Powered By Blogger
CÁ CHÉP


Cá chép:danh pháp khoa học: Cyprinus; là một chi trong họ Cá chép (Cyprinidae), được biết đến nhiều nhất là thành viên phổ biến rộng khắp có tên gọi thông thường là cá chép (Cyprinus carpio). Đây là loại cá nước ngọt.

Tiếng Anh:Cyprinus;  tiếng Pháp: carpe tiếng Đức: Karpfen hay  Cyprinus, Ý : Carpa hay Cyprinus,  tiếng Hy Lạp: κυπρίνος (kyprínos), Tàu: 鯉, Nhật:鯉, Đại Hàn:잉어, tiếng Đan Mạch: Karpe.. 

Đây là loại cá có nguồn gốc từ các nước Á Châu, cá sống ở hồ lớn và sông. Người Ý từ lâu đã đem về Âu Châu để nuôi và gây giống, do đó giống cá chép có hiện nay ở Âu Châu  phần lớn có nguồn gốc từ Á Châu.

Cá chép có 24 loại khác nhau được ghi nhận ( 1 loại bị tuyệt chủng).
Cá chép thông thường dài khoảng 30 tới 40cm, cá nạng trung bình từ 400gr tới 1,5kg; cũng có con lớn hơn cân nặng tới 40kg
               
Cá chép loại lớn

DANH SÁCH 23 LOẠI CÁ CHÉP 
http://www.fishbase.org/NomenClature/ValidNameList.php?syng=Cyprinus&vtitle=Scientific+Names+where+Genus+Equals+%3Ci%3ECyprinus%3C%2Fi%3E&crit1=EQUAL

1. Cyprinus acutidorsalis              
2. Cyprinus barbatus              
3. Cyprinus carpio Linnaeus,             
4. Cyprinus centralus  
5. Cyprinus chilia  
6. Cyprinus dai
7. Cyprinus daliensis  
8. Cyprinus exophthalmus  
9. Cyprinus fuxianensis  
10. Cyprinus hyperdorsalis  
11. Cyprinus ilishaestomus  
12. Cyprinus intha  
13. Cyprinus longipectoralis  
14. Cyprinus longzhouensis  
15. Cyprinus megalophthalmus  
16. Cyprinus micristius  
17. Cyprinus multitaeniata  
18. Cyprinus pellegrini
19. Cyprinus qionghaiensis  
20. Cyprinus quidatensis  
21. Cyprinus rubrofuscus
22. Cyprinus yilongensis  
23. Cyprinus yunnanensis
                   


Cá chép đỏ



https://www.youtube.com/watch?v=6pWq1I9yv2c
https://www.youtube.com/watch?v=ID9_CXdp7TA
https://www.youtube.com/watch?v=GzKq4E8HLZU
https://www.youtube.com/watch?v=SW7qQ9bECWM
https://www.youtube.com/watch?v=02utdr62iAA
https://www.youtube.com/watch?v=YCeRZPla2BM

CÁ CHÉP TRONG Y HỌC
( Một phương thuốc qúi trị bệnh cho quý bà/B.S HOÀNG XUÂN ĐẠI) 


Cá chép (Cyprinus carpio) là loài cá thuộc họ Chép (Cyprinidae), cá chép thịt dày và béo, ít xương dăm, thớ thịt trắng mịn, mùi vị thơm ngon. Không những là món ăn ngon mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng chữa trị bệnh tốt, đặc biệt là các bệnh phụ nữ.
Đông y cho rằng cá chép vị cam, tính bình hòa, quy kinh lạc tỳ và thận, công hiệu bổ ích tỳ vị, lợi thủy trừ thấp... Dưới đây là vài cách trị bệnh từ cá chép.
*Tác dụng làm an thai: Phụ nữ mang thai dễ xuất hiện các triệu chứng khí huyết yếu kém, tâm tính không yên. Trong phương thuốc "Thánh Huệ", Thánh Huệ phương có ghi: Lấy một con cá chép nặng khoảng nửa cân, để cả vẩy, mổ bỏ tạp ruột, trộn thêm nửa lạng gạo nếp, rửa sạch, cho thêm ít vỏ quýt, gừng sống. Ðổ tất cả vào nồi ninh chín, cho thêm ít muối, ăn 5 – 7 lần sẽ có hiệu quả rất nhanh.
* Chữa nôn mửa: Phụ nữ thời kỳ đầu mang thai thường xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt... Đông y gọi là "Nhiên thần ác trở" (Triệu chứng xấu khi mang thai).
Nguyên nhân do tỳ vị suy yếu, mạch đập mạnh... gây nên. Lấy một con cá chép nặng khoảng 250g đánh vẩy, mổ bỏ nội tạng, rửa sạch, cho thêm 6g sa sâm đập nhỏ, 10g gừng tươi thái mỏng. Bỏ cả hai thứ vào trong bụng cá hầm chín, ăn trong ngày, có công hiệu kiện tỳ hòa vị, giảm thổn thức, tiêu trừ nôn mửa.
* Chữa bệnh phù thũng: Sau khi mang thai 5 – 6 tháng, phụ nữ thường hay có chứng sưng mặt, chân tay phù thũng, tiểu tiện ít. Có thể dùng một con cá chép nặng 500g, 120g đậu đỏ hạt nhỏ, cho thêm ít gừng, hành, bỏ vào nấu chín, ăn nhạt (chú ý không nêm mặn). Ðây là phương thuốc rất công hiệu.
* Giúp làm tăng lượng sữa: Sau khi sinh, phụ nữ có người không có sữa hoặc ít sữa, có thể dùng một con cá chép nặng khoảng 2 lạng rưỡi, một chân giò lợn bé, 3g thông thảo. Hầm thật nhừ, ăn dần 1 – 2 ngày sẽ có nhiều sữa và sữa rất mát tốt cho trẻ.
* Chữa bệnh chứng ứ huyết: Phụ nữ sau khi sinh có thể bị chứng khí huyết ứ trễ, đau bụng dưới, máu xấu không kịp bài tiết ra ngoài... Nghiền, tán nhỏ vẩy cá chép, cho vào từ 3 – 5g nước đun sôi. Uống với ít rượu nếp có công hiệu làm tan huyết, thông huyết, chữa trị được chứng ứ huyết.
* Làm tăng công năng dạ dày: Dạ dày của phụ nữ sau khi sinh có thể thay đổi cường độ co bóp. Dùng một con cá chép nặng nửa cân, làm sạch vẩy và ruột, cho vào nồi nấu canh. Khi cá chín nhừ cho thêm ít gia vị, hồ tiêu, muối. Ăn cả nước và cái, có tác dụng bổ tỳ vị, trị bệnh hư hàn
                        
CÁC MÓN ĂN VỚI CÁ CHÉP ÂU , Á.


CÁ CHÉP XÀO CHUA NGỌT
Nguyên liệu: 1/2 kg cá philê, 1/4 củ hành băm, 1 quả ớt sừng, 1/2 quả ớt chuông xanh, 1 củ carrot, 100g khoai tây bi, xà-lách, 1 thìa súp bột năng, hạt nêm, tương ớt, tương cà, dầu ăn, tiêu.
Thực hiện: Cá, ớt sừng, carrot, ớt chuông thái vừa ăn. Khoai tây thái đôi, luộc chín cùng carrot. Ướp cá với 1 thìa cafe hạt nêm, áo đều bột năng, rán vàng.

Phi hành với 1 thìa súp dầu ăn, cho carrot, khoai tây, ớt sừng, ớt chuông vào xào. Nêm 1 thìa súp tương cà, 1 thìa súp tương ớt, 1/2 thìa súp hạt nêm, 2 thìa súp nước. Xào vừa chín, cho cá vào xóc đều. Cho ra đĩa có lót xà-lách, rắc tiêu.




Muốn làm cá chép chua ngọt xin hãy xem clip nầy để chế biến
             
CÁ CHÉP NẤU CHÁO ĐẬU XANH


                         
Nguyên liệu: 1/2kg cá philê, 1 củ nghệ, 100g nấm rơm, 100g carrot, 2 cây hành lá, 1/2 bát gạo, 2 thìa súp đậu xanh không vỏ, hạt nêm, nước mắm, đường, tiêu, dầu ăn.
Thực hiện: Nghệ và carrot thái lát mỏng. Cá thái vừa ăn. Nấm rơm thái đôi. Gạo, đậu xanh vo sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước nấu nhừ thành cháo.

Đun nóng 1 thìa súp dầu ăn, cho nghệ, carrot, cá, nấm rơm vào xào. Nêm 1 thìa súp hạt nêm, 1 thìa súp nước mắm, 1 thìa súp đường. Cho tất cả vào chảo, nấu chín. Nêm vừa ăn. Múc ra tô, rắc hành tước sợi, tiêu.

CÁCH LÀM
                        Cá làm sạch, lạng lấy phi lê cá, cắt lát mỏng xéo xếp ra dĩa bảo quản lạnh.
                                     Xương cá và đầu cá cho vào nồi cùng với gạo để nấu cháo.                                                                                                  

CANH CÁ CHÉP NẤU DỨA
Nguyên liệu: 1/2kg cá chép, 1/2 quả dứa, 1 quả cà chua, 1 quả ớt sừng, 1 vắt me nhỏ, rau om, mùi tàu (ngò gai), đường, hạt nêm, nước mắm, dầu ăn.
Thực hiện: Dứa thái lát vừa ăn. Cà chua thái múi cau. Ớt sừng thái lát xéo.
Cá làm sạch, bỏ ruột, mang, thái khúc vừa ăn, khứa vài đường lên miếng cá. Đun nóng 2 thìa súp dầu ăn, cho cá vào rán sơ.
Đun sôi 1 lít nước, cho me vào dầm lấy nước chua, bỏ xác. Thêm dứa, cá, cà chua vào. Nêm 3 thìa súp đường, 1 thìa súp nước mắm, 2 thìa cafe hạt nêm, nấu chín. Nếm lại cho vừa ăn.
Múc canh ra tô, cho ớt, rau om, mùi tàu thái khúc ngắn vào. Dùng nóng với cơm nóng.
                    

CÁ CHÉP HẤP HÀNH
Nguyên liệu: 1/2kg cá khúc đầu hoặc nguyên con, 2 cây hành lá, 1 quả ớt sừng, 1 củ gừng nhỏ, nước tương, dầu hào, đường, hạt nêm, dầu ăn.
Thực hiện: Cá bỏ mang, làm sạch, ướp 2 thìa cafe nước tương, 1 thìa súp dầu hào, 1 thìa súp hạt nêm, 2 thìa súp đường, 1 thìa súp dầu ăn, để 10 phút cho thấm gia vị. Hành lá bỏ rễ, rửa sạch, tước nhỏ hoặc thái khúc ngắn tuỳ thích. Gừng và ớt bỏ hạt thái sợi.
Cho cá vào đĩa chịu nhiệt, rải 1/2 gừng, ớt, hành lên trên, cho vào nồi hấp khoảng 20 phút cho chín.
Lấy cá ra, cho gừng, hành, ớt còn lại lên mặt. Dùng nóng với cơm trắng, nước tương có ớt thái lát.
        

CÁ CHÉP NƯỚNG VỚI THÌ LÀ
Nguyên liệu: 1/2 cá chép, 50g thìa là, 1 thìa cafe hành, tỏi xay, 50g cà chua bi, tương ớt, hạt nêm, dầu ăn.
Thực hiện: Thìa là bỏ rễ, rửa sạch, vẩy ráo, thái nhỏ. Cà chua bi rửa sạch, thái làm đôi theo chiều dọc. Cá làm sạch, chặt khúc vừa ăn, ướp hành, tỏi, thì là, 2 thìa súp tương ớt, 2 thìa cafe hạt nêm, 1 thìa súp dầu ăn, để 10 phút cho thấm.

Chuẩn bị lò than hoặc bật nóng lò nướng, cho cá vào nướng chín vàng. Cho cá ra đĩa, trang trí với thì là, cà chua bi. Dùng nóng với cơm.
             

CÁ CHÉP KHO RIỀNG
Nguyên liệu:
 - 400gr cá chép hoặc cá trắm.
- 2 muỗng canh riềng tươi (cắt sợi).
- 3 muỗng canh dầu ăn.
- 3 muỗng canh nước mắn ngon.
- 1/3 muỗng canh nước màu dừa
- ½ bắt nước lã.
- Muối, tiêu, đường, ớt đỏ.


Thực hiện:  


- Cá làm sạch, cắt khúc, chiên sơ với dầu ăn. Ướp cá với nước màu, nước mắm, đường, bột ngọt. Để 30 phút. Kho cá với lửa nhỏ cho ngấm gia vị.


- Cho nước lã và riềng vào, tiếp tục đun lửa nhỏ cho đến khi nước sệt lạị


- Dọn cá ra đĩa hoặc tô, rắc thêm chút tiêu và vài lát ớt đỏ. Dùng nóng với cơm.                                  


LẨU CÁ CHÉP
Các bạn có thể dựa vào clip nầy để chế biến món lẩu cá Chép    https://www.youtube.com/watch?v=IlHlfJhMACU                   
Thực hiện
-Chọn cá chép loại còn sống, làm sạch, đánh vẩy, bỏ vây và đuôi. Lau khô, chiên sơ ngập trong dầu thật nóng cho vừa chín.
- Cà chua chọn loại chín mọng đỏ, cắt múi cau, xào trên lửa nhỏ cho lên màu đỏ thật đẹp và chín mềm, nêm muối đường cho vừa ăn.
- Thì là lặt sạch, bỏ phần gốc già. Hành lá, cần nước rửa sạch cắt khúc khoảng 5cm, bày ra đĩa.
- Nấu xương gà với khoảng 1,5 lít nước, để lửa nhỏ trong khoảng một giờ. Thỉnh thoảng hớt bọt cho nước thật trong. Vớt bỏ xương. Cho cà chua đã xào chín vào, mẻ nghiền nhỏ, nêm vào từ từ cho vừa ăn, nêm gia vị gồm hạt nêm, đường, nước mắm cho có vị vừa chua và ngọt. Gia giảm gia vị tùy theo độ ngọt của cà chua.
Khi ăn cho cá đã chiên vào. Có thể thay cá chép bằng cá điêu hồng.                                                                     



CANH RIÊU CÁ CHÉP

                                      
CÁ CHÉP CHƯNG NẤM RƠM THÌ LÀ
Nguyên liệu:

- 1 con cá chép 800g
- 100g nấm rơm
- 10 quả trứng cút
- 2 quả cà chua
- 0,5g rau thì là
- 2 quả ớt đỏ
- 1 muỗng cà phê tiêu
- 2 củ hành tím
- 1 muỗng canh nước mắm
- 1 muỗng canh đường
- 1 tép tỏi
- 1 muỗng cà phê bột ngọt
- 4 cây hành ngò
- 0,5g đậu phộng
                         
Thực hiện:
- Cá chép làm sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo dầu sôi chiên xù so qua cho vàng, dựng đứng hơi ánh vàng thì tắt lửa, vớt cá ra.
- Nấm rơm rửa muối, cắt làm đôi, rửa sạch.
- Trứng cút luộc chín, bóc vỏ.
- Ớt chín tỉa hoa ngâm nước lã.
- Cà chua thái mỏng.
- Nấm rơm chiên sơ cho chín, xong bỏ chung vào đĩa cá. Cho cá vào một đĩa lớn.
- Hành tím, tỏi phi thơm, bóp vào thân cá. Nước mắm, bột ngọt, đường, tiêu. Bắc lên bếp một cái nồi lớn, cho cá vào chưng cách thuỷ, khoảng 45 phút thì cá chín.
- Xếp rau thì là quanh cá và cà chua, để vậy 1 phút rồi tắt bếp và nhấc cá ra.

Trình bày:

- Để cá giữa đĩa, chung quanh là cà chua và nấm rơm. Trên mình cá cắm hai hoa ớt đỏ và phủ nhẹ trên thân cá là rau thì là và đậu phộng đập dập.

- Món này ăn nóng với bún và nước tương xí muội.

CÁC MÓN CÁ CHÉP TỪ ÂU CHÂU

Amur-Karpfen mit Kernöl - Kürbiscreme



Cá chép với dầu hạt bí và Crème "bí"

Zutaten ( nguyên liệu):

  • 600 g Amur-Karpfenfilets ( cá chép Amur)
  • Salz ( muối)
  • Pfeffer (frisch gemahlen) ( tiêu xay)
  • Oliveöl ( dầu Olive)
  • Etwas Zitronensaft ( nước chanh)
  • Koriander (frisch gemahlen) ( Ngò của Âu Châu, hơi khác với ngò ta)
  • Etwas Kümmel (gemahlen) (Bột thì là của Ai Cập-Cuminum cyminum)
  • 3 EL Butter ( bơ)
  • 2 Stk. Knoblauchzehen (fein geschnitten) ( Tỏi tép)
  • 2 Stk. Zitronenthymianzweigerl  
  • Loại lá Zitronenthymianzweigerl  

Für die Kernöl-Kürbiscreme:

(các nguyên liệu để làm Crème BÍ)
  • 600 g Fruchtfleisch vom steirischen Kernölkürbis
  • Salz ( muối)
  • Pfeffer (frisch gemahlen) ( tiếu xay)
  • 4 Stk. Knoblauchzehen (geschält) ( 4 tép tỏi lột võ)
  • 100 ml Weißwein ( rượu vang trắng)
  • 1 Stk. Weiße Zwiebel (gehackt) ( 1 củ hành trắng đã bầm nhuyễn)
  • 4 EL Apfelessig ( giấm táo)
  • 1 EL Zucker ( đường 1muồng ăn)
  • 50 ml Kürbiskernöl ( dầu hạt bí)
  • 1 Prise Kümmel ( một ít bột thì là Ai Cập) 
  • Tabasco ( tương ớt cay Âu Châu)  
CÁCH LÀM

*Cá Chép đánh vãy, làm filet rồi cắt khúc khoảng dầy 3cm như hình phía trên; cho thật đều miếng; xong chiên với dầu Olive; bơ, nhớ cho một ít tỏi vào chiên chung cho tới chín hẳn; trong khi chiên nhớ trở miếng cá để chín đều hai bên lấy ra, lấy khăn chậm cho hết cho khô miếng cá. Xong đặt lên dĩa ăn, nặn mộ ít chanh lên trên, xong chế sốt Creme Bí lên trên miếng cá chung với dầu Bí 

* Cách sốt Bí:có thể dùng bí đỏ sắt vuông nhỏ (hạt lựu) nấu chung với rượu vang trắng và một ít nước khoảng 15 phút cho mền. Xong chế dầu hạt bí vào và nêm nếm cho vừa miệng..

*Để trang trí cho đẹp các bạn có thể lấy mướp của Âu Châu ( Zucchini ) đã luộc qua, sắt miếng mõng nhưng không sắt rời từng miếng, rồi trang trí như hình phía trên

Chúc các bạn thành công!!! và ăn ngon miệng!! 

Cá chép Filet chiên ăn với Sàlát khoai tây

Cá chép hấp với Táo ăn với khoai tây luộc với muối

Cá chép nấu với bia ( Bier)

Cá chép giáng sinh

Cá chép chiên dòn với cần tây

Cá chép chiến với sốt nấm rơm

Cá chép sống ở nước ngọt, cung cấp thịt ngon, là món ăn của nhiều vùng dân cư. Cá chép không chỉ sống tự nhiên trong các ao hồ mà còn được nuôi làm thực phẩm phục vụ đời sống. Nếu chúng ta biết khéo léo vận dụng, chẳng những chúng ta sẽ có một bửa cơm ngon trong gia đình mà còn là một phương thuốc quá, trị các bệnh về phụ nữ. 
CÁ CHÉP CHẦU TRỜI TRONG NGÀY 23 THÁNG CHẠP
Năm nào cũng vậy đến 23 tháng Cháp là người dân Việt Nam lại bận rộn với Tết ông Công ông Táo. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, của Lão giáo Trung Hoa. Nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông, 1 bà" - vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc. Năm nào cũng vậy, đúng ngày 23 tháng Chạp là ông Táo lại lên trời để bẩm báo lại với Ngọc Hoàng chuyện bếp núc và làm ăn của mỗi gia đình trong năm đó.
Các Táo cởi cá chép về chầu trời ngày 23 tháng chạp mổi năm

Cá chép là một vật không thể thiếu trong ngày này. Vì mọi người cho rằng, cá chép là “phương tiện” để đưa ông Táo lên trời. Nhà nào đã cúng cá chép thì phải mua đủ 3 con vì có 3 vị Táo.
Theo truyền thuyết, thần Táo cỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng. Trong các món đồ cúng ông Táo có món cá chép còn sống bơi trong chậu nước để ông Táo dùng làm phương tiện di chuyển về trời. Tại sao Thần Táo lại cưỡi cá chép? Ông Táo có thể cỡi cá chép bay về trời được vì cá chép có thể hóa ra rồng bay lên mây, lên trời được. Cá chép “hóa rồng” thấy qua câu ca dao sau này:

Bao giờ cá chép hóa rồng,
Bõ công cha mẹ bế bồng ngày xưa.



Theo truyền thuyết thì:
Mồng bốn cá đi ăn thề,
Mồng tám cá về, cá vượt Vũ-môn.
Vũ-môn là một chỗ có nhiều ghềnh thác trên; Theo "Đại Nam nhất thống chí" thì Vũ môn ở dãy núi Khai Trường huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là dòng suối có 3 bậc. tương truyền hàng năm đến tháng 4 mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hóa rồng.
Ý NGHĨA VIỆC HOÁ RỒNG
Câu chuyện cá hoá rồng là nói về việc muốn đạt được sự thay đổi thực sự như từ loài cá chép hóa thành rồng, từ nhà tranh vách lá thành… nhà lầu, từ khó khăn đến thành đạt sự nghiệp,… tất cả đều cần có sự thay đổi vượt bậc nào đó, thậm chí phải có hy sinh, đánh đổi, mất mát…
Có thể nói niềm tin cá hóa rồng là niềm tin về hiện tượng thăng hoa diễn ra trong vũ trụ và trong cả cuộc đời trần tục. Từ trong sâu thẳm, đó còn là ước vọng về sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, về khả năng cải tạo cái ác, cái xấu. Trong ca dao miền Nam, “cá hóa rồng” mở ra hướng phát triển tiến tới sự hoàn thiện hơn. Do vậy mà trong một số trường hợp, cá biểu trưng cho một nhân cách thanh cao dạng tiềm ẩn hoặc là hướng tới một kết qủa tốt đẹp

 Bên Tàu sông Trường Giang còn gọi là sông Dương Tử thuộc tỉnh Tứ Xuyên, ngày nay. Cứ đến ngày mồng tám tháng tư thì cá chép ở các nơi qui tụ về chỗ ghềnh thác này để thi nhẩy. Con nào nhẩy vượt qua được ba bậc của ghềnh thì hóa thành rồng. 
TRUYỀN THUYẾT CÁ CHÉP HOÁ RỒNG
Truyền thuyết kể rằng: “Vào một năm nọ, nạn hạn hán hoành hành vì số Rồng quá ít, không đủ làm mưa điều hoà cho cả nhân gian. Ngọc Hoàng thượng đế liền tổ chức một cuộc “Thi Rồng” nhằm tuyển chọn các con vật đủ khả năng, phẩm chất làm Rồng cứu nhân độ thế. Khi chiếu Trời ban xuống, vua Thuỷ Tề loan báo cho tất cả các cư dân dưới nước tham gia vào cuộc thi. Cuộc thi có ba kì. Mỗi kì vượt qua một đợt sóng. Con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt được cả ba đợt thì mới được hóa Rồng.               
Hình minh hoạ cá chép đang chuẩn bị vượt vũ môn

Trong suốt một tháng thi, đại diện của bao nhiêu loài thuỷ tộc đến thi đều bị loại cả vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng. Sau có cá Rô nhảy qua được một đợt nhưng cũng bị rơi ngay. Rồi đến Tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi, đã gần hoá Rồng, nhưng đến lượt thứ ba vì sức đã đuối nên bị ngã xuống, khiến lưng còng lại đến tận ngày nay.
Đến lượt Cá Chép vào thi thì gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Chép ta vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, và lọt vào cửa Vũ môn. Khi đó, Cá Chép được hoá thân, vẩy, đuôi, râu, sừng mọc ra, vóc dáng bỗng trở nên oai linh, giống hệt thần Rồng. Sau khi hoá Rồng, Chép phun nước làm gió táp, mưa sa, cứu độ muôn loài thoát khỏi hạn hán, sự sống hồi sinh”              
Hình minh hoạ cá chép đã hoá rồng

Cá chép hóa rồng nên cá chép cũng được dùng làm biểu tượng cho vua Rồng Lạc Long Quân. Người Mường thờ cá chép coi như là Lạc Long Quân và con nai sao là Âu Cơ. Chúng ta cũng coi cá chép là biểu tượng cho Lạc Long Quân. Chứng tích cá chép liên hệ đến Lạc Long Quân thấy qua câu sử miệng ca dao cổ ở làng Lệ Mật, Gia Lâm ngoại ô Hà Nội:
Ðến ngày 23 tháng ba,
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê,
Kinh Quản, Kinh Cự đề huề,
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
.Cứ đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân làng Lệ Mật đánh cá ở giếng đình để lấy “cá đóng dấu đem dâng thánh ăn gỏi. Ðó là những con cá chép có dấu son đỏ trên vẩy. Dân làng bảo đó chính là Hồ Tây cá nhẩy đi về trong mây” (Ðặng Văn Lung, Nguyễn Thị Huế, Trần Gia Linh, Văn Hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương, NXB Hội Nhà Văn, 1998 tr.61).
Hồ Tây là hồ Thầy, hồ Mặt trời lặn, hồ Lạc Long Quân. Cá nhẩy đi về trong mây tức là cá hóa long chính là cá chép, cá biểu của Lạc Long Quân. Câu cá chép hóa rồng, cá vượt Vũ Môn cũng chỉ về sự học hành đỗ đạt, làm nên danh phận. Ngày xưa chỉ phái nam mới học hành thi cử làm nên công danh vì thế cá chép vượt Vũ môn đã được người Nhật đem vào ngày lễ Con Trai vào tháng 5. Tại sao lại chọn tháng 5. Xin thưa số 5 theo Dịch là Li, lửa, mặt trời, dương. Trong ngày lễ Con Trai, nhà nhà người Nhật đều treo phướn cá Koi, một loại cá chép màu rất đẹp với niềm mơ ước là con trai mình sau này như cá chép hóa long. Cũng chính vì cá chép dùng làm phương tiện về trời của thần bếp lửa vào tháng cuối tháng chạp mà chúng ta gọi nó là cá “chép”. “Chép” biến âm với “chạp”. Cá chép là cá tháng chạp. Chép và chạp đều có nghĩa là “hai”. Thật vậy với h câm, ta có chạp = cạp, cặp. Tháng chạp là tháng cặp, tháng hai. Theo biến âm ch=k như chênh=kênh, ta có chép=kép, có nghĩa hai: “rộng làm kép, hẹp làm đơn”. Người Việt chúng ta gọi là tháng 11 ta là tháng một và tháng 12 ta là tháng chạp, tháng cặp, tháng hai và tháng một ta gọi là tháng giêng:
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà
TẠI SAO ÔNG TÁO DÙNG CÁ CHÉP VỀ TRỜI?

Về  nghĩa rõ ràng cá chép là cá kép, cá cặp, cá chạp. Cá chép là cá của tháng chạp. Do đó cá chép được dùng làm phương tiện về trời của ông Táo vào ngày hai mươi ba tháng chạp ta. Còn một ý nghĩa nửa kèm theo, là cá chép có râu mang nam tính, dương, lửa, môi mép, vẩy vi viền đỏ là con cá lửa. Cá chép còn gọi là cá gáy. Nếu hiểu gáy là tiếng hót thì gáy là biểu tượng cho đực, hùng tính. Con chim, con gà chỉ con đực mới gáy. Gáy biến âm với gay là đỏ. Ðỏ gay. Ðỏ là hình tượng mặt trời, lửa. Hán ngữ cá chép là lý ngư. Lý biến âm với ly là lửa. Lý ngư là cá lửa. Như thế cá chép liên hệ tới lửa điều này giải thích tại sao ông Táo Thần Bếp lửa cỡi cá chép về trời.
       


LUẬN CÁ CHÉP THEO HÌNH TƯỢNG và KINH DỊCH 

Cá Chép có đuôi rộng, vây tròn, lớp vảy luôn lóe sáng ánh kim như vảy rồng. Cơ thể rất vững chắc và mạnh mẽ, nhưng khi di chuyển thì lại uốn lượn mềm mại chẳng khác nào đang vẽ những mảng mây xoay chuyển rồi theo gió bay đi, khiến người ngắm nhìn luôn có cảm giác rất phiêu linh thần thánh. Lý Ngư là hiện thân của Rồng - Sinh vật có thể làm mưa tạo gió, ngoạm nước phun mây. Là biểu tượng của sức manh, ý chí kiên cường dũng mãnh, bao gồm cả thông thái, phồn vinh và quyền lực.

Theo một số cách suy luận hình tượng thì Cá chép không bơi theo hình chữ S, không phóng theo đường thẳng mà thường "lượn" chậm rãi bằng cách uốn cong đuôi từ 45 đến 90 độ. Chính những thao tác "lượn trong nước" này tạo cho thân hình cá như số 8. Con số nảy biểu trưng cho 8 yếu tố không thể thiếu trong thiên nhiên vũ trụ đó là : CÀN (Trời) - KHÔN (Đất) - CHẤN (Sấm) - TỐN (Gió) - KHẢM (Nước) - LY (Lửa) - CẤN (Núi) - ĐOÀI (Đồng cỏ). Hội đủ 8 yếu tố trên thì cũng có nghĩa là đạt tới ngưỡng của chữ "Đắc" tức là "mong gì được nấy".
Luận bàn theo kinh dịch thì Cá chép thuộc hành THỦY, Táo quân thuộc hành HỎA. hình ảnh Táo quân thăng thiên cùng Lý Ngư thuộc quẻ THỦY HỎA VI TẾ. Đây là quẻ cuối cùng trong Kinh Dịch Toàn Thư. Đêm rồi tới ngày, bĩ cực sẽ thái lai. Kết thúc cũng đồng nghĩa với khởi đầu, mà khởi đầu luôn là những niềm vui bất ngờ với tâm trạng hỉ hoan khôn tả. Đó chính là tinh thần của quẻ THỦY HỎA VI TẾ.

Ý NGHĨA CỦA CÁ TRONG CHÉP PHONG THỦY
(Lý ngư nhả ngọc – Cửu cửu như ý)                      

Lý ngư nhả ngọc

Trong phong thuỷ, cá chép cũng được xem là linh vật phong thủy có khả năng chiêu tài khí, tạo may mắn về tài lộc trong kinh doanh cho gia chủ.
Cá chữ Hán là “ngư” – âm đọc là ” Yu” đồng âm với “dư” (dư dả). Do vậy, cá biểu trưng cho sự dư dả.
Ý nghĩa của hình tượng Cá chép phong thủy "Lý ngư nhả ngọc" – Cửu cửu như ý gồm 9 con cá chép, trong đó 1 con ngậm viên ngọc đỏ. 9 con cá, lợi dụng sự đồng âm giữa “cửu” là chín và “cửu” là lâu dài để cầu chúc sự ấm no dư dả trường tồn.
Cá chép nhả ngọc mang lại vượng khí của sao Bát bạch thuộc Thổ, trong vận 8 là một vật phẩm phong thủy vô cùng may mắn có thể tăng cường cát khí, Dương khí, trấn áp hung khí.
Trong truyền thuyết thường câu chuyện cá chép vượt vũ môn hoá rồng, vì thế cá chép được coi như rồng nên cá chép còn là biểu tượng của sự tăng tiến công danh và nổi tiếng.
Trong làm ăn buôn bán thì cá chép đại diện cho Thuỷ Khí tức là nguồn tài lộc dồi dào. Cá chép là một trong những vật phẩm vô cùng tốt cho cả hai phương diện công danh và tài lộc
Người đời cho rằng Cá Chép đem đến vận may, hoá giải sát khí, bệnh tật và tai hoạ. Cá Chép nếu để trong nhà sẽ mang lại sự may mắn, thịnh vượng, còn để ở bàn làm việc sẽ mang lại thành công sự nghiệp, thăng quan tiến chức và để ở bàn học sẽ mang lại may mắn trong học hành thi cử.

Ý NGHĨA CỦA TRANH " Lý Ngư Vọng Nguyệt"
                                    

Lý ngư vọng nguyệt ảnh

Cá chép là loài cá nước ngọt phổ biến, theo truyền thuyết nó được lựa chọn cho biểu tượng ý thức vươn lên trong cuộc sống. Trong tâm linh dân gian, ta còn gặp hình tượng cá chép là vật linh giúp con người giao hòa với đất trời, đó là hình ảnh táo quan cưỡi cá chép về trời ngày 23 tháng Chạp. Cá chép trong văn học còn được nhắc đến như "cá chép hóa rồng" hay cá chép "vượt vũ môn" thể hiện ý chí vươn lên thỏa chí tiến thủ. Hình tượng cá chép trong tranh kết hợp với một hình tượng quy ước tạo nên tính minh triết cho bức tranh. Đó chính là mặt trăng và bóng trăng soi đáy nước. Trên thực tế không có bóng trăng soi đáy nước mà chỉ có bóng trăng soi mặt nước. Bóng trăng soi đáy nước trong tranh Lý ngư vọng nguyệt là một hình tượng quy ước. Hình tượng bóng trăng soi đáy nước là biểu tượng cho ảnh ảo của một giá trị đích thực được biểu tượng bằng với mặt trăng trên không gian (phép đối xứng gương).

Hình tròn của mặt trăng là biểu tượng của sự hoàn thiện, viên mãn của con người. Lời chú "Lý ngư vọng nguyệt" là sự minh chứng cho tính minh triết sâu sắc cho bức tranh này, qua biểu tượng tuyệt vời của nó. Bên cạnh đó có nhiều nhận xét khác nhau cho bức tranh này, nếu bức tranh được đặt là "Lý ngư vọng nguyệt ảnh " (cá chép trông bóng trăng) thì nó sẽ gần với hiện thực hơn nhưng tính minh triết không còn nữa.

Mặt trời là cha, mặt trăng là mẹ  hai vật thể mang ánh sáng cho muôn loài trong vũ trụ bao là, gần gũi với tất cả sinh linh trong thế giới hiện hữu. Ánh trăng là mẹ, cá chép là con, trông ngóng vào mẹ, gần gũi yêu thương, hòa quyện che chở cho nhau, nhân bản và có giá trị trường tồn...Tranh cá chép trông trăng đã đạt đến độ cao về mỹ thuật, sâu sắc thâm thúy về ý nghĩa, đầm ấm gần gũi với mọi người về bố cục nội dung.

KẾT LUẬN:
Cá chép là loại cá có nhiều truyền thuyết nhất trong văn học, được tôn vinh là một trong những con vật linh thiêng, may mắn ở nước ta và cá chép cũng là một thức ăn bổ dưỡng rất cần thiết cho người phụ nữ đang mang thai, một dược liệu thiên nhiên trời ban. 

Nếu ta biết chế biến đúng cách, thì cá Chép sẽ là những món ăn rất ngon miệng trong buổi ăn của gia đình từ người giàu cho đến người nghèo. Cá chép cũng có thể làm được những món ăn từ thấp lên cao cấp theo từng hoàn cảnh và tài khéo léo của các đầu bếp từ Á sang Âu.Ở VN, cá chép là một trong những món ăn của miền bắc, trung và nam... , trong làng ẩm thực nước ta, nhìn chung cách chế biến các món ăn về cá chép ngày nay rất đa dạng và phong phú hơn xưa rất nhiều. 

Rất mong qua bài viết nầy tác gỉa bài viết có thể giúp ich cho các người phụ nữ trong thời kỳ mang thai, giúp các bạn say mê ẩm thực có dịp tìm hiểu thêm vè ẩm thực nước ngoài.....các bạn chơi tranh và tượng cá chép trong phong thuỷ tìm hiểu về ý nghĩa...

Lê Kim Anh
6.9.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét