TRẬN CHIẾN ẤP BÀU BÀNG 1967
VC BỊ THIỆT HẠI NẶNG NỀ
Kể từ khi chính thức gửi các đơn vị chiến đấu Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam để cùng với Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngăn chặn các cuộc các hoạt động Quân sự của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại Miền Nam, trong thời gian đầu, Bộ Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ đã khẳng định như “đinh đóng cột” rằng Việt Nam là chiến trường của Bộ Binh, không phải là đất dụng võ cho lực lượng Thiết giáp.
Các vị Tướng Hoa Kỳ nêu ra những thất bại của Thiết giáp Pháp trong cuộc chiến từ 1946 đến 1954 tại Việt Nam. Các nhà Quân sự ở Hoa Thịnh Đốn kết luận rằng Việt Nam có địa hình chi chít núi non rừng rậm và nhiều sông ngòi đầm lầy chỉ là “mồ chôn” cho các loại xe cơ giới này.
Cũng theo nhận định của các Quân sự gia này, các đơn vị cơ giới mà sự di chuyển bị phụ thuộc vào đường xá, sẽ là mồi ngon cho các cuộc phục kích của đối phương. Trước năm 1965, một số phân tích gia ở Hoa Thịnh Đốn cho rằng chiến trường Việt Nam không mang hình thái một cuộc chiến tranh qui ước mà là một cuộc chiến tranh du kích, địch quân sẽ phân tán mỏng khi đối đầu với một lực lượng mạnh hơn, từ đó họ đã nêu câu hỏi là Thiết giáp sẽ làm gì trong cuộc chiến tranh đặc thù như thế.
Câu hỏi đầy thử thách trên là một vấn đề mang tính cách vừa chiến lược vừa chiến thuật mà một số nhà quân sự chuyên về Thiết giáp muốn trả lời Họ nhận định rằng kể từ cuộc Đệ nhị thế chiến, học thuyết về sử dụng Thiết giáp của Hoa Kỳ đã được đưa ra dựa trên cuộc chiến tranh qui ước ở châu Âu. Chính vì quan niệm như thế mà cho đến năm 1965, khóa huấn luyện Sĩ Quan Thiết giáp Cao đẳng của Hoa Kỳ vẫn không có bài học nào liên quan đến việc sử dụng Thiết giáp trên chiến trường Việt Nam. Lúc đầu, hình như không ai quan tâm để ý đến, bộ Chỉ huy cao cấp của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam thì bị Hoa Thịnh Đốn giới hạn về Quân số, trong khi các nhà thiết lập kế hoạch đề cập đến nhiều điểm căn bản khác nhau trong chiến lược và sử dụng lực lượng thì khuynh hướng chống lại việc sử dụng Thiết giáp vẫn còn mạnh.
Trận chiến của Thiết Đoàn 1/4 tại Bàu bàng, Tây Ninh.
Tại chiến trường Việt Nam, vào năm 1965 khi đổ bộ vào Việt Nam, các Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cũng đã mang theo chiến xa trong đội hình của các đơn vị yểm trợ hỏa lực. Thế nhưng, với các nhà Quân sự Hoa Kỳ, sự việc đó không có nghĩa là Bộ Tham Mưu Liên Quân công nhận sự cần thiết của Thiết giáp trên chiến trường Việt Nam. Sự hiện diện của các Chiến xa trong lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam trong thời kỳ đầu được các tư lệnh Hoa Kỳ xem như sự có mặt của một thành phần yểm trợ nhỏ mà thôi.
Cũng trong năm 1965, trước đòi hỏi của chiến trường, Ðại Tướng William Westmoreland (Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam) nhận định rằng với gần 30 ngàn quân tính đến cuối năm 1964 mà phần lớn là các đơn vị yểm trợ của Không Quân, Truyền Tin và Lực Lượng Đặc Biệt, là quá ít trước áp lực của Cộng quân ngày mỗi gia tăng. Sau khi phân tích và định lượng tình hình, ông đã làm phiếu trình xin Tòa Bạch Ốc và Bộ Tham Mưu Liên Quân ở Hoa Thịnh Đốn tăng cường quân số mà ông gọi “Đơn xin 44 Tiểu đoàn,” tuy nhiên trong thứ tự ưu tiên, ông đã đặt lực lượng Thiết giáp vào cuối danh sách, sau cả nhiều đơn vị yểm trợ, vì vị Đại Tướng vẫn chưa đặt trọng tâm về sử dụng Thiết giáp trên chiến trường Việt Nam.
Khi Bộ Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ duyệt xét danh sách để trình Tổng Thống Johnson phê chuẩn, cuộc bàn cãi lớn đầu tiên về Thiết giáp nổ ra khi toàn bộ lực lượng của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ (Sư đoàn nổi tiếng trong thời kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến) được chọn trong thành phần sang Việt Nam. Trong thành phần các đơn vị trực thuộc Sư Ðoàn 1 có cả lực lượng Thiết giáp được chuẩn bị tổ chức cho việc tham chiến ở chiến trường nguyên tử tại Châu Âu. Lực lượng này có gần hai Tiểu đoàn Chiến xa, một đơn vị Bộ Binh Cơ Giới chở quân tới chiến trường bằng các xe Thiết quân vận cộng với một số Chi đoàn Thiết kỵ. Các nhà đặt kế hoạch đã trình với Bộ Tham Mưu Liên Quân ở Hoa Thịnh Đốn là không nên cho các đơn vị Thiết giáp Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam.
Sau nhiều cuộc bàn cãi, vị Tham mưu trưởng chỉ cho phép đưa loại chiến xa M-48 được đem trắc nghiệm tính hiệu quả của Thiết giáp, trong khi đó Đại Tướng Westmoreland tin rằng cuộc trắc nghiệm này sẽ thất bại vì “Việt Nam không phải là chiến trường cho Chiến xa hoặc các đơn vị cơ giới.” Những người chia xẻ ý kiến của tướng Westmoreland đã đưa ra con số so sánh, theo đó, một Tiểu đoàn cơ giới phải có 900 Quân nhân trong khi một Tiểu đoàn Bộ Binh có quân số ít hơn 900 binh sĩ. Hơn nữa, đơn vị cơ giới cần thêm 150 Quân nhân để bảo trì việc sửa chữa Thiết giáp. Tương tự một Tiểu đoàn Chiến xa phải có 570 Quân nhân mà chỉ có 220 người thực sự tác chiến. Vì mất một số nhân sự tác chiến nên đại diện của Thiết giáp không có tiếng nói mạnh mẽ. Mặc dù không khí bi quan về tính khả dụng và hiệu năng của Thiết giáp bao trùm nhưng đơn vị Thiết giáp Hoa Kỳ đầu tiên cũng đã đến Việt Nam : đó là Thiết Ðoàn 1/4.
Sáu tháng đầu tiên của đơn vị này trên chiến trường Việt Nam thật là ngột ngạt. Đơn vị bị phân tán mỏng và Chiến xa cứ bị nằm một chỗ. Hậu quả là đơn vị này không thể chiến đấu được như là một đơn vị tác chiến đúng nghĩa. Cuối cùng đến tối 11 tháng 11/1965, Thiết giáp Hoa Kỳ mới có cơ hội chứng minh khả năng và sức mạnh hỏa lực của Binh chủng này.
Đêm đó, Chi Ðội 3 Ðặc Nhiệm Cơ Giới di chuyển trong đêm vào vị trí phòng thủ ở ấp Bàu Bàng trong tỉnh Tây Ninh. Trước khi Chi đội này đến vị trí, tình hình chiến sự trong ngày không có gì xảy ra. Các cuộn kẽm gai được trải chung quanh phạm vi phòng thủ trong khi các chiến binh đào hầm hố. Xạ trường được chuẩn bị sẵn sàng chung quanh chu vi phòng thủ và các trạm gác được đặt 4 phía. Khi trời sụp tối, thi có từ 50 đến 60 quả đạn súng cối của Việt Cộng rơi vào bên trong làm 2 Quân nhân bị thương.
Sau đó 30 phút trôi qua, tình hình tại khu vực này không có gì xảy ra. Đột nhiên, Việt Cộng tung hỏa lực dữ dội vào đơn vị trú phòng. Dưới màn hỏa lực mạnh, các toán Cộng quân di chuyển vào gần chu vi phòng thủ của Chi đội cơ giới tới 40 mét. Đối phương có vẻ tự tin là sẽ đánh thắng các Binh lính Thiết giáp Hoa Kỳ chưa có kinh nghiệm trận mạc này.
Địch quân đã lầm. Ngay lúc đó, những tiếng máy nổ rú lên, các xe Thiết giáp của Chi Ðội 3 phóng ra ngoài chu vi phòng thủ và lăn bánh ào ào về phía địch quân. Cuộc phản công này đã vô hiệu hóa hoàn toàn cuộc tấn công của Việt Cộng. Nhưng chỉ một lát sau, đối phương đã tập họp lại và mở cuộc tấn công lần thứ hai từ vườn cao su ở phía đối diện với chu vi phòng thủ. Được súng máy và súng cối yểm trợ, những Cán binh Cộng Sản từ các gốc cao su ào chạy ra tiến về phía quân trú phòng.
Khi Việt Cộng xuất hiện ở gần tuyến phòng thủ thì khẩu đại liên 50 trên nóc một Thiết vận xa M-113 vẫn bị mắc kẹt chưa có ai sử dụng. Việt Cộng ào tới, Binh Nhất William Burnett, tài xế của một xe Thiết giáp đã rời buồng lái leo lên nóc. Anh mở khẩu đại liên và bóp cò ngay vào toán địch quân đang xông tới. Mười bốn (14) người gục ngã dưới tay của anh xạ thủ bất đắc dĩ này. Burnett khai hỏa gây thiệt hại nặng buộc địch quân phải ngưng cuộc tấn công lại. Thế nhưng họ chưa bỏ cuộc, và chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công nữa. Một Tiểu đội Việt Cộng phá vòng rào kẽm gai và tràn vào vị trí Pháo binh. Tuy nhiên cuộc phản công của quân trú phòng đã đẩy lùi địch ra khỏi trận địa.
Sau 6 giờ giao tranh, cuối cùng Chi đội Thiết giáp đã đẩy lùi toàn bộ cuộc tấn công của địch. Trong trận giao tranh này, phía Hoa Kỳ có 7 lính Kỵ Binh tử trận, 35 bị thương, 2 chiếc M-113 và 3 chiếc trang bị đại bác 106 ly không-giật bị cháy và ba chiếc khác bị hư hại. Tuy bị tổn thất nhân mạng và chiến cụ, nhưng qua trận đụng độ đầu tiên này, các chiến binh Thiết Kỵ đã cho thấy khả năng di động của Thiết giáp dưới hỏa lực lúc chạy ra bên ngoài chu vi phòng thủ và sau đó chạy lui tới chung quanh để ngăn cản rất hiệu quả các đợt xâm nhập của Cộng quân. Kết quả của chiến thắng này đã tạo lịch sử cho Thiết giáp Hoa Kỳ sau này.
Lữ Đoàn 11 Thiết Kỵ.
Sau trận này, Ðại Tướng Westmoreland đã thấy rõ ra vai trò của Thiết giáp và trong danh sách đệ trình Tổng Thống Johnson để xin gia tăng quân số đợt hai. Một Lữ đoàn Thiết giáp được đưa vào danh sách các đơn vị sang Việt Nam. Đó là Lữ Ðoàn 11 Thiết Ky. Khi đơn vị này có mặt tại Việt Nam, mặc dù quan niệm của Đại Tướng Westmoreland về việc sử dụng Thiết giáp đã thay đổi, thế nhưng nhiều vị Sĩ quan cao cấp Lục quân Hoa Kỳ vẫn chưa tin tưởng ở khả năng của Lữ đoàn Thiết giáp này khi hoạt động tại Việt Nam, dù rằng Lữ Ðoàn 11 Thiết Kỵ là một Lữ đoàn danh tiếng của Binh chủng Thiết giáp Hoa Kỳ.
Các cuộc bàn cãi chiến thuật và những trang bị Thiết giáp ngày càng tối tân tất cả đều được thử thách trong Lữ đoàn Thiết giáp này để xem khả năng tác chiến của các Chiến xa trước các cuộc tấn công của Cộng quân. Và ngày 2 tháng 12/1966, một Chi đội của Lữ đoàn này đã lập được một chiến tích trong trận phản phục kích ở Suối Cát. Sau trận này các cấp Tư lệnh chiến trường của Quân đội Hoa Kỳ mới thay đổi quan niệm và công nhận Thiết giáp rất hữu dụng trên chiến trường Việt Nam.
Bài viết của t/g Vương Hồng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét