NHỮNG CON THIÊN NGA KIÊU HÙNG 
CỦA MẶT TRẬN TÌNH BÁO VNCH


Ngạn ngữ nước Nam ta từ ngàn xưa đã có câu: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” để nói lên đức tính quí hiếm của các bậc nữ lưu đất Việt. Họ sẳn sàng tham gia vào việc bảo vệ đất nước: 


Nàng đã trao hồn cho núi sông
Thuyền quyên vương mắc chí tang bồng.
Chín lần gươm báu trao tay ngọc,
Một mảnh nhung y điểm màu hồng
.
(Chinh phụ ngâm)

Người phụ nữ Việt Nam không  những con người giỏi việc nước đảm việc nhà, họ còn đóng góp trong việc tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương, sẵn sàng ôm súng chống giặc xâm lăng đất nước. Ngoài lòng yêu nước, người phụ nữ Việt Nam còn giữ vai trò chủ yếu trong việc xây dựng gia đình và góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển xã hội. Lịch sử Việt Nam đã từng vinh danh không biết bao nhiêu chiến công rực rỡ của các bậc anh thư khởi nghĩa đánh đuổi giặc thù để giải phóng quê hương, lừng danh như Hai Bà Trưng:

Hồng quân nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên Biên thành.
Đô kì đóng cõi Mê Linh,
Linh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo  phục, hai là bá vương.
Hay  bà Triệu với:
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi, chiến trường xông pha
(ST)

VN là một quê hương với  ‘nhiều cơn gió bụi’ vì chiến tranh : đánh hết giặc Tàu lại đến giặc Tây, rồi đến giặc.. Cộng Sản! Trước 1975, trong nền đệ nhị cộng hoà đã có rất nhiều anh thư anh dũng chiến đấu chống giặc một cách thầm lặng trong mặt trận tình báo, đó là những anh thư thuộc Biệt đoàn Thiên Nga. Những con yêu của tổ quốc mà chúng tôi, hậu duệ VNCH muốn vinh danh trong mùa quốc nạn lần thứ 45 của VNCH (2020).

KHÁI QUÁT:

Trước tháng 4/1975, ít người biết đến cái tên Thiên Nga của Biệt Đội này. Như trong phần nhiệm vụ của ngành Đặc Biệt ở phần dưới đây, chúng ta thấy Cảnh Sát Đặc Biệt hoạt động trong khắp mọi nẻo đường đất nước, từ nơi thôn quê hẻo lánh cho đến thị thành. Trước năm 1967, những hoạt động này đều do nam nhân viên phụ trách. Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, đến cuối năm 1967, Khối Cảnh Sát Đặc Biệt quyết định sử dụng thêm nữ nhân viên trong các nghiệp vụ tình báo và phản tình báo. Nhân viên của Biệt Đội này thuộc đủ mọi thành phần như: công chức, sinh viên học sinh, buôn gánh bán bưng, kề cả những người sinh sống về đêm ở các vũ trường v.v. . . Họ là những nhân viên Cảnh Sát được ngụy thức trong tất cả mọi ngành nghề cho dễ hoạt động, theo từng nhu cầu công tác được giao phó. Những nữ nhân viên này lập thành một tổ chức mới: “Biệt Đội Thiên Nga”. Từ trung ương (Khối Đặc Biệt) cho đến địa phương (Đặc Biệt Quận), Biệt Đội này trực thuộc vào phần hành Công Tác Đặc Nhiệm, như sau:
- Tại Khối Đặc Biệt, Biệt Đội Thiên Nga nằm trong tổ chức Đặc Nhiệm của E. Công Tác (E.4)
- Tại E. Đặc Biệt cấp Khu và Thủ Đô, Biệt Đội Thiên Nga nằm trong F. Công tác
- Tại F. Đặc Biệt cấp Tỉnh và Quận Đô Thành, Biệt Dội Thiên Nga nằm trong G. Công Tác
- Và tại G. Đặc Biệt cấp Quận của Tỉnh, Biệt Đội Thiên Nga nằm trong H. Công tác.
Từ năm 1968 cho đến tháng 4.1975, với sự mới mẻ trong tổ chức và dễ ngụy thức hơn nam nhân viên (trong một vài lãnh vực), Biệt Đội Thiên Nga ở mọi nơi, mọi cấp, đã đem lại những thành quả đáng kể trong nhiệm vụ triệt hạ bọn Cộng sản xâm lược. Sau 30.4.1975, với sự trả thù của bọn Cộng sản đối với nữ nhân viên Cảnh Sát trong những Biệt Đội này, người ta mới biết đến Biệt Đội này nhiều hơn . . 

Sau năm 1954, nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã được hình thành ở miền Nam Việt Nam, do đó, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia cũng được củng cố lại để lo an ninh quốc gia và bảo vệ mọi tầng lớp dân chúng. Thành phần nữ nhân viên trong lực lượng Cảnh Sát vẫn còn được xử dụng hạn chế trong các phần vụ như: văn phòng hành chánh, kiểm soát tài nguyên, cảnh sát an ninh phi trường, hải cảng, cảnh sát ngoại kiều, tiếp tân, trại giam, giáo dục v.v…Những nữ nhân viên này được tuyển dụng tuỳ theo nhu cầu công tác, theo từng giai đoạn, chứ chưa có một trường lớp nào chính thức đào tạo v.v…
Mãi cho đến cuối năm 1965, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà mới mở một Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, nhận thi tuyển cả nam và nữ sinh viên Sĩ Quan Cảnh Sát. Điều kiện tối thiểu về trình độ học vấn là có bằng cấp Tú Tài I trở lên. Sau khi tốt nghiệp, các nữ Sĩ Quan Cảnh Sát được phân phối về Tổng Nha Cảnh Sát, Khối Đặc Biệt và một số ít được phân phối về các Nha, Tỉnh thuộc bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam .
Sau hai lần đẩy lui các cuộc tổng tấn công của Việt cộng vào miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân và tháng 5/1968, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa cần tăng cường lực lượng cảnh sát trong việc bảo vệ an ninh đất nước, ngăn chận Việt cộng xâm nhập miền Nam Việt Nam bằng đường bộ cũng như đường thủy. Vai trò cảnh sát được đặt nặng và quan trọng hơn, đặc biệt là sự cần thiết để có một tổ chức toàn những nữ cảnh sát để hoạt động trong công tác tình báo, hoạt động riêng rẽ hay phối hợp với các công tác của nam cảnh sát đang hoạt động.
Tháng 8-1968, do một sự vụ văn thư của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, quyết định thành lập một tổ chức toàn là nữ nhân viên, có tên gọi là: “Biệt Đội Thiên Nga”, trực thuộc Khối Đặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, hoạt động độc lập, song song với các tổ chức đã được thành lập trước đó. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm, phân tích tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức, các hạ tầng cơ sở của Việt cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam. Nguồn: https://canhsatquocgia.org/a177/canh-sat-dac-biet
Biệt đội Thiên Nga :
Tác Giả bài viết là : Thiếu tá  CSQG Nguyễn Thanh Thủy – Biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga, một đơn vị Cảnh Sát Đặc Biệt ra đời trong những năm cao điểm của cuộc chiến tranh bảo quốc của quân dân miền Nam đối với bọn xâm lược cộng Sản phương Bắc


Công việc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề tuyển mộ, đào tạo nhân viên…cho đến công tác tìm đầu mối, xây dựng cơ sở, giám thị, v.v…
-Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Đặc Biệt
-Biệt Đội Thiên Nga Thủ Đô và 11 quận có văn phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quận Đô Thành
-Biệt Đội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV và tại các tỉnh trên toàn quốc từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có 4 ban: Ban Hành Chánh, Ban Tổ Chức Phát Triển, Ban Huấn Luyện và Ban Hoạt Vụ. Nhiệm vụ của Thiên Nga Trung Ương là thành lập cơ sở văn phòng, tuyển mộ nhân viên, tổ chức huấn luyện, tìm đầu mối, phát triển công tác. Đồng thời, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương đôn đốc và hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sái Quốc Gia, thành lập Biệt Đội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Đô Thành và tại các tỉnh. Biệt Đội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nữ nhân viên gửi về Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương ở Sài gòn để đưa đi thụ huấn các khoá học tình báo tại trường Tình Báo Trung Ương. Các phụ nữ được tuyển mộ phải có ít nhất là văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ của Cảnh Sát không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng Tiểu học.
Các nữ nhân viên được tuyển lựa này gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội: có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh, sinh viên, cô giáo và vũ nữ, v.v…Các nữ nhân viên lần lược được học qua các lớp Tình báo căn bản (4 tuần), Theo dõi (6 tuần), Cán bộ điều khiển (8 tuần),…và đặc biệt là khoá tác xạ tại trường Tình Báo Trung Ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới có thể lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh phải ở nội trú và mang bí số.
Việc giảng dạy do các Giảng viên Tình báo phụ trách, còn giám thị do các nhân viên Thiên Nga Trung Ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gởi đi học, và bắt đầu nhận công tác do các ngành Đặc Biệt phân nhiệm. Công tác trực thuộc sự hướng dẫn của phụ tá Đặc Biệt địa phương và báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung Ương.
Tại Trung Ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật như: nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn. Biệt Đội Trưởng, phụ tá Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Trung Ương và các Cán Bộ Điều Khiển đều là nữ Sĩ Quan Cảnh Sát tốt nghiệp khoá I Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Riêng Biệt Đội Trưởng và Phụ Tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng Phòng Đặc Biệt tại trường Tình Báo Trung Ương vào năm 1967
Ngoài các nữ Sĩ quan và nhân viên Cảnh Sát chính thức, Biệt Đội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng, xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan cảnh sát), các bạn hàng chợ, các học sinh sinh viên trường trung học và đại học…để làm mật báo viên cho Biệt đội. Số cộng tác viên gấp nhiều lần số nhân viên chính thức.
Các nhân viên Trung Ương đi công tác hoạt vụ đều có học khóa chuyên môn tình báo để được hướng dẫn rõ ràng chi tiết công tác họ phải đảm nhận cũng như cách thức bảo vệ an ninh tối đa cho họ. Các nữ nhân viên hoạt vụ đều có bí số và bí danh. Tùy vào công tác, họ được tạo cho một nguỵ tích với tất cả giấy tờ tùy thân và lý lịch mới.
Nhằm mục đích nhu cầu bảo mật công tác, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có những kiosque buôn bán lẻ, có điện thoại công cộng để làm nơi liên lạc (hộp thư sống và chết), v.v…và một nhà an toàn làm nơi tiếp xúc với tình báo viên, mật báo viên, nhất là tình báo viên từ mật khu về. Vì là Biệt Đội tình báo nữ mang tên loài chim Thiên Nga, nên mỗi kế hoạch công tác đều có ám danh của một loài chim khác như Sơn Ca, Hoạ Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, v.v…Còn các công tác phối hợp với các cơ quan bạn thì dùng ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn, v.v…

Do sự thay đổi cơ cấu của Khối Đặc Biệt và để thích ứng với tình hình chính trị phức tạp nên cuối năm 1972, Biệt Đội Thiên Nga mang ám danh mới: Đoàn Đặc Nhiệm G423g để bảo mật hoạt động.


Song song với việc xây dựng tổ chức, đào tạo nhân viên, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương luôn nổ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội đoàn Phụ Nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, hội Phụ nữ đòi quyền sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả có Việt Cộng xách động, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh thân cộng Sản để kịp thời ngăn chặn những tên Việt Cộng nằm vùng, triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Không những thế, Biệt Đội Thiên Nga còn xâm nhập vào tận mật khu của Việt cộng để thu thập tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của cộng Sản.
Nhìn lại quá trình công tác của các nữ nhân viên Thiên Nga, phải thừa nhận rằng công việc của họ rất nguy hiểm, tính mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua các tài liệu tịch thu được của Việt cộng, sau những thất bại nặng nề, chúng rất đề cao cảnh giác “nữ Thiên Nga”. Việt cộng luôn tìm cách ám sát những ai chúng nghi ngờ là nhân viên Thiên Nga. Còn các nhân viên Thiên Nga len lỏi vào các hội đoàn tham dự các cuộc biểu tình, tuyệt thực, chống đối nên cũng phải chịu “hưởng” hơi, cay, dùi cui của Cảnh Sát. Các chị em Thiên Nga còn phải hy sinh những tình cảm riêng tư, thời gian dành cho gia đình, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để làm tròn bổn phận công dân yêu nước đấu tranh cho lý tưởng tự do.
Thật khó có thể ghi lại hết những chiến công thầm lặng của các nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga, tuy vậy những công tác sau đây là ví dụ điển hình về các hoạt động của Biệt Đội Thiên Nga.

Vì là Biệt Ðội Tình Báo nữ mang tên loài chim Thiên Nga, nên mỗi kế hoạch công tác đều có ám danh của một loài chim khác nhau như Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, v.v. Còn các công tác phối hợp với các cơ quan bạn thì dùng ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn, v.v. Do sự thay đổi cơ cấu của Khối Ðặc Biệt và để thích ứng với tình hình chính trị phức tạp nên cuối năm 1972, Biệt Ðội Thiên Nga mang ám danh mới Ðoàn Ðặc Nhiệm G4231g để bảo mật hoạt động.

Một trong các công tác mà Việt cộng vẫn còn tức tối là việc cung cấp lương thực thực phẩm cho phái đoàn Quân Sự Bốn Bên vào họp tại trại David, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Mặc dù chúng nghi ngờ nên chúng đề nghị chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tức cs Bắc Việt) và Mặt trận Giải phóng miền Nam, nhưng cuối cùng nhà thầu chúng chọn lại là của Biệt Đội Thiên Nga. Công tác này mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động cho đến ngày cuối cùng 28-04-1975.
Công tác mang ám danh là Hải Âu đã cài được một nhân viên Thiên Nga vào Hội đoàn phụ nữ đối lập và tạo được niềm tin nên được Việt cộng chọn đi học lớp tình báo chung với chúng.

Công tác len lỏi vào Hội phụ nữ đòi quyền sống, hoạt động chung với một cán bộ nằm vùng. Mãi đến sau 1975, tên nữ cán bộ mới biết đến người thư ký của Ban Xã Hội là nhân viên Thiên Nga. Lúc ấy tên nữ cán bộ là Đại úy Công an tức tối đề nghị gia tăng 6 tháng tù trong khi chị nhân viên Thiên Nga đã có giấy ra trại. Công tác này mang ám danh Hoạ Mi.



Trong 5 năm liền, một nữ Huyện uỷ viên của Việt cộng đã hợp tác với Biệt Đội Thiên Nga. Sau 30-04-1975, chị vẫn giữ chức Huyện uỷ của một Huyện gần Saigon. Cho đến sáu tháng sau đó, Việt cộng mới truy ra được từ hồ sơ còn sót lại ở địa phương, nên đã khai trừ chị khỏi Đảng cộng Sản và giam chị ở Chí Hoà. Chị đã may mắn không bị chúng xử tử hình. Sau tôi gặp lại chị ở trại Hàm Tân, chị mới vỡ lẽ tôi – người tên Năm tiếp xúc với chị năm xưa – là Thiếu Tá Biệt Đội Trưởng Thiên Nga. Công tác này được mang tên Hoàng Oanh.
Các công tác, hoạt động của Thiên Nga càng thành công tốt đẹp bao nhiêu thì Việt cộng càng tức tối lên án, càng đề cao cảnh giác với nhân viên Thiên Nga. Do đó những bản án không xét xử trả thù hèn hạ dành cho các nữ nhân viên Thiên Nga của Cộng Sản là từ 3 năm đến 13 năm trong các trại tù “cải tạo”. Tuy vậy các chị em nhân viên của Thiên Nga vẫn hãnh diện, giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những giao lao của năm tháng tù đày.
Tôi rất xúc động khi phải nhắc lại quá khứ của Biệt Đội Thiên Nga, với những anh thư đã đem hết những hăng say, nhiệt tình, tinh thần chống cộng mãnh liệt của tuổi trẻ, hiến dâng để bảo vệ đất nước miền Nam Việt Nam. Tôi rất hãnh diện về Biệt Đội Thiên Nga, các nữ nhân viên từ Hạ sĩ quan đến Sĩ quan, cùng các cộng tác viên đã giữ trọn khí tiết trong lúc sống khổ sở trong lao tù hay trong sự kềm kẹp của chế độ Cộng Sản ngoài xã hội, sau khi được thả về. Tôi mong ước một ngày gần đây những nữ Thiên Nga hải ngoại sẽ gặp lại các bạn Thiên Nga còn ở lại Việt Nam , tay bắt mặt mừng trong niềm vui thấy đất nước thật sự có tự do dân chủ.
NHỮNG NGÀY TRONG CÁC TRẠI TÙ CẢI TẠO 
Tôi viết bài này, cũng mong quý bạn có cái nhìn rõ hơn về người Cảnh Sát Quốc Gia, trong đó có những nữ Cảnh Sát, những chị bán hàng, những anh chị em sinh viên…đã có một thời hiến dâng máu xương cho đất nước.
Những ngày sau 30 tháng Tư, 1975 chắc chắn là những ngày kinh hoàng nhất cho rất nhiều gia đình tại miền Nam Việt Nam. Nhưng đối với một số người, những ngày ấy kéo dài tưởng như vô tận, đến mười mấy năm, mà mỗi ngày là một thế kỷ của nhọc nhằn và mỗi đêm là một trường canh của kinh sợ.
Cái giai đoạn lịch sử ấy – tuy man rợ và đầy tang thương – nhưng vẫn là một di sản được những người trong cuộc ôm ấp và gìn giữ. Bởi vì, cái lịch sử ấy chính là một dấu chứng cho niềm tin vào điều thiện và sự vượt qua của những ai còn sống sót sau kinh nghiệm hỏa lò. Đó có lẽ là lý do mà khi đến Mỹ, Cựu thiếu tá Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy đã mang theo 3 vật rất quan trọng đối với mình. Một đôi găng tay may từ vải vụn, bà đã dùng trong thời gian 13 năm tù cải tạo. Hai chiếc áo tù – một bằng vải thô, và một bằng len, do chính bà đan lại từ hai chiếc áo lạnh cũ đã chật của hai con gái, do mẹ bà gửi vào. Và một cơ thể đã bị phá hủy, thương tật.
Nhưng bà cũng mang theo một gia tài quan trọng hơn cả những vật chứng này – một gia tài không ai có thể tịch thu, đấu tố, hay phá hủy: một ý chí để sống, một nghị lực phục vụ gia đình và xã hội, và một niềm tin mãnh liệt vào Chúa. Chính gia tài này đã là cứu cánh cho bà trong suốt 13 năm tù, và quãng đời sau đó.
Trên hai chiếc áo tù đó, số tù – cũng là ‘nhân diện’ của bà trong mười ba năm khổ sai – đã bắt đầu phai nhạt theo năm tháng. Nhưng những đau đớn về tinh thần lẫn thể xác vẫn còn hằn sâu. Có lẽ những thế hệ một và một rưỡi còn nhớ và biết cái bi kịch hỏa lò tại Việt Nam, nhưng thế giới và những thế hệ Việt ngoại biên vẫn cần một văn khố chính thức về bi kịch này.
Điều quan trọng là chúng ta không để cho những sự thật về bi kịch này phai nhạt – như những số tù trên áo những người tù khổ sai năm nào. Chúng ta cần ghi lại những đau thương – không vì hận thù – nhưng vì để đấu tranh cho Công lý, Hòa bình, Tự do, Bác ái. Đến bao giờ, người Việt hải ngoại mới có một tác phẩm như Quần Đảo Ngục Tù của Aleksandr Solzhenitsyn, người đoạt giải Nobel Văn Chương 1970 với những tác phẩm vạch trần cái hỏa lò của Cộng Sản Xô Viết? Những quần đảo ngục tù vẫn còn hoành hành trên cơ thể của nhiều con dân Việt và ngay trên đất Việt qua những hậu quả khốc liệt của nó. Đến bao giờ chúng ta mới có một Solzhenitzyn của Việt Nam ? Vì nếu những đau thương này đã đến từ bất công, thì chúng cũng là một mối đe dọa cho con người ở tất cả mọi nơi – như nhà tranh đấu dân quyền Martin Luther King đã nói, “Bất công ở bất cứ nơi nào là bất công ở khắp mọi nơi.” Xã hội con người không tách rời nhau bởi biên giới hay ngôn ngữ, mà cộng thông trong lý tưởng công bằng, bác ái, và dân chủ.
Chiếc áo tù ngày nào, tuy nay không còn ấm lạnh trên người Nguyễn Thanh Thủy nữa, nhưng kinh nghiệm mười ba năm tù khổ sai là một chiếc áo đầy gai, vẫn châm chích và làm đau đớn tâm hồn và thể xác bà. Hai mươi bốn năm sau khi ra khỏi trại tù, bà vẫn còn oằn oại trong những bệnh tật do giai đoạn oan nghiệt này tạo ra, và những kinh hoàng của bốn tháng biệt giam vẫn bám riết tâm trí bà. Chúng ta thử cùng bà ngồi trước màn ảnh của quá khứ, chứng kiến lại những điều mà trước nay bà chưa nói được với ai, vì nó quá kinh hoàng và khó khăn để thuật lại.
Nguyễn Thanh Thủy nhớ lại, “Vài hôm sau ngày 30 tháng Tư, 1975, tôi bị gọi đến nơi làm việc của Ủy Ban Quân Quản của chế độ Cách Mạng (tức Văn Phòng Khối Đặc Biệt, đường Cộng Hòa cũ) để hỏi cung từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Cán Bộ Cộng Sản cho biết, lẽ ra giam cầm tôi luôn, nhưng vì các con tôi còn quá nhỏ, nên mỗi ngày tôi đến đây làm việc rồi về. Họ cho tôi xấp giấy, cây viết, và muốn tôi viết lại quá trình hoạt động. Mỗi ngày tôi chỉ viết lý lịch của mình, rồi tôi nộp, nhưng họ không bằng lòng. Tôi có cho họ biết là tôi không nhớ gì cả, và yêu cầu họ cho tôi thời gian để tập trung trí nhớ. Sau đó, họ giúp tôi bằng cách dẫn tôi đi vòng quanh khối Đặc Biệt, vào những phòng làm việc của Khối để nhìn từng nơi xem thấy cái gì còn, cái gì mất. Tôi chú ý đến Văn phòng của Trưởng Cơ Quan E4, nơi còn những bản sơ đồ vẽ hệ thống hoạt động, những bản thuyết trình có ám danh công tác, bí số nhân viên, nhưng không có tên tuổi thật. Tôi nghĩ trong đầu một kế hoạch để đối phó với Cộng Sản khi bị hỏi cung.”
Nguyễn Thanh Thủy không chỉ là một người tù cải tạo. Bà còn là vợ một người tù cải tạo. Chồng bà, Cựu Đại Uý Võ Bị Lê Thành Long, cũng vào tù sau ngày 30 tháng Tư 1975. Ba người con nhỏ của ông bà được gửi gắm lại cho ông bà Ngoại tại Mỹ Tho. Tuy nhiên, những cố gắng để kéo dài thời gian hỏi cung của bà cũng không giúp bà được ở gần gia đình mãi. Đến 15 tháng Sáu, 1975 thì bà bị tập trung vào tù cải tạo. Theo lời bà, thì “Tôi ở chung trại với tù cải tạo nam, học tập chính trị ở hội trường, học quốc ca của Cộng Sản và những bài hát đấu tranh chống Mỹ Ngụy, làm những bài thu hoạch, phê và tự phê, kiểm điểm, nộp cho họ. Tất cả mọi người phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều có tội nhiều hoặc ít. Đó là cách luận tội của Cộng Sản. Tôi vào trại tù cải tạo Long Thành, với một túi xách đeo vai, một chiếc chiếu nhỏ cho một người nằm. Thiếu đủ mọi thứ. Tôi phải xuống hố rác cạnh dãy nhà chúng tôi ở, để tìm chai, lọ, mấy tấm tôn để đựng nước, đựng cơm, thức ăn… Nước chỉ đủ uống, không đủ tắm. Trời tháng sáu mưa dầm dề. Chờ trời mưa, tôi gội đầu tắm giặt nhờ những dòng nước mưa chảy theo mái nhà.”
Trong suốt thời gian bị giam một mình, bà đã canh cánh sợ bị bọn võ trang muốn làm hỗn nên không bao giờ dám chợp mắt, đã nơm nớp khiếp sợ mỗi đêm khi cai ngục lẻng kẻng xâu chìa khóa đâu đó giữa rợn rùng thăm thẳm tối. “Vì đêm trước có ai bị đưa đi, thì sáng hôm sau coi như mất tích,” bà nói. Hơn nữa, phương tiện vệ sinh căn bản nhất cũng không có. Bà hồi tưởng, “Nói đến nơi tiểu tiện bằng những cầu dã chiến ngoài trời, mưa dầm là nó lầy lội, và những con vòi trắng lềnh bềnh mà nữ thì làm sao dám ngồi để tiểu tiện, nên tôi đành nín, nhịn khát, đợi tối mới ra cái nhà tắm che bằng bốn vách lá, đi xong cho vào hố rác. Nhớ tới cảnh này, tôi luôn rùng mình, sao tôi chịu nổi dơ bẩn như thế.”
Bà nói tiếp, “Đầu tháng 10 năm 1975, tôi bị chuyển về trại giam Thủ Đức (tức 16NV). Chỉ có một người nữ bị chuyển là tôi. Tôi ở một mình trong phòng giam và bắt đầu các cán bộ thẩm vấn, điều tra từ trung ương đến. Tôi bị kêu lên đêm có, ngày có, bị hỏi liên tục, hỏi xong rồi bắt viết, thu bài. Những tháng ngày này, đầu óc tôi quá căng thẳng. Cả đêm không buồn ngủ, tựa lưng vào vách tường, kê túi quần áo và gối nằm để làm điểm tựa viết bài họ điều tra.”
Bà nhớ lại, “Tôi phải cải tạo khổ sai ở đây nhiều năm, không đủ vệ sinh và thiếu thốn. Ăn thì độn khoai mì có vỏ đỏ quấy, gọi bột ngàng phệt, hột bo bo, mì sợi luộc có cả con chuột chết vớt ra bỏ đi, lại tiếp tục chia mì sợi cho người một phần để ăn, không thì đói. Cả ngày cuốc xới mỏi mệt, tối đến vào phòng ngủ gần người lao phổi (xuất huyết phổi tới thời kỳ chót), bệnh giang mai thời kỳ thứ ba, phổ có nước thời kỳ chót. Tôi phải sống chung với họ cho tới khi họ được tha, và không bao lâu thì họ chết. Tôi phải may những nệm ngồi bằng vải vụn riêng để tránh lây nhiễm. Lúc ngủ, các bạn khỏe xếp gần nhau, chừa một chiếu cách người bệnh, xây đầu khác hướng với người bệnh và xây lưng về phía người bệnh để tránh lây nhiễm.”
Vì Nguyễn Thanh Thủy đã giữ một vai trò khá quan trọng khi phục vụ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bà đặc biệt bị quản lý nghiêm ngặt và tra khảo liên tục, làm bà chóng mặt, căng thẳng đến ngã bệnh. Cán bộ không bao giờ rời mắt khỏi bà, ngay cả về đêm. Bà kể, “Tôi là người tù bị chỉ định nằm ngay cửa ra vào hoặc ngay cửa sổ phòng tù để họ dễ kiểm soát hành vi về đêm của tôi. Cửa sổ tù không bao giờ có cửa để đóng lại, nên rất lạnh. Đêm đêm đói bụng quá, các bạn tù kể món ăn này, món ăn kia cho đỡ thèm đỡ đói. Nhớ chồng con kể chuyện hạnh phúc ngày nào thì có bà lên tiếng, kêu đừng kể nữa, vì rờ hai bên toàn chiếu không. Tới ngày thăm nuôi được gặp thân nhân gia đình, là lúc lấy dạ dày an ủi trái tim.”
Trong hoàn cảnh lao tù khổ sai, người nữ tù chịu nhiều khó khăn và khổ sở hơn người tù nam, nhất là về phần vệ sinh hằng tháng, và sự an toàn bản thân. Không chỉ những nữ tù cải tạo mới bị dòm ngó và hãm hiếp, mà những phụ nữ bị bắt vì vượt biên cũng bị lính gác bạo hành về tình dục. Sự căng thẳng của người tù nữ, vì vậy, cao gấp nhiều lần so với bạn tù nam. Bà lại kể, “Trại giam có nước máy, nên vệ sinh cá nhân cũng đỡ, nhưng vấn đề phụ nữ hằng tháng, không có băng giấy, tôi phải dùng quần áo cũ xé ra để lót, rồi giặt không xà phòng (vì không được thăm nuôi). Ăn uống, mỗi buổi sáng được một ly nước nóng, trưa một phần khoai độn, buổi chiều nửa chén cơm, một chút rau muống luộc với nước muối. Lễ lớn có một miếng thịt bằng ngón tay. Hơn một năm, một số tù cải tạo chuyển đi Bắc, một số tù cải tạo ở nơi khác chuyển tới, lúc đó mới có một số chị em phụ nữ ở trại Long Giao, trại giam Chí Hòa, Phan Đăng Lưu tới. Đa số là tù phản động. Tôi mới thoát cảnh ở một mình mà sống tập thể với bạn tù cũ, bạn tù mới. Tôi bắt đầu đi lao động, làm cỏ chung quanh trại giam, và trồng rau muống.”
Cảnh lao động vất vả của trại tù, dù sao, cũng cho người tù cơ hội được thấy ánh sáng mặt trời, mà không bị vây hãm gò bó giữa bốn bức tường bức bối. Nhưng trồng rau bằng phân người và nước tiểu người là những cực hình mà người tù phải gánh chịu, và ăn rau do chính mình trồng nhưng không được rửa sạch làm cho người tù bị tiêu chải kinh niên. Nhu cầu nha chu hay y tế căn bản cũng không được đáp ứng, nên bạn tù phải mượn kềm của tù nam hình sự, khi họ về ăn cơm trưa trong một tiếng, để nhổ răng cho nhau, khi răng đã hư quá nặng và không thể giữ được. Họ phải cầm máu bằng nước muối, vừa rát, vừa đau.
Bà kể tiếp, “Hai năm sau, tức tới tháng Bảy, 1977, chúng tôi chuyển lên trại tù cải tạo Căn Cứ 5 Rừng Lá, tức trại Z30D Hàm Tân, Thuận Hải. Đã di chuyển xa, nên việc phải gặp chấp pháp ít hơn, vài ba tháng một lần. Mà chủ yếu là lao động, cả đội mấy chục cô cầm cuốc, cầm xẻng, thùng tưới nước, chia nhau công tác để làm. Mới đầu chẳng biết cuốc, cả ngày trời cuốc một khoảng cỏ trước sân cơ quan mà thấy vẫn y nguyên. Lần lần gánh tranh, trồng rau muống, khoai lang, củ cải. Rau tưới bằng một lon nước tiểu pha một thùng nước suối, phân người bỏ dưới rãnh, lấp đất, trồng rau lên.
Tôi yếu sức nên đứng múc nước tiểu, pha cho người khỏe trẻ tưới. Cả ngày làm lao động mệt, chiều hết giờ chạy về bờ suối tắm 20 phút, vừa giặt giũ vừa tắm, không có quản giáo nữ canh gác. Cán bộ nam và võ trang canh gác khi đội nữ tắm. Bọn cai tù nói, “Các chị cứ coi chúng tôi như các chị, cứ thế mà tắm.” Thật là trơ trẽn. Chúng tôi cứ nhúng cả người xuống nước rồi lên giống như vịt rỉa lông. Những ngày mưa, nước suối đục ngầu, vẫn phải tắm, vì nước tiểu và phân dính cả người. Tới mùa nước suối cạn, bọn Cộng Sản chuyển đội nữ về lại trại cải tạo Long Thành. Nơi đây là trại hình sự, máy nước bị hư, không tiền sửa chữa. Mỗi ngày phát một gô nước uống, một tuần lễ mới ra suối cạn tắm một lần, giặt giũ rồi xách nước về. Về tới trại rửa cát bụi đi đường là thấy hết sô nước. Trại này trồng táo Thái Lan, dền, rau muống, cũng dùng nước tiểu, phân người làm phân bón. Chỉ trồng táo mới tưới bằng phân urê.”
Nhưng sau đó, bà bị chuyển trại, và bị đưa vào biệt giam hơn một năm để hỏi cung. Đây là gian đoạn gian nan nhất trong thời gian mười ba năm khổ sai của bà. Tuy nhiên, bà vẫn luôn giữ trong đầu một điểm đến: cố sống sót, đối diện với nghịch cảnh, để có ngày đoàn tụ với con. Bà ôn lại, “Ăn thiếu thốn, đói khát, bị vây quanh mấy tên cán bộ chấp pháp, tôi muôn điên lên vì thần kinh quá căng thẳng. Tôi sẽ gặp đau thương khi đối đầu với địch nên trước ngày cuối, để bảo mật, tôi đã hủy hồ sơ của Biệt đội Thiên Nga. Tôi cũng được bọn Cộng Sản đưa đi xem các văn phòng có liên hệ. Nhưng tôi vẫn lo lắng cho các nhân viên. Tôi muốn bảo toàn cho các bạn nữ đồng khóa, các nhân viên, và cộng tác viên. Tôi tâm niệm trong lòng mỗi lần phải gặp mặt cán bộ, tôi đều thầm nhủ đây là địch, đây là Việt Cộng, làm cho tôi thêm nghị lực, bình tĩnh hơn, mạnh dạn hơn để trả lời. Tôi ở biệt giam một mình hơn một năm, vì phải làm việc bằng đầu óc, trại giam gọi là động não quá nhiều, ăn uống thiếu thốn, ngủ nền xi-măng, tôi bị liệt một chân, phải lần vách. Tôi mới xin lau chùi quét dọn hành lang và xin phơi nắng nửa giờ mỗi ngày trừ thứ Bảy và Chủ Nhật. Tôi tập giật chân kinh và tự xoa nắn lấy chân bị liệt teo cơ do suy dinh dưỡng gây ra. Tôi tự nhắn nhủ, không nhớ con nhiều nữa, phải rán chịu đựng mọi khó khăn để có sức khỏe trở về với con.”
Thời gian biệt giam này đã dài như thế nào ? Những chi tiết về gian đoạn này sẽ khiến nhiều người không thể tưởng tượng ra được, bà Nguyễn Thanh Thủy đã làm thế nào để sống sót. Bà nói, “Tháng 4 năm 1981, tôi bị đưa từ trại tù cải tạo Long Thành về trại tù biệt giam X4 (Bộ Công An Cộng Sản đường Võ Tánh, Sàigòn). Tôi ở xà lim, chung quanh tối om, ngoài một bóng đèn điện cho cả dãy xà lim, mỗi xà lim có một khoảng trống bằng một cục gạch trên sát trần nhà để thở. Trời tháng Tư ở Việt Nam, nóng bức, mồ hôi chảy như tắm, quần áo vo cao cho bớt nóng. Tuần lễ đầu tiên tôi bị xỉu, thiếu dinh dưỡng, thời tiết quá nóng. Cán bộ trại giam phát hiện do người ở cạnh xà lim đập tường hỏi thăm sức khỏe, không thấy tôi trả lời, họ đập tường gọi cán bộ cấp cứu. Sau lần cứu tôi tỉnh dậy, trại giam đưa một lọ thuốc tim nhỏ giọt để khi mệt nhỏ vào miệng và gọi cấp cứu.
Về ăn uống, sáng để gô ra, họ cho một gô nước nóng. Trưa và chiều để ít cơm trong cái thau và một chén canh ngoài song sắt xà lim, rồi tự mình mang cơm canh qua song sắt để ăn. Phải kiếm thế nghiêng thật nhanh, mang tất cả cơm canh vào. Vì không có muỗng, nên phải ăn bốc bằng tay.
Lúc mới tới, Cán Bộ chấp pháp cho biết tôi sẽ được ăn tiêu chuẩn quốc tế, dành cho người về làm việc, ngày 3 lần: sáng, trưa, chiều. Nhưng tôi chưa bao giờ nhận được buổi ăn nào như thế. Các tù nhân đi với Cán Bộ trại giam giao phần ăn không được mặc áo, phải ở trần và bận quần xà lỏn (quần đùi), họ không được nói bất cứ lời nào. Muốn hỏi gì, họ chỉ tay về phía Cán Bộ, người Cán Bộ mới có quyền nói chuyện với tù nhân.
Về phần vệ sinh cá nhân, mỗi ngày được tắm một lần, 20 phút. Tù không bao giờ gặp mặt nhau, cứ người này tắm xong, mới mở cửa phòng khác cho tù ra tắm. Tiểu tiện đi vào thùng sắt đựng đạn của Mỹ, cứ đi tắm mang ra đổ, rửa sạch dùng lại.
Đưa tôi về nơi này, bọn Cán Bộ chấp pháp làm áp lực để tôi viết cam kết, với chồng hồ sơ thu thập được của nhân viên Thiên nga, cấp chỉ huy, bạn bè để trước mặt, cho thời hạn suy nghĩ là 3 ngày. Trên đường trở về xà lim, tôi nhờ chấp pháp trình lại với lãnh đạo của họ, 6 năm tù cải tạo đủ để suy nghĩ, không cần thêm 3 ngày. Tôi trả lời : Không, không bao giờ.
Thế là tiêu chuẩn ăn hàng ngày bị giảm đến mức tối thiểu, chỉ còn một chút cơm với vài hột muối hột. Thời gian này, bệnh nặng không được chữa, có lần ói từ nửa đêm đến sáng. Khi họ kiểm tra thấy nằm ói toàn mật xanh, Bs y tá tới, cho thuốc uống liền tại chỗ. Người y tá đưa thuốc nói thật nhanh, thật khẽ, “Đừng uống.” Tôi vội nắm chặt thuốc trong lòng bàn tay, đưa tay giống như bỏ thuốc vào miệng và vội vàng uống nước. Sau này, tôi gặp người y tá đó khi khám sức khỏe đi Mỹ tại Bv Cảnh Sát. Người ấy mới kể, trước là y tá Bv Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, có thân nhân liệt sĩ, nên được giữ làm lại, biết tôi và tránh cho tôi bị thuốc.
Họ giữ tôi tại cơ quan X4 bốn tháng nhưng không khai thác được gì. Bọn chấp pháp đem cán bộ nữ ra dụ dỗ vì thương con tôi, mới khuyên tôi cam kết để tha về. Tôi khẳng định tôi về khi nào có chính sách của lãnh đạo nước, chứ về riêng lẻ không bao giờ có. Thấy tôi kiên quyết không khai, bọn chấp pháp biểu tôi đứng xa họ ba thước, nghe đọc lệnh án. Lệnh án có nội dung như sau: Do quyết định ngày… tháng… năm, Tên Nguyễn Thanh Thủy có thái độ ngoan cố không chấp hành cải tạo lao động nên tuyên án tập trung cải tạo tiếp 3 năm và quyết định có hiệu lực vô thời hạn.
Hai chân tôi bị nhốt ở xà lim, nên bị liệt không đi nổi. Trở lại xà lim, lấy quần áo chiếu mền theo họ chở về trại tù cải tạo Long Thành. Trước khi lên xe, họ đưa cái giỏ nhỏ nói là quà gia đình gửi. Sau này gặp chồng tôi, anh kể mấy ngày trước khi tôi trở lại trại cải tạo Long Thành, họ đưa một miếng giấy có chữ viết của tôi, vỏn vẹn, “Thăm anh và các con. Em vẫn khỏe mạnh.” Xong họ dặn chồng tôi mua cho tôi ít quà khô. Họ biểu đem đến cổng. Anh không biết chỗ, hỏi thăm gác cổng, họ bắt anh nhốt cho tới tối mới thả anh ra.
Sáng hôm sau là tôi chuyển trại. Họ phải xách tất cả một xách quần áo, sô đựng vài thứ linh tinh, một giỏ thức ăn. Vì tôi đi không nổi, mặt mày xanh xao, không ánh nắng mặt trời bốn tháng, màu da vàng của người VN rất đúng không sai tí nào. Nói đến hình phạt kỹ luật cho nữ, cái nhà kỹ luật là nhà có 2 lớp, giống như cái hộp có hai lớp, một lớp là phòng giam nóc bằng, cách khoảng chừng 1 thước, lớp ngoài cũng xi măng cốt sắt.
Mỗi phòng giam kỷ luật có một cái bệ. Cuối bệ có cây sắt thông ra ngoài để khóa bằng ống khóa sắt. Trên cây sắt có những cái cùm. Cái bệ xi măng có một cái lỗ để thùng đạn của Mỹ. Thùng trống không, làm chỗ tiểu tiện. Đặc biệt là kể từ ngày vào phòng giam kỹ luật cho đến ngày ra không được tắm. Khôn được tắm từ 1 tuần cho tới 3 tháng, 6 tháng, hay cả năm, chỉ những ngày kinh nguyệt phụ nữ mới được 40 phút thay quần áo.
Tùy theo hình thức phạt, đa số hai chân đều phải cùm lại, hỏng trên cái bệ, nên rất đau đớn vì tê chân và sét ăn vào cườm chân. Muỗi đốt suốt ngày đêm, bóng tối cả ngày đêm… Những hình thức này tôi đều trải qua, hằn sâu trong da thịt tôi.”
Chính thời gian biệt giam này đã gây ra nhiều tổn thương trên thân thể bà nhất, từ việc bị bại liệt một bên người, phong thấp, các chứng bệnh đường ruột và tiêu hóa, cho đến sự căng thẳng đầu óc đến cao độ. Từ việc bị giam trong phòng tối cả ngày lẫn đêm, cho đến việc bị điều tra hỏi cung 24/24, cho đến việc bà bị trừng phạt không cho ăn uống, chỉ có chút nước và ít muối hột, hay bị phạt không được tắm, những ngày có kinh nguyệt bà cũng chỉ được 40 phút thay quần áo rồi bị cùm lại – tất cả đã khiến bà rụng gần hết răng và cơ thể bà hoàn toàn kiệt sức, không đứng được.
Tôi thắc mắc, sau những đằng đẵng đói lạnh và lao động quá sức, không biết trong những lúc quá cùng cực và bị bệnh thập tử nhất sinh, Nguyễn Thanh Thủy có bao giờ cảm thấy tuyệt vọng không? Mười ba năm khổ sai đã cho bà nhiều kinh nghiệm đắt đỏ và một cái nhìn thấu đáo về chế độ chính trị đang nắm quyền trên quê hương bà. Và khi bà rời nhà tù nhỏ của trại Hàm Tân Z30, bà tiếp tục bị dồn bức cho đến giây phút gia đình bà đứt ruột rời bỏ người thân và quê hương để đi Mỹ qua diện H.O.
Bà kiên trì, giữ vững tôn nghiêm của người lính, giữ tinh thần lạc quan. Cho nên “Cả 13 năm tù, tôi không muốn kẻ địch thấy giọt nước mắt của tôi. Nên khó tìm thấy nét buồn, cho tới ngày em tôi lên trại, báo tin Ba tôi mất, tôi xỉu ngay tại phòng thăm nuôi và tôi rơi nước mắt.”
Nhưng dù không biết tương lai mình ra sao, Nguyễn Thanh Thủy vẫn luôn nghĩ đến người khác, những người bạn tù của bà. Chính vì nghĩ đến người khác, nên ngay từ đầu, bà đã không khai những bí mật Thiên Nga khi bị hỏi cung, mà mới bị trừng phạt nặng nề và chịu nhiều tổn hại về sức khỏe. Đến những ngày cuối cùng, bà vẫn giúp các bạn tù, “Mấy năm trước ngày ra trại, tôi làm đội trưởng kỹ thuật may, chỉ cho các em hình sự án cao biết may gia công để đỡ cuốc đất trồng rau cực khổ trong thời gian thụ án, sau có tay nghề may.”
Là người nữ tù cuối cùng rời trại cải tạo vì bị cho là ngoan cố, Nguyễn Thanh Thủy rời tù nhỏ, về tù lớn của xã hội Việt Nam hậu 1975, với hai hàm răng đã rụng, nên các con không dám tới gần bà. Con gái bà bảo, “ Kỳ quá, Mẹ không có răng ! ” . Sau khi gặp nhiều khó khăn trong việc xuất ngoại sang Mỹ theo diện HO, cuối cùng vào tháng 2/1992 cô và gia đình đã đến được Hoa Kỳ va định cư tại quận Cam, California.
CUỘC SỐNG CỦA THIÊN NGA NGUYỄN THI THANH THUỶ SAU KHI RA TÙ:
Sau khi đi tù về, côThủy, tức Thuỷ Thiên Nga có một cái tên do báo chí Việt Cộng gán ghép cho cô, khoảng năm 1988,  để mưu sinh, cô có mở một cái quán cóc bán cà phê trên vỉa hè đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), Quận 3 Sàigòn. Khách của cô phần lớn là các anh chị cựu tù “cải tạo” đến để ủng hộ cô đồng thời cũng là để có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự, ôn lại chuyện tù, đồng thời bàn tán chuyện thời sự linh tinh. Do đó, cái quán cóc của cô chẳng bao lâu đã trở thành giống như một cái câu lạc bộ mini cho các anh em bạn tù gặp gỡ. Ngồi uống cà phê, để nhắc lại những kỷ niệm trong tù, điểm danh những bạn bè xem ai còn ai mất mà ngậm ngùi nhớ đến những người bạn đã vĩnh viễn ra đi, hay vui cho những người đã vượt thoát đến được bến bờ tự do. 
Những người cựu tù cs cũng bàn tán về những tin tức thời sự hàng ngày, nhất là những tin tức có liên quan đến đám tù còn lại,  của chương trình H.O. đang được bàn tán xôn xao lúc đó. Cái quán của cô cũng chẳng được yên thân, thường bị công an phường đến làm khó dễ xua đuổi hoài viện cớ choán lề đường làm cô cứ phải thường xuyên di tản từ chỗ này qua chỗ khác. Tuy nhiên, riết rồi chúng cũng làm ngơ vì thấy cái quán của nghèo nàn chẳng có gì đáng giá ngoài mấy cái ly tách cà phê kiểu dã chiến. Nhờ vậy, các bạn tù của cô vẫn có chỗ tìm tới để tiếp tục ngồi tán gẫu. Có lần, một bạn tù đã mang đến quán cho tôi xem một bài báo trên tờ Công An TP.HCM của Việt cộng (VC), số Xuân Mậu Thìn 1988. Bài báo có tựa đề “Thủy Thiên Nga” của một tác giả tên Nam Phương. Nam Phương là một trong nhiều bút hiệu mới của tên ký giả nằm vùng Huỳnh Bá Thành tức họa sĩ Ớt ở Sàigòn trước 1975.
Vào đầu thập niên 1990, cô Nguyễn Thanh Thuỷ được định cư ở Mỹ theo diện H.O. Sau ba năm đi làm công cho một nhà hàng ở vùng Little Saigon, năm 1995, cô đã cố gắng dành dụm được một ít tiền đủ để mở một cái quán nho nhỏ. Vốn là người có biết chút căn bản về nấu nướng và làm bánh học được từ khi còn ở Sài Gòn, cô đã mở một gian hàng bán thực phẩm “food to go” lấy tên là “Thiên Nga Deli” ở ngay trong Little Saigon. Cái tên Thiên Nga Deli không chỉ là cái cửa hàng cho cô Thanh Thuỷ mưu sinh mà còn là cái tên để cô gợi nhớ về một thời từng gắn bó với những hoạt động của Thiên Nga. Một vài người bạn của cô đã hỏi, bộ cô không sợ sao lại đặt tên quán là “Thiên Nga” như vậy?

 Họ còn khuyên cô , coi chừng bọn VC nằm vùng ở hải ngoại này nhiều lắm, một người “nổi tiếng” như cô từng có nhiều ân oán với chúng cần phải đề cao cảnh giác. Dĩ nhiên cô Thanh Thuỷ luôn phải đề cao cảnh giác, nhưng cô không sợ vì dù có lấy tên gì thì chúng cũng đã biết rõ cô là ai rồi, chẳng trốn đi đâu được.

Nhân mùa quốc nạn  thứ 45 của nước VNCH , chúng tôi tổng hợp các tài liệu  và hình ảnh hiện có trên mạng, để lưu lại một số nét tiêu biểu của những nữ anh thư Cảnh Sát Quốc Gia trong Biệt Đội Thiên Nga, để vinh danh và làm tấm gương sáng cho các thê hệ Hậu Duệ VNCH đi sau.
Xem tiếp câu chuyên về "Cô Ký Điệu", một Thiên Nga gẫy cánh! Tác giả  Lê Tường Vũ -  https://canhsatquocgia.org/a204/co-ky-dieu

Tổng hợp, từ Hậu Duệ VNCH Lý Bích Thuỷ 15.4.2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét