Powered By Blogger

 XA LỘ BIÊN HÒA - ĐƯỜNG CAO TỐC ĐẦU TIÊN Ở VN VÀ NHÀ THẦU RMK-BRJ LÀ CÔNG TY XÂY DỰNG

Theo Tổng kết kế hoạch 5 năm 1954-1959 của chánh phủ VNCH về vấn đề quy hoạch đường sá, đặc biệt là cải thiện dứt khoát vấn đề bế tắc lối ra khỏi vùng Sài Gòn về phía bắc, Bộ Công chánh và Giao thông  đã cho khởi công xây dựng xa lộ Sài Gòn-Biên Hoà vào ngày 27-3-1957. Toàn bộ chi phí do Mỹ viện trợ và nhà thầu RMK-BRJ phụ trách thiết kế và xây dựng.

Xa lộ Biên Hoà - Sài Gòn được xây dựng thời Đệ Nhất Cộng hòa, hoàn tất vào Tháng Tư năm 1961 với tổng chiều dài 31km. Xa lộ này ngày bị đổi tên thành xa lộ Hà Nội.

Xa lộ này làm theo kỹ thuật mới, khác với cách làm đường kiểu cũ thời Pháp là đổ đá dăm lên mặt đường rồi xe chở nhựa đường đổ xuống từng chỗ, sau đó cho xe hủ lô cán cho đều ra. Vì đổ nhựa từng chỗ một nên mặt đường không thể nào bằng phẳng, mặt đường đổ bằng máy có chiều ngang rộng và đổ nhựa cùng lúc”….

Điểm đầu và điểm cuối của Xa Lộ có là 2 cây cầu nổi tiếng: Cầu Tân Cảng (nay là cầu Sài Gòn dài gần 1km) bắc qua sông Sài Gòn, và cầu Đồng Nai dài gần 0.5km bắc qua sông Đồng Nai. Tuy nhiên thực tế Xa Lộ Biên Hòa còn nối dài từ cầu Tân Cảng vào đến ngã tư Hàng Sanh (Hàng Xanh), và từ cầu Đồng Nai đi thêm 15km cho đến Ngã 3 Chợ Sặt của Biên Hòa. Xa lộ Biên Hoà, vào thời đó được xem như là xa lộ tối tân nhất Đông Nam Á,


CÔNG TY XÂY DỰNG RMK-BRJ

RMK là một tổng công ty liên hợp xây dựng của Mỹ tại miền Nam. Tên đầy đủ của RMK-BRJ là Raymond International, Morrison-Knudsen, Brown & Root, and J.A. Jones. RMK-BRJ là một liên hợp xây dựng dân sự bao gồm 4 công ty nằm trong số các công ty lớn nhất của Mỹ, do Hải quân Hoa Kỳ thành lập trong chiến tranh Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho miền Nam Việt Nam. RMK-BRJ đã xử dụng và huấn luyện 200,000 công nhân Việt Nam trong ngành xây dựng và hành chính. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ cho phép sử dụng kết hợp giữa một nhà thầu quân sự và lực lượng xây dựng dân sự trong khu vực đang xảy ra chiến tranh. Công ty RMK – BRJ có văn phòng chính nằm ở đầu đường Duy Tân, sau lưng Nhà Thờ Đức Bà, mặt sau của tòa nhà Sài Gòn Xe Hơi,  nơi sản xuất xe hơi La Dalat, chiéc xe đầu tiên của VN



RMK (Raymond International, Morrison-Knudsen) chính thức lập Tổng hành dinh tại Sài Gòn ở số 2 đường Duy Tân từ cuối năm 1961 với hợp đồng 10 năm theo kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng như bến cảng dân sự, quân cảng, phi trường quân sự, kho tiếp vận và đường sá nhằm phục vụ việc vận chuyển vũ khí. Đến năm 1965 Bộ Hải quân Hoa Kỳ mới mở rộng liên hợp thêm Brown & Root, Inc. và JA Jones Construction Co., Inc. do nhu cầu phát triển xây dựng cho cả dân sự tại miền Nam VN. Công ty sau đó được gọi là RMK-BRJ. Liên hợp này còn được gọi một cách không chính thức là “The Vietnam Builders” (Những người xây dựng Việt Nam).



Sau 4 năm xây dựng, xa lộ Biên Hòa chính thức khánh thành (dài 31km, rộng 21m chịu được trọng tải cho xe nặng tới 32 tấn), bắt đầu từ Ngã tư Hàng Xanh, kết thúc là giao điểm cắt quốc lộ 1A tại ngã 3 Chợ Sặt, phường Tân Biên, Biên Hòa. Hai đầu xa lộ kết nối với cầu Tân Cảng (Sài Gòn) cũng do công ty RMK xây dựng và cầu Đồng Nai (Biên Hoà) tạo ra một trục giao thông quan trọng từ Sài Gòn lên khu Kỹ Nghệ Biên Hoà. Đây là tuyến đường quan trọng, là một trong những con đường cửa ngõ dẫn vào nội thành Sài Gòn khi đi từ các tỉnh phía Đông Nam và miền Trung Việt Nam.

Thật ra, từ năm 1954 đội cố vấn kỹ thuật và quản lý công trình của công ty RMK đã đến Sài Gòn phối hợp với chính quyền VNCH khai thác kế hoạch xây dựng xa lộ Biên Hoà theo đồ án quy hoạch phát triển Sài Gòn về hướng Đông đang giậm chân tại chỗ vì không có kinh phí. Cơ quan United States Operations Mission – USOM (Viện trợ Mỹ) viện trợ toàn bộ chi phí xây dựng và đào tạo nhân công để chuẩn bị xây dựng thêm nhiều công trình bến cảng và phi trường, kho bãi và khắp cả miền Nam VN.

Theo quy hoạch của chính quyền Sài Gòn, cần thành lập khu kỹ nghệ tại vùng Biên Hòa. Sài Gòn chỉ có nhiệm vụ là trung tâm thương mại, khu dân cư, tiêu thụ hàng hóa sản xuất từ khu kỹ nghệ. Những người cư ngụ tại Sài Gòn đi làm tại khu kỹ nghệ Biên Hòa sẽ có con đường xa lộ đi lại cho nhanh. Bên cạnh đó, chánh quyền cũng cho phép người dân mua đất cất nhà dọc theo hai tuyến xa lộ thu hút dân cư nhằm để có lực lượng lao động tại chỗ. Làng đại học Thủ Đức cũng được thành lập với các khoa đào tạo, cung ứng nguồn lao động có trình độ cho khu kỹ nghệ. Kể cả các trường đào tạo quân đội, cảnh sát được khuyến khích xây dựng, nhanh chóng tạo nên một diện mạo mới cho Thủ Đức (vùng kết nối giữa Sài Gòn và Biên Hoà).



Khu kỹ nghệ Biên Hoà được khánh thành năm 1963 là khu kỹ nghê lớn nhất đầu tiên của miền Nam VN. Dọc theo tuyến đường từ Thủ Đức đến Biên Hòa với nhiều nhà máy sản xuất mọc lên như: hóa chất, mỹ phẩm, cơ khí, luyện kim, vật liệu xây dựng, Xi-măng Hà Tiên, nhà máy nhiệt điện, nhà máy giấy Cogido – An Hảo, nhà máy dệt Vinatexco, nhà máy đường Biên Hòa… Quan trọng nhất là nhà máy nước Thủ Đức, cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố Sài Gòn.







Sau khi xa lộ Biên Hoà và cầu Sài Gòn (dài 986 m) xây xong, dân chúng Sài Gòn thường kéo nhau du ngoạn trên tuyến xa lộ đầu tiên này vào dịp cuối tuần. Lúc ấy, hai bên đường nhà còn thưa vắng, thi thoảng có vài chòi canh của quân đội, đường tráng nhựa phăng phiu, xe chạy bon bon. Người dân thích nhất là lúc về đêm, đèn đường trên xa lộ, thuộc loại sáng trắng, tắt mở tự động khi trời tối và lúc trời sáng , đặt dọc theo 2 bên đường, chiếu sáng rực mặt đường ở khu vực cầu Sài Gòn hướng vào đường Phan Thanh Giản đã được mở rộng.

Tổng hợp từ Vũ Thái An,  người lính VNCH, ngày 4 Juni 2025

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét