Powered By Blogger

  ĐÓN GIÁNG SINH NƠI  NGÔI NHÀ THỜ CỔ NHẤT SÀI GÒN VỚI 300 TUỔI

Nghe nhắc tới ngôi thánh đường cổ của người Công giáo ở Sài Gòn, nhiều người cứ nghỉ đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, vì đây là ngôi thánh đường lịch sử, được coi là một trong những biểu tượng của Sài Gòn. 

Nhưng, nhà thờ Đức Bà SG được khởi công xây cất vào ngày 7 tháng 10 năm 1877, Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Đức Bà, việc xây dựng được tiến hành trong 3 năm và được khánh thành vào ngày Lễ Phục sinh 11 tháng 4 năm 1880. Như vậy, nhà thờ Đức Bà xây sau nhà thờ Chợ Quán 160 năm nhà thờ Chợ Quán - nằm trên đường Trần Bình Trọng, Quận 5, Sài Gòn. Ngôi thánh đường này  được xây dựng đầu tiên trong đầu thế kỷ 18 (1720).

Từ những năm 1700, có một số lượng lớn người Công giáo di dân từ các tỉnh khác đến sinh sống nơi khu vực Chợ Quán thuộc Sài Gòn, để định cư và lập nghiệp. Sau đó, nhóm người lưu dân đầu tiên này đã bắt đầu xây dựng một nhà nguyện lúc ban đầu cho người Công giáo vùng Chợ Quán vào năm 1720. Ban đầu, kiến ​​trúc của nhà thờ rất đơn giản chỉ là một nhà nguyện nhỏ và một bàn thờ bên trong. Sau đó, nhà nguyện này được xây dựng và tái thiết lại nhiều lần theo thời gian. Nhà thờ Chợ Quán sau lần tái thiết và trùng tu  bởi Vicar Nicolas Hamm,  đã được khánh thành vào ngày 16 tháng 12 năm 1896 và  được bảo tồn cho đến ngày hôm nay.

Nhà thờ Chợ Quán là nhà cổ nhất của vùng Sài Gòn Gia Định còn tồn tại sinh hoạt theo lịch sử Công Giáo.

HỌ ĐẠO CỔ

Gọi Giáo xứ Chợ Quán là một họ đạo cổ vì lịch sử họ đạo gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của Đất nuớc và có tuổi gần đến ba thế kỷ.


Khi có nhiều di dân muốn khởi nghiệp trên vùng đất mới phía Nam hoặc trốn cảnh bắt đạo, bắt lính, xâu thuế, đói kém…nhiếu giáo dân xuất xứ từ khắp nơi tề tựu lại thành Họ đạo Chợ Quán, không biết có từ thời gian nào. Chỉ biết các bô lão nói rằng: nhiều di dân có cùng nghề, cùng lòng tin, tạo nên Xóm Bột, có chợ, có nhiều lều quán nên hình thành cái tên Chợ Quán.

Nhiều vị mục tử nhiệt thành đã đến đây chăn dắt con chiên, từ các vị thừa sai Dòng Phanxicô đến các giáo sĩ người Việt. Các cha thừa sai gặp nhiều khó khăn gian khổ khi truyền giáo. Gian nan nhất là cha José Garcia: vừa đối phó với hành động chống lại đạo Chúa, vừa bị bão cuốn đi tất cả công trình xây dựng, lại sợ quân Chân Lạp tấn công. Chưa hết, cha José còn bị quân của Võ Vương bắt giải ra Huế, rồi trục xuất về Philippines. (Sau này cha chỉ hoạt động ờ Hà Tiên và qua đời tại đây. Điều đó nói lên sự dũng cảm đáng khâm phục của các cha thừa sai khi truyền giáo trên đất Việt).

Năm 1766, có Đức Cha Piguel đến dâng lễ tại nhà thờ Chợ Quán theo nghi thức Giám mục dành cho cả giáo dân và lương dân. Dịp này có 600 người được rửa tội và 7000 người được thêm sức. Nhiều người ùn ùn kéo đến, lòng sùng mộ của giáo dân suýt nữa đưa đến một lệnh cấm đạo khác.

Và cha Joseph Marie là vị mục tử thừa sai Phanxicô sau cùng coi sóc họ đạo, kêt thúc 115 năm hoạt động truyền giáo mà Dòng Phanxicô khởi đầu tại Đàng Trong.

Trong giai đoạn này, có sự chuyển tiếp quyền quản nhiệm mục vụ giữa các thừa sai Phanxicô và linh mục bản quốc. Sau đó, Tòa Thánh chú trọng đào tạo các giáo sĩ bản xứ, để dần dần tiến tới thành lập Giáo Hội địa phương do người địa phương trông coi, gia tăng và củng cố quyền hạn của Đại Diện Tông Tòa, tổ chức lại các đơn vị cơ sở là giáo điểm và giáo xứ, đào luyện những người chuyên trách việc dạy giáo lý.

Khi nhà Nguyễn lên ngôi (1802-1820) thì họ đạo Chợ Quán trãi qua thời gian thử thách lớn lao mà Giáo Hội Việt Nam cũng phải gánh chịu dưới quyền bính của nhà Nguyễn.

Trong thời gian từ 1834-1859, khi vua nhà Nguyễn tỏ rõ ý chống lại đạo Công giáo thì cuộc bách hại đạo cũng bắt đấu. Họ đạo Chợ Quán không được sinh hoạt bình thường. Giáo dân vừa lo cho thân mình,vừa phải bảo vệ các cha nên phải di chuyển đây đó rất cực. Có lúc Chợ Quán không còn nhà thờ, cha phải lẫn trốn trong nhà dân,hoặc phải giả dạng người thường trong đám cưới hay đám ma, còn thánh lễ được cử hành vào ban đêm. Giáo lý do cha mẹ dạy cho con cái…nhưng các quới chức vẫn trợ giúp các cha và cộng đoàn giáo dân một cách tích cực. Khi quân Pháp xâm lăng Sài Gòn thì triếu đình nhà Nguyễn gia tăng tìm giết nguời có đạo, nhiều giáo dân Chợ Quán bị bắt đi phân sáp vào 18 thôn vườn trầu, nhưng chính những người này tạo điều kiện cho nhiều người biết đến Chúa và làm nòng cốt phát triển thành các họ đạo về sau như Hóc Môn, Bà Điểm, Tân Hưng và Chợ Cầu.

Khi quyền bính chính trị lần lượt rơi vào tay người Pháp thì người Công Giáo được truyền đạo và giữ đạo tự do. Họ đạo Chợ Quán được phục hồi và phát triển về nhiều mặt, có sự trợ giúp đắc lực của các nữ tu Hội Dòng Mên Thánh Giá Chợ Quán. Niềm tin của giáo dân được củng cố, các hội đoàn được thành lập, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, truyền giáo để tăng trưởng số giáo dân, mở rộng để phát triển những họ đạo mới như Chánh Hưng, Bình Xuyên, Mai Khôi…

Với chiều dài thời gian, họ đạo đã có nhiều vị mục tử được sai đến chăm sóc và đến nay nhà thờ được xây dựng là ngôi thánh đường thứ tám, theo thứ tự các năm 1720,1727,1733,1775,1789,1793,1862 và 1896. Như thế ngôi thánh đường còn lại đến nay là nhà thờ thứ tám, do công của ba linh mục Nicolas Hamm (Tài) (1883),Jules Errand (Ý) (1887-1891) và Lucien Mossard (Mão) (1891-1898), được khánh thành vào năm Bính Thân 1896. Cha Nicolas Hamm được an táng trong nhà thờ, bên bàn thờ Đức Mẹ. Nguồn: https://nhathoconggiao.com/danh-sach-nha-tho/nhatho/nha-tho-cho-quan

Bài viết này do Hậu Duệ VNCH sưu tầm để kính tặng các tín hữu công giáo là thân hữu, bè bạn gần xa của Hậu Duệ chúng tôi, đang sống đời tị nạn khắp nơi trên thế giới... sửa soạn chào đón mùa Giáng Sinh 2021-2022.

Hậu Duệ VNCH Võ Thị Linh 12-12-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét