KẺ SĨ ĐẦY TIẾT THÁO CỦA MIỀN NAM 
 PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN VĂN TUYÊN

Trong lịch sử VNCH có hai người cao cấp trong chính quyền đã chết trong ngục tù cộng sản đó Thủ Tướng Phan Huy Quát - chết trong nhà tù Chí Hoà, Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên - chết trong trại tù khổ sai ở miến Bắc. Trong mùa quốc nạn năm 2018 chúng tôi, những hậu duệ xin được phép vinh danh người lãnh đạo cao cấp của miền nam trước 1975 - Luật sư Trần Văn Tuyên là một trí thức, một luật sư, môt nhà văn, một nhà chính trị yêu nước một nhân vật lịch sử, một chiến sĩ chống cộng đến hơi thở cuối cùng. Ông là một tấm gương đầy khí phách của một Thũ Lãnh Luật Sư Đoàn VNCH, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng trong những ngày cuối cùng của tháng 4/1975. Ông không di tản ra ngoại quốc, LS Tuyên đã khẳng định rằng mình “Thà chết vì bàn tay của kẻ thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, của bạn bè, của đồng chí và đồng minh” và ông cũng cho biết quyết định của mình như sau : .“... Sinh ở đây thì chết cũng ở đây…”

Tìm Hiểu Về Cố Luật Sư TRẦN VĂN TUYÊN


Trước ngày 30-4-1975, LS Tuyên dù có nhiều phương tiện để xuất ngoại nhưng ông đã chọn ở lại và ông đã chết trong trại tù Hà Tây (Bắc Việt) ngày 26-10-1976. Luật sư Trần Văn Tuyên có 7 người con hiện tất cả đều ở hải ngoại. Người con trưởng là LS Trần Tử Huyền, cũng là nhà báo Linh Chi hiện ở vùng Bắc California. Trưởng nữ là bà Trần Đạm Phương, được biết nhiều trong các cuộc tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam cũng như cho sự tự do của thân phụ lúc ông bị giam giữ tại Việt Nam. Ba người con trai cuối, các ông Trần Tử Thanh - một lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng, Trần Vọng Quốc và Trần Tử Miễn (một lãnh đạo VNQDĐ ở Pháp) đang theo hướng đi của thân phụ, hoạt động chính trị và tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Nhà báo Trọng Kim, chủ nhiệm, chủ bút Ngày Nay cũng là người trong gia đình LS Tuyên, từng giúp ông Tuyên trong việc liên lạc với báo chí ngoại quốc từ đầu thập niên 60 tới lúc mất miền Nam.

LS TRẦN VĂN TUYÊN
Quí Sửu 1913 – Bính Thìn 1976)

Luật sư Tuyên, một trong những người sáng lập Hội Hướng Ðạo Việt Nam, sinh ngày 1-9-1913 tại tỉnh Tuyên Quang, nguyên quán huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông.


Học ở Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân Luật Ðại Học Luật Khoa Hà Nội, dạy học tại Trường Trung Học Thăng Long, tham gia hoạt động chống Pháp từ những năm 1930-1931. Năm 1942 ông bị Pháp bắt giam một thời gian vì “tội thành lập Ðảng Thanh Niên Hưng Quốc”. Sau khi được xử trắng án và tự do, ông thi đỗ ngạch Tri Huyện Tư Pháp, được bổ làm Tri Huyện huyện Thanh Miện, Hải Dương, đến năm 1944 thì từ chức.

Sau Tổng Khởi Nghiã Tháng 8 năm 1945, ông tham chính, giữ chức Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Ngoại Giao Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Ðầu năm 1946 ông lưu vong sang Trung Hoa, khi hồ chí minh lùng giết các đảng phái quốc gia.

 LS Tuyên giữ chức vụ Tổng-Trưởng Thông-Tin vào năm 1949 trong nội-các của Tướng Nguyễn-Văn-Xuân, sau đó tham gia vào nội các Trần-Văn-Hữu (1949-1951) với chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ-Tướng. Khi tham gia hội-nghị Pau để thương lượng với chính quyền Pháp trao trả chủ quyền cho Việt-Nam, LS Tuyên đã quyết liệt phản đối sự vi phạm trắng trợn các thỏa ước Pháp đã ký kết. LS Tuyên đã thẳng thắn nói với Cao-Ủy Pháp là Tướng De Lattre de Tassigny rằng ông ta không có quyền can thiệp vào nội bộ Việt-Nam và yêu cầu ông này rời khỏi phòng họp nội-các của chính-phủ Việt-Nam. Tướng De Lattre de Tassigny tức giận ra lệnh trục xuất LS Tuyên ra khỏi Việt-Nam. LS Tuyên đã tuyên bố:
“Không một người Pháp nào có quyền trục xuất một người Việt-Nam ra khỏi nước Việt-Nam”.


Năm 1950 ông về Sài Gòn, có thời làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin, năm 1950-1951 ông giữ chức Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng trong chính phủ Trần văn Hữu. Năm 1954 ông là Cố Vấn Ðặc Biệt trong Phái Ðoàøn Việt Nam (chính quyền Bảo Ðại) dự Hội Nghị Genève nhằm chấm dứt Chiến tranh Ðông Dương.  Năm 1965 ông giữ chức Phó Thủ Tướng Ðặc Trách Kế Hoạch, năm 1967 ông là Dân Biểu Quốc Hội, Trưởng Khối Dân Tộc-Xã Hội tại Hạ Nghị Viện Sài Gòn, Cố Vấn Phong Trào Ðấu Tranh Cải Thiện chế độ Lao Tù, Thủ Lãnh Luật Sư Ðoàn Sài Gòn.

Năm 1965, LS Trần Văn Tuyên ra nhận chức Phó Thủ tướng cũng là lúc tình trạng chính trị và quân sự Việt Nam lâm vào hỗn loạn. Lúc ông lên nhận vai trò lãnh đạo cao trong hành pháp cũng là lúc quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẳng.  LS Tuyên và Thủ-Tướng Phan Huy Quát chủ trương chống lại việc mang quân Mỹ vào Việt-Nam, nên chỉ sau 4 tháng cầm quyền chính quyền Phan Huy Quát đã bị thay thế vì sự khó chịu của phía Mỹ, nhóm bè phái trong quân đội và phía PG Ấn Quang  cũng muốn loại trừ ông.

Trong thời gian ngắn ngủi làm Phó Thủ Tướng trong nội các Phan Huy Quát, LS Tuyên đã công du qua 10 nước Phi Châu và Toà Thánh La-Mã. Phái đoàn Việt-Nam do LS Tuyên lãnh đạo đã được đón tiếp trọng thể ở mọi nơi. Đức Giáo Hoàng Joan Paul VI đã không hạn chế giờ giấc để tiếp chuyện riêng với LS Tuyên. Tổng Thống Houary Boumedienne của Algeria đã tuyên bố: “Tôi đang tiếp một chiến sĩ cách mạng cùng chí hướng chống thực dân Pháp với tôi trước đây chứ không phải tiếp một Phó Thủ-Tướng của một nước. Cuộc công du trở về, Phái đoàn Việt-Nam đã hoàn trả lại cho công quỹ gần 50 ngàn đô la.
Vào năm chót của nền Đệ-Nhị Cộng-Hòa, LS Tuyên được bầu làm Thủ-Lãnh Luật-Sư Đoàn của Tòa Thượng-Thẩm Saigon (1975). Trong những giờ phút cuối cùng các luật sư đến xin giấy giới thiệu để di tản ra ngoại quốc, LS Tuyên sẵn sàng ký cho họ, nhưng cũng nói với các đồng nghiệp là mình quyết định ở lại. Bà Trần-Đạm-Phương theo chồng sống tại Mỹ đã được ít lâu, vào ngày 29.4.1975 điện thoại về để thuyết phục cha dời Viêt-Nam. LS Tuyên đã trả lời: “Thà chết vì bàn tay của kẻ thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, của bạn bè, của đồng chí và đồng minh”. Khi ô. Bùi Ngọc Lâm, một đồng chí, cùng hai người con trai của LS Tuyên là Trần Tử Thanh và Trần-Vọng Quốc đến trao công điện của bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ xác nhận đã dành đủ chỗ cho cả gia-đình di tản, LS Tuyên đã khẳng định rằng mình “…không phải là người đi làm bồi cho Mỹ. Sinh ở đây thì chết cũng ở đây…” Tuy nhiên LS Tuyên cho phép các con được tự do quyết định theo ý muốn của mỗi người.

Ngày17.6.1975, nhà cầm quyền Hà-Nội đã bắt LS Tuyên vào “trại cải-tạo” tại Long-Thành. Khi bị bắt buộc viết bản tự kiểm thảo, LS Tuyên vỏn vẹn chỉ viết có mấy hàng chữ dưới đây:“Tôi không có tội gì với tổ quốc và đồng bào của tôi cả. Nếu có tội thì đó chỉ là tội chống cộng sản, chống thực dân, chống độc tài và bất công”


Khi những hàng chữ này lọt ra ngoài lãnh thổ VN và xuất hiện trên các báo chí ngoại quốc, Ký giả Theodore Jacqueney trên trang nhất của tờ báo New York Times ra ngày 17.9.1976 đã gọi LS Tuyên là “Solzhenitsyn của Quần Đảo Ngục Tù Việt Nam” (Solzhenitsyn of Vietnam’s Gulag Archipelago). Đến ngày 5.10.1975, nhà cầm quyền Hà-Nội đã đưa LS Tuyên về một trại giam ở Thủ Đức. Đến tháng 4.1976 LS Tuyên được di chuyển bằng máy bay ra miền bắc và bị giam trong trại Hà Tây sau này đổi tên là Hà Sơn Bình. LS Tuyên chết đột ngột trong trại giam này vào ngày 26.10.1976. Khi qua Pháp vào tháng 6.1977 để xin viện trợ, Thủ Tướng Phạm-Văn-Đồng tuyên bố là ô. Trần-Văn-Tuyên vẫn sống và khoẻ mạnh vì sợ công luận thế giới. Năm 1977, Hội Ân Xá Quốc Tế tuyên xưng LS Tuyên là một tù nhân lương tâm. Đến ngày 19.5.1978, tòa Đại Sứ Hà-Nội tại Hòa-Lan chính thứ trả lời các tổ chức nhân quyền quốc tế là ô. Trần-Văn-Tuyên đã chết vì băng huyết ở trong não bộ. Trong số những người nhân chứng sống từng chứng kiến và đã mô tả cái chết đột ngột của LS Tuyên, họ đã tường thuật lại cái chết của LS Trần Văn Tuyên sau khi di tản khỏi Việt-Nam và hiện đang sống ở hải ngoại là các ông :Phan Vỹ, Thái-Văn-Kiểm, BS Trần Vỹ và BS Nguyễn-Văn-Ái.
LS Tuyên là người chủ xướng tờ báo Sao Trắng của Việt-Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) vào năm 1942. Sau này ông còn là một ký giả cộng tác với nhiều tờ báo trong nước như Thời-Luận, Chính-Luận, Quyết-Tiến, Đại Dân-Tộc, Tin Sáng, v.v. trong khoảng 1958-1975 dưới nhiều bút hiệu khác nhau: Chính Nghiã, XYZ, Trần Côn, v.v. Trong thập niên 40, LS Tuyên còn dùng bút hiệu Trần-Vĩnh-Phúc. Ngoài tiếng mẹ đẻ, ông còn rất thông thạo một số ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng-Đông và tiếng Quan Thoại. Ngoài các báo Việt ngữ, LS Tuyên còn viết bài cho một số báo Pháp là Le Monde, l’Express, France – Asie, v.v
Luật sư Trần văn Tuyên qua đời trong trại cải tạo Hòa Bình ngày 26 Tháng 10, 1976, nhưng phía cs đã dáu nhẹm tin ông chết trong trại tù.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Hiu quạnh (1944), Tình mộng (1953), Hội Nghị Genève ( 1954), Việt Nam dưới thời thuộc Pháp (1958), Chính đảng (1968), Người khách lạ ( 1969), Con đường Cách Mạng Việt Nam (1969)...

Kết-Luận

LS Trần-Văn-Tuyên đã dành cả cuộc đời của mình để tranh-đấu cho nền độc-lập của đất nước và quyền tự do và hạnh-phúc của dân-tộc, chống cộng triệt để, chống Mỹ đưa quân vào VN. Cuộc đời ông là bề dày của những cuộc tranh-đấu bền bỉ, mãnh-liệt, nhưng lại ôn hòa dựa trên căn bản dân quyền và nhân quyền, lấy ngòi bút, tiếng nói, diễn đàn quốc-hội và luật-pháp làm công cụ để đấu-tranh. Chỉ tiếc rằng khi chết đi, ước mộng của ông chưa thành. Sự ra đi của LS Tuyên là một mất mát to lớn cho tổ quốc Việt-Nam, một mất mát lớn cho hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ông đã để lại trong lòng mọi người, cả bạn lẫn thù, một niềm tôn-kính sâu sa. Ông đã đi vào lòng đất mẹ do sự chọn lựa của chính mình, đã đi theo Nguyễn-Thái-Học và để lại tấm gương oai hùng muôn đời cho các thế-hệ mai sau. Xin được ghi lại lời nhắn-nhủ của chính LS Trần Văn-Tuyên viết trong Hồi-Ký Hội-Nghị Genève 1954 để thay đoạn kết: “Nhắc lại quãng lịch-sử quá khứ … tôi mong các bạn nhớ bài học lịch-sử để hiểu sự việc ngày nay và chuẩn bị công-việc ngày mai, để sẵn sàng ứng phó với những biến cố lịch-sử “

Có thể tham khảo thêm về Luật Sư Trần văn Tuyên tại Blog: http://vietquoc.com/2016/10/26/than-the-va-su-nghiep-cua-nha-cach-mang-tran-van-tuyen-1913-1976/


Bài viết đã được đăng trong trang nhà của "Tinh thần Yên Báy bất diệt":
https://vietquoc.com/2018/04/26/ke-si-day-tiet-thao-cua-mien-nam-pho-thu-tuong-tran-van-tuyen/
Biên khảo Võ Thị Linh 25.4.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét