Powered By Blogger
BÔNG BỤP
Bông Bụp (là loại hoa mà vùng ven biển miền Bắc thường gọi râm bụt (dâm bụt); thổ ngữ miền Nam gọi là bông bụp, bông lồng đèn, bông phướng (cách gọi của người Biên Hoà) còn có các tên gọi khác mộc cận, chu cận, đại hồng hoa, phù tang, phật tang) (danh pháp hai phần: Hibiscus rosa-sinensis), là loài cây bụi thường xanh thuộc họ Bông hoặc Cẩm quỳ ( Malvaceae), có nguồn gốc  Á Châu. Nó thường được trồng làm cây cảnh tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hoa lớn, màu đỏ sậm nhưng ít có hương. Nhiều giống, thứ, lai được tạo ra, với màu hoa khác nhau từ trắng tới vàng và cam, hồng, đỏ tươi, với cánh đơn hay cánh đôi. (theo Wikipedia)
Hibiscus rosa-sinensis là quốc hoa của Malaysia, với tên gọi Bunga Raya trong tiếng Mã Lai, Sembaruthi trong tiếng Tamil và mamdaram trong tiếng Tenlugu (మందారం). https://www.youtube.com/watch?v=C5_tdRYMg18&feature=fvwrel



Bông Bụp đỏ, loại hoa đơn mọc rất phổ biến tại Malaysia với cái tên rất sang quí Hibiscus Rosa Sinenis và được mệnh danh là “Queen of the Tropic”, Nữ Hoàng miền Nhiệt Đới, được người Mã chọn làm quốc hoa (màu đỏ) bởi vẻ đẹp giản dị, sắc sảo và khỏe mạnh của nó. Lẽ khác, bởi vì loài hoa này mọc rất phổ biến tại Malaysia và được người Mã rất ưa chuộng. Tại Việt Nam, hoa dâm bụp (hay Bụt?) được trồng làm hàng rào vì dễ mọc, sống lâu, hoa đẹp, và cũng được trồng làm kiểng trong các khu vườn.
 Hoa Dâm Bụt thuộc:
Giới (regnum) Plantae
Bộ (ordo) Malvales
Họ (familia) Malvaceae
Phân họ (subfamilia) Malvoideae
Chi (genus) Hibiscus
Loài (species) H. rosa-sinensis
Có một số truyền thuyết cho rằng loài hoa này vốn có tên gốc là hoa dâng bụt (hoa để dâng lên cho Bụt, tức Phật), về sau do đọc trại mà thành dâm bụt.
Có ý kiến khác, dâm bụt nguyên tên là râm bụt, râm: che bóng, Bụt: Phật. Râm Bụt là cái lọng che Phật (vì hoa có hình dạng giống cái lọng).
Miêu tả:
Cây bông bụp có tên khác là cây bông bụt, râm bụt.
Tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis L. thuộc họ bông Malvaceae.
Cây bông bụp thường mọc thành bụi lớn, gồm nhiều cây con. Bông bụp là loài thân mộc, rất mau đâm cành mới, thân cây cao từ 2-3m, màu nâu xám.
Lá đơn, màu xanh thẫm, nhiều gân. Mép lá hình răng cưa, mọc đối xứng dọc theo thân cây.
Bông bụp ra hoa quanh năm, bông rũ xuống như những chiếc lồng đèn trong rất đẹp mắt.
Bông to, mọc đơn độc, đều và là hoa lưỡng tính. Bông thường có năm cánh, mặt cánh trơn. Giữa hoa có một vòi dài 2-3cm, xuất phát từ ống nhị. Đầu nhụy có các tua nhỏ chứa túi phấn màu cam nâu. Thời gian ra hoa khoảng 1 tuần.
Bông bụp có  rất nhiều màu như cam, đỏ, trắng, cam, hồng… thời gian sau này, nhờ vào kỹ thuật lai ghép, người ta tạo ra các giống râm bụt đẹp hơn về màu sắc và sắc sảo hơn về chất lượng.


BỤP GIM

Hoa vàng, ở giữa mầu đỏ tía

Lá sẻ chân vịt, cuống lá dài
Đài chính xanh, đài phụ đỏ tươi
Cây đa tác dụng, giúp người nhiều việc.
(Bùi Xuân Phượng)

Bụp giấm tên khoa học Hibiscus sabdariffa, chi Hibiscus Dâm bụt, Phân họ Malvoideae - Phân họ Cẩm quỳ, họ Malvaceae họ Cẩm quỳ, bộ Malvales Bộ Cẩm quỳ hay bộ Bông. Bụp giấm hay còn gọi là bụt giấm, atisô đất, hoa vô thường... mọc dại ở khá nhiều nơi. Bụp giấm rất dễ trồng, bạn có thể trồng chúng trong vườn nhà để lấy đài hoa làm nước uống, mứt hoặc ngâm làm thuốc chữa bệnh.


Mô tảBụp giấm còn có nhiều tên khác như rau Chua, Đay vông vang, Đay Nhật, Giền Cá, Giền Chua... là một cây bụi, cao 1-2m. Thân màu lục hoặc đỏ tía, phân cành ở gốc. Cành nhẵn hoặc hơi có lông. Lá mọc so le, lá ở gốc nguyên, lá phía trên chia 3 – 5 thùy, hình chân vịt, mép có răng cưa.. Hoa to, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu vàng, ở giữa màu đỏ tía sẫm. Quả nang, hình trứng, có lông mịn, mang đài tồn tại; hạt nhiều, màu đen.

Hiện Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia có 14 giống rau chua, phân thành 3 nhóm: 

+ Thân tía, lá xanh, hoa vàng; 
+ Thân đỏ tía, lá đỏ tía, hoa đỏ; 
+ Thân đỏ tía, lá xanh, hoa đỏ tía. 
Ba nhóm giống khác nhau về thời gian ra hoa, độ phân nhánh và năng suất lá, năng suất quả.
Nơi mọc:phân bố khá rộng từ Hoà Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Lâm Đồng đến tận Kiên Giang, Cần Thơ.
Công dụngLà loại cây đa dụng, được sử dụng hầu hết các bộ phận của cây với nhiều công dụng khác nhau:
- Hoa làm dược liệu chữa nhiều bệnh. 
- Lá, chồi non và đài hoa tươi dùng làm rau, là gia vị, ăn sống, xào nấu rất ngon, hoa có thể sản xuất thành nước giải khát giải nhiệt, chế rượu vang, trà túi Hibiscus thanh nhiệt.
- Hạt ép lấy dầu ăn, sản xuất nhiên liệu thay xăng, làm thức ăn chăn nuôi gia cầm rất tốt; thân có thể lấy sợi để dệt vải, bện thừng.
Nhu cầu của thị trường thế giới về loại cây này rất cao.
 Trước đây, cây bụp giấm được du nhập vào Việt Nam vì có hoa đẹp, chủ yếu trồng làm cảnh nhưng hiện nay, bụp giấm trở thành một thảo dược quý vì có nhiều giá trị cao trong dinh dưỡng cũng như trong y học.

Bụp giấm rất dễ trồng không kén đất và khí hậu, chủ yếu để thu hoạch đài hoa khô xuất khẩu. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở nhiều nước trên thế giới khẳng định: Đài hoa bụp giấm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.

Thành phần hóa học

Hoa bụp giấm chứa nhiều vitamin C, vitamin A, khoáng chất và khoảng 15-30% axit hữu cơ, bao gồm axit citric, axit malic, axit tartric, acid hibiscus... Hàm lượng polysaccharides có trong bụp giấm cũng khá cao, ngoài ra còn nhiều các hoạt chất sinh học thuộc nhóm flavonoid glycosides polyphenol gồm: hibiscitrin, hibiscetin, gossypitrin, sabdaritrin; đặc biệt là cyanidin, delphinidin, chính những chất này mang lại màu đỏ đặc trưng của hoa. Riêng chất dầu ép từ hạt bụp giấm chứa nhiều vitamin E và các chất béo không no, có tác dụng tốt đối với người cao tuổi và người ăn kiêng. Đồng thời chất dầu này còn có tác dụng chống nấm và bệnh ngoài da.

Do chỉ sử dụng đài hòa nên người ta thường sản xuất bụp giấm ở dạng trà cho dễ uống. Nó được gọi với một tên thông dụng là rosella, người Châu Mỹ La tinh gọi là jamaica, karkady ở Trung Đông, bissap ở Tây Phi, cây me chua đỏ ở vùng biển Caribbean, Việt Nam gọi là Bụp giấm vì nó giống cây dâm bụt nhưng có vị chua như giấm, và nhiều tên khác nữa. Trà bụp giấm có vị chua giống như quả nam việt quất và thường được pha thêm ít đường thành một loại thức uống giải khát nhẹ nhàng dễ hấp thu, giải nhiệt và kích thích tiêu hóa.

Theo y học cổ truyền


Bụp giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, liễm phế, chỉ khái, dùng chữa bệnh như: ho, các bệnh gan mật, cao huyết áp, phòng bệnh tim và chống xơ cứng động mạch, bị chảy máu chân răng. Liều dùng 10-15g mỗi ngày sắc nước uống. Dân gian còn dùng bụp giấm như một loại rau ăn, có thể nấu canh chua, thay thế cho giấm, làm mứt, nước giải khát, xi rô, rượu.


Cách dùng bụp giấm:
- Ép lấy nước từ đài bụp giấm uống trực tiếp.
- Ăn trực tiếp đài bụp giấm.
- Phơi khô sắc uống.
- Phơi khô đài bụp giấm, hãm nước uống như trà để giải rượu.
- Ngâm thành siro (một lớp đài hoa, một lớp đường), mỗi ngày uống 2 muỗng canh để lợi sữa, thanh nhiệt.
- Sên với đường để làm mứt.


Ngừa béo phì: Bụp giấm có tác dụng ức chế men amylase, vì vậy uống một chén trà bụp giấm sau bữa ăn sẽ làm giảm sự hấp thu đường và tinh bột, nhờ đó góp phần giảm cân.

Chống cảm lạnh, cúm: Do có hàm lượng vitamin C cao cùng nhiều loại acid hữu cơ khác nên bụp giấm có tác dụng kháng khuẩn, giúp cơ thể tăng sức đề kháng và hoạt động hệ miễn dịch, nhờ đó giúp phòng được bệnh cảm cúm và các bệnh thông thường.

Chữa vàng da ứ mật: Có thể pha ít muối, tiêu, a ngùy và mật mía với trà bụp giấm

Giải rượu: Phơi khô đài bụp giấm, hãm nước uống như trà

Bụp giấm là một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bụp giấm để chữa bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và cần lưu ý một vài tác dụng phụ sau:

  • Do tính lợi tiểu của bụp giấm nên có thể tăng nguy cơ độc tính với người đang dùng thuốc giảm đau chống viêm.
  • Sự giảm kali trong máu gây đối kháng với thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc giãn cơ, thuốc hạ đường huyết, thuốc hạ huyết áp, người đang trị liệu với lithium và corticoid.
Nếu bệnh nhân phải chuẩn bị phẫu thuật thì không nên dùng trà bụt giấm trước khi dùng thuốc gây mê vì sẽ làm tụt huyết áp. Không nên dùng chung với các thuốc lợi tiểu khác vì sẽ gây giảm kali huyết mạnh. 

Bụp giấm chứa nhiều bioflavonoids, một chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn cản quá trình oxy hóa lipoprotein, giúp hạ huyết áp. Một nghiên cứu được thực hiện tại đại học Tufts (Mỹ) trên 70 người cho thấy, một nửa trong số họ đã uống trà bụp giấm mỗi ngày một lần và một nửa khác uống 25mg thuốc chống cao huyết áp mỗi ngày hai lần. Sau một tháng, 79% những người uống trà cùng giảm huyết áp như những người uống thuốc.
Không chỉ giảm huyết áp hiệu quả, bụp giấm còn có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, an thần, kháng viêm…

Giảm cân
Khi một người tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu carbohydrate, cơ thể có nhiều khả năng sẽ tăng cân. Bụp giấm có tác dụng ức chế men amylase, một loại enzyme có thể phá hủy nhanh lượng tinh bột thừa. Do vậy người thường xuyên uống trà bụp giấm có thể ngăn chặn sự hấp thụ quá nhiều carbohydrate và đạt được hiệu quả giảm cân.
 Bildergebnis für Bông bụp
Giảm ho và cảm lạnh
Hoa bụp giấm tươi chứa khoảng 6,7mg acid ascorbic, một dạng của vitamin C, giúp tăng sức đề kháng. Cùng với lợi ích này, bụp giấm còn được biết đến với đặc tính chống viêm và kháng khuẩn nhẹ. Sử dụng trà bụp giấm thường xuyên được xem như một cách hữu hiệu để ngừa ho và cảm lạnh.
Cách dùng bụp giấm
Bụp giấm có thể làm trà, mứt, si-rô... Si-rô bụp giấm có vị chua thanh tự nhiên, rất thích hợp khi pha trộn với một ít mật ong, đường, đá hoặc kết hợp với các loại nước ép trái cây như dứa, nước cam… để làm thức uống bổ dưỡng.

Không chỉ ở Việt Nam, bụp giấm còn được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực thế giới. Ở Miến Điện bụp giấm thường được ăn sống, xào với tỏi, tôm và ớt xanh hoặc nấu với cá. Ở Ấn Độ hoa bụp giấm được nấu cùng thịt gà, cá, cua hoặc thịt lợn. Tại châu Phi, trà bụp giấm thường được bán trên đường phố và những bông hoa khô có thể được tìm thấy ở khắp các chợ. Giới trẻ Thái Lan lại thích rưới si-rô bụt giấm ngọt lịm lên đá bào.

Tại Mỹ và châu Âu, bụp giấm được sử dụng làm chất tạo màu thực phẩm. Ngoài ra, bụp giấm còn là một thành phần yêu thích trong các loại trà thảo dược hỗn hợp châu Âu. 

Lưu ý khi sử dụng bụp giấm
Nếu có kế hoạch sử dụng loại trà này như một thức uống giải khát hằng ngày, bạn nên dùng hai tách trà mỗi ngày, với liều lượng 250mg bụp giấm sấy khô mỗi lần. Thức uống này được coi là an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng nó không được khuyến khích trong khi mang thai hoặc phụ nữ đang nuôi con, bởi các nhà khoa học tin rằng trà bụp giấm có thể dẫn đến sẩy thai.

Truyền thuyết hoa dâm bụt:
Ngày xưa có hai chị em gái rất nhỏ. Chị là Nađi còn em là Naban. Naban bị liệt cả hai chân. Ngày ngày Nađi bày trò chơi với em. Naban rất thích nhìn chị chạy nhảy vui đùa. Nađi thương em lắm và luôn mơ ước có được phép tiên giúp em khỏi bệnh. Ước mơ cứ lớn dần lên và một ngày kia Nađi quyết định đi tìm "phép lạ". 
Em đi mãi, đi mãi. Đôi chân bé bỏng phồng rộp cả lên. Nhưng nghĩ tới đôi chân bị liệt của Naban, em lại cố gắng nén đau đi tiếp. Đói khát đã làm em kiệt sức. Em thiếp đi dưới một gốc cây bên đường. Lúc tỉnh dậy, em thấy một cụ già râu tóc bạc phơ ngồi cạnh. Nađi không sợ ông cụ mà còn nói hết ước nguyện của mình với ông cụ. Nghe xong, ông cụ đặt một bàn tay lên đầu Nađi và nói: "Ông có thể chữa lành chân cho em cháu. Nhưng muốn cho em cháu khỏi bệnh cần có hai điều kiện. Một là, khi chân  Naban khỏi bệnh thì chính đôi chân của cháu sẽ không còn đi lại được nữa" (ông cụ chỉ thử tấm lòng cô bé chứ không phải như vậy). 


Vì thương em, Nađi đồng ý tất cả, thế rồi chiếc áo đỏ đã biến thành chiếc dù biết bay đưa hai ông cháu về nhà. Ông cụ chữa lành chân cho Naban rồi biến mất chỉ để lại chỗ mình đứng một hàng cây mát xanh. Hoa nở đỏ thắm. Mỗi bông hoa giống như một chiếc ô nhỏ. Hàng cây xòa cành che bóng mát cho hai em nô đùa. Các em đặt cho cây là Dâm bụt vì tin rằng Bụt đã hiện lên cứu giúp các em.


Ý nghĩa – thông điệp:
Sắc đẹp tinh tế.




Công dụng:
Dâm bụt  trồng làm hàng rào, rất thích hợp một số nơi như Trung quốc, Nhật Bản, Philippin…
Hàng rào cây hoa dâm bụt

Hàng Rào Bông Bụp

Hoa "Bông Bụp" nở ngày xưa đỏ thẳm
Bên hàng rào hai đứa lối đi chung
Ta hái trước nhỏ tưởng giành nên giận
Chừng được trao răng khễnh nhoẽn cười mừng

Mỗi khi gặp loài hoa ngày thơ ấu
Tên đơn sơ in dấu đậm trong lòng
Khoảnh khắc ấy tình hoài hương bỗng gọi
Một phương trời quê cũ trải mênh mông

Hớt cá lia thia cứ theo bén gót
Đá ăn, không hùn hạp cũng vui lây
Sai kiếm lăng quăng chạy đi xông xáo
Phải chi vua để nhỏ ngự cung Tây
...........
Cũng có thể ven rừng dàn quân đánh
Nhỏ và ta nổ súng đứa một bên
Ngày tan trận người về, đâu mất biệt
Mượn hoa nầy ta gởi nhỏ ngủ yên


NhàQuê
 


TÁC DỤNG Y DƯỢC CỦA LOÀI HOA DÂM BỤT
Tại một số vùng của Ấn Độ, hoa dâm bụt được dùng để đánh giày, cũng như được dùng trong thờ phụng thần Devi.
Tại Việt Nam, lá và hoa dâm bụt được giã nhỏ trộn với muối đắp trên mụn nhọt đang mưng mủ. Ngoài ra, vỏ rễ dâm bụt dùng để chữa xích, bạch lỵ, bạch đới khí. Dâm bụt là loài cây cảnh rất thông dụng tại Việt nam được trồng nhiều tại các khu vực ven biển do cây có biên độ sinh thái rất lớn, có khả năng chịu đựng được các điều kiện khí hậu khắc nghiệt rất cao: nắng nóng, mưa bão, đát cát...
Tại Trung Hoa, vỏ rễ cây đước dùng làm thuốc điều kinh, tẩy máu.
Tại Malaysia, cây đước pha nước uống để thông tiểu tiện và chữa mẩn ngứa.
Nhụy bông bụp
Dân gian thường dùng lá và hoa dâm bụt tươi giã nhỏ với một ít muối, đắp lên những mụn nhọt đang nung mủ, cứ khô thuốc lại thay. Mụn nhọt sẽ đỡ nhức và chóng vỡ mủ.
Vỏ dâm bụt có tính mát, vị ngọt đắng, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, tiêu sưng, thu liễm, sát khuẩn, lợi thấp, chống ngứa. Có nhiều
cách dùng dâm bụt để chữa ung nhọt sưng đau:
- Lá dâm bụt, lá trầu không, lá thồm lồm mỗi thứ một nắm, giã nát đắp lên chỗ mụn nhọt đang mưng mủ, sưng đau (kinh nghiệm dân gian).
- Dùng lá và hoa dâm bụt giã nát, trộn với mật ong đắp vào chỗ đau.
- Lá và hoa dâm bụt, giã cùng với một ít vôi ăn trầu, đắp lên chỗ nhọt đang sưng tấy, nhọt sẽ chóng vỡ mủ.
Ngoài ra, kết hợp lấy vỏ rễ dâm bụt sắc với nước uống để rửa mụn nhọt.
Dâm bụt ta - một loại cây khiêm nhường thường chỉ được trồng làm hàng rào. Tuy nhiên, hoa dâm bụt khá đẹp nở rộ vào mùa hè và đầu mùa thu, hoa to xòe 5 cánh đỏ rực rỡ, trông na ná như cái dù, ở giữa vươn ra nhụy dài. Trẻ em thường lấy nhụy hoa dâm bụt để ăn. Trong Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, và trong Lĩnh Nam bản thảo của Hải Thượng Lãn Ông có ghi: “Dâm bụt có vị ngọt, tính bình, không độc, tính thông hoạt, trị lở ngứa, sưng đau, bạch đới, mất ngủ, giải khát”. Hoa dâm bụt thường được dùng làm thuốc chữa một số bệnh:



Trị mụn nhọt: Lấy hoa tươi và lá sạch, giã nát với một ít muối đắp lên những mụn nhọt đang sưng mủ (khô thuốc lại thay) cho đỡ đau nhức và chóng vỡ mủ. Hoặc dùng hoa dâm bụt phối hợvới lá trầu không, lá thồm lồm (3 thứ bằng nhau), đem giã nát, đắlên mụn đang mưng mủ, cũng có công dụng tương tự.



Chữa khó ngủ, hồi hộp, nước tiểu đỏ: Dùng hoa dâm bụt phơi khô, hãm uống như uống nước trà.


Chữa kiết lỵ: Bụng đau quặn, mót đại tiện nhiều lần, phân lầy nhầy như nước mũi, hoặc màu máu cá. Hái 10 hoa dâm bụt bỏ cuống hoa, cho vào bát ăn cơm, thêm 1 thìa nhỏ (thìa cà phê) đường, đem hấcơm. Khi cơm chín lấy bát thuốc ra ăn. Bài thuốc này không độc, trẻ em rất thích ăn, áp dụng cho cả người lớn và trẻ em.

Chữa chứng nhức đầu chóng mặt ở phụ nữ: Lấy một nắm hoa dâm bụt (khoảng 50g) và 40-50g gỗ vang, 3 lát gừng tươi, tất cả đem sắc uống (Nam dược thần hiệu).

Chữa di mộng tinh: Lấy hoa và lá dâm bụt, lá bấn hoa trắng (còn gọi là bạch đồng nữ), thài lài tía, mã đề; mỗi thứ một nắm bằng nhau (chừng 50g) đem sắc uống. Với phụ nữ ra khí hư bạch đới như máu cá, hoặc đái buốt, đái rắt cũng dùng bài thuốc này để chữa trị.
Ngoài hoa, lá, thì vỏ và rễ của cây dâm bụt cũng được dùng làm thuốc - rễ tiêu viêm tiết niệu, điều hòa kinh nguyệt...

Cũng nên biết thêm: Cần phân biệt dâm bụt ta, với cây dâm bụt Tây (có nguồn gốc từ Nam Mỹ) còn gọi dâm bụt dấm, hoa có màu đỏ tía, cấu trúc hoa có khác khi nhìn gần. Loại cây này mới được du nhập vào trồng ở nước ta, những năm gần đây, cũng có nhiều lợi ích tốt; nhưng không thuộc vào các trị liệu nói trên.

Các bệnh khác cũng chữa được bằng dâm bụt:
- Tiêu độc chữa mẩn ngứa: Lá và hoa dâm bụt, hãm nước sôi như pha trà uống trong ngày.
- Chữa quai bị sưng đau: Lá dâm bụt một nắm to (khoảng 30-40 g), hành củ 5-10 củ, giã nhỏ, chế nước sôi để nguội vào gạn lấy nước cốt uống, bã đắp lên chỗ sưng rồi dùng băng cố định lại.
- Chữa khó ngủ, hồi hộp: Hoa dâm bụt, hái về phơi trong bóng mát cho khô, hãm nước sôi uống thay trà trong ngày.
- Chữa kinh nguyệt không đều, sớm kỳ, huyết ra nhiều: Vỏ cây dâm bụt 20 g, lá huyết dụ 20 g, sắc nước uống.
- Chữa mắt sưng đau: Lá dâm bụt, lá dành dành, mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, chế nước đun sôi để nguội vào, vắt lấy nước cốt uống, bã bọc vào miếng gạc đã sát khuẩn đắp lên mắt có tác dụng giảm đau tốt.
Cách trị mụn dân gian với lá dâm bụt siêu đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao được nhiều chị em áp dụng.
Dâm bụt được trồng nhiều ở vùng quê, trồng thành từng dãy dài làm hàng rào. Ngoài cái tên dâm bụt thì nó còn được gọi với nhiều tên khác như bông bụp, bông lồng đèn. Từ lâu, dân gian đã biết tận dụng giá trị của lá dâm bụt để làm thuốc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Và nó còn khiến chị em bất ngờ khi được biết đến với khả năng trị mụn hiệu quả.

Vì sao dâm bụt có thể điều trị mụn nhọt hiệu quả?

Theo Đông Y, lá dâm bụt có vị ngọt, tính bình không độc có tác dụng như thuốc kháng sinh, có thể hút mủ rất tốt nên được dân gian tận dụng trị mụn nhọt. Bên cạnh đó, lá dâm bụt còn có tác dụng chống viêm rất tốt nên có tác dụng tiêu sưng, làm lành vết thương da mụn gây ra cũng rất tốt.
Lá dâm bụt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc hiệu quả nên cũng hỗ trợ trị mụn từ sâu bên trong với những người bị mụn do nội tiết tố ảnh hưởng. Với tác dụng này, lá dâm bụt từ lâu cũng đã được dùng để trị một số bệnh thông thường như: trị khí hư, mộng tinh hay đại tiện ra máu.
Ngoài tác dụng trị mụn hiệu quả thì lá dâm bụt còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe và chữa trị chứng mất ngủ dựa trên cơ chế điều hòa hệ thần kinh ổn định. Hơn nữa, đây cũng chính là nguyên nhân gây mụn trứng cá nên càng hỗ trợ ngăn ngừa mụn tốt hơn.

Cách trị mụn với lá dâm bụt

Cũng tương tự như một số cách trị mụn dân gian khác, vì vậy cách trị mụn với lá dâm bụt không đòi hỏi kĩ thuật chế biến phức tạp hay những nguyên liệu đắt tiền. Có 2 cách để bạn lựa chọn:
  • Cách 1: Đắp lá dâm bụt trực tiếp lên mụn
Rửa sạch lá dâm bụt đã chuẩn bị sẵn sau đó giã nát. Nếu bạn muốn trị mụn mủ thì có thể cho thêm một ít muối sau đó bôi lên vùng da bị mụn, khoảng 15-20 phút sau thì rửa lại với nước ấm cho sạch. Còn nếu muốn loại bỏ vùng mụn đầu đen hoặc làm sạch tế bào da thì chị cần cọ xát quanh vùng da đó là được.
Với cách làm này không chỉ giúp bạn loại bỏ mụn nhọt nhanh chóng mà còn có tác dụng giúp da mịn màng, mềm mại và chống khô da rất hữu hiệu.
  • Cách 2: Giải độc tố với nước dâm bụt
Với cách trị mụn này, bạn cần dùng cả hoa và lá dâm bụt. Đem rửa sạch nguyên liệu rồi cho vào ấm hãm với nước sôi, giống như hãm trà. Uống hằng ngày và kiên trì thực hiện đều đặn trong thời gian dài sẽ giúp bạn giải độc tố, đào thải những tác dụng gây mụn hiệu quả trả lại cho bạn làn da tươi trẻ, khỏe đẹp.
Lưu ý:
Để điều trị mụn dứt khoát thì ngoài việc cách đắp lá dâm bụt, bạn cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau quả, trái cây, uống nhiều nước và đặc biệt là luôn giữ cho da sạch sẽ tránh các tác nhân gây mụn từ bên ngoài môi trường.

Hoa dâm bụt chữa rụng tóc

Tác dụng giúp tóc bóng mượt, chắc khỏe của hoa dâm bụt ít ai biết đến nhưng chỉ cần thử một vài lần, các chị sẽ thấy ngay tác dụng. Sau khi ủ tóc với hoa dâm bụt, tóc mềm mượt ngay lập tức. Hoa dâm bụt các chị phơi khô khoảng 6-10 bông, phơi trong hai ngày nắng, sau đó xay mịn rồi trộn cùng sữa chua không đường. Do dâm bụt có khả năng làm se và giảm bài tiết các tuyến nhờn trên da đầu nên nó có lợi trong việc điều trị chứng viêm da đầu seborrhoeic chữa rụng tóc.
Các chị có thể lấy hoa và lá dâm bụt ngâm trong nước sôi từ 10-12 giờ, vớt ra, lấy nước tinh chất đã ngâm dùng để gội đầu hoặc xả lại nước cuối sau khi đã gội với dầu gội. Hoa dâm bụt phơi khô, xay mịn để dùng dần, mỗi lần ủ tóc chỉ cần trộn cùng sữa chua, thêm một vài giọt tinh dầu thảo hương cho thơm tóc.
Chuẩn bị:
2 thìa bột hoa dâm bụt khô
1 hộp sữa chua không đường
2-3 giọt tinh dầu thảo hương
Thực hiện:

Chuẩn bị hoa dâm bụt phơi khô, sữa chua không đường, tinh dầu thảo hương hoặc các loại tinh dầu mà các chị yêu thích.
Cách dùng:
Các chị gội đầu sạch, ủ tóc với mặt nạ hoa dâm bụt khoảng 30 phút rồi xả lại với nước. Mỗi lần gội đầu các chị đều có thể dùng hỗn hợp này thay cho dầu xả.


Một số đơn thuốc thường dùng (Bác sĩ Nguyễn Thị Nga)

Giảm cân 

Khó ngủ, hồi hộp, nước tiểu đỏ: Hoa dâm bụt phơi khô, mỗi lần dùng một nhúm 15 - 20g, hãm uống thay trà hàng ngày. Hoặc lá dâm bụt 15g, hoa nhài 12g. Sắc uống vào buổi chiều, dùng trong 7 - 10 ngày.
Chữa mụn nhọt đang mưng mủ: Hoa dâm bụt, lá trầu không, lá thồm lồm mỗi thứ 50g, giã nát, đắp lên chỗ mụn nhọt. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Hoặc dùng lá và hoa một nắm, rửa sạch, giã với một ít muối hạt, đắp lên chỗ nhọt đang sưng mưng mủ sẽ đỡ đau nhức, đỡ sưng nóng và chóng vỡ mủ.
Chân đau nhức, tê mỏi: Lá dâm bụt, lá si, lá đào, lá mận, lá thài lài tía, mỗi thứ 30g phơi khô, thái nhỏ, sao qua, ngâm với ít rượu, dùng xoa bóp hằng ngày.
Chữa rong kinhRễ dâm bụt 40g, lá huyết dụ 30g, sắc uống ngày 1 thang. 7 ngày là một liệu trình.
Hỗ trợ điều trị di tinhHoa dâm bụt 10g, hạt sen 30g. Sắc uống ngày 1 thang. 10 ngày là một liệu trình.
Chữa kiết lỵ (biểu hiện bụng đau quặn, mót đại tiện nhiều lần, phân lầy nhầy như nước mũi, hoặc màu máu cá): Hái 10 bông hoa dâm bụt bỏ cuống hoa, cho vào bát ăn cơm, thêm 1 thìa cà phê đường, đem hấp cơm. Khi cơm chín lấy bát thuốc ra ăn.
Hoặc: Hoa dâm bụt 10g, lá mơ lông 8g, trứng gà một quả. Thái nhỏ hoa dâm bụt và lá mơ lông cho vào bát, đập trứng vào hấp cách thủy hoặc hấp cơm cũng được, ăn hết một lần, dùng 3 - 5 ngày có hiệu quả tốt.
Trị khí hư (bạch đới): Vỏ dâm bụt 40 - 50g thái nhỏ, sao vàng, sắc uống liên tục trong 1 tuần, nghỉ 10 ngày, nếu bệnh chưa hết thì lại uống tiếp.
Chữa kinh nguyệt không đều: Vỏ rễ dâm bụt 30g, lá huyết dụ 25g, ngải cứu 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần/ngày. Uống 3 - 5 ngày kỳ kinh 7 ngày. 
Ẩm thực từ hoa dâm bụt

Trà hoa dâm bụt (trị giảm cân):

Trà dâm bụt có chứa chất ức chế enzyme giúp sản xuất amylase. Amylase là một enzyme giúp phân hủy tinh bột đường. Uống một tách trà dâm bụt sau bữa ăn sẽ làm giảm hấp thu carbohydrate trong chế độ ăn uống và sẽ giúp giảm cân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong hoa dâm bụt có chất bioflavonoids (một chất chống oxy hóa), vitamin C và các khoáng chất khác nên nó có thể chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa tổn thương tế bào từ quá trình oxy hóa, giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh và cân đối...Ngoài ra trà hoa dâm bụt còn có tác dụng hạ huyết áp, tăng hệ miễn dịch cho cơ thể.
Uống trà dâm bụt như thế nào?
Trà dâm bụt có thể được làm bằng hoa dâm bụt tươi hoặc khô và có thể uống nóng hoặc lạnh.
Chuẩn bị làm trà dâm bụt:
- Đổ 1 chén nước sôi lên 2-4 muỗng cánh hoa dâm bụt khô
- Đậy nắp và ngâm trong 10-15 phút.
- Lọc lấy nước
- Thêm một chút mật ong, nước chanh, hoặc vỏ cam quýt để tăng thêm hương vị thơm ngon của trà dâm bụt
Một cách khác để chuẩn bị trà dâm bụt:
- Ngâm hoa dâm bụt khô trong nước trong 2 ngày (không yêu cầu đun sôi).
- Lọc lấy nước uống
Các bài thuốc từ thảo dược tự nhiên lúc nào cũng có tác dụng vượt trội hơn hẳn, tuy nhiên nếu bạn bận rộn, bạn không muốn mất nhiều thời gian để pha chế các loại thảo dược tự nhiên , bạn có thể nghĩ tới các loại thực phẩm chức năng được kết hợp từ nhiều loại thảo dược tự nhiên. Đây là một trong những cách lựa chọn thông minh giúp bạn có thể đạt được vóc dáng lý tưởng trong thời gian ngắn nhưng an toàn và hiệu quả.Hoa bụp giấm không chỉ dùng làm xi-rô hay gỏi rất ngon mà còn thể hiện độ ngon tinh tế qua món canh chua hay lẩu.
Nếu như với canh chua lá bụp giấm, lá được cho vào sau cùng để tạo vị chua thì với canh chua hoa bụp giấm, bạn sẽ cho hoa vào nồi nước sôi từ đầu, nấu mềm rồi cho cá hoặc tôm, thịt vào nấu chín. Khi nước sôi lại thì cho các loại rau vào, rau thường dùng cho canh chua hoa bụp giấm là rau muống, thơm và đậu bắp. Cuối cùng, bạn nêm nếm rồi cho thêm rau om, ngò gai là có một nồi canh chua thơm ngon, lạ miệng. Cuối tuần ăn lẩu, ngày thường ăn canh
Ngày cuối tuần, nếu muốn có bữa ăn ngon lạ miệng, bạn hãy nấu lẩu chua với hoa bụp giấm. Cách làm giống như lẩu Thái nhưng bạn sẽ dùng hoa bụp giấm tạo vị chua thay vì thơm và cà. Lúc này nước lẩu sẽ có màu đỏ sậm hơi… lạ mắt. 
Thưởng thức xi-rô ngon mê ly!
Trở lại với hũ xirô bụp giấm của bạn, khi đã bước qua ngày thứ ba, đường đã dần tan hết, những hạt tinh thể trắng muốt nhường chỗ cho màu đỏ thắm của bụp giấm. Lúc này, bạn có thể mở nắp và nếm thử xem vị ngọt đã vừa chưa. Hãy chú ý, cái hương cái vị của nước bụp giấm có thể sẽ làm người lần đầu chạm lưỡi "say" đến độ quên mất mình đang làm gì. Hãy bình tĩnh và xem xét xem nước bụp giấm đã đủ ngọt chưa, nếu cần hãy cho thêm đường và lại đậy kín hũ. Đừng nôn nóng, chờ đợi món ngon luôn là niềm vui sướng tuyệt vời!
Khi ngâm bụp giấm được khoảng 5-7 ngày, đường trong hũ sẽ tan hết. Chúc mừng, bạn đã hoàn thành món xirô hoa bụp giấm! Vớt khoảng 2/3 lượng cánh hoa ra khỏi hũ, rồi cho cả hũ vào tủ lạnh dùng dần trong vài tháng.

Cánh hoa bụp giấm ngâm đường có thể dùng để ăn tươi, làm sinh tố, làm nhân bánh kem. Còn xirô bụp giấm thì ngoài pha với đá làm nước giải khát cũng được dùng làm nguyên liệu cho nhiều món khác như rau câu, sữa chua hoặc sên đặc lại thành mứt ăn với bánh mì.

Sau khi cho xirô vào tủ lạnh, hãy ăn thử cánh hoa đã vớt ra, nếu cánh hoa trở nên giòn ngọt (còn dai thì chưa được) thì mang sên mứt. Bạn cho cánh hoa lên chảo nóng, sên với lửa nhỏ cho đến khi nước rút hẳn là đã có món mứt hoa bụp giấm. Món mứt này còn được gọi bằng cái tên mỹ miều khác là “mứt hoa hồng”.

Hoa bụp giấm là loài hoa kỳ di
ệu, nó có thể được chế biến linh hoạt để tạo thành nhiều món ngon khác nhau. Rất mong các  bạn có những khám phá đầy thú vị với hoa bụp giấm!
BÔNG BỤP TRONG VĂN THƠ KỊCH
Nguyễn Trãi có bài thơ: 
Mộc cận
Ánh nước hoa in một đoá hồng
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay thuyết sắc không
Mộc cận trong thơ Nguyễn Trãi đó là hoa dâm bụt.
Nghiên cứu bài thơ bông dâm bụt của Nguyễn Trãi để xem ý thơ theo lăng kính Phật giáo xem như thế nào?
1.Ánh nước hoa in một đóa hồng
Bông dâm bụt đỏ in hình trên mặt nước. Chúng ta không biết Nguyễn Trãi nhìn ảnh bông in trên mặt nước hay bông thật .Nhưng có thể chắc một điều, lúc đó cảnh vật yên tĩnh và tâm hồn của ông cũng yên tĩnh.
Yên tĩnh là sao ?Là “biển tâm không có sóng”.Không có sóng xao động của một chủ thể tìm cách nắm bắt và một đối tượng cho sự nắm bắt, chiếm hữu.
Đấy là một trạng thái thiền định tự nhiên.Trạng thái thiền định tự nhiên này là “tâm vô sở trụ”, tâm không bám trụ vào đâu cả.
2.Vẫn nhơ chẳng bén, Bụt là lòng
Không có chút vết nhơ nào nơi bông bụt.Như thế bởi vì không có chút vết nhơ nào nơi tâm. Vết nhơ nơi tâm là ý niệm về một cái tôi (ngã)và ý niệm có một đối tượng để thương ghét, lấy bỏ…Khi không có vết nhơ nào nơi gương tâm thì tâm trọn vẹn là cảnh, cảnh trọn vẹn là tâm. Tâm cảnh hợp nhất thì thấy ra bông bụt.Thấy ra bản chất, thể tánh của bông bụt.
Bông bụt đó bày hiện bản chất của nó, thể tánh của nó, lòng của nó. Bản chất, thể tánh, lòng đó là Bụt (Phật): “Bụt là lòng”. Bụt hay Phật là Chân Như là Như Lai………Kinh Kim Cương nói: “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”. Bông bụt đó có bản chất, có lòng là Chân Như.Từ Chân Như sanh khởi, diễn tiến trong và chính là Chân Như ,và tiêu tan trong Chân Như.
Không chỉ một bông bụt, mà mọi sự vật , mọi con người, mọi sinh vật đều từ Chân Như sanh khởi, diễn tiến trong Chân Như và chính là Chân Như rồi tiêu chìm trong Chân Như. Sự khác biệt của mọi vật là do nghiệp riêng của chúng, chứ bản chất chúng vẫn là Chân Như. Như sóng sanh khởi từ đại dương, biến thành một làn sóng di động, có cao thấp có khác hướng thế nào thì vẫn là nước của đại dương, rồi tan chìm trở lại đại dương. Sóng là một biểu hiện của đại dương. Sóng chính là đai dương biểu hiện.
Như thế, toàn bộ đời sống, có hay không, thêm hay bớt, khởi hay chìm. Sanh hay diệt, chỉ là Chân Như. Vĩnh viển Chân Như. Từ vô thủy đến vô chung.
3.Chiều mai nở chiều hôm rụng.
“Chiều” là chữ để chỉ thời gian.Chiều là “buổi”. Nở hay rụng cũng chỉ là Chân Như . Nở và rụng là sự biểu hiện của Chân Như. Mọi sự là trò chơi không đáy của Chân Như hay Tánh Không, là sự diễn dịch của Chân Như hay Tánh Không. Trong đại dương, chỉ có những ai tự đồng hóa mình, tự công nhận mình là bọt sóng mới chịu sự chìm nổi, sanh diệt, thêm bớt, dơ sạch…..Không đồng hóa với cái gì cả thì chỉ có đại dương không sanh không diệt không dơ không sạch, không tăng không giảm.
Nếu không thấy buổi mai hoa nở, buổi chiều hôm rụng thì đây là một cái tâm vô tri vô giác như gỗ đá.
Nếu chỉ thấy buổi mai hoa nở, buổi chiều hôm rụng thì đây là một cái tâm của người bình thường, lệ thuộc vào sanh già bệnh chết.
Nếu thấy lòng hoa là Bụt, thì có nở có rụng chỉ là chân lý quy ước tương đối; còn trong chân lý tối hậu, tuyệt đối thì hoa nở hoa rụng mà thật ra không nở không rụng.Nói cách khác, sanh diệt mà chẳng sanh diệt, sanh tử mà Niết bàn, sanh tử tức Niết bàn.
4.Sự lạ cho hay tuyệt sắc không
Lạ là “diệu” như chữ diệu trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Sự lạ là diệu pháp, là “phép lạ” .Tuyệt là cắt đứt, chấm dứt.
Sự lạ ấy vượt khỏi tâm, ý, ý thức.Vượt khỏi ý niệm về sắc và không, vì sắc và không bây giờ chỉ là hý luận.
Bài thơ chấm dứt bằng sự chấm dứt của mọi ý niệm, mọi ngôn ngữ. Khi thực tại hiển lộ rõ ràng và hoàn toàn với cái thấy thì “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ tuyệt”.
Bông bụt bây giờ không chỉ có lòng là Bụt. Mà bây giờ bông bụt là Bụt, là Phật. (“Tất cả các pháp đều là Phật pháp” Kinh Kim Cương).Hoa ấy là Hoa Phật. Cái thấy hoa ấy là cái thấy Phật.
Đây là cái thấy của người ngộ đạo:
Các pháp từ xưa nay
Thường vốn tự tịch diệt
(Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng)
Kinh Pháp Hoa
Bông dâm bụt, trong con mắt thanh tịnh (pháp nhãn thanh tịnh) của Nguyễn Trãi, là hoa Pháp (Pháp Hoa), là hoa Phật. Đã là Pháp, Phật thì không thể nghĩ bàn, vì vượt khỏi sự tới lui của ngôn ngữ và sự khởi lên của tư tưởng  ( bình thơ tác giã Nguyễn Thế Đăng, nguồnhttp://thuvienhoasen.org/a12960/di-vao-bai-tho-hoa-moc-can-cua-nguyen-trai)
Nhớ hàng dâm bụt xưa.... 
Tô điểm sân nhà thêm thắm xinh, 
Hàng cây dâm bụt đỏ thân tình..... 
Mật ngọt điểm tô cho sắc thắm, 
Màu hoa rực rỡ sắc bình minh !!

Thơ ấu ngày nao xa rất xa, 
Sao vẫn thương hoài một dáng hoa..?!... 
Của thời thơ dại quê nhà cũ 
 Hàng dậu sân nhà rực sắc hoa....

Một mình ngơ ngẩn dưới hoàng hôn,
Nhớ tiếng cười vui rộn rã giòn....
Nhớ vòng hoa cưới cô dâu nhỏ,
Chơi đón dâu về đi khắp thôn !!....

Tôi đi tìm lại bóng hình tôi,
Của thời thơ trẻ đã xa xôi.....
Dường như có lẻ tôi nhìn thấy,
Hình bóng mình qua con trẻ thôi !!
(Nam Mai)

Tất cã hình ảnh và tài liệu được tác giã sưu tầm trên internet với nhiều nguồn khác nhau. Người viết xin cám ơn các tác giả nhng bức ảnh và tài liệu đã được đăng trong bài viết nầy.

Võ Thị Linh 25/2/2015