Powered By Blogger

Thương quá Saigon ngày trở lại - Nguyễn Minh Nữu


1.
Ngay trong đêm, tôi gửi tin nhắn đến Đoàn Văn Khánh: “Về tới Sài Gòn rồi, mai gặp nhau uống cà phê”.

Bấy giờ là 11:30 đêm. Tôi nghĩ lúc 4 giờ sáng thức dậy để đi bộ tập thể dục, Khánh sẽ nhận được tin nhắn của tôi. Đêm đầu tiên về tới Sài Gòn tôi không ngủ được. Chắc chẳng phải riêng tôi. Những người xa xứ về quê khó tìm được giấc ngủ; một phần vì khác biệt về giờ giấc, một phần vì nôn nao trong lòng khi nghĩ tới các cuộc gặp gỡ sắp tới.

Nằm mơ mơ màng màng chút xíu, thấy có tin nhắn của Đoàn Văn Khánh: “Khi ngủ dậy thì gọi nhé”. Tôi nhìn đồng hồ, 5:15 sáng. Tôi bấm máy gọi cho Khánh, nói Khánh ra Sài Gòn đi, tôi sẽ ra ngay và gặp nhau.

Sài Gòn có 19 Quận và 5 Huyện với số dân lên tới 10 triệu người, nhưng khi chúng tôi nói tới Sài Gòn là nói tới các Quận trung tâm, hay nói cụ thể hơn là nói tới chợ Bến Thành và chung quanh bán kính khoảng một cây số.

Chúng tôi gặp nhau ở quán cà phê trong khuôn viên Dinh Độc Lập; ngoài Đoàn Văn Khánh còn có Cao Bá Hưng. Cao Bá Hưng là một người bạn vai em, quen nhau sau 1975, làm thơ, viết nhạc và sống bằng nghề điêu khắc ở Sài Gòn.

Khánh sinh trước tôi 6 tháng. Tôi sinh vào tháng Giêng năm sau, nên theo tuổi thì Khánh hơn tôi một tuổi. Chúng tôi quen nhau thời sinh hoạt thi văn đoàn thiếu niên. Thập niên 60, ở miền Nam rộ lên phong trào thành lập thi văn đoàn - nơi các nhóm bạn trẻ cùng nhau sáng tác và gửi bài đăng báo. Dạo ấy có khoảng mươi tờ báo thiếu nhi như Bạn Trẻ, Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Măng Non, Việt Sinh… và hầu như các nhật báo hàng ngày đều dành một góc trang trong cho trang thiếu nhi.

Năm đó, tuần báo Việt Sinh tổ chức cuộc thi viết Việt Sinh. Kết quả Đoàn Văn Khánh đoạt giải nhất về thơ. Giải nhất về văn cũng trao cho một người tên Khánh - Hà Thúc Khánh. (Mấy chục năm sau, tôi gặp lại Hà Thúc Khánh ở Mỹ. Anh vẫn viết văn, nhưng viết bằng tiếng Anh, lấy bút hiệu là Khanh Ha. Khánh có tặng cho tôi tác phẩm mới nhất của anh. Gặp một lần và sau đó không có dịp gặp nữa).

Đoàn Văn Khánh lúc đó cùng mấy người bạn lập thi văn đoàn Hàn Mặc Tử. Những người trong nhóm ấy bây giờ chỉ còn Đoàn Văn Khánh và Lê Hồng Thái theo đuổi việc sáng tác nhưng Thái nghiêng về điêu khắc nhiều hơn và là một điêu khắc gia nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khánh thì vẫn là người chung thủy với thơ. Câu thơ Đoàn Văn Khánh làm năm 17 tuổi : “Người ta biết cũng đâm liều, còn hơi thở yếu, còn yêu em hoài” hay câu thơ làm năm 27 tuổi : “Cảm ơn riêng một góc ngồi, cho tôi xin nửa vành môi trữ tình” hoặc câu thơ 50 năm sau : “Thưa em con gái miền Tây, Bắt qua tơ tưởng đêm ngày không yên“.

Vẫn là những dòng thơ trữ tình, sử dụng lục bát chuyên chở chất lãng mạn thiết tha của cái tình đắm đuối. Tất nhiên, thơ Khánh không chỉ là lục bát, mà nhiều thể loại và nhiều đề tài, nhưng trong lòng tôi, lúc nào nghĩ đến thơ Khánh là nghĩ đến lục bát và nghĩ đến thơ tình. Quen biết và thân với nhau hơn 50 năm rồi, chúng tôi đã vượt qua khỏi cái giao tế bằng hữu bình thường mà chỉ nhìn ánh mắt nhau là đã hiểu người kia muốn gì, đoán được ý nhau và hòa được sở thích của nhau.

Khánh nói, “Sáng nay Nguyên Minh ở nhà chờ ông đến, có mấy bạn văn nữa.”

Buổi cà phê hội ngộ đầu tiên thu ngắn lại. Cả ba chạy về phía Tân Sơn Nhất để đến nhà Nguyên Minh.

“Tòa soạn Quán Văn” thực ra chỉ là một căn phòng nhỏ, diện tích khoảng vài chục thước vuông, ở đó là sách vở, computer, máy in. Vòng quanh vách là mấy băng ghế để anh em ngồi chơi trò chuyện, khung cửa sổ nhìn xuống một khoảng sân mênh mông vắng lặng của một góc phi trường. Đây là một nơi gặp gỡ của rất nhiều người cầm bút, là nơi làm việc của nhà văn Nguyên Minh, một nhà văn cao tuổi nhưng có đôi mắt như trẻ thơ và một cái đầu mơ mộng chất chứa biết bao nhiêu dự án hết sức mộng mơ.

Nguyên Minh cầm bút từ đầu thập niên 1960. Năm 1970, anh sáng lập tạp chí Ý Thức, với sự đồng hành của Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hữu Ngũ, Châu Văn Thuận, Đỗ Hồng Ngọc,… Sau đó, trải mấy mươi năm sống với ngành in ấn, năm 2011, anh chủ trương một tuyển tập văn chương lấy tên là Quán Văn. Với 4 tác phẩm văn xuôi, mọi người gọi anh là nhà văn, nhưng ngay lần đầu tiên được gặp và làm quen với anh hồi năm sáu năm về trước, tôi nhìn thấy từ anh là một nhà báo - một nhà báo văn học.

Một người viết văn làm báo thì chỉ có thể làm một loại báo : đó là báo văn học vì tờ báo loại này đòi hỏi những khả năng khác với báo thông thường. Tờ báo bình thường đòi người chủ biên phải nhạy bén với kinh doanh, am tường chính trị, hiểu biết đời sống và nhất là thích nghi với thị hiếu độc giả. Những đòi hỏi đó Nguyên Minh không có, hay nói một cách khác là anh không mặn mòi gì với những thứ đó. Nguyên Minh có cái khác, đó là lòng yêu thích chữ nghĩa văn chương, và niềm đam mê với những sản phẩm in ấn.

Có một bất ngờ nào đó khi bắt gặp Nguyên Minh bên cạnh một tác phẩm văn chương mới được in ra, còn long lanh vết mực và ngát thơm mùi giấy mới, thì mới thấy được hết hạnh phúc của anh bên những sản phẩm mới làm. Xuất bản được Quán Văn và duy trì Quán Văn suốt năm năm qua là do một thiên khiếu riêng chỉ có ở Nguyên Minh. Suốt hơn 60 năm sống với chữ nghĩa, anh có giao tình, quen biết rất nhiều người cầm bút, cộng thêm cách sống hòa nhã và chia sẻ, nên anh giữ được mối thân tình với anh em gần xa. Nguyên Minh có khả năng cảm nhận và phân tích rất nhanh cái đúng sai, hay dở của một bản thảo gửi về. Và quan trọng hơn cả là anh chấp nhận các dị biệt trong văn chương, các dị biệt trong ứng xử và cả những dị biệt trong cách nhìn, để rồi, trong căn phòng nhỏ làm tòa soạn Quán Văn đó, mọi dị biệt vẫn có thể trộn lẫn một phần riêng vào phần chung cho ham thích thực hiện một sân chơi văn chương của mọi người.

Hôm đó có Nguyên Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Mang Viên Long, Đoàn Thị Phú Yên, Đoàn Văn Khánh, Hoàng Kim Oanh, Trương Văn Dân, Elena, Nguyễn Minh Nữu, Cao Bá Hưng… Một lát sau thì có thêm Cúc Hoa, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Sông Ba và Hoàng Kim Chi.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Mang Viên Long - một tác giả tôi yêu thích từ lâu với những bài văn ngắn chan chứa tình người. Trước đây mấy năm, tôi có cơ hội liên lạc với anh qua điện thoại và rất quý mến chất hào sảng và chân tình của anh.

Bác sĩ Thân Trọng Minh với bút hiệu Lữ Kiều là một kịch tác gia quen thuộc với tạp chí Ý Thức ngày xưa, và nhiều tạp chí văn học cùng thời. Anh còn là một họa sĩ, đã nhiều lần tổ chức triển lãm tranh. Kịch của Lữ Kiều là kịch của cảm xúc, trong đó những đối thoại như từng nhát chém, khảo tra vào nội tâm người đối thoại, nếu nghe thoáng qua, khó lòng nắm bắt được ý nghĩa bên trong, do đó chỉ có thể là kịch đọc và truyền thanh chứ khó dàn dựng, bởi vì, những suy tư trăn trở ở trong các nhân vật quá nặng, tìm được người diễn đạt nổi yêu cầu là cả một khó khăn. Tranh của Thân Trong Minh là tranh trừu tượng, màu sắc rạch ròi và cảm nhận người xem là tự suy và thỏa thuận với những biểu tượng mà tác giả đưa ra.

Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc cũng có ghi lại buổi gặp gỡ đó trong trang cá nhân của anh : “Hôm 9.9.2016, Phạm Cao Hoàng & Cúc Hoa từ Tuy Hòa về, anh chị em Quán Văn lại có buổi họp mặt thân mật ở tòa soạn “chuồng cu” Quán Văn tận Gò Vấp. Có Mang Viên Long cũng vừa từ Quy Nhơn vào, Nguyễn Minh Nữu, Phú Yên, Hưng, Kim Oanh, TVD, Elena… đông đủ. Quả là cái tòa soạn “chuồng cu” Quán Văn đã ngày càng chật chội… nhưng thân tình và ấm áp biết bao. Chủ báo Nguyên Minh cũng vừa chuẩn bị xong… cái bìa số 40, số đặc biệt giới thiệu nhà thơ Phạm Cao Hoàng, với tranh Cúc Hoa của Đinh Cường rất đẹp để mang ra khoe bạn bè”.

Gặp Phạm Cao Hoàng và Cúc Hoa quá vui, bởi vì, tôi và PCH đều có kế hoạch đi Việt Nam, mỗi người một việc. Phạm Cao Hoàng thì đưa con gái và con rể về thăm gia đình sui gia, tôi thì đưa bà chị lớn tuổi về VN làm từ thiện, Ngày 9/9 là ngày thứ nhất tôi tới Việt Nam lại là ngày chót Phạm Cao Hoàng còn ở Việt Nam. Cho nên cái gặp chớp nhoáng làm cả hai cùng thú vị.

Tôi đọc và quý mến cái tên Phạm Cao Hoàng từ thời 1971, 1972. Khi đó, tạp chí Ý Thức đăng bài thơ “Thơ Tặng Người Tuổi Trẻ” của anh. Tôi đọc bài thơ đó khi vừa vượt qua tuổi hai mươi, thế mà cái hào khí của bài thơ làm tôi xao xuyến và tự kỳ vọng vào cái tuổi trẻ của năm mình ba mươi biết bao nhiêu. Từ đó, tôi theo dõi thơ của Phạm Cao Hoàng. Mỗi bài thơ của anh thời đó đều toát lên một khí chất đông phương và cái hào sảng của bậc hiền sĩ. Lúc đó, tôi chưa biết anh ở đâu, và bao nhiêu tuổi. Rồi tới bài thơ làm tôi thuộc lòng dù bài thơ đó là bài thơ anh viết để tặng cho người yêu lúc đó và là người bạn đời sau này: bài Nhớ Cúc Hoa. Gần 40 năm sau tôi mới có dịp gặp và quen Phạm Cao Hoàng nhưng không phải ở quê nhà mà là ở Virginia thuộc miền đông nước Mỹ. Phạm Cao Hoàng có ghi lại kỷ niệm đó trong bài thơ Thương nhớ Ngựa Ô (*) :

nhớ Ngựa Ô là nhớ những đêm bạn bè hát khúc sầu ca viễn xứ.
nhớ Nguyễn Ngọc Phong và Gửi Em, Đà Lạt
nhớ Đinh Cường và Đoạn Ghi Đêm Centreville
nhớ Nguyễn Minh Nữu và Mênh Mông Trời Bất Bạt
nhớ Nguyễn Trọng Khôi và Giấc Mộng Trên Đồi Thơm
nhớ Ngựa Ô là nhớ con đường
in dấu chân bạn bè tôi từ những nơi xa xôi có khi là nửa vòng trái đất
ngồi bên nhau giọt rượu cay trong mắt
ngồi bên nhau cùng nhớ một quê nhà
quê nhà thì xa mây thì bay qua
đời phiêu bạc như những đám mây trôi giạt
nhớ Ngựa Ô là nhớ những bàn tay ấm áp
tôi thương Ngựa Ô và thương bạn bè tôi.

Từ đó, chúng tôi thành bạn. Thú vị biết bao nhiêu khi bạn của Phạm Cao Hoàng thành bạn tôi và bạn tôi nay đã là bạn của Phạm Cao Hoàng. Gặp gỡ hôm nay ở nhà Nguyên Minh là gặp gỡ của những người bạn chung đó.

Cùng gặp gỡ lần này còn có Trương Văn Dân, Elena, Hoàng Kim Oanh, Nguyễn Sông Ba, Hoàng Kim Chi, Đoàn thị Phú Yên và nhiều bằng hữu khác - những người để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp mà tôi sẽ đề cập trong những phần tiếp theo của bài viết này.

Ôi thương quá Sài Gòn ngày trở lại, ngay ngày đầu tiên đã chạm được tay vào rất nhiều mối thân tình.

(*) Ngựa Ô (Black Horse) : tên một con đường ở thành phố Centreville (VA).

2.
Tôi chạy xe một mình, lang thang trong thành phố với cái tâm hết sức thanh thản. Đi mà chẳng nhắm đi đâu, lại thú vị hơn nữa là không câu thúc gì giờ giấc, muốn về lúc nào thì về. Chạy xe gắn máy ở Saigon? Vâng, với một số bạn hữu bên Mỹ thì chuyện chạy xe gắn máy ở Saigon là điều quá liều lĩnh, dù họ bên này, ngày nào cũng lái xe cả giờ đi làm và về nhà, cuối tuần thì lái xe xuyên bang đi New York, đi Florida, nhưng nghe tới lái xe ở Saigon ai cũng lè lưỡi.

Thực ra, lái xe hơi ở Saigon thì có cho kẹo tôi cũng không dám lái, vì đang chạy mà chẳng biết thằng nào bất chợt đâm ngang trước mặt, hay đang chạy rồi nó thắng giữa chừng, hoặc bên trái, bên phải có ai lượn qua, cúp đầu xe hay không. Nhưng lái xe gắn máy thì khác.

Đứng trên cao, nhìn xuống bùng binh ngã sáu, ngã bẩy thấy tràn lan xe gắn máy, hàng ngàn chiếc xe từ các hướng chạy vào, vai sát vai, tay lái thiếu điều chạm tay lái, mà mọi người vẫn cứ ào ạt chạy tới, chẳng có chiếc xe nào dừng lại nhường chiếc xe nào. Nhưng nếu mình là người trong cuộc, là người chạy chung trong đám xe đó mới “thấy vậy mà không phải vậy”. Với tốc độ thường khoảng 15 km/ giờ khi di chuyển đường thẳng, và khoảng 10 km/ giờ khi vào giao điểm, các xe họ liếc nhìn nhau, mày phóng nhanh hơn thì tao chạy chậm lại, mày nghiêng qua trái thì tao tạt qua phải, rồi thì bất ngờ có chiếc nào chặn trước mặt thì chỉ một cái nhấp thắng nhẹ, xe lướt êm qua phía khác và lượn trở lại hướng mình muốn đi, nhẹ nhàng, êm ái chỉ có hơi ồn. Tai nạn xe gắn máy chỉ xẩy ra ở đường liên tỉnh, còn ngay tại Saigon hiếm khi có tai nạn lớn giữa hai cái xe gắn máy, còn va chạm nhau té lăn kềnh rồi lồm cồm bò dậy chạy tiếp là chuyện… “thường ngày ở huyện”.

Suy nghĩ miên man rồi bỗng dưng tôi tấp lại lề đường không chủ đích. Dừng lại rồi mới nhìn quanh và tự lòng có chút gì ngạc nhiên, sao lại dừng ở đây nhỉ ? Ồ, thì ra từ tiềm thức nào đó, tự nhiên dừng lại ngã ba đường. Đây là đường Phan thanh Giản và ngã ba là đường Bàn Cờ. Ký ức điều khiển đó. Tôi đang dừng lại một chỗ ngày xưa lưu biết bao kỷ niệm. Chỗ tôi đứng đây là gần với nơi gia đình tôi cư trú hồi năm 1956, khi vừa di cư vào Nam, cách ngã ba khoảng 50 mét, phía bên trái ngày xưa có quán cà phê Bình Minh, phía bên phải là đường hẻm nhỏ chạy ngoằn ngoèo để ra chợ Bàn Cờ, trong hẻm là nhà của Lê Hồng Thái, Nguyễn Ngọc Nhung, Hồ Hoàn Kiếm và Đoàn văn Khánh, phía bên kia là hẻm ra nhà lầu năm tầng ở đường Cao Thắng, nơi có nhà Lê Ôn Vũ… gợi nhớ tới thời tết Mậu Thân, một đám bạn bè túm tụm khu này.

Năm đó, chúng tôi vừa vào tuổi thanh niên, trong đám bạn làm thơ viết văn có Vũ Chinh. Vũ Chinh tên thật là Đỗ Xuân Chinh. Chinh 17 tuổi, đăng khá nhiều thơ ở tuần báo Tuổi Hoa lúc đó do nhà văn Nguyễn Trường Sơn (tên thật Nguyễn Bích Vân) là chủ bút và Quyên Di (tên thật Bùi Văn Chúc) phụ trách mục thơ. Có thể nói, giai đoạn đó, Chinh khá nổi tiếng trong những người bằng vai phải lứa với Chinh. Chinh khao khát in tập thơ đầu tay, và gần tết thì Chinh đạt được ước mơ. Tập thơ đã đưa nhà in sắp chữ, và có một bản vỗ đưa cho Chinh để về đọc dò lỗi chính tả. Thời đó, chúng tôi chuyền tay nhau đọc những bài thơ của Chinh và khâm phục, như bài thơ viết khi đi thăm mộ người bạn mới mất:

- Giờ trước mộ mày, tao đứng thắp nhang.
Tao lạy hai lạy vụng về hết sức
Tao lạy hai lạy nghe cay tròng mắt
Rồi thì thế nào tao cũng như mày...


Hay một bài lục bát gửi tặng người tình mà Vũ Chinh thương nhớ một mình :

- Phố khuya tóc rối tỉnh say.
Không Kim Xuyến thấy mặt ai cũng buồn...


Nghe tin Vũ Chinh sắp in được tập thơ đầu tay chưa kịp vui. Vì sau Tết Mậu Thân, tôi lên nhà Đoàn văn Khánh, Khánh lấy ra một gói nylon, trong đó là tập thơ bản vỗ của Vũ Chinh và tập thơ còn ẩm ướt, nghèn nghẹn nói Vũ Chinh đã chết rồi. Tết vừa rồi, khi chiến trận lan qua tới Hương Lộ 14 là khu nhà của Chinh, gia đình kéo nhau chạy về thành phố tránh đạn bom, còn Chinh thì nhất định ở lại coi nhà. Chinh nằm sấp, dưới đất, đọc tập thơ còn là bản vỗ của mình, trước mặt xếp mấy két bia che chở, nhưng một loạt đạn đã bắn lạc vào chàng. Chinh gục xuống chết ngay, tay vẫn giữ vào tập thơ. Tập thơ ướt sũng đó không biết là do nước bia, hay nước mắt hay máu của chàng thi sĩ trẻ lìa trần vào tuổi 17 kia nữa. Tôi không dám cầm vào tập thơ, nên cũng không nhớ tập thơ tên gì, nhưng nhắc đến Vũ Chinh là nhớ đến khuôn mặt vuông vắn, cặp kính cận thị gọng đen thân hình thấp lùn và những câu thơ xúc động thuộc từ ngày xưa. Sau này, bằng một cái duyên, tôi có liên lạc được với một trang web tên là Phay Van, ở đó, có một nhà văn nữ viết cùng thời với Vũ Chinh ở Tuổi Hoa là Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh. Khi biết tôi là bạn cũ của Vũ Chinh, chị đã có nhã ý gửi lại cho tôi bốn bài thơ nữa của Vũ Chinh. Như một kỷ niệm thời mới lớn.

Thời đó chúng tôi hay ra ngồi quán cà phê Bình Minh. Giờ hồi tưởng lại thì cái quán này y hệt dạng quán cà phê ba tàu, không trang trí gì cả, sáu cái bàn, ghế ngồi thấp, nhưng khác cà phê ba tàu ở chỗ quán bán cà phê phin. Chúng tôi ngồi đó, hẹn hò nhau tại đó và nếu không hẹn nhau thì cứ ra đó rồi cũng gặp, có lẽ phần lớn là do chủ quán có một cô con gái dễ thương. Tuyết có đẹp hay không thực ra tôi không nhớ rõ, loáng thoáng là da trắng, bầu bĩnh, tóc dài và hay mắc cỡ. Cho đến cuối năm 1968 là chúng tôi tan tác mỗi đứa một phương trời. Kỷ niệm còn nhớ là Lê Hồng Thái, người rời đám đông trước nhất, tụ tập anh em lại làm một buổi chia tay. Thái đọc một bài thơ, câu kết là “Trước nhớ Tuyết Bình Minh, Sau đó nhớ tụi mày“. Câu thơ đọc xong cả bọn ồ lên như ong vỡ tổ và xúm nhau lại kể về những tình ý riêng của Tuyết dành cho mỗi thằng, thằng nào cũng đặc biệt, chẳng thằng nào giống thằng nào. Và thằng nào cũng chíp trong bụng là Tuyết để ý riêng một mình mình.

Lê Hồng Thái tướng tá cồng kềnh, có võ và nói chuyện hết sức mềm mỏng. Có lẽ cái lợi thế đó cộng thêm tài làm thơ nên Thái rất đắt đào. Thơ của Lê Hồng Thái hay, lục bát mà ngôn từ mới lạ, bí hiểm. Vì lạ và bí hiểm nên dù lúc đó thích thơ Lê Hồng Thái mà tôi không còn thuộc được câu nào. Tin tức về Thái là sau một thời gian đi xa Bàn Cờ, Thái trở lại thăm nhà, Tuyết Bình Minh đã lấy chồng nên Thái lập gia đình với một cô chủ quán cà phê khác gần đó. 40 năm sau gặp lại, Thái vẫn làm thơ, nhưng chuyên chú nhiều về tranh và tượng. Lê Hồng Thái bây giờ nổi tiếng khắp miền Tây là do những tác phẩm điêu khắc này. Tưởng là Tuyết Bình Minh đã đi vào quá khứ mù tăm thời niên thiếu, thế mà bất ngờ khi đọc bài thơ Lê Hồng Thái viết năm 2016, nghĩa là hơn 40 năm sau :

gót chân mòn mỏi quạnh hiu
về ngang xóm cũ ru chiều tóc phai
năm mươi năm nỗi nhớ đầy
làm sao gặp lại em ngày tròn xưa..
(Ngồi một mình nhớ Tuyết Bàn Cờ)


Tình yêu là vậy đó, bao giờ cũng tiếc nhớ một … con cá lọt lưới.

Lê Ôn Vũ thì biệt tích, Nguyễn Hoàng Nhung ở Ban Mê, Đoàn văn Khánh về Gò Vấp, Lê Hồng Thái ở Mỹ Tho, tôi bất ngờ dừng ở góc phố xưa, đứng nhìn bốn phía, thương nhớ :

Từng góc phố ngát thơm từng ký ức.
Mỗi mặt người đăm đắm một riêng tư...


Đoàn văn Khánh gọi điện báo tin nhà văn Phạm Thành Châu cũng mới về, Nguyên Minh hẹn ăn trưa mai với Phạm Thành Châu ở một địa điểm sẽ nói sau.

Phạm Thành Châu là một tác giả quen thuộc với người Việt hải ngoại. Truyện của ông thường là những mối tình éo le nhưng kết cuộc tốt đẹp và hoàn hảo. Bối cảnh truyện đa số là hải ngoại, hoặc một phần từ trong nước ngày xưa nối kết với ngoài nước bây giờ. Lối kể chuyện của Phạm Thành Châu dí dỏm, hấp dẫn và cuốn hút người đọc ngay từ những trang đầu. Vì chọn lối viết theo phương thức chuyện kể, nên Phạm Thành Châu từ chối khi được gọi là nhà văn, và thường tránh né các gặp gỡ với những người cầm bút cùng thời.

Người đưa Phạm Thành Châu tới gặp anh em là Nguyễn Sông Ba. Nguyễn Sông Ba là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và là họa sĩ. Tranh của Nguyễn Sông Ba nhẹ nhàng như minh họa cho một cái tâm thanh tịnh. Nguyễn Sông Ba ít nói và cũng ít cười, dù ngồi với đám đông, nhưng anh luôn lúi cúi chọn góc nhìn để lưu vào máy những khuôn mặt, những sự kiện, những tình huống. Do đó, rất nhiều sinh hoạt của Quán Văn đã lưu lại được nhờ ống kính của Nguyễn Sông Ba.

Sau bữa ăn hội ngộ với Phạm Thành Châu ở trung tâm thành phố, Nguyên Minh lại mời Phạm Thành Châu ghé tòa soạn Quán Văn vào một ngày khác để gặp nhiều anh em hơn.

Đến ngày hẹn, tôi lấy xe gắn máy lên khách sạn đón Phạm Thành Châu và chở xuống Quán Văn. Hôm đó, nghĩ là sẽ gặp nhiều người nên tôi đem theo món quà đặc biệt - một món ăn lạ của miền Bắc - để mời mọi người. Món ăn này phải đúng mùa mới có và phải biết làm mới ngon. Và đặc biệt hơn nữa là phải ăn ngay chứ không để dành được, đó là món Cốm Nén. Nhà văn Vũ Bằng, tác giả “Món Ngon Hà Nội” đã ghi nhận về cốm nén như sau: “Món ăn cổ kính vào bậc nhất là cốm nén. Có lẽ vì cốm là một thứ quà quý mà lại không để được lâu, nên người ta mới nghĩ ra cách nén cốm, để cho cốm không bị mốc mà ăn vẫn có thể ngon và dẻo.”

Cốm đã là một món ăn trang nhã và quý hiếm rồi, ngay bây giờ, ở Saigon muốn ăn cốm thì chỉ có thể ăn cốm khô, còn cốm tươi, đúng mùa thì tới ngay Siêu thị Hà Nội ở đường Cống Quỳnh cũng lắc đầu, và nói phải đặt hàng từ 5 ký trở lên mới gọi được hàng từ Hà Nội gửi vào.

Cốm được thu hoạch vào những ngày đầu thu, suốt vùng đồng lúa ngào ngạt hương thơm mùa lúa chín. Người làng hái những đọt lúa non về và trong thời gian một ngày phải bắt tay vào chế biến cốm ngay. Cách chế biến từ đọt lúa non ra cốm vẫn còn là những công thức bí truyền của từng dòng họ, mà khéo léo nhất, giữ được hương vị nhất vẫn là cốm làng Vòng. Muốn làm cốm nén thì phải dùng cốm tươi, rải lên đó một lớp nước đường mỏng, trộn đều cho dẻo hạt cốm rồi đưa lên chảo xào. Lúc xào phải quấy đều tay, nhanh quá thì cốm nát, chậm quá thì cốm khét, sau đó đổ ra đĩa chờ cho nguội. Mặt cốm mầu xanh mạ non, khi ăn cắt ra từng miếng bằng hai ngón tay và đưa vào miệng từng miếng nhỏ. Vị ngọt và mùi hương đồng cỏ nội ngát thơm vào khứu giác.

Hôm đó, người chị ruột của tôi đã chiều ý đứa em trai từ xa về, thực hiện một đĩa cốm nén để em đem đãi bạn.

Thật là vui khi ngoài những người bạn Việt Nam ở nhiều tỉnh thành, lại có thêm một người nước ngoài nữa là nhà văn Ý Elena, tên tiếng Ý là Elena Etala Pucillo. Đây là cô gái người Ý thật đặc biệt. Là một Tiến Sĩ về Ngôn Ngữ và hiện dạy Pháp văn tại một số trường Đại Học ở Saigon. Elena đến Việt Nam và ở lại Việt Nam bởi vì cô yêu Việt Nam, mới đầu thì yêu một người Việt Nam, kế tiếp là yêu văn hóa Việt Nam và bây giờ đang dùng chữ nghĩa để mọi người (người Ý, người ngoại quốc và cả người Việt Nam nữa) cùng yêu thích Việt Nam. Elena Etala Pucillo lập gia đình với Trương văn Dân ở Ý, sau đó, khi Trương văn Dân quyết định về cư trú lâu dài ở Việt Nam, Elena theo chồng cùng về. Tập truyện “Một Phút Tự Do” của cô do Trương văn Dân chuyển ngữ là một tập truyện kể về sinh hoạt đời thường được nhìn tinh tế và sâu lắng nội tâm, để lại cho người đọc cái dư âm thấm đẫm tình người.

Tôi có dịp ở gần đôi uyên ương này hơn 10 ngày, khi họ qua Mỹ và tạm ngụ tại nhà tôi, mới đầu thì ngạc nhiên bởi tính chất nhẹ nhàng thân thiện và hòa đồng với mọi người của một phụ nữ gốc Ý, sau đó, dù vẫn thấy mái tóc vàng, đôi mắt xanh biếc và nụ cười cởi mở, nhưng tôi quên hẳn đi cô ta là người ngoại quốc. Elena tế nhị và dịu dàng, hiểu biết và chia sẻ cảm xúc như một người bạn Việt.

Một người nữ nữa có mặt hôm đó đã cho tôi ấn tượng thật nhiều là Hoàng Kim Oanh.

Tôi thấy và nghe Hoàng Kim Oanh nói chuyện lần đầu trong lần ra mắt Quán Văn kết hợp giới thiệu tác phẩm Một Phút Tự Do của Elena. Hoàng Kim Oanh là diễn giả thứ hai nói về tác phẩm này.

Tà áo dài duyên dáng, tiếng nói chậm rãi và nhỏ nhẹ, đã làm cả hội trường ngừng trò chuyện riêng để lắng nghe. Tôi thực lòng không nhớ rõ hết những gì Hoàng Kim Oanh nói hôm đó, chỉ còn cảm giác là diễn giả rất trân trọng với tác phẩm, và quyến rũ được người khác có chung lòng yêu thích này, nên hôm đó tôi đem về nhà hai thứ, cuốn truyện của Elena và lòng quý mến cô Tiến Sĩ Văn Học làm người giới thiệu cuốn sách.

Còn nhiều lần nữa để gặp, làm quen rồi đưa tới thân tình. Có lẽ kỷ niệm nhiều nhất với Hoàng Kim Oanh là ngày 30 tết Ất Mùi. Năm đó tôi ở lại Việt Nam ăn tết. Chiều 30 tết, Saigon đẹp như một bức tranh, những ồn ào sôi động vắng hẳn đi. Tôi gọi Đoàn văn Khánh và Nguyên Minh, cả ba ra ngồi quán cà phê đối diện nhà thờ Đức Bà để nhìn thành phố như một thời xa lắm. Tự nhiên thèm trò chuyện với Hoàng Kim Oanh, tôi hỏi Khánh mời Hoàng Kim Oanh ra uống cà phê được không, tôi hiểu, là phụ nữ, chủ một gia đình thì chiều 30 tết biết bao bận rộn lo lắng chuẩn bị cho một tối giao thừa. Thế mà Hoàng Kim Oanh nhận lời, còn tế nhị đem theo vài búp trà ướp sen để tặng tôi uống sáng năm mới. Chúng tôi nói với nhau về văn chương, chữ nghĩa, về ước vọng năm mới, về gia đình con cái. Hoàng Kim Oanh tự hào về đứa con trai đang du học và cũng không ngớt âu lo về khoảng cách địa lý quá xa khi nghĩ rằng con mình chưa đủ lớn. Tôi nói với Oanh về sinh hoạt của giới trẻ bên Mỹ, sự độc lập của suy nghĩ và hãy an tâm về sự trưởng thành của tuổi trẻ được giáo dục ở bên này. Hơn thế nữa, sắp tới giờ phút thiêng liêng chuyển qua năm mới, em hãy tin tưởng vào sự linh hiển của tiền nhân và phúc đức của gia đình. Câu chuyện thân mật như anh em trong nhà. Chưa bao giờ nói ra, nhưng kính trọng từ tài năng và yêu mến phong cách tiếp xúc thân tình, tôi đã coi Hoàng Kim Oanh như một cô em gái.

Buổi nói chuyện thật vui. Hôm đó Phạm Thành Châu thành một con người khác, hoạt bát, tươi trẻ và chịu nói đùa, khác hẳn với khuôn mặt “nghiêm và buồn”, cũng khác hẳn với thói quen im lặng lơ mơ như sắp ngủ bình thường.

Hôm đó , Nguyên Minh đưa ra lời đề nghị: “Số 1 Quán Văn, Nữu làm MC, nay kỷ niệm 5 năm, Nữu lại làm MC lần nữa cho anh nghe.” Tôi quay lại Hoàng Kim Oanh: “Em sẽ làm MC cho Quán Văn số này với điều kiện làm chung với Hoàng Kim Oanh, Oanh nghĩ sao ?”

3.
Trước 1975, Saigon có rất nhiều những nhà sách nổi tiếng, như Khai Trí, Xuân Thu, Lê Phan, Vĩnh Bảo, Tự Lực… Mỗi nhà sách có một phong cách riêng, như nhắm vào một giới yêu thích đọc sách khác nhau:

Xuân Thu thì thiên về sách ngoại văn, Lê Phan và Vĩnh Bảo bán nhiều sách triết học, còn Khai Trí thì tổng hợp sách báo tạp chí và là nhà sách lớn nhất, với bề rộng của ba căn nhà mặt tiền đường Lê Lợi. Khi tôi lớn lên, bước vào thì nhà sách có tới hai tầng với hầu như đầy đủ các loại sách báo tạp chí đang lưu hành. Ở các nhà sách đó là không gian thanh nhã, nghiêm trang có gì đó mang tính mô phạm, còn đối diện với nhà sách Khai Trí, phía bên kia đường, là chợ sách Lê Lợi.

Tôi không rõ là chợ sách này hình thành từ lúc nào, chỉ biết nó tan rã vào tháng 4 /1975. Chợ sách bắt đầu từ ngã tư Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực tới ngã tư Lê Lợi – Pasteur. Những người bán sách dựng những sạp, trên che bằng tôn, sách bày từng kệ cao ngất ngưởng, rồi từng chồng trên sạp và lấn ra bày đầy trên những miếng nylon trải trên đất. Tôi tới đây nhiều lần thời mới lớn, khoảng năm 1970. Ở đây có đủ thứ sách mới cũ, với các đề tài khoa học, chính trị, xã hội, văn hóa…

Đi dạo chợ sách Lê Lợi là một thú vui. Khởi đầu từ đầu chợ, đi chậm rãi lang thang, ghé chỗ này cầm lên một cuốn, tò mò lật ra vài trang rồi bỏ xuống, qua chỗ kia bị hấp dẫn bởi cái bìa nào đó, lại một cái tựa hay… Đi đến cuối là ngã tư Pasteur, băng qua đường ăn vài miếng phá lấu thơm phức, uống ly nước mía Viễn Đông ngọt lịm, có thể đi thẳng để đến Thương Xá Tax, có thể băng qua đường để ghé Kem Bạch Đằng.

Sau 75, những người bán sách đó tập trung ở con đường nhỏ, nằm cạnh hãng máy may Singer, và chuyên bán sách cũ, đường sách Đặng thị Nhu này có thêm nhiều người mới hành nghề bán sách cũ, đó là một số nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, giáo sư, viên chức cũ, do thời cuộc đưa đẩy, lấy sách của chính mình thu thập tích trữ bấy lâu đem ra bán kiếm chút gạo nuôi con. Đường sách này cũng chỉ một thời gian ngắn, y hệt như chợ bán đồ máy móc cũ, lạc soong ở ngã tư Huỳnh thúc Kháng rộ lên năm ba tháng rồi bị dẹp và tan hàng.

Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm về đường sách Đặng thị Nhu này. Hồi đó, giữa năm 1976 tôi làm công nhân lương mỗi tháng 65 đồng, cứ cuối tuần là lê la ra khu chợ sách, nhìn ngắm cầm lên đặt xuống thì nhiều chứ mua thì chẳng bao nhiêu. Khoảng gần đầu chợ có một sạp tôi hay ghé, chủ nhân là một người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, nói tiếng Huế, ít cười, nhưng khuôn mặt hiền hòa. Ông ta thường cầm trên tay một cuốn sách gì đó, cố ý ra vẻ chăm chú đọc để không làm người mua sách ngại ngùng. Ngại ngùng vì cầm cuốn sách quá lâu, đọc quá nhiều có khi tới năm bẩy trang, đọc mà tự ngượng, rồi bỏ sách xuống đi về. Tôi cũng đã từng mua ở đó vài ba cuốn, nhưng lựa sách mỏng, giá nhẹ như “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi” của Rainer Maria Rilke hay “Lời Dâng” của Tagore, vì đó là những cuốn tôi yêu thích và tự nhủ sẽ phải gối đầu giường, còn đọc đi đọc lại nhiều lần và nhất là giá có vẻ phù hợp với số tiền trong túi, dường như mỗi cuốn chỉ khoảng 3 đồng. Sau đó, tôi thèm cuốn “Thiền Luận” của Suzuki, nhưng với chiều dầy khoảng 8 phân thì giá không rẻ nữa rồi. Tần ngần nhiều lần, đọc cái thẻ giấy dùng để làm dấu trang đang đọc, mà trong cuốn Thiền Luận in kèm sách đã thuộc lòng:

Tăng tôi lúc chưa biết gì, thấy Núi là núi, thấy Sông là sông.

Sau được bậc thức giả chỉ dậy mới biết Núi không phải là núi, Sông không phải là sông.

Nay đã tu hành và hiểu, mới hay Núi chỉ là núi, Sông chỉ là sông…

Cầm cuốn sách trong cả ba lần ghé lại mà không dám hỏi mua, sau đó, mới ngại ngùng ướm thử… “cuốn này giá bao nhiêu vậy anh ?”

Người đàn ông kéo cái kính xuống thấp trên sóng mũi, nhướng mắt nhìn tôi một lúc rồi mới trả lời, “Cuốn này không bán, nếu anh thích, cứ lấy về đọc, giữ sách cho kỹ, đọc xong đem trả.”

Tôi sửng sốt, nhìn ông ta, lúng túng chưa biết trả lời sao thì người đàn ông ở sạp bên cạnh góp lời :

- Nếu ngại thì cứ ra đây, ngồi vào trong này mà đọc, có sẵn trà và thuốc lào nữa nè.

Từ đó, tôi được kết giao với ba người chủ sạp sách cũ ngồi kế bên nhau : Ca trưởng Viết Chung, một nhạc sĩ bậc thầy về hợp xướng, ông bán sách cho tôi là họa sĩ Cù Nguyễn, là một trong những người sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, và người cho phép tôi ngồi bên đọc sách có nước trà uống là nhạc sĩ Trần Văn Bùi, tác giả ca khúc chúng tôi thường hát với nhau :

“Ta không chê của người, ta không khen của ta, nhưng dù sao đi nữa, ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”

Ba người này sau đó trở thành những người anh thân thiết, trong đó họa sĩ Cù Nguyễn mém chút xíu trở thành thông gia với tôi.

Bây giờ thì Saigon có nhiều khu bán sách, thí dụ khu Trần Nhân Tôn, hay đầu đường Hồng Thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai), gần bùng binh Cộng Hòa, đường Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu) nhưng gần đây có một đường sách nữa nằm bên hông Bưu Điện chính ở Saigon.

Buổi sáng đó, hẹn với Đoàn văn Khánh ra uống cà phê, tôi ra sớm quá, gửi xe rồi một mình tản bộ khu nhà thờ Đức Bà, bất ngờ thấy một khu đường bày bán sách, mừng quá, tưởng là khám phá mới của mình, té ra Khánh biết lâu rồi. Biết được khu đường sách, trong đó lại có sẵn quán cà phê, nên tôi ghé lại địa điểm này rất nhiều lần trong chuyến đi này.

Đây là một con đường với hai hàng cây cao tỏa bóng mát, ngăn cách với cái náo nhiệt đời thường của Saigon bằng hai cơ quan xây cất từ thời Pháp thuộc, dựa lưng vào đó là dãy những nhà sách, thực ra, có ý nghĩa như một phòng trưng bày sách rất đẹp, trang nhã. Buổi sáng ở đây thanh tĩnh và hết sức nên thơ. Nắng lên chỉ làm sáng con đường, linh động hơn những trang trí chứ không làm cho mồ hôi toát ra, và sinh hoạt chung quanh cũng có vẻ nhẹ nhàng, lời nói trao đổi vừa đủ nhau nghe chứ không ồn ào như đường phố. Vị trí tôi thường ngồi lại là quán cà phê của nhà xuất bản Phương Nam, nhìn ra nhà sách Đông A. Tại đây tôi có dịp làm quen với một người làm thơ còn trẻ, nhà thơ Trần Võ Thành Văn, và một người phụ trách bán sách rất dễ mến, có trình độ giới thiệu cho mình những tác phẩm nên mua, nụ cười hiền hòa và tia mắt rất thông minh, sau mới biết đó là cô giáo Phạm Bích Thơm.

Trần Võ Thành Văn vừa học xong Đại Học Sư Phạm. Thơ của Văn toát ra nội lực sung mãn của tuổi trẻ, nhìn sự vật, hay tình yêu với những khát khao mới lạ, yêu thiết tha và tỏ bày theo ngôn ngữ của thời đại Thành Văn đang sống. Tình say đắm thì Trần Võ Thành Văn đặt tên là “Sến Khúc”:

“Chẳng thể gặp em giữa mùa đông buồn bã
anh giấu trái tim mình sâu thẳm mỗi câu thơ
chẳng thể yêu em, chẳng thể làm kẻ lạ
anh cứu vớt đời mình trong nước mắt đêm mơ.”


Lần ngồi ở quán cà phê Phương Nam trong đường sách, Trần Võ Thành Văn đưa Vũ Trọng Quang tới. Tôi nghe tên Vũ Trọng Quang từ lâu lắm trước 75, hồi đó, Cơ sở Động Đất gồm có các thành viên mà tới bây giờ vẫn còn cầm bút như Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Linh Phương.

Vũ Trọng Quang và tôi hồi ức lại những khuôn mặt quen thời mới lớn, đặc biệt là một người bạn thân mà cả hai cùng quen giờ không biết nơi đâu là Kiều Linh Giang.

Kiều Linh Giang tên thật là Trần Thanh Liêm. Giang với tôi cùng tuổi, tướng cao lớn mập mạp, người miền Nam và bậm trợn. Giang có lập một thi văn đoàn tên Hoa Tình Thương, trong đó có Trịnh Ngọc Minh, sau này hơn 40 năm bất ngờ gặp đã trở thành một nhà văn nổi tiếng hải ngoại, đó là nhà văn Trịnh Y Thư, có thời gian trông nom tờ tạp chí Văn Học ở California.

Vũ Trọng Quang gọi điện thoại tới vài người bạn xưa, tìm dấu vết Kiều Linh Giang nhưng đều không có kết quả.

Kiều Linh Giang Trần Thanh Liêm ơi, thiệt lòng tao mong từ trang facebook này, từ những cơ duyên chưa dứt nào đó, mày đọc được những dòng này thì liên lạc với tao nghe. Nhớ lắm căn nhà cạnh Rạch Ông Lớn, nhớ lắm những lần tụi mình đi đò từ quận Tám, qua Tân Quy Đông, rồi lại lên đò để về Quận Tư, nhà bà Nội mày. Con đường đó sao nó xa, dài và chông gai như một chuyến phiêu lưu vào nơi đất khách.

4.
Quán cà phê ở Saigon nhiều tới độ dù là người thường đi uống cà phê cách mấy cũng không thể đi hết nổi. Các thương hiệu nổi tiếng như Window, Highland, Coffee Bean, Trung Nguyên mở tràn lan, mỗi thương hiệu năm bẩy địa điểm. Cà phê Starbucks của Mỹ cũng đã có mặt tại Saigon với cả chục địa điểm. Địa điểm đầu tiên nằm ở Ngã Sáu Phù Đổng. Tôi biết địa điểm này và lưu nó vào bộ nhớ bởi vì ngày khai trương quán này đã là một hiện tượng: cả ngàn người xếp hàng chờ tới lượt để được mua một ly cà phê mà họ nghĩ rằng mang theo chất Mỹ đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Thực ra chỉ là thương hiệu, vẫn là các ly cà phê mang tên Mỹ như Espresso, Cappuccino, Frappuccino nhưng hương vị ở đây khác nhiều so với bên Mỹ. Cái giống nhau là phương pháp phục vụ như mua tại quầy, và tự tìm ghế ngồi, giá cả tương ứng với giá đô la (Cappuccino giá 120.000 ngàn tương đương 5.60 USD).

Nhưng chỗ ngồi thì tuyệt vời. Từ trên lầu, ngăn cách với bên ngoài là kính, có thể nhìn thông thoáng bốn phía như đang ngồi giữa Saigon. Trước mặt là đường Lê văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám) chạy tới Ngã tư Bẩy Hiền rồi đi thẳng (rất xa) qua biên giới phía tây, phía phải là chợ Bến Thành ven theo Hồng Thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai) đi về Xa Cảng Miền Đông. Sau lưng thì về phía quận 7, hoặc nhánh rẽ vào Xa Lộ Đông Tây để về miền châu thổ Cửu Long :

Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Sao thấy lòng mình chia như nhánh sông
Quốc lộ 13 đi về phía Bắc
Qua hầm Thủ Thiêm để miết về Đông

Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Xa lạ mặt người thấm thía lưu vong
Xa cảng Miền Tây về phía Nam đất nước
Thấy được rất nhiều mà hiểu được bao nhiêu

Như cơn gió thổi giữa đồng bát ngát
Mái nhà tranh phơ phất khói lam chiều
Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Từ Hốc Môn về bỗng một cơn mưa

Ai đã nói một dòng sông giữa phố
Mà dắt xe đi, sóng vỗ nhịp mông người
Kỳ lạ quá những mảnh đời chịu đựng
Bình thản sống chung với lũ quen rồi

Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Thấy cả hân hoan chen với ngậm ngùi
Dòng kênh đen đã chuyển dần trong đục
Nhưng chuyển thế nào được một nghĩ suy.

Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Dâu biển lòng người hoang phế bao năm
Lối cũ rêu phong mắt đằm giọt lệ
Không chỗ cho người thất thế dừng chân

Hiu hắt quá ngựa xe đời hỗn độn
Ngơ ngác bóng người, trộn với bóng bâng khuâng
Về giữa Saigon mà chân bước chênh vênh
Chịu lạc lối ngay trong thành quách cũ.

Đối diện với nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, bên kia đường, chênh chếch về phía trái là tòa biệt thư số 19 Kỳ Đồng, một địa danh in dấu thật nhiều thời tuổi trẻ của tôi, là trụ sở và trung tâm sinh hoạt của Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội và Hải Ngoại.

Năm 1973, khi tôi đến đây lần đầu là đi theo nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng. Lúc đó, Ca Đoàn Trung Ương của Phong trào Du Ca tập hát và sinh hoạt ở đây. Ca trưởng Nguyễn Ngọc Cẩn, dường như là giáo chức, là một chàng trai nho nhã hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ. Đã nhiều lần ngồi lại trong vòng tròn để tập hát với nhau, làm quen và đưa tới thân tình với Đinh Việt Hùng, Bùi Công Bằng, Nguyễn Ngọc Linh… Mỗi người bạn đó đều ghi lại trong lòng tôi những kỷ niệm đẹp và và khó quên, vì không thể nhầm lẫn họ với bất kỳ ai tôi gặp sau này.

Bùi Công Bằng, lúc đó làm Giám Học trường Trung học Đắc Lộ, lập Đoàn Du Ca Giao Chỉ tập họp nhiều giáo sư, học sinh và cựu học sinh Đắc Lộ. Bằng là ca trưởng có tài. Những ca khúc mà Đoàn Giao Chỉ hát như Biết Đâu Nguồn Cội, Người Yêu Tôi Bệnh, Tuổi trẻ và Ước Mơ, Anh Sẽ Về qua hòa âm dàn dựng của Bùi Công Bằng là những hợp xướng khúc ba hoặc bốn bè, mà có lần tôi được nghe không nhạc đệm nên giọng lãnh xướng vút lên trong vắt, hòa theo âm thanh dồn dập, hùng tráng và âm hưởng rất đầy.

Đinh Việt Hùng hát rất hay, giọng mạnh và đầy nội lực. Khi tôi về lần này thì Đinh Việt Hùng ở tuổi trên 60, tham gia cuộc thi Tiếng Hát Mãi Xanh. Trong một vòng thi, Giám khảo là ca sĩ Tuấn Ngọc nói rằng: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, nên từ thủa nhỏ (5 tuổi) đã bước lên sân khấu trình diễn mà không phải qua một kỳ thi nào, chứ nếu đi thi mà gặp thí sinh như Đinh Việt Hùng thì coi như tiêu rồi.”

Câu nói của Tuấn Ngọc tất nhiên có chút cường điệu để khuyến khích, nhưng đó cũng là một cách nhận xét về một tiếng hát rất chân tình của tiếng hát thần tượng mấy chục năm nay.

Nguyễn Ngọc Linh là một du ca viên thì tất nhiên là anh hát hay rồi, nhưng Nguyễn Ngọc Linh còn là một nhạc sĩ và có một sinh hoạt anh tham gia từ thời niên thiếu vẫn còn duy trì tới bây giờ là Hướng Đạo. Con người của Linh gắn liền với các sinh hoạt này mà có lần anh nói như là máu thịt. Một Nguyễn Ngọc Linh trầm ngâm ít nói lập tức biến mất khi anh khoác trên người bộ đồng phục Hướng Đạo và tươi tắn với tên rừng Ngọc Linh Sơn Ca. Chuyến này về có dịp ngồi bên cạnh nhau, Linh vừa vượt thoát qua một cơn bệnh hiểm nghèo, thân thể đã gầy lại còn gầy hơn. Ôm chặt nhau tôi nghe lòng mình ngập tràn cảm xúc xót xa. Linh phổ nhạc khá nhiều thơ của bạn bè, trong đó có thơ Khánh và thơ tôi. Một ca khúc Linh viết theo âm hưởng Huế mà khi hát, giãi bày ra cả cái thiết tha trữ tình chung với cảm hoài bi thiết là ca khúc “Cuối Cùng, Người cũng yêu tôi“, sau đó đã do ca sĩ Vân Khánh trình bày.

Cà phê ở Saigon bây giờ khác với cà phê Saigon thời tôi mới lớn. Không nói là hay hơn hay dở hơn, mỗi thời đại, sẽ có một cách sống khác nhau. Thời đó, với chúng tôi ra quán cà phê ngồi là mang cảm giác trầm mặc, gọi ly cà phê, nhìn từng giọt lánh đen nhỏ xuống chậm chạp, đưa mắt nhìn mông lung và nhớ nhung suy nghĩ chuyện bâng quơ. Cà phê ngày xưa cũng nhiều hạng lắm, sang trọng như La Pagode, Brodard, nằm trên các trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi là nơi các văn nhân thi sĩ tụ hội, không phải chỗ cho chúng tôi. Hào hoa phong nhã thì có cà phê nhà hàng Kim Sơn, Bạch Đằng, Continental, chỗ của dân có máu mặt, có tiền, ăn mặc sang trọng ngồi ngoài hàng ba ngắm người và để người ngắm mình, đó cũng không phải là chỗ cho chúng tôi. Chỗ chúng tôi ngồi bình thường là những quán không tên, nằm đầu đường hẻm, nằm lẫn khuất trong ngõ nhỏ mà chúng tôi gọi bằng tên chủ quán như Năm Dưỡng nằm trong hẻm Nguyễn Thiện Thuật, Ba Tống trên đường Bùi Viện, và còn nhiều nữa những góc ngồi quen mà thời đó ai cũng có một vài điểm ghé vào. Vào đó, gọi một ly cà phê sữa nóng vào buổi sáng, hay ly cà phê đá vào buổi chiều, châm điếu thuốc nhìn bâng quơ mong chờ gặp bạn, những người bạn không cần hẹn hò, cứ ra đó ngồi là gặp. Cho nên nhớ cà phê ngày xưa là nhớ cái chỗ ngồi, nhớ cái thân tình bằng hữu cũ.

Một đôi khi, có chút tiền, rủ nhau vào những quán cà phê có nhạc như Thằng Bờm trên đường Nguyễn Thái Học, Cây Tre trên đường Đinh Tiên Hoàng để nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Mỗi lần được đi vào đó là một hạnh phúc, mà hạnh phúc thì có không nhiều.

Cà phê Saigon bây giờ thì thành một thứ văn hóa riêng. Có rất nhiều quán được đầu tư rất lớn từ địa điểm, tới không gian và chỗ ngồi: cà phê vườn, cà phê hoa viên, cà phê có máy lạnh, wifi. Như có lần cùng Phạm Cao Hoàng và cả nhóm anh em Quán Văn ghé vào cà phê Du Miên ở Gò Vấp, quán rộng mênh mông, cây xanh bóng mát, có dòng suối chảy quanh co, có tầng lầu gác trên cây cổ thụ, một hàng ngũ tiếp viên mặc đồng phục đông đảo chào mời phục vụ khách. Cả tôi lẫn Hoàng đều ngạc nhiên và thú vị. Khi hỏi anh em ở Saigon mới biết dạng quán lớn, trang trí sang trọng và đẹp mắt như Du Miên ở Saigon bây giờ đếm không xuể. Nhưng cái thứ người ta vào đó để uống không phải là cà phê nữa mà là sinh tố, nước cam, kem, bia, dừa tươi, hay nếu có gọi cà phê thì cũng là cà phê sữa đá.

Suốt cả tháng đi về Saigon, ngồi quán cả mấy chục lần, nhìn bạn bè, nhìn chung quanh tôi chưa bao giờ thấy ai gọi một ly cà phê đen cả. Có thể cái chất nước đen đó, bây giờ chẳng ai tin nó là cà phê, mà cũng có thể loại người vào quán để trầm tư mặc tưởng, suy nghĩ mênh mông, nhìn từng giọt cà phê rơi buồn bã kia, đã tuyệt chủng mất rồi.

5.
Tạp chí Quán Văn tổ chức họp bạn kỷ niệm 5 năm ngày ra mắt đầu tiên ở Cà phê Lọ Lem đường Nguyễn Trọng Tuyển. Một buổi sinh hoạt đông vui và thú vị.

5 năm rồi đó. Thời điểm này 5 năm trước tôi đã bất ngờ được dự buổi ra mắt số 1 của Quán Văn, lúc đó ngoài Nguyên Minh và Đoàn Văn Khánh ra, tôi chưa quen biết với ai, thế mà bây giờ đã trở thành bạn tâm giao với rất nhiều người. Họ là những người yêu quý văn chương, trân trọng chữ nghĩa và bằng nhiều cách khác nhau tôn vinh cái đẹp của cuộc đời.

Quán Văn được hình thành hơn 5 năm về trước, từ những lần gặp gỡ của Nguyên Minh với một số anh em như Trương văn Dân, Elena, Đoàn Văn Khánh, Từ Sâm, Hiếu Tân, Cao Quảng Văn, Nguyễn Hòa… Nhiều người trong họ vẫn còn viết đều đặn cho Quán Văn, và cũng có mặt trong buổi sinh hoạt kỷ niệm này. Từ nhiều năm nay, mỗi số Quán Văn thường dành một số trang cho một chân dung văn học. Những số trước đã làm cho Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Thân Trọng Minh… và số Quán Văn kỷ niệm 5 năm này phần Chân Dung Văn Học nói về tác giả Phạm Cao Hoàng.

Trương Văn Dân kể lại là lúc đó anh mới về nước, quen biết và quý trọng nhà văn Nguyên Minh, hiểu những trăn trở của một nhà văn thích làm báo mà chưa tìm được một cách mở ra nào. Chính Trương văn Dân đã nảy sáng kiến này như đưa một làn gió cho con diều ham thích của Nguyên Minh tung bay.

Trương Văn Dân gốc Quy Nhơn, du học và định cư tại Italia từ trước 75. Khi còn là học sinh trung học ở quê nhà, Trương Văn Dân đã yêu thích văn chương qua những sách báo mà chàng tìm thấy được. Nên khi qua Ý, rồi bất ngờ ở lại làm việc với người Ý, lấy vợ Ý đã hơn 30 năm thế mà luồng máu văn chương Việt vẫn chảy, càng lúc càng thôi thúc hơn. Năm 2005, Dân xin nghỉ hưu sớm và quyết định đưa vợ là một Tiến Sĩ Ngôn Ngữ người Ý, và cũng là một nhà văn về định cư tại quê nhà. Hai năm sau, anh xuất bản tập truyện đầu tay “Hành Trang Ngày Trở Lại”.

Đôi trai tài gái sắc Elena-Trương văn Dân đã được Hoàng Kim Oanh mô tả: “Đôi song ca Ý- Việt tuyệt vời là hạt nhân gắn kết nhiều thế hệ, nhiều đối tượng độc giả, tác giả QV… Chưa cặp đôi nào gắn bó thực sự đến như thế… Cả cuộc sống đời thường, cả vui buồn văn chương bè bạn, cả cách nhìn cùng một hướng và cách nghĩ về những vấn đề xã hội hôm nay!”

Suốt 5 năm qua, chưa lần nào vắng mặt, Trương Văn Dân chịu đọc, chịu kết bạn, và chịu viết. Truyện hay bài viết của Trương văn Dân thường hướng về phân tích nội tâm nhân vật, tạo chiều sâu tác phẩm bao giờ cũng tạo được một suy nghĩ trong lòng người đọc.

Từ Sâm ở Nha Trang vào Saigon dự cho được kỷ niệm 5 năm của Quán Văn. Vào chơi nồng nhiệt bắt tay chào hỏi mọi người xong là vội vã bước lên sân khấu nói lời chúc mừng và tạm biệt, anh phải về cho kịp chuyến xe chiều. Từ Sâm viết thường xuyên mỗi ngày trên trang của mình “Chuyện làng Nguyệt Tui” mà tôi được đọc cũng đã hơn 50 kỳ. Là người gốc Quảng Bình, anh không ngại đem chính giọng nói của quê mình vào văn chương. Từ Sâm viết giọng châm biếm, đưa những sự kiện nho nhỏ mắt thấy tai nghe thành thâm trầm một cách hài hước rất dễ gần. Một trong những truyện ngắn của ông tôi đọc một lần mà nhớ luôn trong đầu, có thể kể lại bất cứ lúc nào là truyện “Thằng Tít Rằn” được một nhà xuất bản đưa vào danh sách các truyện ngắn mini đặc sắc.

Hiếu Tân ở Vũng Tàu, về với Quán Văn lần này để kể lại bài viết ông đã tường thuật lần ra mắt Quán Văn số 1 hồi 5 năm về trước.

Nguyễn Hòa vcv là người chủ trương trang mạng Văn Chương Việt, thì nằm bệnh, không đến được. Cao Quảng Văn sức khỏe cũng không tốt, thỉnh thoảng mới đến với QV.

Quán Văn được Nguyên Minh và một số anh em văn hữu biên tập, trình bày do Nguyễn Sông Ba, còn phát hành thì có hai thứ: phát hành qua báo gửi đi tới các đại lý và thân hữu và một mặt khác là phát hành trực tiếp trong các buổi sinh hoạt ra mắt sách. Những buổi này rất sinh động và vui vẻ là do sự đóng góp khả năng của nhiều người như Đoàn Văn Khánh, Đoàn Đình Thạch, Đặng Châu Long, Ngô thị Mỹ Lệ, Hoàng Kim Oanh, Quách Mạnh Kha… Mỗi người đều có những đóng góp riêng và tích cực. Sinh nhật 5 năm Quán Văn, Ngô thị Mỹ Lệ đem tới một cái bánh Sinh Nhật, trên mặt bánh là chữ Quán Văn, chung quanh ghi tên những nhân vật mà Mỹ Lệ vinh danh đã đem sức sống đến cho Quán Văn, Mỹ Lệ khiêm tốn ghi tên mọi người mà quên ghi tên chính mình.

Mỗi số báo một lần ra mắt, có khi ở Phan Thiết, có khi ở Bảo Lộc, và thường khi ở Saigon, lần ra mắt nào cũng vẫn do một người điều hợp là nhà thơ Đoàn Văn Khánh. Đoàn Văn Khánh có giọng nói mạch lạc, lưu loát. Khi micro nằm trong tay Đoàn Văn Khánh thì mọi người lắng nghe, vì ông không tự nói về mình mà chỉ nói về người khác, nói về đề tài nào đó để liên kết tới văn chương từ đó giới thiệu người nói chuyện, ngâm thơ, ca hát… cho nên, rất tự nhiên, ông trở thành gạch nối cho tất cả những người tham dự.

Hôm đó, Đoàn Văn Khánh làm một việc ý nghĩa khi ông mời Chị Lan - phu nhân của anh Nguyên Minh - lên sân khấu. Chị Lan là người thầm lặng bấy lâu, vừa là yểm trợ, vừa là nội tướng, là người thực sự góp sức, tiếp tay với Nguyên Minh để chàng thảnh thơi rong chơi với chữ nghĩa. Thế mà bấy lâu nay chàng vẫn để nàng sau bức màn nhung! Hôm nay, trước đông đảo bạn bè và những người yêu mến Nguyên Minh, đã trao tặng cho anh hoa, bánh cùng những lời chúc ngọt ngào, chàng đã nói với nàng lời cám ơn chí cốt : Tạ ơn em, tạ ơn em …..

Hỗ trợ đắc lực nhất cho Khánh là Đoàn Đình Thạch. Đoàn Đình Thạch là nhạc sĩ, theo một bài viết của Hoàng Trần (là giáo sư dạy ở Đại Học Sư Phạm trước), thì Đoàn Đình Thạch là người phổ nhạc bài thơ “Viết Trong Buổi Chiều Mưa ” của Kim Tuấn. Những ca từ trong ca khúc này trùng lặp với ca từ của bài “Bâng Khuâng Chiều Nội Trú” mà Nguyễn Trung Cang phổ nhạc, nhưng khác tên tác giả Thơ… Đoàn Đình Thạch khiêm nhường, ít nói, đàn hay và hát giỏi, bao giờ cũng chọn vị trí bên trái sân khấu, với cây guitare trên tay và đệm cho bất cứ ai lên hát, và hát bất cứ khi nào cần. Một ca khúc mới của Đoàn Đình Thạch vừa phổ biến là “Thênh thang biển Đông thuyền ta dập dìu” với những ca từ dồn dập khát khao:

“Ôi đẹp làm sao, biển trời của ta.
Thênh thang biển Đông thuyền ta dập dìu.”


Hoàng Kim Oanh là Tiến sĩ Văn Chương, lại có những đóng góp kiểu khác: có khi là một diễn giả giới thiệu tác phẩm, có khi là người trong Ban Biên Tập để kết nối Quán Văn với các người trẻ, và có khi bước lên sân khấu theo lời yêu cầu để hát một ca khúc giúp vui. Lần kỷ niệm 5 năm này, dù đã mời và chưa nhận được lời từ chối để cùng làm MC cho chương trình, nhưng Hoàng Kim Oanh đã… khéo léo đi trễ với lý do… em tưởng các anh nói đùa, và sau đó tạ lỗi bằng cách lên hát liên tục hai ca khúc trữ tình rất hay. Hoàng Kim Oanh viết ít, nhưng những bài của cô là những cảm xúc rất chân thành, thông minh và thật sâu lắng như một đoạn Hoàng Kim Oanh viết để cám ơn những cuốn sách được tặng :

“Sách là sách. Là giấy vàng giấy trắng. Là mực đen mực xanh với đủ sắc màu xanh đỏ tím vàng…

Nhưng mỗi cuốn sách tôi cầm trên tay đây luôn nói trước tiên về những ân tình tôi đã nhận và mỗi khi giở ra, mỗi cuốn đều nhắc nhớ cùng năm tháng duyên do nào tôi được có bạn ấy trong tủ sách của tôi.

Mỗi người bạn trò chuyện cùng tôi theo cách của họ…

Mỗi cuốn sách cũng thì thầm cùng tôi qua ngập ngừng ám dụ bao thông điệp cuộc đời…”

Dòng chữ viết ra làm ấm lòng biết mấy với người ghi tặng sách cho Hoàng Kim Oanh.

Quán Văn giống như một cái Quán thực sự, biết bao nhiêu bằng hữu gần xa ghé đến, và dù chỉ ngồi chơi chuyện trò, thăm hỏi, thế mà nếu có mặt Đặng Châu Long thì đều được ghi hình và phổ biến nhanh trên FB. Nhiếp ảnh gia nhiệt tình Đặng Châu Long luôn ghi được những bức ảnh bất ngờ khá thú vị về những buổi sinh hoạt định kỳ Quán Văn… Bút ký “Sắc Màu Đời Theo Mảng Tang Thương” kể về chuyến về thăm trường cũ, nhắc tới các thầy cô tạo nhiều xúc động. Trần Hữu Hội với tập thơ “Hạt Mầm Trót Vay” là một người dễ mến, tổn thương về cơ thể, nhưng Hội lại được sống trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình và sự quý mến chân thành của bằng hữu văn nghệ.

Hôm đó, Hội ngồi với nụ cười hiền lành luôn có trên môi, điều chỉnh âm thanh để mọi người ca hát. Nụ cười ngọt ngào như lời khích lệ.

Tôi không thể nói về tất cả những người tham dự đâu, vì chắc chắn sẽ nhắc thiếu nhiều tên tuổi. Chỉ thoáng qua để nhớ những người mà tôi biết mặt như Thân Trọng Minh, Lê Hồng Thái, Miên Đức Thắng, Nguyễn Phú Yên, Lê Ký Thương, Phan Văn Quang, Trần Thoại Nguyên, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Nguyên Tâm, Nguyễn Như Mây, Đoàn thị Phú Yên, Trần Võ Thành Văn, Bích Ngân, Phạm Thành Châu, Hoàng Hưng, Laiquangnam, Cao Bá Hưng, Trần Hoài Anh, Kiều Huệ, Trần Hương Giang, Nhật Chiêu, v.v… Chỉ có điều ghi nhận sau chót là trong mắt ai cũng lóng lánh hân hoan và chia sẻ chút hạnh phúc bên nhau.

Hai ngày nữa là rời Saigon rồi, rời khỏi Cà Phê Lọ Lem trong tiếng cười sảng khoái nhưng trong lòng tôi nặng trĩu những tiếc nhớ, sao chưa muốn chia tay. Cám ơn mọi người đã cho tôi những kỷ niệm đẹp của một chuyến đi ngắn ngày. Kết bài viết bằng một tin nhắn của Trần Thoại Nguyên : “Dù mới gặp nhau mà sao như thấy thân thiết từ lâu rồi.” Đúng vậy thưa nhà thơ Trần Thoại Nguyên, tôi cũng nghĩ như anh, và triển khai thêm là ngay cả những người tôi chưa được biết tên, chỉ nhìn hình thôi mà đã như là bạn cũ.


Nguyễn Minh Nữu
Tháng 11/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét