Powered By Blogger

NHỮNG BẤT HẠNH CỦA QUÂN LỰC VNCH SAU HIỆP ĐỊNH PARIS 1973


Kể từ khi vận nước nổi trôi vào tháng Ba, tháng Tư năm 1975, đã để lại một vết thương nhức nhối trong lòng những người đã từng cầm súng chiến đấu để bảo vệ  tự do cho miền nam VN như chúng tôi, những ngày tháng đó chính là những vết thương vẩn còn ung mủ, chẳng biết đến bao giờ mới lành miệng. Nhà thơ Khiếu Như Long đã trút cạn tâm sự cùng các chiến hữu trong bài thơ "Tháng Tư Uất Hận", trong một đoạn thơ trích để chúng ta thấy được niềm đau uát nghẹn khi miền nam phải rơi vào vào tay bọn cộng sản Bắc Việt một cách đau đớn:
Tháng Tư mình mất cuộc đời
Ngày buông tay súng chơi vơi hận cuồng
Trời quê hương chợt nhuốm buồn
Một đời chinh chiến hào truông biên thùy.

Quyết định thắng thua trong một cuộc chiến, phần lớn là tùy vào vũ khí và đạn dược của đôi bên. Niềm bất hạnh của QL,VNCH là sau hiệp định Paris 1973. VNCH phải chiến đấu trong một tình trạng hết sức khó khăn, vì thiếu thốn quân viện và vũ khí đạn dược trên khắp bốn vùng chiến thuật.

Để chúng ta có thể hình dung được tầm quan trọng của vũ khí đạn dược trong vấn đề phòng thủ, chúng ta nên nhìn lại cuộc chiến hiện tại ở Ukraina. Hơn 2 năm trời chiến đấu với quân xâm lược Nga, quân đội Ukraine đã được Mỹ và châu Âu tiếp tế đạn dược hết sức dồi dào, nên quân xâm lược phần lớn bị chặn đứng khắp nơi trên chiến trường Ukraine.

Nhưng, từ cuối năm 2023, khi các đồng minh của Ukraine cạn kiệt đạn dược, không hổ trợ đúng mức cho nhu cầu chiến trường , nên buộc quân Ukraine phải rút quân ở những nơi đã từng chiến đấu rất ác liệt để ngăn sức tiến của quân Nga. Cuối cùng vào ngày  17/2/2024, Tân tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết lực lượng Ukraine sẽ phải rút khỏi vùng Avdiivka vì thiếu thốn đạn được và nhằm tránh bị quân xâm lược Nga bao vây gây tổn thất nặng cho phía Ukraine.

Từ việc thiếu thốn đạn dược nên buộc Ukraine phải giao những phàn đất của mình cho quân xâm lược, đó là điều mà những nhà lãnh đạo đất nước cũng như quân sự không ai muốn. Nhìn Ukraine ngày hôm nay, để chúng ta thấy sự khó khăn của QL.VNCH vào những tháng ngày trước khi bị mất nước vào tháng 4/1975, vì bị đồng minh Hoa Kỳ cát quân viện một cách hết sức thô bạo.

Nhớ về cuộc di tản chiến thuật vào tháng 3/1975, mà Tổng Tư Lệnh QL.VNCH Nguyễn Văn Thiệu bất đắc dĩ đã ban hành , để cứu vản tạm thời cho tình thế nguy cấp về đạn dược thiếu thốn lúc bấy giờ. Quân viện bị cắt, nên buộc ông Thiệu và các tướng lãnh lúc bấy giờ phải di tản, cũng như rút quân để tái phối trí.

GÓI VIỆN TRỢ 300 TRIỆU USD

Ngày 24 và 25/1/1975, Tổng thống Thiệu gửi hai văn thư liên tục cho Tổng thống Ford nói tới tình trạng cạn kiệt đạn dược của quân đội VNCH vì – trong trận Phước Long - họ “phải đếm từng viên đạn trước sức mạnh hùng hậu của quân đội Bắc Việt để chiến đấu được lâu hơn.”

Ông Ford yêu cầu Quốc hội vãn hồi số tiền 300 triệu USD, bị Quốc hội cắt.

Một phái đoàn gồm 6 dân biểu lưỡng đảng được phái tới Sài Gòn để ‘thẩm định’ việc hoàn lại số tiền này.

Đang lúc xính vính, hết sức nguy hiểm, Miền Nam lại gặp thêm một bất hạnh nữa: Đa số người trong phái đoàn lại là những người có cả một quá trình chống chiến tranh, chống viện trợ, chống Chính phủ Miền Nam. Họ thuộc cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Như vậy mà lại được phái đi để “thẩm định” xem có nên hay không nên cắt giảm viện trợ “quân sự”, cũng chẳng khác gì cử những người cả đời “ăn chay” đi thẩm định xem nên hay không nên cho mở thêm tiệm bán thịt!

CÁC KHÓ KHĂN CỦA QL.VNCH SAU HIỆP ĐỊNH PARIS 1973

Theo Đại Tướng VNCH Cao Văn Viên hậu quả của cắt giảm quân viện là không quân phải cho hơn 200 máy bay ngưng bay.. giảm giờ bay, huấn luyện 50%, số giờ bay thám thính 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%.. Hải quân cũng bị cắt giảm hoạt động 50%, 600 tầu xuồng các loại nằm ụ, các chiến cụ, quân dụng hư hỏng không được thay thế, chỉ có khoảng 33% được thay mà thôi. Tổng số đạn trong kho chỉ đủ dùng cho đến tháng 6-1975, thuốc men thiếu thốn, số tử vong lên cao khiến tinh thần binh sĩ xuống thấp.
Người Mỹ ký hiệp định Paris để rút quân ra khỏi VN và lấy tù binh về không đếm xỉa gì tới sự tồn vong của miền Nam VN. Sir R Thompson, chuyên viên về du kích chiến cho rằng miền Nam bị đe doạ chỉ vì để cứu nước Mỹ khỏi cảnh xâu xé nhau, miền Bắc bị buộc phải ngồi vào bàn hội nghị để cứu nước Mỹ. Ông M.Gauvin nguyên chủ tịch Ủy Hội Kiểm Soát Quốc tế tuyên bố ngày 4-4-1975 cho rằng miền Nam VN thất bại do quyết tâm bỏ rơi đồng minh của Mỹ. Và Mỹ đã đâm sau lưng người đồng minh của mình.
“Còn về khả năng tồn tại, ông cho là ‘vẫn còn tùy thuộc vào số quân viện Hoa Kỳ cung cấp cho VNCH’. 
ĐT Viên kết luận “Một sự thật không thể chối cãi là quân đội VNCH sẽ hết đạn và nhiên liệu vào tháng 6-1975 nếu không nhận được quân viện phụ trội. Và một quân đội sẽ không thể nào chiến đấu nếu không có những trang bị cần thiết để chiến đấu” Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy (KĐMTC) trang 457"

TÌNH TRẠNG ĐẠN DƯỢC CỦA QL:VNCH TRONG THỜI GIAN 1974-1975

Theo báo cáo của Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng cục Phó Tổng cục Tiếp vận đã ghi lại tình trạng quân trang quân dụng của VNCH như sau:

‘Sau Hiệp định Paris, viện trợ và tiếp liệu cho VNCH đã bị cắt giảm, năm đầu tiên, tiền viện trợ còn 1.4 tỷ USD, nhưng qua năm thứ 2, chỉ còn phân nửa, Do đó tại Tổng Cục Tiếp Vận (TCTV), đã đưa ra khuyến cáo yêu cầu mọi ngành tiết kiệm, tìm cách để mọi người sử dụng kỹ hơn những gì đang có. Đại tá Loan cho biết: việc chú trọng nhiều nhất là đạ dược vì đạn chiếm 70-80 % ngân sách được cấp.

’Đạn càng ngày càng thiếu thốn, bắt đầu từnăm 1974, chiến sự gia tăng, những cuộc đụng độ xẩy ra thường xuyên hơn, nhất là tại Khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhu cầu đạn tăng thêm. Các tiền đồn khi bị tấn công rất cần sự yểm trợ của Pháo binh.


‘Vấn đề thiếu thốn thứ nhì, sau đạn, là nhiên liệu: Nhiên liệu cho trực thăng, phi cơ chiến đấu, chiến hạm, chiến đỉnh và xe vận tải..Thời gian hoạt động của các phương tiện này bị cắt giảm bớt phân nửa. Sự kiện này không xẩy ra ngay khi HK rút quân, nhưng suy giảm từ từ , xuống còn ..phân nửa vào năm 1974.
Để tiết kiệm đạn, trong tài khóa 1974, chúng tôi (TCTV) cắt giảm đủ mọi loại đạn, ngoại trừ đạn nổ sát thương HE, bỏ hỏa châu, đạn đại bác soi sáng..không còn tiền để mua hỏa châu cầm tay.. Thiếu nòng đại bác để thay thế hư hỏng, thiếu cơ phận cho Thiết vận xa M-113, thiếu nòng súng cá nhân M-16 để thay thế.


Để chống chiến xa CSBV chúng tôi phải đem bazooka 3.5 (loại súng của thời Thế chiến 2), ra dùng lại vì M-72 trở thành khan hiếm..’ Những người lính ra trận thường được cấp một cấp số đạn là 400 viên M.16, nay do thiếu đạn nên cấp số chỉ cón 1/2 là 200 viên. Cho đến đầu năm 1975, một binh sĩ Nam Việt Nam chỉ còn được phát có 60 viên đạn cho một tuần. 
Xin lập lại 60 viên M16 trong một tuần. Đạn trọng pháo bị cắt 90%, xe tăng và phi cơ bị cho nằm ụ vì thiếu cơ phận thay thế (chúng trở thành những bức tượng điêu khắc bất động).

TÌNH TRẠNG VỀ CHIẾN XA:

'.. Chúng tôi (Lục quân Công xưởng) không có khả năng tu bổ hay tái tạo lại các xe M-113 và xe tăng M-48 bị hư hỏng khi chiến đấu, Chúng tôi phải gừi các xe này về HK để tân trang. Nhưng Cơ xuởng sửa chữa HK đòi hỏi phải có BIIL (Basic Issues Items Lists=Danh sách các cơ phận chính yếu) đính kèm: Yêu cầu này có nghĩa là khi gửi ‘chiến xa hư hỏng’ đi chữa, phải gửi kèm theo tất cả các cơ phận phụ như thiết bị vô tuyến, giá gắn súng..Chúng tôi cố gắng đáp ứng yêu cầu BIILs, nhưng nhiều khi các thiết bị này đã bị phá hủy khi đụng trận.. Khi tân trang xong, Cơ xuởng HK thường ..quên gửi trả lại BIILs và chúng tôi nhận lại xe tăng, không có trang bị vô tuyến! Chưa kể mất rất nhiều thời gian (có khi hàng 2, 3 tháng) để gửi chiến cụ hư hỏng sang HK đến khi được nhận lại !..

TÌNH TRẠNG PHÁO BINH:

Pháo binh (PB) được xem là một lực lượng quan trọng của QL VNCH trong việc yểm trợ chiến trường. Vai trò của Pháo binh còn tối cần thiết hơn khi Không quân trở thành kém hữu hiệu.
Trước khi Hiệp định Paris ra đời thì PB QL VNCH đã luôn túc trực để yễm trợ tối đa theo nhu cầu. Tình trạng đạn tồn trữ giảm xuống nhanh chóng sau khi ký HĐ Paris và lệnh tiết kiệm được ban hành và áp dụng: Trên thực tế, tình trạng cấp số đã được định, TT Thiệu tuy ‘bực bội’ và trong các buổi họp tham mưu, đòi hỏi là nơi chiến trường quân đội phải được tiếp tế đạn theo nhu cầu, nhưng không thể thực hiện được vì không đũ đạn dược. Một Tư lệnh cho biết:‘ Năm 1972, chúng tôi (PB) được bắn..thoải mái, vô giới hạn, chỉ cần giữ nhịp bắn để đừng làm hư hại nòng pháo; đến 1975 mức độ tiếp liệu trung bình chỉ còn khoảng 10 % con số của 1972 ’
Trong tập sách của Đại Tuớng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu truởng của QLVH đã ghi (trang 86-94) khá nhiều chi tiết về tình trạng khó khăn về tiếp liệu của QL VNCH:

‘Vào cuối năm 1974, tổng số nhu cầu cần được thay thế lên đến 400 triệu mỹ kim. Những quân dụng cần thiết nhất như là vũ khí và đạn thì chỉ được thay thế khoảng 70 %. Một vài chương trình thay đổi quân dụng bị đình chỉ vì thiếu ngân quỹ..’

'Chỉ có 33 % (tương đương 24 triệu mỹ kim ) tổng số quân cụ/vũ khí cần thiết được thay thế. Thiếu phụ tùng thay thế càng tạo thêm trở ngại cho vấn đề bảo trì. Nhiều quân cụ/vũ khí tại các đơn vị tác chiến phải chờ từ 30 đến 45 ngày để được thay thế, sửa chữa’.
Tướng Viên đưa ra một bảng nhu cầu thay thế khá chi tiết về các chiến cụ bao gồm xe tăng, đại bác, quân xa.. Mà phần trăm cần thay thế lên đến từ 60 (cho đại bác 175) đến 95% (cho đại bác 155ly) chưa kể hơn 4000 quân xa..nằm ụ.

Quan trọng nhất là số lượng đạn tồn kho (tháng 2 năm 1975), giảm đến mức nguy hiểm: so với mức dự trữ căn bản là 60 ngày chỉ còn cung ứng được 30-40 ngày!

Đạn và Số ngày tồn kho
Đạn M-16 : 31
Phóng lựu 40 ly: 29
Súng cối 60: 27
Súng cối 81: 30
Đại bac 105: 34
Đại bac 155: 31
Lựu đạn: 25
Với thời gian là 45 ngày từ lúc đặt hàng và chuyên chở tới VN bằng tàu, thì thờì gian..quá lâu cho trường hợp khẩn cấp.. Sau tháng 3-1975, với tất cả các đơn vị di tản từ Vùng I và II về, tình trạng đạn tồn kho trở nên tuyệt vọng. Tháng 4-1975, đạn tồn kho ở 4 kho đạn dự trữ tuột xuống chỉ còn đủ dùng trong 14 đến 20 ngày.

Một bản báo cáo ‘mật’ với tựa đề ‘ Tình trạng đạn của Nam Việt Nam’ gửi cho Ủy Ban Quốc Hội Mỹ trong cuộc viếng thăm VN vào tháng 2,1975, ghi:

'Việt Nam tiêu thụ 131 ngàn tấn đạn trong khoảng thời gian từ 1 tháng 7, 1974 đến 31 tháng Giêng 1975, trung bình mỗi tháng khoảng 18 ngàn 700 tấn, con số tương tự như trong thời gian cuối 1973 nhưng cao hơn thời gian Tháng 4-Tháng 9, 1973.’

Về số luợng đạn đại bác bắn mỗi tuần cũng được đưa ra với nhiều chi tiết:
‘Trong năm 1973, VNCH bắn đi 39 ngàn quả mỗi tuần (trong các tháng 4 và 5) , Tăng lên đến 63 ngàn mỗi tuần (trong các tháng 11 và 12. Năm 1974 PB VNCH bắn 76 ngàn quả/ tuần (trong các tháng 5 và 6) giảm xuống còn 63 ngàn/ tuần (trong các tháng 9, 10 và 11).
Tổng số lượng đạn cần thiết để đủ dùng trong 2 tháng được ghi là 126 ngàn tấn; Với sự cắt giảm ngân sách từ Quốc hội HK: lượng đạn bị cắt 30 % và số đạn ở mức ’an toàn’ sẽ hết vào giữa năm 1975 (Defense Department Fact sheet:”GVN Ground Ammunition Situation” to Rep. Fenwich)

Trước những thiệt hại của QL VNCH trong khi chống trả lại các cuộc tấn công của CSBV, và để tìm hiểu tình hình thực tế tại VN, Ngày 25 tháng 3, 1975 ,TT Ford đã gửi một phái đoàn đặc biệt do Tuớng Frederic Weygand hướng dẫn đến VN. Phái đoàn của Tướng Weygand đã đưa ra những nhu cầu tối thiểu và khẩn cấp của VNCH để có thể tồn tại: ‘744 đại bác, 446 tank và thiết vận xa, trên 100 ngàn súng trường, trên 5000 súng máy, 11 ngàn súng phóng lựu, khoảng 120 ngàn tấn bom/đạn, cùng khoảng 12 ngàn xe vận tải’ (Without Honor: Defeat on Vietnam and Cambodia của Arnold Isaacs trang 146). Bản báo cáo này không được Quốc Hội HK quan tâm vì lý do đơn giản: ‘No more VietNam’.

Tháng 3 năm Giáp thìn 2024 lại về, người lính bất hạnh năm xưa, ngậm ngùi nhớ lại những nổi niềm bất hạnh của đồng bào miền nam VN nói chung và cho QL.VNCH nói riêng, sau cùng là xin thắp nén hương lòng để dâng lên các chiến hữu đồng đội của tôi đã gục ngả trong  cuọc chiến quốc cộng  trước 1975 và hơn 1 thập niên sau 1975.
Người lính VNCH năm xưa Vũ Thái An, 4 März 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét