Powered By Blogger

 PHÁT MINH MỚI - THỬ ĐƯỜNG HUYẾT KHÔNG CẦN LẤY MÁU

Theo tin bản tin của Reuter loan báo trong ngày 13/7/2021, các nhà khoa học Australia cho biết đã phát triển thành công phương pháp kiểm tra lượng đường trong máu cho bệnh nhân tiểu đường bằng nồng độ glucose qua nước bọt.

Để kiểm soát lượng đường trong máu, nhiều lần trong ngày, bệnh nhân tiểu đường thường phải dùng một cây kim châm vào ngón tay rồi nhỏ một giọt máu lên que thử. Vì thế, một số bệnh nhân tiểu đường thường giảm thiểu các xét nghiệm để tránh đau đớn.

Theo Giáo sư vật lý Paul Dastoor, Đại học Newcastle ở Australia, người dẫn đầu nhóm tạo ra phương pháp mới, xét nghiệm này hoạt động bằng cách nhúng một loại enzyme phát hiện glucose vào một bóng bán dẫn để hiển thị nồng độ glucose.

Vì vật liệu điện tử trong bóng bán dẫn là mực, nên xét nghiệm có thể in ra với chi phí thấp, Giáo sư Dastoor nói.

Ông Dastoor cho biết: “Phương pháp này là xét nghiệm glucose không xâm lấn. Xét nghiệm này thực sự mở ra triển vọng về thử đường huyết không đau, chi phí thấp và hy vọng sẽ có kết quả tốt hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường”.

Theo Giáo sư Dastoor, phương pháp xét nghiệm mới được tạo ra một cách tình cờ khi các nhà khoa học đang nghiên cứu về pin mặt trời.

Dự án được chính phủ Australia tài trợ 6,3 triệu đôla Australia (4,7 triệu USD) để thành lập cơ sở sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm, nếu các thử nghiệm lâm sàng được phê duyệt.

Ông Dastoor cho biết công nghệ này cũng có thể được chuyển sang xét nghiệm Covid-19 và xét nghiệm chất gây dị ứng, hormone và ung thư.

Trường đại học Newcastle đã làm việc với Đại học Harvard để thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng công nghệ tương tự.

PHƯƠNG PHÁP MỚI TRỊ TIỂU ĐƯỜNG TUÝP 2

Hơn 400 triệu người mắc tiểu đường tuýp 2 trên thế giới đã có hy vọng mới sau khi các nhà khoa học Australia có phát hiện mang tính mở đường cho các phương pháp mới chữa trị căn bệnh mạn tính này.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Melbourne (Australia) phát hiện protein SMOC1, được sản xuất tự nhiên trong gan, có thể giảm được lượng đường huyết.

Điều này có nghĩa việc tạo ra một dạng SMOC1 có thể giúp chữa trị các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các nghiên cứu sơ bộ trên động vật cho thấy một dạng SMOC1 dài, do nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Melbourne phát triển có thể kiểm soát được lượng đường huyết hiệu quả hơn so với các biện pháp hiện nay.

Trưởng nhóm nghiên cứu và là nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Melbourne Magdalene Montgomery khẳng định việc tạo ra SMOC1 có thể kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn loại thuốc chữa trị hàng đầu hiện nay, mang tên metformin.

Protein SMOC1 có thể giảm được lượng mỡ trong gan, cũng như lượng cholesterol trong máu - những vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường gặp phải.

Trong bối cảnh số ca mắc tiểu đường tuýp 2 đang ngày một tăng trên thế giới, việc tìm ra các biện pháp chữa trị mới ngày càng có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân có thể giảm các nguy cơ khác như tim mạch, thận mạn tính, tổn thương mạch máu có thể kéo theo mù lòa, đoạn chi hay tổn thương dây thần kinh gây đau đớn.

Tổng hợp từ nhiều nguồn, Vũ Thái An 13-12-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét