Powered By Blogger
TẤM THẺ BÀI
        

Anh còn nhớ không ? Tấm thẻ bài lủng lẳng trên cổ anh, sợi dây chuyền mà em đã ghi đậm nét vào tim lúc mới quen anh, với một thẻ bài đượm màu của gió sương và phảng phất mùi thuốc súng...Đó cũng là kỷ vật của tất cã người lính trận của chế độ cộng hoà.

Mỗi một quân nhân VNCH, đều bắt buộc phải mang hai tấm thẻ bài làm bằng kim loại không rỉ sét, đó là vật bất ly thân.  Mỗi tấm thẻ bài được ghi khắc họ tên và số quân để trong trường hợp người chiến sĩ tử trận nếu không nhận dạng được thi thể đơn vị hành quân cũng có thể biết tên tuổi, số quân để biết người tử trận là ai. Trên tấm thẻ cũng có ghi loại máu ( A, B hay O..) để khi cần tiếp máu, người y sĩ chiến trường sẽ biết ngay là máu loại gì mà cung cấp? Khi người chiến sĩ tử trận thì đơn vị hành quân sẽ giữ lấy một tấm để làm tài liệu báo cáo, còn một tấm sẽ gởi về thân nhân tử sĩ.

Tấm thẻ bài tuy vô tri; nhưng gói ghém thâm tình của một người mẹ mất con người vợ mất chồng, người con mất cha... anh hoặc chị mất đi người anh, người em trong cuộc chiến bảo vệ mảnh đất tự do miền nam VN, sao xót thương, ngậm ngùi quá!

Trước năm 1975, bài ca  “Tấm Thẻ Bài “ do tiếng hát truyền cảm của nữ danh ca Thanh Thuý đã gây nhiều xúc động trong quần chúng nhất là trong lòng những người chiến sĩ cộng hoà, cho đến bây giờ nếu được nghe lại bài hát nầy hoặc là nhìn thấy lại "Tấm Thẻ Bài" người cựu chiến sĩ chúng ta thấy ngậm ngùi và thương tiếc cho những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến chống cộng sản xâm lược.  https://www.youtube.com/watch?v=WJo2DmcWIOE
Khi nhìn thấy hình ảnh tấm thẻ bài hay được nghe cô Thanh Thuý rên rĩ trong ca khúc nầy, tôi nhớ ngay đến tấm thẻ bài của tôi luôn đeo trên ngực trong suốt cuộc chiến tại miền nam VN.
Trước khi lên đường hành quân, tôi cẩn thận xem lại hai tấm thẻ bài đeo trên ngực và thầm cầu nguyện cho tấm thẻ lúc nào cũng đi theo dòng máu nóng của tôi . Hai tấm thẻ nầy là vật kỷ niệm trong suốt cuộc đời quân ngũ cũa tôi, và nó được giữ gìn cẩn thận cho đến ngày tôi vượt biên. Vợ tôi đã thũy táng nó trên biển đông trong hành trình đi tìm tự do và đầu năm 1979. Tấm thẻ bài của người lính cộng hoà còn là linh vật cho những chàng chiến binh ưa thích trường phái cạo gió.

Bàn nhạc "Tấm Thẻ Bài" sáng tác của Hoàng Anh  

Sau cuộc chiến này còn chi không anh?
Còn chi không anh?
Hay chỉ còn lại tấm thẻ bài
Đã mờ mờ mang tên anh.

Giọt máu nào là của mẹ
Niềm tin nào? là của em
Ôi trên tấm thẻ bài này
Tấm thẻ bài này đã từng
Chuyên chở giấc mộng yêu đương

Mộng yêu đương không bao giờ đến
Không bao giờ đến nữa vì anh
Không còn mang tấm thẻ bài
Trở về bên em

Anh đã đi đã đi vào vùng biển đời người
Anh ngủ yên ngủ yên như cỏ úa
Anh ơi sau cuộc chiến này
Có còn chi để lại
Hay chỉ còn tấm thẻ bài mang tên anh

Tấm thẻ bài mang thẫm máu anh
Máu Việt Nam mang tình của mẹ
Tình của mẹ không bao giờ hận thù

Anh anh có biết
Tấm thẻ bài của anh để lại
Cuộc chiến này vẫn còn đó không thôi
Cuộc chiến này vẫn còn đó anh ơi

Sau cuộc chiến này còn chi không anh?
Còn chi không anh?
Hay chỉ còn lại tấm thẻ bài
Đang lạnh lùng trên tay em

Giọt máu nào là của mẹ
Niềm tin nào? là của em
Ôi trên tấm thẻ bài này
Tấm thẻ bài này, đã từng
Ấp ủ tất cả giấc mộng yêu đương.

Mộng yêu đương không bao giờ đến
Không bao giờ đến nữa vì anh
Không còn mang tấm thẻ bài
Trở về bên em.

Mộng yêu đương không bao giờ đến
Không bao giờ đến nữa vì anh
Không còn mang tấm thẻ bài
Trở về bên em.


CHUYỆN ĐẦY XÚC ĐỘNG KỂ VỀ TẤM THẺ BÀI CỦA CÔ BÁC SĨ VIVIAN LE


Câu chuyện được bắt đầu vào sáng ngày 23-3-1975......

Sau khi chồng và con trai  bị chết vì đạn pháo kích của VC đồng thời bị thất lạc đứa con gái trong ngày di tản tại tại bãi biển Chu Lai, chị Buôn quấn quýt chạy khắp nơi để hỏi thăm về đứa con gái của mình...chị đã được một người chạy nạn cho biết:

“Con bé khoảng 9 hay 10 tuổi mặc cái áo xanh, quần đen, cổ có đeo cái thẻ bài của lính là con chị sao? Nó được một người trên ca-nô nhào xuống nước bơi vào vớt nó đưa lên ca-nô ra tầu lớn rồi. Thật là may mắn cho nó!”...

Lệ, đứa con thất lạc của chị Buôn được đưa lên tầu Hải quân với chiếc thẻ bài đeo toòng teng nơi ngực. Người ta thấy có khắc tên: Lê văn Buôn Số quân: ..... Họ hỏi Lệ. Lệ nói đó là tên ba nó, ba Buôn của nó, bị lọt lại với má và ba đứa em tại bãi biển Chu Lai. Mới đầu Lệ sụt sùi khóc nhưng có người đàn bà ngồi gần bảo nó khóc không ích gì. Nó cắn răng nghe lời bà này, làm theo những gì người ta chỉ bảo. Tiếng nổ làm cho nó ù tai nhưng cái sợ làm nó quên cả. Kể từ lúc quả lựu đạn nổ, nó gần như mê đi cho đến khi có người vớt nó đưa lên ca-nô rồi lên tầu.

Người vớt nó lên ca-nô và đưa nó lên tầu, nhận nó là con nuôi là một Thiếu Uý Hải quân mới ra trường. Sau thời gian huấn luyện dài đằng đẵng, tim anh còn đầy ắp tình người dành cho đồng hương và cả nhân loại. Ước mơ của anh là những chuyến hải hành xa, đi đến chân trời góc biển, đi đến những đô thị lớn hoa lệ, nguy nga, ngợp ánh đèn về đêm và nườm nượp xe cộ, người đi bộ trên hè phố ban ngày.

Anh tên Lê trọng Nghĩa, 28 tuổi, quê quán ở miệt Thủ dầu Một, ra trường với hạng cao trong số hơn 60 sinh viên tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và hiện là một sĩ quan ưu tú của Giang đoàn 240 đóng ở miền Trung. Chiếc tầu Nghĩa và đứa con nuôi là Lệ về đến bến Bạch đằng Sàigòn vào tuần đầu tháng 4-1975, đang lúc Sàigòn lên cơn sốt y như miền Trung mấy tuần trước. Nghĩa đưa Lệ đến gửi vợ một người bạn trong trại Sĩ quan bến Bạch đằng, lại gửi tiền và nhờ Xuân Hà, tên vợ người bạn, đi mua sắm quần áo và những thứ cần thiết hàng ngày cho Lệ. Xuân Hà nhìn Nghĩa rồi nhìn Lệ và hỏi nhỏ Nghĩa:
“Con bé xin được ở đâu mà xinh quá vậy? Tốn vài tạ gạo nữa là đã ra dáng tiểu thư rồi. Anh lựa hay lắm.”
Nghĩa nghiêm nét mặt bảo Xuân Hà:
“Chị đừng nghĩ vậy. Ba má nó và ba đứa em còn kẹt lại Chu Lai. Chỉ có mình nó được tôi cứu lên tầu. Tôi nhận nó làm con nuôi.”
Xuân Hà tính đùa thêm một câu nhưng thấy mặt Nghĩa lạnh như tiền nên không dám cợt nhả nữa.

Ngày 28-4-1975, Nghĩa lại mang Lệ lên một chiếc tầu Hải Quân HQ thực lớn để chạy sang Guam. Nghĩa con một, cha mẹ Nghĩa đã lớn tuổi muốn sống và chết ở Thủ dầu Một nên không đi mặc dầu trong thời gian ở Sàigòn, Nghĩa đã cải trang về thăm và mời ông bà đi.

Sau 5 tháng ở trong trại tạm cư ở Guam, Nghĩa và Lệ được một nhà thờ bảo trợ đi South Carolina. Từ đây, Nghĩa xin Basic Grant của tiểu bang để vào Đại học học Kỹ sư cơ khí. Ngoài giờ học, Nghĩa đi làm part time cho tiệm Sears ở downtown để lấy tiền chi phí ăn ở cho hai cha con. Nghĩa xin cho Lệ vào học ở trường tiểu học địa phương, có xe bus nhà trường đưa đón mỗi ngày và ăn sáng, ăn trưa miễn phí vì hai cha con Nghĩa chưa có lợi tức. Nghĩa chỉ thêm bài vở cho Lệ mỗi buổi tối sau khi cơm xong. Lệ thông minh nên học rất nhanh. Để giúp ba Nghĩa, nó biết đặt nồi cơm điện, luộc rau, luộc trứng, làm những món giản dị rồi chờ ba Nghĩa về ăn cơm.

Mặc dầu vào ngang thiếu căn bản 4 lớp đầu (học trình Hoa Kỳ), nhưng Lệ đã học xong lớp 5 Việt Nam, Lệ học lại với ba Nghĩa và một cô giáo Mỹ dạy kèm (tutor) tất cả những gì cần thiết chưa được học ở các lớp dưới, nhất là Anh ngữ, vì vậy Lệ tốt nghiệp Trung học lúc mới 17 tuổi với điểm trung bình 4.0, một thành tích vượt mức ngay với học sinh bản xứ.

Nhiều lúc Lệ nhớ ba má, nhớ các em day dứt nhưng nghe ba Nghĩa khuyên, Lệ phải cố quên. Lệ cũng nghĩ và tự nhủ lòng, có khóc, có nhớ ba má và các em cũng không làm được gì, chỉ cản trở việc học. Đã từng ở trong cảnh nghèo của cha mẹ ở Việt Nam, Lệ biết được đi học thế này là một diễm phúc vì vậy Lệ cố gắng và chăm chỉ hết mức. Ba Nghĩa cũng khuyên Lệ, sau này có thể có bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, khi ấy Nghĩa sẽ tìm cách hỏi thăm tìm ra tung tích ba má và các em Lệ. Lệ nghe thế lại tạm yên lòng và hy vọng.

Mùa Thu năm đó, Lệ vào trường Đại học Y khoa South Carolina. Sau 3 năm, Lệ lấy Cử nhân Sinh Vật học với lời khen của Hội đồng Giám Khảo. Lệ chuyển qua học ngành Nhãn Khoa (Opthalmology). Năm 1990, Lệ đậu bằng Bác sĩ Nhãn Khoa hạng tối Ưu với lời ngợi khen của Ban Giám Khảo. Lệ được mời dạy môn Nhãn Khoa cho Sinh viên cùng trường. Lệ hỏi ý kiến ba Nghĩa, sau đó Lệ xin khất cho đến khi trở về từ Việt Nam.

Tốt nghiệp xong, Lệ bàn với ba Nghĩa, lúc này đã có vợ và một đứa con trai 2 tuổi, ba Nghĩa đồng ý, Lệ đi mua vé máy bay về Việt Nam tìm cha mẹ và các em. Sau hơn 10 năm bế quan toả cảng cả nước sắp chết đói, lúc này (từ 1985) chế độ bắt buộc phải mở cửa cho kinh tế thị trường nên cũng dễ dàng cho Lệ đi lại.

Lệ và một người bạn thân về đến Chu Lai vào một buổi chiều mùa Hạ năm 1990 sau khi đã lặn lội đi bằng đủ thứ xe từ Sàigòn ra miền Trung. Sau 15 năm, quang cảnh cũ đã thay đổi nhiều. Có những căn nhà mới mọc lên nhưng cũng có nhiều căn trại cũ biến mất. Chỉ có bãi biển, trông vẫn như trước mặc dù có nhiều hàng quán mọc lên bán thức ăn, thức uống cho du khách. Trại Gia binh ngày nào không còn. Lệ muốn được gặp lại những người hàng xóm của ba má Lệ ngày xưa như vợ chồng bác Sáu, vợ chồng chú Đàm, vợ chồng cô Bé...để hỏi thăm về cha mẹ và các em nhưng đi quanh quanh làng xóm, Lệ không kiếm ra một người quen cũ.

Lệ đeo cái thẻ bài vào cổ như ngày 23-3-1975 ra bãi biển Chu Lai, nhà nào Lệ cũng vào hỏi thăm và cho con cái họ quà bánh Lệ đem từ Hoa Kỳ về, giơ chiếc thẻ bài cho họ coi và hỏi thăm xem có ai biết ba má và các em Lệ không? Nhưng tuyệt nhiên không ai biết. Vốn đã có định kiến, Lệ xin phép chính quyền sở tại, không quên quà cáp cho họ, để mở phòng mạch khám mắt miễn phí cho mọi người. Một Nữ bác sĩ Hoa Kỳ, cô Ruthie O’Brien, bác sĩ gia đình, vốn là bạn thân và cùng ra trường một ngày với Lệ, cùng đi với Lệ về chơi thăm miền Trung Việt Nam, nhân dịp cũng bỏ đồ nghề ra khám bệnh và cho thuốc cùng những lời khuyên hữu ích để phòng ngừa bệnh tật. Các gia đình đến khám mắt và khám tổng quát, nhất là những ông già bà cả đều được hỏi về Trung sĩ Lê văn Buôn, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 Bộ binh vào tháng 3 năm 1975 nhưng không một ai biết. Mỗi buổi chiều khi khám bệnh xong, Lệ và Ruthie thường ra bãi biển Chu Lai ngồi ngắm sóng và ngắm hoàng hôn trên biển, nghe những tiếng rì rào của sóng biển chạy vào bờ rồi lại trườn ra xa. Thấy bạn buồn vì không tìm ra gia đình, Ruthie lựa lời khuyên nhủ và hỏi Lệ có còn muốn đến nơi nào khác để kiếm không? Lệ nghĩ chỉ có hai nơi khác ba má Lệ có thể ở là Nha Trang, quê của ba và Trà Vinh, quê của má. Lệ nói cho Ruthie nghe những nơi Lệ hi vọng nhiều nhất, sau đó Ruthie khuyên Lệ nên đi Nha Trang.
Nha Trang không hứa hẹn nhiều cho việc tìm kiếm vì Lệ đã đến đây gần một tuần, đi khắp nơi hỏi nhưng không ai biết cựu Trung sĩ Lê văn Buôn và vợ con.

Lệ thất vọng hoàn toàn, thầm nghĩ chỉ còn một nơi nữa là Trà Vinh. Nếu tại Trà Vinh cũng không có tung tích thì coi như gia đình Lệ đã bị tiêu tán trong hoặc sau ngày 23-3-1975. Nghĩ đến đó, Lệ cảm thấy buồn muốn khóc. Ba má và các em đi hết chỉ để lại mình con thôi sao, thế thì con có sống cũng mang mối u hoài đau khổ ấy suốt đời! Thà con ở lại nhà chia sẻ những đau khổ với ba má và các em rồi chết chung một huyệt cũng là xong một kiếp người. Lệ buồn khôn tả và khóc mỗi đêm về nhưng không dám cho Ruthie biết.
                               

Một buổi sáng, Lệ cùng Ruthie mướn một chiếc xe hơi với tài xế để đi thăm Hòn Chồng, nơi thắng cảnh đẹp có tiếng của Nha Trang. Thật ra Lệ không còn tâm trí đâu ngoạn cảnh vì “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nhưng để chiều Ruthie, Lệ cho Ruthie đi nơi này nơi kia chụp hình lưu niệm và dọc đường có thể tìm vào các quán ăn ngon, các khách sạn sang trọng mướn phòng ngủ qua đêm. Lẽ ra trong chuyến đi này, Lệ mang theo vị hôn phu là bác sĩ Vĩnh quang Dũng, chuyên khoa bệnh tiêu hoá, tốt nghiệp trước Lệ 3 năm và hai người quen nhau khi cùng làm việc trong một bệnh viện nhưng Dũng phải đi Á căn Đình dự một Đại Hội Y Khoa toàn cầu về bệnh tiêu hóa, đại diện cho Bộ Y Tế Hoa Kỳ.

Còn vị hôn phu của Ruthie có cha già đang nằm bệnh viện chữa trị bệnh tiểu đường nên anh cũng không thể theo Ruthie đi du lịch Việt Nam được.

Sau khi đã dạo chơi bãi biển hơn hai tiếng đồng hồ, Lệ đề nghị tài xế chở vòng qua con đường phía sau, nơi đây lưa thưa có dăm cái nhà trên bãi cỏ hoang. Phong cảnh quá tiêu sơ và u buồn, không có bóng một đứa trẻ. Lệ và Ruthie bàn với nhau đi xuống cuối con đường rồi trở lại, trở về thành phố Nha Trang.

Mới đi thêm một khoảng ngắn, đột nhiên chiếc xe bốc khói ở máy. Tài xế vội cho xe ngừng lại và kiểm soát máy thấy máy cạn khô không còn một giọt nước. Anh ta hoảng hồn tắt máy và ngơ ngáo đi tìm xung quanh để kiếm nước châm vào máy. Đó đây, ngoài con lộ đắp bằng đất đỏ thì toàn là gò đống và bụi cây mọc lưa thưa, tít tắp xa mới thấy vài mái tranh hiện trên nền trời xanh lơ. Lệ và Ruthie phải ngồi chờ dưới gốc cây cho bớt nắng trong khi bác tài lội bộ đi tìm nước.

Chợt Lệ trông thấy một đám người lố nhố trên một cái gò, cách xa Lệ khoảng 400 mét. Lệ chợt nghĩ hay là họ đào huyệt chôn người chết như hồi còn bé Lệ đã thấy ở Chu Lai nhưng sao không nghe tiếng khóc cũng không thấy quan tài.Trí tò mò thúc đẩy Lệ vào đó coi xem sao. Lệ cũng có ý nghĩ giúp đỡ công việc họ đang làm, nếu họ quá nghèo, cần đến một, vài chục đô-la của Lệ.

Lệ nói cho Ruthie nghe ý nghĩ của mình, bảo Ruthie ngồi đó chờ mình nhưng Ruthie không chịu, đứng lên cùng đi với Lệ. Hai cô gái cứ tưởng gần và ruộng khô, nào ngờ coi vậy nhưng khoảng cách khá xa và có những chỗ nước ngập mắt cá, hai cô phải tháo giầy cầm trên tay để đi.

Khoảng sáu, bảy người vừa đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ cắm cúi nhìn vào một cái lỗ huyệt đang đào do 4 thanh niên khoẻ mạnh, người cầm xẻng xúc đất đổ vào mê tre, kẻ bê đất đổ lên bờ, để dần dần hiện ra tấm nắp thiên bằng gỗ đen sì một cái quan tài.

Từ xa lội tới, hai cô gái đã bị những cặp mắt tò mò của đám người trên gò nhìn thấy và theo dõi. Khi hai cô tới gần, tất cả đều ngừng tay nhìn chằm chằm như nhìn một hiện tượng lạ.

Họ quá lạ lùng bởi từ xưa đến nay chưa có người ngoại quốc nào ăn mặc đẹp đẽ thế kia - đám người cho rằng cả hai cô là gái Mỹ, Pháp, Anh, Úc chi đó, lại lội ruộng vào cái gò này để coi cải mả.

Phải, họ đang cải mả. Họ đào cốt người thân chết đã lâu năm, bỏ sang một cái tiểu sành, kiếm chỗ thuận tiên, gần gũi hơn đặt xuống.

Lệ mở lời khi nhìn một người đàn bà lam lũ, già yếu, mặt mày nhăn nheo:

“Chào các bác, các chú, các anh, các chị. Cháu là người Việt sống tại Hoa Kỳ về thăm quê hương. Các bác, các chú đang cải táng cho thân nhân, phải không ạ?”

                     

Nghe cô con gái nói tiếng Việt, cả đám người thật ngạc nhiên. Sao cô gái trông như Mỹ này, chỉ khác mớ tóc đen, lại là người Việt, nói tiếng Việt thạo quá. Họ bỏ xẻng cuốc đứng vây xung quanh hai cô gái. Người đàn bà lớn tuổi trả lời:

“Phải, người ở dưới huyệt là chồng tôi, chết từ năm 1975.”

Lệ nghe giọng nói người đàn bà có điều ngờ ngợ nhưng chưa dám tin là mình có thể đúng. Nhân tiện, cứ hỏi thăm xem có ai biết được ba mình không? Lệ chìa tấm thẻ bài đeo trong ngực áo ra cho họ coi, nói:

“Tấm thẻ bài này của ba tôi. Tôi không biết gia đình ông còn sống không và nay ở đâu. Ông tên là Trung sĩ Lê văn Buôn.”

Người đàn bà trân trối nhìn Lệ xong ngập ngừng nói:

“Thế này thực không phải. Xin lỗi...Có phải tấm thẻ bài này của lính Việt Nam Cộng hoà và cô là ...Lệ phải không?”

Điều Lệ nghi ngờ đã đúng. Giọng nói người đàn bà và nhìn kỹ từ đầu đến chân, Lệ thấy đúng là má Lệ, không còn sai vào đâu được. Lệ ôm chầm lấy bà khóc rưng rức:

“Má ơi! Con đây, Lệ của má đây. Má còn nhận ra con không?”

Bà Buôn, phải, vì người đàn bà đó chính là vợ goá của Trung sĩ Lê văn Buôn, càng ôm chặt Lệ hơn. Bà rên rỉ:

“Lệ ơi, má đâu có ngờ Trời Phật còn cho gia đình mình ngày hôm nay. Người nằm dưới huyệt kia chính là ba con đó. Quả lựu đạn ngày 23-3 đã giết ba và thằng Chưởng. Còn lại hai đứa đứng kia, thằng Tung, con Bi giờ đã lớn từng đó.”

Lệ quay ra ôm hôn đứa em gái và thằng em trai. Chúng cũng xúc động nhưng không xúc động bằng má Lệ và Lệ vì khi xẩy ra biến cố tan nát gia đình, chúng còn quá nhỏ.

Bà Buôn hỏi Lệ:

“Con đeo tấm thẻ bài này 15 năm nay để đi tìm ba má và các em phải không?”
“Dạ, đúng thế má. Con đi tìm ba má và các em vì con đâu biết ba đã hi sinh ngày hôm đó.”

Ruthie đứng ngó mấy mẹ con ôm nhau cũng xúc động nhưng trong ánh mắt cô đọc thấy những tia sáng hân hoan vô bờ của bạn và của mẹ của bạn. Chuyến đi hoàn toàn thành công quá sức mong mỏi, cô lẩm bẩm.

Bốn thanh niên lại tiếp tục đào. Họ cậy tấm nắp thiên. Bộ xương người đen sì lõng bõng nước. Ruthie nhìn thấy sợ quá phải đứng tránh ra xa. Cô đã quen với xác chết trong các bệnh viện nhưng không phải là bộ xương đã rữa mục này. Lần đầu tiên Lệ nhìn thấy bộ xương cải táng nhưng Lệ không sợ mà Lệ muốn đứng thật gần để nhìn cho rõ hình hài của người cha đã sinh ra mình.
                 

Khi má Lệ hỏi Lệ vì sao biết mà vào đây. Lệ thuật lại từ đầu tới cuối, vì sao xe phải ngưng lại, bác tài xế phải đi kiếm nước đổ vào máy xe để đi tiếp v.v...

Bà Buôn thắp lên mấy cây nhang và hai ngọn nến trong khi mấy người đàn ông đổ rượu trắng ra cái chậu sành và rửa từng khúc xương cho sạch, lấy giấy bản lau khô xong xếp vào một cái tiểu sành mầu đất nung đỏ quạch. Trong số người lo chuyện cải táng, có chú Năm thợ hồ có nhiều kinh nghiệm. Chú vừa làm vừa chỉ dẫn cho mấy anh thanh niên làm. Chú nói:

“Tôi học nghề cải táng từ năm mới 16 tuổi mà năm nay đã 55, coi như 39 năm trong nghề mà tôi chưa thấy một vụ nào lại linh thiêng như Trung sĩ Buôn đây. Nghe cháu Lệ vừa nói thì cháu đã để tâm tìm ba má cháu nhiều năm nhưng không ra tung tích; đến bữa nay hồn thiêng Trung sĩ dun dủi làm cho chiếc xe hơi đang chạy ngon lành bỗng hết nước ở ngay khúc đường này, xe bốc khói xuýt cháy máy và từ đó cháu Lệ mới có cơ hội lặn lội vào cái gò này vì tính tò mò và cũng vì tính thương người, muốn giúp đỡ người nghèo. Vì thế mà Trời Phật không bỏ cháu.”

Bác tài xế đã lặn lội đi xin được một bình nước đổ vào xe. Thay vì hai thanh niên phải khiêng chiếc tiểu sành, giờ này chiếc tiểu sành được bỏ lên xe, mọi người về nghĩa trang gần nơi cư ngụ của gia đình bà Buôn.

Nghe Lệ kể sơ lược từ lúc được ba Nghĩa nuôi vớt lên tầu và được học hành ở Hoa Kỳ, hiện đã là một bác sĩ Nhãn khoa Hoa Kỳ, tiền bạc dư dả, tương lai sáng lạn, bà Buôn quá sung sướng lại khóc. Bà chạnh lòng nghĩ đến người chồng bạc phước đã chẳng được sống thêm để nhìn thấy sự thành công của đứa con gái ông yêu quý nhất đời.

Huyệt mộ cho cái tiểu sành đựng nắm xương của người cha bạc số của bác sĩ Vivian Le đã đào xong, nhỏ và nông nên đào rất nhanh. Lần này nó không nằm trên gò đất chung quanh là sa mạc sỏi đá, cây cỏ hoang vu mà ở trong một nghĩa trang đẹp đẽ bên ngoài thành phố Nha Trang.

Khoảng 4 giờ chiều, mọi việc hoàn tất, bà Buôn, Lệ và hai đứa em của Lệ thắp hương, sụp quỳ, vái lậy, khấn khứa. Lệ cố hết sức giữ cho khỏi quá xúc động nhưng khung ảnh trắng đen của cha Lệ trước mặt lúc nào cũng như đang nhìn Lệ âu yếm làm Lệ tràn nước mắt và cái ngày độc địa 23-3-1975, tại bãi biển Chu Lai, lại hiện rõ mồn một như Lệ đang đứng sát bên cha Lệ, bám vào tay ông cho khỏi sóng đánh ra xa.

Nỗi buồn năm xưa dù chưa quên được nhưng hiện tại vẫn là đáng sống. Mẹ con bà Buôn đành phải khép lại trang sử đẫm máu của gia đình và của xóm giềng, thân thuộc để xây dựng ngày mai tươi sáng hơn.

Lệ đã đưa tiền cho má và em đi chợ mua các thức ăn về làm một bữa cơm đãi đằng chòm xóm và những người thân thuộc, trả công hậu hĩ cho những người cải táng hôm đó. Ai cũng tấm tắc khen sao lại có cái thần giao cách cảm đó để mà đến đúng chỗ, đúng lúc, gặp lại mẹ và em và nhìn được hài cốt của cha. Chuyện thực mà khó tin, xẩy ra như trong một giấc mơ.
Nhờ có nghề nghiệp cao và lợi tức vững vàng lại công dân Mỹ của Lệ, hơn hai năm sau bà Buôn và Tung, Bi đã đoàn tụ với Lệ ở Hoa Kỳ.

Bà Buôn lập một ban thờ, một bên để tấm ảnh cuối cùng của thằng Chưởng khi nó 3 tuổi, một bên treo tấm thẻ bài, ở giữa ban thờ là bát hương, có bài vị và khung ảnh đen trắng của Trung sĩ Lê văn Buôn, người Chiến sĩ kiêu dũng VNCH đã hi sinh vì Tổ quốc, người chồng, người cha thân yêu vẫn luôn luôn như đang mỉm cười với vợ và các con!

Đây là câu chuyện thật  mà người viết lấy từ  đã lấy từ bài viết "Tấm Thẻ Bài" của 
Bút Xuân Trần Đình Ngọc đăng trong website: http://www.tinvasong.com/?articleId=373001, người viết có cắt xén để bài viết được gọn lại.

  BÀI THỨ HAI VỀ TẤM THẺ BÀI
"Tấm Thẻ Bài và Hành Trình Đi Tìm Xác Rơi", tác giả Bắc Đẩu Võ Ý



Phi vụ huấn luyện không hành Pleiku- Saigon- Nhatang- Pleiku trên phi cơ U17 Phi Đoàn 118 danh hiệu Black Cat A cất cánh Pleiku sáng ngày 15 tháng 6 năm 1971. Chuyến trở về Pleiku cất cánh từ Nha Trang lúc 4 giờ chiều cùng ngày, đã mất liên lạc 15 phút sau đó.
Ngày hôm sau, Phi Đoàn 118 Quan Sát và hai Phi Đoàn Trực Thăng 235, 229 thuộc Không Đoàn 72 Chiến Thuật đồn trú tại Căn Cứ Pleku đã nôn nóng bay tìm cứu chiếc phi cơ lâm nạn khắp các vùng được phân chia, dọc theo không trình Nhatrang-Pleiku.
Sau một tuần lễ bay tìm cứu không có kết quả, Phi hành đoàn Black Cat A được công bố là mất tích vì công vụ. Được biết Phi hành đoàn là Trung úy Văn Ngọc Của và Trung úy Võ Văn Đạt. Hành khách tháp tùng gồm có 6 người, đó là:

Thiếu úy Nguyễn Đăng Mừng*, Sĩ quan tùy viên của cố Đại tá Lê Quang Bình, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II,
Bà Tôn Nữ Thị Xuân*, vợ kế ông Bình
Cháu Lê Quang Nhựt*, 7 tuổi, con trai út của ông bà Bình,
Cháu Tôn Thất Kim Đinh*, 17 tuổi, gọi bà Xuân bằng cô.

Dù đã chấp nhận đau thương khi lấy chồng không quân, nhưng phi vụ Black Cat A mất tích vẫn có một cái gì khó tin đối với bà Văn Ngọc Của. Không thể như thế được và Bà đã ấp ủ niềm hy vọng sẽ có một ngày, người chồng thương quý của Bà sẽ trở về.
Bà đang ôm trong lòng bào thai mới 45 ngày và ẵm trong tay đứa trưởng nam mới hai tuổi, vượt thời gian và ảo vọng để quyết nuôi con chờ chồng...
Bà trường chay kể từ ngày nhận hung tin và dâng lời nguyện cầu mười phương Chư Phật độ trì cho chồng bà...

Sau 1975, Bà tưởng rằng người chồng thương quý sẽ về.
Nhưng người chiến sĩ vẫn không thấy về.
Rồi 1985, 1995
Rồi thiên niên kỷ mới 2000, 2005...
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về,
Đá mòn, nhưng dạ chưa mòn ước mơ...(1)
Ước mơ trải dài cho đến ba thập niên sau, người trưởng nam Văn Ngọc Châu lúc đó 36 tuổi và Văn Ngọc Hoàng Chương, bào thai 45 ngày năm nào, đã 34 tuổi và cả hai người đều đã thành gia thất.
Thời gian không ước hẹn đến nỗi tóc của Bà đã nhuốm màu sương tuyết, nhưng lòng của Bà vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, vẫn không mòn ước mơ, dù ước mơ ngày nay chỉ còn là nắm xương vô định của người chồng thương quý!

                             

Khoảng cuối năm 2003, qua bói toán và qua các nhà ngoại cảm, bà Văn Ngọc Của và hai người con trai ghi nhận nguồn tin như một cái phao sau 33 năm khắc khỏi trông tìm. Cháu Văn Ngọc Châu tâm sự với chú KQ Phạm Minh Mẩn, hiện sống ở Saigon: “cháu nguyện sẽ tìm cho bằng được ba cháu để hương khói sớm hôm”. Thế rồi, Văn Ngọc Châu và chú KQ Minh Mẩn ra tân Sông Ba, Tuy Hòa để phá rừng băng suối, cố tìm cho ra vết tích chiếc phi cơ lâm nạn trên đó có nắm xương của thân phụ mình. Nhưng chuyện đi tìm xác rơi không đơn giản như lời của thầy bói và của nhà ngoại cảm, và kết quả đã không như ước nguyện!
Dù đón nhận biết bao bất hạnh của cuộc sống, người thứ nam Văn Ngọc Hoàng Chương đột ngột giả từ cõi đời năm 2010, bà Văn Ngọc Của cắn răng chịu đựng và vẫn giữ một lòng trung trinh với bóng hình người xưa. Và người trưởng nam Văn Ngọc Châu gánh thêm trên vai, nghĩa vụ cưu mang đùm bọc một đứa cháu 12 tuổi gọi bằng bác.

Những năm tháng khó khăn vẫn thử thách hai mẹ con bà Văn Ngọc Của. Chúng tôi, những đồng đội ngày xưa, rất ngưỡng phục và hãnh diện về lòng thủy chung của bà và đạo hiếu của con bà. Rất tiếc từ dạo đó, chúng tôi không có tin tức về thân nhân của Trung úy KQ Võ Văn Đạt, cho đến một ngày...
Chúng tôi xin thắp nén tâm hương, nguyện cầu anh linh những đồng đội và đồng bào trên chiếc phi cơ U17, sống khôn thác thiêng, xin độ trì cho những người thân của mình, sớm tìm được nắm xương cho thỏa lòng trông tìm hơn bốn thập niên qua.

Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ
Những người mang mệnh biệt ly.
Và một hy vọng mới vừa lóe lên vì thời gian đã đến trả đúng kỳ.

Vào tháng 12/2013, một tin nhắn từ Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ, được tung lên mạng lưới toàn cầu về chiếc phi cơ U17 lâm nạn năm 1971, với những chi tiết rất quan trọng như sau:

Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ có nhận được thông tin như sau:
Máy bay số 6722527 Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang .
1-) Người lái Trung úy Văn Ngọc Của, số quân 64/601584L, nhóm máu B .
2-) Người ngồi bên là Võ Văn Đạt
3-) và một người nam
4-) có thêm một phụ nữ.
Bị rớt ở núi. Ai là thân nhân liên lạc với anh Nam 0979104425

hoặc Hồng đt 0905190519 để nhân hài cốt 4 người trên

Kinh mong Quý cơ Quan truyền thông, quý Cô Chú trong Hội Không Quân VNCH.
Giúp chuyển tin nầy đến thân nhân những người quá cố

Kính,

Văn Phòng Liên Lạc Tìm MộÐiện thoại: 559-273-1782
E-mail:lienlactimmo@att.net
                                                     
KQ Minh Mẩn và cháu Văn Ngọc Châu liên lạc ngay với các anh Nam và Hồng để xác định nguồn tin và hai người dự định ra Dục Mỹ để tận mắt nhìn di vật của chiếc phi cơ lâm nạn. Sau Tết Quý Ngọ, anh Nam, nhân vật chính lưu giữ di vật, bị tai nạn tử thuơng trên núi. Cũng may, còn anh Hồ Tân, cùng nghề tìm đá quý với anh Nam, cùng cư ngụ tại Dục Mỹ, còn giữ những di vật nầy.

Được biết, sau 04/1975, những cựu quân nhân VNCH, tìm đủ mọi cách để sinh nhai, trong đó có nghề lên núi tìm đá quý. Vào năm 1994, các anh Nam, Tân, Quốc..., đã tình cờ tìm thấy xác phi cơ U17 trên núi Mẹ Bồng Con, trong đó có xác của hai vị Sĩ quan Không quân, một Sĩ quan Bộ binh, và một phụ nữ với những di vật như nón bay, đồng hồ, thắt lưng, thẻ bài kim khí, căn cước dân sự, nhẩn hột xoàn....Những người thợ tốt bụng bèn vùi tất cả xương cốt vào một hốc đá để thờ và thu nhặt tất cả di vật để đợi một ngày...
Gần 10 năm sau kể từ ngày phát hiện xác chiếc phi cơ trên đỉnh Mẹ Bồng Con, vào tháng 11 năm 2013, các người thợ tốt bụng mới nhờ anh Hồng, một người biết xử dụng máy vi tính, tung lên mạng, tin tức chiếc phi cơ U17 lâm nạn từ năm 1971 qua mẩu tin trên.

Nhận được tin sốt dẻo, KQ Mẫn và cháu Châu ra Dục Mỹ ngay và được anh Tân trao tay tấm thẻ bài của cố KQ Trung úy Văn Ngọc Của. (còn thẻ căn cước thì đợi giao cho thân nhân Trung úy Võ Văn Đạt). Cháu Châu nhận tấm thẻ bài mà lòng vừa quặn thắt vừa hân hoan. Đây là di vật còn lại của thân phụ mình gần 50 vắng bóng. Đây mới chính là di vật tin cậy, di vật sống. Trong đầu cháu mường tượng một ngày không xa, cháu sẽ gặp thân phụ, đồng đội và đồng bào của người cha thân quý...

Để hổ trợ cho tin vui quan trong nầy, nhà báo Huy Phương đã tạo điều kiện cho chúng tôi, KQ Võ Ý lên Show truyền hình Huynh Đệ Chi Binh của Đài SBTN, trước là để kêu gọi những thân nhân của bà Tôn Nữ Thị Xuân, Thiếu úy Nguyễn Đăng Mừng, Trung úy KQ Võ Văn Đạt, nếu nhận được tin vui, hãy liên lạc ngay với chúng tôi hoặc cháu Văn Ngọc Châu, để bàn kế hoạch lên núi tìm hài cốt của thân nhân mình. Chúng tôi cũng kêu gọi các KQ thuộc Sư Đoàn 6 KQ và Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu Pleiku, các chiến hữu thuộc Khóa 66 KQ, các đồng đội thuộc Quân Đoàn II, xin giúp một tay để đưa xương cốt của các đồng đội và đòng bào, từ trên đỉnh Mẹ Bồng Con, trở về với gia đình để tiện bề hương khói.

Chúng tôi cũng nhắn tin nầy qua Chương trình Người Yêu Của Lính trên đài SBTN, do ca sĩ Ngọc Minh phụ trách, và trên trang nhà Hội Quán Phi Dũng.

Như một sự nhiệm màu, cô Mỹ, từ thành phố Atlanta, bang Georgia, cháu gọi bà Xuân bằng cô và bà Kiều Thị Ngọc, hiện định cư tại San Francisco, bang Cali, vợ của cố Trung úy KQ Võ Văn Đạt trước kia, đã liên lạc với chúng tôi sau các show truyền hình nêu trên.

Cô Mỹ, cháu Võ Ngọc Quốc Huy, trưởng nam của OB Võ Văn Đạt (hiện sinh sống tại Ban Mê Thuột, được tin của mẹ báo), liền liên lạc với cháu Văn Ngọc Châu và họ cùng ấn định một ngày trọng đại: ngày lên đỉnh Mẹ Bồng Con.
                           

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM HÀI CỐT

Ngày trọng đại được ấn định là ngày 10 tháng 3 năm 2014.. Lý do: chỉ thời gian nầy mới thuận tiện việc leo núi. Gia đình cố KQ Võ Văn Đạt gồm 6 người (trưởng nam Huy, em trai, em rể, hai cháu gọi bằng bác và một người thân). Gia đình KQ Văn Ngọc Của 2 người (trưởng nam Châu và KQ Minh Mẫn quay phim). Phía những thợ tìm đá quý ở Dục Mỹ gồm 01 dẫn đường, 01 phát quang, 04 người khiêng vác, 06 người tình nguyện giúp đở. Tất cả 20 người. Lương thực mang theo gồm: 100 kg gạo + 13 kí cá ngừ + 15 kí thịt heo + 40 gói mì ăn liền + 50 lít rượu trắng + một số gia vị.

Mỗi ngày đi bộ từ sáng sớm cho đến trưa thì nghỉ chân. Lội suối, trèo dốc cao, chui hang đá trong thời tiết lạnh buốt, đi như vậy suốt 5 ngày mới đến đỉnh núi, điểm lâm nạn của chiếc U17. Hai cháu Châu Huy và thân thuộc, vô cùng hân hoan, vô cùng súc động, vô cùng bùi ngùi khi thấy xác phi cơ. (Mẹ của Quốc Huy cho biết, sau ngày tang thương năm 1971, cháu Huy, ông nội và ông chú cũng lo lắng, dọ hỏi, nghe ngóng để đi tìm dấu tích của thân nhân mình).

Sau cùng, phái đoàn thu nhặt tất cả xương cốt cho vào một ba lô. Điều đáng ghi nhận là, trọng là trong số xương cốt, tìm thấy đủ 6 mảnh xương sọ.

Ngày 18 tháng 3, ba lô được đem về đèo Rù Rì (phía đông bắc Nha Trang) để hỏa táng.
Lúc xuống núi chỉ mất ba ngày. Hai anh trưởng nam thay phiên nhau mang ba lô hài cốt, chứ không muốn nhờ bất kỳ ai. Sáng ngày 19 tháng ba, hủ tro cốt được gởi vào Chùa Bửu Đà, Hòa Hưng, F13, Q.10 Saigon để thờ phượng, sau lễ cầu siêu và lễ phát tang.

Tóm lại, phi vụ Black Cat A, cất cánh ngày 15 tháng 6 năm 1971 trên chiếc phi cơ U17 của Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu Pleiku, gồm 6 người, cuối cùng đã vượt bao thác ghềnh và trở về đáp an toàn tại chùa Bửu Đà Hòa Hưng, sau 43 năm bay trong hư vô. Họ đã chung một con tàu định mệnh trước kia thì nay, họ cùng an nghỉ trong câu kinh tiếng kệ của Phật A Di Đà.

Chúng tôi, những đồng đội của chư vị, xin dâng lời nguyện cầu hương linh chư vị sớm an nghỉ đời đời trong cõi vĩnh hằng....

Và chúng tôi, những người còn sống sau cuộc chiến, xin nghiêng mình trước tấm lòng thủy chung của các chinh phụ ngày nay, đã ôm con bồng mưa nắng, sắt son dũng cảm đến kỳ cùng, dù trải qua bao cơ cực lầm than cay đắng...

Và sau cùng, chúng tôi xin trân trọng và cảm kích tấm lòng hiếu đạo của thế hệ thứ hai, mà tiêu biểu là các cháu Văn Ngọc Châu và Võ Ngọc Quốc Huy, dù trải qua 4 thập niên xa vắng bóng dáng người cha, các Sĩ quan Không lực VNCH...

Để kết thúc câu chuyện về các tấm thẻ bài tôi xin mạn phép kể một câu chuyện thật khác về bạn tôi một cố trung úy HQ.
                               

NHỚ VỀ BẠN TÔI....

Bạn tôi 26 tuổi đời - gần 6 tuổi lính; một môn sinh hoàng đai VoViNam, bạn tôi không may mắn đậu vào đại học nên bước vào trường Hải quân Nha Trang với cái tuổi mà con nguời đang buớc vào giai đoạn hưng phấn nhất; nhưng cũng là lúc bạn tôi từ gỉa đồng đội..cha mẹ và người yêu để ra đi! Cuối tháng 3.75 đạn pháo vô tình đã cuớp đi mạng sống của bạn tôi khi đang tuần tiểu trên sông trong vùng  rừng sát gần thành phố Sài Gòn... để lại bao thuơng tiếc cho nguời thân và bạn bè...

Tôi đã đến nhà quàn Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà để tiển đưa bạn tôi lần cuối, truớc khi gia đình mang về nguyên quán. Nhìn tấm thẻ bài lung linh qua ánh nến LHH 69A .....  loại máu OR+, tôi không sao cầm đuợc nuớc mắt ...Thế là hết, cánh cửa một đời nguời đã khép, bạn tôi đã vỉnh viển ra đi.... đã thật sự bay xa, đến một nơi không có chiến tranh, không có hận thù , bon chen và phiền muộn ...


Hành trang cuối cùng của bạn tôi là 1 cỗ áo quan, được thêm chữ "CỐ " với hàng chử "TỔ QUÔC GHI ƠN" và phủ lá cờ vàng 3 soc đỏ ... Cố HQ.Trung Úy LHH! Một ngưòi bạn thân thiết suốt quảng đường theo học bậc trung học tại trường Cao Thắng.

Một nén nhang cho những người đã nằm xuống vì tự do, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân miền nam trước năm 1975 trên kháp 4 vùng chiến thuật.
                            
82 HÀI CỐT TỬ SĨ VNCH ĐÃ ĐƯỢC TÌM THẤY TẠI VN

NƠI ĐÂY VỚI ÁNH SÁNG NGÀN THU
SƯỞI ẤM LINH HỒN NGƯỜI ANH HÙNG NƯỚC NAM VỊ QUỐC VONG THÂN


   
010203
01. CAO VĂN TÍNHSQ: 59/135886. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
02. TRẦN VĂN SANGSỄN VĂN Q: 70/126078. Loại máu: A
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
03. NGUYỄN VĂN QUỚISQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
040506
04. PHẠM VĂN THẮNG
SQ: 69/123640. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
05. Ngô Văn ĐứcSQ: 73/105119. Loại máu: O
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
06. LÊ THÀNH CÔNGSQ: 56/866498. Loại máu: O
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
070809
07. ĐÀO XUÂN SINHSQ: 63/125670. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
08. NGUYỄN TĂNG ĐÀOSQ: 67/812101. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
09. BÙI VĂN QUANGSQ: 64/000426. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
101112
10. HUỲNG VĂN KHỎESQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
11. LÃ TRUNGSQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
12. KIỀU GIA LANGSQ: 47/776622. Loại máu: O RH+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
131415
13. NGUYỄN VĂN HAISQ: 64/000367. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
14. ? VĂN LÂMSQ: 67/903967. Loại máu: B+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
15. SQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
161718
16. LÊ VĂN MẠNHSQ: 191953. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
17. LÂM VĂN HỔSQ: 70/105973. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
18. TRANG VĂN QUÂNSQ: 53/513812. Loại máu: O+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
192021
19. TRẦN VĂN LANSQ: 74/102640. Loại máu: O+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
20. ĐỖ VĂN DŨNGSQ: 74/004814. Loại máu: B
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
21. TRẦN VĂN THẮMSQ: 75/002258. Loại máu: A+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
222324
22. LÊ VĂN TRAISQ: 54/765897. Loại máu: A+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
23. SQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:  . Quê quán: Bình Định
24. SQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
252627
 
25. NGUYỄN VĂN CẮTSQ: 67A/806702. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
26. TRẦN HỮU DUYÊNSQ: 67A/170218. Loại máu: A+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
27. BÙI HOÀNG SÂMSQ: 69/001249. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
282930
   
28. PHẠM VĂN MƯỜI
SQ: 167487. Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
29. LÊ XUÂN QUANGSQ: 69/133781. Loại máu: B+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
30. VŨ VĂN BÁOSQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
313233
   
31. NGUYỄN VĂN HƯNGSQ: 72/121374. Loại máu: B+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
32. NGUYỄN VĂN TUẤNSQ: 53/639949. Loại máu: B+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
33. NGUYỄN VĂN MÁSQ: 75/127532. Loại máu: O+
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
343536
   
34. NGUYỄN VĂN CHÚCSQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
35. TRẦN ĐÌNH ĐĂNGSQ: . Loại máu: 
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:
36. NGUYỄN VĂN BẢYSQ: 59/182638. Loại máu: B
Ngày nhập ngũ:; . Quê quán:


Hình ảnh và tài liệu được sưu tầm trên Internet
Trinh khánh Tuấn
29.7.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét