CHUYỆN VỀ "NHÀ THƯƠNG THÍ SÀI GÒN"

CHUYỆN XƯA “Nhà thương thí” là chữ mà người Việt xưa gọi những dưỡng đường (bịnh viện) của nhà nước. Ở những nhà thương công lập này, người dân đi khám bịnh, điều trị được hoàn miễn phí, không tốn đồng xu nào, cả tiền khám lẫn tiền thuốc, vì vậy nó còn được gọi là nhà thương thí. Nhà thương thí Sài Gòn là tên gọi của Bịnh viện Sài Gòn, nay là bệnh viện đa khoa Sài Gòn nằm trên đường Lê Lợi. 

Một bản tin về Nhà thương thí 90 năm trước Nhà thương là nơi nhân đạo, giúp đỡ, cứu chữa bệnh nhân. “Nhà thương thí” là cơ sở y tế công lập của nhà nước, còn “thí” theo nghĩa cho không, “thí vàng”, “vô úy thí”… Nhà thương thí là chỗ nhân đạo, từ thiện, phân biệt với nhà thương tư chích thuốc trị bệnh thu tiền. 

Khi Pháp xâm lược nước ta, một trong những công việc đầu tiên là xây bịnh viện, ban đầu là để chữa cho binh lính Pháp đi viễn chinh không quen thuộc với khí hậu miền nhiệt đới. Bịnh viện đầu tiên là Quân y Viện (Hôpital Militaire) để trị bịnh cho người Pháp và cả người Việt làm việc cho Pháp. Từ năm 1905 trở đi, Hôpital Militaire được bác sĩ Charles Grall điều hành, đã mở cửa chữa trị cho mọi thành phần, quân sự cũng như dân sự, kể cả dân bản xứ, tuy nhiên dân bản xứ vô đây khám trị bịnh thì phải trả tiền. Sau này bịnh viện này đổi tên thành Grall, nhưng người Việt vẫn gọi là Nhà thương Đồn Đất (nay là cơ sở bệnh viện Nhi Đồng 2).

Đồng thời với Quân y viện, có nhiều nhà thương công lập được mở ra ở bên Chợ Lớn, như là Hôpital municipal de Cholon (Bệnh viện thành phố Chợ Lớn – nay là Bệnh viện Chợ Rẫy) hay Bảo sanh viện Chợ Lớn (nay là bệnh viện Hùng Vương), nhà thương Chú Hỏa (tức Bịnh viện Đô Thành) gần chợ Bến Thành, đều là nhà thương thí lớn để trị bịnh miễn phí. 

Nhà thương thí lớn nhất nằm ở trung tâm Sài Gòn chính là Nhà thương thí Sài Gòn trên đại lộ Bonard, mà tiền thân là một phòng khám nhỏ của bác sĩ Bâtie, được mở ra từ năm 1903, ban đầu nằm bên đường Rue d’Adran (đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu). Bác sĩ Bâtie mất năm 1912, khi mới 47 tuổi. 

Người thay thế ông điều hành phòng chữa bệnh là bác sĩ Montel đã vận động chính quyền được mở rộng quy mô phòng khám vì bệnh nhân mỗi lúc một đông. Năm 1914, công ty Hui Bon Hoa đã hiến tặng mảnh đất gần chợ Bến Thành (đại lộ Bonard) để xây bệnh viện (lúc này “Chú Hỏa” đã qua đời nên công ty Hui Bon Hoa do những người con của ông điều hành). Polyclinique du boulevard Bonard 100 năm trước Sau đó, trong nhiều năm đã có nhiều lời đề xuất trong Hội đồng thành phố đề nghị nâng cấp dưỡng đường ở đại lộ Bonard này (tiếng Pháp gọi là Polyclinique du boulevard Bonard) thành một Nhà thương công lập lớn của thành phố, do số bệnh nhân đến càng ngày càng đông. 

Từ năm 1922 đến năm 1926, số bệnh nhân tăng vọt từ 28.982 đến 45.161. Nhà cầm quyền đã phải mở thêm các phòng y khoa khác ở Tân Định (1925) và Khánh Hội (1930). Đây chính là những nhà thương thí của nhà nước, còn đường gọi là Nhà thương thí Tân Định, nhà thương thí Khánh Hội, trực thuộc Dinh Xã Tây Sài Gòn. Trong mẩu quảng cáo sau đây, vị đốc tờ này quảng cáo là đã có 22 năm giúp việc ở Nhà thương Chợ Rẫy và Nhà thương thí Khánh hội (Xã tây Saigon). 

Năm 1935,Thống đốc Nam Kỳ, ông Pierre Pagès chấp thuận cho phép xây lại phòng đa khoa “Polyclinique du boulevard Bonard” thành bệnh viện thành phố. Chính quyền thành phố đã bỏ tiền, đồng thời kêu gọi các địa phương và dân chúng quyên góp tiền để xây Nhà thương thí trung tâm của Sài Gòn. 

Khu đất xây nhà thương này ban đầu vốn là của chú Hỏa (Hui Bon Hoa), và lúc này gia tộc Hui Bon Hoa cũng đóng góp tiền thêm số tiền lớn để xây dựng nhà thương lớn thay cho phòng y khoa nhỏ. Bệnh viện được xây theo từng giai đoạn từ năm 1937 đến năm 1939 thì hoàn tất với tổng chi phí là 185000 piastres (đồng Đông Dương). Trong đó công ty Hui-Bon-Hoa đã đóng góp 38000 piastres. 

Các địa phương quyên tiền xây Nhà thương thí Sài Gòn, ảnh trên báo năm 1937 Ngày 24/2/1938, Dinh Đốc Lý Sài Gòn họp và đặt tên cho Nhà thương này tên chính thức là Polyclinique Dejean de la Bâtie. Để vinh danh những người góp công xây dựng, Hội đồng thành phố cũng quyết định đặt tên Montel cho dãy nhà bên phải của bệnh viện (Montez là bác sĩ kêu gọi mở rộng dưỡng đường), còn tên Tang – Chanh Hui Bon Hoa được đặt cho dãy nhà bên trái. Đó là tên của ông Huỳnh Tăng Chánh, con trai trưởng của ông Huỳnh Văn Hoa (chú Hỏa), người lãnh đạo công ty Hui Bon Hoa lúc đó. Cũng vì vậy mà người Sài Gòn cũng quen gọi nhà thương thí này là Nhà thương Chú Hỏa. 

Khu nhà mang tên Tang Chanh Hui Bon Hoa Sau năm 1955, nhà thương Chủ Hỏa đổi tên chính thức thành bịnh viện Sài Gòn, nay là bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Ngoài nhà thương Chú Hỏa, Sài Gòn trước 1975 còn nhiều nhà thương thí lớn khác như nhà thương Chợ Rẫy, Chợ Quán, Bình Dân, Bảo sanh viện Chợ Lớn (sau là Từ Dũ), Nguyễn Văn Học ở Gia Định, Hồng Bàng, Hùng Vương, sau bà Mai Anh còn vận động tiền xây bịnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất dành cho cán bộ). 

Thời thuộc địa còn có các nhà thương thí khác như Nhà thương của Hội Hồng Thập Tự bên số 59 Chasseloup Laubat (sau là đường Hồng Thập Tự), Y viện Pasteur… chuyên về các bệnh truyền nhiễm. 

Trên báo Sài Gòn số 1097 ra ngày 5/5/1937 có nói về Hội đồng thập tự như sau: Mỗi năm Hội đồng thập tự đều có tổ chức một ngày quyên tiền bằng cách bán dấu hiệu của hội. Năm nay ở Pháp cuộc lạc quyên nầy đã mở ngày 25/4. Tại Nam kỳ, quan Thống đốc vừa cho phép Hội Hông Thập tự ở đây đem dấu hiệu của Hội ra bán trong ngày chúa nhựt 9/5 tới đây. Chắc hẳn nhiều người đều nhớ những chỗ giúp ích của Hội lúc chiến tranh và lúc thái bình nầy. Hội cũng còn lo lắng mãi cho người đau khổ. Trong năm vừa qua, tại Nhà thương thí của Hội đã có đến: 108.267 bịnh đến coi mạch xin thuốc. 20.000 bịnh đến xin băng bó. 35.857 bịnh đến xin tìm thuốc. 4.250 bịnh được Hội đến tận nhà săn sóc. Trường dạy điều dưỡng đã dạy thanh nghề: 42 nữ điều dưỡng phụ (17 người Pháp và 24 người bổn xứ). 23 nữ điều dưỡng (13 người Pháp và 10 người bổn xứ). Nhà trường nữ điều dưỡng của Hội mà hiện nay đã có 10 cô gái Annam được bổ dụng ở các dưỡng đường. Hội lại lập sẵn một nhóm nữ điều dưỡng để lúc nào có ông thầy thuốc hay là tư nhơn mượn rước đi nuôi những bịnh nặng lúc nào cũng có. Mỗi tuần bữa thứ năm Hội còn phát áo quần cho trẻ em nghèo… 

Những người có tiền, ngoài việc vô trị bịnh ở nhà thương Đồn Đất thì còn có nhiều sự lựa chọn khác, như các phòng khám tư của mấy đốc tờ đi học ở Tây về mở dưỡng đường, hoặc các phòng khám của các bang hội người Hoa ở Chợ Lớn như là bịnh viện Quảng Đông (nay là Nguyễn Tri Phương), Triều Châu (nay là An Bình), Phúc Kiến (nay là Nguyễn Trãi)… Dĩ nhiên, nhà thương trả tiền thì khác với nhà thương thí, được chăm sóc tận tình hơn, rộng rãi và tiện nghi hơn nhà thương công lập. Nhưng bù lại, các ca bệnh nặng nặng thì phải vô nhà thương công, chớ không vô nhà thương tư (ngoại trừ nhà thương Đồn Đất toàn bác sĩ Pháp). Nếu sanh con so thì phải vô Từ Dũ hay Hùng Vương, vì đó là mấy nhà thương thực tập của trường y Sài Gòn, tập trung các thầy, các cô, giáo sư, bác sĩ giỏi nhất. 

Sang cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, nền kinh tế Sài Gòn suy thoái nặng nề, lạm phát gia tăng, ngoại viện bị cắtgiảm… nên Chính quyềnn đã cho phép một số bịnh viện được thu phí điều trị để tự chủ hoạt động, để không phải chờ ngân sách rót xuống ngày càng eo hẹp. Nhưng việc thu tiền này cũng mang tính tượng trưng chứ không đáng là bao, tiền thu không bù được với những ngân khoản đã bỏ ra. chuyenxua.net biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét