LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN THUỐC LÁ ĐIẾU Ở MIỀN NAM VN TRƯỚC 1975 VÀ CÁC CÂU THƠ VUI VỀ TÊN CỦA BAO THUỐC LÁ CAPSTAN & SALEM
Cách đây hơn một thế kỷ có một số loại thuốc lá được nhập cảng từ nước ngoài vào Sài Gòn để phục vụ nhiều giai cấp trong xã hội và những người lính...,lúc này nhu cầu sử dụng thuốc lá điếu ngày càng tăng, ngày 8-7-1929, một nhóm các nhà tư bản người Pháp qua Công ty Hàng hải và Vận tải Sài Gòn (Compagnie Saigonaise de Navigation et de Transport) thuộc Công ty Vận tải Đường sông Nam Kỳ (Compagnie des Messageries Fluviales de Cochinchine) đã chính thức thành lập Công ty vô danh với tổng số vốn 6 triệu Franc được chia làm 60.000 cổ phần để lập một nhà máy sản xuất thuốc lá điếu theo kỹ thuật Âu Tây, đây là nhà máy thuốc lá đầu tiên của Đông Dương mở rộng sự thu hút đầu tư của tư bản nước ngoài (BAT của Anh, Ford, Rockefelle của Mỹ), năm 1932, số vốn đã tăng gấp 3 lần (18 triệu Franc).
Lúc mới thành lập, nhà máy có công suất 100.000 bao/ngày, đến năm 1932 đã tăng 4 triệu bao/tháng; 1939: 44.800.000 bao/năm. Lãi năm 1938: 1.134.000 franc 1941: 4.729.000 franc, công ty này sau đổi tên là hãng thuốc lá MIC nằm trên đường Nguyễn Hoàng ở khu vức Chợ Lớn xưa, sản phẩm của hãng này nhắm vào giới trẻ, trung lưu, và gồm các mặt hàng như: COTAB, Mic EXTRA, RUBY, khoảng gần cuối thập niên 60 cho ra thêm các sản phẩm như CAPSTAN không đầu lọc, rồi PRESIDENT, CAPSTAN loại có đầu lọc gói bìa cứng. đến năm 1975 đã có hơn 100 triệu bao hàng năm mang đậm dấu ấn của hãng thuốc lá MIC. Cũng là nhà máy sản xuất thốc lá điếu đầu tiên của VN do người Pháp thành lập.
Ngoài hãng MIC ở miền Nam Việt Nam còn có hãng thuốc lá BASTOS, hãng thuốc JUAN BASTOS nằm trên đường Tôn Thất Thuyết, Quận Tư, sản phẩm của hãng này được giới thiệu ở miền Nam Việt Nam vào năm 1936, sản phẩm của Bastos nhắm vào giới bình dân giá rẻ cho đa số người thuộc giai tàng nghèo, là loại thuốc lá sợi đen, gồm có Melia vàng, Melia trắng loại hơi nhẹ, Bastos xanh và Bastos đỏ. Khoảng giữa thập niên 60 Melia vàng ngưng sản xuất, qua đầu thập niên 70 hãng Bastos làm thêm các mặt hàng có đầu lọc như Bastos DELUXE, Melia trắng có mùi vị bạc hà được đóng gói bằng bìa cứng, còn loại Melia xanh là loại thuốc đen đầu lọc được đóng gói bằng giấy thường. Hãng Bastos cũng cung cấp cho quân lực VNCH, cơ quan phân phối là Quân Tiếp Vụ, sản phẩm cung cấp là BASTOS trắng có dấu hiệu con CHUỒN CHUỒN.
Thuốc lá Quân tiếp vụ
Quân tiếp vụ là một bộ phận thuộc Tâm lý chiến VNCH. Đây là một cơ quan cung cấp hàng hóa nhu yếu phẩm như thuốc lá, bia, rượu, sữa, đường… cho binh sĩ VNCH và gia đình với giá thấp hơn giá thị trường.
Ngoài Bastos bao trắng được quân đội VNCH đặt hàng, hãng thuốc lá Juan Bastos (có nhà máy đặt ở Khánh Hội, Q 4) còn sản xuất J.Bastos bao đỏ và bao xanh bán ra thị trường.
Thời đó trong quân đội VNCH còn có các loại thuốc lá có tên là Ruby Queen màu xanh để phân biệt với nhãn hiệu cùng loại bán cho dân sự có mầu hồng. Thuốc lá Ruby Queen do hãng Mic sản xuất, sau năm 1975 gọi là nhà máy thuốc lá Sài Gòn nằm ở đường Nguyễn Hoàng ngay ngã tư với đường Pétrus Ký, nơi bến xe đi miền tây của thập niên 50-60 của (tk.20).
Những ai đã từng sống ở miền nam, trước năm 1975 và từng có hút thuốc lá điếu hiệu Capstan thì không một ai mà không biết đến những vần thơ vui từ mấy chữ cái của chữ Capstan, như dưới đây:
NHỮNG CÂU THƠ VỀ CÁI TÊN CỦA BAO THUỐC CAPSTAN
1-
Chiếc xe hoa từ từ lăn bánh
Anh gục đầu nức nở gọi tên em
Phải chi kiếp trước mình đừng quen biết
Sợi chỉ hồng se lộn mối tơ duyên
Tình anh đã trao cho em tất cả
Anh thẩn thờ trong bóng một người đi
Nghĩa ân tình sao nỡ phụ anh chi...!
2-
Chuyến về phép anh dừng chân nơi quán trọ.
Ánh mắt buồn em len lén nhìn anh.
Phố đêm về mùa đông tim buốt giá.
Sương lạnh rơi hồn cảm thấy cô đơn.
Trai thời loạn yêu chi rồi nuối tiếc.
Ái ân ơi xin thấu hiểu lòng ta
Nàng gái nhỏ ta yêu em có biết....!
3-
Cơn mộng mị thả hồn theo dĩ vãng.
Ai cảm thông cho nỗi kẻ đăng trình.
Phút suy tư chập chờn theo khói thuốc.
Suy tư rồi cay đắng lại vào tim.
Thời gian qua, tôi tưởng rằng lắng đọng.
Ân tình nào khỏa lấp nỗi lòng tôi.
Người yêu tôi, nay đành lòng phản bội...!
4-
Chiếc xe tang từ từ lăn chuyển bánh
Anh gục đầu đưa tiễn một người đi.
Phút chia ly ôi nuối tiếc những gì.
Sao trời nỡ ban chi đời oan nghiệt.
Thôi em nhé, em nghìn năm giấc ngủ.
Anh ra đi nối tiếp chuyện quân hành.
Ngày trở lại xin một lần viếng mộ....!
5-
Chiếc xe hoa chuyển bánh đâu còn.
Anh buồn dào dạt lòng thương nhớ,
Phải chịu âu sầu dạ héo hon...
Sáng dậy không quên hình yểu điệu,
Tối nằm tưởng tượng dáng lưng thon,
Anh dù có thác còn ghi nhớ.
Người bạn bẽ bàng đã có con...!
6-
Chiến tranh này biết bao giờ chấm dứt
Anh ra đi khi đất nước loạn ly
Phút chia Ly không nói lên lời
Sầu ly biệt khi người đi kẻ ở
Thôi em nhé tình ta đừng mong đợi
Anh trở về với hòm gỗ cài hoa
Ngày xuân năm ấy lấy chồng đi nhé...!
7-
Chiếc xe hoa đang từ từ chuyển bánh
Anh gục đầu nức nở gọi tên em
Pháo vu quy vụn vỡ trải bên thềm
Sầu ly biệt khi người đi kẻ ở
Thế là hết, tình ta đành dang dở
Anh trở về trong kiếp sống cô đơn
Ngày gặp lại, đừng dỗi hờn em hỡi..!
8-
•Còn ai phụng sự tình anh nữa.
•Cho ấm phiên sầu tự ấy nay.
•Chôn áng phù sa trong ánh mắt.
•Cho anh phĩ sức trả ân này.
•Chờ ai phố sá tràn ánh nắng.
•Chiếc áo phong sương tặng ấm nàng.
•Chiều ấy phà sang tình ái nặng.
•Cởi áo phong sương trả ấm nàng.
•Chữ ân phai sắc trần ai nợ.
•Chiếc áo phong sương trắc ẩn niềm.
•Chờ anh phĩ sức Trường an ngộ.
•Chốn ấy phùng sinh tự ấu niên.
•Chiều ấy phố sầu tình anh nặng.
Đọc ngược đọc xuôi
Nặng ân tình sao phụ anh chi.
Cho anh phát súng tim anh nát.
Nhưng anh tin số phận anh còn...!
Hai câu mà nhiều người biết nhất
Con anh phá sản tại anh ngu
Tiếng lóng Sài gòn:
“Ok Salem” Salem (Sao em làm anh mệt) là loại thuốc lá Mỹ rất thông dụng, ý nói đồng ý, được rồi.Ngoài các loại thuốc lá ngoại nhập như Pall Mall, Salem, Lucky Strike, Philip Morris, Camel, Winston, Marlboro… có rất nhiều nhãn hiệu thuốc được sản xuất tại Sài Gòn. E.Mélia “vàng” Mélia “vàng”, còn gọi là “Mélia Jaune”, là một trong những nhãn hiệu thuốc lâu đời nhất. Vào lúc mới tung ra sản phẩm, mỗi gói thuốc Mélia đều có một tấm hình chụp một cặp Tây Ðầm hôn nhau rất tình tứ, đó cũng là một cách câu khách bằng thị hiếu của người hút thuốc lá.
Chỉ có các ông Giáo sư và các thầy Thông, thầy Phán có tiền rủng rỉnh mới hút thứ thuốc “sang trọng” đó.
Nếu Mélia được coi là “sang trọng” thì Cotab được quảng cáo là “thuốc của giới ưu tú” (La cigarette de l’élite) còn Bastos “xanh” và Mic được coi là loại thuốc “đen”, nặng của giới lao động, thợ thuyền.
Tổng hợp từ Vũ Thái An, người lính VNCH, ngày 9 Oktober 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét