Powered By Blogger

 LỊCH SỬ TƯỢNG ĐÀI ĐỨC THÁNH TRẦN ĐƯỢC XÂY DỰNG TẠI CÔNG TRƯỜNG MÊ LINH- BẾN BẠCH ĐẰNG SÀI GÒN

Tượng Trần Hưng Đạo nằm ở công trường Mê Linh (tên của VNCH đệ nhất đặt), quận 1, còn tồn tại tới ngày nay đã được Binh chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa xây dựng vào năm 1967. Công trường Mê Linh ( sau này Bạch Đằng) và tượng đài Đức Thánh Trần không chỉ là nơi có cảnh đẹp mà còn là một địa điểm để thể  tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn thờ tiền nhân bất khuất. Một địa điểm tâm linh chứa đựng hồn thiêng sông nước được hun đúc từ hơn nửa thế kỷ qua của người Sài Gòn!  “Tượng đài Đức Thánh Trần cùng với chiếc lư hương uy nghi phía trước, được tạo dáng như một chiến hạm dũng mãnh, đã tạo ra ấn tượng lớn về lịch sử Việt Nam trong lòng nhiều thế hệ người dân và du khách. Từ ấy đến nay, công trường Mê Linh ( Bạch Đằng) và tượng đài Đức Thánh Trần không chỉ là một cảnh đẹp của Sài Gòn mà nơi tôn thờ tiền nhân bất khuất. Hồn thiêng của tổ tiên Việt tộc đã hội tụ về đây từ ngày tượng Đức Thánh Trần được dựng lên vào năm 1967. Cũng chính nơi này, bên cạnh bức tượng là Tổng Hành Dinh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH.

Vị trí của bức tượng Đức Thánh Trần ngày hôm nay, nằm ngay vị trí của nhiều tượng khác đã được dựng lên từ thời Pháp như:  

1. Vào năm 1865, người Pháp đã dựng một tháp nhọn hình chóp mang tên Lamaille tại nơi này, để vinh danh một người Pháp tên là Jules Lamaille (còn có tên khác là Navaillé), là một đại úy Hải quân Pháp đã có đóng góp nhiều trong việc phát triển thương mại tại Saigon và thuộc địa




2. Sau đó, khoảng năm 1877 một tượng Thủy sư đề đốc Pháp Charles Rigault de Genouilly được dựng lên bên cạnh tháp Lamaille, nên công trường này lại mang tên là Rigault de Genouilly. Tượng đài Rigault de Genouilly ở Công trường Rigault de Genouilly (nay có tên là Công trường Mê Linh). 

Đến cuối thập niên 1890, người Pháp thay tháp Lamaille bằng ngọn tháp nổi tiếng Doudart de Lagrée. Trước đó tháp Doudart de Lagrée đã từng được dựng lên vào năm 1877 ở đầu đường Charner (nay là Nguyễn Huệ), nơi Dinh Xã Tây (tức Tòa Đô Chánh), ngọn tháp nhọn nổi tiếng này tồn tại đến tận những năm 1960.

Vào năm 1945, tượng Genoully bị dỡ bỏ (riêng tháp Doudart de Lagrée vẫn còn lại thêm hơn 10 năm nữa), đến năm 1955 thì công trường Rigault de Genouilly cũng được đổi tên thành thành Công trường Mê Linh và không thay đổi đến hôm nay.

Cái tên Mê Linh này gắn liền với Nhị vị Trưng Vương, để ghi ơn 2 vị nữ vương lập kinh đô tại Mê Linh sau khi phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán hồi thế kỷ 1. Việc đặt tên đường trong nền đệ nhất VNCH rất ý nghĩa, thế nên bên cạnh và chung quanh đường Hai Bà Trưng có một con đường khác được đổi tên thành Thi Sách (tên đường thời Pháp là Cornulier), cũng nối ra công trường Mê Linh. Công trường Mê Linh được thiết kế hình bán nguyệt, nhiều cây xanh và hoa cỏ, ở giữa có một hồ nước nhân tạo từ đầu thập niên 1960. Năm 1962, chính quyền  Sài Gòn đã xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng, một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế.

3. Tháng 3.1962, chính phủ Ngô Đình Điệm khánh thành tượng Hai Bà Trưng ở công trường Mê Linh thay thế cho tháp Doudart de Lagrée để vinh danh hai nữ anh thư của Việt tộc. Người dân Sài Gòn lúc đó vẫn quen gọi là tượng Hai Bà. Tượng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ và điêu khắc Nguyễn Văn Thế thực hiện.

Tượng Hai Bà Trưng được dựng trên một bệ cao ba chân, phía trước là đầu và vòi voi, tiếp nữa là hai chân voi. Tượng được giới điêu khắc đánh giá rất đẹp, nét điêu khắc đặc sắc và mới mẻ. Khi khánh thành tượng này, bà Trần Lê Xuân - phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu - với tư cách là chủ tịch của Hội Phụ nữ liên đới tới cắt băng khánh thành.

Tuy nhiên, một sự lầm lẩn tai hại vì phong cách điêu khắc quá mới mẻ, nên sau khi khánh thành, nhiều người dân Sài Gòn cho là tượng Hai Bà có nét phảng phất giống mẹ con bà Trần Lê Xuân. Nên sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, một số người đã tập trung ở công trường giật đổ tượng Hai Bà như muốn xóa bỏ “dấu tích” của phu nhân cố vấn tổng thống. Nhiều người chứng kiến vụ giật đổ kể đầu hai pho tượng sau đó được bỏ lên xích lô đem đi diễu hành khắp phố, rồi không biết thất lạc nơi đâu. Từ năm 1963 đến 1967, bệ voi vẫn nằm ở công trường nhưng không có tượng nào được trưng trên đó.


Tượng Hai Bà Trưng được dựng trên một bệ cao ba chân, phía trước là đầu và vòi voi, tiếp nữa là hai chân voi. Tượng được giới điêu khắc đánh giá rất đẹp, nét điêu khắc đặc sắc và mới mẻ. Khi khánh thành tượng này, bà Trần Lê Xuân - phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu - với tư cách là chủ tịch của Hội Phụ nữ liên đới tới cắt băng khánh thành.

SỰ CÓ MẶT CỦA TƯỢNG ĐÀI ĐỨC THÁNH TRẦN

Sau 4 năm tại nơi tương đài Hai Bà Trưng bị giựt sập, không có tượng nào được dựng lên tại nơi đây. Đến năm 1967 , công trường Mê Linh được giao cho hải quân nên được đổi thành công trường Bạch Đằng. Đây vừa là quân cảng vừa là bến sông tiếp nhận tàu bè từ cảng Sài Gòn, và tượng Đức Trần Hưng Đạo được dựng lên tại đây, vừa mang ý nghĩa thánh tổ của Hải Quân VNCH, đồng thời cũng là danh tướng  của Việt tộc. Tượng Trần Hưng Đạo là tác phẩm đầu tay của ông Phạm Thông - một người mới vừa tốt nghiệp Quốc gia Mỹ thuật (Sài Gòn).


Năm 1966 đương kim thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ ( Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương) giao cho mỗi binh chủng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa dựng biểu tượng ở một vườn hoa công cộng trong đô thành Sài Gòn, lúc đó binh chủng Hải quân đã chọn bến Bạch Đằng để dựng tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người được xem là thánh tổ hải quân và tác phẩm của điêu khắc gia Phạm Thông ( 1943- 2016) đã được chọn. Tượng đài hoàn tất năm 1967.

Sau này, kể với báo chí, nhà điêu khắc Phạm Thông cho biết năm 1967, khi ông mới 24 tuổi, binh chủng hải quân của Việt Nam Cộng hòa kết hợp với Hội Đức Thánh Trần tổ chức cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Đạo để đặt ở vị trí công trường Mê Linh thay cho tượng Hai Bà Trưng bị phá hủy trước đó. Ban đầu đồ án của ông là tượng ngồi nghiên cứu binh thư yếu lược. Nhưng khi bắt tay vào thiết kế, ý tưởng Hưng Đạo Đại Vương đứng trên cao chỉ xuống sông Sài Gòn ở vị trí bến Bạch Đằng như bây giờ đã được nhà điêu khắc Phạm Thông chọn. Cuộc thi đó có 13 đồ án tham dự và cuối cùng điêu khắc gia Phạm Thông thắng giải.

Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương cao gần 6 m, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao gần 10 m. Trụ tam giác này tận dụng vị trí kiềng ba chân đã đặt tượng Hai Bà Trưng trước đó.

Hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”.

Chính hình ảnh oai hùng mang ý nghĩa tinh thần chống giặc xâm lăng mà Phạm Thông đưa ra đã được ban tổ chức chọn để xây dựng, dù rằng trong cuộc thi đó có rất nhiều điêu khắc gia nổi tiếng cùng tham dự, trong số những điêu khắc gia tham dự cuộc thi này có sự tham dự của  điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu - người nổi tiếng với tượng Tiếc Thương, nhưng tác phẩm của ông này không được chọn.

Được biết ý tưởng của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu là một mẫu tượng Đại tướng trong tư thế ngồi, tay trái đè lên đốc kiếm tay phải cầm cuốn sách, được coi như binh thư. Đại tướng quân hướng mắt về phương bắc, vừa là biểu tượng của người đi biển hướng về sao Bắc đẩu, vừa là nỗi lo âu muôn đời của người Việt về giữ yên bờ cõi biên cương biển trời.

NHÀ ĐIÊU KHẮC PHẠM THÔNG VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁC Ở HOA KỲ

Ông Phạm Thông từng tâm sự: niềm hạnh phúc nhất của điêu khắc gia Phạm Thông là sau này có ba bản sao tượng Trần Hưng Đạo được đúc để dựng ở Quy Nhơn, Vũng Tàu, Nha Trang. Sau năm 1975, nhà điêu khắc Phạm Thông sang Mỹ định cư và qua đời ngày 03 tháng 11/2016 tại Houston- Texas, hưởng thọ 74 tuổi.

Năm 2014 tại Little Saigon, Westminster, California, cộng đồng người Việt lập tượng Hưng Đạo Vương bằng đá trên đường Bolsa. Pho tượng có tư thế tương tự như pho tượng trên Bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn của nhà điêu khắc Phạm Thông cách đây gần 50 năm. Một pho tượng khác bằng đồng được dựng ở Mile Square Park (Công viên Dặm vuông) vào Tháng Giêng, 2016, cũng theo dáng cũ với cánh tay phải chỉ về phía trước.




Vào lúc 12 giờ trưa chủ Nhật ngày 12 tháng 6 năm 2016, một tượng đài Trần Hưng Đạo khác mà tác giả cũng chính là ông đã được khánh thành tại khu Hà Nội Plaza trên phố Bolsa, thành Phố Westminster, California. Pho tượng này bằng đồng, cao 10 ft được đặt trên bệ cao 7 ft.

Tài liệu tham khảo:

1. Đền Thờ Đức Thánh Trần
2.Một tư liệu về Đức Thánh Trần 
3. Lư hương tượng Trần Hưng Đạo: Niềm tin tiền nhân giữ an Sài Gòn
4.Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh có từ bao giờ?
5.Gìn giữ chuỗi giá trị thiêng liêng của Sài Gòn
6. Nhạc xưa.VN

Biên khảo từ Hậu Duệ VNCH Võ Thị Linh 18-3-2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét