Powered By Blogger

VOVINAM ĐI VÀO NÔNG THÔN

CB Trần Văn Khánh
Năm 1968 tôi là CB/XDNT tỉnh Long An, một trong những người từ những đoàn gần tỉnh lỵ được gọi về học võ mỗi tháng một tuần lễ trên sân bóng trước tiểu Khu Long An.

Khi tôi hỏi “cán bộ có súng tại sao phải học võ”, thì huấn luyện viên trả lời là nếu có thêm khả năng võ thuật, cán bộ sẽ có thể lực khỏe hơn, cầm súng được vững hơn để nâng cao kỹ thuật tự vệ, tạo sự tin tưởng vào khả năng tác chiến của mình trước bất cứ đối thủ và tình huống nào; đồng thời cũng để chứng tỏ cho các đơn vị bạn rằng, mặc dù là đơn vị bán quân sự, nhưng tinh thần và khả năng tác chiến của CB/XDNT vẫn đủ cao.

Trước kia, việc học võ thực hiện lẻ tẻ tùy theo mỗi tỉnh đoàn, nhưng đến năm 1970 thì phong trào này đã trở thành một trong những môn huấn luyện chính thức của chương trình bình định và phát triển nhằm đưa Vovinam đi vào nông thôn.
Vovinam, tên quốc tế  hóa của “Võ Việt Nam”, hay còn gọi là “Việt Võ Đạo”, đến với CB/XDNT là một cơ may của đất nước, nhờ mối thâm tình giữa Đại tá Nguyễn Tài Lâm, Giám Đốc Nha Cán Bộ,  và Võ Sư Trần Huy Phong, Giàm Đốc võ đường Hoa Lư ở Sài Gòn.
Trước đo, để khỏi bị bắt nạt, tôi cũng đã từng “tầm sư học đạo”, và đã từng nghiên cứu xem môn võ nào thích hợp với mình, vì tôi suy nghĩ rằng, mỗi môn võ đều có nguồn gốc và lễ nghi riêng, như Đô Vật của Mông Cổ, Thiếu Lâm của Trung Hoa, Judo của Nhật Bản, Muay Thai của Thái Lan và Taekwondo của Đại Hàn…
Những môn võ trên có những phương pháp tập luyện và giao đấu phù hợp với thể tạng và đặc tính dân tộc; đặc biệt là họ dạy theo những chiêu thức và ngôn ngữ riêng; đôi khi phải chào quốc kỳ của nước sáng lập. 
Ngoài ra, mỗi môn võ đều có bài bản và nghệ thuật thuật phù hợp với tầm vóc và thể lực riêng.  Thí dụ dân du mục, có đôi chân dẻo dai như người Mông Cổ thì phù hợp với môn đô vật; người Phù Tang thấp nhỏ thì lợi dụng sự nhanh nhẹ trong nhu thuật của Judo để thắng cương; người Tây Phương cao lớn và khỏe mạnh thì tận dụng những cú đấm thần tốc của quyền Anh (boxing)...

Tôi nhớ có lần tiếp chuyện với anh Trần Hữu Khoa ở trước văn phòng Nha Cán Bộ của Đại Tá Nguyễn Tài Lâm, thì anh nhận định rằng người Việt có tầm vóc thấp bé mà giao đấu boxing với những người to lớn như Tây Phương hoặc Châu Phi thì chắc chắn sẽ bị hạ, vì khi tay mình với  chưa chạm tới đối thủ thì tay cửa họ đã đấm dẹp mũi của mình!

Đương đầu với người Tàu cũng vậy, khi thấy họ vung tay, múa chân theo Thái Cực quyền và Thiếu Lâm quyền, ta cũng phải e dè, ngại ngùng, vì không biết họ còn có những chiêu thức nào mà mình chưa học được chăng.
Ngày xưa Vua Quang Trung đã làm khiếp vía quân Thanh là nhờ quân ta tự hào là có môn võ cổ truyền mà sau này được gọi là “võ Bình Định” như câu ca dao:  Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định múa roi, đi quyền.

Vovinam, do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938, được phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên khắp thế giới. Dựa trên nguyên lý lưỡng cực “âm-dương” và “cương-nhu” qua mầu đỏ và mầu xanh dương, môn sinh Vovinam được tập luyện cả quyền cước, đô vật, tay không và vũ khí các loại như côn, kiếm…

Mỗi môn sinh hồng đai phải làm luận án về võ thuật với mục tiêu phát triển môn võ ngày càng phổ cập và phong phú hơn; nhờ thế, Vovinam mỗi ngày một tiến bộ và mở mang thêm, sáng tạo thêm những chiêu thức mới và sử dụng những vũ khí quen thuộc như cào, cuốc, quạt, gậy ông già....Bay lên kẹp cổ địch thủ cũng là một trong những tuyệt chiêu của Vovinam mà chúng ta không thấy ở những môn võ khác.

Ngoài ra, Vovinam là môn võ đầu tiên của Việt Nam được tập luyện có bài bản và chiêu thức đồng nhất; chứ không như trước kia, học võ thường được truyền thụ có tính cách gia đình và cá nhân, nhiều khi bố mẹ phải “tầm sư” cho con cái học võ, đó là chưa kể đến việc “cúng” heo hoặc gà cho “sư phụ”, rồi lâu lâu sư phụ mới truyền cho một…  “bí kíp”.
Có lẽ vì thấy môn võ này được tập luyện giống như quân trường, và vì thấy “10 Điều Tâm Niệm” của Vovinam phù hợp với đường lối XDNT trong việc chống lại kẻ thù và bảo vệ dân chúng nông thôn, nên vào đầu thập niên 1970, Đại Tá Nguyễn Tài Lâm đã cử Trung Úy Võ Thành Nhựt, Trưởng Ban Huấn Luyện, Sở Tâm Chiến, đến võ đường Hoa Lư tiếp xúc với Võ Sư Trần Huy Phong để xúc tiến việc huấn luyện Vovinam cho CB/XDNT.

Trong lời tâm tình mới đây cho Võ Sư Nguyễn Văn Đông nhân dịp Võ Sư Lê Công Danh từ Úc Châu sang thăm Hoa Kỳ, Niên Trưởng Nguyễn Tài Lâm viết rằng:
Anh Đông thân mến,
Nhờ anh chuyển lời thăm hỏi của tôi đến anh Lê Công Danh từ Úc tới dự Đại hội. Chúc Đại hội Vovinam thành công tốt đẹp. Giáo sư Phong và võ sư Danh là những người đã giúp đỡ rất đáng kể cho anh em CBXDNT trong lúc tinh thần họ bị dao động nhiều nhất.
Chúc anh Đông vui mạnh.
Thân ái,
Nguyễn tài Lâm.
Đúng vậy, trong lúc tinh thần CB/XDNT “giao động” thì theo yêu cầu của Đại Tá Lâm, Võ Sư Trần Huy Phong liền điều động 4 cao đồ từ Võ Đường Hoa Lư là quý anh Lê Công Danh, Nguyễn Gia Đức, Nguyễn Văn Đông và Vũ Kim Trọng đến Tổng Bộ Phát Triển Nông Thôn (Hậu thân của XDNT) để huấn luyện võ thuật cho CB/XDNT từ 46 tỉnh đoàn gởi về.

Do hầu hết cán bộ được cử về đều có căn bản và khả năng võ thuật, nên sau mỗi khóa học kéo dài khoảng 3 tháng, họ tiếp thu võ học nhanh chóng và có hiệu quả.   Khi mãn khóa những cán bộ nòng cốt này này trở thành những huấn luyện viên Vovinam tại các tỉnh lỵ cho các cán bộ tại tỉnh đoàn, rồi những cán bô này trở thành những huấn luyện viên Vovinam tại các xã, đặc biệt là tại các trưởng tiểu học trong xã ấp, nơi mỗi buổi chiều, trước khi tan học, đều có giờ sinh hoạt và tập thể duc.

Ngoài việc dạy ca hát, CB/XDNT đã trở thành HLV Vovinam cho học trò trên toàn quốc.
Năm 1973, trên đường đế Kiến Phong, tôi thấy khoảng 300 em nhỏ mặc đồ đen tập Vovinam dưới thửa ruộng khô đằng sau một ngôi trường nằm bên tỉnh lộ, tôi cảm thấy một niềm vui lâng lâng và tự hào mình là CB/XDNT.
Khi công tác về  xã thôn, nơi nào tôi cũng thấy các em nhỏ rất hăng hái trong giờ học Vovinam và thích mặc bộ bà ba đen với phù hiệu Vovinam; và khi nhìn thấy khung cảnh này, chúng ta có thể đánh giá  được đây là  khu vục an toàn.
Tính đến năm 1973, CB/XDNT đã giới thiệu Vovinam cho khoảng nửa triệu võ sinh tại các vùng nông thôn trên toàn quốc; và theo đà này, nếu không vì biến cố 30 tháng Tư 75, Vovinam có lẽ đã trở thành môn võ phổ cập của mọi người Việt Nam.

San Jose ngày 15 tháng 8, 2016
CB Trần Văn Khánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét