QUÃNG ĐỜI NHÀ BINH CỦA PHƯỢNG HOÀNG KIM CƯƠNG

Posted by   June 21, 2023  348
QUÃNG ĐỜI NHÀ BINH CỦA  PHƯỢNG HOÀNG KIM CƯƠNG

QUÃNG ĐỜI NHÀ BINH CỦA

PHƯỢNG HOÀNG KIM CƯƠNG

---oo0oo---



Lời mào đầu: "Le Moi est haïssable", triết gia Pháp Blaise Pascal thế kỷ XVII đã nói: cái Tôi là khả ố. Cho nên tôi cứ do dự không dám đặt bút xuống để ghi lại những dòng tư tưởng dưới đây. Nhưng không nói ra thì cứ ấm ức trong lòng, đành phải vậy.

Tôi học xong Math Elem1 ở Lycée Jean-Jacques Rousseau2, muốn xuất ngoại để tiếp tục con đường học vấn. Nhưng mẹ tôi thích tôi theo ngành y sẵn có trong nước và Bác sĩ Lữ Y, con của Bác Chánh bạn của ba tôi, có thể đỡ đầu (mentor). Mộng xuất ngoại của tôi đã có từ thuở nhỏ, không hiểu tại sao. Lúc mới lên lớp 9ème (3rd grade) tôi được phần thưởng ưu hạng (prix d'excellence) nên được cấp học bổng toàn phần (bourse entière): Nhà nước Pháp cho đi Pháp tiếp tục học tới 18 tuổi. Nhưng mẹ tôi không cho đi vì thương con: mẹ tôi sợ tôi không biết tự chăm sóc. Có lần tướng Hinh3 đến nhà chơi, có hỏi tôi nữa lớn muốn học gì. Tôi trả lời ngay là muốn học ở Ecole Polytechnique (trường quân sự kỹ thuật Bách Khoa do Hoàng đế Napoléon 1er khởi xướng)....Đến khi lên 5ème tôi thi đậu Certificat d'Enseignement Technique và được cho đi Pháp một lần nữa. Và một lần nữa mẹ không đồng ý. Lần thứ ba là khi tôi lên 1ère, Mr. Barquisseau, giáo sư văn chương Pháp (professeur de Français), chấm một bài Dissertation Littéraire (luận văn chương) của tôi, cho 18 điểm. Và tôi được đề cử đi dự "Exposition Universelle et Internationale de Bruxelles" (Expo 58). Nhưng hởi ôi! tôi đã đến tuổi quân dịch nên chánh phủ Việt Nam không cho đi.

Mãi đến 1961, có tin trên báo cho biết Không quân VNCH đang tuyển mộ sinh viên sĩ quan đi học bay bên Mỹ. Tôi lén lên cổng Phi Long4 nộp đơn đi Không quân mà không cho mẹ tôi biết. Đến chừng ra Nha Trang, được phép viết thơ về thì tôi mới viết cho em tôi bằng tiếng Pháp vì có rành tiếng Việt đâu.

Vào ngày Thứ sáu 8/9/1961, một chiếc Dakota nhà binh đưa toán sinh viên vừa mới tuyển từ Tân Sơn Nhứt ra Nha Trang. Ở Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha-Trang đã có toán Vỡ lòng; họ ra đây trước chúng tôi đúng một tháng rồi. Toán chúng tôi được gọi là toán Thường niên. "Vỡ lòng" chỉ học qua căn bản quân sự và vỡ lòng phi hành để chuẩn bị đi Mỹ theo chương trình huấn luyện phi hành của họ, còn "Thường niên" mới thật sự là khóa bình thường hằng năm, học tại đây (TTHLKQ) toàn khóa quân sự và phi hành để trở thành hoa tiêu quân sự và quan

sát viên cho các phi đoàn quan sát. Thế là mộng xuất ngoại du học của tôi tan vỡ thành mây khói rồi! Toán Vỡ lòng là khoá 61A, còn toán Thường niên chúng tôi là khoá 61B. Tôi được xếp vào Trung đội IV ở barrack cuối cùng. Vũ Hiệp dit Dzu (tự Dzu) làm trung đội trưởng sinh viên cán bộ, mang 2 gạch đỏ (gọi là cà rốt) trên bâu áo. Sau này mới biết Hiệp có anh là Tr/úy KQ làm ở Công xưởng KQ Biên Hòa. Ch/úy Lê Thành Hòa khóa 9 Thủ Đức là khóa sinh phi hành giúp đỡhuấn luyện cơ bản thao diễn cho toán.

Nhưng rồi may mắn lại mỉm cười với Phượng hoàng Kim cương; Mỹ lấy thêm khóa sinh cho học bay ở trường bay Hải quân (Navy). Toán Thường niên chúng tôi được thi Anh ngữ và tôi được 80 điểm. Sau một tháng huấn nhục toán chúng tôi cũng được nhập chung với toán Vỡ lòng để làm lễ gắn cấp hiệu Alpha. Rồi thì cũng được làm Baptême de l'Air (lễ xuất hành)5 như mọi người. Tôi có duyên được bay lần đầu tiên với Anh Năm Tr/úy Phan Quang Phúc, Trưởng Phòng Khóa sinh.

Quân trường KQ khác với quân binh chủng khác. Huấn luyện viên KQ phần đông đã đi học ở Pháp và Mỹ về, vả lại sức khỏe của nhân viên phi hành là ưu tiên hàng đầu, nên những bài tập không khắc khổ lắm và ăn uống phải đầy đủ dinh dưỡng và đúng theo tiêu chuẩn nhân viên phi hành6. Thời gian huấn luyện của hai khóa 61 lúc này cũng rất thư dãn: Khóa 61A vào đầu tháng 8, Khóa 61B vào đầu tháng 9, thì phải tập dợt làm lễ gắn Alpha vào đầu tháng 10, rồi phải tập diễn hành cho ngày lễ Quốc Khánh 26/10 nữa. Mà mấy huấn luyện phi công thì luôn miệng nhắc nhở: muốn bay giỏi phải biết khiêu vũ, phải xem chiếc phi cơ như cô gái mà mình nhẹ nhàng đưa đi theo điệu nhạc. Thế là trong lúc chuẩn bị tập dợt văn nghệ cho mấy ngày lễ thì chúng tôi còn tập dợt khiêu vũ nữa. Cuối tháng 12 nghỉ lễ Noël và Tết dương lịch, đầu tháng 2/62 lại ăn Tết âm lịch.

Vừa trở ra quân trường thì có công điện gọi toán 9 người Vỡ lòng đầu tiên về Sài-gòn làm thủ tục xuất ngoại. Tôi và anh Phan Khôi cũng được cho về theo để phòng hờ có người nào thiếu điều kiện thì có ngay người thay thế vì chúng tôi có điểm Anh văn cao nhứt. Qua tháng sau thì toán thứ nhì đi. Toán này học trực thăng. Tháng kế tiếp đến lượt chúng tôi. Lần này thì được học ở Navy, Hải quân Hoa kỳ.


Khóa 61A Vỡ lòng

Từ trái, đứng: Vũ Mạnh Đạt, Đinh Hữu Hiệp, Nguyễn Đình Nghị, Nguyễn Huy Bổng, Phạm Bính, Từ Bộ Châu,Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Hữu Lộc, Hồ Kế, Hồ Sĩ Hoàng, Đỗ Văn Hiếu, Phạm Đình Anh, Võ Văn Trương, Nguyễn Văn Tổng, Nguyễn Văn Nhơn.
ngồi: Nguyễn Bảo Minh, Trần Quang Đại, Vũ Thành, Nguyễn Đình Quý, Tr/úy Hoàng Thanh Nhã, Phạm Bích, Đào Trọng Chí, Nguyễn Quang Khóa, Lê Văn Lâm, Thang Quất Phan, Cao Văn An.


Khóa 61B Thường niên

Từ trái, ngồi: Nguyễn Trí Kiên, Lê Trai, Trần Văn Việt, Nguyễn Quang Lãm, Ch/úy Lê Thành Hòa, Phạm Xuân Thu, Lê Như Hoàn, Dan Hoài Bữu.
đứng: Lê Hồng, Vũ Lâm, Dương Minh Cảnh, Đào Công Trực, Nguyễn Đức Chương, Vũ Hiệp, Phạm Đăng Cường, Nguyễn Văn Bé, Phan Trừng, Phan Khôi.

Hải quân Hoa kỳ (US Navy) huấn luyện khóa sinh đồng minh chung với khóa sinh Mỹ của họ, trong lúc Không quân HK (USAF) và Lục quân HK (US Army) có những trường bay riêng cho các khóa sinh đồng minh và không có chế độ SVSQ. Lúc đầu thì chúng tôi rất hảnh diện, lấy làm khoái chí được coi như ngang tài ngang sức với các khóa sinh Mỹ chánh cống (không có ngăn trở ngôn ngữ cũng như phân biệt vóc dáng). Trường Phi Hành Hải Quân Pensacola (U.S. Naval Air School Pensacola)7 là Cái nôi của Hàng không Hải quân Hoa kỳ (Cradle of Naval Aviation), nơi đã đào tạo nhiều nhân tài, điển hình là các phi hành gia không gian, như Đề đốc hồi hưu Alan B. Shepard Jr., người Mỹ đầu tiên du hành trong không gian, Tr/tá Neil A. Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Nguyệt cầu, và gần đây nhứt là hai cha con cựu Tổng thống Hoa kỳ George H. W. Bush và George W. Bush, và ứng cử viên Tổng thống, Thượng nghị sĩ Tiểu bang Arizona John S. McCain III. Người ta còn gọi nó là “Annapolis of the Air” Võ bị Hải Quân của Không gian.

Phần quân sự được giao cho những US Marine Sergeants, ngầu nhứt (toughest) trong quân đội Hoa Kỳ huấn luyện. Sau 16 tuần Quân sự và Địa huấn, ngày thứ sáu 25/1/1963, lớp 37-62 nhận văn bằng tốt nghiệp. Tôi được thưởng "Academics" badge (xuất sắc về Văn hóa) và được bổ nhiệm làm SVSQ Đại úy Đại đội trưởng Đại đội E (Echo Company) thuộc Tiểu đoàn III, Trung đoàn SVSQ (Cadet Regiment) Trường US Naval School of Pre-Flight8.

Về phi huấn, đầu tiên là Phi huấn Vở lòng (Primary Flight Training) trên phi cơ T-34B Mentor, ở trường bay VT-1 tại căn cứ phụ (Naval Auxiliary Air Station) NAAS Saufley Field. Thầy tôi là Th/tá LCmdr Humphrey, Phi đoàn phó.

Kế đó là Phi huấn Căn bản (Basic Flight Training) trên phi cơ T-28B/C Trojan, ở trường bay VT-2 và VT-3 tại căn cứ NAAS Whiting Field. Ở VT-3 thầy tôi là Sĩ quan Huấn luyện, Đ/úy Lt Ortega. Học xong, chúng tôi rời Pensacola, Florida đi Corpus Christi, Texas để theo chương trình Cao huấn Phi hành (Advanced Training) ở trường bay VT-30. Tại đây chúng tôi phải bay solo T-28 để lấy thêm cho đủ 200 giờ bay ngày, 70 giờ bay đêm và phi cụ rồi mới được gắn cánh bay vàng, Wings of Gold, của Hải quân Hoa kỳ, được phát bằng Naval Aviator và được gắn cấp bậc Chuẩn úy9 ngày 15/1/1964. Nhà trường còn gởi thơ khen thưởng về cho cha mẹ của khóa sinh nữa.

Chương trình Cao huấn Phi hành là xuyên huấn trên AD-6/ A-1H Skyraider lấy thêm 100 giờ bay ngày, 20 giờ bay đêm và phi cụ nữa, mới được ra trường, về nước. Tôi còn được thầy là Đ/úy Lt Lapham, Sĩ quan An phi Phi đoàn giữ lại để làm phụ tá (Assistant Safety Officer) cho ông ấy. Ông hướng dẫn tôi đọc yellow sheet để tìm trục trặc của phi cơ và dò trong TO-2 (Dash Two)10 xem làm thế nào để sửa chữa nó. Sau đó thì bay thử (test).


Lớp 37-62 thuộc Đại đội "C" Charlie Company, Tiểu đoàn II, Trường US Naval School Preflight
Từ mặt vào:
hàng 2: Dan Hoài Bữu, Nguyễn Văn Phong
hàng 3: Võ Ngọc Trinh, Nguyễn Huy Bồng, Vũ Hiệp


Hình chụp lúc được thả 'solo' (bay đơn phi)

Chiếc T-34B đang cận tiến từ hướng Tây vào hạ cánh ở Saufley Field



Về nước rồi ra đơn vị, gặp lại bạn bè cùng khóa, học ở USAF (Không quân) và US Army (Lục quân), tôi mới thấy mình thua thiệt vô cùng. Chương trình huấn luyện của US Navy kéo dài tới 20 tháng mới được gắn cánh bay trong lúc USAF và US Army chỉ có 9 tháng thôi. Về nước sớm hơn cả năm trời, mấy bạn được nâng cấp (Lê Duy Chánh lên Thiếu úy trong kỳ đảo chánh 1/11/63) và chức năng chuyên môn trước mình: họ ra lead/ phi tuần phó (MC: moniteur de chasse, chef de patrouille légère) hết còn tụi này mới lẹt đẹt làm wingman/ phi tuần viên (EC: équipier confirmé).


Trại Linh Phượng là tên của Căn cứ 2 Trợ lực Không quân Biên-Hòa, cổng 2 ở Dốc Sỏi

Lúc tôi về nước thì Tr/tướng Dương Văn Minh cầm đầu Hội đồng Quân nhân Cách mạng (Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Trần Thiện Khiêm) lật độ nền Đệ Nhứt Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm 1/11/1963 đã bị Tr/tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý ngày 30/1/1964 và lập chế độ "Tam Đầu Chế" Minh-Khánh-Khiêm cải danh là Hội đồng Quân đội Cách mạng. Tư lệnh Không quân cũng được thay. Đ/tá Đỗ Khắc Mai bàn giao chức Tư lệnh KQ cho Đ/tá Nguyễn Cao Kỳ đi làm Tùy viên Quân sự cạnh tòa Đại sứ VN tại CHLB Tây Đức.

Đơn vị đầu tiên tôi phục vụ là Phi đoàn 518 đồn trú tại Căn cứ Trợ lực 2 Biên Hòa. PĐ518, danh hiệu Phi Long, là phi đoàn thứ nhì được trang bị loại phi cơ A-1 Skyraider. Phi đoàn mới được thành lập ngày 1/1/1964, do người hùng Đ/úy Phạm Phú Quốc chỉ huy. Mới về đơn vị nên tôi phải đem đồ bay màu xám mới lãnh ra tiệm may ngoài phố sửa cho vừa. Trong lúc chờ đợi, tôi vẫn bận đồ bay đỏ ở trường Navy lên phi đoàn, rồi còn vận thêm bộ g-suit (chống trọng lực) không giống ai hết. Hôm sau ngày trình diện, Chỉ huy phó Tr/úy Trần Công Chấn gọi tôi đi bay mà không có thuyết trình tiền phi (preflight briefing) chi cả. Đương nhiên là tôi bay số 2 chỉ biết theo ông ấy thôi. Tôi làm mọi thứ như ở trường đã dạy, cất cánh, join-up (tập hợp/ rassemblement). Khi lên tới 3000 bộ thì ông nhồi phi cơ lên xuống ám hiệu cho tôi ra hợp đoàn chiến đấu (combat formation), rồi làm đủ mọi thao tác nhào lộn (manœuvres d'acrobatie aérienne/ aerobatics). Có lúc ông vào split-S đào sâu xuống dưới 1000 bộ, tôi phải thả dive brake/speed brake mà ở đây người ta không cho dùng vì sợ bị tuck under11. Xong rồi chúng tôi về đáp mà ông cũng không de-brief (thuyết trình hậu phi). Hôm sau nữa thì Trưởng phòng Hành quân Th/úy Võ Thành Quang gọi tôi vào phòng, thuyết trình rành rẽ phi vụ đi bay. Lần này ông sẽ làm lead, nhào lộn, rồi tới phiên tôi làm lead và nhào lộn để ông theo. Cuối cùng ông cho biết trường hợp hỏng vô tuyến thì phải làm gì và trường hợp hỏng máy về đáp sân nhà không tới thì có thể làm crash ở sân bay đồn điền cao su trên vùng mà ông chỉ lên bản đồ.

Thời gian này Khu trục có thớ lắm nhe. Hồi trước KQVN chỉ có căn cứ trợ lực (base de support) trong đó có phi đoàn đồn trú. Nhiều chỗ thiếu cấp chỉ huy, Chỉ huy trưởng Phi đoàn kiêm luôn chức Chi huy trưởng Căn cứ. Bây giờ cấp Không đoàn được lập ra, dưới không đoàn là Liên đoàn rồi mới tới Đoàn. Muốn chỉ huy không đoàn phải là dân khu trục. Do đó mấy phi công kỳ cựu các ngành khác (Đ/úy Nguyễn Huy Ánh, Đ/úy Nguyễn Văn Bá ngành Trực thăng, Tr/úy Võ Văn Ân ngành Quan sát, Đ/úy Lưu Kim Cương ngành vận tải) xin xuyên huấn qua khu trục mà hiện nay lò khu trục là Biên Hoà. Phi đoàn 2 Khu trục là PĐ516 Phi Hổ trước đây bay T-28B Trojan, bây giờ xuyên huấn qua A-1 Skyraider.

PĐ520 Thần Báo là phi đoàn khu trục mới được thành lập. Phi trường Bình Thủy, Cần Thơ, đang được xây cất để tiếp nhận KĐ74CT. Hàng tuần 2 phi đoàn 514 và 518 thay phiên nhau biệt phái xuống Bình Thủy để yểm trợ các cuộc hành quân ở vùng IV chiến thuật.

Có lần Dũng mặt đỏ dẫn tôi và Lê Như Hoàn bay xuống bao vùng cho quân bạn ở Cà-Mau. Anh không ra lệnh cho phi tuần mà lẳng lặng hạ 1/4 flaps. Tôi thấy phi cơ tôi cứ vọt lên trước, check thấy airspeed chỉ 140kts. Với 10 trái bom con heo (500lbs/each) tôi không thể nào bớt ga nên đã hạ 1/2 flaps. Phi cơ lùi về phía sau thì tôi cho flaps up. Tôi cứ suy nghĩ phi vụ đâu phải hộ tống xe hay tàu mà phải giảm tốc độ. Mà hạ flaps để tạo drags thì quá phí nhiên liệu thôi, nên mới giữ tốc độ an toàn, làm weave đổi bên với Hoàn. Vậy mà Dũng về méc với Định là 2 chúng tôi đùa giỡn trên trời, cứ liên tục sàng qua sàng lại phía sau anh. Rồi hăm dọa: nếu chúng tôi không muốn bay thì cho chúng đi Pleiku.

Một hôm, trong buổi họp phi đoàn có thuyết trình về "Phương thức khẩn cấp lúc phi cơ tắt máy". Th/úy Phạm Xuân Thu muốn chứng tỏ mình thông thái với anh em trong đơn vị, mới ghi lên bảng phương trình động lượng: p=mv và giải thích khi phi cơ bị tắt máy, chúng ta nên giải tỏa bom đạn, để có thể đi xa hơn. Nhưng tôi không đồng ý vì theo sách vở thì tỷ lệ L/D (L: sức nâng; D: sức cản) cho ta khoảng cách một phi cơ có thể lướt. Sức nặng không ảnh hưởng đến khoảng cách đó theo phương trình động học:

d=12at2+vt

trong đó d = khoảng cách; a = gia tốc; t = thời gian; v = tốc độ
không có yếu tố sức nặng.

Dũng mặt đỏ nhanh nhẹn lấy xe qua Công xưởng KQ chở Đ/úy Nguyễn Dương, Tiến sĩ Không gian & Hàng không (PhD in Aerospace & Aeronautics) về phi đoàn để công nhận ai đúng ai sai. Ông công nhận áp dụng động học như tôi đúng.

Since it is the L/D ratio that determines the distance the airplane can glide, weight does not affect the distance flown; however, a heavier airplane needs to fly at a higher airspeed to obtain the same glide ratio. For example, if two airplanes having the same L/D ratio but different weights start a glide from the same altitude, the heavier airplane gliding at a higher airspeed arrives at the same touchdown point in a shorter time. Both airplanes cover the same distance, only the lighter airplane takes a longer time.

Tháng 6/64 Th/tá Quốc lên làm Tư lệnh phó Không đoàn 23 thì tôi xin đổi qua PĐ514 Phượng Hoàng. PĐ514 là hậu thân của Đệ nhứt Phi đoàn Khu trục (PĐIKT), phi đoàn khu trục đầu tiên của KQVN. PĐ514 mới vừa được tuyên dương trước Quân đội và được ân thưởng Anh dũng Bội tinh với Nhành dương liễu (Palme) thứ tư sau Chiến dịch Đỗ Xá và được mang dây Biểu chương màu xanh lục Quân công Bội tinh. Lúc bấy giờ Chỉ huy trưởng là Đ/úy Võ Văn Sĩ, Chỉ huy phó Đ/úy Nguyễn Hữu Hoài, TPHQ Tr/úy Lê Văn Thảo. Tôi gặp lại Lê Bá Định học cùng lớp từ 6ème tới 1ère. Định đi khóa 58 Trần Duy Kỷ mà mới lên Th/úy thôi và là Sĩ quan Phi lệnh (phụ tá Hành quân) phi đoàn.

Để làm lễ ra quân lần đầu cho tôi, Định xếp tôi bay với Th/úy Chế Văn Nghĩa có biệt danh là Nghĩa Chàm, thủ khoa khóa 58 Trần Duy Kỷ. Tôi còn nhớ hôm đó là thứ hai đầu tuần. Vừa họp đơn vị xong Th/úy Nghĩa rủ Định và tôi qua phòng hành quân, thuyết trình tiền phi. Đó là một phi vụ oanh kích tự do ở chiến khu D, phía bắc Biên-Hòa12. Sau đó, chúng tôi sẽ thực tập không chiến, hai chiếc săn đuổi (combat tournoyant/ dogfight), chiếc thứ ba kiểm soát không lưu. Nhưng không may, phi cơ số 2 của tôi còn dính một trái bom bên cánh mặt và chúng tôi phải trở lại mục tiêu. Tôi làm đủ mọi cách nhưng bom vẫn không sút ra. Phi tuần đành phải về đáp. Khi tách đáp, vào vòng cuối (final) đài kiểm soát phát hiện bánh đáp trái của số 2 không ra, bắn pháo lệnh (flare), bật đèn đỏ cho "go around" (bay lại). Lập tức Th/tá Quốc cất cánh, vào sát phía dưới bụng phi cơ của tôi và ra lệnh cho tôi thả bánh đáp (gear down) và đọc cho biết đồng hồ chỉ gì. Tôi nhìn đồng hồ bánh đáp thấy hình gạch chéo (hatching) thay vì 2 gạch thẳng xuống (gear down and locked). Th/tá Quốc quyết định nếu không giải tỏa được bom thì phải nhảy dù chớ không được đáp bụng (belly landing). Nhảy dù trên phi cơ AD-6 thì tôi có thực tập ở dưới đất tại VT-30, chớ còn ở trên trời thì chưa có kinh nghiệm, cũng ớn thiệt. Tôi lặng lẽ lấy hướng đến mục tiêu oanh kích hồi nãy. Kỳ này tôi lật ngửa phi cơ ra, cố tạo tối đa negative Gs. Cuối cùng rồi 'con heo' ngoan cố cũng đã chịu buông ra khỏi giá bom. Sau 2 tiếng đồng hồ bay lòng vòng với cơ chế chiến đấu (40" - 2600 RPM - Rich), đồng hồ xăng chỉ dưới 500 lbs, tôi mới gọi đài xin đáp bụng. Đài cho đống cửa để ưu tiên riêng tôi về đáp phi đạo 27L trái có rải foam (bọt chống cháy) ở 1000 bộ. Tôi được ân thưởng Phi dũng Bội tinh với Cánh chim bạc. Và đó là huy chương đầu tiên trong đời binh nghiệp của tôi.

Tôi được check out (xác định) ra phi tuần phó khu trục, chỉ số chuyên nghiệp 1034.

Lũ lụt năm Thìn 1964 chẳng những kinh hoàng đối với dân miền Trung, mà cả vùng lục tỉnh miền Nam cũng bị ngập lụt khắp nơi. Phi đoàn điều động mấy phi tuần nhẹ không bom đạn bay lòng vòng trên biển nước lụt tìm xem có ai cần tiếp cứu để gọi trực thăng hoặc thuyền bè của giang đoàn đến vớt. Tôi dẫn Lê Thanh Hồng Vân, đi gần tới Cần Thơ, thình lình trực giác thúc tôi; tôi lắc cánh rồi nắm tay đưa ngón cái vào miệng ra dấu cho Vân check (kiểm lại) nhiên liệu. Anh trả lời bằng nắm tay với ngón cái chỉ xuống và lấy tay vỗ vào instrument panel/ tableau de bord xin đáp. Tôi ra dấu qua tần số 4 VHF (Đài Bình Thủy) và xin đáp. Số 2 đáp xong, vừa quẹo ra khỏi phi đạo thì tắt máy (hết xăng) chưa kịp vào bến đậu. Tôi phải xin đài cho xe kéo số 2 vào. Lỗi là Vân không kiểm xăng lúc ra phi cơ, mà hên là trực giác mách tôi chớ không có phép mầu nào hết. Những phi vụ bay tiếp cứu người dân như vậy được ân thưởng Dân vụ Bội tinh.

Binh biến ngày 13/9/1964 do Tr/tướng Dương Văn Đức và Th/tướng Lâm Văn Phát còn gọi là cuộc Biểu dương Lực lượng nhằm lật đỗ Tr/tướng Nguyễn Khánh bất thành.

Ngày 20/11/1964, Hội đồng Quân lực giải thể Thượng Hội đồng Quốc gia để thành lập Hội đồng Quốc gia Lập pháp với Quốc trưởng Phan Khắc Sửu.

Ngày 19/2/1965, Đ/tá Phạm Ngọc Thảo cùng Th/tướng Lâm Văn Phát đảo chánh, tìm bắt sống Đ/tướng Nguyễn Khánh nhưng bất thành. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký sắc lệnh bổ nhiệm tướng Khánh làm đại sứ lưu động, hình thức trục xuất khỏi nước đi lưu vong.

Mỗi lần có biến động như vậy thì phi đoàn lập danh sách sĩ quan phi công có bay trong ngày ấy đề nghị thăng cấp. Chuẩn úy không được ngó ngàng tới, vì chưa phải là sĩ quan. Chẳng mấy chốc, Định đã lên tới Đ/úy trong lúc tôi vẫn còn mang ch/úy.

Phải đợi tới khi có Nội các Chiến tranh của Th/tướng Tư lệnh KQ Nguyễn Cao Kỳ (Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương tức Thủ tướng Chánh phủ) ngày 19/6/1965 (Ngày Quân Lực) mới có quyết định cho phép SVSQ khóa sinh nào học ở quân trường trên 2 năm thì được gắn lon thiếu úy ngay khi ra trường. Vậy thì các bạn cùng khóa trong đó có tôi được hồi tố (ex post facto) lên Th/úy thực thụ ngày 1/1/1965 (như vậy đã chịu mất hết trên cả năm rồi đó!) và 2 năm sau được tự động lên Tr/úy.

Đêm 1/11/64, trong lúc Sài-gòn ăn mừng tưng bừng đệ nhất chu niên Cách mạng lật đổ Đệ nhất Cộng hòa, Việt cộng lần đầu tiên pháo kích bằng cối 82 ly vào phi trường Biên Hòa. Tối hôm sau Tr/tá Phạm Long Sửu, Tư lệnh KĐ23, dẫn một dispositif (biệt đội), gồm 4 phi tuần nặng (patrouille lourde), 3 của PĐ514 và 1 của PĐ518, thả bom nổ và napalm, phá nát và đốt trụi căn cứ hậu cần VC có bệnh xá, ở khu rừng Tân Phong, Chiến khu D, dưới sự hướng dẫn bằng strobe light (đèn chớp tắt) của Biệt kích. Sáng hôm sau, ông lại dẫn 12 chiếc của PĐ514 vừa mới đánh đêm qua, bay hợp đoàn sát cánh, đội hình échelon refusé (12 chiếc cùng một bên), phi diễn dưới bầu trời quang đãng của thành phố Biên hòa, gọi là để ăn mừng lễ Quốc Khánh. Biệt đội được ân thưởng Anh dũng Bộ tinh với Nhành Dương liễu.

Đầu tháng 12/1964, KĐ23 tổ chức xác định phi tuần trưởng khu trục (chỉ số chuyên nghiệp 1035 cao nhứt ngành khu trục) cho toàn ngành khu trục KQVN. Giám khảo gồm Tr/tá Phạm Long Sửu, Th/tá Nguyễn Quang Tri, Th/tá Vũ Thượng Văn, Th/tá Nguyễn Đức Khánh là những phi công xuất thân Trường Võ bị KQ Pháp Salon-de-Provence trước đây. Định kéo tôi lên phòng hợp để nghe thuyết trình tiền phi. Đến khi Tr/tá Sửu ghi lên bảng công thức để tìm hướng đi cho phi tuần truy cản và làm bài toán dài thòn xong, tôi giơ tay xin phát biểu: "Nếu áp dụng Thalès mà tôi đã học ở Hải quân Hoa kỳ thì giải pháp sẽ ngắn gọn hơn". Và tôi xin lên bảng để vẽ lên cách tìm hướng đi cho phi tuần truy cản13. Th/tá Khánh lên tiếng khen và xin mọi người áp dụng phương thức mới này. Trong dịp này tôi đã chọn danh hiệu Phương hoàng Kim cương14 và được thơ chúc mừng của Th/tá Lưu Kim Cương, chỉ huy trưởng Biệt đoàn 83 lúc bấy giờ.
 

Phi đội đã tham dự Oanh tạc Chiến khu D

Ngày 8/2/65, Th/tướng Tư lệnh KQ Nguyễn Cao Kỳ đích thân dẫn một biệt đội 24 chiếc A-1 Skyraider đánh trại lính Chấp Lễ và đài ra-đa Hòn Cọp ngay bên kia cửa sông Bến Hải.

Định mới phát họa ra Phù hiệu KĐ23 với phương châm "Bình Nam-Phạt Bắc".

Để triệt hạ hệ thống phòng không của cộng sản Bắc Việt, phá hủy các nhà máy và mạng lưới tiếp liệu của họ, làm tiêu mòn sự yểm trợ của họ cho MTGPMN, tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ra lệnh cho Sư đoàn 2 Không quân thuộc Thập tam Không lực của Bộ Chỉ huy Không quân Thái Bình Dương Mỹ (PACAF) thực hiện chiến dịch "Operation Rolling Thunder" từ đầu tháng 3/65 đến hết tháng 10/68.

Phi vụ đầu tiên của chiến dịch mới này được thực hiện vào ngày 2 tháng 3, với 100 phi cơ KQHK dội bom kho vũ khí gần Xóm Bàng, Hà Tĩnh. Cùng ngày, 19 phi cơ A1 Skyraider của Không lực Việt Nam Cộng hòa đánh phá 3 mục tiêu:

1. Trại tập trung quân BV trong vùng núi tây-bắc thành phố Vinh, là đầu mối của hệ thống đường mòn HCM,
2. Căn cứ Hải quân Quảng Khê trên cửa sông Gianh, là Bộ Chỉ huy Hải quân vùng nam của Bắc Việt, điểm xuất phát của các tàu không tên chuyên chở vũ khí đạn dược, thuốc men, vào Nam tiếp tế cho MTGPMN,
3. Kho đạn Vit Thù Lù nằm trên đĩnh núi sát biên giới Lào. BV tập trung vũ khí đạn dược lại đây để chuyển vào Nam bằng đường bộ tiếp tế cho MTGPMN.

Định giao cho tôi dẫn phi tuần 4 chiếc có 2 cố vấn Mỹ và một bạn cùng học ở Pensacola đánh mục tiêu số 215. Kết quả do Không ảnh Hoa kỳ chụp lại cho thấy mục tiêu bị phá hủy hoàn toàn và chúng tôi mỗi người được ân thưởng Biệt công Bội tinh.

Sau đó một tuần lễ, vào ngày 16/2, Định đang ở Phòng Tác chiến KĐ62, Nha-Trang, đề nghị phi đoàn điều động tôi đi triệt hạ chiếc tàu không tên, chở vũ khí đạn dược và thuốc men, từ Bắc vào cảng Vũng Rô, Tuy Hòa, theo yêu cầu của Th/tá Nguyễn Huy Ánh, Tư lệnh KĐ62. Chiến thắng Vũng Rô16 đem lại cho phi đoàn cái palme (nhành dương liễu) thứ 6.

Tr/tá Võ Xuân Lành về làm Tư lệnh KĐ23CT (Không đoàn 23 Chiến thuật) thay cho cố Đ/tá Phạm Phú Quốc. Th/tá Võ Văn Sĩ lên làm Chỉ huy trưởng LĐ23TC (Liên đoàn 23 Tác chiến) thay cho cố Tr/tá Nguyễn Hữu Chẩn. Hai vị cố chỉ huy trên đã hy sinh trong các phi vụ Bắc phạt.


Đ/úy Lê Văn Thảo qua làm Chỉ huy trưởng PĐ518, Đ/úy Nguyễn Hữu Hoài qua Phi đội Oanh tạc cơ B-57 Canberra, Tr/úy Chế Văn Nghĩa lên chỉ huy PĐ514, Định làm phó.

Thảo “nâu” lập tức bày ra một chiến dịch thi đua giữa Phi Long và Phượng Hoàng. Trong vòng 6 tháng, phi đoàn nào đạt được nhiều giờ bay nhứt mà không gây tai nạn thì thắng cuộc. Nhơn dịp này tháng nào hoa tiêu hai phi đoàn cũng kiếm được trên dưới 100 giờ bay mỗi người. Sau mỗi phi vụ hành quân thì phi tuần tiếp tục bay huấn luyện cho đủ 2 tiếng rồi mới về đáp. PĐ514 thắng cuộc và được Tổng thống Hoa kỳ Lyndon Baines Johnson tuyên dương.

Ngày 8/6/1965, Phi đoàn tổ chức lễ tiếp nhận huy chương "Presidential Unit Citation" và dây Biểu chương màu đỏ Bảo quốc Huân chương. Đêm lại, Phi đoàn mở tiệc dạ vũ. Tất cả sĩ quan thuộc phi đoàn đều mặc dạ lễ phục (tương tự như hình bên dưới. Rất tiếc là không có photo để lại).

Sau khi được đề cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, Th/tướng Kỳ lấy trực thăng đi viếng Tòa Thánh Tây Ninh. Tôi được đề cử đi theo tùy tùng trên chiếc trực thăng thứ 2.


Dạ lễ phục: spencer trắng, nơ đen, quần đen có sọc bạc bên hông, huy chương thòng mini


Tr/tá Phạm Phú Quốc, Tư lệnh KĐ23, trình Sổ Vàng PĐ514 cho Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký
Th/tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư lệnh KQ đứng phía sau

Cố vấn Capt Karem đang hỏi SQHL Th/úy Dan H Bữu về chương trình huấn luyện của phi đoàn


Chiều 11/1/66 tôi được lệnh dẫn một phi tuần 4 chiếc trang bị toàn bom napalm đi oanh kích một lô-cốt (blockhaus/ bunker) có cao xạ phòng không ở xã Long Toàn, bãi biển Ba Động, Trà Vinh. Tôi mới nhào vô đánh pass đầu tiên, thì một loạt phòng không bắn xớt ngang qua cockpit. Tôi vội ra lệnh cho tất cả phi tuần ngưng oanh kích (hold high and dry). Không ngờ số 3 là Maj. Johnny Godfrey, cố vấn trưởng phi đoàn, lại nhào vào bắn đại bác chỗ xuất phát hỏa lực, bị trúng đạn nên hy sinh, lủi luôn vào mục tiêu với 6 trái bom napalm trên phi cơ. Mục tiêu hoàn toàn bị tiêu hủy.

Định lên đại úy, qua làm phó cho 'mụ' Luyến ở LĐ23YC (Yểm Cứ). Nhã cũng lên Đ/úy thay thế Định ở chức vụ chỉ huy phó phi đoàn. Tôi mang Thiếu úy làm Sĩ quan Huấn luyện kiêm SQ An phi Phi đoàn. Được vào ban tham mưu của đơn vị tôi đã cảm thấy quan trọng rồi. Nhưng cố vấn Mỹ cho biết là làm chức chỉ huy như phi đội trưởng thì ngon hơn. Sau này khi chỉ huy phi đoàn, tôi mới biết phi đội trưởng có cấp số thiếu tá còn sĩ quan an phi / sĩ quan huấn luyện chỉ là đại úy thôi.

Mỹ viện trợ cho VN loại chiến đấu cơ phản lực siêu thanh F-5 Freedom Fighter. Mỗi phi đoàn khu trục chọn 4 người đưa đi xuyên huấn trên loại phi cơ này để thành lập phi đoàn phản lực siêu thanh đầu tiên PĐ522 Thần Ưng ngày 1/6/1967.

Phạm Xuân Thu lên thế chổ Nguyễn Thành Dũng làm trưởng phòng Tác chiến LĐ23TC. Võ Văn Trương Trưởng Phòng Hành Quân đi học SOS (Squadron Officer School: Chỉ huy Tham mưu Trung cấp) ở Maxwell AFB, Montgomery, AL
Tôi lên làm Phụ tá Hành quân (Sĩ quan Phi lệnh) kiêm luôn TPHQ.

Rồi ngày 1/1/1968, PĐ524 Thiên Lôi là phi đoàn khu trục đầu tiên được gởi đi xuyên huấn trên phản lực cơ A-37 Dragonfly. PĐ514 phái biệt đội ra Nha-Trang đảm nhận các phi vụ hành quân cho vùng II. Sáng trực ở phòng hành quân, tối tôi qua ngủ ở phòng chỉ huy trưởng PĐ215 Thần Tượng có máy lạnh. Tr/úy Phạm Bính, bạn cùng khóa làm chỉ huy phó. Trong dịp này, tôi nhận xác định phi tuần phó khu trục (MC: Moniteur de Chasse/ Huấn luyện viên Khu trục) cho Tư lệnh phó KĐ62CT, Th/tá Phan Quang Phúc, người đã làm baptême de l'air cho tôi trước đây.


Đại Hội Kỷ Niệm Đệ Nhứt Chu Niên Bắc Phạt (đầu năm 1966)

Hai lần gởi người đi phi đoàn mới, anh Nghĩa đều giữ tôi lại để thành lập một phi đoàn F-5 thứ hai. Anh rất tin tưởng tôi, kể cả cho tôi biết số combination của tủ sắt phi đoàn. Không may, anh tử nạn trong một phi vụ bay thử (test flight) trên không phận bãi tác xạ của Trường Bộ Binh Thủ Đức, vào cuối tháng 5/1967 (chuẩn bị làm lễ ra trường khóa 23 ngày 1/6/1967) nhường quyền chỉ huy phi đoàn lại cho Đ/úy Hoàng Thanh Nhã (cùng khóa với tôi ở Pensacola), và việc thành lập phi đoàn F-5 thứ nhì bị hoãn lại. Cố vấn lúc bấy giờ là Maj. Frank B. Harrison.

Ngày 14/5/1966, PĐ514 biệt phái tôi dẫn một phi tuần nặng ra Đà-Nẵng theo sự chỉ huy của tướng Nguyễn Ngọc Loan đánh tan phong trào Phật giáo miền Trung ly khai của 2 tướng Nguyễn Chánh Thi và Tôn Thất Đính.

Tháng sau tôi dẫn Tr/úy Lê Hoành Anh đi đánh ở Vũng Liêm, Vĩnh Long. Mây mù bao phủ khi tới sông Cổ Chiên. Tôi cho phi tuần vô hợp đoàn sát cánh để vào mây và lên cao độ tìm cách ra khỏi mây. Ra khỏi mây thì cũng sắp đến mục tiêu, tôi không còn thấy số 2 đâu hết. Tôi cố liên lạc anh bằng vô tuyến, nhưng vô hiệu quả.


Khóa 52F2 Marrakech

Hàng ngồi từ trái sang phải: Phan Thanh Vân, Lưu Kim Cương, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Hổ, Trịnh Hảo Tâm, Nguyễn Mai Lâm

E-6B flight computer, thường được gọi là "whiz wheel", là cây thước đo giờ bay, hướng,...sử dụng trong hàng không để lập phi trình

Phi vụ bị hủy bỏ. Tôi về đáp với đầy đủ bom đạn. Một Cessna U-17 chở tôi về Tân-Sơn-Nhứt để gặp Th/tá Trịnh Hảo Tâm, Chỉ huy trưởng Trung tâm Hành quân KQ. Ông đưa cho tôi cây thước E-6B Flight Computer để cố tìm vị trí Tr/úy Anh có thể làm crash.

Trong một phi vụ giải tỏa áp lực địch đang bao vây tĩnh lỵ Phước Long, phi cơ số 2 của tôi Tr/úy Lê Quang Đức bị trúng đạn phòng không địch. Anh cố lái về phi trường Phước Bình, Phước Long, với ý định đáp bụng ép buộc tại đây. Nhưng phi cơ bị triệt nâng, rớt trong rừng già núi Bà Rá. Anh được trực thăng bạn giải cứu.

Đầu 1967, PĐ514 biệt phái tôi dẫn Th/úy Nguyễn Thế Quy ra Đà-Nẵng để bay ra vĩ tuyến 17o bao vùng (air cover) cho Chiến dịch Alpha đặt Hàng rào Điện tử McNamara (McNamara Barrier) ở DMZ (demilitarized zone: vùng phi quân sự).

Ngày 1/4/1967, Hiến pháp mới được ban hành, ấn định sự ra đời của nền Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam. Trong ngày bầu cử 3/9/1967, liên danh Thiệu–Kỳ giành chiến thắng với số phiếu khiêm nhường 35%. Ông Nguyễn Văn Thiệu tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước trụ sở Hạ viện ngày 31/10/1967.

VNCH đã cho in lịch Tam Tông Miếu với ngày Tết Mậu Thân trể hơn 1 ngày (30 Janvier thay vì đúng là 29 Janvier 1968). VC định tổng công kích đúng ngay giao thừa mùng một tết, nhằm lúc dân chúng đốt pháo ăn mừng năm mới, do đó đánh sớm hơn một ngày. Chúng còn đem phi công vào tập trung ở hảng dệt Vinatexco định cướp máy bay ở biệt đội Tân Sơn Nhứt. PĐ514 biệt phái khắp nơi để truy kích địch. Đơn vị được ân thưởng cái palme thứ 7. Chỉ huy trưởng Đ/úy Hoàng Thanh Nhã và TPHQ Tr/úy Dan Hoài Bữu được thăng mỗi người lên một cấp, Biệt đội trưởng Tân Sơn Nhứt, Tr/úy Nguyễn Đình Lộc được ADBT nhành Dương liễu.

Tôi được biệt phái lên Pleiku để giải tỏa áp lực địch trên vùng cao nguyên. Ở đây tôi chứng kiến tai nạn Th/tá Nguyễn Ngọc Biện bị chiếc B-57 mình lái cán lên đùi mặt qua bụng dưới.

Sau những đợt tổng công kích Mậu Thân, thì đơn vị không còn gởi người đi dưỡng sức ở Biệt thự Phi Vân, Đà Lạt nữa. Thay vào đó thì các đơn vị gởi người đi khám Phòng cao độ (High Altitude Chamber) ở Kadena AFB, Okinawa, Nhựt Bổn. Tôi và Đ/úy Lê Thanh Hồng Vân được chọn đi đầu tiên. Trong dịp này, chị Nghĩa, phu nhân của vị cố chỉ huy chúng tôi, gởi tôi 10 cái chèques $100 đô đỏ17 để đổi ra đô-la xanh có giá trị hơn. Không ngờ trong số đó có một cái chèque lủng (bounced check) mà chúng tôi về nước rồi thì BX (base exchange) bên Kadena mới báo. Sự cố được đưa qua An-ninh Quân-đội. An-ninh Quân-đội số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm kết tội tôi "có hành vi làm lũng đoạn nền kinh tế quốc-gia" và phạt tôi tối đa. Tôi còn nhớ trước đây ngày 14/3/66, tướng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương có lập Pháp trường cát xử t gian thương Tạ Vinh, về tội danh "lũng đoạn nền kinh tế, đầu cơ tích trữ, chuyển ngân bất hợp pháp và hối lộ".

Tr/úy Trương vừa mãn khóa SOS về, đã hy sinh trong một phi vụ trực đêm (night air alert) được điều động (scrambled). Tôi lên lấp chỗ trống làm Phi đoàn phó.


Maj. Frank B. Harrison chụp chung với TPHQ Tr/úy Dan Hoài Bữu
 

Lễ thăng cấp đặc cách mặt trận sau các đợt Tổng Công kích Mậu Thân của VC

Từ trái sang phải: Th/tá Nguyễn Khắc Luyến, Th/tá Hoàng Thanh Nhã, Đ/úy Nguyễn Văn Mười, Đ/úy Dan Hoài Bữu, Đ/úy Phạm Hữu Minh (An Phi), Đ/úy Phạm Hữu Minh (PĐ112)

Giữa mùa hè 1969, Phượng hoàng nâu Th/tá Lê Văn Thảo, Đặc trách Khu trục thuộc Tham mưu phó Hành quân/ Bộ Tư lệnh KQ, lên Biên Hòa cùng với Col. Adams, Phụ tá Cố vấn trưởng KQ. Ông đem theo Sự Vụ Lệnh và Công lệnh Ngoại giao của ông cùng với của Th/tá Lê Quốc Hùng PĐ518 và Đ/úy Dan Hoài Bửu PĐ514, để đem 4 phi cơ A-1 Skyraider đi kiểm kỳ tổng quát IRAN (Inspection & Repair As Necessary) tại Phi trường Đài Bắc, Đài Loan18. Ở đây chúng tôi gặp lại Tiger Joe, đã từng làm cố vấn PĐ514 những năm 63-64. Sau khi mừng rỡ thăm hỏi, ông xin đi bay thử chiếc A1-H một chỗ ngồi mà tôi đã lái qua, trong lúc phái đoàn Trung hoa Dân quốc làm lễ tiếp đón chúng tôi. Sau đó ông cho biết phi cơ của tôi có một đinh ốc bị sút ra ở aileron19 (cánh nhỏ) bên mặt. Khi ông kiểm soát dù lưng thì phát giác dây 'ripcord' không luồn vào mấy 'pin'. Điều này muốn nói lên là tôi mới vừa thoát tay Tử Thần. Vì nếu trong lúc vượt trùng dương, tôi mà hứng lên, làm một cái "roll" nhẹ thôi, thì phi cơ tôi có thể sẽ bị kẹt aileron. Xong khi nhảy dù, tôi giựt D ring, thì dù sẽ không bung ra và tôi sẽ rơi tự do xuống đại dương, làm mồi cho cá mập rồi.

Vào mùa thu năm đó, Đ/tá Đoàn Văn Nu, Giám đốc Nha Kỹ thuật/ Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu/ QLVNCH, đề nghị phi đoàn đảm nhận các phi vụ ‘Batman’, yểm trợ thả và bốc các toán Biệt kích Lôi Hổ. Mỗi phi xuất cất cánh (airborne element), không cần biết có hoàn thành hay không, đều được trả 3000 đồng, ngoài 650 đồng per diem (vãng phản hằng ngày).

Cuối năm Trường Chỉ huy Tham mưu Trung cấp Không Quân chánh thức khai trương tại TTHLKQ Nha-Trang. Th/tá Nhã theo học khóa đầu tiên, tôi xử lý thường vụ chỉ huy PĐ514.

Đầu 1970, Hoa kỳ áp dụng chính sách ‘Việt Nam hóa Chiến tranh’ của Tổng thống Richard M.Nixon.

Phi đoàn 514 vào năm 1969

Từ trái sang phải:
ngồi: 1.Th/úy Nguyễn Ngọc Ân, 2.Th/úy Phạm Đình Khuông, 3.Tr/úy Nguyễn Văn Triết, 4.Tr/úy Lê Quí Nẩm, 5.Tr/úy Vũ Văn Thanh, 6.Tr/úy Trần Kim Long, 7.Th/úy Huỳnh Văn Tưởng, 8.Tr/úy Đinh Văn Sơn
đứng: 1.Tr/úy Nguyễn Đăng Huấn, 2.Tr/úy Hồ Ngọc Ấn, 3.Tr/úy Đinh Tấn Thao, 4.Tr/úy Khổng Hữu Trí, 5. Đ/úy PĐP Dan Hoài Bữu, 6.Tr/úy Lê Tấn Phát, 7.Th/tá PĐT Hoàng Thanh Nhã, 8.Tr/tá Nguyễn Văn Tường (năm 1970 là Đ/tá SĐP/SĐ3KQ), 9.Tr/úy Phạm Văn Thặng, 10.Cố vấn Th/tá Maj. Richard Collins, 11.Tr/úy Hoàng Mạnh Dũng, 12.Tr/úy Võ Ngọc Sơn, 13.Tr/úy Nguyễn Văn Huynh, 14.Tr/úy Nguyễn Quan Vĩnh

Tôi và Th/tá Lê Quốc Hùng P518 đi học lớp IPIS Huấn luyện viên Phi cụ (Instrument Pilot Instructor School) trên phản lực cơ T-39 Sabreliner, ở Randolph AFB, Texas. Tốt nghiệp, chúng tôi được cấp thẻ phi cụ màu lục (Green Card)20.
 

Chiếc T-39 Sabreliner
 

Th/tá Hùng và Đ/úy Bữu thuyết trình cho HLV Maj. Richard E. Dickensheets

Sư đoàn 3 Không quân được thành lập vào tháng 5 năm 1970, đồng thời với Chiến dịch đánh qua Campuchia, truy quét Trung ương cục R miền Nam, của Tr/tướng Đỗ Cao Trí Tư lệnh Quân Đoàn III. Th/tá Nhã lên làm Tham mưu phó Hành quân.

Tr/tướng Tư lệnh KQ xuống phi đoàn nói với tôi: "Hôm nay tôi bổ nhiệm anh chỉ huy phi đoàn. Nhưng tôi thấy anh có vẻ quá trẻ, làm sao chỉ huy được phi đoàn kỳ cựu nhứt của KQ". Tôi trả lời ngay: "Dạ thưa Tướng đã tin tưởng bổ nhiệm tôi. Tôi hứa sẽ cố gắn hết sức để không làm Tướng thất vọng". Cố vấn tôi là Lt.Col. Douglas Johnson, xuất thân từ U.S. Military Academy at West Point và có bằng Tiến sĩ Hàng không và Không gian (Doctorate in Aeronautics and Aerospace Science). Tức thời, Tr/tá Nguyễn Trung Tấn Không đoàn phó Yểm cứ đi cùng một trung sĩ Kiến tạo đến căn nhà mà Th/tá Đẹp mới vừa dọn ra, ghi lại những chỗ cần sửa chữa, để cho tôi vào ở. Ông đặt máy lạnh trong phòng ngủ, gắn lò điện trong bếp, treo một vỏ bom na-pan để chứa nước nóng, làm hệ thống nước nóng trong phòng tắm....

Tướng Trí mở tiệc ăn mừng chiến thắng đợt nhứt, tôi được ngồi giữa Ch/tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ, Tư lệnh phó Quân đoàn và Ch/tướng Đào Duy Ân Tư lệnh phó Lãnh thổ (quân khu).

Vào cuối 1970, Tr/tá Nguyễn Hữu Hoài, Không đoàn trưởng KĐ23CT dẫn tôi và Lê Quốc Hùng qua Thái Lan lấy phi cơ A-1 của Biệt Đoàn Mỹ bỏ lại ở phi trường Nakhon Phanom về cho PĐ530 Thái Dương mới được thành lập.

Đầu 1971 mặt trận Cambodia tiếp diễn với các trận Krek, Snoul. Tôi được đặt cách lên Thiếu tá, đồng thời PĐ514 được ân thưởng ADBT Nhành Dương Liễu thứ 8.

Chiến dịch Lam Sơn 719 (Chiến dịch Hạ Lào) đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 được Không quân và Pháo binh Mỹ yểm trợ. Vào năm này, đài BOBS (Beacon Only Bombing System) được thiết lập ở Biên Hòa, Pleiku và Sơn Trà (Đà Nẳng), để hướng dẫn phi cơ thả bom từ cao độ cao.

Ngày Quân lực 19/6/71 được tổ chức rất trọng thể. Tôi dẫn phi tuần thả khói màu "cờ vàng ba sọc đỏ" (lá Quốc kỳ)21 khai mạc buổi diễn hành, được phần thưởng hạng nhứt do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao tặng.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử 30/10/1971 gần như độc diễn (không có đối thủ). Tình hình chiến sự và chánh trị tạm yên.

Cuối 1971 tôi đi học Chỉ huy Tham mưu Trung cấp Không quân ở Nha-Trang.

Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, các mặt trận "Bình Long anh dũng", "Kontum kiêu hùng", "Trị Thiên vùng dậy" đều có in bóng các cánh chim Phượng Hoàng. PĐ514 được đề nghị "Oak Leaf Cluster" cho "Presidential Unit Citation"22 do Tổngthống


Phi hành đoàn phi tuần thả khói màu

Từ phải sang: đứng: Tr/úy Huỳnh Văn Tưởng, Đ/úy Lê Tấn Phát, Th/Tá Dan Hoài Bữu, Đ/úy Hồ Ngọc Ấn, Đ/úy Nguyễn Đại Điền
ngồi: Đ/úy Nguyễn Văn Triết, Đ/úy Trần Văn Mười.


Richard Milhous Nixon ban thưởng. Th/tá Nguyễn Văn Hoàng, chánh văn phòng Tư lệnh SĐ3KQ, điện thoại xuống phi đoàn cho tôi biết là đã nhận cùng một lúc 3 ADBT Nhành Dương liễu cho lá cờ PĐ514 từ cả 3 mặt trận Mùa Hè Đỏ Lửa. Ch/tướng Tính xin một cái cho Sư đoàn được cái thứ 2 thì cả SĐ được mang dây biểu chương màu vàng ADBT, Tr/tướng Minh xin một cái cho KQ được cái thứ 4 thì cả KQ được mang dây biểu chương màu lục Quân công Bội tinh. Còn một cái là cái Palme thứ 9 cho Phi đoàn và Phi đoàn được đề nghị mang Dây Biểu chương màu Tam Hợp.

Tôi vừa mản khóa về đơn vị thì xảy ra vụ Tr/tá Lê Bá Định, Không đoàn trưởng KĐ72CT Pleiku, 'cụng' với Tr/tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn II. PĐ530 Thái Dương bị đình chỉ hoạt động (grounded). Tr/tướng Minh lệnh cho tôi dẫn một biệt đội ra Pleiku để trấn an Quân đoàn với sự dặn dò "danh dự KQ trên hết". Không cần lời nhắc nhở của Tướng Minh, tôi cũng tự động bênh vực bạn Định mình rồi. Tối hôm tôi vừa ra thì QĐ điều động thẳng với tôi đi đánh. Tôi giải thích với QĐ: " Điều động thẳng là sai nguyên tắc, tuy nhiên tôi sẽ thông báo với TACC (Trung tâm Hành quân KQ) và sẽ thi hành." Rồi tôi cho một phi tuần cất cánh và dặn kỹ phi hành đoàn áp dụng đúng Huấn thị Điều hành Khu trục (Règlement de Chasse). Phi tuần vừa rời phi đạo thì một trận mưa như thác đổ trúc xuống Pleiku. Phi tuần lên tới mục tiêu nhưng trần mây dưới 500 bộ cách mặt đất (cao độ vùng cao nguyên Kontum: 1640ft - Pleiku: 2624ft) không an toàn cho bất cứ loại bom đạn nào. Do đó phi tuần hủy bỏ phi vụ về đáp với bom đạn. QĐ khăng khăng đòi phải thi hành phi vụ.Tôi vẫn một mực đưa ra Huấn thị Điều hành Khu trục mà tôi có đem theo. Cuối cùng QĐ chịu thua thì trời cũng tạnh mưa. Sáng hôm sau, biệt đội tôi được điều động ra Phù Cát thật sớm để được họp với Căn cứ 60 CT và thuyết trình về mục tiêu Khu Gò Đá Trắng ở Thị trấn Đập Đá có ổ phòng không Bofors của VC. Tôi dẫn biệt đội lên dội hết bom lên vị trí ổ phòng không địch trước khi lấy hướng bay về Biên Hòa. Hôm sau Đ/tá Nguyễn Hồng Tuyền, Chỉ huy trưởng CC60CT gọi vào xin tên phi hành đoàn để lập danh sách đề nghị tưởng thưởng.

Hiệp định Ba-lê được ký vào 27/1/1973, Cố vấn Mỹ rút về nước. Dự đoán phần nào tình hình đất nước, tôi nộp đơn xin đi tùy viên quân sự.

Tháng 2/73 tôi dẫn một biệt đội ra Đà-Nẵng để yểm trợ Biệt Động Quân giải tỏa cửa khẩu, tái chiếm Sa Huỳnh, phi cơ Đ/úy Vũ Việt Dũng bị trúng đạn địch, anh phải đáp ép buộc xuống phi trường dã chiến Chu Lai của USMC (Thủy quân Lục chiến HK) bỏ lại.

Về lại sân nhà, tôi dẫn Tr/úy Đặng Minh Triết đi hành quân. Cất cánh phi đạo 09R phải, số 2 vừa mới hỏng bánh thì bị đèn đỏ báo hiệu có mạt kim khí trong máy, xin trở lại đáp. Anh chưa kịp vòng lại thì phòng lái có mùi khét, rồi tự dưng máy tắt.
 

Anh lanh lẹ nhắm phi cơ vào núi đất đỏ ở cù lao Tân Vạn phía bên kia sông cù lao Phố rồi sử dụng Yankee System. Phi cơ đâm thẳng vào đồi núi và nổ tung. Chiếc dù màu cam sáng chói lơ lửng trên không, treo tòn ten người phi công vừa thoát nạn. Một chiếc quân vận đĩnh LCM rời bến ở cầu Đồng Nai từ từ chạy đến dưới chiếc dù. Phi công rơi xuống sông, chiếc dù phủ lên boong tàu. Thủy thủ kéo người lên và tàu trở về bến đậu. Trực thăng của SĐ3KQ ra đón phi công, đưa về Bệnh viện Cộng Hòa. Phi công không làm đúng phương thức, đã tử nạn.

Ngày thứ hai 19/3/1973, chiếc phi cơ DC-4 Air Viet Nam từ Sài Gòn đi Ban Mê Thuột bị nạn trong khi đang hạ cánh do một vụ nổ xảy ra trong khoang hành lý. Trong danh sách phi hành đoàn (manifeste) có tên nữ tiếp viên hàng không Tài 3 là Bà Xã của tôi. Th/tá Nguyễn Minh Đức (một người bạn học của tôi và Định) lúc bấy giờ biệt phái qua Air Viet Nam, điện thoại lên cho tôi biết Bà Xã có đi trên chiếc phi cơ ấy. Ẩn cọp (Th/tá Dương Ngọc Ẩn) tình nguyện lái chiếc U-17 đưa tôi ra Ban Mê Thuột để tìm xác vợ. Tôi lên Không đoàn để xin phép Đ/tá Võ Văn Sĩ Không đoàn trưởng, nhưng ông đã đi ăn trưa. Tôi mới chạy lên Sư đoàn, gặp Đ/tá Nguyễn Văn Tường (Tường mực) Sư đoàn phó. Ông hối tôi đi nhanh lên. Một tháng sau, Tr/tướng Tư lệnh KQ gọi xuống phi đoàn, hỏi tôi tại sao Đ/tá Sĩ phạt tôi tội sử dụng phi cơ quân sự đi làm việc riêng. Tôi giải thích với Tr/tướng và ông xin Ban Thanh tra Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH xuống Biên Hòa điều tra và chỉ định Đ/tá Tường hướng dẫn. Vì vợ tôi mất nên đơn xin đi TVQS của tôi bị trả lại.

Ngày Quân lực 19/6/73, lần thứ nhì tôi dẫn phi tuần thả khói màu lá Quốc kỳ khai mạc buổi diễn hành và cũng được phần thưởng hạng nhứt do KQ chấm.

Ngày Không Lực 1/7/1973 nhằm ngày Chúa nhật, được tổ chức tại Căn cứ KQ Biên Hòa. Đích thân Tư lệnh KQ điều hành buổi lễ để đón tiếp Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Đ/tá Lê Ngọc Duệ gắn Bảo Quốc Huân Chương cho Phi đoàn trưởng 514, Dan Hoài Bữu, Phi đoàn trưởng 522 Nguyễn Thành Dũng và Phi đoàn trưởng 124 Võ Trung Nhơn. Ch/tướng Huỳnh Bá Tính, Tư lệnh SĐ3KQ gắn cấp bậc trung tá cho 3 phi đoàn trưởng nói trên. Cờ PĐ514 được ADBT Nhành Dương Liễu thứ 9, Không Lực Huân Chương Đệ nhứt hạng. Cờ PĐ518 được ADBT Nhành Dương Liễu thứ 4.

Ch/tướng Huỳnh Bá Tính gắn cấp bậc Tr/tá cho Dan Hoài Bữu/ PĐT514, Võ Trung Nhơn/ PĐT124 và Nguyễn Thành Dũng/ PĐT522

Trong một phi vụ huấn luyện tác xạ xác định hành quân cho Th/úy Trương Vĩnh Tân, trên đường về, tôi nghe trên tần số FM đồn Địa phương quân ở Rạch Bắp gọi xin cấp cứu. Tôi quan sát thấy VC bao vây đang xung phong leo qua rào để đột nhập vào đồn. Sẵn phi cơ tôi có mang 4 trái napalm, tôi mới quyết định phá lệ sử dụng hỏa công đốt sống kẻ thù chết cháy, thây còn dính trên rào23. Một tuần sau đó, lễ ăn mừng chiến thắng Rạch Bắp được tổ chức ngay trước Dinh Độc Lập.

Tr/tá Nhã qua Long Bình học Chỉ huy Tham mưu Liên quân rồi lên Đ/tá, Tr/tá Bữu thay thế quyền KĐT, trao phi đoàn lại cho Th/tá Dương Bá Trát chỉ huy.

Năm 1974, tôi và Hùng cùng qua học khóa chót Chỉ huy Tham mưu Liên quân Long Bình. Mản khóa ngày 28/4/1975. Trưởng lớp C của chúng tôi là Đ/tá Trần Kim Đại Biệt Động Quân đậu thủ khoa.

phượnghoàng kimcương
Kỷ niệm Ngày Quân lực 19/6/2023
tại San Jose

Chú thích:

1. Math. Elem.: viết tắt chữ Mathématiques Elémentaires, một trong 3 lớp cuối tốt nghiệp (classes terminales): Math. Elem. (Toán, Ban B), Sc. Exp. (Sciences Expérimentales: Khoa học Thực nghiệm, Ban A, Philo (Philosophie, Ban C)
2. Lycée Jean-Jacques Rousseau: một trong những trường trung học do người Pháp điều hành theo chương trình văn hóa của chánh phủ Pháp và giáo sư là người Pháp. Tiếng Pháp là chánh. Khi lên secondaire (trung cấp) thì phải chọn thêm tiếng Anh là sinh ngữ thứ nhứt (1ère langue vivante), rồi đến 4ème phải lấy thêm một sinh ngữ nữa, tôi chọn tiếng Tây-Ban-Nha (Spanish).
3. Tướng Hinh: Tr/tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia VN là con của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, bạn của gia đình.
4. Trại Phi Long: tên của Căn cứ 3 Trợ lực ở Tân Sơn Nhứt. Trại Phi Vân, Căn cứ 1 Trợ lực ở Nha-Trang. Trại Linh Phượng, Căn cứ 3 Trợ lực ở Biên Hòa. Căn cứ 4 Trợ lực ở Đà-Nẵng.
5. Baptême de l'Air: baptême là lễ rửa tội của đạo Thiên Chúa trước khi được nhận là tín đồ. Trước khi nhận vào nghiệp bay, mấy huấn luyện viên phi hành tổ chức cho khóa sinh bay một vòng lên trời để làm lễ xuất hành.
6. nhân viên phi hành: personnel navigant gồm có pilote (phi công), navigateur (điều hành viên), radio navigant (vô tuyến phi hành), mévo (mécano volant: cơ phi), xạ thủ phi hành (mitrailleur volant), steward, hôtesse de l'air (tiếp viên phi hành) ≠ rampant: bò sát, chỉ nhân viên làm việc dưới đất
7. xem bài: Trường Phi hành Hải quân Hoa kỳ phượnghoàng kimcương
8. xem bài: Khóa 61 SVSQKQ tại Pensacola, Florida, Hoa kỳ phượnghoàng kimcương
Xin nói thêm: Cấp bậc trong Hải quân Mỹ: Thiếu úy: Ensign; Trung úy: Lieutenant Junior Grade (tắt là JG); Đại úy: Lieutenant; Thiếu tá: Lieutenant Commander; Trung tá: Commander; Đại tá: Captain; Phó Đề đốc (1 sao): Commodore/Rear Admiral lower half; Đề đốc (2 sao): Rear Admiral (upper half); Phó Đô dốc (3 sao): Vice Admiral; Đô đốc (4 sao): Admiral; Thủy sư Đô đốc (5 sao): Fleet Admiral ngang hàng với Thống tướng
9. chuẩn úy: khi được gắn cánh bay (tốt nghiệp bay căn bản) thì được mang cấp bậc chuẩn úy giả định (aspirant fictif) mang lon chớ vẫn còn ăn lương trung sĩ (ấn định cho SVSQ). Khi trình diện đơn vị thì được hưởng qui chế chuẩn úy tam thời (aspirant temporaire). Đến khi được xác định hành quân (équipier confirmé), đơn vị mới gởi báo cáo xác định hành quân về Bộ Tư lệnh KQ thì mới có giấy bổ nhiệm chuẩn úy nhiệm chức (aspirant fonctionnel) mà không biết lúc nào mới được thăng cấp chuẩn úy thực thụ (aspirant définitif) do đơn vị trưởng phê đìểm hằng năm.
10. TO-2: Technical Order Dash Two hay là Technical Manual ghi lại phương thức dành cho Kỹ thuyật để sửa chữa phi cơ. Còn TO-1 (Dash One) là Flight Manual ghi lại phương thức bay dành cho phi công.
11. tuck under: từ chuyên môn của Phi hành Hải quân Hoa kỳ (Aéronavale Américaine) có nghĩa là bị chúi nhủi trồng chuối.
12. xem bài: Phi vụ đầu tiên của mình ở 514 phượnghoàng kimcương
13. Phi tuần trưởng Khu trục cũng giống như Trưởng Phi cơ Vận tải/ Trực thăng (commandant de bord) là chỉ số cao nhứt của ngành. Có bằng này cộng với 5 năm thâm niên trong nghề thì được mang "cánh bay dẫn đạo". Đối với USAF (Không quân Hoa kỳ) phải có 7 năm thâm niên mới được mang cánh "Senior Pilot" và 15 năm thâm niên mới được mang "Command Pilot" (USAF Pilot Rating Requirements) xem bài: Tiểu sử Phi đoàn I Khu trục/ Giai đoạn Tổ chức & Huấn luyện phượnghoàng kimcương
Xin nói thêm: Trong ngành VT chỉ số thấp nhứt là co-pil (co-pilote: phi công phụ), kế đến là premier pil (premier pilote/ first pilote: phi công chánh), cao nhứt là commandant de bord/ commandant d'avion: trưởng phi cơ


14.xem bài: Các Danh hiệu Phượng hoàng phượnghoàng kimcương
15. xem bài: Vit Thu Lu phượnghoàng kimcương
16. xem bài: Chiến thắng Vũng Rô phượnghoàng kimcương
17. đô đỏ: MPC: military payment certificates: tiền quân đội Mỹ sử dụng ở VN, có giá trị ít hơn đô-la xanh, thí dụ $1 xanh = 100 đồng thì $1MPC = 80 đồng. Tiền được sử dụng ở các BX (base exchange) hay PX (post exchange) là các cửa tiệm bách hóa quân đội.
18. xem bài: Tề Thiên phượnghoàng kimcương
19. aileron: cánh nhỏ (cánh phụ) phi cơ dùng để nghiêng cánh, khác với flap/volet: cánh cản dùng để tăng sức nâng (lift) hoặc sức cản (drag) cho phi cơ.
20. green card: thẻ phi cụ màu lục (carte verte) là bằng lái phi cơ trong mọi thời tiết (điều kiện: 0, 0: visibility (tầm nhìn xa): 0, ceiling (trần mây): 0)
21. xem bài: Phi diễn 19-6-1971phượnghoàng kimcương
22. Oak Leaf Cluster: của Quân đội Hoa kỳ giống Palme của QĐ Pháp hay Nhành Dương Liễu của QĐVNCH. Thay vì đề nghị cái "Presidential Unit Citation" thứ hai thì chỉ đề nghị "Oak Leaf Cluster" gắn thêm lên cái đã có. Nếu PUC thứ 3 thì đề nghị OLC thứ 2.
23. xem bài: Ai nói mấy sếp không ba gai phượnghoàng kimcương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét