Powered By Blogger

 TÍNH CHÍNH DANH CỦA VNCH

Theo Thẩm Phán VNCH Phạm Đình Hưng: VNCH mang tính chính danh liên tục và kế thừa chủ quyền đất nước từ nhiều triều đại chính danh trong lịch sử VN. 

1-Việt Nam Cộng Hòa (Republic of Vietnam) là hậu thân của Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam) do Cựu Hoàng Bảo Đại lãnh đạo với cương vị Quốc trưởng (Chef d’État) từ 1948 đến 1955. Quốc trưởng Bảo Đại, vị vua thứ 13 của Nhà Nguyễn nối ngôi vua Khải Định ngày 8-1-1926, đã thừa kế chánh danh của Vương triều Nhà Nguyễn đã có từ thời Hoàng đế Gia Long lên ngôi cữu ngũ năm 1802. Chánh danh của Quốc Gia Việt Nam đã chuyển qua Việt Nam Cộng Hòa từ ngày Trưng Cầu Dân Ý (Referendum) 23-10-1955.

Về địa lý và chánh trị, Quốc Gia Việt Nam là một nước độc lập và thống nhứt từ 1948, lãnh thổ bao gồm Nam Phần, Trung Phần và Bắc Phần chạy dài từ ãi Nam Quan đến mũi Cà Mau.

2- Tính chánh danh của Quốc Gia Việt Nam (1948-1955) và Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) đã được củng cố do các thành tích bảo quốc an dân, duy trì và phát triển dân tộc, xây dựng một đất nước phồn thịnh, ổn định xã hội, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và dân quyền, tạo lập an bình, tự do và hạnh phúc cho quần chúng nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, thành phần xã hội.

3- Đến ngày nay, không ai có thể qui trách Quốc Gia Việt Nam hoặc Việt Nam Cộng Hòa đã nhượng bán lãnh thổ cho ngoại bang và để lại cho người dân một món nợ công nào sau ngày Bắc Việt cộng sản xâm lăng, chiếm đoạt và thống trị miền Nam Việt Nam như một thuộc địa.

4- Các “sử gia” cộng sản cũng không thể vu cáo Chánh phủ Quốc Gia Việt Nam đã chia cắt đất nước Việt Nam tại Hội nghị Genève 1954. Thật vậy, phái đoàn Quốc Gia Việt Nam do Bác sĩ Trần văn Đỗ lãnh đạo đã không ký Hiệp định Genève nhưng chính Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Tạ Quang Bửu của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Minh) đã ký hiệp định nầy cùng với Thiếu tướng Delteil, Đại diện Chánh phủ Pháp, theo quyết định của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai để phân chia nước Việt Nam ra hai miền Nam Bắc, mỗi miền có một chánh thể riêng và ranh giới giữa hai miền Nam Bắc được ấn định rõ rệt tại vĩ tuyến 17. Một Khu Phi Chiến (DMZ) rộng 3 miles (hải lý) từ ranh giới của hai bên cũng được thiết lập để ngăn cách hai miền Nam Bắc Việt Nam.

5-Thể chế dân chủ pháp trị đã được Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa liên tục áp dụng để bảo đảm nhân quyền và dân quyền, đồng thời xây dựng dân chủ và phát triển đất nước. Các cuộc bầu cử ở các cấp trung ương, tỉnh và xã đã được tổ chức theo nguyên tắc tự do ứng cử và bầu cử và phổ thông đầu phiếu.

6- Báo chí tư nhân đã được tự do xuất bản căn cứ theo đạo luật ban hành năm 1881 tại Pháp và được áp dụng tại Nam kỳ (Nam Việt Nam) từ thời thuộc địa Pháp để tôn trọng quyền tự do báo chí và quyền tự do tư tưởng. Tư nhân xuất bản sách báo chỉ cần tôn trọng quy chế nạp bản tại Văn khố (Archive).

7- Hoạt động của các cơ quan cảnh sát công an đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẻ của bộ Nội Vu, Công tố viện và Tòa án. Nói một cách cụ thể, dưới chánh thể Đệ Nhứt Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Thẩm phán Huỳnh Sanh Phương (anh của Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, dịch giả Flowers In Hell từ tập thơ Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện), Chánh Biện Lý Tòa Sơ thẩm Sài Gòn đã mở cuộc điều tra sâu rộng khi một bị can chết trong thời gian bị tạm giam tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia.

8- Chánh nghĩa sáng ngời của Quốc Gia Việt Nam đã được thể hiện qua lập trường của Thủ tướng Trần văn Hữu xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị San Francisco 1951 kết thúc Thế Chiến II. Phái đoàn của hai nước cộng sản Liên Xô và Trung Quốc đã không tranh cải về chủ quyền trên hai quân đảo kể trên với phái đoàn Quốc Gia Việt Nam.

9- Chánh nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa trên chánh trường và dư luận quốc tế cũng đã được soi sáng bởi sự hy sinh cao cả của 74 chiến sĩ Hải quân trong trân hải chiến hào hùng tại Hoàng Sa ngày 19-1-1974 để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông mặc dầu trận chiến không cân xứng.

Tính Hợp pháp của Việt Nam Cộng Hòa

Trong thế kỷ 20, Việt Nam Cộng Hòa thật sự là một quốc gia độc lập, hợp pháp và có chủ quyền.

1- Về mặt quốc tế công pháp, Việt Nam đã được hai nước Nhựt và Pháp lần lượt trao trả độc lập trước và sau khi chấm dứt Thế Chiền II :
- Ngày 9-3-1945, quân đội chiếm đóng Nhựt bổn đảo chánh nhà cầm quyền Pháp và Đại sứ Toàn Quyền của nước Nhựt trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11-3-1945, Hoàng đế Bảo Đại tuyên cáo hủy bỏ các hiệp ước 1862, 1874 và 1884 và ban hành Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhứt: nước Việt Nam đôc lập gồm cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Nội các Trần Trọng Kim do Hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm gồm có nhiều trí thức lỗi lạc. Nhưng ngày 19-8-1945, đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng bạo lực cướp chánh quyền của Hoàng đế Bảo Đại và cưỡng bức nhà vua phải thoái vị để tránh khỏi nội chiến. Nhận thấy rõ đảng Cộng Sản chủ trương bạo động để cướp đoạt chánh quyền, Cựu Hoàng Bảo Đại đã rời Hà Nội, đi lưu vong tại Trùng Khánh và Hong Kong trước khi thương thuyết với Cao ủy Pháp Emile Bollaert và ký kết hiệp định Vịnh Hạ Long (Accords du Baie d’Along) ngày 5-6-1948 công nhận nền độc lập của nước Việt Nam trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp. Hiệp định Vịnh Hạ Long đã được bổ túc bởi hiệp ước Élysée (Traité d’Élysée) ký kết ngày 9-3-1949 giữa Cựu Hoàng Bảo Đại và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol công nhận một Quốc Gia Việt Nam thống nhứt và độc lập hoàn toàn. Ngay sau đó, Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam) dưới quyền lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại đã được nhiều nước trong Thế Giới Tự Do (Free World) công nhận và trao đổi quan hệ ngoại giao. Ngoài ra, Quốc Gia Việt Nam còn tham gia một số lớn tổ chức quốc tế như Văn Hóa Quốc tế (UNESCO), Lương Nông Quốc Tế (FAO), Y Tế Thế Giới (WHO) v.v...

Sau ngày Trưng Cầu Dân Ý (23-10-1955), nền Đệ Nhứt Cộng Hòa dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được thành lập và thay thế chế độ Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại. Dưới chánh thể Cộng Hòa, miền Nam Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển các quan hệ quốc tế. Vì Liên Xô phủ quyết (veto) sư gia nhập Liên Hiệp Quốc của Việt Nam Cộng Hòa, vị trí Quan sát viên thường trực Liên Hiệp Quốc đã được Tổ chức quan trọng nầy dành cho Việt Nam Cộng Hòa.
2- Về mặt nội trị, Quốc Gia Việt Nam cũng như Việt Nam Cộng Hòa đã được tổ chức và điều hành theo thể chế dân chủ pháp trị:
- Ban hành Dụ số 1 ngày 1-7-1949 tổ chức nền hành chánh trung ương và Dụ số 2 ngày 1-7-1949 tổ chức nền hành chánh địa phương.
- Thành lập Quân đội Quốc gia và ngành Tư pháp độc lập năm 1950.
- Áp dụng Quy chế Công vụ (Statut de la Fonction Publique) quy định nghĩa vụ và quyền lợi của công chức cùng các hình thức thưởng phạt công minh.
- Tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để soạn thảo, biểu quyết và ban hành Hiến pháp ngày 26-10-1956 dưới thời Đệ Nhứt Cộng Hòa và Hiến pháp ngày 1-4-1967 dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
- Các cơ quan công quyền phải điều hành một cách minh bạch căn cứ theo pháp luật. Không cá nhân nào có quyền đứng trên Hiến pháp và luật pháp.
- Thành lập Giám Sát Viện với thẩm quyền của một định chế hiến định độc lập phụ trách bài trừ tham nhũng, thẩm tra kế toán và kiểm kê tài sản của tất cả nhân viên các cơ quan cộng quyền, kể cả Tổng Thống.

Trích từ bài viết của Thẩm Phám VNCH Phạm Đình Hưng viết tại California ngày 29.8.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét