Powered By Blogger

 TU VIỆN 150 TUỔI DO KTS NGUYỄN TRƯỜNG TỘ THỰC HIỆN

Cách nay gần 160 năm (1862) trên đất Sài Gòn xuất hiện một tu viện dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Paul thành Chartres) do Mẹ bề trên Révérend Benjamin cho xây dựng. Ngày nay tu viện vẫn còn trên đường Tôn Đức Thắng (thời Pháp là Rue de la Citadelle, trước 1975 là đường Cường Để) gần căn cứ Hải Quân VNCH. Ban đầu tu viện được xây cất bằng gỗ, sau này được làm lại bằng gạch, bê tông và theo thời gian tu viện được mở rộng thêm ra.

Công trình  kiến trúc trên 150 tuổi này, do người Việt đầu tiên thiết kế ở Sài Gòn là một lối kiến trúc tòa nhà Giám tỉnh dòng thánh Phaolô rất lạ và độc đáo

Nhiều tài liệu cho rằng ông Nguyễn Trường Tộ là tác giả thiết kế tu viện Saint Paul. Ðiều này hoàn toàn đúng ở giai đoạn đầu khi vào tháng 9/1862, Mẹ bề trên Benjamin nhận lời tiến cử của Ðức Giám mục Gauthier và Linh Mục Croc, giao cho ông Nguyễn Trường Tộ phác hoạ sơ đồ và trông coi việc xây dựng. Nguyễn Trường Tộ là bậc nho sĩ kỳ tài xứ Bắc, hướng lòng phụng sự xã hội, chấp nhận vào Sài Gòn làm việc không nhận thù lao và phải mất hai năm công trình tu viện Saint Paul (ban đầu có tên là La Sainte Enfance) mới hoàn thành. Tu viện được làm hoàn toàn bằng gỗ trên mảnh đất rộng lớn. Ðiểm nhấn là một ngọn tháp như một mũi tên vươn cao và được ghi nhận là ngọn tháp cao nhất Sài Gòn bấy giờ.

Tu viện cũng là biểu tượng đẹp nhất của Sài Gòn (trước khi có Dinh Thống Ðốc), thu hút bất kỳ du khách phương Tây mới đặt chân lên cảng Sài Gòn. Trung úy hải quân Richard khi miêu tả về Sài Gòn và vùng lân cận đầu năm 1866, đã viết: “Tu viện dòng Saint Paul có một ngôi nhà nguyện nhỏ nhưng tuyệt diệu với ngọn tháp cao, duyên dáng nổi bật trong vùng này. Tu viện giống lối kiến trúc của Ý pha lẫn những nét trang trí của người Việt”. Trong chuyến viếng thăm ba ngày đến Sài Gòn từ 25 – 27/10/1863, bên cạnh việc hội đàm với chính quyền Pháp tại Sài Gòn, vua Phra Norodom của Campuchia cùng phái đoàn của mình cũng đã đến thăm viếng tu viện tuyệt đẹp của dòng Sainte Enfance.

Sau này nhiều nhà kiến trúc bình luận ngọn tháp do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế có phần giống ngọn tháp của nhà thờ Ðức Bà Paris. Ðiều này có thể đúng, dù gì ông cũng từng học thiết kế ở Pháp (1858-1861) trong thời gian Nhà thờ Ðức Bà được Kiến trúc sư danh tiếng Viollet-le-Duc trùng tu và xây thêm ngọn tháp mũi tên duyên dáng.

Tòa nhà có tên gọi ban đầu là La Sainte Enfance, khởi công năm 1862 và khánh thành vào năm 1864 do kiến trúc sư Nguyễn Trường Tộ thiết kế và chỉ huy xây dựng, có tháp cao theo kiểu kiến trúc Tây phương, ở số 4 Boulevard de la Citadelle (đường Cường Để sau này và nay là Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM).

“Rất tiếc năm 1940, do máy bay của quân Đồng minh ném bom làm sụp đổ một góc nhỏ của tòa nhà buộc phải sửa chữa lại, cây tháp cao nhất Sài Gòn khi ấy cũng bị bom "chém" cụt mất. Thật đáng tiếc. Lối kiến trúc của ông Nguyễn Trường Tộ theo đường cong vòm khi ấy tuyệt vời. Dinh Thống đốc mà người Pháp còn phải mua của người Anh ở Singapore mang qua Sài Gòn lắp ráp thì với công trình tuyệt vời này, đủ thấy người Việt Nam giỏi đến mức nào”.

Khám phá công trình 150 tuổi của người Việt đầu tiên thiết kế ở Sài Gòn 2 Tòa nhà uy nghiêm với mái vòm cong

Bản vẽ kiến trúc do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế có các khu nhà theo hình chữ U, gồm ba khối nhà: cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện. Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, không gian xung quanh là những bức họa, mái vòm uốn lượn và đặc biệt là một cây tháp vươn cao nhất Sài Gòn mà thuyền bè ngược xuôi trên sông đi ngang qua đều thấy.

Nhờ sự thông minh, nhất là tài trí bẩm sinh về kiến trúc, lại được học hành bài bản ở nước ngoài nên Nguyễn Trường Tộ đã tự tay phác thảo, sáng tạo thêm những đường nét mái vòm cong, uốn lượn để công trình tòa nhà Giám tỉnh dòng thánh Phaolô mang đậm nét văn hóa Việt.

NHÀ CANH TÂN SINH NHẦM THỜI NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, ở làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, trong một gia đình theo đạo Gia tô, nhưng Nguyễn Trường Tộ học thông tứ thư ngũ kinh của Nho giáo. Năm 27 tuổi, ông được giám mục Gauthier đưa vào chủng viện Tân ấp thuộc xứ đạo Xã Đoài để dạy chữ Hán cho giám mục, và được giám mục dạy lại cho chữ Pháp cũng như kiến thức khoa học châu Âu. Năm 1858, giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ sang Pháp để tạo điều kiện học tập, nâng cao kiến thức nhiều mặt. Nguồn: http://baotang.kyucxahoi.com/2011/11/23/nguyen-truong-to-nguoi-di-truoc-thoi-dai/

Ông sinh ra trong một gia đình theo Công giáo Rôma từ nhiều đời tại làng Bùi Chu (xã Hưng Trung), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cha ông là Nguyễn Quốc Thư, một thầy thuốc Đông y, nhưng mất sớm. 

Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với cha và các thầy ở trong vùng như Tú Giai ở Bùi Ngọa, Cống Hữu ở Kim Khê và quan huyện Địa Linh về hưu ở Tân Lộc (huyện Lộc Hà, Nghệ An). Ông thông minh, học giỏi nên được truyền tụng là "Trạng Tộ".

Sau khi thôi học, ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài (nay là toà giám mục Xã Đoài thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tại đây, ông được Giám mục người Pháp tên là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu, về Xã Đoài nhận nhiệm vụ từ năm 1846) dạy cho học tiếng Pháp và giúp ông có một số hiểu biết về các môn khoa học thường thức của phương Tây.

Cuối năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh nạn "phân tháp" (sáp nhập hai ba gia đình Công giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ không cho ở tập trung như trước).

Đầu năm 1859, Giám mục Gauthier đưa ông sang Hương Cảng (Hồng Kông) và một số nơi khác.

Đầu tháng 2 năm 1861, sau khi chiến tranh ở Ý và ở Trung Quốc kết thúc, Đô đốc Léonard Charner được lệnh gom quân ở Trung Quốc đem về Sài Gòn mở rộng vùng chiếm đóng. Với quyết tâm này, Charner đã thuyết phục được một số giáo sĩ Pháp đang lánh nạn ở Hồng Kông, trong số đó có Giám mục Gauthier, về Sài Gòn cộng tác. Nhận lời, Giám mục Gauthier dẫn Nguyễn Trường Tộ cùng về với mình. Sau đó, ông Tộ nhận làm "từ dịch" (phiên dịch các tài liệu chữ Hán) cho thực dân Pháp.

Ngày 29 tháng 11 năm 1861, Đô đốc Louis-Adolphe Bonard lên thay Đô đốc Léonard Charner, và ông này liền xua quân mở rộng cuộc chiến. Thấy vậy, Nguyễn Trường Tộ không trông mong gì ở cuộc "nghị hòa" nên xin thôi việc.

Sau khi thôi việc, Nguyễn Trường Tộ đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch giúp nước. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... nên đến đầu tháng 5 năm 1863 thì ông đã thảo xong ba bản điều trần gửi lên Triều đình Huế là "Tế cấp luận", "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận".

Song tất cả đều không được phúc đáp. Đầu năm 1864 ông lại gửi cho đại thần Trần Tiễn Thành một bản điều trần nữa (hiện thất lạc) để thuyết phục Triều đình Huế nên tạm hòa với Pháp và mở rộng bang giao.

Trong thời gian phái bộ Phan Thanh Giản ở Pháp về Sài Gòn chờ tàu để đi Huế (từ ngày 18 đến 24 tháng 3 năm 1864), ông đã đến tiếp xúc với các chánh phó sứ để thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau đó, ông viết "Lục lợi từ" (còn có tên "Dụ tài tế cấp bẩm từ", tháng 6 năm 1864) rồi gửi lên Triều đình, nhưng sau đó cũng không được phúc đáp. Ông đã viết bài tấu lên vua "Người da trắng nếu ta đối xử tốt với họ, họ cũng sẽ đối xử tốt với mình. Còn nếu không, họ sẽ chiếm nước ta thành thuộc địa, giống như người da đen".

 Ngày 18 tháng 4 năm 1868, Bộ Lễ lại cấp phép cho Nguyễn Trường Tộ trở về Nghệ An. Trước đó, ngày 7 tháng 4 năm 1868, Giám mục Gauthier cũng đã lên đường trở về Xã Đoài vì thấy việc mở trường kỹ thuật không được nói tới nữa.

Về lại Nghệ An, Nguyễn Trường Tộ bắt tay vào việc vận động dân vùng Xuân Mỹ (Nghệ An) thường xuyên bị úng lụt đến nơi ở mới, đồng thời xây cất Nhà Chung Xã Đoài. Trong những năm này, ông vẫn đều đặn gửi lên triều đình Huế các bản điều trần về thời sự.

Tháng 10 (âm lịch) năm Tự Đức thứ 23 (1870), Nguyễn Trường Tộ gửi thư lên Triều đình đề nghị lập lãnh sự ở Sài Gòn và sứ quán ở Pháp để nắm tình hình. Đầu tháng 11 năm đó, ông lại xin được vào Nam tổ chức đánh úp quân Pháp để thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ, nhân lúc Pháp đang thua Phổ (Đức) và Cách mạng Pháp đang nổi dậy.

Đầu năm 1871, ông nhận được lệnh cấp tốc ra Huế với lý do "đưa học sinh đi Pháp", nhưng kỳ thực là để bàn bạc với vua Tự Đức về phương lược quân sự và ngoại giao mà ông đã trình bày trong các văn bản gởi cho Triều đình cuối năm 1870. Nhưng Triều đình Huế bàn đi tính lại mà không đi đến được một quyết định nào: Sứ bộ không được cử đi các nước, kế hoạch đánh úp Pháp để thu hồi 6 tỉnh ở Nam Kỳ cũng không được thực hiện..

Trong quãng thời gian đó, năm 1862-1864, bằng sự hiểu biết của mình, ông đã thiết kế và chỉ đạo việc xây cất tu viện Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn (nay ở số 4 đường Tôn Đức Thắng). Đây là một công trình kiến trúc theo kiểu châu Âu có quy mô và có giá trị bền vững cho đến tận ngày nay.

Sau mấy tháng ở Huế, có thể là vì không có việc gì để làm, hoặc có thể vì bệnh cũ tái phát, Nguyễn Trường Tộ đã xin phép trở về Xã Đoài (Nghệ An). Đến ngày 22 tháng 11 năm 1871 thì ông đột ngột từ trần. Lúc ấy, ông chỉ mới 41 tuổi.

Con ông là Nguyễn Trường Cửu, trong Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ chỉ nói ngắn gọn rằng: "Qua năm sau, Tự Đức 24 (1871), ngày 10 tháng 10, ông Tộ làm câu thơ rằng: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận / Tái hồi đầu thị bách niên cơ" (Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận / Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm) đoạn thì qua đời. Thọ 41 tuổi".

Nhiều chứng cứ cho thấy ông mất vì bệnh xuất huyết bao tử. Riêng Giám mục Gauthier cho rằng ông bị đầu độc. Trong một thư đề ngày 1 tháng 11 năm 1871, vị Giám mục này viết: "Người Giáo hữu Việt Nam mà tôi đem theo năm 1867 và người ta gọi là Kiến trúc sư (...) đã là nạn nhân của một âm mưu đầu độc".

Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hẳn lên trên tầm thời đại giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam. Vua Tự Đức tuy đã có lúc triệu ông “vào kinh để hỏi việc lớn” và phái ông sang Pháp thuê thầy thợ, mua sách vở, máy móc, định du nhập kỹ thuật (năm 1866 – 1867), nhưng nói chung, triều đình nhà Nguyễn cũng như các nho sĩ, văn thân thời ấy chưa hiểu nổi luồng tư tưởng của ông, nên chưa coi trọng đúng mức những kiến nghị cách tân của ông. Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ bị lãng quên như một luồng ánh sáng rọi vào đám sương mù dày đặc.

Ông chết âm thầm ở làng quê Bùi Chu ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức thứ 24, tức 23 tháng 11 năm 1871.

Sau khi qua đời, di hài của ông được an táng tại thôn Bùi Chu (nay ở xóm 1, làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Ban đầu, phần mộ của ông chỉ là một nấm mộ đất thấp, tại một bãi đá mài bên sông của làng Bùi Chu. Sau được cải táng về phía tây, trên một gò đất cao giữa khu đất bằng phẳng, gần đường chính, cách vị trí mộ cũ khoảng 300 m. Năm 1943, giáo sư Từ Ngọc Nguyễn Lân đã đứng ra tổ chức, kêu gọi các cá nhân, tổ chức đóng góp công của để xây dựng lăng mộ cho Nguyễn Trường Tộ. Bản thân giáo sư Nguyễn Lân đã gửi số tiền 133 đồng cho linh mục địa phận Xã Đoài là Laygue để xây lại mộ Nguyễn Trường Tộ. Trong đó bao gồm 110 đồng là tiền bán 900 quyển "Nguyễn Trường Tộ" của ông, còn 23 đồng là tiền của những người bạn của giáo sư đóng góp vào. Nhờ đó ngôi mộ của Nguyễn Trường Tộ được xây lại bằng đá cẩm thạch Thanh Hóa cùng với những họa tiết tương đối hoàn chỉnh.

Ngày 21 tháng 1 năm 1992, Bộ Văn Hóa chxhcnVN đã xếp hạng di tích cấp quốc gia. Năm 1996 huyện Hưng Nguyên đã đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp khu di tích với diện tích 1.062 m², gồm 2 phần: phần mộ và phần vườn mộ, xung quanh được xây hàng rào bảo vệ, bên trong trồng hoa và cây cảnh, trở thành một khu lăng mộ hoàn chỉnh, với mục đích tạo thêm khu di tích lịch sử để làm nơi du lịch, thu hút khách tham quan.

SƯU TẦM 26-11-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét