NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG VỚI SỰ PHÁT TRIỂN QUA CÁC THỜI ĐẠI

Rồng, con vật thần thoại, chỉ có trong trí tưởng tượng của người phương Đông. Rồng là biểu tượng cho nhà vua, cho những gì cao quý nhất. Trở thành rồng, hóa rồng là ước mơ của nhiều người trong xã hội phong kiến, quan niệm ấy được thể hiện khá rõ nét trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Các di tích về con Rồng Việt Nam hiện nay không còn tồn tại nhiều, nhưng  có thể tìm thấy nơi các đền đài, lăng tẩm vua chuá  ha đình miếu xưa ở VN ngày nay, Rồng Việt Nam vẫn luôn mang bản sắc đặc biệt riêng của nó, so với những kiến trúc trang trí, hội họa của Trung Hoa và các quốc gia Á Châu khác như Nhật, Đại Hàn, Thái...

Rồng đã đi cùng tâm thức người Việt chúng ta trong suốt thời Văn Lang - Âu Lạc. Từ xa xưa con Rồng đã có thấy xuất hiện trong các vật tổ sùng bái của người Việt, nhiều huyền thoại về rồng, với biểu hiện linh thiêng. Rồng là điểm hội tụ với ý nghĩa vũ trụ và nhân sinh. Người Việt có nguồn cội Lạc Hồng (Lạc Long Quân và Âu Cơ). Rồng là biểu tượng vật linh trong tín ngưỡng văn hoá dân gian. Rồng được sáng tạo thành hình tượng nghệ thuật và có mặt trong các thời kỳ nghệ thuật truyền thống của các vương triều trong chiều dài lịch sử Việt..

Trong số 12 con vật được dùng vào hệ địa chi đó, rồng ở vị trí thứ 5. Rồng là con vật tuy chưa ai nhìn thấy diện mạo thật của nó nhưng trong lịch sử và nghệ thuật, trong văn học và đời sống của người Việt, nó là con vật xuất hiện nhiều hơn cả, xuất hiện một cách vừa thực vừa hư, vừa gần, vừa xa, vừa giản dị lại vừa linh thiêng. Có thể nói “Rồng” là một con vật huyền thoại. 

Con Rồng ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng lại là một hình ảnh đẹp, là biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và sức sống vĩnh hằng... Hình tượng con rồng rất quen thuộc trong tâm thức người Việt. Như chúng ta biết, người Việt có tục thờ cúng Lạc Long Quân, có tục xăm mình bằng hình rồng. Mỗi khi nói đến “Con Rồng cháu Tiên” cũng như hai tiếng “đồng bào”, người Việt đều cảm thấy hãnh diện và tự hào. HuyềnTheo truyền thống ngàn đời, người Việt tin rằng mình là con cháu rồng tiên, đất đai là xứ rồng và vua là con rồng. Do đó hình ảnh của Rồng cũng được người ta đề cập trong Văn hoá Việt.  thoại Lạc Long Quân đối với người Việt không ai lại không hiểu, không biết.

Con rồng Việt Nam trong trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa hình rồng mang bản sắc riêng là hình tượng nguyên thủy phát triển độc lập là hình ảnh tiền thân của con rồng trong văn hóa Á Đông, theo trí tưởng tượng của người Việt vào từng giai đoạn lịch sử văn hóa khác nhau. Nó có nét giống và nhiều khác biệt riêng với rồng trong trang trí kiến trúc và hội họa các quốc gia trong Vùng văn hóa Đông Á khác. Rồng Việt Nam có nét vui vẻ, hiền hơn, cái mũi to, nhiều lông, bờm thay vì nhiều nhánh sừng, miệng ngậm ngọc thay vì tay cầm viên minh châu.

RỒNG TRONG VĂN HOÁ VIỆT

Trong kho tàng văn học của Việt tộc cúng ta thấy có những câu ca dao nói về sự cao quý của loài rồng, nói về ước mơ thành rồng, hóa rồng, gần rồng.

"Một ngày tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn một kiếp ở trong thuyền chài"

Hai câu ca dao trên đã phản ánh ước mơ của các cô gái thời xưa muốn được lấy vua, để trở thành hoàng hậu, hoàng phi, cung tần, mỹ nữ, được sống trong nhung lụa, bạc vàng. Nó cũng phản ánh tâm lý chung của nhiều người, cả nam lẫn nữ, muốn được gần vua chúa, muốn được dựa vào vua chúa để hương cảnh phú quí, giầu sang. Nhưng không phải tất cả các ước mơ ấy đều trở thành hiện thực.

"Trứng rồng tưởng nở ra rồng
Ai ngờ lại nở ra dòng liu điu"

Câu ca dao này đã ám ch nỗi chán chường, thất vọng của người dân khi con cháu vua chúa (giống rồng) lại bất tài, ngu dốt, thậm chí là hôn quân bạo chúa (liu điu là loài rắn nước).

Những câu ca dao dùng hình ảnh "rồng vàng" để chỉ những người xuất chúng, có tài kinh bang tế thế, những người khôn ngoan, thông minh như 2 câu ca dao:

"Vĩnh Long có cặp rồng vàng
 Nhất Bựi Hữu Nghĩa nhị Phan Tuẫn thần"

Hai câu nảy để ca ngợi hai người anh hùng, hai bậc hào kiệt của tình Vĩnh Long thời chống giặc Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19.

Mộ Bùi Hữu Nghĩa

Ca dao còn nói về nỗi khổ của những cô gái trẻ, đẹp, thông minh bị cha mẹ gả bán cho những chàng trai kém cỏi, ngu đần.

"Nước đường mà đựng chậu thau
Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài
Tiếc em da trắng, tóc dài
Bác mẹ gả bán cho người đần ngu
Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình".

Những câu ca dao mượn hình ảnh "rồng phượng", "rồng mây" để 
ám chỉ tình yêu nam nữ.

"Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
Khát khao về nết, mơ màng về duyên
Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây"

Bài ca dao nói về tình yêu đằm thắm, nỗi nhớ thương của cô gái đối với chàng trai mà cô yêu mến.

"Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nửa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây"

Ca dao nói lên được cảnh đổi đời của các cô gái khi gặp được tấm chồng tốt: 

Phận gái lấy được chồng khôn 
Xem bằng cá vược vũ môn hoá rồng.

Hay

Rồng vàng tắm nước ao tù 
Người khôn ở với người ngu bực mình.

Hoặc

Rồng đen lấy nước được mùa 
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày.

Ca dao còn  nói lên nỗi lo lắng, buồn rầu của cô gái khi phải xa cách người yêu.

"Khi xưa thì đắp chiếu chung
Vì ai ném gạch cho rồng xa mây"

Là lời oán trách của cô gái đối với kẻ chia uyên, rẽ thúy khiến cho đôi lứa phải xa nhau.

"Phụng với rồng cũng đồng nhan sắc
rách ai làm phụng bắc rồng nam"

Cũng là lời oán trách kẻ đã chia đường ngăn lối khiến cho đôi trai gái phải lìa xa.

Những câu ca dao có hình ảnh con rồng được nói đến trong các ngành nghệ thuật.

"Chín cột anh chạm chín rồng
Nơi thì rồng ấp, nơi thì rồng leo
Chín cột anh chạm chín mèo
Con thì bắt chuột con leo xà nhà"

Mấy câu ca dao đã nói lên sự khéo léo, tài hoa của người thợ chạm khắc gỗ, đã tạo nên những hình ảnh, những chi tiết, những mô- típ nghệ thuật tài hoa, làm cho khung cảnh ngôi nhà thêm sinh động, mỹ lệ…

Hình ảnh con rồng trong tục ngữ, thành ngữ rất phong phú.

Những câu tục ngữ, thành ngữ mượn hình ảnh con rồng để nói về vận hội, cơ may của con người.

Rồng mây gặp hội: Nói về cơ hội may mắn gặp lúc thuận lợi giúp con người để thực hiện được ý đồ, mong ước của mình. Xưa kia, câu tục ngữ này thường dùng để chỉ lúc người học trò gặp kỳ thi để đỗ đạt.

Long vân khánh hội: Hội mây rồng, hội rồng gặp mây. Thường chỉ 3 trường hợp: Người học trò đi thi đỗ đạt; Vua sang gặp tôi hiền; Nghiệp đế vương.

"Thưa rằng lương cả bao dọng
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen"
Nguyễn Du (Truyện Kiều)

Rồng đến nhà tôm: Người giầu sang phú quí đến nhà kẻ nghèo khó, hèn mọn
Đây thường là câu nói đùa khi có bạn lâu ngày đến nhà mình.

Rồng rộng theo nạ, quạ theo gà con: (rồng rộng là cá chuối con mới nở, nạ là mẹ). Cá chuối con theo mẹ là đúng nhưng quạ theo gà con là để cắp đi ăn thịt. Câu này là để cảnh tỉnh mọi người. Hãy cẩn thận, cảnh giác, đừng để kẻ ác chỉ rình cơ hội làm hại mình.

Vân tòng long, phong tòng hổ. Mây theo rồng, gió theo hổ. Ý nói thời cơ, vận hội đến với anh hùng, hào kiệt những người có chí khí.

Long hành, hổ bộ: Đi như rồng, bước đi như hổ. chỉ người có phong thái của bậc đế vương.

Những câu tục ngữ, thành ngữ nói về hình ảnh con rồng trong văn học nghệ thuật.

Rồng bay phượng múa: Người tài hoa có cách viết phóng khoáng, không gò bó.

Trổ rồng, chạm phượng: Ngoài nghĩa đen chạm khắc con rồng, con phượng còn chỉ cách làm, cách tô điểm rườm rà.

Rồng chầu mặt nguyệt: hình ảnh con rồng chầu về mặt trăng

Lưỡng long chầu nguyệt: Hình ảnh hai con rồng ở hai bên phải, trái chầu về mặt trăng trong các bức điêu khắc ở đình, chùa, đền thờ.

Đó là những câu tục ngữ, thành ngữ có hình ảnh con rồng để nói về khí hậu thời tiết:

"Rồng đen lấy nước thì mưa
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày"

Câu tục ngữ, cũng là ca dao này, nói về hai hiện tượng thời tiết : Rồng đen chỉ mây đen kéo đến thì trời sẽ đổ mưa, con rồng trắng là chỉ lốc xoáy, hiện tượng khí xoáy tụ, có thể làm đổ nhà cửa, cây cối, cuốn cả đồ vật lên cao. Đây là một hiện tượng bất thường, một tai họa về thời tiết.

Tóm lại hình ảnh con rồng trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ rất phong phú, đa dạng.

RỒNG VIỆT KHÁC RỒNG TÀU

Trong Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, con rồng Đại Việt luôn có những đặc tính biểu trưng rõ ràng đặc trưng :

Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ là biểu trưng cho nguồn gốc của người Việt. Dân tộc Việt có dòng lịch sử sinh động rất đẹp đẽ và oai hùng. Nếu những ai được sinh ra và lớn lên với hình ảnh "Con rồng, cháu Tiên", thì nên cần phát huy thêm những gì mình đang có và đã có, để làm xứng đáng cho niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Người Trung Hoa có Long Sinh Cửu Phẩm trong lòng tín ngưỡng. Người Việt Nam có Cửu Long Giang (Hán :九龍江), và Cửu Long Giang này đã từng nuôi đàn con của Rồng và cháu Tiên từ bao đời. Cửu Long Giang là dòng sông có 9 cửa chảy ra biển được biết trên mặt địa lý của Việt Nam như : cửa Định An, cửa Ba Thắc, cửa Tranh Đề, cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Hàm Luông, cửa Ba Lai. Dòng sông mang tên và hình ảnh của chín con Rồng này đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng tiêu biểu trong đời sống của người dân miền ĐBSCL.


Rồng Việt Nam có những đặc trưng Việt Nam rõ ràng như sau:

Thân Rồng uốn hình “sin” 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con Rồng – một linh vật cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. 

Đầu Rồng là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác Rồng Trung Hoa. Rồng Việt Nam có bờm dài, râu cằm, không sừng (như Rồng Trung Hoa). Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, đây là điểm hoàn toàn khác với các con Rồng khác của các nước. Đặc biệt là cái mào ở mũi, gợn sóng đều đặn (có người gọi là “mào lửa”) chứ không phải là cái mũi thú như Rồng Trung Hoa. Lưỡi mảnh rất dài. 

Miệng Rồng luôn ngậm viên châu (ngọc). Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa Rồng hay cầm, nắm ngọc bằng chân trước. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu Rồng luôn hướng lên như đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng. 

Những điều đặc biệt, đã nêu ở trên, được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con Rồng phương Đông. Toàn thân Rồng toát lên sự uyển chuyển và một sức đàn hồi rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ.

Rồng Việt Nam là một hình tượng hoàn hảo về mỹ thuật, có cá tính rõ ràng và đặc trưng cho dân tộc Việt. Tiếc rằng nó đã bị vùi lấp bởi sự sùng bái văn hóa Hán của các triều đại phong kiến cuối cùng và sự hủy diệt văn hóa đã xảy ra khi nhà Minh xâm lược Việt Nam.
(theo wikipedia Việt ngữ)

Về thời điểm, mốc lịch sử và ý tưởng của nhà điêu khắc gửi gấm qua các tác phẩm Rồng đá, có nhiều giả thuyết khác nhau. Song về thời điểm lịch sử qua hình tượng Rồng Việt Nam, các sách đã từng ghi lại như sau: 

Sự phát triển hình tượng rồng qua các triều đại
Trong thời kỳ phong kiến, Rồng là biểu tượng của vua, chúa, là biểu tượng của sức mạnh, của quyền lực tối cao, cho sự tốt đẹp may mắn và thịnh vượng.
Lý Thái Tổ lúc dời đô ra thành Đại La, thấy Rồng vàng bay lên. Vua cho là điềm may mắn liền đặt tên Đại La là Thăng Long.

Rồng thời Lý có thân dài, 4 chân, mảnh như rắn, có vây lưng, mình uốn khúc mềm mại, uyển chuyển, há miệng vờn viên ngọc quý, từ mũi thoát ra mào rồng có dạng ngọn lửa… Đây là tượng trưng mơ ước của cư dân trồng lúa nước với  khung cảnh mây, nước.





Mào, mũi và bờm là những thành phần cơ thể được cấu tạo rất sinh động, bằng những nét độc đáo và được mang theo một ý thức nhất định: Mào thoát ra từ môi đến đường sống quyện với răng nanh, xoắn xuýt, rung rinh bốc lên như ngọn lửa; bờm ở sau gáy cuồn cuộn bốc lên nhiều đợt từ cổ họng, cùng với túm râu ở hàm dưới đều uốn lượn nhịp nhàng như làn sóng và bay lướt tựa lá cờ đuôi nheo được gió, mũi cấu tạo bằng những đường cong xếp chồng nhau phập phồng gây ra ấn tượng về nguồn nước…”

RỒNG NHÀ TRẦN:

Rồng thời Trần thời kỳ đầu vẫn là những phiên bản sao chép và kế thừa phong cách rồng thời Lý. Càng về sau, hình tượng rồng càng phát triển đa dạng, không còn thống nhất, khuôn vàng thước ngọc như rồng Lý, mà bắt đầu biến đổi nhiều hình vẻ, mỗi nơi một khác, thể hiện sự tiếp biến và giao thoa mới.



RỒNG THỜI LÊ SƠ (HẬU LÊ)

Rồng thời Lê sơ là một bước ngoặt trong tạo hình rồng Việt Nam, có thể thấy sự du nhập tạo hình con rồng Minh vào con rồng thời kỳ này.




RỒNG THỜI LÊ TRUNG HƯNG  ( TRỊNH NGUYEN PHÂN TRANH)

Có thể nói, con rồng thời Lê trung hưng là con rồng đa dạng về tạo hình nhất. Là thời kỳ nhiều biến động và cũng là lâu dài nhất trong các triều đại Việt Nam, với sự nở rộ của các kiến trúc đình, chùa mà cho đến nay vẫn để lại kho tàng nghệ thuật đồ sộ, hình tượng rồng cũng vì thế mà rất phong phú.




RỒNG THỜI NGUYỄN

Nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa hình tượng rồng này và theo thời gian xuất hiện nhiều biến thể mới. Những thay đổi như về tạo dáng, có thể thấy ở những con rồng thềm bậc, độ uốn khúc không còn đều đặn mà chỉ vồng lên 2 khúc nhỏ dần về đuôi. Trán rồng có phần lõm hơn và bợt ra sau.






Ở nhiều hình ảnh ta thấy đuôi con rồng không còn xoáy nữa mà duỗi ra, hoặc vẫn xoáy nhưng các dải lông thưa thớt và rời rạc chứ không gắn liền nhau, thậm chí có những con đuôi đã cứng với những sợi lông sắc nhọn đâm tua tủa mang ảnh hưởng từ hình tượng rồng Trung Hoa giai đoạn Minh hậu kỳ trở về sau.

RỒNG THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Một số hình ảnh sưu tầm được về rồng trong thời VNCH từ 1945 đến tháng 4/1975



Rồng Việt Nam có những đặc trưng Việt Nam rõ ràng như sau:

Thân Rồng uốn hình “sin” 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con Rồng – một linh vật cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.

Đầu Rồng là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác Rồng Trung Hoa. Rồng Việt Nam có bờm dài, râu cằm, không sừng (như Rồng Trung Hoa). Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, đây là điểm hoàn toàn khác với các con Rồng khác của các nước. Đặc biệt là cái mào ở mũi, gợn sóng đều đặn (có người gọi là “mào lửa”) chứ không phải là cái mũi thú như Rồng Trung Hoa. Lưỡi mảnh rất dài. 


Miệng Rồng luôn ngậm viên châu (ngọc). Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa Rồng hay cầm, nắm ngọc bằng chân trước. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu Rồng luôn hướng lên như đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng. 

Những điều đặc biệt, đã nêu ở trên, được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con Rồng phương Đông. Toàn thân Rồng toát lên sự uyển chuyển và một sức đàn hồi rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ.

Rồng Việt Nam là một hình tượng hoàn hảo về mỹ thuật, có cá tính rõ ràng và đặc trưng cho dân tộc Việt. Tiếc rằng nó đã bị vùi lấp bởi sự sùng bái văn hóa Hán của các triều đại phong kiến cuối cùng và sự hủy diệt văn hóa đã xảy ra khi cộng sản Bắc Việt thống trị trên toàn lãnh thổ VN từ 1945 ở miền Bắc và từ 1975 trên 2 miền nam bắc.

Tham khào;


Biên khảo từ Vũ Thái An, người lính VNCH, 3 Januar 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét