KỸ NIỆM NGÀY TANG YÊN BÁI (17.6.1930-17.6.2014)
Mười Ba Ngọn Ðuốc ghi trang sử
Một nước hùng anh rạng cõi Ðông
Dù đã thăng trầm qua mấy bận
Quyết không hàng giặc bỏ non sông
Bước đi dõng dạc, chân xiềng xích
Máy chém đầu rơi, phụt máu đào
Vừa lúc ánh dương bừng thức dậy
Hào quang lưu mãi đến ngàn sau.
Ðã non thế kỷ không ngưng nghỉ
Từng lớp... vì dân đổ máu đào
Tiếp tục đấu tranh vì chính nghĩa
Tinh thần YÊN BÁI dưới trời cao
NHỮNG NGƯỜI BẤT TỬ:
1- Nông Dân: BÙI TƯ TOÀN
2- Binh Ðoàn Yên Bái: BÙI VĂN CHUẪN
3- Binh Ðoàn Yên Bái: NGUYỄN AN
4- Thợ Hồ: HÀ VĂN LẠO
5- Binh Ðoàn Yên Bái: ÐÀO VĂN NHÍT
6- Binh Ðoàn Yên Bái NGÔ VĂN DU
7- Binh Ðoàn Yên Bái: NGUYỄN ÐỨC THỊNH
8- Binh đoàn Yên Bái: NGUYỄN VĂN TI ỀM
9- Binh đoàn Yên Bái: ÐỖ VĂN SỨ
10- Binh đoàn Yên Bái: BÙI VĂN CỬU
11- Học Sinh: NGUYỄN NHƯ LIÊN
12- Nhà Cách Mệnh: PHÓ ÐỨC CHÍNH
Người Thứ 13: NGUYỄN THÁI HỌC, được thực dân dẫn từ nhà giam ra lần thứ 13. Người anh hùng dân tộc ấy với bộ râu quai nón, mỉm cười, đưa cặp mắt sáng quắc nhìn bốn phía, nghiêng mình chào đồng bào lần cuối cùng; hô to “VIỆT NAM MUÔN...” thì Công sứ De Bottini vẫy tay lần thứ 13, đầu NGUYỄN THÁI HỌC rơi.
( Thi sĩ Vĩnh Nhất Tâm)
Ngày 10-2-1930, VNQDÐ tổ chức tổng khởi nghĩa, đồng loạt tấn công thực dân Pháp tại Yên Báy, Lâm Thao, Hưng Hóa, ném bom tại Hà Nội, ám sát lính Pháp trên Cầu Long Biên Hà Nội, đánh Ðáp Cầu, Phả Lại, tấn công đồn binh Pháp tại Kiến An, đánh Phụ Dực, Vĩnh Bảo, Thái Bình, xử tử tri huyện Vĩnh Bảo Hoàng Gia Mô là cháu tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải.
Cuộc khởi nghĩa của VNQQĐ vào ngày 10. 2.1930 không phải chỉ xảy ra ở Yên Bái, mà còn được phát khởi ở Sơn Tây, Phú Thọ, Hải Dương, LÂM THAO, HƯNG HÓA, Hà Nội, Đáp Cầu, Phả Lại, KIẾN AN, Phụ Dực, VĨNH BẢO, Thái Bình, KIẾN AN, Bắc Ninh, nhưng lớn nhất là ở YÊN BÁY.
http://www.youtube.com/watch?v=EUw4vBcYy1Y. Bản đồ phía dưới là ghi lại những nơi mà VNQDĐ đã nổi dậy:
Để ngăn chận làn sóng cách mạng quyết liệt này, Pháp đã thành lập một Hội đồng Đề hình để xử các nghĩa quân VNQDĐ một cách nặng nề nhằm khủng bố tinh thần dân Việt. Rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị chung thân khổ sai, và 29 người khác lần lượt bị hành hình. Cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trong dân gian có truyền tụng bài thơ, cho rằng đó là sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như sau:
Kìa cơn gió thổi lá rung cây
Rung Bắc sang Nam, đông tới tây
Tan Tác KIẾN kiều AN đất nước
Xác xơ CỔ thụ sạch AM mây
Sơn LÂM nổi sóng mù THAO cát
HƯNG địa tràn dâng HÓA nước đầy
Một gió một YÊN ai sùng BÁY
Cha con người VĨNH BẢO cho hay.
Bài thơ nầy ứng nghiệm về tên các nơi khởi nghĩa của VNQDĐ do đảng trưởng Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Tên các nơi khởi nghĩa ( viết hoa trong bài thơ) có ghi lại trong mấy câu thơ kể trên.
Sự việc không thành, ngày 20 tháng 2 năm 1930, đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị bắt tại Chí Linh, Hải Dương.
NGÀY 17-6-1930 LÀ NGÀY 13 NHÀ CÁCH MẠNG LÊN ÐOẠN ÐẦU ÐÀI:
Do thiếu phương tiện liên lạc và lực lượng cách mạng còn yếu so với quân đội của thực dân, Tổng Khởi Nghĩa thất bại. Ngày 20 tháng 2 năm 1930, Ðảng Trưởng Nguyễn Thái Học bị bắt tại làng Cổ Vịt. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học cùng 12 liệt sĩ lên đoạn đầu đài tại pháp trường Yên Báy. Nữ ÐC Nguyễn Thị Giang, người yêu của NTH tuẫn tiết theo Ðảng Trưởng một ngày sau đó. Trên 30 đảng viên bị thực dân xử chém sau đó, hàng ngàn đảng viên khác bị tù khổ sai và lưu đầy biệt xứ...Mười ba liệt sĩ lên máy chém thực dân 5 giờ 35, sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930 . Các anh hùng VNQDĐ trước khi máy chém rơi xuống đều hô to : "Việt Nam Vạn Tuế, Việt Nam Muôn Năm". Riêng ông Phó Ðức Chính còn đòi nằm ngửa để nhìn lưỡi máy chém rơi xuống đầu mình.
Nguyễn Thái Học người cuối cùng bước lên máy chém, ông mỉm cười nhìn công chúng và binh lính. Sắc mặt thản nhiên đọc thơ bằng tiếng Pháp nói lên lòng yêu nước, chết cho Tổ quốc đó là số phận đẹp đẽ nhất..
Mourir pour sa patrie
C’ est le sort le plus beau
Le plus digne d’ envie…
TIẾP NỐI TINH THẦN YÊN BÁY:
Xử chém được 13 chiến sĩ cách-mạng tại Yên-Báy, thực dân Pháp tưởng đã đàn áp được sự đối kháng và tinh thần yêu nước của toàn dân ta. Nhưng trái lại, tiếp nối truyền thống hào hùng của anh hùng dân tộc và noi gương hy sinh dũng cảm của các tiền nhân trong đó có 13 vị anh hùng Yên Báy, toàn dân ta tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, chống độc tài, chống phong kiến và hiện nay, chống lại ách cai trị của tập đoàn cộng sản Việt Nam mà Hồ Chí Minh là một đảng viên của Quốc Tế Cộng Sản Ðệ Tam đã thành lập.Việt Nam Quốc Dân Đảng đã xác định đảng cộng sản là kẻ thù của Việt tộc và là đảng bán nước, buôn dân làm tay sai cho Tàu cộng, do đó bằng mọi phương tiện sẳn có sẽ cùng với toàn dân giải thể tà quyền csVN để hoàn thành bản hợp đồng chính trị ký ngày 25.12.1927 với quốc dân VN về 3 mục tiêu chính yếu: Dân Tộc Độc Lập - Dân Quyền Tự Do - Dân Sinh Hạnh Phúc.
Dứt khoát không hoà hợp hoà giải với bọn Việt gian csVN, VNQDĐ lấy đoàn kết quốc dân làm chính lực cho cuộc cách mạng Dân Tộc Dân Chủ. VNQDĐ nguyện đứng trên đôi bàn chân của mình để làm cuộc cách mạng lịch sử cho Việt tộc.
TINH THẦN DÂN CHỦ XUẤT HIỆN RẤT SỚM TRONG VNQDĐ
VNQDĐ đã để lại trong quá khứ của lịch sử nhiều điều đáng để chúng ta đi sâu vào phân tích và nghiện cứu, nhất là vai trò lãnh tụ của nhà ái quốc Nguyễn Thái Học (NTH), sự nghiệp dang dở mà ông để lại tuy ngắn ngủi nhưng đã tạo lên dấu son trong lịch sử dân tộc. Cần nhìn nhận rằng khi ấy với trình độ dân trí còn thấp, lại sống trong một môi trường thực dân phong kiến, các tư tưởng tiến bộ bị bưng bít phong toả trong tăm tối. Nhưng vượt lên trên tất cả là chí khí yêu nước của một thanh niên mới 25 tuổi, lãnh tụ NTH đã có tư tưởng yêu nước rất sớm, từ một sinh viên trường cao đẳng thương mại do Pháp bảo hộ, ông đã cùng với các đồng chí của mình thành lập VNQDĐ, tổ chức chính trị có tư tưởng dân chủ sớm nhất và lãnh tụ trẻ nhất trong lịch sử. Tư tưởng cách mạng của ông cho đến ngày nay vẫn còn giá trị, nhất là cách thức tổ chức cũng như cơ cấu hệ thống tổ chức của VNQDĐ khi đó đã tỏ ra có nguyên tắc dân chủ.
Cờ Sao Trắng VNQDĐ
Những nhà sáng lập VNQDĐ do lãnh tụ NTH khởi xướng đã lập nên tổ chức chính trị VNQDĐ theo đúng qui trình tuần tự của một tổ chức cách mạng dân chủ. Từ việc tổ chức đại hội đảng gồm những đại biểu tham dự được lựa chọn từ cơ sở cho tới diễn biến và cách thức tổ chức đại hội, đã cho ta thấy ý thức tôn trọng nguyên tắc dân chủ của những nhà cách mạng VN khi đó đã được hình thành rất sớm.
Cương lĩnh và tôn chỉ cũng như nhiệm vụ đề ra sau đại hội đã cho ta thấy trình độ chính trị khi đó rất cao, phù hợp và đáp ứng với lòng mong mỏi của tầng lớp trung lưu, sĩ phu, trí thức, tiểu thương địa chủ thời ấy. Vì vậy, như một làn gió mới, nó được các tầng lớp trên đón nhận và phát triển một cách nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng ngàn người xin gia nhập tổ chức VNQDĐ. Một điểm đáng lưu ý nữa là việc lãnh tụ NTH đã biết liên minh liên kết với các tổ chức cách mạng khác, nhằm tạo lên sức mạnh tổng hợp, kết hợp hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc Việt Nam.
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại và bị dìm trong biển máu, những lãnh tụ của VNQDĐ bị hành quyết. Nhưng sự hy sinh của họ thể hiện chí khí cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc cao độ, không cam chịu khom lưng trước giặc ngoại xâm. Như đảng trưởng Nguyễn Thái Học đã nói:
HOA TỰ DO PHẢI NỞ BẰNG MÁU
Các anh hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, thân xác và máu họ đã thấm vào lòng đất mẹ, đễ tên tuổi đi vào lịch sử và trường tồn với thời gian. 84 năm đã qua, lòng người dân Việt luôn ghi nhớ đến công ơn của những đoá hoa máu của đầu thế thế kỷ 20 đã vị quốc vong thân vì chữ Độc lập, Tự Do và Hạnh Phúc.
Dòng lịch sử vẫn lạnh lùng trôi sau ngày Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí trở thành những anh hùng bỏ mình vì nước. Thực dân và tay sai thở phào vì Nguyễn Thái Học đã chết. Nhưng có thực là Nguyễn Thái Học đã chết? Trong một cách nhìn nào đó, cuộc đời của ông đã bị đứt đoạn lúc 28 tuổi tại pháp trường Yên Báy, nhưng từ các con sông, rặng núi, đến bờ đất, lũy tre của đất nước đâu đâu chẳng phảng phất hào khí Nguyễn Thái Học, ông đã nằm xuống nhưng lại sống mãnh liệt trong các thế hệ nối tiếp đã và đang ngẩng mặt hiên ngang đi trên con đường đấu tranh vì dân vì nước.
Một nén hương lòng tưởng nhớ những anh hùng đã chết để quê hương và dân tộc trường tồn.
Ngày nay tại Yên Báy vẩn còn di tích lăng mộ của các anh hùng dân tộc của VNQDĐ, xin tham khảo tại link nầy: https://www.youtube.com/watch?v=EUw4vBcYy1Y. Clip Video do truyền hình CHXHCNVN thực hiện.
VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG TRONG THI VĂN
Khóc Nguyễn Thái Học
Nhượng TốngNhục mấy trùng cao, ách mấy trùng,
Thương đời không lẽ đứng mà trông!
Quyết quăng nghiên bút xoay gươm súng,
Đâu chịu râu mày thẹn núi sông,
Người dẫu chết đi lòng vẫn sống,
Việc dù hỏng nữa, tội là công.
Nhớ anh nhớ lúc khi lâm biệt,
Cười khóc canh khuya chén rượu nồng.
Tưởng Niệm Nguyễn Thái Học
Nguyễn Phan AnYên Bái đầu rơi một sớm nào.
Lòng son ngời sáng với trăng sao…
Vì dân dựng Đảng, ôi! Xương trắng,
Vì nước ra công, hỡi! Máu đào!
Cách mệnh chưa thành! Sông núi khóc,
Tài mưu sớm thác! Gió mưa gào.
Hai mươi tám tuổi “thành nhân ấy”,
Trang sử ngàn thu đã bước vào.
Bất Di Thi
Lam GiangVĩnh Phúc phong trần hậu,
Hàn vân quyển biệt ly!
Thánh nhân tồn cổ huấn.
Chiến bại bảo tàn kỳ,
Thiên viễn tăng cô phẫn,
Tâm hùng thệ bất di,
Cầu an vô ẩn giả,
Quốc vận bởi trường bi,
Vĩnh Yên từ gió bụi mờ,
Biệt ly mây biệt bơ vơ ngàn trùng,
Thánh nhân lời dặn hào hùng,
Ngọn cờ chiến bại, kiên trung vẫn còn,
Trời xa xót nỗi cô đơn,
Lời thề vàng đá chưa sờn chí trai!
Cầu an đâu xứng anh tài,
Lẽ đâu vận nước còn dài thê lương!
Ðóa Hoa Máu
Vĩnh Nhất Tâm17.06.07
Dân Lạc Việt từ thời lập quốc
Trải qua bao chiến cuộc thăng trầm.
Vẫn sừng sững mấy ngàn năm,
Vang lừng một cõi cháu con Lạc Hồng....
Thực dân Pháp ngông cuồng tự đại
Ðâu khác chi vô lại một loài.
Sáu mươi năm, một chuổi dài,
Người người sau trước, quyết bài thực dân.
Vì bạo ngược vô luân quá độ
Ðày dân ta khốn khổ vô cùng.
Máu da nhuộm anh hùng
Ngọn cờ Ðộc Lập vững vàng trước sau.
Dân tộc Việt bể dâu hiểu thấu,
Ðã bao phen tranh đấu không ngừng.
Tiếp theo Thư Xã Nam Ðồng
Quyết vì đại nghĩa cho tròn chí nhân.
Nguyễn Thái Học trái tim quả cảm,
Gặp Va-ren trao bản điều trần:
Bao nhiêu nguyện vọng tối cần,
Mở mang dân trí, canh tân nước nhà.
Nhưng bọn chúng dần dà kiếm chuyện,
Dở thêm trò đê tiện hại dân.
Ðúng là một lũ thực dân,
Xiết dân thắt chặt, mọi phần khắc khe.
Vì dân tộc nhất tề lập chí,
Cùng anh em tính kỹ trước sau.
Cuối năm Hai Bảy (1927) bắt đầu,
Nam Ðồng Thư Xã quyết trao tấm lòng.
Lập nên Ðảng trong vòng bí mật,
Vì thực dân vốn thật manh tâm.
Phải cách mệnh, mới canh tân,
Chung lòng giành lại giang san của mình.
Nhân dịp lễ Giáng Sinh trần thế
Ðảng Quốc-Dân tuyên thệ ra đời.
Thế thiên hành đạo cứu người,
Diệt loài cường bạo, người người cùng đi.
Thực dân Pháp chỉ vì trục lợi,
Dân nguyện lòng không đội trời chung.
Quyết tâm một trận thư-hùng,
Dẹp quân xâm lược, đuổi phường thực dân.
Sau vụ giết Ba-gianh bại lộ,
Pháp bắt đầu truy tố lung tung.
Trùng trùng mặt thám vây lùng,
Bắt người vô tội hành hung đủ điều.
Ðảng tới lúc đối đầu trực diện,
Từ trung-ương cho đến hạ-tầng.
Lo cho kế hoạch chu toàn
Ðịnh ngày khởi nghĩa đuổi quân tham tàn
Mọi dự liệu sẵn sàng tử chiến,
Quyết hoàn thành tâm nguyện non sông.
Mang dân ra khỏi cùm gông,
Ngọn cờ Cách-Mệch sáng hồng lửa thiêng.
Ngày khởi nghĩa dậy miền đất Bắc,
Mười tháng Hai (10-02), cờ phất tung bay
Khắp trên tất cả kỳ đài,
Ðất rung, núi chuyển, trời lay, biển gào.
Máu cách-mệnh tô cờ Ðộc Lập,
Hoa Tự Do rộ khắp ba Miền.
“Không thành công cũng thành nhân!”
Di ngôn Thái Học đủ phần biểu dương.
Dân tộc Việt noi gương nối chí,
Tuốt gươm thiêng, hùng khí:không hàng;
Ngày Yên-Bái nhắc dân gian
Nghiêng mình ngưỡng mộ những trang anh-hùng.
Lên máy chém ung dung, tự tại
Ngươời từng nguười sắc thái oai-phong.
Mười Ba Thủ Cấp Anh-Hùng,
Máu hồng lai láng đã phun pháp trường.
Gương chính khí can trường, bất khuất
Ðầu từng người lần lượt rơi theo:
“Việt-Nam vạn tuế“ tung hô
Mười Ba Dũng Sĩ đi vào sử xanh.
Dù chí lớn chưa thành đại nghiệp!
Cứu muôn dân trên khắp ba Miền
Giang sơn ba dải nối liền
Thực dân đô hộ: xích xiềng, máu, xương.
Gương bất khuất con Hồng, cháu Lạc
Trang sử thiêng ghi tạc lòng son.
Gương xưa: bất khuất, trường tồn!
Thời nay không để nước non suy tàn!
Vị Anh Hùng Bất Tử
Vĩnh Nhất Tâm
Như thái dương ngời sáng dãy non hùng.
Người ra đi viết lên trang huyết sử,
Tỏ uy-linh giống cháu Lạc, con Hồng.
Một dân tộc mấy ngàn năm từng trải,
Một trời Nam bừng sáng dậy muôn trùng.
Dù cho phải chịu đầu rơi, máu chảy,
Tiếc chi thân khi dân tộc khốn cùng!
Tay bị trói, chân mang còng xiềng xích,
Ra pháp trường vẫn phong thái hiên ngang.
Dù cách-mệnh chưa hoàn thành chủ đích
Nhưng niềm tin, ý chí đã “thành nhân”
Yên Bái Còn Vang...
Vĩnh Nhất Tâm17.06.07
Yên Bái còn vang một góc trời
Lời Thề Non Nước vẫn luôn tươi
Viết lên trang sử: “Thành Nhân” ấy!
Thế hệ theo sau sẽ đáp lời.
Vọng Về Yên Bái!
Vĩnh Nhất Tâm13-06-2005
Mười Ba dòng máu phun lai láng
Yên Bái hào quang rạng giống dòng.
Vì nước! Ðầu rơi khua máy chém
Viết lên trang sử rất kiêu hùng.
Tinh thần Yên Bái muôn muôn thuở
Sử Việt ngàn sau vẫn vọng vang
Tiếp bước Mê Linh, cờ phục quốc
Ðuổi quân xâm lược, dậy trời Nam.
Bảy lăm năm vọng về Yên Bái
Thắp nén hương lòng ngưỡng mộ thay!
Những bậc anh-hùng lưu khí thế
Giống nòi sau trước chẳng riêng ai.
Ngày Tang Yên Bái
Đằng PhươngViệt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Trong bình minh sương lạnh phủ âm thầm.
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt.
Toan lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Gió căm hờn rền rỉ tiếng gào than.
Từ lưng trời, sương trắng rủ màn tang.
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Báy âu sầu và lặng lẽ,
Giữa mấy hàng gươm súng tỏa hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài Danh Dự:
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,
Vài cụ già đầu bạc lệ ràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: Ối con ơi!
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời,
Nhưng chỉ trong giây phút vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước.
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay! muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến.
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến.
Sau cái nhìn chào non nước bi ai,
Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng.
"Việt Nam muôn năm!" Một đầu rơi rụng,
"Việt Nam muôn năm!" Người kế tiến lên.
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc,
Sau Đức Chính, đây là phiên Thái Học,
Anh nghiêng mình trước xác những anh em,
Rồi mỉm cười, Anh ngảnh mặt nhìn xem
Những kẻ đến quan chiêm đoàn liệt sĩ
Để từ biệt những bạn đồng tâm chí.
Tiếng tung hô bỗng nổi, vang trời cao,
Nhưng liền theo Anh đã bị xô vào
Chiếc gươm máy giăng tay chào, lặng lẽ.
Đao xuống, đầu rơi, máu đào tung tóe.
Người anh hùng nước Việt thôi còn đâu!
Lũ thực dân giám sát đứng nhìn nhau
Như trút sạch hết những điều lo ngại
Và xoa tay chúng thở dài khoan khoái,
Trong rừng người ứa lệ, Nguyễn Thị Giang
Nén nỗi đau như cắt xé can tràng
Đứng ngơ ngác lặng người bên Hữu Cảnh.
Trong nắng sớm, gió căm hờn quát mạnh
Như thề cùng những tử sĩ anh linh
Vang dội cùng trên đất Việt điêu linh
Những tiếng thét uy hùng vì giống Việt.
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Như tan trong gió mạnh khóc vang rầm
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Cố lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Thân anh hùng đã nát dưới ngàn cây
Nhưng tiếng hô còn phảng phất đâu đây,
Mười lăm năm sau ngày sầu Yên Bái,
Toàn thể giống Tiên Rồng cùng đứng dậy,
Cố đuổi loài tham bạo khỏi non sông,
Hơn hai năm đất Việt máu pha hồng
Mà chiến sĩ vẫn một lòng cương quyết
Thề tranh đấu đến khi nào nước Việt
Được hoàn toàn độc lập mới ngừng tay.
Thế là dòng máu vọt dưới trời mây
Một buổi sáng mười lăm năm về trước
Đã vẽ được cảnh anh hùng nguyện ước.
Đưa non sông ra khỏi chốn u trầm
Cả toàn dân nước Việt đến muôn năm
Vẫn ghi tạc trong tâm ngày hôm ấy,
Ngày hôm ấy, ôi! ngày tang Yên Bái!
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Xé nát màn sương lạnh phủ âm thầm,
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Đã lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Đằng Phương ( GS.Nguyễn ngọc Huy)
(Kính tặng hương hồn những liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái)
Phó Đức Nam sưu tầm - trích "Ngày tang Yên Bái" - một bài thơ được in trong sách giáo khoa tiểu học được một người của giòng họ Phó chép lại khi đang học tại trường tiểu học Thanh Quan, năm học 1948-1949.
Văn Tế Các Tiên Liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng
Phan Bội Châu trước tácSinh viên Huế truy điệu
Gươm ba thước chọc trời kinh, chớp cháy, này Lâm Thao này Yên Bái, này Vĩnh Bảo, khí phục thù hơi thở một tầng mây!
Súng liên thanh vang đất thụt, non reo, nào chủ đồn, nào xếp cẩm, nào quan binh, ma hút máu người bay theo ngọn gió.
Trách nông nỗi trời còn xoay tít, trước cờ binh sao quay gió cản ngăn.
Tiếc sự cơ ai quá lờ mờ, dưới trướng giặc bấy nhiêu tay len lỏi.
Ma cường quyền đắc thế sinh hùng uy,
Thần công lý bó tay nghe tử tội,
Ôi thôi! Mù thảm mây sầu,
Gió cuồng mưa vội,
Cửa quỷ thênh thang!
Đường trời vòi vọi!
Nhân dân chí sĩ, sát thân vào luật dã man,
Nữ kiệt anh hùng, thất thế đang hồi đen rủi,
Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sư vị tiệp, vai bể, non gánh nặng hãy trìu trìu.
Đoạn đầu đài sau sau trước trước bước thung dung, gớm gan thị tử như quy, mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói.
Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuộn cuộn, bóng rồng thiêng đành ông HỌC xa xôi;
Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi nàng Triệu, ngựa nàng Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình hạc gió hãy cô GIANG theo đuổi.
Tiếc nước còn đau,
Nghĩ mình càng tủi!
Nghĩa lớn khôn quên!
Đường xa dậm mỏi.
Dây nô lệ quyết rày mai cắt đứt, anh linh thời ủng hộ, mở rộng đường công nhảy, bằng bay.
Bể lao lung đua thế giới vẫy vùng, nhân đạo muốn hoàn toàn, phải ráng sức rồng giành, cọp chọi.
Đông đủ người năm bộ lớn, đốt hương nồng, pha máu nóng, hồn thiên thu như sống như còn;
Ước ao trong bấy nhiêu niên, rung chuông bạc, múa cờ hồng, tiếng vạn tuế càng hô càng trỗi,
Tình khôn xiết nói,
Hồn xin chứng cho,
Thượng hưởng!
Lễ Truy Điệu Các Chiến Sĩ Yên Bái Năm 1931
Kiều Bào Ở Xiêm (Thái Lan)Than rằng:
Vừng Quế Hải gió tanh mưa máu, áng ba đào vì tình thế xui nên.
Cõi Viêm Bang núi thịt cùng xương, nỗi bi thảm xưa nay chưa thấy có!
Ngoài ngàn dậm trông về cố quốc,
Non sầu bể thảm, quặn ruột gan như chín khúc tơ vò!
Cuộc trăm năm tưởng tới đồng tâm,
Cỏ úa hoa rầu, dẫu sắt đá cũng hai hàng lệ nhỏ.
Anh chị em ta!
Gặp lúc vận nước suy vi,
Giống nòi cực khổ,
Quân quỷ trắng gia tay bóc lột, rày sưu mai thuế, róc tận xương da,
Lũ lằn xanh bu miếng đỉnh chung, bán nước buôn dân kể chi máu mủ!
Tay cách mạng đã từng phen bồng bột, tiếc nơi tâm chí có thừa mà phương châm chưa đủ, sức ve mình chấu đành chịu khoanh tay;
Thôi thì dạy bừa hết cách, đàn áp đủ đường, dàm ngựa ách trâu hãy còn chịu cổ,
Tụi tân học đua nhau Âu hóa, bình đẳng tự do thoa cửa miệng, thực lòng vì nước, trăm người có một, ngắm tiền đồ thêm ngán bọn Tây du.
Bọn cựu Nho toan kế Duy tân, anh hùng lãnh tụ chất đáy lòng, thực dạ vì nòi, xét sổ được bao nhiêu, thôi đại sự chắc chỉ người Đông độ!
Nay gặp lúc phong trào sôi nổi, khắp năm châu trống dục kèn kêu,
Nay gặp người chỉ lối đưa đường, cùng bốn bể triều dâng sóng vỗ.
Rừng cách mạng ta góp cây,
Bão cách mạng ta góp gió.
Màn phấn đấu khởi tháng Hai năm ngoái, cõi Yên bái dậy một phen oanh liệt, máu quốc dân phun nhuộm đẫm sa trường;
Cuộc biểu tình liền tháng Tám vừa đây, đất Hồng Lam gây một trận tung hoành, Tổ Quốc kêu vang kèn dụng võ.
Nhân dân Việt đã quyết chí tiêm cừu;
Đế quốc Pháp phải già tay khủng bố.
Thương những kẻ gan vàng dạ sắt, lăn lóc tuyên truyền cổ động, bỗng rủi cơ mưu bại lộ, nhẹ lông hồng khi lên máy đoạn đầu;
Xót những người rách áo đói cơm, ước ao hạnh phúc dân quyền mà đem tính mạng hy sinh, phá hang cọp để tìm sinh lộ.
Thương những kẻ trong trường thương mại, phá gia nghiệp ngàn vàng tu trợ, án tình nghi không quản lửa kìm tra!
Xót những người án binh nhung, rắp ranh tâm hạn tâm hán, chước đao qua mấy trận tung hoành, hồn nghĩa hiệp nhóng theo hòn đạn nổ.
Bạn má phấn phất cờ nương tử, chí tang bồng duyên hồ thỉ, phận liễu bồ vùi giữa đám binh đao;
Bọn đầu xanh kết tội thiếu niên, đi diễn thuyết, phát truyền đơn, đem mệnh tử để ra ngoài mạng số.
Thương những kẻ Hỏa Lò Khám Lớn, mài mật chống cùng oai vũ, tiếc nỗi gan vàng mà mệnh bạc, hồn lìa theo ngọn búa đầu rơi!
Xót những người Lao Bảo Côn Lôn, nằm gai chịu với phong trần, gặp nơi nước biếc non xanh, xác đành gởi ngàn cây nội cỏ.
Ôi! Thương ôi! Tấc dạ trung trinh, tấm lòng kiên cố; những cái chết đáng thương đáng tiếc, đáng dạ nhớ lòng ghi; những cái chết đáng yêu, đáng bia đồng tượng gỗ.
Người ấy ví còn sống lại, còn hy vọng cho quốc gia dân tộc nhiều, thân kia dầu có chết đi, cũng ảnh hưởng cho cuộc cách mạng đồng bào chẳng nhỏ!
Anh em, chị em ôi!
Tủi phận quê người, chạnh niềm nước cũ; đọc đến chữ “tinh thần bất tử” dạ đinh ninh kẻ khuất với người còn!
Gẫm đến câu “khí phách trường tồn”, lễ truy điệu biểu tấm lòng ái mộ.
Hỡi ơi! Thương thay!
Các nơi khởi nghĩa của VNQDĐ trong ngày 10.2.1930
1. Ngày Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy
http://www.vnquocdandang.org/index.php/l-ch-s-vnqdd/35-ngay-t-ng-kh-i-nghia-yen-bay
2. Nguyễn Thái Học, Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=109035592579895&set=a.109035579246563.18994.100004203634759&type=3&theater
3.NGUYỄN THÁI HỌC, MỘT TUỔI TRẺ BẤT KHUẤT của THẬP NIÊN 30 (thế kỷ 20)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=123100364506751&set=a.123100354506752.26755.100004203634759&type=3&theater
4. Cụ Phan Bội Châu, Chủ Tịch DANH DỰ VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=123102164506571&set=a.123100687840052.26757.100004203634759&type=3&theater
5. Thơ ngày tang Yên Bái của Đằng Phương- Nguyễn Ngọc Huy.
http://chuvanan.free.fr/cva5461/tho-moi/ngay-tang-Yen-Bai.html
6.Văn tế Nguyễn Thái Học
http://vinhdanhcovang.wordpress.com/2013/06/15/van-te-nguyen-thai-hoc/
9.6.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét