Powered By Blogger
ĐI TÌM TỜ BÁO XUÂN ĐẦU TIÊN Ở VN
Nam Phong Tạp Chí ra đời giữa năm 1917 (Đinh Tỵ), và ngay cái tết đầu tiên của tờ báo, ông Phạm Quỳnh đã nghĩ đến việc làm một “số Tết” - một điều mà những tờ báo đi trước như Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí... chưa ai nghĩ ra”. Có thể nói, Phạm Quỳnh là người đầu tiên trong làng báo Việt có sáng kiến làm báo xuân. Ông cũng là người đầu tiên đưa quan điểm tổ chức nội dung báo xuân như một ấn phẩm giải trí nhẹ nhàng nhằm mang đến niềm vui cho cộng đồng trong mùa đoàn tụ.

NHÀ BÁO PHẠM QUỲNH

Phạm Quỳnh (chữ Hán: 范瓊; sinh ngày 17 tháng 12 năm 1892 - Mất ngày 6 tháng 9 năm 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng dân tộc và là quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường , Hồng Nhân. 
Ông được xem là nhà cách mạng, tranh đấu cho tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), ông Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16.

Từ năm 1916, Ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời; làm chủ bút kỳ cựu của Nam Phong tạp chí từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 cho đến năm 1932.

Khi làm chủ bút báo Nam Phong từ 1917 – 1934, lúc vừa 25 tuổi, ông chủ trương thuyết lập hiến, tiếp thu văn hoá phương Tây để nâng cao dân trí và lần hồi dành lại chủ quyền tự trị đất nước dựa vào hiệp ước Harmand 1883 và hiệp ước Patenôtre 1884 (tức là quốc gia độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp). Phạm tiên sinh đã đặt tên báo dựa vào bài phong dao (tương truyền do vua Thuấn sáng tác) trong Kinh Thi: “Nam Phong ca”

Nam Phong chi huân hề 南 風 之 薰 兮
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 可 以 解 吾 民 之 慍 兮
Nam phong chi thời hề 南 風 之 時 兮
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề 可 以 阜 吾 民 之 財 兮

Dịch thơ: 

Gió Nam mát mẻ vậy thay
Giải tan sầu muộn bao ngày của dân
Gió Nam thổi đúng lúc cần
Sẽ mang phú quí cho dân lâu dài.
(Bản dịch của Vĩnh Ba)

Qua bài thơ ta thấy được khát vọng của một nhà làm văn hoá hay tâm tình của một trí thức Tây học trong một thời kỳ đầy khó khăn của đất nước ta. Vậy “Gió Nam” là gì mà lại đem đến cho nhân dân một ơn ích lớn lao như thế? Theo ông Phạm Quỳnh, “Gió Nam” chính là nền quốc văn làm nền tảng cho nền quốc học của dân tộc Việt Nam. Ông viết, “Không có quốc văn thì không thể nào có quốc học. Không có quốc học thì không thể nào có độc lập tinh thần. Không có độc lập tinh thần thì không có độc lập chính trị.”

Ngày 23-8-1945 ông bị Việt Minh bắt và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Trong lúc du kích dẫn giải cấp tốc ông cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi) rời khỏi Huế đề phòng những chuyện bất trắc không hay. Cả ba người bị nhóm áp tải thủ tiêu mà không rõ theo chỉ thị nào của cấp trên. Vì thế có nhiều giả thuyết khác nhau về lệnh giết ba người. Mãi tới năm 1956 mới tìm thấy di hài ông trong khu rừng Hắc Thú và cải táng tại khuôn viên chùa Vạn Phước.

GIÁO DỤC QUỐC DÂN QUA BÁO CHÍ

Với phụ đề « l’Information française » (Cơ quan thông tin của Pháp) trên tạp chí Nam Phong lại có phụ đề khác bằng tiếng Việt Văn học Khoa học tạp chí. Các đề mục đặc biệt có liên quan tới giáo dục do các nhà tân nho như Phan Kế Bính và Nguyễn Đỗ Mục, hoặc các trí thức Tây học Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn đảm trách và được duy trì suốt trong suốt thời kỳ ra báo: Luận thuyết, Văn học bình luận, triết học bình luận, Khoa học bình luận, Văn tuyển, Tạp trở, Thời đàm, tiểu thuyết.

Báo Nam Phong có những phần song ngữ Pháp Việt nên được coi như là đã tự nhiệm về giáo dục như Đông Dương tạp chí từng làm. Cũng trong số đầu tiên, bức ảnh Albert Sarraut được chú thích là người thành lập Đại học Đông Dương chứ không phải bằng chức danh quan toàn quyền. Rõ ràng, tạp chí Nam Phong là một cách thức giáo dục dành cho quốc dân mà Phạm Quỳnh muốn theo đuổi. Với cách học qua tạp chí như thế, học không chỉ là lên lớp để lấy bằng, mà còn học để lấy tri thức như ông viết: "đương buổi bây giờ không cần cấp bằng gây lấy một cái cao đẳng học thức để thay cái học thức cũ đã gần mất". 

Những thành viên tham gia chính, ở giai đoạn đầu cho Nam Phong, là những học giả, những trí thức theo Tây học tên tuổi như: Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phục và Nguyễn Mạnh Bổng....nên rất được giới trí thức hâm mộ.

BÁO XUÂN ĐẦU TIÊN Ở VN LÀ DO SÁNG KIẾN CỦA CỤ PHẠM QUỲNH  VÀO NĂM 1918

Tờ "Nam Phong Số Tết" phát hành năm 1918 gồm toàn văn thơ có giá trị mà theo cụ Vương Hồng Sển “tập ấy là thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt vậy”.

Đọc bài viết của cụ Phạm Quỳnh, vào lúc bình minh trong làng báo chí của đầu thế kỷ 20 để thấy học giả họ Phạm quan niệm tờ "báo xuân" phải là tờ báo... văn nghệ, hoặc phải có văn chương! Từ “Nam Phong tạp chí” với ấn phẩm đặc biệt ghi ngoài bìa “Số Tết 1918” do Phạm Quỳnh khởi xướng đến nay, lịch sử báo xuân Việt Nam đã phát triển được hơn một thế kỷ ( 1918-2020)

Là một trong những tờ báo để lại ảnh hưởng to lớn trong làng báo Việt dạo đầu thế kỷ 20, Nam Phong tạp chí vì thế có một vị trí vững chắc trong lòng độc giả và có nhiều ảnh hưởng tới các văn thi sĩ bấy giờ. Trong hồi ký của những người theo nghiệp cầm bút dạo ấy, hiếm ai là không nhắc tới Nam Phong. Sau tờ Nam Phong là các báo: thứ hai là Đông Pháp thời báo năm 1928, Thần Chung xuân Kỷ Tỵ 1929, Phụ Nữ Tân Văn xuân Canh Ngọ 1930, Công Luận xuân Tân Mùi 1931...Theo cái sự "nếu không lầm" của cụ Vương Hồng Sển thì Nam Phong là số xuân đầu tiên xuất bản vào năm 1918, và theo thứ tự ấy thì Phụ Nữ Tân Văn xếp hàng thứ 4, ra số xuân năm 1930, theo sau báo xuân của Nam Phong tạp chí là các báo Đông Pháp thời báo, Thần Chung...
Nam Phong tạp chí ra đời t 5 người sáng lập, trong đó có Phạm Quỳnh, Lê Văn Phúc (Chủ nhà in Lê Văn Phúc, số 16 Hàng Hài (nay là đoạn đầu phố Hàng Bông). Trước đó gọi là nhà in Ký Bưởi do Bạch Thái Bưởi mở, sau nhường cho Lê Văn Phúc. Nhà in này in báo Nam Phong). Đồng thời theo lời cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện có Nguyễn Bá Trác: “Lúc bấy giờ đồng châu Nguyễn quân Tiểu Đẩu (Bá Trác, đệ tử Thái Xuyên, trước cùng xuất dương, sau quay về đầu quân làm việc cho Phủ Toàn Quyền, cùng Phạm Quỳnh lập Nam Phong tạp chí)”.
Nhà chơi cổ ngoạn Vương Hồng Sển (1904-1996), cũng là một tay chơi có tiếng về sách, khi Nam Phong tạp chí ra số đầu tiên năm 1917, họ Vương ở tuổi 13 và cho đến khi Nam Phong tắt tiếng năm 1934, thì tuổi họ Vương là 30 “tam thập nhi lập”. Ký ức về Nam Phong tạp chí được Vương Hồng Sển ghi lại qua Thú chơi sách. Theo đó ông cho hay tạp chí này ra được 210 số, và có một số nữa là số Tết năm 1918 gồm toàn văn thơ có giá trị mà theo ông “tập ấy là thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt vậy”. Vậy tính ra, Nam Phong tạp chí ra được 211 số chứ không phải là 210 như hiểu biết hiện nay.

Toàn bộ số xuân Nam Phong tạp chí có 126 trang, bìa màu có vẽ hình hai ông Thọ cầm biển Đinh Tỵ và Mậu Ngọ chào nhau. Bài đầu tiên ký Nam Phong, có tựa là "Kính chúc hoàng thượng và quan toàn quyền", cuối bài có câu "Đại Nam Khải Định hoàng đế vạn tuế". Bài tiếp theo ký tên Phạm Quỳnh, có nêu lý do của việc Nam Phong quyết định ra số xuân. Đó là vì Nam Phong bấy lâu phê phán lối hư văn, chủ trương lập ngôn "thiên trọng sự thực hơn là sự phiếm", nên không chú ý đến "lối văn chương tiêu khiển".

Nay Phạm Quỳnh cho rằng "nhưng cái thái độ nghiêm khắc tuy ngày thường là phải, mà gặp những thời tiết vui vẻ, như hội tân xuân này, đối với cảnh, đối với người, đối với lòng hoan hỉ của mấy triệu quốc dân, tựa như gẩy khúc đàn sai dịp  vậy".

Sau đó, Phạm Quỳnh nói cụ thể hơn: "Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai dịp với khúc đàn chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới".

Sau bài của Phạm Quỳnh dài hai trang là bài của tòa soạn Nam Phong dài bốn trang, cũng nhân không khí báo xuân nhắc lại phận sự làm dân trong một nước sao cho tiến bộ...

Như vậy, số xuân của Nam Phong tạp chí đúng là số đặc biệt, ra riêng số tết năm 1918, số tết này nằm giữa số 8 (tháng 2-1918) và số 9 (tháng 3-1918). Về nội dung thì chủ trương nói chuyện vui vẻ, khác phong cách thường ngày của tờ tạp chí chuyên bàn những chuyện mang tính đứng đắn.

KHUYNH HƯỚNG QUỐC GIA CỦA PHẠM QUỲNH

Phạm Quỳnh ở tuổi chưa đầy ba mươi (sinh 1892) bộc lộ tinh thần quốc gia rõ rệt. Những hoạt động trong giai đoạn từ 1917 tới khi vào Huế làm quan (1932), từ viết báo, diễn thuyết, viết du ký đều chứng tỏ ông rất nhiệt tình thực hiện mộng tưởng của một trí thức ôm ấp hoài bão quốc gia rất cao. Đọc Một tháng ở Nam Kỳ, một thiên du ký ông viết vào năm 1919, có thể thấy rõ điều này.
Khi vào Nam, trong một tháng Phạm Quỳnh không những chú ý tới cảnh sắc Lục tỉnh và con người của sông Tiền, sông Hậu mà còn để tâm quan sát tinh vi tới sinh hoạt văn học chữ quốc ngữ thể hiện bằng báo chí và cả tình trạng kinh tế của mảnh đất phồn vinh này. Nhiều lần ông nhắc tới cái họa China và họa Chà và mong mỏi có biện pháp sớm chấm dứt hiểm họa cho đất nước ta vì bị các thế lực kinh tế này lũng đoạn. 

Ông từng viết:
“Cái ‘China họa’ (le péril chinois) ở xứ Bắc mình tuy đã thâm lắm mà tỉ với Nam Kỳ còn chưa thấm vào đâu: Hải Phòng tức là Chợ Lớn Bắc Kỳ có 8.991 người Khách, mà Chợ Lớn Nam Kỳ có những 75.000 Khách với 4.873 người Minh Hương! Hà Nội có 3.377 người Khách với 825 người Minh Hương, mà Sài Gòn có những 22.079 người Khách với 677 người Minh Hương! Coi đó thì biết cái nguy cho xứ Nam Kỳ to là dường nào… Nay nhân nói về Khách Hải Phòng, chỉ muốn so sánh qua cái số người Tàu trong Nam ngoài Bắc, cho biết cái vạ China ở hai xứ hơn kém nhau thế nào. Song dù hơn, dù kém, dù ít, dù nhiều, cũng vẫn là một cái vạ lớn cho nước Nam mình, quốc dân ta nên sớm tỉnh ngộ mà mưu trừ đi, mới mong có ngày thu phục được mối thương quyền mà ra tranh đua trên thị trường thế giới.”

Với tinh thần quốc gia ông Phạm Quỳnh đã cương quyết chống lại Nguyễn Văn Vĩnh khi ông này yêu cầu cho cả Trung và Bắc Kỳ cùng theo một chế độ trực trị như Nam Kỳ. Lập trường chính trị của Phạm Quỳnh, ngược lại với Nguyễn Văn Vĩnh là cương quyết yêu cầu Pháp thi hành đúng theo hòa ước 1884, trao trả Bắc Kỳ cho Nam Triều đồng thời cho Nam triều tự trị về nội bộ.

Khuynh hướng quốc gia của Phạm Quỳnh được thể hiện rỏ rệt qua việc qui tụ  hầu hết các cây bút thuộc đủ khuynh hướng quốc gia, cách mạng, tiếng tăm của Phạm Quỳnh với công luận lúc ấy rất được kính nểHầu hết các tay tân học, có tinh thần cầu tiến, đều cộng tác với Phạm Quỳnh hay quý trọng ông; coi ông như một chiến sĩ, nếu không phải là chiến sĩ cách mng quốc gia thì cũng là một chiến sĩ văn hóa dân tộc, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước, khơi dậy tình yêu quê hương với mục tiêu khai dân trí.

Câu nói nổi tiếng của cụ Phạm Quỳnh là: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.

Năm cũ Kỷ Hợi 2019 sắp hết, sắc xuân của năm Canh Tý đang toả rạng trên quê hương VN, hậu duệ VNCH chúng tôi viết để kỷ niệm 102 năm số báo Xuân đầu tiên của VN đã được phát hành vào năm 1918, do sáng kiến của học giả Phạm Quỳnh, một nhà văn, nhà báo, một nhà cách mạng mang nặng tình yêu dân tôc với lập trường quốc gia đã bị Việt Minh sát hại. HDVNCH không quên thắp một nén tâm hương tưởng nhớ đến một nhà nhà báo quốc gia, một nhà văn hoá lỗi lạc của VN.

Biên khảo, Hậu Duệ VNCH Lý Bích Thuỷ 19.1.2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét