Powered By Blogger

 ÔNG TRỜI TRONG TÂM THỨC VIỆT TỘC

"Ông trời" theo tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ thì Ông trời được Việt tộc tôn vinh như là Đấng tạo hóa sáng thế, là chủ thể tạo ra muôn vật muôn loài làm chủ các thần thánh hiện tượng mưa gió sấm sét bão tố động đất...và là Đấng tạo hóa sinh ra người Việt xưa. Sau 1000 năm Bắc thuộc thì người Trung Hoa luôn đồng hóa và buộc người Việt chúng ta phải theo dòng tín ngưỡng của họ nên các chính sử không còn nhắc lại nhiều. Nhưng trong tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo trong lòng dân tộc  thường có điểm chung về "Ông trời" và lưu truyền đến nay.

Dưới lăng kính của người Việt cổ, Ông trời tác giả sinh ra: Mặt trời, Mặt trăng. các vì sao, tạo ra nước, ra núi đồi, đồng bằng cây cỏ, chim muông, thú...cai quản các vị thần linh, thánh, loài người, tiên ....

Cho dù không biết “Ông Trời” từ đâu ra nhưng phải có  "ÔngTrời” thì mọi sự mới có hạnh phúc và tốt đẹp. “Ông Trời” là biểu hiện của một trật tự, một sức mạnh bao bọc che chở vạn vật và để muôn loài dựa vào đó mà sống. Trước sân nhà, người VN chúng ta thường làm một “bàn thiên” để khấn vái hoặc đem những đau khổ trong cuộc sống hàng ngày mà than vãn, tâm sự với “ Ông Trời”, vì Việt tộc chúng ta  tin rằng: “Ông Trời” là nguyên lý cho mọi sự công bằng, thường phù trợ, che chở và ban ơn cho con người trong những nhu cầu riêng hoặc những ước mơ thầm kín.

Trong kho tàng Văn hóa dân gian, tín ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa thiêng liêng. Phồn nghĩa là nhiều, thực là biểu hiện cho sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Quan niệm về tín ngưỡng phồn thực vốn có mối gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng nông nghiệp, với ước vọng cầu được mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm từ ngàn đời cho Việt tộc.

Với Việt tộc với cuộc sống gắn liền với nông nghiệp và cách trồng lúa nước, nên các biểu tượng về âm - dương, đất - trời, non - nước là những yếu tố chính được người Việt cổ coi đó là sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, tất cả hòa quyện giữa sinh khí âm dương trong môi trường tự nhiên để tồn tại và phát triển. 

Từ khi có sự xuất hiện của người Việt cổ, tổ tiên chúng ta thường có ước nguyện tìm hiểu, để nâng cao hiểu biết về thế giới xung quanh. Từ đó người Việt cổ đã hình thành nên một hệ thống tín ngưỡng đa dạng và phong phú, trong đó có tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thể hiện niềm tin của con người trong nguyện cầu được sinh sôi nảy nở, phát triển giống nòi, ước mong được sản xuất phồn thịnh, mùa màng được bội thu. ...vật nuôi và cây trồng

Dưới các lăng kính của tôn  giáo cũng có quan niệm và cái nhìn về "Ông Trời" có sự tương đồng với người Việt cổ. Ngược với các lăng kính của tôn giáo và người Việt cổ, người cộng sản với cái vốn liếng duy vật, họ đã cố tình lý luận: vất "ông Trời" ra khỏi tôn giáo và tín ngưởng dân gian của Việt tộc. 

Trầm mình trong  kho tàng văn chương truyền khẩu Ca dao, tục ngữ, thành ngữ của VN, để thấy được giới tính của trời  là masculin ( giống đực) như:

*Con cóc là cậu ông trời.

*Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp…

*Bắc thang lên hỏi ông trời!

Trong tâm thức của người Việt bình dân, “Ông Trời” cũng tương tự như “Ông Trăng” “Ông Sao”, đều thuộc giống đực.

“Ông Trời” trong tâm thức của Việt tộc chính là bầu trời xanh bao bọc chung quanh ở rất cao, phía trên đầu chúng ta, là ông chủ có quyền năng của mọi biến động về thời tiết như mưa nắng, gió bão v.v... Để có thể nhìn rõ được khái niệm này, chúng ta có thể thấy được trong bài thơ “Vịnh Ông Trời” của Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến (1835-1909):

Cao cao muôn trượng ấy là Tao

Dẫu pháo thăng thiên chẳng tới nào

Nhắn bảo dưới trần cho chúng biết

Tháng ba, tháng tám tớ mưa rào.


Nhà thơ Nguyễn Bính cũng có câu thơ rất hay về trời:

Nắng mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Trời của Nguyễn Bính trong câu thơ trên nói lên được quyền năng của "ông trời" về việc tạo ra thời tiết. Ngoài ra còn một số ý nghĩa về quyền năng của "ông trời" trong việc tạo ra vạn vật...

Trời sinh voi, trời sinh cỏ

Việt tộc chúng ta quan niệm “Ông Trời” là người quyết định số mệnh của  Việt tộc. Ông trời có quyền năng định được tương lai của hoặc số phận của con người..

Ngẫm hay muôn sự tại trời (số mệnh !)

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong tràn

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

(Nguyễn Du)

Văn Hóa Văn Lang trong thời Lang Liêu với sự tích bánh chưng bánh giầy đã thể hiện đậm nét đặc trưng của tính âm dương và trời đất qua hình thể vuông (đất, âm) và tròn ( trời, dương) của các chiếc bánh hiếu thảo do Lang Liêu dâng lên vua Cha Hùng Vương thứ VI, để rồi được truyền ngôi, để trở thành vị vua Hùng Vương thứ VII.

Hình tròn của chiếc bánh giầy tượng trưng cho trời, cho tính dương, hình vuông của chiếc bánh chưng tượng trưng cho đất, cho tính âm, vuông và tròn - âm và đương dặt cạnh nhau nghĩa là một sự kết hợp hài hòa, trọn vẹn và mang lại những điều tốt đẹp. Con người Việt cổ từ xa xưa đã tự hình thành các tín ngưỡng dân gian và lấy những niềm tin đó làm giàu có thêm đời sống tinh thần của cộng đồng.

Bánh chưng bánh giầy là nét văn hóa tiêu biểu về tín ngưởng dân gian có từ trước đây hơn 2000 năm, về đất trời trong tâm thức Việt. Có thể nói " Ông trời rất gần trong cuộc sống hằng ngày của người VN chúng ta nhưng cũng rất xa .

TẠI SAO ÔNG TRỜI Ở TRÊN CAO RẤT CAO??

Cho dù ông Trời có quyền phép vạn năng, nhưng không thể đáp ứng hết mọi lời cầu xin của nhân loại được. Thế giới 7 tỉ người mà. Vậy là ai xin được thì ít biết cảm ơn ông Trời, nhưng xin không được con người lại trách: "Trời ơi là trời! Tại sao lại như vậy?". Nghe riết ông Trời cũng điếc tai, ông bèn dần xa con người để tránh bị tra tấn lỗ tai.

Quá đáng hơn, có một số người không trách móc ông Trời, nhưng lại hay đổ thừa cho ông Trời. Thời tiết khô hạn cũng tại ông Trời, mưa lũ triền miên cũng do ông Trời. Tất cả đều do con người tàn phá thiên nhiên, làm biến đổi khí hậu, nên họa thiên tai cứ triền miên kéo đến. Không những vậy ngay cả dịch bệnh tràn lan con người cũng đổ thừa cho ông Trời...

Ông Trời nghe con người đổ thừa mình thì giận tím người. Ông chỉ biết lắc đầu ngao ngán, thế rồi ông tính chuyện di dân sang nước trời... xa dần, xa dần con người, cuối cùng ông vọt lên quốc gia khác để sinh sống, ở trên chín tầng mây để tránh kiếp nạn bị nghe lời than vãn, bị đổ thừa cho mọi sai lầm của con người.

Nhưng con người vẫn chứng nào tật đó, không chịu nhìn ra lỗi lầm của mình để sữa chữa. Có việc lại kêu trời, than trời, đổ thừa do trời. Muộn màng quá rồi, ông Trời không còn tin vào con người nữa. Ông bịt hai lỗ tai lại, kiên quyết không giải quyết bất kỳ lời cầu xin nào từ con người nữa. Từ đó thế giới con người truyền nhau câu "Kêu trời không thấu" là vậy... 

Tóm lại Ông trời trong văn hóa dân gian Việt Nam mang đậm chất triết lý nhân văn.

Vũ Thái An, 15-12-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét