Powered By Blogger

NỮ BÁC SĨ ĐẦU TIÊN CỦA QUỐC GIA VN

Thời Pháp thuộc, hệ thống y bác sĩ, bệnh xá được người Pháp xây dựng lần hồi mọc lên, người Việt cũng theo đó tiếp nhận các phương pháp điều trị mới mẻ và rất hiệu quả của Tây y. Bà Henriette Bùi Quang Chiêu trở thành nữ bác sĩ đầu tiên thời quốc gia VN. Bà sinh sống thường xuyên ở Pháp,  bà đã có nhiều lần về phục vụ trong các bệnh viện của miền nam thời VNCH trước 1975 , bà sinh năm 1906, nguyên quán ở Bến Tre.

Lịch sử nền y học nước Việt đã từng có nhiều tên tuổi đã đóng góp vào sự phát triển của nghề “lương y như từ mẫu” như Tuệ Tĩnh thiền sư (1330-1400) sống vào thời nhà Trần , Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) thời Hậu Lê, được tôn vinh là ông tổ ngành y học của VN.…

Trước khi có Tây y giúp việc chữa bệnh, dân ta thường được các thầy lang, bà đỡ  chửa trị, họ chỉ dùng thuốc Nam, thuốc Bắc để chửa trị. Vào thời chưa có Tây y, tỉ lệ người Việt chết vì bệnh, sinh đẻ có tỉ lệ rất cao. Đến khi người Pháp sang xâm chiếm nước ta mang theo y dược khoa với hệ thống y bác dược sĩ, bệnh xá được xây dựng trên khắp 3 miền đất nước, người Việt cũng từ đó đã làm quen và tiếp nhận cách sự chửa trị theo phương pháp Tây y. Trong lịch sử cận đại của VN có ghi nhận, Bà Henriette Bùi Quang Chiêu là một nữ bác sĩ đầu tiên của nước ta.

Về xuất thân của bà Henriette, bà là con của một nhân vật có tiếng tăm ở miền nam VN, đó là Kỹ sư Bùi Quang Chiêu, là nhân vật sinh sống ở Nam Kỳ trước 1945, thời Pháp thuộc và quốc gia VN. Thân phụ của bà là một trí thức theo Tây học yêu nước, người sáng lập lập Đảng Lập hiến Đông Dương (1923-1930), và Bùi Quang Chiêu là Tổng Bí Thư, hoạt động để đòi tự do báo chí, đòi bình đẳng cho người VN và ông cũng thường giúp nhiều du học sinh sang Pháp du học…

Khi còn nhỏ, bà Henriette từng theo học tại trường Lycée Marie Curie, một trường Pháp Sài Gòn. Henriette thừa hưởng tính năng nổ, tháo vát, chịu thương chịu khó từ người mẹ (bà Vương Thị Y, xuất thân trong gia đình người Hoa ở Chợ Lớn, là thương gia rất giàu có nhờ làm ăn kinh doanh nhà cửa đất đai vùng Phú Nhuận khi nơi này đang mở mang. Chính nhờ có vốn liếng tài sản của riêng gia đình, nên khi du học bên Pháp các con ông bà đều không nhận bất cứ một học bổng nào của chính quyền thuộc địa, tất cả đều đi du học Pháp theo diện tự túc.

Khi chưa qua Pháp, bà Henriette còn được theo học Trường Saint Paul de Chartres (trường Nhà Trắng) tại Sài Gòn. Năm 1915, Henriette nhận bằng Certificat d'Études rồi vào học trường Collège des Jeunes Filles, tức Trường Trung học Gia Long, trường Áo Tím sau này.

Henriette được sống trong môi trường nhiều thuận lợi: gia đình khá giả, có kiến thức của hai nền văn hóa Âu Á, được thêm sự giáo dục phóng khoáng. Với nền tảng ấy nên từ thủa nhỏ, cô gái đã thể hiện cá tính độc lập với năng lực khác thường. Henriette rất thông minh, tính bướng bỉnh nhưng lại có khiếu hài hước, nói chuyện dí dỏm. Được bằng Certificat d'Études hạng xuất sắc, Henriette nằng nặc đòi được cha mẹ cho đi du học ngành y ở Paris. Cho con gái tuổi còn vị thành niên đi du học thời bấy giờ là việc hy hữu, nhưng thấy con quyết chí, cha mẹ cô đành chiều ý. Cô tiểu thư nhà họ Bùi ra bến tàu Sài Gòn, xuất ngoại năm 1921, sang du học, ở Agen miền nam nước Pháp. Lúc ấy Henriette mới có 14 tuổi cho nên ông bà Bùi Quang Chiêu phải thuê một giáo sư trường Marie Curie đi cùng để chăm lo việc sinh sống và học hành của con gái.

Con đường đến với lĩnh vực y khoa của Henriette được đánh dấu khi cô gái trẻ sang Pháp du học và duyên lành với nghề chữa bệnh cứu người của Henriette, là từ sự nối bước người anh Louis Bùi Quang Chiêu, vốn là một bác sĩ chuyên về bệnh ho lao nổi tiếng tại Sài Gòn.

Do đó sau khi tốt nghiệp bậc trung học tại Trường Lycée Fenelon ở Paris vào năm 1926, năm sau Henriette đã trở thành cô sinh viên An Nam đầu tiên tại ĐH Y khoa Paris. Bà dã dành cả tuổi thanh xuân cho việc học, sau bảy năm miệt mài nơi ghế giảng đường và trong phòng thí nghiệm, cô gái Á Đông Henriette tốt nghiệp với luận án đạt loại xuất sắc vào năm 1934.

Bản luận án được Hội đồng giám khảo khen ngợi và tặng thưởng huy chương. Một vinh dự hiếm có dành cho nữ sinh viên đến từ đất nước An Nam xa xôi.

Với tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Henriette về nước và bắt đầu bước vào con đường lập nghiệp trong lĩnh vực y tế, nơi mà ở đó, đội ngũ y bác sĩ người Việt còn hiếm hoi, chứ chưa nói đến là nữ bác sĩ.

Bên cạnh đó là cả sự coi thường của những đồng nghiệp Pháp với đồng nghiệp Việt lúc bấy giờ, gần như ở bất kỳ lĩnh vực nào. Năm 1935, ở tuổi 29, bà Henriette  đã về VN làm việc, bà nhận chức trưởng khoa Hộ sinh ở Bệnh viện Chợ Lớn trong bước đường đầu tiên phục vụ cho đồng bào VN của mình, bà tham gia vào nghề “từ mẫu” giữa lúc nền y tế nước Việt đang còn mang nặng tính cổ truyền và tây y chưa được ưa chuộng ở nước ta lúc bấy giờ. Người dân phần nhiều còn xa lạ với nhà thương, bệnh xá cũng như phương pháp chữa bệnh khoa học bằng Tây y. Và đâu chỉ thế, bà còn đối diện với nhiều khó khăn khác trong lúc hành nghề nghề từ những đồng nghiệp người Pháp.

Lúc đó, VN đã bị người Pháp chiếm đóng, nên trong con mắt của người Pháp với người An Nam cũng có những phân biệt hẹp hòi. Sự kỳ thị, khinh miệt từ những đồng nghiệp người Pháp với đồng nghiệp An Nam; sự bất công về tiền lương cho y bác sĩ Việt so với đồng nghiệp Pháp,...

Tất cả những điều đó, Henriette đều vượt qua bằng lòng yêu nghề và sự tự tôn dân tộc, bằng sự đấu tranh trực diện với cấp trên để yêu cầu những quyền lợi chính đáng cho y bác sĩ Việt, cho bệnh nhân người Việt.

Có lần giám đốc bệnh viện là người Pháp, đã yêu cầu bà phải mặc váy đầm với lý do như thế mới nhận được sự kính trọng và bình đẳng hơn trong mắt đồng nghiệp người Pháp, nếu không bà sẽ bị lầm tưởng bà là một “bà mụ đỡ đẻ” hơn là một bác sĩ sản khoa. Tuy nhiên, với lòng tự trọng và tự tôn dân tộc, bà khước từ yêu cầu ấy,  vẫn ăn tiếp tục ăn mặc như một người phụ nữ truyền thống Việt Nam.

Trong quãng đời 44 năm gắn bó với nghề y, Henriette lúc thì làm việc ở Việt Nam, lúc thì sang Pháp hành nghề. Bà còn nâng cao tay nghề khi sang Nhật Bản năm 1957 học châm cứu để áp dụng có hiệu quả cho ngành sản khoa. Đến năm 1961, Henriette sang Pháp sinh sống và tiếp tục nghề y với phòng mạch riêng của mình. 

Bà cư xử với đồng nghiệp, bệnh nhân và mọi người với tinh thần bác ái, không phân biệt nam nữ, tôn trọng sự bình quyền giữa mọi người và sự bình đẳng giữa người Việt và người Pháp. Ðến năm 1966 bà gia nhập tổ chức y khoa làm nhân đạo từ trước khi tổ chức “Medecins Sans Frontière” (Bác Sĩ Không Biên Giới) ra đời. Thời kỳ chiến tranh xâm lược của cs Bắc Việt, bà hết lòng cứu chữa người bệnh, người bị thương dù cho đó là những cán binh cộng sản bị thương và bị đồng đội bỏ lại trên chiến trường, bà hoàn toàn không phân biệt bạn thù. Bà rời VN và trở về Pháp năm 1971, trong thời gian này bà đã hiến tặng cho Đại Học Y Khoa Sài Gòn biệt thự của bà ở số 28 đường Testard làm cơ sở cho Trường ĐH Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Trở về Pháp bà hành nghề y tới 1978 mới về hưu.

Về phần đời riêng, Henriette qua sự sắp đặt của cha, đã kết duyên với luật sư Vương Quang Nhường, một đảng viên của Đảng Lập hiến. Nhưng vì không tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống, thiếu sự chia sẻ nên duyên cầm sắt cũng chỉ có hai năm, hai người chia tay năm 1937.

Sau này khi ở Pháp đầu thập niên 1960, bà gá nghĩa với ông Nguyễn Ngọc Bích trong tình yêu đến từ hai phía. Tiếc rằng, ông Bích bị ung thư vòm họng rồi mất vài năm sau khi hai người thành vợ chồng.

Bà mất vào ngày 27-4-2012 tại Paris, thọ 106 tuổi.

Tổng hợp, từ Lý Bich Thủy 28.11.2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét