Powered By Blogger

 NĂM TÂN SỮU 2021 TẢN MẠN VỀ CON TRÂU

Ngày 12 tháng hai 2021 năm nay, sẽ rơi vào mồng một tết nguyên đán năm Tân Sữu của VN. Sữu (trâu) là con vật đứng thứ nhì trong 12 giáp.

Con trâu từ xa xưa đã được người Việt thuần hóa và nó không chỉ là tài sản quan trọng của người nông dân, nó còn là một một con vật rất phong phú trong kho tàng văn hoá dân tộc.

Theo các nhà khảo cứu, trâu là loài gia súc rất quen thuộc tại các nước Á Châu vốn lấy nghề nông làm căn bản như Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Dương v.v… Vào năm 1985, các khoa học gia ước lượng tổng cộng có chừng 130 triệu con trâu trên thế giới. Trong Anh ngữ, loại trâu Á đông được gọi là “water buffalo” hay trâu nước, mang tên khoa học “bubalus bubalis” để phân biệt với loại “bufalo” hay “trâu khô” có nhiều ở Châu Mỹ. Trâu nước là loại trâu ưa đầm mình dưới vũng bùn hay vũng nước. Loại ‘buffalo” nên gọi là giống bò rừng mới đúng vì có lông dài, thuộc loại “bison”. 

Năm Sửu tức năm của con Trâu cũng còn gọi là Ngưu, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan: Sửu là con con vật lớn con, kình càng, lại còn mang cặp sừng trên đầu nên không thể sánh bằng con Chuột lanh lợi nhỏ con đến trước.

Giờ Sửu = là giờ từ 01 giờ đến đúng 03 giờ sáng hôm sau.

Tháng Sửu = là tháng Chạp của năm âm lịch.

Hoàng Ngưu = Hỏa Ngưu = con Bò.

Thủy Ngưu = Con Trâu.


CON TRÂU TRONG ÂM NHẠC

Em Bé Quê (Phạm Duy) -Trình bày trước 1975,  https://www.youtube.com/watch?v=Y9RjFr88xB4


Nhạc và lời: Phạm Duy
Ai bảo chăn trâu là khổ Chăn trâu sướng lắm chứ Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau Và miệng hát nghêu ngao Vui thú không quên học đâu Nằm đồi non gió mát Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo Em đánh vần thật mau. Chiều vương tiếng diều Trên bờ đê vắng (ứ ư ư) xa. Đường về xóm nhà Chữ i, chữ (ư ư ư) tờ. Lùa trâu nhốt chuồng Gánh nước nữa là (a à a) xong Khoai lùi bếp nóng Ngon hơn là (a à a) vàng.....

CA DAO VỀ TRÂU:

Chẳng tham lắm ruộng nhiều trâu
Tham vì ông lão tốt râu mà hiền

Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.

Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi nằm

Đường về đêm tối canh thâu
Nhìn anh tôi tưởng con trâu đang cười

Thiệt tình hỏng phải ba hoa
hôm qua tui thấy con gà đá trâu.....

Gà đá trâu bao lâu mới thắng
Trâu đá gà que cẳng con trâu

Ai nói chăn trâu là khổ??
Tôi chăn nàng còn khổ hơn trâu.

Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu.

Đêm qua kẻ trộm vào nhà,
Làm thinh chợp mắt để mà mất trâu.
Nằm đây chớ chẳng ngủ đâu,
Thức mà giữ lấy con trâu con bò.
Nằm đây nào đã ngủ cho,
Thức mà giữ lấy con bò con trâu.

Nghé ơi ta bảo nghé này
Nghé ăn cho béo nghé cày cho sâu.
Ở đời khôn khéo chi đâu,
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.

Người viết chỉ có thể chọn ra đây một phần rất nhỏ của các câu ca dao nói về con trâu để đại diện cho kho tàng văn học dân gian truyền khẩu quá phong phú của Việt tộc, để nói về nét văn hóa độc đáo cho ngày Tết Nguyên Đán Tân Sữu 2021.

THÀNH NGỮ:

Trâu chậm uống nước đục.

Trâu ngơ ăn cỏ héo.

Trâu lành không ai mà cả (trả giá để mua).

Trâu ngả lắm kẻ cầm dao.

Trâu đạp cũng chết, Voi đạp cũng chết.

Trâu hay ác thì Trâu vạt sừng.

Trâu bịnh cũng bằng Bò khoẻ.

Trâu toi thì Bò ngả.

Trâu lấm vẩy quàng.

Trâu trắng đi đâu mất mùa đến đấy.

Trai mười bảy, bẻ gãy sừng Trâu.

Thân Trâu lo, thân Bò liệu. v.v..

TỤC NGỮ VỀ TRÂU:

Miếng trầu là đầu cậu chuyện,

Con Trâu là đầu cơ nghiệp... v.v 

Xuyên qua Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ có liên quan đến Trâu đã dẫn ở trên kia, chúng ta không thể ngừng ở đây, mà còn thấy rất nhiều sách viết về những huyền thoại Trâu.

Tậu Trâu, lấy vợ, làm nhà

Trong ba việc ấy lọ là khó thay!

Nước Việt Nam có các đồng bằng phì nhiêu thuộc miền châu thổ sông Hồng Hà và Cửu Long do đó nông nghiệp tại nước ta đã được phát triển từ thời xa xưa. Con trâu vì vậy thường được coi như người bạn thân thiết và trở thành biểu tượng rất phổ thông của dân quê Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc chia sẻ nỗi cực nhọc với nông dân trong đời sống hàng ngày, trâu còn gắn liền với phong tục, tập quán của dân Việt từ ngàn xưa, điển hình là trâu đã được dùng để mang tên một trong mười hai con giáp. Trong số những con giáp, trâu không những là con vật lớn nhất mà có lẽ còn gần gũi với chúng ta nhất đến nỗi đã trở nên một phần tử trong gia đình, đồng cam cộng khổ như trong câu ca dao sau đây:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,

Chồng cầy vợ cấy, con trâu đi bừa

Tình thân này sân đậm đến nỗi lắm khi trâu còn được coi như một người bạn tâm sự thực tình quí mến, cùng chia xẻ gian lao nhọc nhằn với nông dân ngoài đồng vào những buổi trưa hè nóng bức.

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây, trâu đây ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Trong đời sống hàng ngày của dân quê, hình ảnh của con trâu quen thuộc cũng thường được nhắc nhở qua những câu tục ngữ hay ví von rất ý nhị ngụ ý khuyên răn người đời.

Rủ nhau đi cấy, đi cày,

Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu,

Khi viết về cái Cày, trong ngạn ngữ Pháp cũng có câu như sau :  Mettre la charrue devant les bœufs (Đặt cái cày trước con Trâu). Ý nói, bất cứ việc gì chúng ta đừng bao giờ làm việc trái đời, ví như đặt cày trước con Trâu, thì không thể thành công được. Trong dân gian còn  có những huyền thoại tương truyền về Trâu:

Tục đấu (chọi) Trâu: Tục này xưa kia thường được tổ chức ở một vài nơi như huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Yên hoặc ở Đình Bảng, Hà Đông hay ở Đồ Sơn, Kiến An, cho nên trong dân gian thường truyền tụng để nhớ ngày đấu Trâu như sau :

Dù ai bán đâu, buôn đâu,

Mùng mười tháng tám đấu Trâu thì về.

hoặc là :

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Mùng mười tháng tám nhờ về đấu Trâu.

CHUYỆN DÂN GIAN THẰNG BỜM CHÊ TRÂU

Chuyện “Thằng Bờm có cái quạt mo. phú ông xin đổi ba bò chín trâu”. Quạt mo là cái quạt làm bằng mo cau khô không đáng giá là bao. Bờm là một chàng lãng tử, suốt ngày rong chơi với cây quạt mo phe phẩy. Một ông nhà giầu thấy Bờm ta lúc nào cũng có vẻ nhàn hạ bèn gạ Bờm xin đổi của cải để lấy cái quạt mo mà phú ông cho là báu vật có công dụng giúp con người bớt được những lo lắng, phiền muộn của cuộc đời. Phú ông đề nghị đổi nào “ba bò chín trâu”, nào “ao sâu cá mè”, nào “bè gỗ lim”, “chim đồi mồi” v.và nhưng Bờm ta vẫn “sài lắc” không chịu. Cuối cùng, Bờm lại bằng lòng đổi quạt mo lấy nắm xôi của phú ông. Khi nghe chuyện này, nhiều người cho rằng thằng Bờm rất dại, vì trâu bò, ruộng vườn đáng giá hơn nắm xôi rất nhiều. Nhưng biết đâu Bờm đã rất khôn, vì giầu sang phú quí trên đời lắm khi chỉ dưa đến lo âu phiền muộn, chưa chắc đã được ung dung tự tại, an hưởng như ăn nắm xôi trong tay. Thái Hiền Hát Thằng Bờm Của Phạm Duy, Phổ Từ Ca Dao: https://www.youtube.com/watch?v=z5ISJta6ZrE

CHĂN TRÂU LÀM VUA

Trong lịch sử VN có nói đến vua Đinh Bộ Lĩnh, ông này thuở nhỏ là người mục đồng, quê ở Hoa Lư, huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình. Sau khi đứng lên dẹp được loạn sứ quân lên ngôi trở thành vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968) làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi (mất năm 979). Trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca, có đoạn nói về vua Đinh Tiên Hoàng như sau :

Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh,

Con quan Thứ Sử ở thành Hoa Lư,

Khác thường từ thuở còn thơ,

Rủ đoàn mục tử mở cờ bông lau ...

GIẾT TRÂU BỊ PHẠT

Thời nhà Lý - nhà Trần, với chính sách trọng nông, khuyến nông, Nhà nước trong chế độ  quân chủ rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn lực kéo trong canh nông. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật.

Luật Hình như (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị trừng phạt. Vào đầu xuân, theo lệ, vua thân chinh làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền, trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực. Nhiều đình chùa đã chạm khắc và tạc tượng trâu, đó là tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh). Thời nhà Lý, chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây dựng năm 1057 có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa khá sống động. Con trâu luôn gắn với đời sống của người nông dân Bắc Giang. Thành ngữ con trâu là đầu cơ nghiệp nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu đối với nhà nông.

CON TRÂU TRONG VĂN HỌC

Ở Việt Nam vào thời bình minh của thơ Nôm, Nguyễn Trãi (1374-1442) sống nhiều nơi thôn ổ, tả nhiều cảnh nông tang, mà chỉ tả con trâu vẽ trong nghiên mực “Đầm chơi bể học đã nhiều xuân” nghĩa là con trâu vẫn... nằm chơi.

Một lần khác Nguyễn Trãi nói đến con nghé, nhân sử dụng một tục ngữ răn đời - sảy giàn tan nghé :

Chúa giàn nẻo khỏi tan con nghé

Hòn đất hầu làm mất cái chim

Nghĩa là: con trâu đầu giàn (chuồng, ràn) phải giữ vị trí lãnh đạo, để con nghé đừng chạy lạc. Câu sau, ngụ ý không nên làm việc phù phiếm, dựa theo tục ngữ:

Đất bụt mà ném chim trời

Chim thì bay mất, đất rơi xuống chùa

Đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), một nhà hiền triết, khi nhắc đến con trâu cũng mượn tục ngữ để nói việc đời:

Người hàng thịt nguýt người hàng cá

Đứa bán bò gièm đứa bán trâu

Như vậy con trâu chưa phải là một mô hình tự lập trong câu thơ, mới làm cớ cho người ta nói chuyện khác.

Người chân quê khề khà nói chuyện trâu không bao giờ đủ, không bao giờ hả. Cũng dựa vào cơ hội năm Sửu mới nói được chuyện trâu bò thô lậu. Cuối cùng còn mượn dịp báo Tết, để chúc bạn đọc năm châu bốn biển một niên sức khỏe, an vui và tài lộc dồi dào, đó là những câu vui Tết của cụ Trần Tế Xương:

Được tiền thì mua rượu

Rượu say rồi cưỡi trâu

Cưỡi trâu thế mà vững

Có ngã cũng không đau.

Trâu chia sẻ thân phận con người. Người có lúc đói, nhưng trâu ít khi phải đói. Gặp ngày cày bừa tận lực người phải cắt cỏ cho trâu, thậm chí cho trâu ăn thóc, hay... ăn cháo.

Pierre Gourou, nhà địa lý học chuyên về Đông Nam Á, có thống kê: con trâu làm việc 60 ngày, người làm 180 ngày trung bình trong năm; ông còn nhận xét trên đồng quê có khi thấy người lao động, gồng gánh cật lực, trong khi dưới bóng tre trâu nằm... chơi!

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng

Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai

(Bàng Bá Lân, Tiếng sáo diều)

Nói về thơ Hán Việt không thể không nhớ con trâu trong thơ Trần Nhân Tông (1285 - 1308). Ông vua thao lược, đạo hạnh này làm thơ thậm hay. Đàn trâu chỉ thoáng hiện trong bóng chiều đã để lại cho ngàn sau một ấn tượng sâu đậm vì lời thật, cảnh thực:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác, có dường không.

Theo hồi kèn mục, trâu về hết,

Cò bạch thi nhau liệng xuống đồng

(Thiên Trường vãn vọng - Cảnh chiều Thiên Trường - Ngô Tất Tố dịch )

Trâu chia sẻ thân phận con người. Người có lúc đói, nhưng trâu ít khi phải đói. Gặp ngày cày bừa tận lực người phải cắt cỏ cho trâu, thậm chí cho trâu ăn thóc, hay... ăn cháo.

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng

Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai

(Bàng Bá Lân, Tiếng sáo diều)

Nói về con Trâu một con vật không thể thiếu trong nông nghiệp nuớc ta, nó là một đề tài bất tận không có bút mực nào có thể kể tả hết. Con trâu là một đề tài phong phú được tích luỹ hơn 2000 năm trong kho tàng văn hoá dân gian, vì VN là một quốc gia mà nền kinh tế quốc dân truớc khi kỷ nghệ phát triển, thì nông nghiệp là nguồn thu nhập chính GDP cho đến đầu thế kỷ 20. 

Thế nên, chúng tôi mạn phép kết thúc nơi đây, mong là món quà tặng cho qúi độc giả của Hậu Duệ VNCH vùng nam Đức , trong dịp chào mừng Tết nguyên đán Tân Sữu 2021.

Tổng hợp từ Hậu Duệ VNCH Lê Kim Anh 17.1.2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét