lụa đen và áo may sát người dài đến mắt cá chân.
Cho đến đầu thế kỷ 20, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân, hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay vì các loại vải ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80cm. Cổ áo chỉ cao khoảng 2 - 3cm.
Đến năm 1884, văn hóa Tây phương bắt đầu du nhập vào Việt Nam và đem lại nhiều biến đổi với tà áo dài. Từ đây áo dài bước qua một trang sử khác và hé lộ nhiều dáng dấp của áo dài ngày nay
Phần nhiều áo dài ngày xưa đều may kép, tức là may có lớp lót. Lớp áo trong cùng thấm mồ hôi, vì thế được may đơn bằng vải mầu trắng để không sợ bị thôi mầu, dễ giặt. Một áo kép mặc kèm với một áo lót đơn ở trong đã thành một bộ áo mớ ba. Quần may rộng vừa phải, với đũng thấp. Thuở đó, phần đông phụ nữ từ Nam ra Bắc đều mặc quần đen với áo dài, trong khi phụ nữ Huế lại chuộng quần trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế hay mặc loại quần chít ba, nghĩa là dọc hai bên mép ngoài quần được may với ba lần gấp, để khi đi lại quần sẽ xòe rộng thêm.
Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm, thường được mặc với quần trắng hoặc đen.
Những cải cách đầu tiên về áo dài
Một vài nhà tạo mẫu áo dài bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này, nhưng gần như họ chỉ bỏ được phần nối giữa sống áo, vì vải phương Tây dệt được khổ rộng hơn. Tay áo vẫn may nối. Nổi nhất lúc ấy là nhà may Cát Tường ở phố Hàng Da, Hà Nội. Năm 1939 nhà tạo mẫu này tung ra một kiểu áo dài được ông Âu hóa. Áo Le Mur vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nối sống bên dưới. Nhưng cổ áo khoét hình trái tim. Có khi áo được gắn thêm cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai. Khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Nhưng kiểu áo này chỉ tồn tại đến khoảng năm 1943. http://www.voatiengviet.com/content/tai-tao-ao-dai-lemur-07-20-2011-125907038/917292.html
Sau khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội được mở ra, đã có nhiều họa sĩ tâm huyết với tà áo dài dân tộc thiết kế thêm để áo dài dễ dàng đến với người hiện đại hơn, đồng thời thực hiện một cải cách lớn với chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn hai vạt trước và sau mà thôi. Bước đột phá táo bạo, góp phần hình thành kiểu dáng của áo dài ngày nay chính là kiểu áo dài “Le Mur” do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Khác với phom dáng rộng truyền thống, áo dài Le Mur ôm sát đường cong cơ thể với nhiều chi tiết Âu hóa như tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đính nơ… Chiếc áo “lai căng” này bị dư luận thời đó lên án mạnh mẽ, cho là không đứng đắn nên chỉ có giới nghệ sĩ phong cách tân thời mới dám mặc. Đến năm 1943 thì kiểu áo này dần bị lãng quên.
HỌA SĨ CÁT TƯỜNG LEMUR
Khoảng thập niên 1930, chiếc áo dài có một số thay đổi, mà nổi tiếng nhất phải kể đến kiểu áo Lemur của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, một thành viên của Tư. Lực Văn Đoàn. (Chữ Lemur viết trại theo danh từ Pháp 'le mur' có nghĩa là 'cái tường', tương tự như tên 'Cát Tường'). Nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã dùng hai tờ báo Ngày Nay và Phong-Hóa để truyền bá tư tưởng cải cách văn hóa, xã hội của nhóm. Cũng trong tờ Phong-Hóa họa sĩ Cát Tường đã cổ võ cho sự thay đổi về quan niệm trong cách ăn mặc: "Các nhà đạo đức thường nói: Quần áo chỉ là những vật dụng để che thân thể ta khỏi gió mưa, nắng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái đẹp, cái sang của nó làm gì. Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu". Kiểu áo Lemur cho thấy ảnh hưởng của Âu châu, mặc dù áo vẫn giữ nguyên phần áo dài với cổ cao, không có eo. Những thay đổi gồm cổ áo khoét hình trái tim, cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ; vai bồng; tay nối ở vai, tay măng-sét; gấu áo cắt kiểu sóng lượn nối vải khác màu hay đính ren diêm dúa; khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Vì những đặc tính táo bạo như vậy cho nên có giới nghệ sĩ hay giới ăn chơi thời đó mới dám mặc. Và cũng vì lý do đó chiếc áo Lemur đã sớm đi vào quên lãng vào khoảng năm 1934. Một điểm khác biệt nữa so với áo dài thời trước đó là vạt áo không còn phải nối sống nữa vì hàng vải nhập cảng có khổ rộng hơn hàng nội hóa thời đó.
Khi kiểu Lemur lan đến thủ đô Huế, rất nhiều các cô tân thời đã chuộng kiểu áo dài này, nên trong dân gian đã có truyền tụng một bài vè sau đây:
Vè vẻ vè ve
Nghe vè 'mốt' áo
Bận áo lơ-muya
Đi giày cao gót
Xách bóp-tờ-phơi
Che dù cánh dơi
Đi chơi Cụ Ngáo
Ăn cháo không tiền
Cởi liền lơ-muya!
Đi đôi với chiếc áo dài mới là một vài cải cách khác, đó là nhiều phụ nữ tân thời không còn nhuộm răng đen nữa, tóc vấn trần hoặc búi lỏng và rẽ ngôi lệch. Đây là cơ hội để nhà thơ Tú Mỡ ở Hà Nội nhại bài Mười Thương để châm biếm:
Một thương tóc lệch đường ngôi
Hai thương quần trắng, áo mùi, khăn 'san'
Ba thương hôm sớm điểm trang
Bốn thương răng mọc hai hàng trắng phau
Năm thương lược Huế cài đầu
Sáu thương ô lụa ngả màu thanh thiên
Bảy thương lắm bạc nhiều tiền
Tám thương động tí 'nữ quyền' giở ra
Chín thương cô vẫn ở nhà
Mười thương... thôi để mình ta thương mình!
Một cải cách táo bạo khác cần được lưu ý đó là kiểu áo dài nhấn eo, khiến chiếc áo ôm sát theo các đường cong tuyệt mỹ của phái nữ, do bà Trịnh Thục Oanh, một hiệu-trưởng của trường nữ Trung-học Hà-Nội, sáng tạo.
Vào năm 1934, sau khi áo Lemur đến rồi đi, họa sĩ Lê Phổ đã cải tiến kiểu Lemur bằng cách dung hòa với kiểu áo ngũ thân cũ, bỏ đi những nét Tây phương như không tay phồng, cổ hở, không viền tròn vạt dài v.v. nhưng ôm sát thân người để hai tà áo mềm mại tự do bay lượn. Đây là kiểu áo rất gần với chiếc áo dài tân thời ngày nay.
Quảng cáo về nhà may Lemur trên báo Phong Hoá 1937
Đám cưới Nguyễn Cát Tường, Bắc Ninh, 1936. Chú rể đứng bên trái, đang dang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng đi cạnh cô phù dâu. Cô dâu và phù dâu đều mặc áo kiểu Lemur.
ÁO DÀI THẾ KỶ XVII
Trong sách sử xưa nhất tìm được về y phục thường dân là từ thế kỷ XVII.
* Áo mớ ba, mớ bảy: Người Việt từng nghe nhắc đến áo mớ ba, Đó là những chiếc áo dài mặc lồng vào nhau, áo ngoài thường màu sẫm như nâu, đen, có thể là hàng trơn hay dệt hoa bóng trên nền mờ hoặc ngược lại, những chiếc áo mặc trong toàn màu tươi vui như hồ thủy, hồng phấn, hoàng yến… Phong tục muốn dân chúng phải tỏ ra khiêm tốn trong cách ăn mặc, áo ngoài phải dùng những màu nhã nhặn, không được khoe khoang, lộ liễu, áo màu lòe loẹt thì phải giấu bên trong.
Ngày nay, ta còn thấy vết tích kiểu áo này ở những bộ áo tế của nam giới, áo ngoài bằng sa mỏng màu lam hay đen trông suốt qua thấy rõ chiếc áo lót bằng vải trắng bên trong, và chiếc áo kép (đã có từ trước năm 1776, theo Lê Quý Đôn), mặt ngoài vẫn màu đen hay nâu…, áo trong biến thành cái lót (doublure) vẫn dùng những màu sặc sỡ.
* Lê Triều chiếu lịnh thiện chính chép là năm 1665 có sắc lệnh: “Áo đàn ông thì có thắt lưng và quần có ống chân, áo đàn bà con gái thì không có thắt lưng, quần không có hai ống, từ xưa đến nay vốn đã có cổ tục như thế. Bọn hát xướng ở hý trường thì không theo cấm lệnh này. Ai trái lệnh (…) bắt được quả tang sẽ phạt năm quan cổ tiền, nộp vào công khố”.
* Tavernier trong Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tonquin (1681) tả y phục phụ nữ miền Bắc là “trang trọng và nhã nhặn. Nam nữ mặc tựa như nhau. Áo dài chấm gót, giữa có buộc thắt lưng bằng lụa, xen lẫn kim tuyến và ngân tuyến, mặt trái mặt phải đều đẹp như nhau (…). Họ sản xuất rất nhiều tơ tằm, dân chúng giàu cũng như nghèo đều mặc tơ lụa”. Ông còn vẽ cả tranh minh họa. Tavernier đã đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa đặt chân đến Bắc Kỳ, những chi tiết viết trong sách dựa vào sự hiểu biết của người em ông đã nhiều phen đến Đàng Ngoài, và những lần ông nói chuyện với người Bắc mà ông gặp ở Batavia.
Áo dài nam trong lễ xướng danh trường thi Hương tại
Nam Định năm Mậu Tý (1888)
Nam Định năm Mậu Tý (1888)
Áo dài nam của Bảo Đại 1930
Theo cách tả S. Baron về áo dài trong Description du Royaume de Tonquin, dịch sang tiếng Pháp năm 1751, tuy công nhận người Việt thời ấy, giàu hay nghèo, đều mặc tơ lụa vì giá rất rẻ, nhưng chỉ trích Tavernier là viết sai sự thật. Theo Baron thì y phục người Việt là những chiếc áo dài, tựa như áo Trung Hoa, hoàn toàn khác với áo Nhật Bản. Tranh của Tavernier vẽ cho thấy người Việt có dùng thắt lưng, đó là điều hoàn toàn xa lạ đối với họ. S.Baron là con lai, mẹ người Việt, tất hiểu rõ phong tục Việt Nam.
* Một số người viết về lịch sử áo dài đại khái như sau: “Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) được coi là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam.
Để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng, Vũ Vương ban hành sắc dụ về ăn mặc, lấy thể chế áo mũ trong Tam Tài Đồ Hội làm kiểu mà tạo ra chiếc áo dài, cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong theo đó thi hành. Đại Nam thực lục tiền biên có chép sắc dụ này: “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay rộng hay hẹp tùy tiện. Áo thì hai nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn, ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép”. Và còn thêm là Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục, chép rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy. Do đó có thể khẳng định chiếc áo dài với hình thức cổ truyền, cố định đã ra đời”
Một thiếu phụ miền Nam. Tranh vẽ của bà de Bassilan 1859.
Đây là những chiếc áo dài vào thời vua Tự Đức
Áo dài nam của 3 hoàng tử em vua Thành Thái:
Bửu Lũy, Bửu Trang và Bửu Liêm (1891)
Bửu Lũy, Bửu Trang và Bửu Liêm (1891)
ÁO DÀI VÀO THẾ KỶ XIX
Năm 1828 vua Minh Mệnh xuống chiếu bắt phụ nữ bỏ váy mặc quần, đã làm đề tài cho ra đời bốn câu thơ giễu cợt ai cũng biết:
Tháng tám có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?
Rành rành “chiếu vua” như thế mà cũng còn có người dạy học trò là lệnh này do thực dân Pháp ban hành!
* Michel Đức Chaigneau là con lai, mẹ người Việt, cha là một trong hai người Pháp làm quan với nhà Nguyễn thời Gia Long, Minh Mệnh. Sinh trưởng ở Phú Xuân, Chaigneau Đức viết trong Souvenirs de Huê khá tỉ mỉ về y phục phụ nữ: “Vợ những người buôn bán hay công chức nhỏ thì mặc một áo vải ngắn, màu đen hay màu sô cô la, quần lụa đen hay vải trắng. Dân chúng, thợ thuyền giới hạ lưu, đàn ông như đàn bà, ăn mặc rất tồi tệ. Đàn ông chỉ đánh một cái quần vải trắng hay màu cháo lòng, dài tới đầu gối, buộc ngang lưng bằng một cái dải rút dài, buông thõng hai đầu ở trước bụng… Có người mặc áo vải ngắn màu trắng hay nâu, thường là rách rưới, vá víu, dài chưa tới đầu gối, để lộ ống chân rám nắng. Phụ nữ ăn mặc cũng tựa như thế, chỉ khác áo dài hơn, ống tay áo rộng, quần và nón rộng hơn. Tầng lớp trưởng giả sang trọng thì mặc áo mớ đôi bằng tơ lụa trông suốt qua được, quần lụa đến bụng chân”.
* Thái Đình Lan (1801-1859), người Đài Loan, năm 1835 đi thi Hương rồi về bằng đường thủy, gặp bão tố, trôi dạt tới Quảng Ngãi, năm sau mới theo đường bộ trở về. Đi từ mùa thu năm trước đến mùa hè năm sau mới về đến Phúc Kiến, qua 14 tỉnh nước An Nam như Phú Xuân, Nghệ An, Thanh Hóa, Thường Tín, Lạng Sơn, Thái Bình… qua Trung Hoa rồi mới về được quê nhà.
Ông viết quyển Hải Nam tạp trứ, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe ở nước Nam. Về y phục ông cho biết: “Có hai quan chức đến áp mạn thuyền chúng tôi (để kiểm tra). Họ đều chít khăn lụa đen, mặc áo tay hẹp, quần lụa điều, đi chân trần (các quan Việt Nam đi đâu đều đi chân đất), áo mặc không phân biệt nóng lạnh, ngay giữa mùa đông cũng mặc áo quần lụa mỏng. Người quyền quý phần nhiều dùng hai màu xanh lam và đen; khăn chít đầu cũng thế, quần thì đều mặc quần lụa điều” (trang 171); “Đàn bà ra ngoài buôn bán, để búi tó, chân đất, dùng vải đũi vấn quanh đầu, đội nón bằng đấu, mặc áo lụa đỏ thẫm, ống tay áo hẹp, áo dài chấm đất; không mặc váy, không thoa son phấn, tay đeo chuỗi ngọc, hạt mã não hoặc vòng đồng” (trang 243).
* Áo giao lĩnh - Không rõ sự xuất hiện của nó có từ bao giờ, được coi là “xưa nhất”, đã ra đời trước áo tứ thân, tuy không ai đưa ra bằng chứng cụ thể. Áo giao lĩnh giống áo tứ thân, chỉ khác hai vạt đằng trước buông thõng, giao nhau chứ không buộc vào nhau ở trước bụng. Có lẽ người ta thấy áo giao lĩnh “lụng thụng”, bất tiện cho người làm việc lao động nên sau đó mới chế ra kiểu áo tứ thân gọn ghẽ hơn.
Áo tứ thân của Thị Mùi con nuôi Đề Thám
đầu thế kỷ 20
Áo Mệnh phụ bằng lụa the cung đình màu xanh ngọc thạch dưới
triều vua Thành Thái, niên đại khoảng năm 1905.
* Áo tứ thân - Là kiểu áo có bốn thân, hai thân của vạt sau nối sống theo chiều dọc, hai thân đằng trước buộc vào nhau ở trước bụng, để hở cho thấy yếm bên trong. Thắt lưng các màu tươi thắm như hồng đào, hồ thủy, hoàng yến, xanh nõn chuối, lá mạ… luồn dưới vạt sau, buộc múi trước bụng rồi thả xuống. Cái thắt lưng này có thể là cái “ruột tượng” hay “hầu bao” hình cái ống dài, ngoài tác dụng trang trí và giữ áo cho khỏi lòe xòe còn dùng để đựng tiền, bằng cách thắt một nút rồi đút tiền vào, lại thắt một nút khác để giữ cho tiền khỏi tuột ra, buộc vào lưng thì không sợ tiền rơi hay bị kẻ cắp.
Các loại áo dài nam của anh em của vua Thành Thái
và các ông thầy (Phụ giảng)1889 - 1907
Áo Hoàng Hậu Nam Phương
Áo vẻ áo dài tứ thân Trường tụ (tay dài) Tỷ giáp
tranh Đường Dần (1470-1524)
Có người giải thích “tứ thân” tượng trưng cho phụ mẫu đôi bên, hai thân trước buộc vào nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng thắm thiết, quấn quýt lấy nhau…Thoạt nghe cũng thấy hữu lý nhưng tôi ngờ là do người đời sau bịa đặt thêm vào cho văn vẻ chứ không chắc người sáng chế ra áo đã nghĩ thế, trừ phi là bắt chước Trung Hoa. Nếu hai thân trước buộc vào nhau tiêu biểu cho tình nghĩa vợ chồng thắm thiết thế thì khi hai vạt áo (giao lĩnh) buông thõng, rời nhau ra, chắc hẳn tượng trưng cho hai vợ chồng đã ly thân? Thế thì áo giao lĩnh phải xuất hiện sau áo tứ thân, không ai ly dị trước khi yêu nhau thắm thiết!
* Áo đổi vai - Gần giống áo tứ thân, khác ở chỗ vạt sau không phải chỉ giản dị nối hai thân, mà mỗi thân lại gồm hai mảnh: phía trên vai mỗi thân có chắp một mảnh vải dài độ vài gang tay, nhưng đôi bên so le cái dài, cái ngắn chứ hai mảnh vai trái và vai phải không đều nhau, và thường là vải màu đậm hơn thân áo, thí dụ áo màu nâu non thì mảnh trên vai màu nâu sẫm hay đen.
* Áo ngũ thân - Hai vạt trước và sau đều do hai thân nối sống, dưới vạt cả đằng trước còn một vạt con nhỏ hẹp, dài bằng vạt cả. Ở lưng chừng vạt con khoảng ngang đầu gối, có đính một cái dải để buộc vào vạt cả, chỗ đường nối sống. Thuở nhỏ, tôi đã từng mặc áo “ngũ thân” mà không biết, chỉ biết gọi là “áo dài”, màu áo thế nào cũng không nhớ nhưng nhớ như in là phải “vất vả” buộc dải vạt con vào vạt cả mỗi khi mặc áo.
Áo dài ngũ thân 1900
Áo dài năm thân Linh mục Công giáo (cuối thế kỷ 19)
Có người cho rằng áo ngũ thân xuất hiện từ thời Gia Long vì mặc nó thì phải mặc với quần chứ không mặc với váy. Nhưng theo Phan Khoang thì loại áo ngũ thân gài khuy mặc với quần đã do Đào Duy Từ (1572-1634) khuyên Chúa Nguyễn nên bắt dân mặc để khác với tập tục miền Bắc của Chúa Trịnh.
Chiếu Vua mùng sáu tháng ba
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng
Không đi thì chơ không đông
Mà đi thì...lột quần chồng sao đang
Có quần ra đứng bán hàng
Không quần đứng nấp đầu làng trông Quan
Ý nghĩa của áo ngũ thân: bốn thân tượng trưng cho đôi bên phụ mẫu, vạt con tượng trưng cho người mặc áo, năm cái khuy tượng trưng cho ngũ thường của đạo Nho (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Sinh cha mẹ (tứ thân) rồi mới sinh con là hợp lý. Có điều chiếc vạt con này về sau bị cắt ngắn đến thắt lưng, rồi bây giờ biến mất chỉ giữ lại cái mép đủ chỗ để đính khuy thì phải giảng ý nghĩa thế nào cho hợp lý?
Người Việt xưa gọi áo dài là Tập phục, nghĩa là loại áo được mặc với nhiều lớp hay còn được gọi nôm na là áo mớ ba hoặc mớ bẩy. Thật ra trong đám mớ ba, mớ bẩy đó, lớp áo dài bên ngoài lại được người xưa gọi là áo lót. Vì thật ra nó chỉ là lớp lót trong của áo bào, với lớp xiêm độn ở giữa, trong các lễ trọng đại. Cho nên khi đọc sách Tây Hành Nhật Ký của Phạm Phú Thứ, thấy viết là các cụ sứ thần nước ta khoác “áo lót” (tập phục) ra đón tiếp quan khách ngoại giao của các nước đến thăm, người không hiểu lại thấy xấu hổ rằng người mình ngày xưa khiếm nhã.
Cũng cần nên biết hai loại áo dài luôn đi song song với nhau từ xưa đến nay. Đó là áo dài tứ thân và áo dài năm thân (tức là năm tà). Áo dài tứ thân có hai vạt trước mở dọc thẳng từ cổ xuống đến gấu. Vạt sau gồm hai thân nối lại dọc sống áo. Cổ áo tứ thân rất thấp, gần như không có. Loại áo này đã được biết đến từ thời Hán bên Trung Hoa, và trở thành phổ thông từ thời Đường, dưới dạng áo chẽn tay khoác ngoài với tay ngắn hay dài, gọi là đoản tụ hay trường tụ tỷ giáp. Cho đến cách đây gần nửa thế kỷ, áo dài tứ thân vẫn rất được thông dụng bởi phái nữ ở vùng thôn quê Bắc bộ, và ở áo mệnh phụ, tức là áo nhật bình, trong cung. Các sư sãi Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn mặc loại áo tứ thân với cổ nhật bình này. Trong khi áo năm thân, tức là áo dài với cổ xây (cổ đứng) cài nút sang bên phải như cái áo dài chúng ta vẫn thấy ngày nay.
Hình ảnh về các sinh hoạt xưa từ tại VN 1900-1945
ÁO DÀI VÀO THẾ KỶ XX - ÁO LEMUR VÀ ÁO “TÂN THỜI”
* Áo Lemur - Năm 1934, họa sĩ Cát Tường Lemur đã đưa ra “bản tuyên ngôn” nói rõ quan niệm căn bản của ông về cải cách áo dài, trên tờ Phong Hóa: “Các nhà đạo đức thường nói quần áo chỉ là những vật dùng để che mưa nắng, nóng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái sang cái đẹp của nó làm gì (…). Quần áo tuy dùng để che thân thể, phải hợp với khí hậu xứ nóng, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự (…) cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”. Áo dài Lemur được mô tả như sau:
1- Cổ áo: Cổ bẻ ra theo kiểu Tây phương, góc nhọn thì gọi là “cổ lưỡi dao”, tròn gọi là “cổ bánh bẻ”, cổ khoét hình quả tim, buộc giây…, đều mở ở giữa ngực, duy cổ lọ vai bồng mở ở vai bên phải, gài khuy từ cổ tới vai. Hồi nhỏ, khoảng đầu thập niên 40, tôi đã từng mặc áo cổ lọ vai bồng bằng len đỏ, khuy nhựa của Tây, hình vuông cùng màu đỏ như áo.
2- Khuy áo bằng nhựa của Tây, hình vuông, tròn, bầu dục… và có hoa nổi hay chìm, đủ các màu để chọn tùy theo màu áo.
3- Tay áo: Ông Cát Tường nhận xét là tay áo cổ truyền chật hẹp rất bất tiện mỗi khi co tay, và không hợp với khí hậu nóng bức… Tuy nhiên, ông có vẽ một kiểu áo dạ hội tay cắt ngắn ở khoảng giữa cánh tay rồi đeo găng tay dài đến tận giữa cánh tay. Có người khen là trông “rất sang trọng”. Với tư cách là người mặc áo dài, tôi cảm thấy thay thế cái tay áo dài bằng cặp găng dài còn nóng bức và bất tiện hơn.
4- Thân áo: Ông Cát Tường cho rằng áo cổ truyền lụng thụng quá, cần phải ôm sát thân người mặc áo thì mới đẹp.
Trên thực tế, áo Lemur chỉ ôm hờ thân người mặc chứ không ôm sát, cứ xem ảnh cưới của chính ông Cát Tường (1936) cũng thấy rõ cả cô dâu lẫn các cô phù dâu đều mặc áo Lemur nhưng nó không ôm sát thực sự như áo dài ngày nay, mà chỉ bớt lụng thụng nhờ cắt lượn theo thân hình chứ xếp nếp (plis) không sâu, có khi không có cả plis nữa. Từ áo Lemur đến áo dài hiện đại có một khoảng xa cách không kém gì từ áo dài lụng thụng tới áo Lemur.
5- Viền tà: Tà áo cổ truyền phải mất 3 đường khâu và một cái nẹp dài để viền tà cho cứng cáp, vạt áo sẽ đứng chứ không cong queo. Ông Cát Tường tung ra lối viền tròn như con giun bằng một thứ hàng và màu khác hẳn màu áo, giống kiểu viền quần áo ngủ pyjama, đỡ tốn công hơn và lạ mắt. Màu viền tà cũng như màu khuy giống nhau.
Áo dài Lemur rất được hoan nghênh, thậm chí có chị Phan Thị Nga ở Hội An ca tụng không tiếc lời: “Kiểu quần áo Cát Tường đã làm cho chị em thêm diễm lệ ở nét mặt…” (Ngày Nay, số 13, 1935)
* Áo Lê Phổ - Áo Lemur tuy được hoan nghênh nhưng cũng bị chê là “lai căng”. Theo Wikipedia thì ông Lê Phổ, cũng năm 1934, “đã sửa bớt những nét lai căng, đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn, dung hợp hài hòa. Áo dài đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó”.
TỪ ÁO LEMUR ĐẾN ÁO DÀI HIỆN ĐẠI
Thập niên 60s-70s, áo dài bắt đầu tôn lên những nét quyến rũ nhất của người phụ nữ. Eo được may thắt lại, có người còn dùng dây quanh áo phía trong ở vòng hai để eo đuợc nhỏ hơn, tà áo rộng, ngực áo nhọn, gấu áo thẳng ngang, dài gần đến mắt cá chân, làm cho người mặc có dáng "thắt đáy lưng ong"
Áo dài cũng trở thành một trang phục không thể thiếu khi đi ra ngoài của phụ nữ Việt. Đặc biệt trong Sài Gòn, cuộc sống phồn hoa và ảnh hưởng từ phong cách Mỹ đã khiến phụ nữ nơi đây có phong cách áo dài đa dạng, năng động với đủ màu sắc, hoa văn, chất liệu.
* Áo dài có thắt lưng - bà Anh Trần (sau này làm điêu khắc), ở Paris người sáng tác ra kiểu áo dài có thắt lưng mới sau khi học một lớp dạy cắt quần áo Tây phương. Kiểu áo này không thấy còn tồn tại.
Áo dài xưa có thắt lưng
* Áo dài kiểu bà Nhu tức bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu. Năm 1958, bà Nhu xuất hiện trước công chúng với chiếc áo dài cổ hình thuyền và tay ngắn. Đấy cũng là một cải cách quan trọng đáng kể vì trời nóng bức mặc áo cổ đứng rất khó chịu.
Cùng trong thập niên 60, áo dài thêm một lần nữa thay đổi: đẹp, quyến rũ hơn. Đó là kiểu áo dài cổ hở (hay còn gọi là cổ thuyền) do vợ của Ngô Đình Nhu, bà Trần Lệ Xuân, thiết kế (nên thường gọi là áo dài bà Nhu).
Những chiếc áo dài của thập niên 60-70 (tk.20)
* Áo tay giác lăng (raglan) - Khoảng thập niên 60, hiệu may Dung Dakao ở Sài Gòn tung ra kiểu áo dài tay giác lăng, ráp tay xéo vai khiến cho chỗ nách không còn những đường nhăn nhúm như trước… vải may thân áo dày nhưng tay với ngực lại bằng vải mỏng hoặc thân áo và hai tay là hai màu, nút cài từ cổ xéo xuống ôm sát thân hình người mặc từ nách đến eo. Sau đó còn kiểu mini và maxi raglan nữa.
* Áo dài hiện nay - Việt Nam hiện nay cũng có những nhà thiết kế vẽ các kiểu áo dài “mới” như áo không cổ hoặc thân áo một thứ hàng, hai tay dùng hàng mỏng trông suốt qua được. Phần nhiều mặc áo trơn hay thêu chứ không dùng áo vẽ, và thêu gần kín ngực không còn chỗ để đeo nữ trang. Cũng có kiểu áo dài chui đầu, không khuy… Quần đồng màu với áo hay màu khác hẳn như đỏ, vàng, xanh…
Cho dù giờ đây người Việt không còn mặc áo dài như một loại trang phục thường ngày như trước đây, nhưng áo dài vẫn là một loại trang phục trang trọng để mặc trong những dịp quan trọng. Đặc biệt nhất là vào những ngày đại lễ, ngày tết nguyên đán, ngày giổ... áo dài là một loại trang phục mang nhiều nét truyền thống của Việt tộc. Kể từ năm 1952 thời Quốc gia Việt Nam, thủ tướng Trần Văn Hữu đã ấn định quốc phục cho các viên chức hành chánh trong chính phủ: nếu buổi lẽ mang tính cách tôn giáo hay lịch sử thì lễ phục là áo dài chẽn, khăn đen, quần lụa trắng.
Quốc phục áo dài nam và khăn đống của nội các Ngô Đình Diệm
(1954-1963) vào ngày đầu năm
Vậy nếu nói đến quốc phục truyền thống thì chính chiếc áo dài nữ mới đậm nét và có nhiều biến đổi theo chiều dài lịch sử tính từ thời đồng thau (500 năm trước CN). Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, áo dài được quy định bởi những văn bản pháp quy (sắc dụ chúa Nguyễn Vũ Vương) về ăn mặc được rõ ràng hơn (chiếu chỉ quy định của vua Minh Mạng về trang phục hoàn chỉnh cho áo dài nữ phục). Do đó khi nói đến áo dài Việt Nam, người trong lẫn ngoài nước thường nghĩ nhiều đến chiếc áo dài của người phụ nữ hơn là nam phục.
Áo dài nam không có thay đổi nhiều như áo dài nữ. Ngày nay người ta ít còn thấy hình ảnh một thanh niên, thậm chí một ông cụ già Việt Nam, vận chiếc áo dài nam truyền thống. Áo dài nam phục chỉ còn xuất hiện tại những lễ hội mang đậm nét truyền thống Việt Nam hay là lễ cưới, khi làm lễ ra mắt gia tộc.
Ở Việt Nam, Áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của họ. Có thể nói rằng Áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.
Hình ảnh được người viết sưu tầm trên Internet, cám ơn các tác giả những hình ảnh và tài liệu có trong bài biên khảo này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. ÁO DÀI XƯA VÀ NAY NHỮNG NGỘ NHẬN...
2.Vẻ đẹp trường tồn cùng năm tháng của tà áo dài Việt Nam
3.Tà Áo Bay Bên Trời Quê Đất Khách
4. Áo dài xưa “chảy” cùng lịch sử
5.Áo dài Sài Gòn xưa và nay
http://luongvancan.avcyber.com/D_1-2_2-323_4-11852_5-10_6-1_17-114_14-2_15-2/6. Áo dài https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%81o_d%C3%A0i
Lê Kim Anh biên khảo 3/1/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét