Powered By Blogger
KỶ HỢI 2019 -TẢN MẠN VỀ HEO
Heo (lợn) con vật thuộc 12 con giáp, rất thân thiện và gần gũi với con người. Nó sướng nhất vì chỉ ăn và ngủ, khỏi phải lo lắng điều gì. Vì heo vốn là nhàn nhã, sống vô tư, không lo nghĩ, tròn trịa trù phú, mũm mĩm, phúc lộc, nên năm heo sẽ mang nhiều niềm vui, vận may, tụ tài lộc, lợi nhuận sung túc thoải mái cả tinh thần và vật chất đến với mọi người.

Năm 2019 sắp tới sẽ là năm Kỷ Hợi tuổi con heo, ngày mùng một Tết Nguyên Đán nhằm vào ngày 5.2.2019. Lịch ta từ 23 đưa ông Táo đến ngày mùng 3 Tết như sau:
23 tết --> ngày 28/1/2019
24 tết --> ngày 29/1/2019
25 tết --> ngày 30/1/2019
26 tết --> ngày 31/1/2019
27 tết --> ngày 1/2/2019
28 tết --> ngày 2/2/2019
29 tết --> ngày 3/2/2019
30 tết --> ngày 4/2/2019
mùng 1 tết --> ngày 5/2/2019
mùng 2 tết --> ngày 6/2/2019
mùng 3 tết --> ngày 7/2/2019
Trong 12 con giáp, ba con vật cuối cùng (gà, chó, và heo) có mối liên hệ gần với con người hơn các con vật như chuột, trâu, cọp, v.v. Heo là một con vật mà chỉ nói đến tên chúng ta cũng có thể cảm thấy gần gũi; một con vật mà hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và là biểu tượng văn hóa.  Trong tiếng Việt hằng ngày, heo cũng thường được nhắc đến, nào là "mập như heo", "ngu như heo", "lười như heo", "ăn như heo", "ngủ như heo", "sướng như heo", và "dơ như heo", vv... Nói chung là các từ ngầm so sánh để diễn ta một ai đó không làm gì cả, khỏi phải động não, chẳng hề căng thẳng (stress), mà vẫn "phây phây", tốt tướng, hưởng thụ, nhàn nhã. Nhưng đứng trên phương diện sinh học mà nói, thật ra heo không có tối dạ; trái lại, heo rất thông minh, dễ dạy, ngoan hiền và thân thiện.

Heo là con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người Á châu mà còn cả Âu châu. Đối với người Việt Nam và Trung Hoa, heo gần gũi đến độ được nhân cách hóa qua nhân vật hư cấu nửa người nửa heo Trư Bát Giới trong truyện nổi tiếng “Tây Du Ký”. Đối với các dân tộc sống tại các đảo ngoài lục địa Đông Nam Á, ngoài “chức năng” cung cấp thực phẩm, heo còn là biểu tượng của sự giàu có. 
Theo văn hóa Việt Nam hay Á Châu , heo là biểu trưng của tiền bạc, sự phồn thịnh, sung túc, tài lộc, nên nhiều nghệ nhân đã đúc tượng heo vàng, lịch ảnh heo treo tường, heo ống tiết kiệm làm giàu, tranh dân gian để thể hiện sự chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông vui, sanh sôi nảy nở, phúc lộc dồi dào phong phú. Heo cũng còn là biểu tượng của vật tế lễ cúng bái như sính lễ hôn nhân, đám giỗ, quà cưới cho cô dâu, tạ lễ sau khi thành công ở thương trường buôn bán, sanh con, cúng tế thần linh, lễ khai trương, v.v.

HEO CHUYÊN ĐI TÌM NẤM CỦ.

Mũi heo đăc biệt rất nhạy bén trong việc tìm nấm củ (Trüffel), một loại nấm đắt tiền thường được sử dụng trong các nhà hàng cao cấp ở Âu Châu, thế nên từ xưa một số người ở Âu Châu cũng đã biết dùng heo đã huấn luyện đặc biệt để đi tìm kiếm loại nấm củ quí hiếm này. 
Loại nấm củ (Trüffel) rất hiếm, chỉ mọc tự nhiên dưới gốc cây sồi, thông con người rất khó tìm được loại nấm củ , mà phải cần tới sự trợ giúp đắc lực của “Das Trüffelschwein” – một loại heo chuyên dùng để đi tìm nấm “chuyên nghiệp”. Những con heo được huấn luyện này sẽ chạy rông trong rừng, dùng mũi đánh hơi mùi nấm dưới lòng đất và báo hiệu cho chủ nhân. Loại nấm truffle trắng thường được thấy nhiều ở thị trấn Alba, thuộc Piedmont của nước Ý, có mùi thơm nồng và vị ngọt kỳ lạ, đôi lúc còn phất thoảng hương tỏi, mặc dù không lưu hương được lâu. Thông thường, truffle trắng được bào nhỏ hoặc băm nhuyễn rồi rắc lên trên các món ăn sau khi nấu để tạo ra hương vị khác biệt. Nấm truffle trắng được bày bán đắt hơn so với truffle đen nhưng ít được sử dụng bởi loại này lưu trữ hương thơm không được lâu bằng. Ngày nay, người Pháp hay Ý thường dùng chó để đi tìm loại nấm củ quý hiếm này.

HEO TRONG KHO TÀNG CA DAO TỤC NGỮ

Ca dao tục ngữ thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là xã hội, gia đình và tình yêu. Và xã hội nào cũng vậy, có kẻ giàu người nghèo. Đáng buồn là dân nghèo thì chiếm đa số. Để diễn tả sự chênh lệch của hai giai cấp này, trong đó người ta lấy con "Heo" hay "Lợn" làm biểu tượng cho sự giàu có sung túc qua các lễ hội, đám đình vì thế dân gian Việt đã đặt ra bài ca dao sau đây:

"Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế anh liều anh lo
Cưới em anh nghĩ cũng lo
Con lợn chẳng có, con bò thì không
Tiền gạo chẳng có một đồng
Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
Sớm mai sang hiệu cầm khăn
Cầm được đồng bạc để dành cưới em..."
Cũng có những câu ca dao khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân:

"Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn
Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm."

Hay: "Giàu lợn nái, lãi gà con"

Nuôi lợn để đem bán là một sinh kế của giới nông dân Việt. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nẩy sinh ra những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về: 

"Ba bà đi bán lợn con
Bán đi chẳng được lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn sề
Bán đi chẳng được chạy về lon ton

Người đàn bà Á Châu bản tánh vốn đảm đương. Đàn bà Việt Nam xưa nay giỏi trên nhiều phương diện, nhất là lo cho gia đình chồng con. Để diễn tả sự khó nhọc, bổn phận làm vợ và khả năng đa diện của người đàn bà Việt, ca dao có câu:

"Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm"
Hoặc để ám chỉ sự giàu có của ai đó:
"Cồng cộc bắt cá dưới bàu
Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo"

Cảnh mẹ chồng khắc nghiệt với nàng dâu thời phong kiến và cho đến bây giờ đã làm cho nhiều cuộc tình tan vỡ hay vợ chồng lục đục. Dân Việt chúng ta đã lồng hình ảnh này vào ca dao, tuy nhẹ nhàng nhưng rất phong phú qua lối diễn đạt:

"Bố chồng là lông con lợn 
Mẹ chồng như tượng mới tô,
Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi"

Nhằm trách khéo những người mẹ nghèo muốn con gái mình lấy chồng giàu nên (ngày xưa) đã ép duyên con và đưa đến những chuyện không may như sau:

"Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng."

Cảnh ép duyên đôi khi mang lại một cuộc sống buồn, không mấy hạnh phúc đối với người đàn bà Việt tại thôn quê nói riêng. Nhiều người đã mượn ca dao để than trách số phận hẩm hiu của mình:

"Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
Nói ra sợ chị em cười
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay
Tối về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có, vui rày thì không.
Ngày thời vất vả ngoài đồng
Tối về thời lại nằm không một mình.
Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò."

Thay vì nói rõ ra mình muốn gì, ca dao Việt thâm thúy hơn mượn hình ảnh con lợn để diễn tả ý nghĩ thầm kín đó, nên có câu:

"Trông mặt mà bắt hình dong 
Con lợn có béo thì lòng mới ngon"

Tỏ tình là cả một nghệ thuật, thông thường mấy chàng văn hoa bóng bẩy nhưng cũng có người mượn con lợn làm phương tiện hầu đạt được cứu cánh. Hãy nghe anh chàng ngố tìm cách làm quen, bày tỏ:

"Cô kia đi chợ Hà Đông
Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng"

Đặc biệt ca dao cũng là phương tiện để những chàng trai tìm cách tán tỉnh đàn bà, thiếu nữ. Nhiều anh chàng tỏ tình kín đáo, khéo nói:

"Tình cờ bắt gặp nàng đây 
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
May xong anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho
Anh giúp một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm...
Anh giúp đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đáp đôi tằm em đeo
Anh giúp quan tám tiền cheo..."

THÀNH NGỮ

Lợn lành thành lợn què
Trông mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo bộ lòng mới ngon
Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng
Nuôi heo thì phải vớt bèo/Lấy vợ thì phải nợp cheo cho làng
Lợn cấn ăn cám tốn (đối lại với câu: Chó khôn chớ cắn càn)
Lợn cưới áo mới: Khoe đồ đẹp
Lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa
Chăn lợn ba năm không bằng chăn tằm một lứa
Đầu gà, má lợn
Giàu nuôi chó, khó nuôi heo
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Người ta thách lợn, thách gà/Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang
Đồ con lợn như là một câu chửi
Con lợn da trắng dùng để chửi những người phương Tây da trắng,
Mập như heo chế diễu một ai đó mập
[Hám] ăn như heo: Chế diễu ai đó ham ăn
Tuồng chó lợn hay phường chó lợn: Câu chỉ sự khinh mạn
Phim heo tên gọi chỉ về những bộ phim có nội dung đồi trụy
Lợn chê chó có bọ
Lợn không cào, chó nào sủa
Lợn đầu cau cuối
Lợn rọ, chó thui
Lợn ăn xong lợn nằm, lợn béo/Lợn ăn xong lợn réo, lợn gầy
Lợn đói một bữa bằng người đói cả năm
Lợn nước mạ, cá nước rươi
Lợn thả, gà nhốt
Lợn bột thì ăn thịt ngon, lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời
Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi: chê người thích đưa việc vào mình
Cưới em anh nghĩ cũng lo/Con lợn chẳng có, con bò thì không
Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn/Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm
Giàu lợn nái, lãi gà con
Đang khi lửa tắt cơm sôi/Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem
Còn duyên anh cưới ba heo/hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi
Cồng cộc bắt cá dưới bàu/Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo
Bố chồng là lông con lợn/Mẹ chồng như tượng mới tô Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi
Bao nhiêu củ rím củ hà/Để cho con lợn con gà nó ăn
Mẹ em tham thúng xôi dền/Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Yêu nhau chả lấy được nhau/Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già
Hai vợ nằm chèo queo/Ba vợ ra chuồng heo mà nằm
Lợn giò, bò bắp
Ruột heo hơn phèo trâu

HEO TRONG VĂN HÓA ẨM THỰC
Heo là con vật thuộc 12 con giáp, rất thân thiện và gần gũi với con người, nó được con người thuần hóa cách đây 11.000 năm để sống chung và làm thực phẫm trong đời sống hàng ngày.  Heo sướng nhất vì chỉ ăn và ngủ, khỏi phải lo lắng điều gì. Vì heo vốn là nhàn nhã, sống vô tư, không lo nghĩ, tròn trịa trù phú, mũm mĩm, phúc lộc, nên năm heo sẽ mang nhiều niềm vui, vận may, tụ tài lộc, lợi nhuận sung túc thoải mái cả tinh thần và vật chất đến với mọi người, không ai không thuộc mấy câu này:

Con gà tục tát lá chanh
Con lợn ủ ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ, mua tôi đồng riềng.
Toàn là những gia vị để ướp thịt không hà!

Thịt heo cùng với bò, vịt, gà… là nguồn cung cấp chất thịt không thể thiếu được trong mỗi gia đình từ bình dân đến trưởng giả. Thịt heo ngon đến nổi… ông Địa cũng them nhất là cái đầu heo! Cho nên, cúng tạ cho ông bụng bự này (bà con với lão Trư) nếu cúng cái bánh tráng, tán đường thì coi như cúng chay mà ông Địa thì khoái mặn nên cúng tạ cái đầu heo phủ màng mỡ heo mong mỏng lỡ có cái lũ “bằng hạt đỗ, ăn giỗ cả làng” sà vào thì cũng chỉ đớp được cục… mỡ mà thôi!

Thế mới có câu:

Vái ông Địa, vía ông Đàng
Cho con mà thi đổ ông Trạng
Con về làng cúng heo.
Cái da, con cho dân nghèo
Cái mình, con xẻ nửa, treo ngang nóc nhà.
Rước ông rồi lại rước bà
Còn cái Thủ này, con tạ cúng ông!

Cái đầu heo có chi mà ngon? Thì ra, thịt hai đầu má heo là ngon số hai còn cái lỗ tai heo mới là số một. Tai heo ngâm giấm làm gỏi tai heo đèo theo nấm tuyết, chiếc mấy ngó sen, trộn chèn cà rốt, sốt chút muối đường, tiêu hành ớt tỏi nhai dòn rụm, ngon bỏ bà luôn! Tai heo rộng mắm là đặc sản của hương vị Tết cổ truyền Việt Nam.

Ngày tư, ngày Tết
Mức ngọt ăn ớn chết!
Thủ cái tai heo
Nhậu kiệu, ngon ra phếch!

Nói chi cho xa: Một bát bún bò Huế nếu chẳng có cục chân giò tròn trịa nằm khoanh tròn trong tô thì coi như “đi chết đi mày!”. Thiếu dư vị heo mất rồi! Nồi “cháo heo” nghi ngút khói tiêu hành ớt tỏi nếu không có đủ bộ đồ lòng (gan, cật, tim, lưỡi, ruột…) thì cũng đành… làm người đói cho xong! Heo không bỏ thứ gì kể cả… phân heo là loại phân hữu cơ giàu chất đạm tốt cho cây nhất là… rau muống một thời rau đắng thay cơm!
Đầu heo làm gỏi, ngâm mắm. Mình heo chia thành thịt: Thịt đùi trước, đùi sau, thịt ba rọi, thịt ba chỉ, thịt xay… nhưng hấp dẫn vẫn là món heo quay. Heo sữa quay là ngon nhất! Heo quay là cái lễ không thể thiếu được trong đám hỏi, tân gia, sinh nhật và nhất là đám cưới.

Trong bài ca quan họ  “Tát nước đầu đình“, người con trai hứa hẹn cưới em nếu em nhặt được cái áo của anh bỏ quên vào ngày tát nước (một cách… tán gái của người xưa):

…Cưới em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm”.

Đem con heo đó cho vào lò lửa thì thành con heo quay chín mộng, thịt quyện với ngũ vị hương còn da thì dòn kháy như cơm cháy khấy mỡ hành! Béo bở! Ăn xong, chạy tập thể dục thí mụ nội luôn!

Cưới em một chục con heo
Con quay, con để em trèo, em chơi!
Heo cưới hay cúng đều không được chặt ra. Khổ nổi, nếu chặt ra, thế nào con heo quay dòn kháy đó cũng… long thể bất toàn! Có kẻ “thánh thủ thần thâu” nhanh tay… chôm vài miếng cho vào miệng, đã đã! Có lẽ vì “tri kỷ, tri bỉ” nên ông bà mới đặt cái lệ cúng heo để nguyên con khỏi sợ bị ăn hổn!

Mấy người ăn hổn mới…khôn
Lén len lủm lủm, nó…ngon bỏ bà!

Nếu chó có “Cầy tơ 7 món” trong đó, có món dồi chó với lá mơ trứ danh thì heo với cái ruột già của heo nái cũng có món dồi heo “dồi trường” cộng thêm mấy cọng rau răm tăng khẩu vị nhậu nhẹt, ngon “bá cháy bồ chét chó”!

Trong ba ngày Tết cổ truyền, nồi măng hầm trong mỗi gia đình Việt Nam không thể thiếu vắng thịt heo (thịt ba rọi, thịt đùi):

Thịt heo nấu với măng hầm
Chờ ba ngày Tết, bà… quằm với ông.

Nhưng cái gì cũng phải trả giá. “No mất ngon. Ngon mất thọ” vì lớp da dòn kháy của heo quay hay mỡ heo cùng với thức ăn đồ biển như tôm, cua, sò, ốc, mực hay gan, lòng đỏ trứng… chứa lượng chất béo chưa được bảo hòa là cholesterol gây ra những chứng béo phì không còn “Nhất dáng, nhì da, thứ ba là mốt” nữa mà là: “Nhất mập, nhì bơm, thứ ba quá ròm“! Cái nào cũng… tốn tiền thuốc! 

MÂM HEO QUAY TRONG LỄ CƯỚI
Heo quay nguyên con là lễ vật cúng trang trọng truyền thống của người Việt từ ngàn xưa, là vật không thể thiếu trong các dịp lễ lớn như của nước ta như lễ khai trương, động thổ, lễ nạp tài, cưới hỏi, lễ chùa, đầy tháng, thôi nôi,…Ý nghĩa của việc cúng heo:
1.Heo có ngoại hình tròn trịa, hồng hào nên quan niệm truyền thống cho rằng heo tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc.
2.Treo tranh trang trí hoặc biểu tượng hình heo có thể tăng tiến tiền tài, lại có thể tăng phúc khí, đem lại sự viên mãn cho mọi người trong gia đình.
3.Trong phong thủy, heo mang lại may mắn cho gia chủ và đại diện cho sự thịnh vượng, giàu có và khả năng sinh sản, thành công trong công việc. Ngoài ra, heo còn tượng trưng cho sự đầy đủ thức ăn, niềm vui vật chất, sự an toàn trong nhà. 
Đối với mâm cưới, heo quay cùng với gà là hai lễ vật thuộc tính “mặn” phổ biến nhất trong chuỗi lựa chọn Trầu – Cau, Trà – Rượu, Mặn – Ngọt.
Tùy vào từng gia đình mà có thể chọn heo sữa quay hoặc heo quay loại lớn. Heo quay thường có kích cỡ khá lớn nên không thể cho vào bên trong mâm quả mà phải để riêng và có người khiêng, nhưng vẫn được xem là một mâm trong sính lễ cưới hỏi. Heo quay được dùng làm sính lễ cưới hỏi và còn mang ý nghĩa chúc cô dâu chú rể sớm có tin vui, con đàn cháu đống và sớm phát tài phát lộc.
Theo quan niệm của dân gian, có heo mẹ trong nhà nghĩa là có khả năng sinh sản và đem lại sự giàu có, bởi vì chúng mang đến nguồn tài chính ổn định và cuộc sống tốt đẹp cho cả gia đình. Càng nhiều heo con thì nguồn lực và tài sản càng tăng. Trong cuộc sống hiện đại, heo mang ý nghĩa cầu mong sự phát triển trong công việc và nguồn nhân lực để hỗ trợ phát triển.
Hy vọng những tản mạn về heo sẽ đem đến quý đọc giả trên FB và Blog của hậu duệ VNCH một chút gì bổ ích trong dịp xuân Kỷ Hợi 2019 sắp về trên quê hương chúng ta.

Nguồn tham khảo:
1. Ca Dao tục ngữ về heo: http://cadaotucngu.com/tieuluan/cadaodongdao/cadaotucnguveheo.htm
2. “Das Trüffelschwein”
 https://dein-trueffel.de/trueffel-wissen/trueffelsuche/trueffelschwein/
3. Ý nghĩa heo quay trong các mâm cúng.
http://vitquaydachung.com/y-nghia-cua-heo-quay-trong-cac-mam-cung/
4.Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 
http://www.tet-amlich.com/2016/06/lich-nghi-tet-nguyen-dan-ky-hoi-2019.html
5.Hình tượng con lợn trong văn hóa
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%ACnh_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_con_l%E1%BB%A3n_trong_v%C4%83n_h%C3%B3a

Hậu duệ VNCH, Võ thị Linh 5.1.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét