ĐỨC THẦY VÀ LÒNG ÁI QUỐC
(Ngô Tấn Nghĩa-Đăng trên Việt Báo)
Kể từ ngày ra mở Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, 18-5-Kỷ mão (4-7-1939), đến ngày thọ nạn ra đi (25-2 nhuần-Đinh hợi, 16-4-1947), Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ đã xả thân cống hiến ơn cứu khổ cứu nạn cho thế gian 7 năm 10 tháng 12 ngày, trong đó, gần 6 năm thuần túy hoằng pháp và non 2 năm dấn thân cứu quốc. Đó là thời kỳ vô cùng đen tối, đầy máu và nước mắt trong lịch sử cận đại nước nhà. Đức Thầy phải trải qua những bước truân chuyên trong thời gian mở Đạo dưới họa thống trị của Thực dân Pháp; những năm kế tiếp Ngài phải đương đầu với từng cơn lốc xoáy trong thời kháng Pháp quay lại thống trị nước ta lần thứ hai, bên cạnh âm mưu hãm hại của họa Cộng sản Đệ tam quốc tế núp dưới chiêu bài liên hiệp chống ngoại xâm. Sự ẩn nhẫn và hy sinh gian khổ của Ngài không có bút mực nào tả xiết. Quả thật, chỉ có bậc Đại Bồ-tát xuống thế cứu đời mới có thể vượt qua một cách thung dung tự tại.
Xem lại trang sử bi hùng trong khoảng đời cứu dân cứu nước của Đức Thầy, chúng ta sẽ thấy lòng ái quốc thương dân rộng lớn vô biên của Ngài. Chỉ một giai đoạn lịch sử vỏn vẹn có 2 năm, kể từ ngày Nhựt đảo chánh Pháp (9/3/45) đến ngày Việt Minh Cộng Sản bày mưu ám hại Ngài tại Đốc Vàng Hạ (16-4-47 nhằm 25-2 nhuần, năm Đinh Hợi), Đức Thầy đã nêu cao một tấm gương đạo đức ái quốc chưa từng thấy.
Đối với Đức Thầy, đạo đức và chánh trị luôn luôn được kết hợp song hành. Ngài đã dấn thân vào chánh trị trong giai đoạn cam go nhất của lịch sử cận đại không ngoài mục đích trang trải nợ đời, hoàn thành nền đạo đức mà Ngài có sứ mạng xuống thế hoằng truyền:
“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.” (SGTV: Q.3)
“Nợ thế” ở đây chính là ân nợ Đất Nước, một trong bốn ân nợ của đạo Tứ Ân mà người con Phật sống trong xã hội đều mặc nhiên thọ nhận và có nghĩa vụ đền đáp: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào và Nhân Loại.
Sau khi khai Đạo không lâu, số người tìm đến qui y thọ giáo với Đức Thầy quá đông đã khiến nhà cầm quyền Pháp theo dõi lưu ý. Đến ngày 18-5-1940 (12-4- Canh thìn), người Pháp không để Ngài tự do truyền giáo tại làng Hòa Hảo nữa; họ cưỡng bách Ngài rời khỏi Hòa Hảo tới trình diện tại Tòa Bố tỉnh Châu Đốc. Ngày hôm sau, thi hành mật lệnh của Thống Đốc Nam Kỳ, công an Pháp áp giải Ngài đến tỉnh Sa Đéc khởi đầu một cuộc sống lưu cư, rày đây mai đó, do họ chỉ định. Ở Sa Đéc, Ngài viết bài thơ “Sa Đéc” nói lên nỗi lòng bi thống đối với các tín đồ của Ngài đang tụ tập đông đảo bên ngoài, trước hoàn cảnh đầy “chông gai” của xứ sở. Bài thơ có đoạn như sau:
“Muốn lập Đạo có câu thành bại,
Sự truân chuyên của khách thiền môn.
Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,
Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh.
Tiếng gọi đời sông mê hãy lánh,
Chạm lợi quyền giàu có cạnh tranh.
Bước gai chông đường đủ sỏi sành,
Đành tách gót lìa quê hương dã.
Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,
Bởi sự thường của bực siêu nhơn.
Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh chúng thông đường giải thoát”.
(SGTV: Bài Sa-Đéc)
Ngày 23-5-40 (17-4-Canh thìn), sau 5 hôm ở Sa-Đéc, Ngài bị dời tới Cần Thơ, tạm trú tại nhà ông Hương bộ Thạnh (làng Nhơn Nghĩa). Rồi ngày 28-7-40, Ngài được chuyển vào bệnh viện Cần Thơ và đến nhà thương điên Chợ Quán (Sài Gòn) giao cho y sĩ Trần Văn Tâm coi sóc. Ngày 5-6-41, Ngài bị đưa xuống tỉnh Bạc Liêu, tạm trú tại nhà ông Võ Văn Giỏi, Ngài bị buộc đến trình diện tại bót cò hàng tuần. Chính nơi đây là cơ hội để Ngài kết nạp thêm nhiều thành phần trí thức đến qui y vào Đạo. Tuy gian nan như thế mà tấm lòng Bồ-tát của Ngài không hề lay chuyển và đã thong dong thốt lên hai câu thơ đáng nhớ:
“Càng đi càng biết nhiều nơi,
Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông”
(SGTV: Bài Từ Giả làng Nhơn Nghĩa)
Vào tháng 10-1942, có tin mật thực dân Pháp dự định đưa Ngài đi an trí bên Lào. Ngài được các tín đồ thân cận liên lạc với hiến binh Nhựt để xin giúp đỡ. Ngài được bí mật chuyển đến ẩn cư tại Sở Hiến Binh Nhựt tại đường Lefèbvre (Sài Gòn). Nơi đây Ngài được người Nhựt bảo hộ cho đến ngày Nhựt đảo chánh Pháp (9-3-1945). Tại Sở Hiến Binh Nhựt, Ngài biết bụng dạ người Nhựt chẳng phải tốt gì với nhân dân Việt Nam và nay đối với Ngài cũng chỉ là muốn gây cảm tình để lợi dụng khối tín đồ đông đảo của Ngài nhằm chuẩn bị chống lại quân Đồng Minh nên Ngài than thở:
“Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn,
Quan Đế cư Tào bất đê Tào”
(Trương Tiên ở với nhà Hán mà không theo Hán, Quan Công nương tựa Tào Tháo mà không hề thần phục Tào Tháo).
Sau ngày Nhựt đảo chánh Pháp (9-3-45) để thay Pháp nắm quyền lãnh đạo trên toàn cõi Đông Dương, tình hình thế giới biến chuyển bất lợi cho quân phiệt Nhựt trước sự đầu hàng nhiều nơi của liên quân Đức-Ý ở Âu châu và tình hình quốc nội Việt Nam cũng xáo trộn mạnh với sự trổi dậy của Mặt Trận Việt Minh do Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế lãnh đạo. Đức Thầy đã tiên đoán “Nhựt Bổn ăn không hết nửa con gà” (ý nói người Nhựt cầm quyền không quá nửa năm Ất Dậu, 1945).
Ngày 10-3-45, Nhựt tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Đảng Việt Nam Quốc Gia của Hồ Văn Ngà được thành lập trước đây liền đổi tên đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập.
Ngày 11-3-45, vua Bảo Đại ra chiếu hủy bỏ tất cả các Hòa Ước bất bình đẳng mà Việt Nam đã ký với Đế quốc Pháp và tuyên bố “Việt Nam Độc Lập”; ngày 17-4-45, nhà vua mời Học giả Trần Trọng Kim thành lập Chánh Phủ Việt Nam Độc Lập với quốc hiệu là Đế Quốc Việt Nam (tức nước Việt Nam Quân Chủ Lập Hiến).
Nhằm ngăn cản tín đồ gây bạo động trước tình hình mới, Đức Thầy từ Sài Gòn đã ra Huấn Lịnh gởi về Miền Tây Nam Bộ như sau ( SGTVTB 2015 tr. 489):
HUẤN LỊNH
Hỡi tất cả thiện-nam tín-nữ!
Ngày mà chúng ta chịu khổ dưới gót giày của người Pháp và bọn quan lại hung tàn vừa qua. Kể từ nay tôn giáo của chúng ta sẽ được tự do truyền bá. Vậy tôi nhân cơ hội này tỏ cho các người được hiểu rằng:
Đạo Phật là đạo từ-bi bác-ái, dĩ đức háo sanh khoan hồng đại độ; tuy tình thế có đổi thay chớ tấm lòng nhơn chăng đổi.
Vậy hãy coi toàn dân cũng như anh em một nhà, mong họ liên kết với chúng ta để kiến- thiết lại quê-hương cùng nền Đạo nghĩa. Những kẻ bạo-tàn từ trước đến giờ, nay đã ăn-năn giác-ngộ thì hãy dĩ đức nhiêu dung tội trạng của họ, để sau này quốc-gia định-đoạt, còn mình chỉ khuyên họ trở lại đường lành, chớ chẳng nên làm điều gì thái quá mà động đến từ tâm của chư Phật.
Mong các người hãy tuân theo Huấn Lịnh này.
Sai-gòn, ngày 2 tháng 2 Ất Dậu ( 1945 )
Và tiếp theo sau là lời thiết tha kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam đề cao cảnh giác, xóa bỏ hận thù, tránh bạo loạn gây cảnh nồi da xáo thịt. Ngài còn căn dặn những điều cần tránh và những việc nên làm (SGTVTB 2015 tr. 490):
HỠI ĐỒNG BÀO VIỆT NAM !
Nước nhà đã tuyên bố độc lập. Kẻ thù giết cha ông chúng ta hầu hết đã bị giam cầm. Giờ đây, bổn phận của mỗi người Việt-Nam cần phải làm thế nào cho sự độc lập hoàn toàn của nước nhà chóng thực hiện.
Vậy tôi khuyên tất cả đồng bào muốn tỏ ra xứng đáng với người dân một nước tự do thì chúng ta hãy nên đoàn kết chặt chẽ cùng nhau, hãy quên hết những mối thù hiềm ganh ghét, đừng bày ra cái họa nồi da xáo thịt khiến ngoại nhân khinh bỉ một dân tộc như dân tộc Việt-Nam ta đã có nhiều tấm lòng nhân hậu và những trang sử vẻ vang. Còn bọn sâu dân mọt nước để sau nầy cho Tòa án quốc gia định đoạt, hiện giờ hãy rán tuân theo kỷ luật của nhà binh.
Lo trả thù riêng, đốt phá nhà cửa, hoặc trộm cướp sát-nhân, làm rối trật tự, có hại cho sự kiến thiết quốc gia: Kẻ yêu nước chẳng nên làm.
Những người lính Việt-Nam trong quân đội Pháp thoát ngũ hãy ra nhà binh Nhựt ghi tên, sẽ vô tội. Những lính cảnh-sát hãy đem khí-giới ra nộp và hiệp tác với nhà đương cuộc để giữ an-ninh. Những kẻ trộm cướp có khí-giới hãy đem khí-giới nộp và thú tội sẽ được tha thứ.
Bình-tĩnh hiệp-tác chặt-chẽ với nhà đương cuộc, giữ sự an- ninh cho dân-chúng, có lợi cho sự kiến-thiết quốc-gia: Kẻ yêu nước nên làm.
Nhân danh cho Việt-Nam Độc-Lập Vận- Động Hội
kiêm Cố-Vấn Danh-Dự Việt-Nam Ái-Quốc Đảng
Ký tên: HÒA-HẢO
Sài-Gòn, tháng 2 Ất-Dậu ( 1945 )
Kế tiếp, Ngài lại gởi thư riêng cho bổn đạo khuyên phải xóa bỏ sự trả thù để xứng đáng với tấm lòng từ bi đạo đức của người con Phật (SGTVTB 2015 tr. 491):
LỜI RIÊNG CHO BỔN - ĐẠO
Tôi ở Sài-Gòn khi cuộc đảo chánh xảy ra, vẫn đoán biết sẽ có vài chuyện chẳng hay trong quần-chúng, lập tức gởi thơ về khuyên giải mọi người, nhưng vì đường giao-thông bất tiện mà thơ ấy đến rất chậm trễ, tôi lấy làm chẳng vui mà thấy một vài người trong Đạo và ngoài đời nhận lấy cái danh-từ của tôi mà làm một ít cử-chỉ trả thù không có xứng đáng với tấm lòng đạo-đức từ-bi; trước kia chúng nó hà-khắc ta, chúng nó đành; ngày nay ta hà-khắc lại, sao đành. Vì lòng chúng nó đầy sự hung-tàn, còn lòng ta lại đầy nhân ái !
Nên kể từ nay, kẻ nào trong Đạo còn làm điều gì không có mạng lịnh sẽ bị loại ra khỏi Đạo và giao nhà đương-cuộc xử một cách gắt-gao.
Ký tên: HÒA-HẢO
Sài-Gòn, tháng 2 Ất-Dậu (1945)
Ngày 18-3-1945, Đức Thầy ra hiệu triệu gởi toàn dân để thành lập Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội (xem SGTVTB 2015 tr. 492-499).Vì Ngài cho rằng Việt Nam chưa có độc lập thật sự; Ngài tuyên bố ngay trong cuộc biểu tình “mừng độc lập” của lãnh tụ Hồ Văn Ngà tại Vườn Ông Thượng (Sài Gòn). Lẽ dĩ nhiên, tổ chức Việt Nam Vận Động Hội của Đức Thầy bị người Nhựt ngăn cấm hoạt động.
Để tỏ tình đoàn kết trong lãnh vực Phật Giáo, tháng 5-1945, Đức Thầy vận động thành lập Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội sau khi Ban Trị Sự Trung Ương PGHH được thành hình.
Bấy giờ, quân đội Đồng Minh, rảnh tay ở Âu Châu, quân Anh, Pháp kéo sang liên kết với Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch và quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tập trung triệt hạ quân đội Nhựt Hoàng. Họ phong tỏa tất cả các đường giao thông, thủy lẫn bộ, giữa Nam-Bắc Việt Nam, khiến quân Nhựt bị kiệt quệ lương thực và thiếu năng lượng trầm trọng. Do đó, nạn đói ở Bắc Kỳ xảy ra khủng khiếp, giết chết trên 1 triệu dân từ cuối năm 1944 sang qua năm 1945 trước sự bất lực hoàn toàn của Chánh phủ Trần Trọng Kim. Bắt đầu ngày 10-6-1945 đến tháng 8-1945, Đức Thầy phải dấn thân đi khuyến nông khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và vận động cứu đói bằng phương tiện xe thồ chuyển gạo qua từng chặng ra tận Bắc Kỳ. Trong dịp nầy, Ngài đã bày tỏ sự hành đạo của Ngài trước vận nước đảo điên trong bài thơ “Tặng Thi Sĩ Việt Châu”, một tín đồ trí thức thân tín bên cạnh Ngài:
“Tăng-sĩ quyết chùa, am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thuyền môn trở gót Phật-Đà Nam-mô.”
Ngày 6-8-45, Hoa Kỳ thả trái bom nguyên tử đầu tiên hủy diệt cả thành phố Hiroshima của Nhựt; ngày 7-8-45, Chánh phủ Trần Trọng Kim đệ đơn từ nhiệm lên vua Bảo Đại. Ngày 9-8-45, Hoa Kỳ thả tiếp trái bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki của Nhựt; ngày 15-8-45, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện.
Trong khoảng thời gian đó, ngày 14-8-1945, Đức Thầy cho ra đời Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất (MTQGTN); với bí danh Hoàng Anh, Ngài được bầu làm Chủ tịch Mặt Trận nầy – Mặt Trận nhằm thống nhất toàn dân yêu nước không phân biệt khuynh hướng chánh trị và tôn giáo. Ngày 21-8-1945, MTQGTN tổ chức cuộc biểu tình vĩ đại ở Sài Gòn, quy tụ hơn 200 ngàn người hưởng ứng trên khắp các đường phố, nêu cao khẩu hiệu cương quyết chống đế quốc Pháp trở lại Đông Dương. Tuy nhiên, MTQGTN bị các lãnh tụ Cộng Sản Đệ Tam âm mưu quấy phá và quyết lòng triệt hạ vì họ sợ làm lu mờ Mặt Trận Việt Minh do họ thành lập và lãnh đạo. Ngày 22-8-45, tổ chức Thanh Niên Tiền Phong của Phạm Ngọc Thạch* rút ra khỏi MTQGTN và tuyên bố gia nhập Mặt Trận Việt Minh. (*Phạm Ngọc Thạch là một bác sĩ tốt nghiệp ở Pháp về nước, đã bí mật gia nhập đảng Cộng Sản trước khi lãnh đạo Thanh Niên Tiền Phong; Thạch là Bộ trưởng Y tế đầu tiên trong Chánh Phủ VNDCCH của Hồ chí Minh).
Ngày 23-8-1945, vua Bảo Đại thoái vị, Việt Minh lên nắm chánh quyền thay cho Chánh phủ Trần Trọng Kim. Tại Nam Bộ, Khâm sai Nguyễn Văn Sâm họp với thủ lãnh Việt Minh Trần Văn Giàu để duy trì MTQGTN nhưng bất thành vì Việt Minh đã cố ý giải tán MTQGTN ngay từ đầu, do đó, MTQGTN yếu thế hơn nên phải tự ngưng hoạt động. Hôm sau (24-8-45) tại nội thành Huế, vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh để trở thành “công dân Vĩnh Thụy”. Cùng ngày nầy, Việt Minh cướp chánh quyền ở Sài Gòn và thành lập Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ với Trần Văn Giàu là chủ tịch.
Ngày 2-9-1945 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh ra mắt Chánh phủ Liên hiệp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và công bố bản “Tuyên Ngôn Độc Lập” của họ.
Trong Nam, Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ sau ngày thành lập, biểu lộ bộ mặt độc tài sắt máu; họ tìm đủ cách để loại trừ, thậm chí thủ tiêu, các thành phần quốc gia yêu nước. Tại Cần Thơ, ngày 8-9-1945 (3-8-Ất Dậu), đoàn thể PGHH xin phép UBHC tỉnh tổ chức cuộc biểu tình ủng hộ Chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng chống lại chánh sách độc tài của Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ. Cuộc biểu tình nầy, quy tụ hàng chục ngàn tín đồ PGHH, bị Việt Minh đàn áp dã man, bắt nhốt hàng ngàn người vào khám lớn; 3 vị lãnh đạo cuộc biểu tình là Huỳnh Thạnh Mậu (bào đệ của Đức Thầy), Trần Văn Hoành (con trưởng nam của tướng Trần Văn Soái) và Thi sĩ Việt Châu Nguyễn Xuân Thiếp bị họ đem xử tử tại sân vận động Cần Thơ ngày 7-10-1945 (2-9-Ất Dậu).
Ngay sau ngày cuộc biểu tình của tín đồ PGHH bị đàn áp ở Cần Thơ, tại Sài Gòn ngày 9-9-1945 (4-8-Ất Dậu), Trần Văn Giàu hạ lịnh vây bắt Đức Thầy tại trụ sở PGHH (số 8 đường Sohier, góc đường Miche). Đức Thầy đã tránh né kịp nên họ không tìm gặp; sau đó, tín đồ đã đưa Ngài vào ẩn náu trong chiến khu Miền Đông Nam Bộ (Rừng Chà-là) do Bình Xuyên kiểm soát.
Cũng trong lúc nầy, quân đội Đồng Minh đang giải giới quân nhựt trên toàn cõi Đông Dương. Từ vĩ tuyến 16 trở ra, cuộc giải giới do quân Trung Hoa Dân Quốc phụ trách, từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, do quân Anh, Pháp phụ trách.
Ngày 13-9-45 Tướng Anh Douglas Gracey thay mặt quân Đồng Minh đến Sài Gòn để phụ trách giải giới quân Nhựt. Pháp theo chân quân Anh trở lại Sài Gòn và tái chiếm Nam Bộ. Ngày 25-9-1945 Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ bị tướng Anh Douglas Gracey tống xuất ra khỏi trụ sở Dinh Gia Long nên phải rút về Chợ Đệm thành lập Ủy Ban Hành Kháng Nam Bộ do Phạm Văn Bạch làm chủ tịch.
Sau khi tình hình ở Sài Gòn lắng dịu, Đức Thầy từ chiến khu Miền Đông về lại Chợ Lớn vào tháng 1 năm 1946. Ngài liên lạc dàn xếp các vụ xung đột giữa Việt Minh và Phật Giáo Hòa Hảo ở các tỉnh Miền Tây Nam Bộ.
Ngày 4-2-1946 Cao Ủy Đông pháp DAgenlieu cho khai sinh cái quái thai “Nam Kỳ Quốc”với Thủ tướng Nam Kỳ Tự Trị là Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh.
Ngảy 6-3-1946 ở thủ đô Hà Nội, Chánh phủ Hồ Chí Minh đồng ý ký Hiệp Ước sơ bộ với đại diện Chánh phủ Pháp để rảnh tay đương đầu với Pháp mà quay sang tiêu diệt đối lập (các đảng phái quốc gia yêu nước); chính Hiệp Ước nầy đã dành cho Pháp sự thuận lợi trở lại tái chiếm Việt Nam mà không phải nổ súng.
Tình hình mới đã đặt nhân dân Việt Nam trước khúc quanh lịch sử: hoặc cam tâm làm nộ lệ Pháp hoặc quật cường chống ngoại xâm giành độc lập. Ngày 2-4-1946 Uỷ Ban Liên Hiệp Kháng Chiến ra đời tại Bà Quẹo (Sài Gòn) nhằm mục đích liên hiệp các lực lượng quân sự để kháng Pháp. Ngày 20-4-1946, Đức Thầy (bí danh Hoàng Anh), cũng tại Bà Quẹo, cho ra đời Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp và Ngài được bầu làm chủ tịch. Mặt Trận vừa bị Việt Minh chống phá, vừa bị Pháp đàn áp nên phải ngưng hoạt động 3 tháng sau đó. Từ tháng 7-1946 chính là thời điểm chấm dứt sự hợp tác chánh trị giữa Việt Minh và PGHH. Để tiếp tục cuộc kháng chiến đuổi ngoại xâm, Đức Thầy phải liên kết các đoàn thể quốc gia lẻ tẻ và thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (gọi tắt là Dân Xã Đảng) vào ngày 21-9-1946 tại Chợ Lớn. Là người sáng lập nhưng Đức Thầy và tín đồ PGHH không giữ vị trí quan trọng trong Ban Chấp Hành Dân Xã Đảng. Ban Chấp Hành đầu tiên của Dân Xã Đảng gồm có:
Thủ lãnh sáng lập: Huỳnh Phú Sổ (PGHH)
Chủ tịch kiêm Ủy viên Ngoại giao: Nguyễn Văn Sâm (nhân sĩ)
Tổng Bí thơ: Nguyễn Bảo Toàn (nhân sĩ)
Ủy viên Chánh trị: Trần Văn Ân (nhân sĩ)
Ùy viên Tuyên huấn: Lê Văn Thu (nhân sĩ)
Ủy viên Liên lạc: Lê Văn Thuận (PGHH)
Các Ủy viên khác: Lâm Văn Tết (nhân sĩ), Đỗ Phong Thuần (nhân sĩ), Trần Văn Tâm (PGHH),...
Một số tín đồ PGHH thắc mắc về thành phần trên, Đức Thầy đã giải thích đại khái như sau: “Đã hợp tác thì nên thành thật và đặt người cho đúng chỗ, xứng với tài năng. Mục đích là cứu nước nên cần ủng hộ cho người ta làm, đừng tị hiềm, tranh giành địa vị mà hư việc lớn. Mình có khối quần chúng PGHH lớn nên cần hậu thuẫn cho các chiến sĩ cách mạng dấn thân tranh đấu cứu nước”.
Theo nhận xét của tác giả Nguyễn Long Thành Nam qua tác phẩm “PGHH Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc“(tr.407) thì những lý do chánh yếu mà Đức Thầy đã thành lập VNDCXHĐ như sau:
- Tạo môi trường hợp tác giữa PGHH và các nhà ái quốc chơn chánh (phối hợp quần chúng và trí thức) để tăng cường hiệu năng kháng chiến giành độc lập.
- Đối kháng âm mưu Cộng sản hóa đất nước nhằm thực hiện chế độ độc tài đảng trị của đảng Cộng Sản Đông Dương.
- Tạo môi trường thích hợp cho các tín đồ PGHH tham gia đấu tranh, hành sử giáo lý Tứ Ân, tránh mang danh nghĩa tôn giáo vào trường tranh đấu.
- Vạch ra một chủ trương tiến bộ để xây dựng đất nước theo chế độ dân chủ xã hội tự do trên căn bản một nền kinh tế tư hữu xã hội (không theo vô sản cũng không theo tư bản cực đoạn).
Dân Xã Đảng, sau ngày thành lập, phát triển rất nhanh vì sẵn có khối quần chúng PGHH đến mấy triệu người làm hậu thuẫn. Việt Minh Cộng Sản rất lo ngại nên tìm đủ mọi cách để tiêu diệt chánh đảng nầy. Một mặt họ cho cán bộ len vào hệ thống mật thám Pháp để cung cấp tin hoạt động của Dân Xã cho Pháp đưa quân đến khủng bố các vùng có đông cư dân PGHH, mặt khác, chính họ trực tiếp sát hại đảng viên Dân Xã không nương tay. Báo Quần Chúng là cơ quan ngôn luận của Dân Xã Đảng bị ném lựu đạn. Cuộc xô xát khốc liệt giữa Dân Xã và Việt Minh xảy ra nhiều nơi ở Miền Tây Nam Bộ.
Để làm nhẹ tình hình xung đột, ngày 14-11-1946, Đức Thầy nhận lời tham gia Uỷ Ban Hành Chánh Nam Bộ với chức vụ Ủy viên Đặc biệt và cũng để chứng tỏ cho toàn dân thấy rằng Ngài không hề chủ trương chia rẽ trong cuộc kháng chiến chống Pháp để giành độc lập.
Mặt khác, một ủy ban hòa giải được thành lập để giải quyết những vụ xung đột giữa Việt Minh và Dân Xã ở Miền Tây. Nhưng ủy ban nầy đã thành vô hiệu trước ý định cương quyết tiêu diệt Dân Xã của đảng Cộng Sản.
Trước tình thế lưỡng nan phải đối phó với hai mũi dùi đang hướng đến mình: Thực dân và Cộng sản, Đức Thầy buộc phải bí mật cử đại diện của Dân Xã Đảng sang Nam Kinh (Trung Hoa) hợp cùng các lãnh tụ quốc gia lưu vong để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc (MTQGTNTQ) nhằm hình thành một tổ chức mới kết hợp các hàng ngũ quốc gia yêu nước thay thế dần vai trò của Mặt Trận Việt Minh do Cộng Sản lãnh đạo. MTQGTNTQ được thành lập với Ban Chấp Hành gồm:
Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần (Việt Cách)
Tổng Thư Ký: Nguyễn Bảo Toàn (Dân Xã Đảng)
Ủy viên Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam (Quốc Dân Đảng)
Cùng nhiều ủy viên khác.
Cuối cùng, không nỡ ngồi nhìn các cuộc xô xát đẵm máu đang tiếp tục xảy ra ở Miền Tây giữa Việt Minh và Dân Xã, ngày 23-3-1947 Đức Thầy phải đích thân rời khỏi chiến khu Miền Đông về Miền Tây để giải quyết các cuộc xung đột đó.
Lợi dụng sự có mặt của Đức Thầy tại Miền Tây, bọn Trần Văn Nguyên (Ủy viên Thanh tra của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ) và Bửu Vinh (Ủy viên Quân sự của UBHC tỉnh Long Xuyên) bày mưu mời Đức Thầy đến họp tại Đốc Vàng Hạ (Đồng Tháp) để âm mưu ám hại Ngài vào ngày 16-4-1947 (25-2nh năm Đinh Hợi). Từ đó, Đức Thầy bặt tin cho đến nay, không ai rõ Ngài bị Việt Minh sát hại hay vẫn còn sống và ở đâu.
Để kết thúc bài biên khảo nầy, người viết xin mượn nhận định khách quan sau đây về Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ của Tiến sĩ Lê Hiếu Liêm, tác giả quyển “Bồ-Tát Huỳnh Phú Sổ và Phật Giáo Thời Đại“ (tr. 246-247):
“Huỳnh Giáo Chủ không những có tư tưởng lớn, viễn kiến xa rộng, mà còn có nhân cách lớn và tâm hồn thênh thang như hư không, cả khi Ông dấn thân vào hoạt động chánh trị. Thật là điều hy hữu trong thế kỷ này.
“Chánh trị Việt-Nam, trong suốt 50 năm nay, là một vũng bùn và vũng máu khổng lồ, bởi sự thống trị hoành hành của những ý thức hệ bất khoan dung và những thủ đoạn lưu manh, tàn bạo vô tiền khoáng hậu. Với tâm nguyện bồ-tát, “Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh”, Ông đã đi vào địa ngục ác thú đau khổ nhất để cứu nguy đất nước, cứu độ đồng bào nhưng nhân cách trong sáng, độ lượng, đạo đức siêu phàm của Ông đã không làm Ông bị ô nhiễm, trái lại đã bừng nở thành một đóa hoa sen khổng lồ, trang nghiêm quốc độ Việt-Nam và che bóng cho biết bao thế hệ vững tin và đi tới trên con đường tự do, dân chủ, nhân đạo và công bằng xã hội mà Ông đã khai mở qua Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội Đảng.
“Nếu các nhà lãnh đạo quốc gia tại hai miền Nam, Bắc, trước năm 75, hay của toàn nước Việt-Nam, sau năm 75, thi hành một chế độ dân chủ xã hội, với tinh thần khoan dung, khai phóng, độ lượng như Huỳnh Phú Sổ đề nghị thì dân tộc đã tránh được biết bao nhiêu tai họa và đất nước cũng không “ tụt hậu ” thê thảm như ngày hôm nay.”
NGÔ TẤN NGHĨA (Arlington (TX), tháng 1/2016)
Tài Liệu tham khảo:
*SẤM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ của Đức Huỳnh Giáo Chủ
*PHẬT GIÁO HÒA HẢO Trong DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC của
Cư Sĩ Nguyễn Long Thành Nam
*BỒ TÁT HUỲNH PHÚ SỔ & PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI của Lê Hiếu Liêm
*Các Tập San ĐUỐC TỪ BI và TINH TẤN (California)