Powered By Blogger

  NÉT VĂN HÓA TRẦU CAU ĐANG DẦN BỊ MAI MỘT

Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Trước tiên, miếng trầu thắm têm vôi nồng, vỏ chay, cùng cau bổ tám bổ tư luôn là sự bắt đầu, khơi mở tình cảm, bởi thế có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu đã làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên gần gũi cởi mở với nhau hơn.

Gặp đây ăn một miếng trầu
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.
Trầu này em chỉ có công
Từ vua đến chúa còn dùng nữa ta
Ngoài xanh trong trắng như ngà
Vua quan cũng trọng Phật bà cũng yêu
Ăn trầu có ít có nhiều
Rồi ra ta sẽ có chiều thở than.
Bõ công vượt bể băng ngàn
Bõ công bõ sức tay mang khẩu trầu

Thơ dân gian ( khuyết danh)
Với các nam nữ thanh niên xưa thì trầu cau còn là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng hội nước. Mượn câu hát mời trầu để bày tỏ lòng mình. Bên cạnh “vôi nồng”, “miếng trầu cánh phượng”, “cau bổ bốn bổ ba” là những “trầu giải yếm giải khăn”, “trầu nhân trầu ngãi” để rồi “trầu mình lấy ta”.trầu cau là thứ sính lễ không thể thiếu trong mỗi đám hỏi ở Việt Nam “trầu vàng nhá lẫn cau xanh, Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.
Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu
Biết rằng thuốc dấu bùa yêu
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
Làm cho quên mẹ, quên cha
Làm cho quên cửa, quên nhà
Làm cho quên cả đường ra, lối vào
Làm cho quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời

Trầu cau tượng trưng cho tình yêu chung thủy, nồng thắm và hạnh phúc bền chặt của lứa đôi. Sản vật dân dã này vì thế cũng đã đi nhiều vào trong ca dao dân ca của dân tộc.

Vào vườn hái quả cau xanh Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu Trầu nầy têm những vôi tàu Ở giữa đệm quế, đôi đầu thơm cay Mời anh xơi miếng trầu này Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù mồng Dù chẳng nên đạo vợ chồng Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương. Ra về nhớ bạn bạn ơi Nhớ điếu hút thuốc, nhớ cơi ăn trầu. Anh về cuốc đất trồng cau Cho em trồng ké dây trầu một bên Mai sau trăm họ lớn lên Cau kia ra trái làm nên cửa nhà. Thoạt tiên giải chiếu ra ngồi Trầu cau ăn đoạn hỏi người thủy chung. Vào vườn hái quả cau non Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên. Gặp đây em xơi miếng trầu Gọi là tỏ giải mấy câu tư tình. Xin em đừng có cậy mình Một mai quá lứa xuân xanh hết thì.
Không những xuất hiện trong cưới hỏi, trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, xuân đến, tết về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu: “kiếm một cơi trầu sang biếu cụ, xin đôi câu đối để mừng ông”. Hơn thế trầu cau còn là đồ cúng giỗ, dân gian có câu “sửa cơi trầư đĩa hoa dâng cụ” để tưởng nhớ tổ tiên, ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của các bậc tiền nhân. Như thế đủ để biết trầu cau gắn liền với đời sống người dân như thế nào.
Quả cau nho nhỏ,
Cái vỏ vân vân.
Nay anh học gần,
Mai anh học xa
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.
(Ca dao)

Cho đến ngày nay, trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân và cưới hỏi của người Việt. Bình vôi ăn trầu từng là một vật không thể thiếu trong việc giao tế cũng như lễ nghi gắn liền với tục ăn trầu.
Chúng ta đều biết, xưa kia trầu cau là hai loại cây được trồng khắp nơi trên quê hương đất nước để lấy lá, lấy trái dùng hằng ngày. Từ vua quan cho chí thứ dân, từ đàn ông cho chí đàn bà, ai ai cũng thích nhai trầu; nhiều người còn nghiện là đằng khác, nhất là các bà già bình dân, nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, do đó mới có khẩu ngữ "bà già trầu".


Tục ăn trầu còn gắn với phong tục nhuộm răng đen để có những má hồng răng đen tiêu biểu của cái đẹp con gái thuở nào - người thôn nữ má hồng răng đen, một thời đã trở thành hình ảnh làm si mê biết bao chàng trai:
"Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen."
Cây cau chẳng những được dân gian quí hóa bảo nhau trồng ở sân trước nhà - chuối sau cau trước - mà ngay ở Hoàng thành, vào đời Minh Mạng (1820 - 1840), cây cau còn được chọn khắc trên đỉnh đồng, có tên Anh Ðỉnh, đỉnh thứ tư trong cửu đỉnh, được đặt trước sân Thế Miếu. Cửu đỉnh (9 đỉnh) được vua cho đúc vào năm Minh Mạng mười sáu (Ất Mùi, 1835), được đặt một hàng ngang ở trước Hiển Lâm Các, ứng với án thờ của các vua Nhà Nguyễn trong Thế Miếu. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn, lần lượt là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.
Với chúng ta, hình ảnh những hàng cau thẳng tắp, cao vút (nhiều khi cao hơn 10 mét), có lá mọc thành chùm ở ngọn cây, thân lá xẻ hình lông chim, lung linh trong nắng sớm, đong đưa trước gió chiều hay in hình trên nền trời xanh thẳm vào những đêm trăng sáng; cùng hình ảnh những giàn trầu không xanh rờn với những chiếc lá to bằng bàn tay, có hình trái tim duyên dáng nơi góc vườn của nội, của ngoại... đều là những hình ảnh thân quen đã in sâu vào ký ức của nhiều người. Ngày nay chúng đã trở thành những hình ảnh biểu tượng cho quê hương trong nỗi nhớ, niềm thương của bầy con xa xứ.
Hoa cau thì mọc thành một chùm lớn, phân nhánh, có mo bọc ngoài. Khi hoa kết trái thì buồng cau nở lớn, mo cau khô, rụng xuống. Câu ca dao sau đây đã mô tả hình ảnh và giới thiệu thời gian cau đơm hoa kết trái một cách thật lý thú:
Ðầu rồng đuôi phượng te te
Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con.
Riêng loại cau liên phòng, còn gọi là cau tứ quí thì ra trái cả bốn mùa. Khi được mùa, mỗi buồng cau có đến trên trăm trái, hình bầu bầu và lớn bằng quả trứng gà.
Trầu cau không chỉ được trồng để nhà dùng mà nhiều khi còn là nguồn sống của gia đình và lập nên cửa nên nhà:
- Anh về cuốc đất trồng cau,
Cho em vun ké dây trầu một bên.
Chừng nào trầu nọ bén lên,
Cau kia sai trái lập nên cửa nhà.
Chả thế, gia đình nào có cả vườn trồng cau sinh lợi đều được kể là một trong những nhà giầu có nơi thôn dã:
- Nhà ngói, cây mít
- Ruộng sâu, trâu nái
hay
- Vườn cau, ao cá.
Ở nước ta, từ Bắc chí Nam đều có nhiều vùng nổi tiếng trồng trầu cau và sản xuất được nhiều trầu cau ngon, gửi bán đi các nơi hoặc để xuất cảng.http://www.youtube.com/watch?v=1yO39pd5O_Y
Trước đây (1930) diện tích trồng cau ở ngoài Bắc ước chừng 2.500 hectare, chủ yếu là các vùng Hải Dương, Kiến An, Quảng Ninh, Nam Ðịnh và Thái Bình. Ca dao cũng có câu:
- Ðồn rằng kẻ Trọng lắm cau,
Kẻ Cát lắm luá, kẻ Mau lắm tiền.
Ở miền Trung, diện tích trồng cau khoảng 1.400 hectare. Ịặc biệt trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ đã được ca dao vùng Huế Ợ Thừa Thiên ca tụng hết lời:
- Trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ
Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon.
Hạt thơm mà xác lại giòn,
Được tiếng khen là phải, dậy tiếng đồn không sai.
Chợ Dinh và Nam Phổ là hai đại xã nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Hương, thuộc ngoại biên thành phố Huế.
Trong Nam, cau được trồng nhiều ở Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, nhưng có tiếng hơn cả là trầu cau Bà Ðiểm - Hóc Môn. Bà Ðiểm - Hóc Môn, một miệt vườn ngoại thành Sài Gòn , có biệt danh là Mười Tám Thôn Vườn Trầu, chả vì cả mười tám thôn làng nơi đây dân chúng đều trồng trầu làm nghề chính. Trầu trồng từ vườn nhà này tiếp nối vườn nhà kia, tạo thành một vùng trầu xanh tươi bát ngát. Hiện nay, một phần do chiến tranh tàn phá, một phần do giới trẻ bỏ hẳn tục ăn trầu nên diện tích trồng trọt tất đã giảm nhiều.
TRẦU CAU TRONG TỤC CƯỚI HỎI
Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng - vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối.

Trầu têm cánh phượng cau vừa chạm xong
Miếng trầu có bốn chữ tòng
Xin chàng cầm lấy vào trong thăm nhà.
Nào là chào mẹ chào cha
Cậu, cô, chú, bác mời ra xơi trầu.
Miếng trầu nồng thắm luôn có mặt trong hôn lễ là sự khơi gợi, nhắc nhở mọi người hướng về một tình yêu son sắt, một cuộc sống vợ chồng gắn bó, thủy chung và luôn lấy nghĩa tình làm trọng:
Trầu này trầu quế, trầu hồi
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
Trầu này trầu tính, trầu tình
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta
Trầu này têm tối hôm qua
Trầu cha, trầu mẹ đem ra cho chàng
Thông thường quả lễ gồm buồng cau và trầu đầy ắp, có thể từ vài chục đến vài trăm quả, nhưng phải là số chẵn, vì quan niệm có đôi có cặp. Cách tính số lượng cau trầu: 1 quả cau = 2 lá trầu. Quả lễ có thể là 100 cau, 80 cau. Ngoài ra, hiện nay mọi người đang chuộng buồng cau 105 quả theo cách nói “trăm năm hạnh phúc” hoặc chọn buồng cau 60 quả theo cách ví von “60 năm cuộc đời”.

SỰ TÍCH TRẦU CAU
Sự tích trầu cau là một tác phẩm trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có từ khoảng năm 2000 trước công nguyên thời vua Hùng và được ghi lại trong sử thi “Lĩnh Nam Trích Quái” . Câu chuyện này nhân cách hóa nguồn gốc của cây cau, cây trầu không và tảng đá vôi là những thứ được sử dụng để ăn trầu cũng như giải thích tục lệ sử dụng trầu cau trong các đám cưới.
Ngôi đền thờ ba người hiện nay là đền Tam Khương ở làng Nam Hoa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) mà các triều đại phong kiến vẫn có sắc phong tặng.
Sự tích thuộc dạng văn học truyền miệng và có nhiều dị bản. Nội dung cơ bản có thể tóm tắt như sau: Câu chuyện kể là vào đời vua Hùng Vương thứ tư có hai anh em Tân và Lang rất thương yêu nhau. Tân sau khi có vợ thì không còn chăm sóc đến em như trước nữa. Lang lấy làm buồn rầu và bỏ nhà ra đi. Tới bên bờ suối thì Lang mệt quá, gục xuống chết và hóa thành tảng đá vôi. Tân, không thấy em về, vì thương em nên quyết đi tìm. Đi đến bờ suối thì Tân mệt lả và chết, biến thành cây cau bên tảng đá vôi. Vợ Tân không thấy chồng cũng bỏ đi tìm. Nàng tìm đến bờ suối, ngồi dựa vào thân cau mà chết, biến thành dây trầu không. Trầu, cau và vôi khi quyện lại với nhau tạo ra sắc đỏ như máu nên sau có vua Hùng Vương đi tuần qua đó, nghe thấy câu chuyện trên mà dạy cho dân Việt hãy dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh em, vợ chồng.
Trầu cau không chỉ đóng vai trò lễ vật trong các nghi lễ truyền thống mà còn trở thành hình ảnh đặc trưng cho văn hóa Việt, xuất hiện thường xuyên trong văn học dân gian, ca dao, dân ca, lễ hội... Tại đất Bắc, ở Hải Phòng có thôn cau Cao Nhân (xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên), mỗi khi vào mùa, cau xếp thành từng buồng lớp trên, lớp dưới, rộn ràng theo từng đoàn xe nối đuôi nhau tỏa đi khắp nơi. Về xứ Đoài, làng Phú Lễ (xã Lâm Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội), từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ đi làm đồng đến ngồi quán sân đình cũng đều có đĩa trầu, bình vôi. Trong hội Lim, Bắc Ninh vào mỗi dịp xuân sang, người con gái Kinh Bắc đầu chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân trong dải yếm đào, mở khăn đựng trầu, đặt lên lòng bàn tay chàng trai một miếng trầu têm cánh phượng thật đằm thắm...
Vào miền Nam, 18 thôn vườn trầu, tại Bà Điểm-Hóc Môn đã hình thành từ đầu thế kỷ XVII, gắn liền với thời khẩn hoang lập ấp cách đây trên 300 năm, trở thành nơi chuyên canh, cung cấp trầu cau cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh.

CÂY CAU

Cau tên khoa học: Areca catechu, còn gọi là tân lang hay binh lang, họ Cau (Arecaceae), Bộ Cau Arecales. Nó là loại cây thân gỗ trung bình, cao tới 20 m, với đường kính thân cây có thể tới 20-30 cm. Các lá dài 1,5-2 m, hình lông chim với nhiều lá chét mọc dày dặc.
Areca catechu được trồng vì giá trị kinh tế đáng kể của nó có từ việc thu hoạch quả. Quả cau chứa các ancaloit như arecain và arecolin, khi được nhai thì gây say và có thể hơi gây nghiện.


HOA CAU

Nhỏ nhoi, vàng mịn: Hoa Cau
Toả hương bao phủ giàn trầu tươi xanh.
Trầu - Cau nặng nghĩa, nặng tình
Vôi nồng quyện thắm tình anh với nàng.

CỐI TRẦU

Chiếc cối thon nhỏ bằng chiếc chén rót trà nhưng sâu hơn. Nó dài khoảng hơn chục cen ti mét, miệng hơi loe, dưới chân cối có đục một lỗ nhỏ gắn sợi xích cũng bằng dây đồng móc nhỏ, đầu kia hàn cố định với chiếc xiên sắt có đầu sắc, bẹt dùng để nghiền trầu, xé cau cho nhỏ, trước khi bỏ vào miệng ăn. Ngày nào bà cũng ăn vài ba miếng trầu nên chiếc cối giã được sử dụng thường xuyên, và vì thế cả lòng cối cũng như chiếc xiên dùi trầu đều sáng loáng bóng bẩy. Chiếc cối ấy được bà bỏ vào chiếc hộp nhỏ đan bằng mây có nắp đậy, bên trong có kèm thêm nhiều thứ dụng cụ, nguyên vật liệu dùng ăn trầu như: ống vôi nhỏ, ống nhổ, hộp thuốc lào thái sợi, trầu không, cau, vỏ… 



Những phong tục tập quán, những câu ca dao dân ca rất duyên dáng và nhân văn về trầu cau vẫn còn đó, nhắc nhở ta về những nét văn hóa bình dân chân quê, về tình yêu đôi lứa trong sáng, thắm thiết, mặn nồng.  Tuy nhiên, nếu kho tàng văn hóa trầu cau không được bảo tồn thì sẽ dần bị mai một, vì người dùng trầu cau và nếp sống văn minh của người Việt sẽ lấp cạn truyền thống nhân văn này của Việt tộc chúng ta.


Nếu, đọc lại những bài ca dao về trầu cau, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn những vẻ đẹp của truyền thống rất nhân văn của tổ tiên, những vẻ đẹp trong đời sống tình cảm của ông cha ta đáng được trân trọng và lưu truyền cho các thế hệ mai hậu..về một phần của kho tàng văn hóa truyền khẩu dân gian của Việt tộc.

BÀI LIÊN KẾT
2.Truyện Trầu Cau
3.Vườn trầu Cần Thơ, do truyền hình CHXHCNVN sản xuất:
4.Trầu cau trong lễ nghĩa của người dân đất Việt
6.Phong tục lễ cưới người Nam Bộ thời xưa.
7.Trầu cau – lễ vật không thể thiếu trong cưới hỏi người Việt https://thienduong.vn/tu-van/dam-cuoi/trau-cau,-le-vat-khong-the-thieu-trong-cuoi-hoi-nguoi-viet--ct-121-22.html
9. Cửu Đỉnh nhà Nguyễn

Biên khảo, Hậu duệ VNCH Võ Thị Linh 19-12-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét