Powered By Blogger
THEO DẤU CHÂN TIỀN NHÂN
NAM KỲ LỤC TỈNH, VÙNG ĐẤT MỚI 


Dưới triều vua Gia Long vùng đất chạy dài từ Biên Hòa đến mũi Cà Mau được gọi chung là Gia Định Thành. Dưới thời vua Minh Mạng Gia Định Thành trở thành Nam Kỳ Lục Tỉnh. Danh xưng Nam Bộ xuất hiện dưới thời chánh phủ Trần Trọng Kim (1945) và được chánh phủ Hồ Chí Minh duy trì cho đến bây giờ.

Tầm quan trọng của nước Việt Nam di chuyển từ Bắc xuống Nam từ tam giác châu sông Hồng xuống đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long, từ Thăng Long xuống Huế và Sài Gòn.

Cuộc nội chiến giữa họ Trịnh và họ Nguyễn dẫn đến cuộc Nam tiến của người Việt Nam thất lợi cho Chiêm Thành (Champa) và Thuỷ Chân Lạp (Water Chenla) tức Nam Bộ ngày nay.

Ngọc Vạn Công Chúa, ái nữ của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613- 1635) gả cho vua Chân Lạp (Chenla) là Chei Chetta II (1618- 1628) vào năm 1620. Bà được phong làm hoàng hậu Somdach Prea Peaccacyo- dey Preavoreac Ksattrey. Theo lời yêu cầu của Công Chúa Ngọc Vạn, người Việt Nam đầu tiên đặt chân trên đất Mỏ Xoài, Bà Rịa, vào năm 1623. Đợt thứ hai vào Nam Bộ khai thác Biên Hòa vào năm 1658 theo lời yêu cầu của bà Ngọc Vạn với vua Ream Thip Dei Chan (1642- 1659), bào đệ của vua Chei Chetta II. Thời bấy giờ Chân Lạp (Chenla) gồm: Lục Chân Lạp (Land Chenla tức nước Cambodia hiện nay) và Thuỷ Chân Lạp (Water Chenla tức Nam Bộ bây giờ).
Năm 1679 có 3,000 người Hán từ Guangdong (Quảng Đông) đến Đà Nẵng và xin tỵ nan chánh trị. Đó là những người Hán thất bại trong việc chống lại nhà Thanh. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648- 1687) sợ va chạm ngoại giao giữa Đàng Trong và nhà Thanh nên đưa họ vào Nam Bộ. Thủ lãnh của những người Hán này là Trần Thượng Xuyên biến Biên Hòa thành Đông Phố, một trung tâm thương mại quan trọng. Từ Đông Phố họ tiến về phía nam, lập khu thương mại vùng Chợ Lớn và Sài Gòn sau này. Hoàng Tiến và Dương Ngạn Địch khai thác vùng Mỹ Tho.

Vào thế kỷ XVIII Mạc Cửu, một người Hán khác đến khai phá đất Hà Tiên và biến vùng này thành một đồ trường và vùng thương mại sầm uất trên Vịnh Thái Lan. Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tích có công khai thác đất Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Long Xuyên. Họ Mạc hàng phục chúa Nguyễn để đương đầu với những đợt tấn công xuất phát từ Lục Chân Lạp hay Xiêm La.

Những người Hán theo Trần Thượng Xuyên đến Biên Hòa hay theo Mạc Cửu xuống Hà Tiên được gọi là người Minh Hương. Họ lấy vợ người địa phương Việt Nam hay Khmer và sinh ra những người con lai giữ văn hoá, phong tục cổ truyền của người Hán.

Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) cử tướng Nguyễn Hữu Cảnh hay Nguyễn Hữu Kính (1650- 1700) biệt danh Hắc Báo (vì ông là một dũng tướng có màu da ngăm đen) làm Kinh Lược đất Chân Lạp đúng ra là Thủy Chân Lạp (1698). Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh Việt Nam hoá phần lãnh thổ phía bắc Thủy Chân Lạp bằng cách thiết lập huyện Phước Long ở Biên Trấn (Biên Hòa) và huyện Tân Bình ở Phiên Trấn (Gia Định bao gồm vùng Sài Gòn- Chợ Lớn sau này). Nhiều cư dân từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được đưa vào Hai Huyện. Dân Hai Huyện (Phước Long và Tân Bình) gốc Việt làm nghề nông. Người Minh Hương hầu hết làm thương mại và sống ở những vùng đông dân có chợ búa để buôn bán. Từ Hai Huyện người Việt nối liền các dòng sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tiền Giang và sông Hậu Giang. Họ phải đương đầu với phong cảnh hoang dại nhiều dã thú (cọp, sấu, rắn, trăn v.v), đỉa, muỗi mòng gây bịnh tật và sự tấn công của người Khmer. Cuộc Nam Tiến dừng lại ở Nam Bộ vào năm 1757.
Nam Bộ rộng 65,000 km2 là một vùng đất mới, một vùng đất hợp chủng Việt+ Minh Hương+ Khmers. Trong chừng mực nào đó, vùng đất mới này có vài điểm tương đồng với Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Vùng đất màu mỡ đó trở thành vựa lúa của Việt Nam. Họ Nguyễn đã dùng vựa lúa ấy để phục hồi quyền bính và thống nhất xứ sở từ Gia Định đến Thăng Long. Sự thành công của Nguyễn Phúc Ánh trong việc khôi phục quyền hành và lập ra nhà Nguyễn khiến cho vai trò chánh trị của Nam Bộ sớm phát triển. Nhiều nhân vật Nam Bộ gốc Việt như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Hồ Văn Vui hay Hồ Văn Bôi, Võ Tánh (chết trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi), Phạm Đăng Hưng, Nguyễn Văn Thoại, Trương Tấn Bửu, Trương Minh Giảng hay gốc Hán như Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản hay gốc Khmer như Nguyễn Văn Tồn đều có vai trò quan trọng trên chánh trường Việt Nam dưới triều Nguyễn. Từ đó Nam Bộ mang các dấu chỉ sau đây:

Kinh tế

Nam Bộ là vùng đất màu mỡ nhất trong nước nhưng còn thưa dân. Phần đất phía bắc được vun bồi bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Đồng Tháp Mười có sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Ngược về phía nam có đồng bằng sông Cửu Long với dòng Tiền Giang và Hậu Giang, một nguồn nước ngọt khổng lồ chở phù sa vun bồi mũi Cà Mau lấn dần ra biển mỗi năm từ 80- 100 m. Triều Nguyễn có công trình đào kinh tháo nước phèn, giải quyết nạn úng nước và tạo cho việc giao thông và chuyển vận hàng hoá trên sông nước được dễ dàng. Kinh Vĩnh Tế nối liền sông Hậu Giang từ Châu Đốc đến Hà Tiên trên Vịnh Thái Lan được đào do sáng kiến của Tả Quân Lê Văn Duyệt là con kinh dài 72 km rộng 20 m. Thống chế Nguyễn Văn Thoại chỉ huy việc đào kinh Đông Xuyên nối liền Long Xuyên và Rạch Giá. Kinh này còn được gọi là Thoại Hà (Sông Nguyễn Văn Thoại hay Thoại Ngọc Hầu .<.tước Hầu.>.). Cũng chính ông và thống chế Nguyễn Văn Tồn huy động trên 10,000 dân để đào kinh Vĩnh Tế. Đó là con kinh quan trọng dọc theo biên giới Việt- Cambodia về phương diện kinh tế, giao thông vận tải và địa lý chiến lược. Ngoài ra còn có vô số rạch và kinh đào khác trên châu thổ sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Cà Mau. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ họ dùng máy móc để đào nhiều kinh đào chằng chịt trên châu thổ sông Cửu Long. Trần Bá Lộc là kẻ thù của các cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ vào hậu bán thế kỷ XIX nhưng ông có sáng kiến đào kinh tổng đốc Lộc trong vùng Đồng Tháp Mười. Đến đầu thế kỷ XX Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất cảng nhiều lúa gạo nhất trên thế giới (Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện). Ngoài lúa gạo Nam Bộ còn sản xuất nhiều cao su sau Mã Lai. Các đồn điền cao su do Pháp làm chủ tập trung ở Lộc Ninh, Bến Cát, Chơn Thành, Dầu Tiếng, Phú Riềng, Xuân Lộc, Bà Rịa. Sài Gòn, một Paris thu gọn, trở thành một trong ba thành phố phồn thịnh nhất ở Viễn Đông: Hong Kong, Singapore (thuộc Anh), Sài Gòn (thuộc Pháp).

Hành Chánh & Chánh Trị

Dưới triều vua Gia Long Gia Định Thành có ngũ trấn: Biên Trấn (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định), Định Trấn (Định Tường- Mỹ Tho), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long) và Hà Trấn (Hà Tiên). Gia Định Thành có các tổng trấn:

Nguyễn Văn Trương: 1805
Nguyễn Văn Nhơn: 1808- 1810; 1819- 1820
Trương Tấn Bửu: 1810- 1812
Lê Văn Duyệt: 1812- 1815; 1820- 1832
Nguyễn Huỳnh Đức: 1815- 1819

Năm 1833 chức tổng trấn Gia Định Thành không còn nữa. Các Trấn được đổi thành Tỉnh. Ngũ trấn trở thành ngũ tỉnh. Một tỉnh mới được thành lập. Đó là tỉnh An Giang (Long Xuyên). Từ đó có Nam Kỳ Lục Tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Đứng đầu mỗi tỉnh có một tổng đốc. Đơn vị hành chánh dưới tỉnh là phủ và huyện đứng đầu bởi tri phủ và tri huyện. Dưới huyện là xã do lý trưởng đứng đầu. Xã được hưởng sự tự trị xã thôn như đã có từ xưa trong lịch sử hành chánh Việt Nam. Do đó có câu:
Phép vua thua lệ làng.

Năm 1862 ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường mất vào tay người Pháp. Năm 1867 Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tổ chức hành chánh Việt Nam bị xóa ở Nam Kỳ. Những chức vụ tổng đốc, tri phủ, tri huyện không còn nữa. Nam Kỳ Lục Tỉnh được chia ra làm 21 tỉnh (province). Dưới tỉnh là quận (délégation), tổng (canton) và xã (commune). Các chánh tham biện (tỉnh trưởng- Chef de province) đều là người Pháp. Khi mới chiếm Nam Kỳ các tỉnh tân lập do các Thanh Tra Bản Xứ Vụ (Inspecteur des Affaires Indigènes) là các sĩ quan Hải Quân Pháp đảm nhận. Chức vụ hành chánh cao nhất của các đốc phủ sứ Việt Nam là quận trưởng (délégué). Các chức vụ cai tổng, xã trưởng đều do người địa phương nắm giữ. Trông coi việc cai trị ở Nam Kỳ có một viên thống đốc người Pháp. Khi mới chiếm Nam Kỳ các thống đốc đều là các tướng lãnh Hải Quân Pháp nắm giữ. Năm 1879 Le Myre de Villers là viên thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ. Dinh thống đốc là Dinh Gia Long sau này.

Hiệp ước 1874 chính thức nhìn nhận Nam Kỳ là thuộc địa của. Pháp. Những danh chức Tổng Đốc như tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương), tổng đốc Lộc (Trần Bá Lộc) hay Huyện như Huyện Sĩ đều là những danh chức danh dự (honoraire) vì những chức vị này hoàn toàn không còn nữa vào cuối thế kỷ XIX ở Nam Kỳ.
Nam Kỳ nhập tịch Việt Nam không bao lâu thì vùng tân thổ nầy chứng kiến cuộc nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn rồi sự xâm lăng của người Pháp. Sự hiểm nguy và gian khổ trui rèn con người. Nam Kỳ sớm sản sinh ra những trụ cột dựng lên triều Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Hồ Văn Vui (Hồ Văn Bôi), Lê Văn Đức, Võ Tánh, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Thoại, Trương Minh Giảng, Phạm Đăng Hưng, Phan Thanh Giản v.v.

Lê Văn Duyệt (1763- 1832) là Tả Quan Đô Thống, một khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Ông là tổng trấn Gia Định Thành hai lần. Ông có sáng kiến đào kinh Vĩnh Tế nối liền sông Hậu Giang từ Châu Đốc đến Hà Tiên trên Vịnh Thái Lan.

Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (1748- 1819), tước Công, được giữ chức tổng trấn Bắc Thành và Gia Định Thành. Vua Gia Long rất mến tài quân sự và sự trung thành của ông nên cho phép ông cải họ HUỲNH ra họ Nguyễn (Tên cũ: Huỳnh Tường Đức. Tên mới: Nguyễn Huỳnh Đức).

Thống chế Hồ Văn Vui hay Hồ Văn Bôi (?- 1804) được phong tước Công dưới triều vua Thiệu Trị. Thống chế Hồ Văn Vui là ông ngoại của vua Thiệu Trị.
Thống chế Nguyễn Văn Nhơn (1753- 1822) là tổng trấn Gia Định Thành đầu tiên.

Trung quân Đô Thống Trương Tấn Bửu (1752- 1827) được phong tước Hầu. Ông thay thế Nguyễn Văn Thành và từng là tổng trấn Gia Định Thành.

Ông Lê Văn Đức (1793- 1842) đậu cử nhân dưới triều vua Minh Mạng và được bổ làm tri huyện. Nhưng ông có năng khiếu quân sự nên lập được nhiều chiến công trong việc dẹp loạn ở Bắc Thành (Bắc Kỳ), ở Chân Lạp, đánh bại quân Xiêm can thiệp vào Chân Lạp. Chân Lạp được Trương Minh Giảng đổi thành Trấn Tây Thành năm 1835. Năm 1841 vua Thiệu Trị bổ nhiệm Lê Văn Đức làm thượng thơ bộ Binh.

Ông Trương Minh Giảng (?- 1841) là con của thượng thơ bộ Lễ Trương Minh Thành. Ông đậu cử nhân năm 1819. Nhưng ông có nhiều chiến công quân sự khi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833- 1835), cuộc nổi dậy ở Chân Lạp và đánh bại quân Xiêm can thiệp vào Chân Lạp và cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi. Trương Minh Giảng thiết lập nền bảo hộ ở Chân Lạp. Chân Lạp được cải thành Trấn Tây Thành (1835). Ông mất năm 1841 sau khi vua Thiệu Trị ra lịnh rút quân khỏi Trấn Tây Thành.

Võ Tánh (1768- 1801) là một trong Tam Hùng Gia Định (Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh). Ông là em rể của Nguyễn Phúc Ánh. Ông được thụy phong tước Công, một trong những người miền Nam trụ cột của triều Nguyễn. Ông mất trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi.

Phạm Đăng Hưng (1765- 1825) là một nhà nho giữ chức thượng thơ bộ Lễ, tước Công. Ông là ông ngoại của vua Tự Đức.

Phan Thanh Giản, một người Minh hương xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, là người Nam Kỷ đầu tiên đậu tiến sĩ năm 1826 và phục vụ nhà Nguyễn suốt ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông thay mặt triều đình Huế ký hiệp ước 1862 và được cử đi sứ sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam Kỳ năm 1863. Ông tự tử năm 1867 khi Pháp đánh chiếm thành Vĩnh Long.

****

Nam Bộ cung cấp cho triều Nguyễn mỹ nhân và phò mã và cho nước Việt Nam nhiều đệ nhất phu nhân.

Phò mã

Võ Tánh là em rể của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này. Ông cưới em gái của chúa Nguyễn Phúc Ánh là Nguyễn Phúc Ngọc Du.

Nguyễn Huỳnh Toán, con trai của Nguyễn Huỳnh Đức, cưới công chúa Thái Bình Ngọc Châu, con gái thứ năm của vua Gia Long.

Nguyễn Huỳnh Thành, người con trai khác của Nguyễn Huỳnh Đức, cưới công chúa Định Hòa Ngọc Cơ, con gái thứ 13 của vua Gia Long. Lễ cưới cử hành năm 1830 tức 10 năm sau khi vua Gia Long băng hà.

Phạm Đăng Thuật, con của Phạm Đăng Hưng, cưới công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, ái nữ thứ 18 của vua Minh Mạng. Vị vua này có 142 người con. Đó là vị vua có nhiều con nhất của triều Nguyễn.

Hoàng hậu và đệ nhất phu nhân

Bắc Ninh nằm trong nước Văn Lang cổ, là nơi có nhiều mỹ nhân được tuyển làm vương phi như:

Ỷ Lan Thái Phi (Lê Thị Khiết) thời Lý Thánh Tôn (vua: 1054- 1072).

Đệ Ngũ Cung Phi Đặng Thị Loan thời vua Trần Nhân Tôn (vua: 1278- 1293).

Vương Thái Phi Đặng Thị Huệ tức Bà Chúa Chè thời chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (chúa: 1767- 1782).
Quí Phi Nguyễn Thị Kim đời vua Lê Chiêu Thống (vua: 1786- 1789)
Nam Bộ là vùng đất mới, đất sản sinh hoàng hậu và nhiều đệ nhất phu nhân sau này.
Bà Hồ Thị Hoa (1790- 1807), ái nữ của thống chế Hồ Văn Vui, là vợ của thái tử Đảm tức vua Minh Mạng sau này. Bà mất năm 1807 sau khi sinh hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông tức vua Thiệu Trị sau này được 13 ngày. Bà được thụy phong Tả Thiên Nhân Hoàng Hậu năm 1841 bởi vua Thiệu Trị, con của bà.
Bà Phạm Thị Hằng (1810- 1902), ái nữ của quận công Phạm Đăng Hưng, là vợ của vua Thiệu Trị và mẹ của vua Tự Đức. Bà được biết dưới tên Từ Dũ Hoàng Thái Hậu. Bà sống qua các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, và Thành Thái. Lịch sử luôn luôn ca ngợi đức độ, lòng nhân ái của bà và sự giáo dục của bà đối với vua Tự Đức.
Bà Nguyễn Thị Nhâm, ái nữ của quận công Nguyễn Văn Nhơn, là Lịnh Phi của vua Thiệu Trị.
Bà Nguyễn Hữu Thị Lan (1914- 1963) hay Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại Huyện Sĩ tức Lê Phát Đạt, người giàu có nhất Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trở thành hoàng hậu Nam Phương sau khi kết hôn với vua Bảo Đại năm 1934. Nam Phương hoàng hậu là hoàng hậu duy nhất theo đạo Thiên Chúa và có Pháp tịch. Vua Bảo Đại không theo đạo nhưng các hoàng tử và công chúa đều theo đạo Thiên Chúa của mẹ. Nam Phương hoàng hậu là bà hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn.
Từ Dũ Hoàng Thái Hậu và Nam Phương Hoàng Hậu đều là người Gò Công (Khổng Tước Nguyên).

****
Sài Gòn là một thành phố trẻ, một giang cảng quan trọng về phương diện kinh tế và thương mại trong nước. Từ địa vị hàng đầu về kinh tế trong nước, sau đệ nhị thế chiến, Sài Gòn trở thành thủ đô chánh trị của Cộng Hoà Nam Kỳ Tự Trị (1946), thủ đô của chánh phủ Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam) dưới sự lãnh đạo của quốc trưởng Bảo Đại (1949- 1955) rồi thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà (1956- 1975) trong thời kỳ đất nước qua phân.
Quốc Trưởng gốc Nam Bộ
Tướng Dương Văn Minh (1916- 2001) là người Nam Bộ đầu tiên giữ chức quốc trưởng miền Nam Việt Nam tức Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc đảo chánh năm 1963.

Tiếp theo là tướng Nguyễn Khánh (1927- 2013) và nhà cách mạng Phan Khắc Sửu (1905- 1970) (quốc trưởng: 1964- 1965).

Năm 1975 ông Trần Văn Hương (1902- 1982) đảm nhiệm chức vụ tổng thống VNCH được một tuần lễ thì trao quyền cho tướng Dương Văn Minh (28-04-1975). Hai ngày sau VNCH hoàn toàn sụp đổ.

Ông Tôn Đức Thắng (1888- 1980) là người Nam Bộ làm chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) từ năm 1969 đến 1975 và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ năm 1976- 1980.

Ông Nguyễn Hữu Thọ (1910- 1996), chủ tịch Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, xử lý chức chủ tịch CHXHCNVN sau khi chủ tịch Tôn Đức Thắng mất (1980)
Ông Nguyễn Minh Triết (1942-) là chủ tịch CHXHCNVN từ năm 2006 đến 2011.
Ông Trương Tấn Sang (1949-) là chủ tịch CHXHCNVN từ năm 2011 đến 2016.
Phu nhân của quốc trưởng Dương Văn Minh, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang đều là người Nam Bộ.
Phu nhân tướng Nguyễn Khánh không phải người Nam Bộ.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người miền Nam Trung Bộ. Nhưng phu nhân của ông là người Nam Bộ.

Các đệ nhất phu nhân của quốc trưởng Dương Văn Minh, Phan Khắc Sửu, Tôn Đức Thắng và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đều là người tỉnh Định Tường (Mỹ Tho). Tất cả đều là những đệ nhất phu nhân đẹp, giản dị, khiêm tốn và phúc hậu theo gương các hoàng hậu gốc Nam Bộ dưới triều Nguyễn.

Thủ Tướng gốc Nam Bộ
A. Cộng Hoà Nam Kỳ Tự Trị (1946- 1948)

Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh ( 1888- 1946) (thủ tướng: 1946 và tự tử chết cùng năm)
Bác sĩ Lê Văn Hoạch (1898- 1978) (thủ tướng: 1946- 1947)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân (1892- 1989) (thủ tướng: 1947- 1949)

B. Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam- 1949- 1955)

Kỹ sư Trần Văn Hữu (1895- 1985) (thủ tướng: 1950- 1952)
Đốc phủ Nguyễn Văn Tâm (1893- 1990) (thủ tướng: 1952- 1953)

C. Việt Nam Cộng Hòa II (1963- 1975)

Nguyễn Ngọc Thơ (1908- 1976) (thủ tướng: 1963- 85 ngày)
Nguyễn Khánh (1927- 2013) (thủ tướng: 1964- 203 ngày)
Trần Văn Hương (1902- 1982) (thủ tướng: 1964- 1965- 84 ngày)
Nguyễn Văn Lộc (1922- 1992) (thủ tướng: 1967- 1968 259 ngày)
Trần Thiện Khiêm (1925-) (thủ tướng: 1969- 1975 05 năm+ 215 ngày)
Nguyễn Bá Cẩn (1930- 2009) (1975- 19 ngày)

D. Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (1969- 1976)

Huỳnh Tấn Phát (1913- 1989)

E. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1976-2019)

Phạm Hùng (Phạm Văn Thiện: 1912- 1988) (thủ tướng: 1987- 1988- 262 ngày)
Võ Văn Kiệt (Phan Văn Hòa: 1922- 2008) (thủ tướng: 1991- 1997- 06 năm 48 ngày)
Phan Văn Khải (1933- 2018) (thủ tướng: 1997- 2006- 08 năm 275 ngày)
Nguyễn Tấn Dũng (1949- ) (thủ tướng: 2006- 2016- 09 năm 284 ngày)
Tây Phương Hóa

Nam Kỳ sớm trở thành thuộc địa của Pháp nên sớm Tây Phương hóa. Sài Gòn là thành phố quan trọng nhất của Nam Kỳ nằm trên hữu ngạn sông Sài Gòn. Đó là một giang cảng quan trọng cùng với Hong Kong (Hương Cảng) và Singapore (Tinh Châu) được xem là những hòn ngọc ở Viễn Đông. Sài Gòn bắt đầu tiếp nhận kiến trúc Tây Phương qua Nhà Thờ Đức Bà tựa như nhà thờ Notre Dame ở Paris, nhà Bưu Điện thành phố, ngân hàng, Grand Magasin de Charner, dinh Norodom (Dinh Độc Lập), dinh Thống Đốc (Dinh Gia Long), trường Taberd, trường Chasseloup Laubat v.v.

Tiếng Pháp và chữ quốc ngữ được giảng dạy trước tiên ở Nam Kỳ. Trường thông ngôn ra đời để đào tạo những người học văn hóa pháp để hợp tác với Pháp như những công chức thuộc địa hay thương gia thuộc địa chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp. Đa số những người Nam Kỳ giỏi Pháp văn và quốc ngữ vào thế kỷ XIX là những tín đồ Thiên Chúa Giáo như Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Philippe Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), Emmanuel Trần Bá Lộc (tổng đốc Lộc) v.v. Ngoài ra còn có các ông Diệp Văn Cương, Trương Minh Ký. Đó là những người Việt Nam đầu tiên biết tiếng Pháp và quốc ngữ và hợp tác với Pháp sau khi Pháp chinh phục Nam Kỳ.

Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837- 1898) là nhà ngôn ngữ hiếm hoi ở Đông Á. Ông học ở chủng viện Thiên Chúa Giáo trên đảo Penang, Mã Lai. Ông biết nhiều ngôn ngữ và viết hàng trăm quyển sách bằng quốc ngữ và Pháp ngữ. Năm 1865 ông lập ra tờ Gia Định Báo. Đó là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam. Cố nhiên tờ Gia Định Báo không phải là tờ báo hoàn chỉnh như báo chí ngày nay. Pétrus Trương Vĩnh Ký dạy ở Collège des Interprètes (Trường Thông Ngôn) và Collège des Stagiaires (Trường Hậu Bổ), hai trường xưa nhất ở Nam Kỳ. Ông làm thông dịch viên cho Pháp trong các cuộc thương thuyết giữa Pháp và triều đình Huế. Năm 1863 ông làm thông dịch cho hoàng đế Napoléon III khi phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam Kỳ.

Diệp Văn Cương (1862- 1929) học ở Algérie và Pháp. Ông dạy ở trường Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Trường này được xây cất năm 1874 và hoàn thành năm 1877 dưới tên Collège des Indigènes (Trường Bản Địa) sau đổi thành Chasseloup Laubat, tên của vị tổng trưởng bộ Hải Quân và Thuộc Địa của Pháp vào thế kỷ XIX. Tờ Phan Yên Báo do ông Diệp Văn Cương lập ra dựa vào tinh thần của tờ Gia Định Báo của Pétrus Trương Vĩnh Ký trước kia vì Phan Yên: Phiên An: Gia Định. Vậy Phan Yên Báo tức là Gia Định Báo!

Ông Diệp Văn Cương là chồng của công chúa Thiện Niệm, cô của vua Thành Thái (1889- 1907). Tương truyền rằng chính ông vận động với người Pháp đưa Bửu Lân, cháu vợ của ông, lên ngôi tức là vua Thành Thái (1889- 1907). Vua Đồng Khánh (1885- 1889) học Pháp văn từ Pétrus Trương Vĩnh Ký và Diệp Văn Cương.
Những trường học xưa nhất vào thế kỷ XIX ở Nam Kỳ là: Collège des Interprètes, Collège des Stagiaires, Collège d’Adran, Collège des Indigènes sau là trường Chasseloup Laubat, Institution Taberd. Collège là trường trung học đệ nhất cấp (1ère année- 4ème année- trường Cấp II ngày nay). Collège d’Adran bao gồm trường Trung Học Võ Trường Toản và trường nữ Trung Học Trưng Vương gần Sở Thú Sài Gòn sau này.

Trường Taberd là trường tư thục Thiên Chúa Giáo lâu đời ở Nam Kỳ. Trường do Cha Henri de Kerlan (1844- 1877) thành lập năm 1874. Taberd là tên một nhà truyền giáo Pháp ở Nam Kỳ vào thập niên 1830- 1840. Trường Taberd thu hút học sinh Pháp và Việt của trường Collège d’Adran.

Năm 1881 thống đốc Le Myre de Villers cho thiết lập đường xe lửa điện Sài Gòn- Chợ Lớn dài 5.5 km. Cũng năm nầy đường xe lửa Sài Gòn- Mỹ Tho dài 72 km được khởi công và khánh thành vào năm 1885. Ngoài ra còn có đường xe lửa nối liền Sài Gòn- Gò Vấp- Hốc Môn. Mãi đến năm 1933 mới có đường xe lửa Sài Gòn- Lộc Ninh. Ga cuối cùng là ga Bến Đồng Sổ. Đường hỏa xa nầy dài 86 km.
Tây Phương Hóa đối với người Việt Nam vào thế kỷ XIX đồng nghĩa với sự tự do truyền giảng và theo đạo Thiên Chúa, sự phát triển văn hóa Pháp, sự trưởng thành của chữ quốc ngữ La Tinh hóa và sự ra đời và lớn mạnh của khoa học, kỹ thuật Tây Phương từ cái tông- đơ (tondeuse) hớt tóc, dao cạo râu, đôi giày da, cục xà bông, cái áo bành tô (paletot), sơ mi (chemise) đến chiếc tàu hơi nước hay chiếc xe lửa trên thiết lộ v.v.

****
Những người trí thức Tây học đầu tiên thấm nhuần Pháp ngữ và quốc ngữ là Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), Diệp Văn Cương, Đặng Ngọc Oánh v.v. Năm 1920 ông Đặng Ngọc Oánh đại diện vua Khải Định trong lễ khánh thành đền kỷ niệm những người lính Đông Dương chết trong đệ nhất thế chiến ở Nogent sur Marne cách Paris 10.6 km. Tham dự trong buổi lễ này có Albert Sarraut, tổng trưởng bộ Thuộc Địa, thống chế Joffre, người hùng của Pháp trong đệ nhất thế chiến.

Ông Bùi Quang Chiêu (1873- 1945) là kỹ sư canh nông (ingénieur agronome) đầu tiên của Việt Nam. Ông học ở Algérie rồi Pháp và tốt nghiệp kỹ sư năm 1897.

Con trai ông Bùi Quang Chiêu là Louis Bùi Quang Chiêu (đặt tên theo Pháp vì có Pháp tịch) là bác sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Paris. Ông tạo nguồn cảm hứng cho em gái ông là Henriette Bùi Quang Chiêu theo học y khoa. Henriette Bùi là vị nữ bác sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Paris năm 1934. Bà Henriette Bùi sinh năm 1906 và mất ở Paris năm 2012.

Ông Lưu Văn Lang (1881- 1969) xuất thân từ một gia đình nghèo. Ông là kỹ sư bách nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures) đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp École Centrale de Paris vào năm 1904. Ông là nhạc phụ của bác sĩ Trần Văn Đỗ, chú của bà Trần Thị Lệ Xuân tức bà Ngô Đình Nhu. Ông không cùng lập trường chánh trị với các ông Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Thông, Đỗ Hữu Phương, Đỗ Hữu Vị hay Ngô Đình Diệm.

Ông Đỗ Hữu Phương là người Việt Nam có Pháp tịch đầu tiên vào năm 1879. Con ông là Đỗ Hữu Vị (1883- 1916) là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Võ Bị St Cyr nổi tiếng của Pháp. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên lái phi cơ trong quân đội Pháp.
Sau này có trung tướng Nguyễn Văn Hinh (1915- 2004), con của thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, là tướng Không Quân trong quân đội Pháp. Ông tốt nghiệp Salon de Provence. Ông là tổng tham mưu trưởng Quân Đội Quốc Gia thời quốc trưởng Bảo Đại.

Ông Nguyễn Văn Xuân (1892- 1989) tốt nghiệp École Polytechnique năm 1911. Cấp bực sau cùng của ông trong quân đội Pháp là tướng 03 sao (trung tướng).
Ông Nguyễn Ngọc Bích (1908- 1963) là học viên xuất sắc của École Polytechnique của Pháp. Thân sinh ông Bích là đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương, người đứng đầu giáo phái Cao Đài Bến Tre. Ông Bích theo kháng chiến và bị bắt đưa về Pháp vì có Pháp tịch. Ông trở thành bác sĩ y khoa sau khi bị đưa về Pháp. Ở Paris ông thành lập nhà xuất bản Minh Tân. Ông chung sống với nữ bác sĩ Henriette Bùi một thời gian ngắn thì mất vì bịnh.

Ông Phạm Quang Lễ (1913- 1997) tức Trần Đại Nghĩa, cha đẻ của súng SKZ (Súng Không Zật) cũng là một học viên xuất sắc của École Polytechnique. Giống như ông Lưu Văn Lang và Lê Văn Thới, ông Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) xuất thân từ một gia đình nghèo. Nhưng cả ba vị nói trên đều là những kỹ sư và nhà hoá học xuất sắc tốt nghiệp các trường nổi tiếng của Pháp.

Ông Lê Văn Thới (1917- 1983) là tiến sĩ hoá học nổi tiếng một thời ở Bordeaux.
Ông Kha Vạng Cân (1908- 1982) tốt nghiệp École des Arts et Metiers.
Ông Trần Văn Văn (1908- 1966) tốt nghiệp HEC (Haute Étude Commerciale)
Hai tướng Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim đều tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại Pháp (HEC: Haute Étude Commerciale).
Một người con trai của ông Bùi Quang Chiêu là Camille Bùi Quang Chiêu cũng học ở trường Cao Đẳng Thương Mại danh tiếng của Pháp (HEC).
Ông Trần Văn Trai (1911- 2011) lấy hai bằng tiến sĩ luật và văn chương ở trường Đại Học Sorbonne, Paris.
Ông Vương Quang Nhường (1902- ?) lấy tiến sĩ luật năm 1930. Năm 1935 ông cưới nữ bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu. Nhưng cả hai sớm ly dị. Sau ông là rể của cựu hoàng Thành Thái.

Vào thập niên 1960 hai ông Nguyễn Hữu Châu và Nguyễn Văn Bông (1929- 1971) đều là Thạc sĩ luật khoa. Để được dự thi Thạc Sĩ Luật để dạy đại học thí sinh phải có tiến sĩ và được một quốc gia giới thiệu. Ông Bông được chánh phủ VNCH giới thiệu và sau khi đậu về Sài Gòn làm Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ông Nguyễn Hữu Châu được thái tử Sihanouk của Cambodia giới thiệu nên dạy luật ở Phnom Penh sau về dạy đại học Paris.

Cùng thời gian này ông Nguyễn Ngọc Huy (1924- 1990) lấy tiến sĩ Chánh Trị Học ở Paris. Ông là một giáo sư, một nhà báo, một lý thuyết gia chánh trị, một nhà thơ v.v. Không một học sinh Việt Nam nào không biết bài thơ Anh Hùng Vô Danh trong tập thơ Hồn Việt dưới bút hiệu Đằng Phương của ông.

Linh mục Nguyễn Bá Tòng (1868- 1949) là người Nam Bộ được thụ phong giám mục đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1933.
Ông Nguyễn An Khương (1860- 1931), thân phụ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, là người đầu tiên dịch truyện Tàu ra quốc ngữ. Ông hợp tác cùng Lương Khắc Ninh trong tờ Nông Cổ Mín Đàm (1901).
Ông Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung 1885- 1958) là đốc phủ sứ và là tiểu thuyết gia đầu tiên của Việt Nam (1910). Điều đáng lưu ý là các ông Nguyễn Bá Tòng, Hồ Biểu Chánh, Vương Quang Nhường, Nguyễn Hữu Châu, Nguyễn Văn Bông đều là người Gò Công.
Nhà văn Phú Đức là một Alexandre Dumas của Việt Nam.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc (Tô Văn Tuấn 1914- 1987), Lê Xuyên (Lê Binh Tăng 1927- 2004), Sơn Nam (Phạm Minh Tài 1926- 2008) là những nhà văn Nam Bộ có văn phong và kiến thức chuẩn mực vững vàng.
Bà Nguyễn Thị Khuê tức Sương Nguyệt Anh (Nguyệt Anh góa chồng) (1864- 1921) là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu). Bà Sương Nguyệt Anh sáng lập ra tờ Nữ Giới Chung (Chuông Nữ Giới) năm 1918. Báo bị đóng cửa sau khi phát hành được vài số!
Ông Lương Khắc Ninh (1862- 1943) là nhà nho học và Tây học làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm (1901), Lục Tỉnh Tân Văn (1908). Năm 1905 ông khai sinh ra ngành hát bộ ở Nam Kỳ.
Ông Lưu Hữu Phước (1921- 1989), một sinh viên trường Y Dược Hà Nội gốc ở Cần Thơ, trở nên nổi tiếng về những bản nhạc yêu nước từ thập niên 1940 đến thập niên 1970. Bài Thanh Niên Hành Khúc (La Marche des Étudiants) của ông trở thành quốc ca của Quốc Gia Việt Nam (1949- 1955) rồi Việt Nam Cộng Hoà (1956- 1975). Ông cũng là tác giả bài Giải Phóng Miền Nam vào đầu thập niên 1960 dưới bút danh Huỳnh Minh Siêng. Đó là quốc ca của Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (1969- 1976) của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng. Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh văn Tiếng là ba người bạn thân thiết khi còn học ở trường Pétrus Ký. Có nhiều bản nhạc mang tên ba người bạn nói trên.

Ông Nguyễn Háo Vĩnh (1893- 1941) là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp đại học St Joseph của Anh ở Hồng Kông. Cha ông là Nguyễn Háo Văn trong Phong Trào Minh Tân của Gilbert Trần Chánh Chiếu. Vì vậy có tài liệu cho rằng ông là người được gởi sang Nhật ngay từ năm 1905 vì phong trào Minh Tân hưởng ứng Phong Trào Đông Du của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Điều này cần phải xét lại vì ông sinh năm 1893. Phong Trào Đông Du ra đời năm 1905. Lúc ấy ông mới 12 tuổi! Có phải chăng năm sinh thật của ông trước 1893? Vì không thể nào ở tuổi 12 mà ông học hết bậc trung học ở trường Chasseloup Laubat được!! Học chế thời Pháp thuộc rất gay go. Nào là thi lên lớp rồi thi lấy bằng. Ở bậc trung học đệ nhất cấp (cấp II bây giờ) thì thi lấy bằng Brevet. Ở bậc đệ nhị cấp (cấp III) thì thi tú tài I rồi tú tài II.
Sau đệ nhị thế chiến có ông Phạm Văn Thuật tốt nghiệp đại học Oxford, Anh Quốc.
Ông Huỳnh Sanh Thông (1926- 2008) là một học giả nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Ông đến Athens, Ohio, Hoa Kỳ, năm 1948 với tư cách người tỵ nạn chánh trị. Ông bị Pháp bắt trong lúc lao động trong tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Hoa Kỳ can thiệp ông được tự do và được sang Hoa Kỳ với tư cách người tỵ nạn chánh trị. Năm 1951 ông tốt nghiệp đại học Ohio về kinh tế học. Ông làm việc cho đại học Ohio, đại học Yale với tư cách là một nhà dịch thuật các tác phẩm liên quan đến văn hóa Việt Nam và giáo sư Việt ngữ v.v.
Ông Huỳnh Văn Lang (1922- ), Nguyễn Văn Thơ và vợ là Phan Thị Nguyệt Minh là những sinh viên Nam Bộ đến Hoa Kỳ từ Pháp trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Về nước ông Lang làm tổng giám đốc Viện Hối Đoái (Office des Changes) (Đệ Nhất Cộng Hoà). Ông Thơ và bà Nguyệt Minh đều có địa vị vững chắc trên chánh trường Nam Việt Nam từ năm 1956 đến 1975. Về sau có các PhD Trương Thị Hoàng Lem, Cao Thị Lể, Cao Văn Hở, Nguyễn Hữu Phước v.v...

NAM BỘ: SÂN KHẤU CHÁNH TRỊ MỚI
Nam Kỳ sớm bị người Pháp xâm chiếm. Bằng những phương tiện nghèo nàn dân Nam Kỳ vùng lên chống Pháp. Những người chỉ huy kháng chiến chống Pháp vào thế kỷ XIX thuộc những thành phần xã hội khác nhau:

- Trương Định (1820- 1864) là quản cơ đồn điền.

- Nguyễn Trung Trực (1838- 1868) là nông dân. Nguyễn Trung Trực lập được những chiến công hiển hách khi đốt tàu Espérance của Pháp ở Nhật Tảo, Long An và chiếm Kiên Giang (Rạch Giá) trong 05 ngày.

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khóc quỉ thần.

- Nguyễn Hữu Huân (1830- 1875) tức thủ khoa Huân là một nhà khoa bảng.
- Võ Duy Dương tức Thiên Hộ Dương (1827- 1866) là phú hộ dạt dào lòng yêu nước.
Tuy không thành công, các cuộc kháng chiến chống Pháp rời rạc này cũng làm cho người Pháp kiêng dè.
Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân đã tìm những cái chết oai hùng khẳng định sự khao khát độc lập và tự do của dân tộc.
Kháng chiến diễn ra khắp lục tỉnh Nam Kỳ dưới nhiều dạng khác nhau như:
- Thiên Địa Hội do Phan Xích Long tức Phan Phát Sanh (1893- 1916) lãnh đạo 
- Bửu Sơn Kỳ Hương do Đoàn Minh Huyên (1807- 1856) sáng lập. Một đệ tử của Bửu Sơn Kỳ Hương là Trần Văn Thành khởi nghĩa chống Pháp ở Bảy Thừa, An Giang.
- Phong Trào Minh Tân của Gilbert Trần Chánh Chiếu (1868- 1919) lập khách sạn, báo Lục Tỉnh Tân Văn, gây quỹ ủng hộ Phong Trào Đông Du của Phan Bội Châu và Phong Trào Duy Tân của Phan Châu Trinh.
- Phong trào báo chí Nam Kỳ: Nam Kỳ là đất thuộc địa. Luật pháp ở Nam Kỳ không gay gắt như luật Nam triều thi hành ở Bắc và Trung Kỳ. Đó là lý do tại sao các ông Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Trịnh Đình Thảo, Trần Quốc Bửu, Nguyễn Phan Long v.v. hoạt động ở Nam Kỳ. Phan Khôi vào Sài Gòn để hoạt động báo chí. Những tờ báo Pháp ngữ và Việt ngữ nổi tiếng vào đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ là Nông Cổ Mín Đàm (1901), La Tribune Indochinoise (Diễn Đàn Đông Dương), L’Écho Annamite (Tiếng Dội Nước Nam), Đuốc Nhà Nam (ba tờ báo này của đảng Lập Hiến của ông Bùi Quang Chiêu); Lục Tỉnh Tân Văn (1908) của Lương Khắc Ninh & Gilbert Trần Chánh Chiếu; L’Annam của tiến sĩ Phan Văn Trường; La Cloche Fêlée (Chuông Nứt) do Nguyễn An Ninh (1899- 1943) chủ trương (Báo Pháp ngữ luôn luôn có người Pháp đứng tên để xin giấy phép được dễ dàng) v.v.
- Hội Kín Nguyễn An Ninh: Nguyễn An Ninh (1899- 1943) là nhà cách mạng Tây học trẻ nhất trong nhóm Ngũ Long Paris thời hậu đệ nhất thế chiến. Nhóm này gồm: Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau này) và Nguyễn An Ninh. Ông là trung gian giữa chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa Cộng Sản. Có người liệt ông vào khuynh hướng vô chánh phủ (anarchism) của Bakunin.
- Sự ra đời của đạo Cao Đài (1926) và Phật Giáo Hòa Hảo (1939): Đốc phủ Ngô Văn Chiêu (1878- 1932) khai sáng ra đạo Cao Đài năm 1926. Các chức sắc lãnh đạo của đạo Cao Đài gồm có hội đồng Lê Văn Trung, đức hộ pháp Phạm Công Tắc, đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương (Cao Đài Bến Tre). Các ông Nguyễn Háo Vĩnh, Phan Khắc Sửu, Lê Văn Hoạch, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Hòa Hiệp, Trần Văn Quế, Trần Quang Vinh, Cao Triều Phát v.v. đều là tín đồ đạo Cao Đài.
- Phật Giáo Hòa Hảo ra đời năm 1939. Giáo chủ là đức Huỳnh Phú Sổ (1919- 1947). Ngài được xem là hiện thân của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên của Bửu Sơn Kỳ Hương.
- Việt Nam Quốc Dân Đảng do ông Nguyễn Hòa Hiệp đại diện ở miền Nam
- Đệ Tam Quốc Tế (Third International- Stalinism) với các ông Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trân.
- Đệ Tứ Quốc Tế (Fourth International- Trotskyism) với các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Thạch, Đoàn Văn Trương, Huỳnh Văn Phương.
- Đại Việt với các ông Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Văn Hướng. Ông Trương Tử Anh sáng lập ra đảng Đại Việt ở Hà Nội vào năm 1938 với chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Chủ nghĩa này được giáo sư Nguyễn Ngọc Huy triển khai và hệ thống hóa vào đầu thập niên 1970. Hai giáo sư Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (1969). Ông Bông là chủ tịch. Ông Huy là tổng thơ ký. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy còn là tổng thơ ký của đảng Tân Đại Việt (1964).
Đệ nhị thế chiến chấm dứt. Pháp tái chiếm Nam Bộ. Bằng tầm vông vạt nhọn dân Nam Bộ đứng lên chống Pháp. Vài tướng lãnh Pháp phì cười. Chỉ có tướng Leclerc suy nghĩ vu vơ. Ông đánh giá sức mạnh tinh thần cao hơn sức mạnh võ khí. Đó là sức mạnh của những người:
Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước.
Tướng Leclerc cảm thông được sức mạnh ấy khi hợp tác cùng thiếu tướng Charles de Gaulle trong lực lượng kháng phát xít Đức ở hải ngoại.

****
Đến đây tôi xin dừng bút và chân thành xin lỗi những anh hùng vô danh Nam Bộ thiếu sót tên trong bài viết này. Tên tuổi các vị ấy còn lẫn trốn trong trí nhớ khô cạn và già nua của tôi. Tôi xin gởi một nén hương lòng tưởng nhớ đến những người Nam Bộ hữu danh hay vô danh đã dùng tim, óc, mồ hôi, nước mắt và xương máu của mình để tô điểm cho một VIỆT NAM QUANG VINH và TRƯỜNG TỒN.

Nghi ngút hương khói trầm bay theo gió
Hồn thiêng nương gió, gió đưa về đây
Vì nghe lời nước non thầm nhớ

Người anh hùng sống cho ngày mai
Đây khói trầm và đây tiếc thương
Và đây ghi dấu anh linh giống Hồng Bàng.

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét