Nỗi Buồn Chiến Tranh Qua Thi Ca Miền Nam (1960-1975) - Huy Phương

Chiến tranh được định nghĩa như một cuộc tranh giành hơn thua, xung đột vũ trang vì quyền lực, chiếm đoạt lãnh thổ, áp đặt chủ nghĩa hay để trả thù, rửa hận. Nhiều nhóm người và dân tộc đã nhân danh nhiều thứ như tự do, độc lập, giải phóng... để mở cuộc chiến tranh. Dù với nhân danh nào, mục đích nào, giải phóng, áp đặt hay tự vệ hay bảo toàn lãnh thổ thì chiến tranh cũng đem lại chết chóc, tang tóc cho cả hai bên. Chúng ta đã thấy hàng trăm nghìn bia mộ, những vành khăn tang của cô nhi quả phụ, những nạng chống, những chiếc xe lăn của người thương tật, cùng với xóm làng điêu tàn, và những hậu quả để lại cho đời sống cả chục năm sau trên mặt địa cầu cũng như những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn con người.
“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”
“Say chốn sa trường xin chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?”
Hai câu Ðường của Vương Hàn đã cho ta thấy nỗi xót xa của người chiến sĩ một lần đi không trở lại. Sau những khải hoàn môn kia, sau những vòng hoa chiến thắng, sau những ngày lễ khao quân, sau những ”tướng công thành” là những đống xương Vô Ðịnh, như hai câu sau đây của Bùi Hữu Nghĩa:
“Ðống xương vô định sương phơi trắng
Vũng máu phi thường nhuộm cỏ cây!”
Chúng tôi xin lấy thời điểm 1954 - sau khi đất nước chia cắt và sau đó vài năm chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc bộc phát khốc liệt. Trong thời gian này chúng ta đã đọc được nhiều bài thơ viết về chiến tranh, phần lớn là của những người cầm súng. Ở đây chúng tôi chưa có dịp để trình bày với các bạn những bài thơ trong thời gian gọi là chống Mỹ cứu nước với lòng căm thù hung hãn của những người làm thơ để “biểu diễn lập trường.”
Với cái nhìn tổng quát, tôi xin nói về thơ chiến tranh của những thi sĩ, trong cuộc chiến tranh để bảo vệ miền Nam trong hơn hai mươi năm. Cũng xin nói thêm về danh từ phản chiến. Chỉ có những kẻ buôn súng mới thích chiến tranh, còn ngoài ra không ai yêu chiến tranh, ai cũng chống lại chiến tranh, mà người ta gọi bằng danh từ “phản chiến.” Nhưng phản chiến không chỉ là đào ngũ, trốn lính, để trở thành hippy, bụi đời... mà phản chiến cũng có thể vẫn cầm súng và làm hết bổn phận công dân của mình.
Chúng ta có những nhà thơ phản chiến không mang danh nghĩa “bất phục tòng,” hiện diện trong quân đội, có mặt trên chiến trường và vẫn làm thơ lên án chiến tranh. Ðó là ưu điểm của nền văn nghệ miền Nam.
Trong những tác giả có thơ chiến tranh mà tôi trích dẫn nơi đây đã có người nằm xuống trong cuộc chiến, vì người thơ không sống nổi qua một cuộc chiến quá dài. Hiện nay việc sưu tập thơ trong chiến tranh đã gặp nhiều khó khăn và nhiều tài liệu đã thất lạc, qua bao nhiêu lần khổ nạn của đánh tư sản, thiêu hủy văn hóa phẩm, di tản, vượt biển.
Là người làm văn hóa, nhà văn, thi sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia... chúng ta đã chia sẻ gì với đất nước, với con người về nỗi buồn của chiến tranh, cao hơn là nỗi đau đớn của chiến tranh.
Ðiều đáng ghi nhận là suốt trong những dòng thơ của những người miền Nam cầm súng, không thấy ai căm thù, không thấy ai cao giọng hô hào cho chủ nghĩa, không thấy ai đòi ăn gan uống máu quân thù. Họ coi chiến tranh như chuyện tất nhiên phải làm, một bổn phận đưa đẩy, thậm chí là một thứ trò chơi lớn, do đó những người thơ cầm súng cũng chấp nhận cái chết, sẽ đến bất ngờ, nếu có, một cách thư thái nhẹ nhàng.
Tôi ghi lại đây bốn cái nhìn về chiến tranh;
1. Thảm cảnh của chiến tranh,
2. Chiến tranh như một thứ trò chơi của số mệnh, 
3. Lòng nhân ái trong thơ của người lính miền Nam, 
4. Nỗi buồn của người lính sau chiến tranh.
1. Thảm cảnh của chiến tranh
Chiến tranh trước hết là địa ngục. Ở đó là máu lửa, bom đạn, chết chóc, mẹ góa con côi, què cụt... Mô tả chiến tranh thì mỗi người nhìn từ một góc cạnh, kẻ trực tiếp cầm súng làm chiến tranh, đối diện với kẻ thù, người là nạn nhân mất chồng, mất cha, người thấy chiến tranh hiện diện đe dọa cuộc sống bình thường trong thành phố. Chúng ta sẽ thấy nỗi bi thảm chiến tranh hiện diện thế nào trong thơ.
Mai Trung Tĩnh đã vẽ một bức tranh tổng thể về chiến tranh trên quê hương miền Nam, nơi ông đã sống và phục vụ trong quân đội trong bài thơ mang nhan đề “Quê Hương”:
“Những bình minh rớm máu
Những hoàng hôn nghĩa trang
Những ruộng đồng thi thể
Những núi đồi thịt xương
Khóc không còn nước mắt
Ăn không trọn bát cơm
Học chẳng thành ra học
Chơi không còn chỗ chơi
Tuổi trẻ uống đạn bom
Bao lần chưa biết đã
Bè bạn lá mùa thu
Rụng mỗi lần lả tả
Cái chết như tặng vật
Tình yêu quán nghỉ chân
Mười lăm trông mười bảy
Ba mươi nhìn năm mươi.”
Vào sâu từng hoàn cảnh, từng địa phương, chúng ta sẽ thấy chiến tranh nhìn từ mọi phía, nơi mặt trận đầy đạn bom, tại một đơn vị vừa có nhiều người cầm súng hy sinh, hay một góc nhà vĩnh biệt quạnh hiu. Với Trần Hoài Thư, người lính thám báo SÐ 22 BB, trực tiếp tham gia chiến tranh:
“Pháo chụp người gào khan cổ họng
Máy sôi tắt nghẹn chờ phi tuần
Miểng thép đâm xiên thằng bạn gục
Hỏa châu vàng thoi thóp triền sơn.”
Với Tô Thùy Yên, người lính làm thơ vùng sình lầy, sông rạch của miền Nam:
“Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh,”
hay:
“Trời ơi những xác thây la liệt
Con ai, chồng ai, anh em ai?” (TTY)
Lan Sơn Ðài, một nhà thơ trẻ, đã viết những dòng thơ buồn sau đây trên tuần báo Khởi Hành năm 1969, khi chiến tranh tới hồi khốc liệt, lúc thoát chết mà không biết nên khóc hay nên cười:
“Khi tôi về theo đơn vị ở Tân Uyên,
đêm không bóng đèn, ngày chói chang nắng phủ
từng mùa trăng lùng địch tận chiến khu D,
những ngày nơi đây tôi không hy vọng được về
chết- nhất định tưởng rằng tôi sẽ chết
bao nhiêu đói rét - ôi nhọc nhằn hết sức,
vinh quang đâu - đời tôi đó hôm nay
bạn bè tôi, thằng hóa đá, đứa mây bay
đứa còn kẹt ở chiến khu một cánh tay, một bàn chân, dăm ba sợi tóc
điều không tưởng là tôi được thoát
nên biết cười hay nên khóc thế nào đây?”
Và với Trần Thuật Ngữ, chiến tranh là vô nghĩa và vô định:
“lòng theo chân bước mịt mờ
thịt xương ủ lạnh ngọn cờ đỏ tươi
từ đi theo vết máu người
ngủ trong tiếng nổ quên lời chim ca
người nằm trong đất xót xa
người đi trên đất xương da rã rời.”
Và đây, với Nguyễn Phúc Sông Hương, người lính đang thực sự chiến đấu trên mảnh đất đồng bằng Nam Bộ, thấy bạn bè ngã gục trước mắt mình:
“Ngày đầu nhảy xuống rừng An Lộc
Tuấn, Bé, Hùng, An đã giã từ
Ðành lấp hình hài khắc dấu đá
Quan tài chôn bạn chiếc poncho.”
“...Chỉ hai trăm mét mà xa lắm
Trảng trống đã rơi mấy chục người
Trảng trống, đời ta nhiều trảng trống
Và nhiều cao địa núi sông ơi!”
Ðây là câu hỏi của một người chiến binh khác, Ý Yên:
“Sau những đợt xung phong ào thác lũ
Còn lại gì, vườn trống cạnh nhà hoang?”
Ngy Hữu, một người lính làm thơ khác đã viết những lời trối trăng gần như tuyệt vọng:
“em biết không tháng ngày bom đạn phá
những thằng con trai chết tuổi hai mươi
anh nhìn lại bốn năm miền máu lửa
xót xa đầy hồn du tử em ơi.
“ngày mai anh về nghĩa trang quân đội
người lính còn ngồi ôm súng không em
xin đừng khóc nếu một lần em tới
vì với đời - anh tình nguyện quên tên.”

Cũng trong hoàn cảnh những chiếc quan tài người lính mới được đưa về hậu cứ hay ở quận lỵ heo hút, đôi khi chẳng có khói nhang, với cái nhìn của Tô Thùy Yên:
Áo quan phong quốc kỳ oanh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê nhà không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài đám lạnh tanh. (thơ TTY)
Nếu được vẽ một bức tranh về chiến tranh thì Thái Hải Ngạn sẽ vẽ như thế này:
“Vẽ quê hương khói đạn mù
Vẽ anh em với mắt thù bao năm
Vẽ em thơ chết trăng rằm
Vẽ đêm phố chợ điêu tàn gạch vôi.”
Ðối với Ðịnh Giang, không còn cả tương lai cho thế hệ mai sau:
“Mau lớn khôn đi con
Góp mặt cùng bè bạn
Ðêm nhìn nắng hỏa châu
Ngày nhìn mưa bom đạn”
... “Cha cuộc đời lính tráng
Mười năm vác súng rồi
Mỗi năm giờ sum họp
Ngắn hơn giờ chia phôi.”
Tống Châu An ghi lại nỗi buồn trong một đêm đi kích ở miền quê:
“Quê hương chinh chiến mù mù
Ðêm nghe chinh phụ à ời ru con.”
Trái với những người làm thơ ngoài mặt trận, Lê Thị Huệ nhìn chiến tranh ở hậu phương, trên phố phường qua những chướng ngại trên đường phố, đó là những lô cốt, với những cái nhìn phản chiến, hờn giận:
“Tôi lớn dậy cùng những lô cốt chắn đường,
Tử thủ phố phường ướt những đêm kinh con gái
Máu chảy lai láng chiến trường trong bản tin buổi sáng
Lô cốt. Lô cốt. Những hàng rào kẽm gai!
Gai đâm ngang mặt trời quê hương chiến tranh
Tôi không biết được mùi hương của những nụ hoa chanh
Nở cốm xanh trời Việt Nam những trưa hè lưu tán
Họ để lại lô cốt những cái bướu trâu
Móc u óc khắp tử cung tôi thời hậu chiến
Chúng nổi tự bao giờ làm sao tôi hiểu thấu
Những lô cốt còn lại từ một cuộc chiến tranh.”
Ðây cũng là cái nhìn về chiến tranh qua đời sống người dân ở một quận lỵ miền Nam, qua thơ của Thạch Nhân:
“Buổi sáng nhìn những chuyến xe đò chạy vào quận lỵ
những chuyến xe chạy chậm hơn rùa
những mô đất cao, những ổ gà có thể
là bóng tử thần đang chờ đợi chúng ta
Buổi sáng nhìn những mái nhà, những ngôi chùa sụp đổ
ôi quả đạn nào vừa rơi trúng đêm qua
những xác người, những trái tim ngừng thở
đứa bé nhà ai khát sữa kêu la...”
Không chia sẻ, làm sao hiểu được nỗi đau của người trong cuộc, khi mất đi một phần đời của mình như người quả phụ trong thơ Lê Thị Ý, chua xót với hình ảnh “anh lên lon mới giữ hai hàng nến trong”:
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để nhớ mình không là mình.
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si một thuở hiển linh bây giờ.”
và Linh Phương, một người mà chúng ta biết rất ít, hiện ra một lần, rồi biến mất, nhưng những âm thanh còn lại để đời qua nhạc Phạm Duy, một bài thơ với những hình ảnh xót xa nhất của chiến tranh, được coi như một bài thơ phản chiến:
“Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín đời anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô trên đầu vội vã, em ơi.”
2. Nhà thơ nhìn chiến tranh như một trò chơi
- Sống chết là số mệnh
Hầu hết những người làm thơ miền Nam là người cầm súng. Dù họ phản chiến, nghĩa là ghét chiến tranh, chống chiến tranh, hoặc coi chiến tranh như một điều phải làm, một điều không thể tránh. Bị động viên như một trạng thái thụ động, hay hăng hái tình nguyện vào lính vì yêu lý tưởng, vì không hèn, họ vẫn còn khí phách của những người trai. Ra trận, có nghĩa là cái chết đã gần kề, không nghe ai run sợ, mà vẫn nghe sự hào sảng, khí khái như Tô Thùy Yên sau đây
“Tới đây toàn những tay hào sảng
Sống chết khôn làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc gì thân thế
Có vợ con mà như độc thân.
- Bạn hỏi thăm ta cho có lệ
Cuộc đời binh nghiệp - Ta cười bung
Còn mươi tháng nữa lên trung úy
Có thể ngày mai chữa biết chừng...”
Và đây, những suy nghĩ của Trần Hoài Thư trong một đêm chuẩn bị hành quân:
“Nửa đêm kẻng giục, quân ra trận
kinh động cả lòng đêm tối bưng
Nhận lấy chỉ ba ngày cơm gạo sấy
không buồn, chỉ một chút bâng khuâng.
Ðời ta là con số không vô tận
May trên đầu còn chiếc mũ rừng
mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ
Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân (THT)
Nguyễn Bắc Sơn, người được coi như một nhà thơ phản chiến, cũng chỉ hơi thấy một chút buồn ngày ra trận:
“Ðêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Song Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Ðốt tiền mua vội một ngày vui. (Nguyễn Bắc Sơn)
Trong bài “Tiệc Tẩy Trần của Những Thằng Sống Sót,” Nguyễn Bắc Sơn đã viết:
“Các bạn cũ những thằng nào vô phước,
Mồ đang xanh vì cuộc chiến hôm qua,
Hãy về đây mà say khướt cùng ta
Này bóng mây cao, này vòm lá thấp.”
Ðôi lúc giận đời cũng muốn chửi thề một tiếng:
“Chửi thề mấy tiếng trong tầm pháo
Thế hệ sinh lầm thuở rối ren!” (NBS)
- Lòng nhân ái trong chiến tranh:
Người lính trong chiến tranh có buồn không? Xa xa, trên đường chinh chiến gian nguy, không biết cái chết đang rình rập đâu đây, nhưng thơ của người lính miền Nam vẫn hào khí và đầy lòng nhân ái, như những câu thơ sau đây của Nguyễn Phúc Sông Hương, một đêm trăng tròn trên chiến địa:
Mấy tiếng tù và vang dưới lũng
Chắc là địch lạc, thổi tìm quân.
...Ðỉnh cao ta chẳng cần xin pháo
Ðể cho người sống trọn đêm rằm.
Ai đi đánh giặc mà không muốn tìm và diệt đối thủ, nhưng ý tưởng của Nguyễn Phúc Sông Hương cũng gần gũi với Nguyễn Bắc Sơn, coi chiến tranh như tai trời ách nước, chết sống đều do số mệnh an bài:
“Ta vốn hiền khô là lính cậu
Ði hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước.
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi.”
Rõ ràng cuộc chiến như trò chơi, không căm hờn, không thù hận.
Trần Hoài Thư cũng đồng ý chiến tranh, chết sống là nghiệp số:
“Kẻ bỏ ra đi người ở lại
Chiến tranh thì cũng nghiệp oan chung.”
Tô Thùy Yên đã nói đến điều vô lý của chiến tranh trong bài thơ dài “Chiều Trên Phá Tam Giang”:
“Hỡi gã Cộng quân sốt rét, đói
Xích lời nguyền, sinh Bắc tử Nam.
Vì sao ngươi tới đây?
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn
Dưới mắt ngươi làm tên lính ngụy.”
hay: 
“Hỏi nhau chơi cho thỏa tính bông đùa
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam - một tổ quốc...?
Các việc người làm, ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm.
Các việc ta làm, 
Ta xét thấy chẳng ra chi!”
Những nhà thơ miền Nam, không nghe ai kêu gào giết giặc như nhà thơ Chính Hữu của bên kia chiến tuyến, đó không phải là nỗi đau của chiến tranh, đó là hả dạ lòng căm thù:
“Mùa thu thây giặc chất sông núi,
Mùa hạ thây giặc phơi đầy đồng.”
Cùng một cái nhìn đối với những xác chết ngoài trận địa sau cơn giao tranh, Chính Hữu làm sao có được cái nhìn nhân ái đối với những con người đã nằm xuống ngoài trận địa, để có thể đặt câu hỏi như Trần Hoài Thư:
“Ai bạn ai thù sao quá thảm,
Trên một dòng cuồn cuộn oan gia”
hay pha chút đau đớn như Tô Thùy Yên:
“Trời ơi, những xác thây la liệt
Con ai, chồng ai, anh em ai?”
3. Chiến tranh chấm dứt những người thơ miền Nam nghĩ gì? Ðó là nỗi buồn chưa hết, nỗi buồn sau chiến tranh.
Rồi chiến tranh đột ngột chấm dứt, người ta dùng hình ảnh người lính bị bức tử phải buông súng, hay nói như nhà văn Cao Xuân Huy là gãy súng. Danh từ quân đội là tan hàng, danh từ điện ảnh là đứt phim. Sáu năm trước khi chiến tranh chấm dứt, Nguyễn Bắc Sơn đã nghĩ sẽ có một ngày:
“Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt,
Xin giã từ đời vũ khí, huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết, xin bắt đầu lại hết.”
và chúng ta, ai cũng có quyền mơ ước như Bùi Nghi Trang:
“ngày nào đó ta trả súng trở về
cha con ta vác sách thánh hiền, vác cần câu ra bờ ruộng.”
hay:
“ngày nào đó ta trả súng trở về,
ta sẽ kẽ lông mày cho hiền thê như Triệu Minh-Vô Kỵ”
Nhưng sau ngày 30 tháng 4, rõ ràng là những mơ ước đó không thành sự thật, và rất nhiều điều bất trắc đang chờ đợi người lính thất trận. Người lính không tiếc cấp bậc không tiếc danh vọng, nhưng có người đã tiếc một cuộc đời toan tính hy sinh cho hai chữ tự do, họ tiếc vì sự nghiệp nửa chừng dang dở. Giờ đây sau chiến tranh là nỗi nhớ chiến hữu, nhớ bạn, nhớ bè:
“Chiếc chiếu rượu bây giờ thành chiếu trống
Những người xưa giờ đã bỏ đi đâu
Còn lại mình tôi, cách nửa địa cầu
Con ngựa lạc đàn ngậm ngùi đất khách” (Trần Hoài Thư)
Ðẹp hơn cả, trong sự hối tiếc sau chiến tranh, là họ không còn che chở, chiến đấu được cho những người dân, những đồng bào trong vùng trách nhiệm, bất lực trước thời cuộc đổi thay quá nhanh chóng. 
Người lính miền Nam “chân theo đoàn quân rút đi, nhưng tấm lòng còn ở lại” như ý thơ của Nguyễn Phúc Sông Hương, trong bài Nửa Hồn Xuân Lộc mà tôi xin trích dẫn một vài đoạn sau đây để kết thúc cho bài này:
.......
Hồn ta là kiếm sao không chém
Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi
Ðêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
Ðành biệt nhau, xin tạ lỗi người
Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi
Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui
Ta biết dưới hầm em đang khóc
Thét gầm pháo địch dập không thôi...
Huy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét