Powered By Blogger
NGƯỜI LÍNH SAU CUỘC CHIẾN
ĐI TU ĐỂ SÁM HỐI VÌ "KHÔNG GIỬ ĐƯỢC MIỀN NAM"

Đại Tá Trần Văn Tự sinh tháng 2/1927 tại Pháp.” Thân sinh của ông là Giáo Sư Trần Văn Thạch, sinh trưởng tại Phú Lâm, Chợ Lớn, Nam Phần. Ông du học tại Toulouse (Pháp) và đã viết báo “Le Journal des Etudiants Annamites” bày tỏ chí hướng và nguyện vọng thiết tha của người thanh niên Việt Nam mong muốn nước nhà được độc lập. Ông hoạt động trong nhóm Đệ Tứ của ông Tạ Thu Thâu. Về nước ông tích cực hoạt động chính trị và dùng cơ quan ngôn luận là tờ báo “La Lutte” làm lợi khí nêu rõ lập trường tranh đấu của ông. Năm 1937 ông được đắc cử vào Hội Đồng Thành Phố Sàigòn. Sau đó ông bị nhà cầm quyền Pháp ký giấy tống giam vì những bài báo ông đả kích chính sách cai trị của người Pháp tại Việt Nam. Năm 1945 ông bị thủ tiêu lúc 40 tuổi. Ông được đặt tên đường Trần Văn Thạch thay tên cũ là Vassoigne bên hông chợ Tân Định.”
Đại tá Trần văn Tư nhập ngũ ngày 4-8-1951
- Xuất thân trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt K5
- Tỉnh Trưởng Phan Rang
- Tỉnh Trưởng Ninh Thuận, Phụ Tá Lãnh Thổ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III tại mặt trận Phan Rang (9/4/1975)

Đại Tá Tự lúc còn Trung Tá ông là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Được cử theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Trường Đại Học Quân Sự Đà Lạt. Năm 1969 ông nhận chức Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận.

Sau khi Miền Nam bị bức tử, Đại Tá Tự đã trình diện Ủy Ban Quân Quản Sàigòn, bị tù tập trung “cải tạo” của Cộng Sản từ Nam ra Bắc 12 năm, 3 tháng, được về nhà năm 1987 nhân lễ 2/9 của Việt Cộng.

Đại Tá Tự sang Hoa Kỳ vào cuối tháng 2/1992 theo chương tr̀inh tị nạn qua danh sách HO.10. Nhân dịp tiếp xúc với Đại Tá, người viết mong biết được quyết định xuất gia vào chùa của Đại Tá thì ông cho biết: Có 3 lý do để ông xuất gia:
1. Không muốn làm con cờ trên bàn cờ quốc tế nữa.
2. Sám hối những tội lỗi vì không giữ được Miền Nam.
3. Trong khi vượt thoát khỏi mặt trận Phan Rang và trong thời gian tù đày hơn 12 năm, ông nhờ Phật pháp mà vượt qua nhiều khổ nạn và tỉnh ngộ rằng “mọi việc do tâm”. Đại Tá Trần Văn Tự xuất gia cuối tháng 12/1999, thọ giới Sa Di (10 giới), pháp hiệu là Tỳ Kheo Thích Không Chiếu.

SACRAMENTO, California (NV) – Chọn con đường tu khi tuổi đời đã chất chồng. “Năm 73 tuổi tôi trở thành ông tăng, tới nay thì tôi tu được 18 năm rồi,” Tỳ Kheo Thích Không Chiếu nhớ lại quãng thời gian xuất gia tu hành.
Ít ai biết rằng, ông chính là cựu Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận trước năm 1975, và là trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch – người được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên dương và đặt tên cho một con đường nằm bên hông chợ Tân Định, Sài Gòn.
Khi sang Mỹ, ông gặp lại Hòa Thượng Thích Thông Triệt, người ở chung trong tù với ông. “Lúc đó tôi biết thầy Thông Triệt có mở lớp thiền trên Portland, Oregon, nên cuối năm 1999 tôi xin theo thầy xuất gia,” ông cho biết
Ông hào hứng kể chuyện tu tập bao nhiêu thì ông lại dè dặt mỗi khi nhắc đến chuyện cũ bấy nhiêu. Bởi lẽ, chuyện đời ông là một chuỗi ngày dài như sợi dây liên kết. Do đó, câu chuyện của ông cứ đứt quãng mỗi khi ông nhắc chuyện xưa.
“Bây giờ tôi tu rồi, tôi không muốn đổ thừa ai, chê trách ai. Tôi cho đó là cái nghiệp, cái duyên của mình thôi. Chuyện cũ mình moi ra, phê phán, không được đâu, khó lắm. Chuyện cũ cứ để nó vậy thôi. Nhưng nó cũng có lợi lắm, nó giúp cho mình sáng ra, đừng để lầm vết xe cũ nữa. Nếu mình học được bài học cũ thì mình khôn hơn hồi trước,” ông ngập ngừng nói.
“Hồi xưa mình nghĩ mình đi lính, rồi nhờ Mỹ giúp đỡ nên mình chống sự xâm chiếm của miền Bắc, bảo vệ miền Nam. Rốt cuộc cái đùng phá tiêu hết. Anh Mỹ lo chạy. Thành ra cái mộng của mình tiêu tùng, đổ vỡ hết. Hồi xưa mình có lý tưởng nhưng tiêu rồi. Nên đi tu để mình sám hối, để mình bớt khổ thôi,” ông trầm tư nói.
Ông tâm sự: “Khi đi tu tôi mới thấy khác. Khác là vì khi cái tâm mình nghĩ khác thì sự việc sẽ khác. Lúc trước tôi nghĩ thế này, Mỹ bỏ mình, mình bị phản bội, mình tức mình khổ. Rồi tôi nghĩ, mấy ông tướng lĩnh bỏ chạy, mình khổ. Nếu cứ nghĩ như vậy hoài thì mình tức mình khổ thôi. Tôi thấy thế này, mình yếu thì mình phải làm con cờ cho người ta. Muốn không làm con cờ thì mình phải mạnh lên, phải tự lực thôi. Bây giờ nước nào cũng vậy, dựa vào người ta là bị người ta xài xể. Người ta buông mình cái rụp thì chới với ngay. Thành ra mình thành con cờ. Tôi đi tu để không làm con cờ nữa.”
Nguồn:https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/tran-van-tu-cuu-dai-ta-tinh-truong-ninh-thuan-di-tu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét