Powered By Blogger
PHỦ ĐẶC UỶ TRUNG ƯƠNG TÌNH BÁO VIỆT NAM CỘNG HOÀ. (05/05/1961 ĐẾN 30/04/1975)

Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hoà (Tiếng Anh: Central Intelligence Organization -CIO) được đặt trực thuộc Phủ Tổng Thống. Trụ sở: Số 3 Bến Bạch Đằng, Quận I, Thủ Đô Sài Gòn.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng Hoà ký sắc lệnh số 109/TTP thành lập Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo kể từ ngày 05 tháng Năm năm 1961.
Đứng đầu Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo là Đặc Uỷ Trưởng, đẳng cấp tương đương Thứ Trưởng. Đặc Uỷ Trưởng có ba Phụ Tá:
- Phụ Tá Điều Hành: Đặc trách điều hành tổng quát Phủ Đặc Uỷ.
- Phụ Tá Kế Hoạch: Đặc trách ngành nghiên cứu và soạn thảo kế hoạch.
- Phụ Tá Đặc Biệt: Đặc trách Ban A17.
Chức vụ Phụ Tá được xếp ngang hàng với chức vụ Tổng Giám Đốc.
Sau đây là tóm lược cơ cấu tổ chức và phần hành của Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo (Bí danh Nha Hành Chánh và Nhân Viên Phủ Tổng Thống).

1. Văn phòng Đặc Uỷ Trưởng: Bí danh Ban B, được đặt dưới quyền điều khiển của một Chánh Văn Phòng (Trưởng Ban B). Tuỳ theo nhu cầu công vụ, Ban B còn có một số Bí Thư và một số Công Cán Uỷ Viên đặc trách công tác đặc biệt do Đặc Uỷ Trưởng giao phó (Bí Thư ngang hàng chức Chủ Sự Phòng, Công Cán Uỷ Viên ngang hàng với một Chánh Sự Vụ của một sở).

2. Khối Kế Hoạch: Bí Danh Ban A, Trưởng Khối Kế Hoạch (Trưởng Ban A) được xếp ngang hàng với một Giám Đốc Nha. Nhiệm vụ: Đặc trách công tác tình báo quốc nội hoặc quốc ngoại không thuộc phạm vi hoạt động tình báo của các cơ sở tình báo khác thuộc Phủ Đặc Uỷ (như Ban E, Ban T, Ban U, Ban K, Ban Z). Ngoài ra, còn đặc trách soạn thảo và thi hành các công tác tình báo chuyên biệt do Đặc Uỷ Trưởng giao phó.
Dưới quyền Trưởng Khối Kế Hoạch có các Chuyên viên Thiết Kế (đẳng cấp Chánh Sự Vụ). Mỗi Chuyên viên Thiết Kế đặc trách một phần hành do Trưởng Khối giao phó. Khối Kế Hoạch không tổ chức thành Sở và Phòng như các Nha khác.      
*Ban A10: Trưởng Ban A10, đồng đẳng cấp Chánh Sự Vụ (Chuyên Viên Thiết Kế). Ban A10 phụ trách: Thu thập tin tức tình báo quan trọng xảy ra trong 24 tiếng đồng hồ và viết tờ trình lên Đặc Uỷ Trưởng để đệ trình lên Tổng Thống vào mỗi buổi sáng. Phụ trách ba tờ nhật báo lớn thời bấy giờ là Quật Cường, Dân Ý và Lẽ Sống. Theo dõi, hướng dẫn và điều khiển (khi cần) các tờ báo này để họ viết lách bài vở và đăng tin tức có lợi cho chánh quyền và đường lối quốc gia dân tộc. Cán bộ thuộc A10 cũng có tham gia viết bài mang lợi ích theo đường lối và và chính sách của chính phủ. Kiểm soát và điều khiển Tổng Nha Phát Hành Báo Chí.
Kiểm thính tất cả hệ thống điện thoại, điện tín trong nước và viễn liên.
Hoạt động của Ban A10 được đặt dưới sự chỉ huy và điều hành trực tiếp của Đặc uỷ Trưởng.
*Ban A8: Đây là bí danh của các công tác đặc biệt do Đặc Uỷ Trưởng giao phó cho Trưởng Ban A8 (Đẳng cấp Chuyên Viên Thiết Kế).

3. Cục Tình Báo Quốc Nội: Bí danh Ban T, đứng đầu là Cục Trưởng (Trưởng Ban T), ngang hàng với chức Giám Đốc. Nhiệm vụ: Phụ trách công tác tình báo quốc nội đối đầu với Việt Cộng, theo dõi hoạt động của các đảng phái, các phong trào, các đoàn thể, các nghiệp đoàn trong nước.
Trực thuộc Cục Tình báo Quốc Nội gồm có:

3.1 Phân cục Điệp Báo: Bí danh ban K, đứng đầu là Phân cục Trưởng (Trưởng Ban K), xếp ngang hàng với một Giám Đốc Nha Không Sở (Nha Không Sở tương đương một Sở nhưng vì tính cách đặc biệt và quan trọng của phần hành nên bộ phận này được gọi là Nha- Đây là phương cách tổ chức của nền hành chánh Việt Nam Cộng Hoà. Nhiệm vụ: Phụ trách công tác tình báo đối đầu với Việt Cộng. Ở mỗi tỉnh và thành phố quan trọng, Ban K đều có đặt một đội công tác tình báo. Trưởng Đội được đặt ngang hàng với chức vụ Chủ Sự Phòng.
3.2 Phân cục Phản Gián: Bí danh ban U, đứng đầu là Phân cục Trưởng (Trưởng Ban U), đẳng cấp như đã nói ở trên. Nhiệm vụ: đặc trách công tác phản gián như cài người vào hàng ngũ địch để lấy tin tức tình báo, khám phá và móc nối các điệp viên Việt Cộng cài vào các cơ quan chính quyền ta. Các tù hàng binh Việt Cộng giam giữ tại Trung Tâm Thẩm vấn Quốc Gia (Ban Q) là những đối tượng quan trọng giúp Ban U khám phá được nhiều điệp viên Việt Cộng trong hàng ngũ chính quyền ta.
3.3 Phân cục An Ninh Chính Trị: Bí danh Ban Z, đứng đầu là Phân cục Trưởng (Trưởng Ban Z), đẳng cấp như đã nói ở trên. Đối tượng hoạt động của Phân cục này là theo dõi, xâm nhập, điều khiển các đảng phái chính trị, các phong trào, các hội đoàn, các nghiệp đoàn để các tổ chức này không có những hoạt động chống phá chánh phủ và những hoạt động có lợi cho Việt Cộng.

4. Nha Tình Báo Quốc Ngoại: Bí danh Ban E, đứng đầu là một Giám Đốc (Trưởng Ban E). Đặc trách công tác tình báo quốc ngoại. Nha Tình Báo Quốc Ngoại gồm có các Biệt Cục Tình Báo, đứng đầu là Biệt Cục Trưởng, được xếp ngang hàng với một Chánh Sự Vụ. Mỗi Biệt Cục Tình Báo phụ trách công tác tình báo tại một quốc gia có liên hệ với tình hình an ninh, chính trị của Việt Nam Cộng Hoà như Lào, Campuchia, Thái lan, Nhật, Hồng Kông, Pháp....

5. Nha Nghiên Cứu: Bí danh Ban R, đứng đầu là một Giám Đốc (Trưởng Ban R). Nha nghiên cứu được đặc trách khai thác các tin tức tình báo nhận được từ các bộ phận hoạt động tình báo thuộc Phủ Đặc Uỷ và từ các cơ quan tình báo bạn như Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu, Lực lượng Cảnh Sát Đặc Biệt, Cục An Ninh Quân Đội, Nha Kỹ Thuật . Từ các tin tức tình báo nhận được này, Nha Nghiên Cứu viết thành: Bản Tin tức tình báo, Bàn ước tính tình báo, Bản nghiên cứu đặc biệt tình báo, để trình lên thượng cấp và phổ biến cho các cơ quan tình báo bạn như đã kể ở trên.
Tổ chức Nha Nghiên Cứu gồm có:
Sở Nghiên Cứu Miền Bắc.
Sở Nghiên Cứu Miền Nam.
Sở Nghiên Cứu Quốc Tế.
Sở Sưu Tập: Đặc trách các phần hành như sau:
          - Thu thập tin tức tình báo qua báo chí, sách vở xuất phát từ miền Bắc, qua các đài phát thanh Hà nội, đài phát thanh Giải Phóng của bọn Việt Cộng ở miền Nam và các đài phát thanh ngoại quốc khác như VOA, BBC, Đại Á Châu Tự Do.
          - Quản thủ và cập nhật hoá tin tức trên bản đồ tại phòng tình hình.
          - Phiên dịch các tài liệu, các bản tin tình báo từ Việt Ngữ sang Anh Ngữ và ngược lại để trao đổi với các cố vấn Mỹ hoặc với các cơ quân tình báo bạn khác như đã nói ở trên.
          - Thông dịch cho các cố vấn Mỹ khi họ cần phỏng vấn các tù binh ở Trung Tâm Thẩm vấn.
Sở Văn Khố: Phụ trách:
          - Tiếp nhận và phân phối công văn của Phủ Đặc Uỷ.
          -Lưu trữ hồ sơ.
          -  Quản thủ thư viện Phủ Đặc Uỷ, một thư viện có tầm vóc lớn, có đầy đủ sách vở và báo chí Việt, Pháp, Anh Ngữ, các tài liệu nghiên cứu tình báo,... Nhân viên Phủ Đặc Uỷ có thể đến đây để đọc sách, báo mở mang kiến thức hoặc sưu tầm tài liệu cần thiết cho công tác của mình.
Uỷ Ban Ước Tính Tình Báo:
          Đứng đầu là Chủ Tịch Uỷ Ban, đồng đẳng cấp với một Giám Đốc Nha Không Sở. Uỷ Ban Ước Tính gồm có nhiều Uỷ viên Ước Tính, có đẳng cấp như Chánh Sự Vụ, và đều phải có bằng đại học tương đương Cử Nhân trở lên. Ngoài ra, vì tính cách quan trọng của công tác ước tính tình báo, Phủ Đặc uỷ còn mời và nhận được sự công tác của một số nhân sĩ trí thức bên ngoài như Viện Trưởng, Khoa Trưởng, Giáo Sư Đại học... Những bài ước tính tình báo về tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế của các vị này rất có giá trị cho công tác điều nghiên sâu sát của Nha Nghiên Cứu.

6. Trung Tâm Thẩm Vấn Quốc Gia: Bí danh Ban Q. Đứng đầu là một Giám Đốc (Trưởng Ban Q). Ban Q được tổ chức thành nhiều Sở và Phòng. Nhiệm vụ: Ưu tiên thẩm vấn các tù hàng binh Việt Cộng quan trọng do các cơ quan chính quyền và quân đội bắt giữ hay chiêu hồi, (Bộ Quốc Phòng, Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi). Đặc biệt, Trung Tâm Thẩm vấn không bao giờ được quyền sử dụng biện pháp tra tấn để thẩm vấn tù hàng binh. Bí quyết thành công trong công tác thẩm vấn của trung tâm này là nhân từ, đạo đức, dỗ dành và thuyết phục. Tên tù binh quan trọng nhất được Trung Tâm thẩm vấn và giam giữ cho đến ngày 30/4/1975 là Tư Trọng, Thứ trưởng Công an Cộng Sản Bắc Việt đã bị bắt tại vùng biển Miền Tây trong khi xâm nhập vào lãnh thổ VNCH.
7. Nha Yểm Trợ: Bí danh Ban Y. Giám Đốc Nha Yểm Trợ mang bí danh là Trưởng Ban Y. Nha Yểm Trợ chỉ huy và điều hành các cơ sở sau đây:
Sở Nhân Viên: Bí danh Ban N. Đứng đầu là Trưởng Ban N, tương đương với một Chánh Sự Vụ. Nhiệm vụ: tuyển mộ và quan trị nhân viên. Đặc trách về pháp chế và tranh tụng nếu có giữa Phủ Đặc Uỷ và các cơ quan hay dân sự bên ngoài. Phủ Đặc Uỷ có thuê một luật sư làm việc bán thời gian để làm cố vấn pháp luật. Đối tác của vị luật sư này là Giám Đốc Nha Yểm trợ. Ngoài ra, Sở Nhân Viên còn phụ trách soạn thảo các văn kiện hành chính như sắc lệnh, nghị định, quyết định, và nội qui.... liên quan đến hoạt động và tổ chức của Phủ Đặc Uỷ.

7.1Sở Hành Chánh và Tài Chánh: Bí danh Ban H. Đứng đầu là Trưởng Ban H, tương đương với một Chánh Sự Vụ. Phụ trách công tác thuộc phạm vi hành chánh, kế toán, ngân sách, vật liệu, lương bổng...

7.2Sở Kỹ Thuật: Bí danh Ban M. Đứng đầu là Trưởng Ban M, tương đương một Chánh Sự Vụ. Phụ trách về truyền tin và các công tác có tính cách kỹ thuật trong hoạt động tình báo như nhiếp ảnh, quay phim, in ấn tài liệu... Đặc biệt Sở này còn phụ trách lắp đặt và sửa chữa tất cả máy móc dùng trong kỹ thuật hoạt động tình báo của Phủ Đặc Uỷ. Ngoài ra, Sở Kỹ Thuật còn cộng tác với phái đoàn chuyên viên Đài Loan để thiết lập và điều hành Trung Tâm Phát Tuyến. Trung tâm này có khả năng bắt được tin tức phát đi từ Trung Cộng có liên quan đến hoạt động tình báo của Trung Cộng ở Đài Loan, ở miền Bắc Việt Nam và ngay cả trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Những tin tức tình báo có liên quan đến Việt Nam Cộng Hoà, trung tâm này viết thành bản tin phổ biến hằng ngày cho Phủ Đặc Uỷ (Ban R phụ trách khai thác các bản tin này). Trưởng phái đoàn chuyên viên Đài Loan lúc bấy giờ là Đại Tá Chang, đối tác là Giám Đốc Nha Yểm Trợ. Trung Tâm Phát Tuyến đặt trụ sở tại Phú Lâm trên vùng đất rộng lớn nhiều mẫu tây do Phủ Đặc Uỷ thuê mướn của tư nhân. Ban Y yểm trợ mọi phương tiện và nhân sự cần thiết cho hoạt động của trung tâm.

Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo Quốc Gia: Bí Danh Ban D. Trung tâm Trưởng (Trưởng Ban D), đồng đẳng cấp với Chánh Sự Vụ. Nhiệm vụ: huấn luyện và tu nghiệp tình báo cho nhân viên các cấp thuộc Phủ Đặc Uỷ. Trung tâm gồm có các khoá huấn luyện và tu nghiệp như sau:
      - Khoá hoạt vụ sơ cấp, trung cấp và cao cấp.
      - Khoá nghiên cứu.
      - Khoá thẩm vấn.
      - Khoá hành chánh, tài chánh và kế toán.
     - Khoá Anh văn: dành cho nhân viên các cấp muốn trau dồi thêm khả năng Anh văn.
Ngoài việc huấn luyện và tu nghiệp tình báo cho nhân viên các cấp của Phủ Đặc Uỷ, trung tâm này đã có thời kỳ huấn luyện tình báo cho các cán bộ tình báo của một số quốc gia bạn như Campuchia, Lào, Thái Lan, Đài Loan và Đại Hàn.
Ngoài ra Nha Yểm Trợ còn trực tiếp điều hành Trung Tâm Y Tế, Trung Tâm Tiếp Tế, Hợp Tác Xã Địa Ốc, Phòng Nội Dịch gồm có Ban Nội Dịch và Ban Công Xa.
Giám Đốc Nha Yểm Trợ còn được đặc trách mang bí danh của Phủ Đặc Uỷ là Giám Đốc Nha Hành Chánh Nhân viên Phủ Tổng Thống để giao dịch và ký kết với các cơ quan dân sự bên ngoài.

8. Khối Thanh Tra: Bí danh Ban C. Trưởng khối Thanh Tra (Trưởng Ban C), đẳng cấp Giám Đốc. Nhiệm vụ: Thanh tra cơ sở, phòng ốc, vật liệu và tài sản thuộc Phủ Đặc Uỷ và đề nghị lên thượng cấp các sửa chữa hay bảo trì cần thiết. Trong trường hợp có sự gian lận làm thất thoát vật liệu hay tài sản của Phủ Đặc Uỷ, Trưởng khối Thanh Tra đề nghị lên thượng cấp các biện pháp kỷ luật tương xứng. Dưới quyền Trưởng Khối Thanh tra là một số Thanh Tra viên trợ giúp trong công tác thanh tra. Mỗi thanh tra viên có đẳng cấp Chánh Sự Vụ.

9. Sở An Ninh: Bí danh Ban S. Trưởng Ban S đồng đẳng cấp chức Chánh Sự Vụ. Nhiệm vụ như sau:
- Bảo vệ an ninh tối đa cho Đặc uỷ Trưởng từ văn phòng đến tư thất.
- Khi cần thiết, theo dõi và bảo vệ an ninh cho nhân viên, tránh sự theo dõi, móc nối hay sát hại của địch.
- Bảo vệ an ninh cơ sở.
- Điều tra lý lịch của ứng viên tân tuyển trước khi Phủ Đặc Uỷ quyết định tuyển dụng.
- Khi cần thiết, điều tra bổ túc lý lịch của nhân viên sắp được Phủ Đặc Uỷ giao phó chức vụ hoặc công tác quan trọng.
- Công tác an ninh đặc biệt do Đặc Uỷ Trưởng hay các Phụ tá giao phó.

10. Ban A17:
Trước tình hình quấy phá lộng hành của đám sinh viên Việt Cộng do Thành Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM tại Thủ Đô điều khiển và chỉ đạo như chiếm đóng thường trực trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Sài gòn, bãi khoá liên tục tại các phân khoa đại học, ngăn cản không cho sinh viên vào lớp học. Bọn chúng còn hợp tác với các nhóm chánh trị phản động khác liên tục xuống đường chống đối chánh quyền làm rối loạn sinh hoạt của quần chúng tại Thủ Đô. Lực lượng cảnh sát của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia lúc bấy giờ hầu như bất lực trong việc giải tán hay triệt hạ bọn sinh viên phản động này.
Chính từ khi Tướng Nguyễn Khắc Bình, Đặc Uỷ Trưởng Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo, được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ kiêm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia (một chức vụ đồng đẳng cấp với chức vụ Bộ Trưởng trong Nội Các Chính Phủ) đã cho thành lập một bộ phận đặc biệt tại Phủ Đặc Uỷ, dưới biệt danh Ban A 17. Trưởng Ban A 17 được gọi chính danh là Phụ Tá Đặc Biệt của Đặc Uỷ Trưởng như đã nói ở trên. Chính Tướng Bình với sự phụ tá đắc lực của Trưởng Ban A 17, một Đốc Sự Hành Chánh trẻ trung, đầy năng lực và nhiệt huyết, đã chỉ huy và điều khiến công tác đánh phá và triệt hạ được bọn Thành Đoàn Thanh niên Cộng Sản HCM đội lốt sinh viên phản động này. Có thể nói, từ khi Ban A 17 được thành lập (vào tháng 11/ 1971) cho đến ngày Cộng Sản cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hoà, tình hình Thủ Đô Sài gòn trở nên rất yên tĩnh. Sinh viên học sinh được bình an đi học, sinh hoạt quần chúng khắp nơi tại Sài gòn được ổn định trong vòng trật tự như tại bất cứ Thủ Đô của một đất nước không có chiến tranh.

Sự thành công trên đây của Ban A 17 không những nhờ vào sự nỗ lực hoạt động không ngừng nghỉ của  cán bộ các cấp trực thuộc Ban A 17 mà còn nhờ vào:
Công lao đóng góp rất lớn của các nhóm sinh viên có tinh thần chống Cộng tích cực để bảo vệ chính nghĩa quốc gia dân tộc. Một số trong các nhóm sinh viên này đã bị Việt Cộng sát hại rất dã man như sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật, Trần Lâm Giang, Bùi Hồng Sĩ, Ngô văn Toại, Nguyễn văn Tấn.

Sự đóng góp đáng kể của lực lượng Cảnh Sát Đặc Biệt tại Thủ Đô (đa số thuộc thành phần trẻ vừa tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia). Để điều động trực tiếp được lực lượng Cảnh Sát Đặc Biệt này trong công tác, Trưởng Ban A17 còn được Tướng Nguyễn Khắc Bình đặc cách cho mang cấp bậc Đại Tá Cảnh Sát Quốc Gia.

Tóm lại, Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo được thành lập từ thời Đệ Nhất Cộng Hoà nhưng vì phải trải qua nhiều thăng trầm do sự biến đổi tình hình chính trị trong nước nên mãi cho đến khi Tướng Nguyễn Khắc Bình được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thời Đệ Nhị Cộng Hoà bổ nhiệm làm Đặc Uỷ Trưởng, Phủ Đặc Uỷ mới kiện toàn được cơ cấu tổ chức và tầm vóc hoạt động để có thể đứng ngang hàng với các cơ quan tình báo của các quốc gia khác trên thế giới. Đây có thể nói là một trong những thành công rất lớn của Tướng Nguyễn Khắc Bình.
Khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, để trả thù chúng bắt bỏ tù (chúng gọi dối trá là đi cải tạo) các quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hoà chưa kịp chạy thoát ra nước ngoài. Các thành phần bị bắt đi tù gồm có: Quân đội và Cảnh Sát từ cấp thiếu uý trở lên, công chức từ cấp Giám Đốc trở lên. Các phong trào, các đảng phái chính trị từ cấp Chủ Tịch, Tổng Bí thư hay Tổng Thư ký, Uỷ viên Trung Ương, Bí thư cấp tỉnh hay cấp quận trở lên.

Riêng nhân viên các cấp thuộc Phủ Đặc Uỷ, cả nam lẫn nữ, đều bị bắt đi tù từ cao cấp đến sơ cấp, từ Đặc Uỷ Trưởng đến các Tuỳ Phái, tài xế và lao công. Điều này nói lên được phần nào sự thành công và sự hữu hiệu của Phủ Đặc Uỷ trong nhiệm vụ đối đầu và đánh phá bọn Việt Cộng trong Nam cũng như ngoài Bắc trên mặt trận tình báo. Trong số nhân viên Phủ Đặc Uỷ phải bỏ mạng trong ngục tù vì sự khắc nghiệt, dã man và độc ác của Việt Cộng có ông Đặc Uỷ Trưởng sau cùng và một Giám đốc (Nha Nghiên Cứu). Người tù cuối cùng trong ngục tù CS được thả sau 17 năm bị tù đày là một nhân viên cao cấp phục vụ tại Phủ Đặc Uỷ.
Cũng cần nói thêm, Tướng Nguyễn Khắc Bình lúc bấy giờ với tư cách là Đặc Uỷ Trưởng Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo, đương nhiên kiêm nhiệm luôn chức Tổng Thư Ký của Uỷ Ban Phối Hợp Tình Báo Quốc Gia. Chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh thành lập Uỷ Ban này để giao cho trọng trách chỉ đạo và phối hợp các hoạt động tình báo, tránh sự trùng lặp, hoặc đối đầu lẫn nhau giữa các cơ quan hoạt động tình báo như: Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình báo, Lực lượng Đặc Biệt thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, Phòng Nhì, Cục An Ninh Quân Đội, Nha Kỹ Thuật thuộc Bộ Quốc Phòng. Cố vấn An Ninh Phủ Tổng Thống kiêm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Uỷ Ban, lúc bấy giờ là Trung Tướng Đặng Văn Quang. Trong khi Hoa kỳ, mãi cho đến nhiệm kỳ thứ nhì (2013 - 2016) Tổng Thống Barack Obama mới cho thành lập Bộ Nội An (NSA: National Security Administration) để đảm nhiệm vai trò chỉ đạo phối hợp hoạt động của CIA, FBI và các cơ quan hoạt động tình báo khác thuộc Bộ Quốc Phòng trong chính quyền Hoa kỳ.

(Chân thành kính cám ơn người anh Cả trong ngành Tình báo, cựu Đặc Ủy Trưởng Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình và Ông cựu Giám Đốc Tình báo, Đốc sự Hành Chánh đã giúp nhiều chi tiết trong bài nầy). Xem tư liệu về thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình: http://honguyenkhac.com/?x=36/ho-nguyen-voi-dat-nuoc/thieu-tuong-nguyen-khac-binh

                  ĐPH
( Cựu Cán bộ Phủ Đặc Uỷ VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét