NHẬT BẲN ĐÃ TRỞ NÊN ĐỘC LẬP VỚI NGUỒN ĐẤT HIẾM CỦA TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO ?
Nhật Bản đã cảm nhận được tác động của việc kiểm soát xuất cảng của Trung Quốc vào năm 2010. Họ dựa vào đổi mới kỹ thuật và quan hệ đối tác quốc tế. Điều này có thể là một hình mẫu cho Âu châu, Aya Adachi nói.
Cuộc chiến thương mại mới không còn được tiến hành bằng thuế quan, mà bằng các biện pháp kiểm soát xuất cảng và Trung Quốc đang dựa vào sự thống trị của mình trong lĩnh vực đất hiếm. Bắc Kinh đã xử dụng công cụ này trong tranh chấp với Nhật Bản vào năm 2010: Sau một sự việc ngoại giao, Trung Quốc đã tạm thời ngừng xuất cảng các nguyên liệu thô quan trọng, dẫn đến việc Tokyo phải xem xét lại.
Ngày nay, Nhật Bản được coi là quốc gia tiên phong trong việc đa dạng hóa và bảo đảm chuỗi cung ứng nguyên liệu thô, một bài học mà Âu châu mới chỉ bắt đầu học hỏi.
Việc Trung Quốc trì hoãn cấp phép xuất cảng đất hiếm, điều này cũng liên quan đến các nhà sản xuất ô tô Đức, một lần nữa làm nổi bật sự phụ thuộc của Âu châu vào nguồn nguyên liệu thô này của TQ.
Trung Quốc chỉ sở hữu khoảng 34% trữ lượng đã biết, nhưng kiểm soát khoảng 70% sản lượng thế giới và 90% công suất tinh chế.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu Coban và đất hiếm thế giới sẽ tăng từ 50% đến 60% vào năm 2040. Các động lực thúc đẩy bao gồm quá trình chuyển đổi năng lượng, số hóa và trí tuệ nhân tạo.
Nhật Bản đã thành lập cơ quan nguyên liệu thô của riêng mình.
Nhật Bản đã đầu tư cụ thể vào các chuỗi cung ứng thay thế, xây dựng dự trữ chiến lược và tập trung vào đổi mới kỹ nghệ. Một công cụ quan trọng là Tổ chức An ninh Kim loại và Năng lượng Nhật Bản (Jogmec), một tổ chức nhà nước đã đầu tư hơn 600 triệu đô la (511 triệu Euro) vào hơn 100 dự án nguyên liệu thô trên toàn thế giới từ năm 2004 đến năm 2020.
Điều này đã giúp Nhật Bản giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm từ 90% xuống còn 58% trong vòng mười năm. Tổ chức này kết hợp tài chính, phòng ngừa rủi ro và điều phối ngoại giao. Tổ chức này đã chi trả tới 75% khoản đầu tư ban đầu, một đòn bẩy quan trọng cho các dự án ở những khu vực có rủi ro cao.
Một cột mốc quan trọng là thỏa thuận với công ty khai khoáng Lynas của Úc vào năm 2011. Cơ quan Nhật Bản đã tiếp nhận một phần đáng kể khoản tài trợ, giúp công ty trở thành nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Hiện công ty đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu của Nhật Bản.
Hiện nay, Tokyo đang đặt ra các mục tiêu lưu trữ cụ thể: cung cấp đủ cho 180 ngày đối với các nguyên liệu thô đặc biệt quan trọng. Khai thác khoáng sản đô thị đang được thúc đẩy để thu hồi đất hiếm từ rác thải điện tử.
Ngoài ra, khoảng 215 tỷ yên (1,26 tỷ Euro) sẽ được đầu tư vào khai thác khoáng sản biển sâu vào năm 2028, sau khi tìm thấy các mỏ lớn gần quần đảo Ogasawara, bất chấp những rào cản kỹ thuật và lo ngại về môi trường. Ngành kỹ nghệ Nhật cũng đang tham gia: Ví dụ, Honda đã phát triển một nam châm Neodymium cho xe Hybrid mà không cần xử dụng đất hiếm nặng.
Trong lĩnh vực năng lượng, hơn 1,5 tỷ đô la Mỹ đang được đầu tư vào Nhật Bản để phát triển pin mặt trời Perovskite, một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho các mô-đun thông thường dựa trên Silicon, vốn phần lớn do Trung Quốc kiểm soát sản xuất trên thế giới.
Kỹ nghệ mới xử dụng vật liệu chứa i-ốt và được coi là nhẹ hơn, linh hoạt hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Đến năm 2040, Tokyo đặt mục tiêu lắp đặt đủ số lượng pin này để thay thế 20 nhà máy điện hạt nhân.
Những điều Âu Châu có thể học hỏi từ Nhật Bản
Đồng thời, Nhật Bản cũng đang tham gia vào các hoạt động quốc tế: Là thành viên sáng lập của Đối tác An ninh Khoáng sản xuyên quốc gia, Nhật Bản đang hợp tác với Hoa Kỳ, EU và Úc về các chuỗi nguyên liệu thô công bằng và bền vững.
Với chiến lược kép này, một mặt thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước và mặt khác xây dựng quan hệ đối tác quốc tế bền vững, cũng có thể là hình mẫu cho Âu Châu.
Hội đồng Nguyên liệu thô cần thiết của Âu Châu (CRMA) mới được thành lập là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, cơ quan này thiếu nhiệm vụ hoạt động và sức mạnh tài chính của một Jogmec.
Các công cụ tài chính của EU vẫn còn phân mảnh và phản ứng chậm, đặc biệt là khi nói đến các khoản đầu tư rủi ro giai đoạn đầu ở nước ngoài, ví dụ như ở Phi Châu hoặc Nam Mỹ.
Âu Châu không cần phải sao chép những gì nơi Nhật Bản. Nhưng họ cần một thể chế trung tâm với quyền lực rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Nó có thể đầu tư cụ thể vào hoạt động thăm dò, giảm thiểu rủi ro đầu tư và phân chia nguồn vốn đến những nơi cần thiết nhất: các dự án đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng cho Âu châu.
Nếu Âu châu muốn đạt được các mục tiêu theo "thỏa thuận Xanh", số hóa và AI, đồng thời củng cố chủ quyền kinh tế, thì không còn cách nào khác ngoài một thể chế như vậy.
Bài viết của tác giả: Aya Adachi là nhà Nghiên cứu , cộng tác tại Trung tâm Địa chính trị, Địa kinh tế và Kỹ nghệ thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức.
Vũ Thái An, người lính VNCH, ngày 11 Juli 2025
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét