CÂU CHUYỆN VỀ “KỲ THI TÚ TÀI IBM” Ở SÀI GÒN NĂM 1974 


 Kỳ thi tú tài niên khóa 1973-1974 có những điều đặc biệt. Đây là kỳ thi tú tài cuối cùng của chế độ VNCH, và cũng là lần đầu tiên Bộ Quốc Gia Giáo Dục của VNCH đã dùng máy điện toán IBM (International Business Machines) để chấm thi tú tài. Máy điện toán đã có từ năm 1924, nhưng ở Việt Nam vào những năm thập niên 70 thì còn hiếm, ngay cả mấy tiếng “máy điện toán, máy tính điện tử” cũng chưa được phổ thông thời đó. Để chấm thi bằng máy điện toán, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã hợp đồng với một đơn vị quân đội Mỹ để sử dụng máy IBM lúc đó được đặt trong căn cứ quân sự, chuyên viên vận hành là quân nhân. 


Máy điện toán lúc đó to như một chiếc tủ lớn, dây điện chằng chịt nối các máy với nhau. Máy IBM chỉ chấm bài trắc nghiệm theo mẫu. Học sinh được cho làm thử trước bài trắc nghiệm, và được hướng dẫn cụ thể cách làm bài thi như thế nào để máy có thể chấm tự động, như là phải dùng loại bút nào, chọn đánh “x” hay “khoanh” câu trả lời thế nào, nếu bỏ câu trả lời nầy, chọn câu kia thì làm thế nào cho hợp lệ… IBM là một cỗ máy nên cần có sự rõ ràng trong cách làm bài thi thì nó chấm mới chính xác. Bài nào làm không đúng “kỹ thuật” được hướng dẫn trước thì sẽ bị loại ra thành bài thi không hợp lệ. 

Nha khảo thí đã dự liệu có trường hợp “vô tình hay cố ý” khiến cho bài thi không hợp lệ, nên điều thêm một số giám khảo chấm “tay” những bài không hợp lệ đó. Dù có cả người và máy chấm, nhưng kỳ thi đó vẫn gọi là tú tài IBM. Trước kỳ thi trên cũng có nhiều ý kiến, người cho rằng Bộ chưa chuẩn bị kỹ, người nói chấm thi mà vào căn cứ quân sự là không văn hóa… Nhưng một trong những người có trách nhiệm tổ chức, ông Nguyễn Thanh Liêm, chánh thanh tra, thứ trưởng giáo dục, trong bài “Nền giáo dục ở miền Nam 1954-1975” cho biết: “Về thủ tục, giấy tờ đầu thập niên 70 Nha khảo thí đã ký khế ước với công ty IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển, đến các con số thống kê cần thiết. 

Đề thi trắc nghiệm khách quan thì cũng đã được đem vào các kỳ thi Tú tài I và II cho môn Công Dân-Sử Địa từ niên khóa 1965-66. Nhưng phải đến 1974 thì toàn bộ các môn thi trong kỳ thi Tú tài mới gồm toàn những câu trắc nghiệm khách quan có nhiều lựa chọn (multiple choice). Các vị thanh tra trong ban soạn đề thi đều có dự lớp huấn luyện về cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1800 học sinh ở nhiều nơi, phân tích câu trả lời (làm item analysis) của học sinh để định độ khó (difficulty index, độ khó ở đây là 60) của câu hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu trắc nghiệm cho thích hợp. Tín độ (reliability ; hệ số tín độ của các bài trắc nghiệm ở đây là từ 91 đến 94) và hiệu độ (validity ; hệ số hiệu độ của các bài trắc nghiệm ở đây là từ 60 đến 73) của bài trắc nghiệm được tính theo đúng phương pháp thống kê khoa học. Bảng trả lời được đặt từ Mỹ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230; điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy 534 (punching machine) để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ nầy (punched cards) được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình (mean), độ lệch tiêu chuẩn (standard deviation), chuyển điểm thô (raw score) ra điểm tiêu chuẩn (standard score), tính percentile và thứ hạng trúng tuyển. Nhóm mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp khoa học của thống kê học, để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn”. 



Đúng theo như vậy, bằng Tú tài IBM có ghi hạng trúng tuyển (thứ, bình thứ, bình, ưu…) và điểm từng môn thi. Ngày trước ít có chuyện thi đậu 100%, kỳ thi Tú tài IBM cũng vậy. Kết quả kỳ thi tú tài IBM được ông Nguyễn Thanh Liêm ghi lại như sau: “Thí sinh ghi tên trong khóa 1 năm 1974 là 142.356, nhưng thật sự dự thi chỉ có 129.406. Trong số này có 53.868 thi đậu (41,6%). Tổng số thí sinh dự thi khóa 2 là 94.606, nhưng thật sự dự thi chỉ có 76.494. Trong số này có 8.607 thi đậu (11,3%). Có thể thấy tỷ lệ người thi đậu Tú tài thời điểm này nhiều hơn trước đó khá nhiều (hơn 45% cho cả hai khóa, so với khoảng 10% trong những thập niên trước). Kỳ thi quốc gia lúc này không còn mang tính gạn lọc, loại bỏ như xưa nữa, mà có nhiều người có cơ hội được học đại học, trình độ dân trí được nâng cao hơn. 

Người đậu Tú tài thì có nhiều lựa chọn, nhưng kẻ rớt thì sao? “Rớt tú tài anh đi trung sĩ”. Trừ nữ sinh và những người còn điều kiện tiếp tục học thi lại, những thanh niên thi rớt thì đa phần vào lính. Tình hình chiến sự từ 1970-1975 vô cùng ác liệt, hàng triệu thanh niên, những người trong độ “tuổi tú tài” bị gọi vào quân đội. Có những người dù đậu nhưng cũng phải bỏ ngang việc học như những lời ca của Phạm Duy: “Trả lại em yêu khung trời đại học, Con đường Duy Tân cây dài bóng mát … Anh sẽ ra đi về miền cát trắng, Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng … Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về” Cũng xin nhắc sơ lược về các kỳ thi trước và sau 1975. Ở miền Nam từ 1954 đến 1974, một năm có các kỳ thi, Tiểu học (lớp 5), Trung học đệ nhất cấp (lớp 9), Tú tài 1 lớp 11, và Tú tài 2 lớp 12. 

Thời Pháp thuộc thì việc thi cử còn phức tạp hơn, mỗi kỳ thi lại có hai phần, thi viết (écrit) và vấn đáp (oral). Thí sinh qua “viết” mới được vào “vấn đáp”, ai qua khỏi cả hai phần mới đậu hẳn. Riêng Tú tài 2 lại tổ chức hai khóa (lần) trong một năm, khóa 1 (premiere session) tổ chức vào đầu hè, khóa 2 (duexieme session) vào cuối hè. Việc thi cử như thế, lúc ấy đã bị chê là nặng nề, lạc hậu, Bộ Giáo dục đã chỉnh sửa và loại bỏ dần dần các kỳ thi. Ban đầu là bỏ thi tiểu học, năm 1967 bỏ thi Trung học đệ nhất cấp, năm 1973 bỏ thi Tú tài 1. Năm 1974 chỉ có một kỳ Tú tài IBM (không còn gọi là Tú tài 1, 2 như trước đó). Như vậy, thi cử ở miền Nam từ 1974, theo kế hoạch, chỉ còn một kỳ thi cho 12 năm học bậc phổ thông. Kế hoạch là vậy, nhưng không thành hiện thực nên không thể biết dự tính kia xấu tốt như thế nào. 

Sau 1975, thống nhất đất nước, thống nhất giáo dục, các kỳ thi lại được phục hồi, thi Tốt nghiệp cấp I (có năm gọi là Tiểu học), thi Tốt nghiệp cấp II (THCS), thi Tốt nghiệp cấp III (THPT). Cấp I, cấp II có năm không thi, trường lập hội đồng xét công nhận, có năm thi theo trường, theo cụm. Ngoài ra còn có các kỳ thi tuyển vào các trường chuyên. Thời gian sau đó thì Bộ Giáo Dục lại bỏ thi Tiểu học và THCS, nhưng giữ lại kỳ thi vào lớp 10, cách thức cũng đã cải tiến, có tự luân và trắc nghiệm. Rồi gần đây, thi tốt nghiệp trung học và lên đại học trở thành kỳ thi “2 trong 1” để loại bỏ số lượng kỳ thi. 

Sau đây, mời các bạn đọc thêm bài viết của một “người trong cuộc”, GS Dương Đình Đống, một trong những giám thị trong kỳ thi Tú tài IBM duy nhất của Việt Nam: Đó là một kỳ thi đặc biệt, lạ lùng nhất thời đó, theo sáng kiến của Ông Bộ Trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh và các cố vấn của ông vào cuối thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trước kỳ thi lối hơn 1 tháng, một thông cáo từ Bộ Giáo Dục ở Sài Gòn, qua Nha Trung học, về các trường, yêu cầu chọn gởi về Nha đề nghị các Giám khảo kỳ thi này phải là các Giáo sư có thành tích công bằng và liêm khiết! Trường Nguyễn Huệ – Tuy Hòa sau đó chọn duy nhất mình tôi, mà sau này, trước khi lên đường đi làm nhiệm vụ tôi mới được biết. Theo Sự vụ lệnh, tôi được cử làm Giám thị ở trường THPT Lương Văn Can ở quận 8 và làm Giám khảo tại Nha Trung học số 7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Nhứt – Sài Gòn. […] Cho đến năm 1974, hầu hết người Việt vẫn xa lạ với 3 chữ “máy điện toán”, kể cả giới học đường. Nói đi thi Tú Tài IBM mà hầu như nhiều thầy trò chưa thể mường tượng ra đó là cái gì. Trước đó vài năm các thầy cô “tiến bộ” đã cho học sinh làm “trắc nghiệm” mà các em quen gọi là “a, b, c khoanh”, nghĩa là các thầy cô – nhất là các bộ môn như văn sử, địa, triết (các môn văn chương và xã hội) dùng lối trắc nghiệm này ra đề cho học sinh ở lớp cho “dễ chấm, chấm mau”. Với lối này, mỗi câu hỏi có 3 hoặc 4 câu đáp mà học sinh sẽ phải chọn câu đúng nhất khoanh lại (hay đánh chéo). Còn các câu hỏi có tính cách tự luận như Toán, Lý, Hóa, Sinh vật rất ít khi dùng vì hơi khó ra đề (Khó và mất nhiều công sức chứ không phải không thể). Trong trường Nguyễn Huệ, nhiều thầy Toán, Lý, Hóa đă ra các đề thi trắc nghiệm cho học sinh. Ví dụ, đề Toán có 3 hoặc 4 đáp án khác nhau ứng với a, b, c hay a, b, c, d; thí sinh phải tự giải và chọn câu chính xác nhất. Điều này buộc thí sinh phải biết cách giải bài, chẳng những thế, còn phải giải cho thật đúng trước khi đánh dấu vào các ô chữ, chứ không thể nhắm mắt đánh cầu may như trong các đề văn chương hoăc xã hội được. 

Có lẽ Bộ Giáo Dục muốn giới trí thức, nhất là học sinh, sinh viên mình mau mau bắt kịp thế giới văn minh bên ngoài nên cho áp dụng ngay từ năm 1974 lệ thi Tú Tài IBM, thi cho tất cả 8 môn học: Văn, Sử, Địa, Triết, Toán, Lý, Hóa và Sinh vật. Theo qui định, các thí sinh phải dùng bút chì 2B, loại bút chì có nét mềm và tương đối đậm màu để đánh dấu chéo (x) vào các ô tròn phía dưới các chữ a, b, c, d (hay A, B, C, D). 

Học sinh không được dùng các loại bút bi, bút mưc hay các loại bút chì 1B, 3B, vì như vậy máy không thể chấm được và chỉ có thể chấm tay bằng mắt thường. Vì thế, cần có thêm các Giám khảo (người) chấm bài. Mặt khác trên mỗi tờ giấy thi mỗi môn của thí sinh (tờ A4) có ghi rõ tên, họ, ngày tháng năm sinh của thí sinh cùng địa chỉ và không thể cắt phách được. Các Giám khảo có thể nhìn vào đó mà biết rõ bài thi của ai, ở đâu. Vì thế đòi hỏi Giám khảo hết sức liêm chính! 

Giám khảo chúng tôi được chia làm 3 tốp, mỗi tốp lại chia riêng làm 8 bộ môn: Văn, Triết, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa và Sinh vật. Khi chấm bài thì bộ môn nào ngồi tách biệt theo bộ môn đó. Bộ Giáo Dục không có máy IBM, phải thuê của quân đội Mỹ, cơ sở đóng ở Tân Sơn Nhứt, rất rộng lớn, có tường rất cao, nằm bên kia đường Trường Sơn (tên đường mới bây giờ), đối diện với phi trường Tân Sơn Nhứt. Mỗi tốp như vậy làm việc mỗi ngày lối 5 giờ: Từ 6 đến 11 giờ; 12 đến 17 giờ, và 18 đến 23 giờ. Ăn uống tự túc. Các tốp phải có mặt ở số 7 Nguyễn Bỉnh Khiêm 1 giờ trước khi vào ca của mình. Các tốp được sắp xếp luân phiên các ca cho công bằng và đỡ chán. Đến giờ định, các chiếc xe hải âu màu vàng của Mỹ do chính các tài xế nguời Mỹ lái, chạy không ngừng từ đó vào thẳng căn cứ D.A.O. 


Người Mỹ rất kỷ luật, đúng giờ, nhất là tuyệt đối giữ im lặng và bí mật. Suốt cả tháng làm việc, từ các tài xế đến các nhân viên trong căn cứ, không hề nói chuyện với bất cứ ai trong chúng tôi. Chúng tôi được thông báo mang theo áo ấm và ai ngồi đâu phải ngồi chỗ đó suốt buổi làm việc, không được chạy lộn xộn, không được nói chuyện ồn ào. Muốn vào phòng máy phải đi qua 3 dãy nhà, đúng hơn là 3 luồng nhà nối tiếp nhau; mỗi luồng có độ lạnh khác nhau, lạnh dần từ ngoài vào trong. Nhà trong cùng nơi đặt máy là nơi lạnh nhất. Ngày đầu, giám khảo nào tự thấy mình khỏe, không đem theo áo ấm, khi gặp phải cái lạnh khủng khiếp nơi phòng để máy phải run lập cập, thất kinh! Nhà đặt máy to bằng nửa sân vân động, đặt hàng vài trăm cái máy IBM to và cao bằng những tủ đứng lớn quay lưng vào nhau. Chỉ những người Mỹ lo việc chạy máy chấm bài, nhưng trong lúc chúng tôi làm việc thì không thấy bóng dáng người Mỹ nào cả mà chỉ thấy nhiều chồng bài đã xếp sẵn chờ đợi chúng tôi: Đó là những bài thi không hợp lệ bị máy loại ra, phải chấm lại bằng tay […]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét